Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (4)


Xem mục lục

Các yoga của giai đoạn thành tựu của mỗi hệ thống của bốn yoga tantra tối thượng này là một cái gì duy nhất. Tuy nhiên, truyền thống Guhyasamaja được xem như chìa khóa cho bộ luật của các cái kia, chỉ trừ Kalachakra. Sự thực hành trong phái Gelukpa(1) là trước tiên nhìn vào cơ cấu giai đoạn thành tựu của Guhyasamaja như là chìa khóa để hiểu hai tantra chính yếu kia, và rồi dùng cả ba cái này như là nền tảng để đi vào hệ thống Kalachakra.

Giai đoạn thành tựu của Guhyasamaja gồm có sáu yoga. Chúng có tên là sự biệt lập của thân, sự biệt lập của khẩu, sự biệt lập của tâm thức, thân huyễn, tịnh quang, và đại kết hợp.(2)

Ở đây những đối tượng như là các tiêu điểm chính của thực hành là các mức độ thô, tế và cùng cực vi tế của thân và tâm. ‘Thân và tâm thô’ nghĩa là thân thể bình thường này và thức giác quan mà thân nâng đỡ. Thân vi tế là cái được tạo bởi các kinh mạch, năng lực và hạt ; và tâm vi tế gồm mọi mức độ ý niệm của tâm thức. Cuối cùng ‘thân tâm cùng cực vi tế’ ám chỉ năng lực nền tảng nó đi cùng với tâm thức cùng cực vi tế, cái tâm thức tịnh quang nguyên thủy, hiện diện từ đời này sang đời khác.

Ba cái này phải được tách lìa khỏi nhau để cho cái vi tế hơn được dùng cho thiền định. Các yoga của giai đoạn thành tựu có chủ đích là như vậy. Như một kết quả của thực hành chúng, người ta có được khả năng đi vào thiền định mà không bị ngăn chặn bởi các giới hạn của các mức độ thô của thân và tâm.

Tiến trình là thu gom lại các năng lực vật lý vi tế nhất của thân và đem chúng đi vào kinh mạch trung ương đến luân xa trái tim. Thế rồi người ta áp dụng các yoga Mật thừa đặc biệt để ‘đúc tạo’ chúng thành một thân huyễn. Cái thân huyễn này nâng đỡ một tâm thức ở mức độ rất vi tế, nó sẽ được dùng để thiền định về tánh Không.(3)

Dalai Lama thứ Bảy diễn tả kinh nghiệm theo cách như vầy trong Những bài ca của sự chuyển hóa tâm linh :

Người ta tắm đẫm tâm thức trong tịnh quang vốn sẵn đủ của tâm,

Đúc tạo các năng lực vi tế thành thân tướng của một vị hóa thần,

Và an trụ không động lay trong yoga rạng rỡ, thâm sâu

Nó không phân chia thiền định và không thiền định.

Khi mới phát sanh, thân huyễn được gọi là ‘bất tịnh’. Nó được làm cho trong sạch bằng thiền định về tánh Không từ trong sự tỉnh giác về tâm thức tịnh quang, cho đến khi trở nên ‘thân huyễn thanh tịnh’. Thân huyễn bất tịnh này, được tạo ra từ năng lực vi tế rất mực, lại có thể dùng để chuyển hóa thân thể vật lý bình thường thành ‘thân thể cầu vồng’. Ở đây các hợp thể vật lý thô của thân thể được giải phóng, và nền tảng vật lý của một người trở nên được làm bằng ánh sáng cầu vồng. (Tuy nhiên, dầu cho ‘thân cầu vồng’ này đặt nền trên chất liệu vi tế, nghĩa là ánh sáng năng lượng, nó cũng không giống với ‘thân không’ rốt ráo phi vật chất được tạo ra trong các yoga Kalachakra.)

Cái ‘tâm thức tịnh quang’ được đề cập ở đây, trong các yoga tantra tối thượng là có hai loại và cũng có hai mức độ. Hai loại tâm thức tịnh quang được gọi là ‘mẹ và con’. ‘Tịnh quang mẹ’ để chỉ mức độ tịnh quang bổn tánh tự nhiên của tâm thức, phương diện vi tế và nguyên sơ tối thượng của tâm thức mà tất cả chúng ta đều hiện có. Nó là phương diện sâu thẳm nhất của tiềm thức, và như thế nó không thể thâm nhập được bởi một người không tu hành, dầu cho nó là nền tảng của mọi hoạt động tâm thức. Trái lại, cái ‘tịnh quang con’ là sự chứng ngộ tịnh quang do trau dồi thiền định ; nói cách khác, nó là sản phẩm của một nỗ lực thiền định. Cái ‘tịnh quang con’ này được trau dồi qua các giai đoạn khác nhau, hai cái chính gọi là ‘tương tợ’ và ‘thực sự’.

