Bài Viết (701)


Giới Thiệu Kinh Viên Giác

18,916

 


I. DẪN NHẬP

 

 

Viên Giác là một bản kinh chỉ dạy những pháp môn tu tập quan trọng của Phật giáo Bắc truyền. Trong kinh, đức Phật đã chỉ ra bản tâm Viên Giác sẵn đủ bình đẳng giữa Phật và chúng sanh. Ngài đã dùng nhiều phương cách tác động trực tiếp, khiến cho các vị Bồ – tát khéo lãnh hội được thâm ý viên đốn tối thượng. Nguyên văn chữ Hán của kinh Viên Giác chỉ có hơn mười ba ngàn chữ mà bao gồm tất cả giáo pháp đốn tiệm của thượng căn và hạ căn. Đức Phật dùng đủ thứ mọi phương tiện giảng rõ các pháp tu chứng và thiền bệnh, hành giả theo đó tu hành thì chẳng đoạ tà kiến. Các vị Bồ-tát cũng theo đây mà thể nhập bản tánh Viên Giác sáng suốt tròn đầy và cứu độ chúng sinh liễu thoát sanh tử luân hồi.

 

 

 

Chư vị Bồ-tát trong chúng hội Viên Giác vì thương tưởng đến tất cả chúng sanh trong thời mạt pháp mà thỉnh cầu đức Phật chỉ dạy pháp môn tu tập đốn tiệm của Viên Giác. Trong đó bao gồm những pháp môn siêu việt tối thượng để Bồ-tát trụ tâm, làm cơ sở vững chắc để quý Ngài vào trần lao ngũ trược hóa độ chúng sanh. Đó cũng là những phương tiện thiện xảo giúp quý Ngài thực hiện hạnh nguyện của mình. Dưới đây là một vài kiến giải về cơ sở và phương tiện hoá độ chúng sanh của Bồ-tát theo kinh Viên Giác.

 

II. NỘI DUNG

 

 

1. Lược khảo kinh Viên Giác

 

Kinh Viên Giác do Pháp sư Phật-đà-đa-la (Buddhatrata – Giác Cứu), người nước Kế Tân đến Trung Hoa dịch từ chữ Phạn sang Hán ngữ và thế kỷ thứ 7 tại chùa Bạch Mã ở Thần đô. Ở Việt Nam, có nhiều bản kinh Viên Giác được dịch từ Hán ngữ sang quốc ngữ, nhưng hiện tại chỉ tìm thấy những bản dưới đây:

- Bản của Ngài Thái Hư Đại sư giảng, do Hòa thượng Thích Trung Quán dịch.

- Bản thứ hai do Hòa thượng Thích Trí Quang dịch.

- Bản thứ ba do Hòa thượng Thích Thiện Hoa dịch và lược giải.

- Bản thứ tư do Hòa thượng Thích Giải Năng dịch và lược giải.

- Bản thứ năm do Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng giải.

- Bản thứ sáu do Hòa thượng Thích Thanh Kiểm dịch.

Kinh Viên Giác bao gồm 12 chương, mỗi chương có một vị Bồ-tát hỏi đức Phật về những điều mà các Ngài thắc mắc, những chỗ yếu lý của tánh Viên Giác, những phượng tiện để cứu độ chúng sanh trong thời mạt pháp.

Về bố cục của kinh có thể chia thành 3 phần:

- Phần mở đầu (phần tự): Từ “Như thị ngã văn … bình đẳng pháp hội”. Phần này trình bày duyên khởi của kinh, đức Phật và chư vị Bồ-tát nhập chánh định, đức Phật thuyết Viên Giác cho các vị Bồ-tát nghe và lãnh thọ.

- Phần diễn đề (phần chánh tôn): chia thành 2 phần:

· Phần chủ yếu: Các vị Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền, Phổ Nhãn, Kim Cang Tạng, Di Lặc, Thanh Tịnh Tuệ hỏi về căn bản, phương thức, bản chất, chủng tính và cấp độ tu chứng của Viên Giác.

· Phần bổ túc: Các vị Bồ-tát Uy Đức Tự Tại, Biện Âm, Tịnh Chư Nghiệp Chướng, Phổ Giác, Viên Giác hỏi về các phương pháp tu thiền và những trở ngại trong việc sơ khởi tu chứng Viên Giác.

