Phật Thích Ca, người đã sống và đã dạy ở Ấn Độ khoảng hai mươi lăm thế kỷ về trước, là vị Phật thứ tư của kiếp này chuyển bánh xe của truyền thống giác ngộ. Ngài đã thu nhiếp các phần giáo lý của ba vị Phật trước, hiện đại hóa chúng với một số kỹ thuật thích hợp đặc biệt cho nhu cầu của nhân loại vào thời kỳ này. Có lời tiên tri rằng giáo lý ngài đã ban cho sẽ thịnh vượng trong năm ngàn năm.
Có nhiều cách khác nhau để phân loại các giáo lý ngài đã truyền lại. Một cách phân loại là con đường ba nhánh, gồm Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa.
Nền tảng và bối cảnh cho sự phân ba loại giáo lý này được đưa ra trong một câu kệ Tây Tạng(1) :
Thực hành bên ngoài là con đường của sự điều độ ;
Thực hành bên trong là tinh thần Bồ tát ;
Và thực hành bí mật là các phương pháp
mật truyền.
Mỗi dòng trên chỉ đến một trong ba thừa : Tiểu, Đại và Kim Cương. Trong câu kệ đó, ba thừa được định danh như là bên ngoài, bên trong và phương pháp tâm linh bí mật được đức Phật dạy.
Ở Ấn Độ, đó là ba giai đoạn của Phật giáo được chính thức sắp nối tiếp nhau, cái thấp chuẩn bị con đường cho cái cao hơn.
Cái đầu tiên được phổ biến là giáo lý bên ngoài, Tiểu thừa. Thừa này gồm các lời dạy căn bản nhất và phổ quát nhất của đức Phật, bắt đầu với sự chỉ dạy ở Vườn Nai gần Varanasi. Những chủ đề chính là Bốn Thánh Đế, Con Đường Thánh Tám Ngành, Mười Hai Nhân Duyên Sinh Khởi và ba tu học cao cấp là Giới, Định, Huệ. Sự nhấn mạnh là vào một tính cách đơn giản thoải mái trong hành thiền, với giới luật vững chắc làm căn bản.
Về lịch sử, đây là cái phương diện Phật giáo chủ trì bởi vua A Dục thế kỷ thứ ba trước CN và lan truyền do các đoàn truyền giáo mà vua đã gởi đi khắp lãnh thổ, từ Afghanistan phía tây bắc đến Bengal phía đông nam. Bởi thế, đôi khi nó được gọi là ‘Phật giáo nguyên thủy’ bởi vài học giả Tây phương. Phải chỉ ra rằng theo các sách ghi chép cổ điển của Ấn và Tạng, thì loại Phật giáo này được dạy không sớm gì hơn hai loại kia, hơn nữa, đó là hình thức được phổ biến rộng rãi nhất trong thời thơ ấu của đạo Phật.
Vào thế kỷ thứ năm sau khi đức Phật nhập diệt (thế kỷ thứ hai CN), ở Ấn Độ xuất hiện một vị hiền triết Phật giáo có tên là Nagarjuna. Như được tiên tri trước bởi chính đức Phật, Nagarjuna truyền bá các giáo lý bên trong, hay là Đại thừa, nó được trao truyền cho các nhóm hay các đệ tử tuyển chọn và truyền thừa lặng lẽ qua nhiều thế kỷ, chờ đợi sự chín muồi của văn minh Phật giáo Ấn Độ. Khi sự chín muồi này xảy ra thì Nagarjuna nhập thân, tìm lại các giáo lý bên trong từ các naga (rồng), hay là các người giữ gìn giáo lý, và sau đó phổ biến rộng rãi chúng. Hơn ba bộ kinh Bát Nhã ba la mật, hay là ‘Thuyết giảng về sự viên mãn của trí huệ’ mà ngài đã nhận được từ loài Rồng nhanh chóng gặp gỡ số đông các tín đồ Ấn Độ. Cũng thế bộ ‘Sáu luận biện giải về Trung đạo’ của ngài tức thời trổi vượt. Tóm lại, cái nhìn của Nagarjuna về Phật giáo đã quét sạch óc tưởng tượng của người Ấn Độ, và sau đó hầu hết các tư tưởng gia Phật giáo Ấn Độ đều lấy cảm hứng từ công trình trước tác của ngài.(2)
Một khuôn mặt thứ hai tiền phong của phong trào Đại thừa là đạo sư Asanga, đã hành thiền định trong mười hai năm và cho ra đời bộ ‘Năm luận của Maitreya’. Năm luận này cũng như các trước tác riêng của Asanga sớm chóng được xếp vào các tác phẩm cổ điển.