Như thế, con đường của các tantra chánh yếu cố gắng đem lại sự kết hợp, hòa hợp trọn vẹn của thân huyễn thanh tịnh và tâm thức tịnh quang thật sự, một trạng thái gọi là ‘Đại kết hợp’, đồng nghĩa với Phật tánh.

Các phương pháp của giai đoạn thành tựu được dùng để giác ngộ xảy ra nhanh chóng bao gồm sự làm việc với cái được gọi là ‘thân kim cương’. Chúng ta sẽ thấy về sau nó được dùng như thế nào trong Kalachakra, Dalai Lama thứ Nhất đã diễn tả sự thiền định một cách chi tiết trong Ghi chú về hai giai đoạn thiền định của Kalachakra vinh quang. Tiến trình là rất giống với Guhyasamaja và các tantra chính yếu khác, dầu cho có vài khác biệt trong chi tiết (hầu hết đã được kê ra bởi Dalai Lama thứ Nhất).

Chủ đề của thân kim cương gồm việc phóng xuất một hình tướng thuộc về tâm thức của cái mà Tây Tạng gọi là tsa lung tikley, hay ‘kinh mạch, năng lực sống và hạt’.

Trong Guhyasamaja các kinh mạch được quán tưởng giống như Dalai Lama thứ Nhất diễn tả trong giảng giải của ngài về Kalachakra, dầu cho trong Guhyasamaja và các cái kia các kinh mạch ấy không vượt quá khỏi rốn. Các kinh mạch này tụ hội ở một số trung tâm năng lực, hay chakra (luân xa), và ở mỗi trung tâm năng lực chúng tụ hội thành hình của một hoa sen có cánh. Trong Guhyasamaja và các tantra chính khác luân xa quả tim có năm cánh, yết hầu mười sáu, đầu ba mươi hai và rốn sáu mươi bốn. (Kalachakra lại có một số riêng biệt về vấn đề này.) Sự bàn luận của Guhyasamaja về các năng lực hạt chất thì cũng giống như cách trình bày của Kalachakra, với một số khác biệt là cái trước nói đến năm năng lực sống động trong khi cái sau chia chúng thành mười thứ.

Chủ đề tikley, hay ‘hạt, giọt’ đáng được đề cập riêng biệt. Trong các tantra chính, các cái ấy là những năng lực dương và âm của thân, cái trước được tượng trưng bằng một giọt tinh khí và cái sau bằng một giọt trứng. Những ‘giọt, hạt’ này được xem là ảnh hưởng mạnh mẽ vào sinh quyển tình cảm và tâm lý. Nơi người không tu hành, các ‘hạt’ dương và âm này, một từ có lẽ dịch hay hơn là ‘hormone’, kích thích tố, lưu chuyển trong thân một cách ngẫu nhiên tùy tiện, bị dẫn dắt bởi khí của bản chất nghiệp lực. Thiền giả áp dụng các phương pháp của giai đoạn thành tựu để đem các giọt này vào sự hài hòa và chuẩn bị chúng để dùng như một ‘ngôi nhà mới’ của tâm thức. Chỗ trú ngụ vật này lại làm sanh khởi cho một mức độ tinh vi hơn và vững chắc hơn của tâm thức, người ta nhuần thấm bởi một lạc phúc được ví von và nói là mạnh mẽ gấp hàng trăm lần hơn sự cực khoái của tình dục. Tâm thức này được đại lạc tràn thấm khắp và rồi được an vị trong thiền định về tánh Không, khiến cho xảy ra một trạng thái mà Tây Tạng gọi là lhenkyey detong yeshey, dịch là ‘trí huệ nguyên sơ thấu đạt tánh Không cùng với Lạc’ hay có thể là ‘trí huệ nguyên sơ vốn có về Lạc và Không’.

Như chúng ta sẽ thấy về sau, hệ thống Kalachakra hành xử với bốn loại hạt khác không được đề cập đến trong các tantra chính.

Qua sự làm việc với các kinh mạch, trung tâm, hạt và các dòng năng lực này, thiền giả tiến bộ dọc theo các mức độ khác nhau của sáu yoga giai đoạn thành tựu.

Giai đoạn thành tựu thường được định nghĩa như là yoga tantric trong đó hành giả tu hành nhờ gây ra các năng lực vi tế khiến cho đi vào, ở lại và tan hòa trong kinh mạch trung ương qua thiền định. Trong khuôn khổ này, các từ ‘con đường thứ nhì’, ‘con đường vượt khỏi sự tưởng tượng sáng tạo’, ‘giai đoạn viên mãn’ và ‘con đường vượt lên sự phóng ảnh của tâm thức’ là các từ đồng nghĩa và ám chỉ một tiến trình thiền định như nhau. Như đã nói ở trước, các yoga này có sáu. Mỗi cái lại có định nghĩa riêng, nhưng vì chúng có tính cách kỹ thuật quá nên tôi không kê ra ở đây.