- Phần kết (phần lưu thông): Từ “Nhĩ thời Hiền Thiện… hết. Phần này nói về tên, ý nghĩa, tinh thần tu học và sự truyền bá kinh Viên Giác[1].

Về nội dung tư tưởng, như phần giới thiệu ở trên, trong chúng hội Viên Giác người nói và người nghe đều trụ trong chánh định nên kinh Viên Giác có một giá trị hết sức thâm diệu. Viên là viên mãn, Giác là giác ngộ. Kinh Viên Giác nói đến sự giác ngộ viên mãn tròn đầy, đó là sự giác ngộ tột cùng của Phật – bậc toàn giác tức giác ngộ hoàn toàn. Bên cạnh đó, tánh Viên Giác còn chỉ cho tánh chơn như bình đẳng của các pháp. Ở hữu tình chúng sanh thì gọi là Tâm Viên Giác, còn ở tất cả các pháp gọi là pháp bình đẳng nhất như. Như vậy, Viên Giác bao trùm luôn cả tâm và pháp; trùm luôn cả vạn hữu, hữu tình và vô tình. Do vậy có câu: “Tình dữ vô tình, đồng thành Phật đạo”. Tóm lại, Viên Giác chính là pháp đại tổng trì lưu xuất chân như, Bồ đề Niết Bàn và Ba-la-mật mà đức Phật đã chứng. Viên Giác là tuệ giác hoàn toàn, tròn đầy, vừa là năng chứng bồ đề, vừa là sở chứng chơn như. Viên Giác là bản giác, thỉ giác và cứu cánh giác

 

[2].

 

 

Một nét đặc thù khác của kinh Viên Giác là nói đến lý như huyễn của các pháp. Các pháp ở đây bao gồm cả tâm lý, sinh lý và vật lý, tức là cả căn, trần và thức. Đứng ở tự tánh Viên Giác mà nhìn ra, sẽ thấy tất cả các pháp chỉ là vọng sanh vọng diệt, có nghĩa là chưa từng sanh diệt bao giờ. Như khi ấn vào mắt, chúng ta sẽ thấy nhiều hoa đốm loạn xạ trong hư không, nhưng hoa đốm đó không thực sanh ra và không thực mất đi. Vì rốt ráo lý như huyễn nên chư Bồ-tát đi vào cõi như huyễn, độ chúng sanh như huyễn, làm Phật sự như huyễn, thi thiết các phương tiện như huyễn. Qua một khía cạnh khác, nếu quán các pháp như huyễn mà còn phân biệt tâm năng quán và cảnh sở quán, thì cái quán chưa thành tựu. Chỉ khi nào đạt trạng thái tâm năng quán nhất như với cảnh sở quán, chúng ta mới hoàn toàn thấu triệt lý như huyễn, tức là thể nhập Như huyễn Tam muội.

Về phương diện tu tập, kinh Viên Giác bao gồm cả tiệm giáo và đốn giáo.

 

2. Bồ-tát và hạnh nguyện cứu độ chúng sanh

 

Bồ-tát_菩 薩; viết tắt của danh từ dịch âm Bồ-đề Tát-đỏa (菩 薩 薩 ) ; s: bodhisattva; p: bodhisatta); nguyên nghĩa là ‘Giác hữu tình’ (覺 有 情), cũng được dịch nghĩa là Ðại sĩ (大 士).

Trong Đại thừa, Bồ-tát là hành giả sau khi hành trì Ba-la-mật-đa (s: pāramitā; Lục độ) đã đạt Phật quả, nhưng nguyện không nhập Niết-bàn, khi chúng sinh chưa giác ngộ. Yếu tố cơ bản của Bồ-tát là lòng Bi (s, p: karuā), đi song song với Trí huệ (s: prajñā) Chư Bồ-tát thường cứu độ chúng sinh và sẵn sàng thụ lãnh tất cả mọi đau khổ của chúng sinh cũng như hồi hướng phúc đức mình cho kẻ khác. Con đường tu học của Bồ-tát bắt đầu bằng luyện tâm Bồ-đề (s: bodhicitta) và giữ Bồ-tát hạnh nguyện (s: praidhāna). Hành trình tu học của Bồ-tát được chia làm mười giai đoạn, Thập địa (s: daśabhūmi). Hình ảnh Bồ-tát của Ðại thừa tương tự như A-la-hán (s: arhat) của Tiểu thừa, trong đó A-la-hán tập trung vào sự giải thoát cho chính mình.