Cả hai ngài Nagarjuna và Asanga chủ yếu là những nhà giải thích các kinh điển Bát Nhã ba la mật, ngài Nagarjuna thì tập trung vào ’trí huệ về tánh Không’, còn ngài Asanga tập trung hơn vào sự thực hành ‘danh tướng’ của Bồ tát. Cả hai vị đạo sư Ấn Độ này được xem như là ‘các tổ phụ của Đại thừa’.
Trong cuốn Một chiếc bè băng qua đại dương của tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Dalai Lama thứ Hai viết :
Hai tổ phụ của Đại thừa là Nagarjuna và Asanga, cả hai đều có lập trường khác biệt trong thời của các ngài do một số công trình của họ bình luận trực tiếp về tư tưởng của đức Phật, thế nghĩa là, từ những kiến giải riêng hơn là căn cứ trên kinh điển. Cả hai ngài đã có công trong sự kiến lập hai học phái Đại thừa.
Bản chất chính yếu của Đại thừa hay giáo lý bên trong là sự cố hoàn thiện, trau dồi tinh thần và con đường Bồ tát ; nói cách khác, là sự trau dồi nguyện vọng giác ngộ tối thượng như là phương tiện để thành tựu lòng đại bi và đại từ đối với những chúng sanh khác, và sự thực hành các tu tập của Bồ tát, như sáu cái hoàn thiện là rộng lượng, giới luật, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ.
Khuynh hướng thứ ba của Phật giáo Ấn Độ, Kim Cương thừa, con đường tantric đưa đến giác ngộ, bắt đầu biểu lộ công khai vào khoảng sau thế kỷ thứ năm hay thứ sáu. Từ lúc ấy trở đi cho đến lúc hoại diệt của Phật giáo ở Ấn Độ, các hệ thống tantra mới xuất hiện lúc này lúc khác. Danh sách các vị hoằng dương đầu tiên Kim Cương thừa gồm các tên tuổi nổi tiếng như Indrabhuti, Saraha, Lalitavajra v.v… Dầu cho bây giờ không thể định năm chính xác đối với các đạo sư này vì hiếm hoi của các tài liệu hiện còn,(3) tuy nhiên, họ xác nhận là đã được truyền thừa từ những dòng trực tiếp của giáo lý Phật giáo, như đã được đức Phật dạy một cách bí truyền cho những đệ tử thiện căn nhất. Các giáo lý tantra này từ đó được truyền hoàn toàn bí mật cho đến lúc sự quảng bá của chúng được chín muồi. Cũng nên ghi nhận rằng Tantra Kalachakra là một trong số các hệ thống yoga tantra tối thượng sau cùng khởi lộ ở Ấn Độ, sự xuất hiện của nó vào khoảng trước thế kỷ thứ mười.
Cả ba phương diện này của Phật giáo – bên ngoài, bên trong và bí mật – đều tìm thấy đường vào Tây Tạng ; nhưng chính phương diện thứ ba, con đường tantric bí mật, đã gặp được sự chào đón nồng nhiệt ở miền tuyết phía bắc Ấn Độ.
Có thể chỉ ra rằng ở Ấn Độ, cả ba khuynh hướng Phật giáo này không phải luôn luôn sống chung với cùng một sự hòa hợp như chúng được hưởng ở Tây Tạng. Các thành viên của các tông phái bên ngoài thường từ chối chấp nhận tính xác thực của hai cái đến sau. Ví dụ, khi Vasubandhu thấy các trước tác của anh mình là Asanga, ông đã bình luận : “Anh tôi đã hoàn thành một cuộc ẩn tu thiền định suốt mười hai năm, thế mà chẳng thể có được ngay cả một giấc mơ tốt lành, để mặc sự tu chứng các giáo lý chân chính, anh đã tạo ra một mớ thuộc truyền thống của riêng anh.”