Cái đầu tiên của sáu yoga là yoga của sự biệt lập thân. Nó được gọi như thế vì trong nó mọi hình tướng vật lý bình thường đều bị giải tan và làm sanh khởi trong hình tướng của các mạn đà la hay của các hóa thần. Như thế trong một nghĩa, nó là sự tiếp tục của giai đoạn phát sanh, vì năng lực của quán tưởng vẫn còn là sức mạnh ban đầu được dùng. Tuy nhiên, bởi vì cường độ của mức độ thiền định và cũng vì các mức độ vi tế của năng lực trong thân được huy động, nó được xếp vào như là giai đoạn thành tựu. Tiến trình làm nảy sanh bốn trạng thái vi tế của tâm thức, gọi là ‘bốn cái Không’, nó có bản chất lạc phúc và được hướng đến sự thiền định về tánh Không.(4) Trong bối cảnh này bốn ‘cái Không’ đôi khi cũng được gọi là ‘bốn niềm vui’.

Các đối tượng của yoga gồm các uẩn, các đại, các nhập, và các đối tượng của giác quan, mỗi thứ gồm có năm, làm thành một tổng thể hai mươi lăm yếu tố. Năm gia tộc Phật được áp dụng cho mỗi cái của hai mươi lăm cái, làm thành một tổng thể một trăm bản chất tối thượng. Ở đây bốn đại cùng với thức, tạo thành ‘năm bản chất Như’ để thiền định về. Thân, khẩu, ý được quán tưởng như các hóa thần của ba kim cương là ba bản chất bí mật. Cuối cùng, hành giả sở hữu ba cửa được quán tưởng như là Phật Vajradhara, ngài là ‘bản chất đơn độc đại bí mật’. Tất cả các yếu tố này được ‘đóng dấu’ bằng dấu ấn của Lạc và Không, và được ‘cách ly biệt lập’ trong bản tánh của một thân thể hóa thần. Rồi hành giả hành yoga về ‘hạt’ vi tế ở đầu viên ngọc, như thế khiến các năng lực sống, có tâm thức mà chúng nâng đỡ đi kèm theo, đổ vào trong kinh mạch chính. Chúng đi vào, ở lại và tan dần ở trái tim. Người ta hoàn thành sự nhập định trong cảnh giới Lạc và Không, và đạt đến định ‘sự biệt lập của thân kim cương’ trong đó một trăm bản chất và vân vân xuất hiện như là các hình tướng thiêng liêng. Điều này là dấu hiệu thành tựu của yoga biệt lập thân.

Yoga thứ hai là ‘biệt lập khẩu’. Khẩu, lời nói ở đây ám chỉ năng lực sống, ở cả hai mức độ thô của hơi thở của thân và mức độ vi tế của năng lực thân. Dalai Lama thứ Mười Ba nói về yoga này như sau trong Một hướng dẫn vào Tantra Phật giáo :

Nền tảng của sự biệt lập thứ hai, sự biệt lập của khẩu gồm những năng lực gốc và cành trong hình thức thô và tế và đặc biệt năng lực duy trì sự sống ở trái tim. Cùng với những hạt không thể hoại. Cái này, nền tảng của mọi biểu hiện, an trú như một âm ngắn A, biểu tượng của sự sâu thẳm tối hậu.

Thiền giả đi vào kỹ thuật thở gọi là trì tụng kim cương, trong khi thông cảm sự bất khả phân của hơi thở/năng lực và thần chú, như thế kinh nghiệm sự biệt lập trong bản chất của một thân huyễn. Người ta chuyển di hạt bất khả hoại đến các chỗ khác nhau của thân thể, như các trung tâm lực ở trái tim, đầu, chỗ bí mật, vân vân. Lại nữa, người ta đi vào yoga hơi thở ‘cái bình’, dùng như các đối tượng tập trung là hạt bất khả phân, cùng với các vòng thần chú, các năng lực trong bản chất năm sự tỏa sáng, các chất trắng và đỏ (nghĩa là dương và âm) bị khóa trong sự kết hợp huyền bí và tạo thành một hạt kích cỡ bằng hạt mù tạt và vân vân.

Theo cách này mọi năng lực gốc rễ, chỉ trừ năng lực nhuần thấm khắp, đều được đưa vào kiểm soát. Bấy giờ thiền giả áp dụng sự trì tụng kim cương và làm bật lên ngọn lửa huyền bí. Các năng lực sống động được rút vào trong hạt bất khả hoại, và các gút kết trong các kinh mạch ở trung tâm trái tim được mở thoát. Đây là tiến trình của yoga biệt lập khẩu, đại định của khẩu kim cương.

Như chúng ta sẽ thấy ở sau trong Ghi chú về hai giai đoạn của Kalachakra vinh quang của Dalai Lama thứ Nhất, hai kỹ thuật của yoga là trì tụng kim cương và thở ‘cái bình’ cũng rất quan trọng trong hệ thống Kalachakra. Vì các thực hành này được giảng giải chi tiết trong bản văn đó, nên ở đây không cần thiết phải diễn tả ra.