Thật sự thì khái niệm Bồ-tát đã được tìm thấy trong các kinh Tiểu thừa, nhất là khi nói về các tiền thân đức Phật Thích Ca (Bản sinh kinh). Trong Ðại thừa, khi nói đến Bồ-tát, người ta xem đó là tiền thân của các vị Phật tương lai. Ðại thừa chia làm hai hạng Bồ-tát: Bồ-tát đang sống trên trái đất và Bồ-tát siêu việt (e: transcendent). Các vị đang sống trên trái đất là những người đầy lòng từ bi, giúp đỡ chúng sinh, hướng về Phật quả. Các vị Bồ-tát siêu việt là người đã đạt các hạnh Ba-la-mật và Phật quả – nhưng chưa nhập Niết-bàn. Ðó là các vị đã đạt Nhất thiết trí, không còn ở trong Luân hồi, xuất hiện trong thế gian dưới nhiều dạng khác nhau để cứu độ chúng sinh. Ðó là các vị được Phật tử tôn thờ và đảnh lễ, quan trọng nhất là các vị Quán Thế Âm (觀 世 音; s: avalokiteśvara), Văn-thù (文 殊; s: mañjuśrī), Ðịa Tạng (地 藏; s: kitigarbha), Ðại Thế Chí (大 勢 至; s: mahāsthāmaprāpta) và Phổ Hiền (普 賢; s: samantabhadra).

Theo bộ Bách Khoa Từ Điển Phật Giáo thì Bồ-tát có nghĩa là: một chúng sanh thiết tha đối với sự giác ngộ (bodhi). Theo từ nguyên, thuật ngữ này có thể tách biệt thành hai phần, đó là bodhi và sattva. Bodhi có gốc từ chữ budh, tức tỉnh ngộ hay giác ngộ; và sattva bắt nguồn từ chữ saint, có nghĩa là sự hiện hữu hay sự tồn tại. Theo nghĩa đen, sattva là một chúng sanh. Do vậy, từ này mang ý nghĩa là ‘một chúng sanh có bản chất giác ngộ, hoặc một vị Phật tương lai’[3].

Theo đây, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản rằng, Bồ-tát là người có khả năng tự độ và độ tha. Bằng trí tuệ và công năng tu tập của mình, vị Bồ-tát tự giải thoát cho chính mình ra khỏi mọi khổ đau, hướng đến quả vị Niết bàn tối thượng; hơn nữa, với lòng từ vô lượng, vị Bồ-tát phát ra những hạnh nguyện rộng lớn hầu mong cứu độ hết tất cả chúng sanh đang còn chìm trong bể cả luân hồi. Với trí tuệ và hạnh nguyện như vậy, Bồ-tát thật sự là một hình ảnh hết sức tiêu biểu cho Phật giáo Phát trển trên con đường mang lại hạnh phúc cho nhân loại. Bồ-tát là chiếc cầu kết nối giữa cuộc sống ở trần thế khổ đau và nguồn hạnh phúc tịch tĩnh của thế giới bất sinh bất diệt. Đây là con đường tiệm cận đến bản tánh Viên Giác hoàn toàn, sự tịnh hoá tất cả các pháp bằng nguyện lực lớn lao để đạt đến Niết bàn tối thượng.

 

3. Bồ-tát vào trần lao bằng nguyện lực

 

Theo sự trình bày về Bồ-tát như trên, thì chúng hội nghe pháp trong kinh Viên Giác đều có khả năng rất lớn trong sự liễu ngộ và thực chứng bản tánh Viên Giác mà đức Phật trình bày. Hơn nữa Chư vị Bồ-tát trong hội chúng đó ai cũng có khả năng giúp đỡ chúng sanh thấy được thực tánh Viên Giác để liễu thoát khổ đau sanh tử. Chúng ta đều biết rằng, cảnh giới mà chúng sanh hiện hữu là cảnh trần lao ngũ trược đầy dẫy những phiền não và khổ đau. Hơn nữa, tâm tính của chúng sanh rất khó dạy bảo, ham vui để rồi chịu khổ vô cùng. Tham, sân, si là chất liệu cũng là món ăn mà chúng sanh thường thích cảm thọ nhất. Cho nên khó mà có thể cứu độ hết tất cả chúng sanh một cách dễ dàng. Nhưng với tâm từ vô lượng, chư Bồ-tát không ngại gian lao, đi thẳng vào nhà lửa phiền não để cứu vớt chúng sanh. Chỉ có đại nguyện vĩ đại phát khởi trên cơ sở bản tánh bình đẳng Viên Giác mới giúp Bồ-tát làm được điều đó.