Sự nổi lên của các giáo lý tantric cũng không gặp một sự tán đồng từc thời của mọi Phật tử Ấn Độ vào lúc ấy. Nhiều người tỏ ra dè dặt. Tuy nhiên, dần dần, người Ấn có vẻ chấp nhận cả ba hình thức Phật giáo. Quang cảnh được vẽ ra bởi các nhà hành hương Tây Tạng vào thế kỷ thứ bảy về các tu viện bắc Ấn, gồm cả Nalanda, Vikramashila và Odantapuri là một bức tranh hòa hợp, với ba khuynh hướng Phật giáo được tất cả xem như là các phương diện của một toàn thể lớn hơn. Điều này cũng phản ảnh rất nhiều trong các tiểu sử Tây Tạng về các bậc thầy quan trọng của Ấn Độ lúc bấy giờ, như là Atisha, Naropa vân vân.
Chính trong hình dáng đó mà Phật giáo được dịch sang tiếng Tây Tạng trong hai đợt sóng lớn của thời quân chủ : lần đầu vào thế kỷ thứ tám và thứ chín dưới sự bảo trợ của các vua ở Lhasa, đợt hai vào giữa thế kỷ thứ mười một, chủ yếu dưới sự bảo trợ của các vua xứ Guge, miền tây Tây Tạng.
Trong Một chiếc bè băng qua đại dương của tư tưởng Phật giáo Ấn Độ. Dalai Lama thứ Hai tổng kết ba thừa này như sau :
Một cách căn bản, đức Phật dạy ba quy trình giáo lý. Với đệ tử khuynh hướng về một con đường giản dị, ngài dạy Tiểu thừa. Với người khuynh hướng về một sự tiếp cận phức tạp hơn, ngài dạy Đại thừa. Cuối cùng, với người mong muốn theo đuổi một con đường cực kỳ sâu xa, ngài dạy Kim Cương thừa bí truyền, con đường bao gồm sự sử dụng tantric các dục lạc và đam mê trong các phương pháp của nó.
Ở đây Dalai Lama thứ Hai nói trong ý nghĩa của người tu hành, họ sử dụng như là người nhận chủ chốt các giáo lý đặc biệt và dùng phương diện này như là sự tu hành tâm linh chính yếu.
Từ quan điểm thực hành, các câu kệ được trích dẫn ở trên gợi ra phương pháp nên có, vì nó nói lên như thế nào giáo lý bên ngoài, bên trong và bí mật nhập thể vào sự tu hành của một cá nhân như là các cấp độ liên tiếp trong nỗ lực tâm linh.
Tóm tắt, thái độ của Tây Tạng là trước tiên, người ta phát triển sự vững chắc bên trong qua các phương pháp Tiểu thừa (giới định huệ), và rồi mở rộng phạm vi tu hành bằng cách tăng cường thêm với nguyện vọng của Bồ tát và sáu sự hoàn thiện. Cuối cùng, khi do bởi sự thực hành trên người ta đã phát triển được ba đặc tính là tinh thần tự do không tham trước, lòng đại bi của Bồ tát, và trí huệ về tánh Không, người ta sẽ nhập môn tantric và liều lĩnh đi vào trong các thực hành của Kim Cương thừa.
Dalai Lama thứ Ba diễn tả các lợi lạc của thái độ đúng đắn trong Tinh chất của vàng ròng :
Mọi giáo lý sâu xa được dạy trong kinh và tantra, cũng như trong các luận, sớ được viết ra bởi các thế hệ các đạo sư Phật giáo nối tiếp nhau, sẽ được xem như các phương pháp cho chính mình áp dụng, bắt đầu với những thực hành rất căn bản và kiến lập cho người tiến triển hơn, để vượt qua các mặt và giới hạn tiêu cực của tâm vô minh. Ý nghĩa mọi lời dạy của Phật và các tổ truyền thừa – từ lời khuyên làm thế nào trau dồi một tương quan làm việc hiệu quả với vị thầy tâm linh đến những phương pháp cao cấp nhất để nhận ra được bản chất rốt ráo của hiện hữu – sẽ đến trong tay của chính mình… Mọi giáo lý sẽ được nhìn trong tổng quan với cuộc đời và sự tu hành của chính chúng ta.