Yoga thứ ba là yoga ‘biệt lập tâm ý’. Ở đây nói rằng các tiêu điểm thực hành là các tâm thức vi tế của ba hiện tướng và tám mươi tâm thức ý niệm. Người ta dựa vào điều kiện bên trong của sự trì tụng kim cương và điều kiện bên ngoài của một phối ngẫu được quán tưởng hay là thực sự, và ‘biệt lập’ vào trong cảnh giới của tịnh quang ‘tương tợ’ thấu rõ tánh Không. Rồi người ta khơi dẫn bốn niềm vui của các năng lực chảy xuống và dâng lên. Như một điều kiện bên trong, người ta tập trung sự trì tụng kim cương vào năng lực nhuần thấm khắp. Kinh nghiệm thân thể tan biến vào tịnh quang nơi trái tim sanh khởi, cũng như cái thấy về thế giới và các cư dân của nó. Sự tan rã của tám mươi tâm thức ý niệm tự nhiên được chứng nghiệm : ba mươi ba trong bản chất hiện tướng, bốn mươi trong bản chất tăng trưởng và bảy trong bản chất cận đạt. Tám mươi tâm thức ý niệm tự nhiên này, nó được chuyên chở các năng lực thô và tế bị ô nhiễm, được giải tan như khi ở giờ phút chết. Các trí huệ về ba hiện tướng sinh ra, dẫn dắt tâm thức đến kinh nghiệm về tịnh quang tương tợ. Đây là tiến trình yoga ‘biệt lập tâm thức’.

Trong truyền thống Yamantaka, ‘biệt lập tâm thức’ được chỉ ra như là ‘yoga                              ‘. Bình luận về nó, Lama Lobzang Chinpa viết trong Hai giai đoạn của Tantra Yamantaka :

Qua sự y cứ vào yoga, người ta đem tất cả các năng lực vào kinh mạch trung ương và kinh nghiệm mọi cấp giai đoạn của sự thu rút năng lực, như trong thời gian cái chết. Điều này làm sanh khởi kinh nghiệm về tịnh quang tương tợ và sự biệt lập tâm thức rốt ráo.

Sự dùng từ ‘biệt lập tâm thức rốt ráo’ là quan trọng. Giai đoạn này chỉ được hoàn thành khi thiền giả có khả năng làm sống động tiến trình cái chết trong thiền định và đi vào một trạng thái như tình trạng hôn mê. Mọi dấu hiệu của cái chết biểu lộ, kể cả tịnh quang của sự chết. Thiền giả áp dụng các kỹ thuật ‘tịnh quang tương tợ’, đi vào trạng thái chết, và tạo những năng lực nguyên sơ thành một thân huyễn.

Có nói rằng sự biệt lập tâm thức rốt ráo này và sự tạo ra thân huyễn chỉ có thể được hoàn thành trong đời này qua những phương tiện quy ước thông thường nếu người ta đã hoàn thành nó trong một đời trước ; để hoàn thành nó lúc ban đầu, người ta phải nương dựa vào karmamudra hay hành động ấn, nghĩa là một phối ngẫu tình dục, hay hoàn thành yoga trong trung ấm. Kỹ thuật này được áp dụng ở đây.

Yoga thứ tư, yoga thân huyễn, được diễn tả như sau bởi Lama Lobzang Chinpa trong Hai giai đoạn của Tantra Yamantaka :

Những năng lực vi tế của thân được chuyển hóa ánh sáng năm màu hoạt động như là nguyên nhân thể chất, và tịnh quang tương tợ của tâm thức hoạt động như là điều kiện hiện diện đồng thời. Thế rồi… người ta chuyển hóa các uẩn cũ kỹ của mình và làm cho chúng khởi lên như là thân thực sự của hóa thần, trang nghiêm bằng các tướng chánh và phụ của sự hoàn hảo, giống như một con cá vọt lên khỏi chiều sâu của mặt hồ.

Đây là thân huyễn bất tịnh của chín giai đoạn… Bản chất của nó được diễn tả bằng năm hình ảnh : thân của một giấc mộng, một hình bóng trong gương, hình bóng mặt trăng trong nước, một người huyễn (do một hóa sư phù thủy làm ra), và một bọt nước.

Nền tảng để tạo ra thân huyễn có hai cái : tịnh quang tương tợ (đạt được trong yoga trước), nó hoạt động như là một điều kiện hiện diện đồng thời ; và năng lực sống của năm sự tỏa chiếu, chiếc xe chuyên chở tịnh quang này, hoạt động như nguyên nhân thể chất. Đó là điều tạo ra thân huyễn được diễn tả bằng sự ví von khác nhau và có những đặc tính tương hợp. Chính cái thân huyễn này thay thế cho công đức được phát sanh trong Giáo thừa công truyền nhờ ba a tăng kỳ kiếp tu hành, và nó trong Kim Cương thừa đại diện cho mức độ quy ước của chân lý. Thường có nói rằng người nào đạt đến mức độ này của thân huyễn thì được bảo đảm sẽ giác ngộ ngay trong đời này.