 

Trong kinh, chương thứ năm, đức Phật dạy ngài Di Lặc rằng: Này Thiện nam! Các vị Bồ-tát hóa hiện thân hình ở trong thế gian, không phải vì ái dục nhiễm ô như chúng sanh, mà gốc do lòng Từ bi và đại nguyện cứu thế, nên đã hiện ra thân tham dục để vào sanh tử hóa độ chúng sanh, khiến cho chúng sanh xả bỏ các ái dục”.

 

Vì sợ có người hiểu lầm: Bồ-tát cũng có phụ mẫu, thê tử, v.v… tất nhiên phải có ái dục, nhiễm ô và cũng thật sanh tử như chúng sanh, nên đoạn này Phật giải thích: Bồ-tát do lòng từ bi và đại nguyện cứu thế, nên hiện ra thân tham dục, để vào sanh tử, đặng hóa độ chúng sanh, chớ không phải thật có tham dục và sanh tử. Đó là sự khác biệt giữa nguyện lực của Bồ-tát và nghiệp lực của chúng sanh. Như vậy, Bồ-tát khi vào thế giới luân hồi để thực hiện hạnh nguyện độ sanh của mình cần phải lấy nguyện lực đại bi của mình làm cơ sở. Tâm đại bi (mahakaruma) vốn là tinh thể của tam muội (samadhi) vì bi tâm là thân thể (saria), là cửa ngõ (mukha) và là phương tiện tự nhiên hiện thân khắp vũ trụ.

Đứng trên mặt bản thể, nguyện lực của chư vị Bồ-tát cũng chính là bản tánh Viên Giác, vì tất cả các pháp rốt ráo không nằm ngoài Viên Giác. Do vậy, quá trình tu tập và độ sanh của Bồ-tát đều dựa trên bản thể Viên Giác mà ra. Nếu không giác ngộ được bản chất viên dung của các pháp, Bồ-tát không thể tự độ, và tất nhiên càng không thể độ tha. Do vậy, nguyện lực của Bồ-tát phải được đặt trên nền tảng của sự liễu ngộ Viên Giác. Do biết rõ thể tánh Viên Giác sẵn có bình đẳng trong tất cả chúng sanh, nên dù gian khổ bao nhiêu các vị Bồ-tát cũng quyết dùng nguyện lực đại từ, đại bi, đại trí để dẫn dắt chúng sanh đi đến bản giác ấy. Nếu không có nguyện lực đó, thì dù Tam muội của chư Bồ-tát có siêu nhập thế nào đi nữa cũng khó mà giúp đỡ được chúng sanh trong cõi luân hồi tăm tối này. Nhờ đại nguyện vĩ đại này mà Bồ-tát có thể trụ ở cảnh đời ô trược cấu uế để hóa độ chúng sanh. Khẳng định lại điều này, đoạn kệ dưới đây nêu rõ:

 

 

“…Tuỳ thuận nguyện Bồ-tát

 

 

 

 

Nương nhờ đại Niết-bàn

 

 

 

 

Các Bồ-tát mười phương

 

 

 

 

Điều vì nguyện Đại bi

 

 

 

Thị hiện vào sanh tử”.

 

Đây chính là cơ sở vững chắc cho Bồ-tát khi vào trần lao hoá độ chúng sanh.

 

4. Phương tiện hoá độ của Bồ-tát

 

Một Bồ-tát muốn đạt đến quả vị Chánh Đẳng Giác cần phải tu tập Viên Giác một cách rốt ráo. Bên cạnh quá trình tự ngộ trong bản giác viên dung, vị Bồ-tát cần phải dùng nguyện lực đại bi để đi vào trần gian để cứu độ chúng sanh. Nói một cách đơn giản, tự ngộ và ngộ tha là hai phẩm tính cần có của một vị Bồ-tát trên con đường hoàn thành Phật đạo. Vấn đề đặt ra ở đây là Bồ-tát dùng những phương tiện gì để cứu độ chúng sanh. Vì muốn giải thoát cho hết thảy chúng sanh luôn say đắm dục lạc trong vô minh không phải là chuyện đơn giản dễ làm. Hơn nữa, căn tánh của mỗi chúng sanh lại bất đồng, nên phương tiện càng có vai trò tối quan trọng trong sự nghiệp hoằng hoá độ sanh của chư Bồ-tát.

Phương tiện_方 便_S, P: upāya; J: háben; thường được gọi là “Phương tiện thiện xảo” (方 便 善 巧 ; s: upāyakauśalya). Phương tiện có nhiều khía cạnh:

1. Phương tiện của Bồ-tát nhằm giúp chúng sinh giải thoát, với nhiều cách thức khác nhau, từ giáo hóa đơn giản cho đến những thần thông siêu nhiên. Phương pháp này được xem là một trong những hạnh Ba-la-mật-đa (Lục độ) mà Bồ-tát hoàn thành trong cấp thứ 7 của Bồ-tát thập địa (Thập địa).

2. Phương tiện trong cách trình bày giáo pháp. Nhiều trường phái Phật giáo (Hoa Nghiêm, Thiên Thai) cho rằng chính đức Phật lịch sử đã áp dụng phương tiện này rồi, khi Ngài tùy căn cơ từng người mà giảng dạy. Ðặc biệt Ngài đã trình bày giáo lý Tiểu thừa trong giai đoạn một, rồi lúc cuối đời mới giảng pháp Ðại thừa đầy đủ hơn, đặc biệt trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Phương tiện được xem là khía cạnh hoạt động của cái Tuyệt đối trong thế giới tương đối của hiện tượng, hiện thành lòng Từ (s, p: maitrī). Phương tiện là khía cạnh ngược của trí Bát-nhã (s: prajñā). Nếu Bát-nhã tượng trưng cho thể tính duy nhất của vạn sự thì phương tiện tượng trưng cho chính cái thiên hình vạn trạng. Trong cách nhìn của bậc giác ngộ thì với con mắt Bát-nhã (Huệ nhãn), Phật hay Bồ-tát không thấy có chúng sinh đau khổ, vì không có gì hiện hữu ngoài Pháp thân (s: dharmakāya; Ba thân). Còn nếu các Ngài nhìn với con mắt của lòng Từ (s: maitrī) thì khắp nơi đều là Khổ, Khổ do chấp trước vào sắc tướng. Muốn cứu độ chúng sinh thoát khổ, các Ngài dùng mọi phương tiện giúp chúng sinh đạt Niết-bàn, vốn xuất phát từ lòng Từ vô lượng của Pháp thân.

Như vậy, trên hình thức phương tiện, Bồ-tát nhập thế độ sanh thị hiện các hình tướng và các cảnh thuận nghịch khác nhau. Kinh Viên Giác, chương thứ năm, Ngài Di Lặc Bồ-tát hỏi Phật: “Khi Bồ-tát nhập thế độ sanh, phải dùng những phương tiện gì để giáo hóa chúng sanh?”. Đức Phật trả lời rằng: “Này thiện nam!  Các vị Bồ-tát đều y bổn nguyện độ sanh của mình từ vô thỉ và do lòng Ðại bi thanh tịnh

 

[4] thúc đẩy nên nhập thế độ sanh. Bồ-tát dùng phương tiện thị hiện ra nhiều hình tướng, khi thì hiện cảnh thuận, khi thì hiện cảnh nghịch, có lúc lại lân la ở chung với chúng sanh và đồng làm các nghề nghiệp như chúng sanh (Ðồng sự nhiếp) để tiện bề hóa độ, khiến cho chúng sanh được thành Phật”.

 

 

Ðại ý đoạn này Phật trả lời: Bồ-tát do bản nguyên độ sanh từ vô thỉ (Bồ-tát dĩ lợi sanh vì bổn hoài), và lòng Ðại bi thanh tịnh thúc giục, nên mới nhập thế độ sanh; không đồng như chúng sanh do ái dục làm nhiễm ô và bị nghiệp lực lôi cuốn mà nhập thế.