Tiếp theo là yoga tịnh quang. Ở đây ngài thứ Mười Ba Vĩ Đại cho một tổng kết súc tích trong Một hướng dẫn vào Tantra Phật giáo :

Thời gian bên ngoài để trau dồi kinh nghiệm tâm thức tịnh quang là bình minh, khi chưa có mặt trời cũng không có mặt trăng và bóng tối còn chưa rút đi. Thời gian bên trong là trạng thái thiền định trong đó người ta kinh nghiệm sự giảm lắng của ba hình tướng (tức là hiện tướng, tăng trưởng và cận đạt), như chính lúc chết. Vào lúc kết hợp của hai thời điểm này, tâm thức tịnh quang rất dễ dàng được gợi ra. Vào thời gian khi cả hai có được, thiền giả dựa vào điều kiện bên trong và bên ngoài để làm hiển lộ tịnh quang mà trong Kim Cương thừa nó tiêu biểu cho mức độ tối hậu của chân lý và là phương thuốc xóa sạch tức thời chín nhóm ngăn chướng trí huệ.

Yoga thứ sáu và cuối cùng của giai đoạn thành tựu là yoga của sự đại kết hợp. Ở đây, người ta đi ngược lại tiến trình nhờ đó người ta đã vào trong tâm thức tịnh quang, lùi lại tâm thức cận đạt vân vân. Đồng thời người ta kinh nghiệm con đường của tự do giải thoát, sự đại kết hợp siêu việt, nó được sinh ra từ tâm thức và năng lực vô nhiễm. Phát sanh từ định này, người ta chứng ngộ tính chất không thể phân chia của thân và tâm. Giai đoạn này gọi là ‘sự đại kết hợp của một thiền sinh’. Thế rồi người ta làm mạnh thêm kinh nghiệm bằng cách đi vào ba phương pháp được gọi đơn giản là thi thiết, không thi thiết, và không thi thiết tối hậu.

Tu hành theo lối này người ta kinh nghiệm tịnh quang ở mức độ thành tựu của sự tu hành, và như thế trừ sạch mọi ngăn che chướng ngại toàn giác và đạt đến ‘sự đại kết hợp của vô tu’, nó được làm giàu có bởi bảy đức huyền bí. Đây là giai đoạn giác ngộ hoàn toàn.

Lama Lobzang Chinpa nói một cách hùng biện về yoga chót này trong cuốn luận Hai giai đoạn thiền định về Yamantaka Tantra của ngài :

Người ta khởi dậy từ lạc phúc và trí huệ đồng thời sanh này. Lúc ấy nguyên nhân thể chất – năng lực vi tế của thân, sanh khởi như là năm ánh sáng, nó là phương tiện chuyên chở của nguyên nhân hiện diện đồng thời, nghĩa là tịnh quang thật sự của tâm thức – khiến cho các uẩn chuyển hóa thành thân kim cương trang nghiêm tròn vẹn. Người ta đạt đến thân huyễn thanh tịnh, xả bỏ mọi che chướng khách quan và sự chứng ngộ tịnh quang trở nên hiển lô trọn vẹn.

Thân huyễn thanh tịnh này bèn thâm nhập vào hóa thân thô trước kia, và lúc đó khởi sanh sự kết hợp nhất vị của thân huyễn thanh tịnh với bản tâm thanh tịnh, tức là trí huệ tịnh quang thực sự. Giai đoạn này gọi là ‘sự đại kết hợp của một thiền sinh’.

Khi hành giả ở mức độ này nhận thấy những dấu hiệu sẵn sàng để đạt đến giai đoạn ‘đại kết hợp của một thiền sư’, người ấy đi vào thiền định… Như trước kia, người ta nương dựa vào điều kiện bên ngoài là karmamudra và điều kiện bên trong là thiền định về tánh không, đưa các năng lực vào trong kinh mạch trung ương để chúng ở yên và tan biến ở đó. Cái khoảnh khắc đầu tiên của tâm thức tịnh quang tiếp theo kinh nghiệm này phá hủy các che chướng ngăn ngại sự toàn giác. Trong khoảnh khắc thứ hai, người ta trực tiếp tri giác mọi đối tượng của trí huệ, cả quy ước danh tướng lẫn tối hậu, cũng trực tiếp như một miếng trái cây trong bàn tay.

Như chúng ta có thể thấy ở trên, Guhyasamaja và Yamantaka trong giai đoạn thành tựu cũng nói cùng một ngôn ngữ như vậy. Sự phân biệt thực sự duy nhất, như được ngài thứ Mười Ba Vĩ Đại chỉ ra trong Một hướng dẫn vào Tantra Phật giáo, là cách các yoga được xếp chung với nhau :

Như đối với các yoga giai đoạn thành tựu (của Yamantaka tantra), những yoga này được xếp thành bốn nhóm. Ở đây các yoga biệt lập thân và khẩu hợp lại thành yoga thần chú. Biệt lập tâm trở thành yoga cam kết, tận tâm. Cả hai phần đoạn thân huyễn bất tịnh và thanh tịnh hợp thành yoga hình sắc. Cuối cùng, hai phần đoạn tịnh quang tương tợ và thực sự trở thành yoga trí huệ.

Tương tự, ngài thứ Mười Ba Vĩ Đại giải thích giai đoạn thành tựu của Heruka Chakrasamvara qua chìa khóa của hệ thống Guhyasamaja :

Như đối với các thực hành trong giai đoạn thành tựu (của Heruka Chakrasamvara), ở đây thiền giả chú tâm vào trung tâm ở rốn. Các năng lực nghiệp được đem vào kinh mạch trung ương và bốn sự hoan hỷ thấm xuống và dâng lên được khơi dẫn. Rồi người ta nương vào các thiền định về trì tụng kim cương và nhập định theo hệ thống. Theo cách này, về phương diện tánh Không (nghĩa là về kinh nghiệm của thực tại ở mức độ tối hậu) người ta đạt được kinh nghiệm bất khả tư nghì về tịnh quang tương tợ và thật sự ; và về phương diện hình tướng (nghĩa là về kinh nghiệm của thực tại ở mức độ quy ước danh tướng) người ta thành tựu các giai đoạn bất tịnh và thanh tịnh của thân huyễn mầu nhiệm. Thế rồi người ta hiển lộ trạng thái bất khả tư nghì của đại kết hợp, cả hai thứ, của người tu hành và vượt khỏi sự tu hành.

Cộng thêm vào ba truyền thống yoga tantra tối thượng chính ở trên (Guhyasamaja, Yamantaka và Heruka Chakrasamvara) các thiền giả Mật thừa Phật giáo Ấn Độ cổ thời còn đi vào các dòng tantra khác. Hai cái quan trọng nhất trong số đó là Hevajra và Mahamaya. Các thực hành giai đoạn thành tựu của hai cái này, hợp với ba dòng tantra chính ở trên, được hòa trộn vào một bộ phận thống nhất bởi vị guru Ấn Độ Tilopa và truyền cho đại đệ tử là Naropa. Naropa trao truyền cho Marpa nhà Dịch Giả, vị này phổ biến nó ở Tây Tạng với tên là ‘Sáu Yoga của Naropa’. Naropa cũng có một sự trao truyền thứ hai các yoga này cho nữ đệ tử chính là Niguma, vị nữ thiền giả này lại truyền thừa cho một trong các đệ tử Tây Tạng của mình là Khyungpo Naljor, vị này phổ biến nó rộng rãi ở Xứ Tuyết, đại chúng hóa nó như là ‘Sáu Yoga của Niguma’. Hai truyền thống của giai đoạn thành tựu này, đã được Tilopa tổng hợp và được Naropa và các đệ tử trao truyền, sau đó đã lan rộng khắp mọi tông phái của Phật giáo Tây Tạng.(5)

Như chúng ta sẽ thấy trong những chương sau, Naropa cũng là khuôn mặt trung tâm trong sự truyền thừa giáo lý Kalachakra. Như vậy ảnh hưởng của ngài lên Phật giáo Tây Tạng quả thật là rộng rãi.

Hầu hết các bình giảng Tây Tạng về giai đoạn thành tựu kết luận với một tiểu đoạn rằng các yoga và các trạng thái tâm linh giác ngộ phát xuất từ chúng đều được so sánh với các cấp bậc và kinh nghiệm tâm linh như đã được định nghĩa trong Giáo thừa.

Cả hai loại Giáo thừa – Tiểu thừa và Đại thừa ‘chia xẻ’ – cũng như Kim Cương thừa, đều nói đến con đường giác ngộ gồm năm mức độ chứng ngộ, hay các mức độ của sự tiến bộ tâm linh. Chúng cũng dùng những danh từ như nhau cho năm cấp bậc : tích chứa, áp dụng, thấy trực tiếp, thể nhập (hay thiền định) và không tu hành nữa (vô tu, vô công dụng đạo, vô học).

Tuy nhiên, vì các viễn cảnh khác nhau, các phương pháp thiền định và mục đích của các thừa khác nhau, và cũng vì cách dùng các thuật ngữ khác nhau, mà mỗi thừa nói đến năm cấp độ trong một cách thức hầu như độc nhất.