Bồ-tát dùng phương tiên, thị hiện ra nhiều hình tướng để độ sanh. Như Ngài Quan Âm hiện 32 ứng thân, Ðức Di Lặc Bồ-tát hiện thân Bố đại Hòa thượng, hoặc có vị hiện thân Kim Cang, hiện thân Tiêu Diện, Thập Diện, Thập Ðiện Minh vương, Ngưu đầu, Mã viện v.v.. có lúc hiện “Từ”, có lúc hiện “Oai” nên có câu:

 

 

“Kim Cang lộ mục sở dĩ hàng phục tứ ma

 

 

 

Bồ-tát đê mi do thị ai từ ư lục đạo”

 

Nghĩa là: Thần Kim Cang trợn mắt là để hàng phục bốn ma. Bồ-tát xủ mày là vì thương chúng sanh trong 6 đạo. Bồ-tát khi thị hiện cảnh thuận: giảng dạy Pháp lành khuyên người tu học v.v.. có lúc lại hiện cảnh nghịch như: hiện chảo dầu sôi, để độ ông Nan Ðà tôn giả, hoặc dùng gọng xiềng đánh đập v.v.. để cho người biết thức tỉnh hồi tâm. Cổ nhơn nói: “Người không gặp tai nạn, thì chẳng biết hồi tâm hướng thiện”. (Nhơn vô vạn họa, bất hồi đầu). Hay như Ngài Thiện Tài Ðồng Tử đi tham học với Bà Tu Mật Nữ v.v..

Bồ-tát có khi thị hiện lân la ở chung cùng với chúng sanh  và đồng làm các nghề nghiệp như chúng sanh (như Ngài Lục Tổ khi ở chung với bọn thợ săn v.v… để lần hồi dẫn dắt chúng sanh trở về Chánh Ðạo).

Tóm lại, các Bồ-tát nhập thế độ sanh, đều do tâm đại bi làm chủ động, lấy Ðại nguyện làm căn bản, dùng phương tiện có nhiều môn, tuy không nhứt định, nhưng đại khái không ngoài Thuận và Nghịch. Hoặc dùng lời giảng dạy (khẩu giáo hóa) hoặc hiện thân hóa độ (thân giáo hóa), hoặc dùng đồng sự nhiếp, chung quy một mục đích là khiến cho chúng sanh được giải thoát và thành Phật[5].

Pháp môn phương tiện được chư Bồ-tát sử dụng để hóa độ chúng sanh thì nhiều vô số. Căn bản của những phương tiện ấy vẫn là tâm Đại bi làm chủ, còn phương tiện thì tuỳ căn cơ trình độ sai khác của mỗi chúng sanh. Mở rộng ra chúng ta có thể thấy pháp phương tiện giáo hoá chính của Bồ-tát bao gồm những pháp môn tu tập mà đức Phật đã gảng dạy trong suốt cuộc đời thuyết pháp độ sanh của Ngài.

Đó có thể là Ngũ minh

 

[6] như trong Du – giaø – sö – ñòa Luaän, cuoán 38 coù noùi: “Caùc Boà Taùt khi caàu chaùnh phaùp, neân caàu ôû ñaâu? Neân caàu ôû Nguõ minh”.

 

 

Đó có thể là Tứ Nhiếp Pháp_ ; S: catvāri-samgrahavastūni; Bốn cách tiếp dẫn chúng sinh của Bồ-tát: 1. Bố thí ( ; s: dāna); 2. Ái ngữ ( ; s: priyavāditā), nghĩa là dùng lời hay, đẹp để chinh phục người; 3. Lợi hạnh ( ; s: arthacaryā), hành động vị tha; 4. Ðồng sự ( ; s: samānārthatā), cùng chung làm với những người thiện cũng như ác để hướng dẫn họ đến bờ giác.