Ví dụ trong Tiểu thừa, động cơ là sự giải thoát cá nhân khỏi sanh tử và đạt đến Niết bàn. Các phương tiện chính yếu được dùng là ba vô lậu học giới, định, huệ. Tiêu điểm là Bốn Thánh Đế và Tám Thánh Đạo. Cái nhìn thấy đặt một người vào cấp độ đầu tiên trong năm cấp của con đường, cũng như động lực đưa người ta từ cấp này sang cấp khác, được diễn tả bằng những từ thích hợp.

Dalai Lama thứ Hai bàn luận một trong những tông phái trổi vượt nhất của Tiểu thừa Ấn Độ sơ thời là phái Vaibhashika trong Một chiếc bè băng qua đại dương của tư tưởng Phật giáo Ấn Độ. Ở đây ngài nhận định :

Với họ, các đối tượng để thấu đạt qua sự tu hành là Bốn Thánh Đế, cùng với mười sáu phương diện của chúng, như là vô thường v.v… Qua sự thấu đạt Bốn Thánh Đế này, người ta trải qua năm con đường dẫn đến giải thoát : sự tích chứa năng lực tâm linh, áp dụng, thấy trực tiếp, thể nhập và con đường vượt khỏi mọi tu hành.

Trong nhánh Giáo thừa của Đại thừa, hay là một chiếc cánh công truyền của Đại thừa, nền tảng của thực hành là nguyện vọng đại bi thành tựu Phật tánh rốt ráo, một trạng thái toàn giác, tình thương và năng lực trọn vẹn để lợi lạc rốt ráo cho thế giới. Người ta tìm cách thành tựu hiệu năng rốt ráo trong công việc nâng cao trí huệ cho chúng sanh và như thế làm lợi lạc cho họ trong nghĩa cao nhất. Con đường đi đến Phật tánh này bao gồm phương tiện hòa hợp với trí huệ. Ở đây, phương tiện ám chỉ trước tiên đến sự trau dồi nguyện vọng Bồ tát đã nói ở trên, cùng với các sự thực hành hỗ trợ của năm ba la mật đầu : rộng lượng, giới luật, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định. Trí huệ mà phương tiện này phải được nối kết được liệt kê trước tiên là ba la mật thứ sáu (nghĩa là trí huệ ba la mật), và hai hỗ trợ chính của nó là ba la mật thứ tư và thứ năm (tức là tinh tấn và thiền định). Con chim thần bay với hai cánh phương tiện và trí huệ thực hiện sự cân bằng và điều hòa, nhà Đại thừa áp dụng các kỹ thuật Giáo thừa được chuyên chở qua năm cấp độ của con đường đi đến giác ngộ.

Cấp độ thứ nhất được hoàn thành khi người ta trau dồi tinh thần Bồ tát đến một mức độ mà người ta chăm sóc người khác nhiều như làm cho chính mình. Rồi lòng từ bi mãnh liệt này được nối kết với các kỹ thuật quán tưởng khác nhau, khởi dẫn một thoáng thấy về tánh Không trong thiền định ; sự thoáng thấy này báo trước cấp độ thứ hai, cấp độ áp dụng. Người ta tiếp tục tăng thêm cả hai cái, nguyện vọng Bồ tát và kinh nghiệm về tánh Không, và cuối cùng, trong thiền định hoàn thành tri giác trực tiếp về bản tánh tối hậu của mọi hiện tượng. Điều này đặt người ta vào cấp độ thứ ba, cấp độ kiến đạo, và người đó được xem là một vị thánh. Ở điểm này người ta có thể kinh nghiệm trực tiếp thực tại tối thượng trong các thời thiền định ; nhưng khi rời bỏ thiền định và đi vào cuộc sống thường ngày thì tánh Không không trực tiếp rõ ràng nữa. Kinh nghiệm thiền định về tánh Không được trau dồi và được phát triển càng ngày càng sâu trong mọi lãnh vực của hiện hữu, đem người ta băng qua cấp độ thứ tư, con đường thể nhập. Người ta đi lên mười địa của một vị thánh Bồ tát, hòa nhập một cách mạnh mẽ phương tiện (của Bồ đề tâm) và trí huệ (về tánh Không), cho đến khi cả hai hòa hợp trọn vẹn. Điều này dẫn đến trạng thái Phật tánh, con đường không tu hành nữa, cấp độ cuối cùng của năm cấp.

Trong Kim Cương thừa, mỗi cái của bốn loại tantra dùng các thuật ngữ đôi chút khác biệt để diễn tả tiến trình. Ở đây, chúng ta quan tâm trước hết đến yoga tantra tối thượng.

Như chúng ta thấy ở trước, ba yoga tantra tối thượng chính – Guhyasamvara, Yamantaka, và Heruka Chakrasamvara – nói dưới dạng ba sự biệt lập (của thân, khẩu, ý), đạt đến thân huyễn bất tịnh và thanh tịnh, và chứng ngộ trạng thái tịnh quang tương tự và rốt ráo. Theo cách này, thân vi tế và tâm thức vi tế được biệt lập với cái thô, và rồi cái vi tế cùng cực được biệt lập với cái vi tế.