Đó cũng có thể là Lục độ _ ; S: āpāramitā; cũng được gọi là Lục ba-la-mật-đa ( ); cũng được gọi ngắn là Ba-la-mật, dịch nghĩa là ‘Ðáo bỉ ngạn’ ( ) – cái đã sang bờ bên kia, hoặc ‘Ðộ’ (), cái dìu dắt, đưa người qua bờ bên kia. Đây là một thuật ngữ quan trọng của đạo Phật, chỉ “mặt kia, mặt chuyển hóa” của hiện tượng. Cũng có thể dịch là “hoàn tất, hoàn hảo, viên mãn”. Lục Ba-la-mật-đa (độ) là: 1. Bố thí ba-la-mật (s: dānapāramitā), 2. Trì giới ba-la-mật (śīlapāramitā), 3. Nhẫn nhục ba-la-mật (kāntipāramitā), 4. Tinh tiến ba-la-mật (vīryapāramitā), 5. Thiền định ba-la-mật (dhyānapāramitā) và 6. Trí huệ ba-la-mật (prajñāpāramitā). Có khi người ta kể thêm bốn hạnh nữa, gọi chung là Thập độ, đó là: 7. Thiện xảo Phương tiện ba-la-mật (upāya-kauśalya-p.), 8. Nguyện ba-la-mật (praidhāna-p.), 9. Lực ba-la-mật (bala-p.) và 10. Trí ba-la-mật (jñāna-p.).

+ Bố thí ( ) bao gồm việc chia xẻ của cải vật chất và tinh thần cho người khác. Muốn được như thế, cần có lòng từ bi hỉ xả, sẵn sàng nhường cả phúc đức cho người khác.

+ Giới ( ) là thái độ sống đúng đắn, từng bước loại trừ mọi tham ái, quyết tái sinh vào một nơi thuận lợi, vì ích lợi của mọi chúng sinh.

+ Nhẫn nhục ( ) xuất phát từ tri kiến rằng, mọi phiền não trên đời đều có nguyên nhân của chúng, cần kiên nhẫn và thông cảm chúng.

+ Tinh tiến ( ) là lòng quyết tâm không gì lay chuyển.

+ Thiền định ( ) chỉ phương pháp thiền quán, nhờ đó từ bỏ được ngã chấp và cảm thụ được vui buồn của chúng sinh.

+ Trí huệ ( ) là đạt được cấp giác ngộ vô thượng.

Tóm lại, tuỳ theo căn tánh và chủng bệnh của chúng sanh mà chư vị Bồ-tát đưa ra những pháp môn phương tiện quyền xảo để chữa trị, dẫn dắt chúng sanh đến bờ bỉ ngạn, thể nhập giác tánh viên minh bình đẳng vốn sẵn không sai biệt. Các vị Bồ-tát ở mười phương đều do lòng Ðại bi thanh tịnh làm chủ động và chí nguyện lợi tha thúc đẩy, nên không nỡ yên ở chỗ thanh tịnh tu giải thoát mộtm ình, thích thú nơi cảnh tịch tịnh lo phần ích kỷ như hàng Tiểu thừa; mà Bồ-tát thệ nguyện nhập thế độ sanh, lẫn lộn với trần lao để tùy duyên hóa độ.  Không sợ ô nhiễm, chẳng kể gian lao, không từ khó nhọc. Như Ngài Ðịa Tạng Bồ-tát nguyện rằng:

 

 

“Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề

 

 

 

Ðịa ngục vị không thệ bất thành Phật”

 

Tổ A Nan cũng thệ rằng:

 

 

“Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh

 

 

 

 

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập

 

 

 

 

Như nhứt chúng sanh vị thành Phật

 

 

 

Chung bất ư thử thủ Nê hoàn”.

 

Trở lại đoạn kinh đã dẫn ở trên, đức Phật trả lời câu hỏi thứ tư của Ngài Di Lặc, Bồ-tát khi vào trần lao độ chúng sanh, phải thiết lập bao nhiêu phương tiện giáo hoá. Phật dạy, Bồ-tát vào thế gian độ sanh chỉ dùng tâm đại bi làm chủ, còn phương tiện thì có nhiều, tùy theo căn cơ trình độ của chúng sanh: hoặc dùng lời nói để dạy bảo, hoặc thị hiện các thứ hình tướng, hoặc tùy theo thuận cảnh nghịch cảnh, hoặc cùng chung với chúng sanh đồng sự để nhiếp hóa. Khó mà nói hết những pháp phương tiện mà chư Bồ-tát đã sử dụng, nhưng tất cả các phương tiện chỉ có một mục đích, xuất phát từ đại nguyện của Bồ-tát: giúp cho chúng sanh đạt đến Tánh Viên Giác bình đẳng tối thượng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

III. KẾT LUẬN

 

Đến đây chúng ta đã thấy được cơ sở và phương tiện của Bồ-tát khi vào trần lao hóa độ chúng sanh. Đó là nguyện lực đại bi và phương tiện khế cơ, khế lý, khế thời mà chư Bồ-tát đã và sẽ sử dụng cho mục đích độ sanh của mình. Vì thương tưởng đến chúng sanh trong thời mạt pháp, các vị Bồ-tát trong chúng hội Viên Giác đã thỉnh cầu đức Phật giả lập phương tiện tiệm thứ, giúp chúng sanh từng bước tu hành từ thấp đến cao, để mọi căn cơ đều được lợi lạc. Chúng sanh thì đa bệnh, trình độ bất đồng, phước nghiệp sai khác, nên đức Phật đã từ bi mở bày nhiều pháp môn phương tiện tu hành, chư Bồ-tát chỉ bày cặn kẻ những chướng bệnh và giúp chúng sanh trừ diệt. Nếu chúng sanh ai cũng phát khởi lòng tin và làm theo lời chỉ dạy của chư Phật, chư Bô-tát thì sớm muộn gì cũng viên thành đạo quả.

Trong Thể tánh Viên Giác vắng lặng tất cả mọi khái niệm phân biệt, tư tưởng nhị biên. Đó là Niết bàn tịch tịnh, vốn không có vô minh, không phiền não trói buộc, không có sở tu và sở chứng. Nhưng do nghiệp lực của chúng sanh chưa thể đến với Thể tánh Viên Giác đó, nên chư Phật mới dùng phương tiện chỉ ra những pháp môn tu tập từ tiệm đến đốn để dẫn dắt. Đó là sự diệu dụng trong giáo pháp của Như Lai. Chỉ có như vậy mới mở được con mắt trí tuệ cho chúng sanh trong sanh tử luân hồi triền miên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm, Kinh Viên Giác, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1999.

2. Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, phần Kinh Viên Giác.

3. Hòa Thượng Thích Đức Thanh, Giáo trình Kinh Viên Giác, Học viện Phật giáo VN tại Huế.

4. Thích Thông Tuệ, Kinh Viên Giác giảng luận, Nxb Tôn Giáo, 2006.

5. Thích Viên Trí, Khái niệm về Bồ-tát Quán Thế Âm, Nxb Tôn Giáo, 2005.


[1] Xem HT Thích Đức Thanh, Giáo trình Kinh Viên Giác, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế tr 1.

[2] Sđd tr2.

[3] Xem, Thích Viên Trí, Khái niệm về Bồ-tát Quán Thế Âm, Nxb Tôn Giáo, 2005, tr 54.

[4] Ðại bi thanh tịnh: Bồ-tát do lòng từ bi rộng lớn thương xót chúng sanh mà hiện thân hóa đạo, không phải vì danh và lợi v.v.. cho  nên nói là “Thanh tịnh”.

 

[5] Xem HT Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, quyển VIII, bài thứ năm.

[6] Thanh minh, Công xảo minh, Y phương minh, Nội minh và Nhơn minh

18,916

ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY VÀ PHÁP - Ngài Gyalwang Drukpa thứ 12

Ngài Gyalwang Drukpa thứ 12Pari, Pháp quốc 1995Tôi rất hoan hỉ được gặp lại tất cả các bạn. Thời gian trôi qua, chúng ta lại có dịp gặp lại nhau. Vì thế

16,564
Tồn tại và Thời gian (2) - Pháp Hiền cư sỹ

(TIẾP THEO)Hai mô hình (pattern) vừa nêu, cho ta biết rằng, bao lâu mà con người và tâm thức anh ta hay cô ấy còn hoạt động, thì lúc nào anh ta

673
SRI NISARGADATTE MAHARAJ

Chân lý không phải là một phần thưởng cho thái độ tốt, cũng không phải là một giải thưởng vì đã vượt qua một số thử thách. Nó không thể được làm

804
Ý THỨC HƯ VÔ: ERNEST HEMINGWAY VÀ ĐỘC THOẠI NỘI TÂM - Phạm Công Thiện

Rượu. Mấy con sư tử ở bãi biển. Sylvia Beach. Tại sao lại trước Shakespeare and Company. Boulevard des Capucines, boulevard Raspail. La rue de l’Odéon. You are all a lot generation…

873
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,232
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,669
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,569
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,339
Chùa Việt
Sách Đọc