Ngài thứ Mười Ba Vĩ Đại chỉ ra như thế nào tiến trình này nối kết với năm cấp độ của con đường giác ngộ trong cuốn Một Hướng dẫn vào Tantra Phật giáo :

‘Con đường tích chứa’ bao gồm từ lúc khởi đầu khi người ta có được bốn sự nhập môn trọn vẹn cho tới lúc bằng sức mạnh của thiền định, người ta thành đạt một cái nhìn thoáng thấy về tánh Không qua việc làm hòa tan năng lực sống vào trong kinh mạch trung ương.

‘Con đường áp dụng’ được trải nghiệm từ lúc đó cho đến lúc đạt được mức độ bất tịnh của yoga thân huyễn nó trực tiếp thấu hiểu tánh Không nhờ trí huệ về đại lạc.

Từ kinh nghiệm đầu tiên về tịnh quang thật sự cho đến khi đạt được sự đại kết hợp của thiền sinh là ‘con đường kiến đạo’, địa thứ nhất của Bồ tát.

‘Con đường thiền định’ bắt đầu từ lúc sau đó cho đến giây phút đầu tiên đạt đến giai đoạn tịnh quang thật sự của đại kết hợp vào lúc chấm dứt tu hành.

Rồi thiền giả vượt qua địa thứ mười của Bồ tát, và trong giây phút thứ hai của kinh nghiệm này thành tựu giác ngộ toàn triệt, ‘con đường không tu nữa’.

Như thế, trong Kim Cương thừa con đường đầu tiên bắt đầu với sự nhận được nhập môn và bao gồm các thực hành ‘chia xẻ’ với Giáo thừa, chúng được tiếp tục sau khi đi vào Kim Cương thừa qua lễ nhập môn. Nó cũng chứa đựng các yoga của giai đoạn phát sanh của con đường Mật thừa cũng như cấp độ của giai đoạn thành tựu, cái này đòi hỏi phải làm phát sanh một kinh nghiệm ban đầu về tánh Không nhờ sự dẫn các năng lực vi tế vào kinh mạch trung ương. Những giai đoạn tiếp theo của con đường được định nghĩa bởi khả năng của thiền giả có thể biệt lập, tách lìa các năng lực vi tế của thân và những trạng thái vi tế của tâm thức khỏi cái thô, và an trụ trong thiền định ở trong cõi giới của cái vi tế. Khi người ta có thể ở trong những mức độ vi tế nhất, và có thể đem cái thân huyễn thanh tịnh đã được sanh ra như thế vào sự hòa hợp tối hậu với tịnh quang thật sự, thì sự đại kết hợp của giác ngộ toàn triệt được đạt đến.

Những thực hành về giai đoạn thành tựu đã gây nguồn cảm hứng trải qua nhiều thế kỷ cho số đông các nhà thần bí Tây Tạng để phát ra thành những bài ca. Dalai Lama thứ Bảy là một thiền giả như vậy. Trong Những bài ca của sự chuyển hóa tâm linh, ngài đã diễn tả niềm vui của kinh nghiệm Mật thừa :

Các hình tướng của người và vật

Hòa tan trong ánh sáng, và những làn sóng

Của vọng tưởng đều dừng lặng.

Sự sáng rỡ của tịnh quang không còn bị che chướng.

Ngay tâm bình thường mỗi ngày cũng ở yên trong cái nhìn vô nhiễm.

Trong cảnh giới của mahamudra tương tự và bản nhiên,

Các hình ảnh trống không hiện ra như cầu vồng.

Phương tiện không tỳ vết làm lưu xuất các vòng tròn huyễn hóa,

Lập nên mạn đà la toàn hảo của chư hóa thần và nơi trụ xứ.

Thân huyễn khởi ra cùng với tịnh quang

Như những đám mây tan giữa bầu trời.

Ngọn lửa của trí huệ bản nhiên bừng cháy

Thiêu rụi tất cả mọi hạt giống chấp ngã.

Sự đại kết hợp này của thân Kim cương vinh quang

Với tịnh quang bao la của tâm thức

Được gọi là ‘đại định trang nghiêm’,

Một mức độ mà nhà trí thức sâu xa nhất không thể đạt tới.

Tâm thức này, trong suốt khỏi mọi vết dơ vô thường,

Nhìn thẳng, trực tiếp và rõ ràng vào cõi giới chân lý.

Như viên ngọc như ý làm biểu lộ thân thể lạc phúc

Của Heruka quang vinh cho sự lợi lạc của tất cả

Và phóng ra vô số hóa thân,

Mỗi một hóa thân phù hợp với nhu cầu của thế giới.

Như thế trong một đời ngắn ngủi này,

Phật tánh được nhanh chóng và dễ dàng đạt đến

Bằng cách xoay sự tham đắm các dục lạc trần thế

Về người bạn vĩnh viễn thấm nhuần đại lạc.

Xem mục lục