Một truyền thống yoga tantra tối thượng rất quan trọng là Kalachakra, một hệ thống trình bày con đường Mật thừa theo một cách khác biệt rõ ràng với sự tìm thấy trong các hệ thống yoga tối thượng khác.
Điều này được Lama Tsongkhapa không gì sánh diễn tả bằng kệ(1) :
Hệ thống yoga tantra tối thượng quan trọng khác,
Cái về cách trình bày độc nhất về con đường
Là hệ thống Kalachakra, ‘Bánh Xe Thời Gian’,
Nó được căn cứ trên Tantra Kalachakra Tóm Lược,
Cùng với Đại Diễn Giải : Ánh Sáng Không Vết Mờ.
Tantra ‘rõ ràng’ này thường được dạy tách biệt với các con đường yoga tantra khác, vì hạ tầng cấu tạo của nó thì khác biệt đáng kể với những truyền thống chính, như là Guhyasamaja, Yamantaka và Heruka Chakrasamvara.
Kalachakra, hay ‘Bánh Xe của Thời Gian’ được nói đến trong ba phương diện : ngoài, trong và luân phiên.
Kalachakra ngoài gồm sáu đại đất, nước, lửa, gió, không gian và trí huệ ; thế giới của núi Tu Di, bốn châu, tám châu phụ… với mọi sự vật ở trên, ở dưới và trong mọi hướng ; và cũng mọi đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Kalachakra trong gồm ba cõi chúng sanh, mười sáu thế giới, mười hành tinh, hai mươi tám chỗ chính thuộc cõi trời, năm chỗ tái sanh, sáu loại chúng sanh, chu kỳ thời gian của năm, tháng và ngày, sáu trung tâm năng lực của thân, mười năng lực sinh khí, tám hạt mang tập khí của hai loại chướng…
Nói cách khác, hai phạm trù này gồm tất cả chúng sanh, cũng như thế giới bên ngoài như được hiểu theo một nội dung chiêm tinh học.
Kalachakra luân phiên là sự thực hành hiện thực các yoga của hệ thống Kalachakra nhờ đó thế giới và chúng sanh trong đó được tịnh hóa.
Nền tảng hiện thực của sự tịnh hóa là con người có sáu đại với nghiệp để sinh ra trong thế giới này từ tử cung loài người.
Tiến trình bắt đầu bằng việc nhận sự nhập môn vào một mạn đà la làm bằng bột màu. Sự nhập môn này bắt đầu với chín bước sơ khởi là triệu thỉnh các thần của đất, phong cúng cái bình, tù và của đại chiến thắng, những đường biên của chỗ tác pháp, chày kim cương, chuông, nâng cấp đệ tử, thiết lập chỗ ngồi và sự phân tích về hóa thần.
Bước thứ bảy của các sơ khởi này là nâng cấp đệ tử đòi hỏi đặt người đệ tử vào trong (những lời thề ước của) sáu Gia Tộc Như Lai, triệu thỉnh Vajrasattva và…
Tiến trình nhập môn thật sự được tạo thành bằng ba giai đoạn : bảy cái gọi là ‘bước vào như một đứa trẻ’ ; bốn nhập môn cao cấp ; và bốn nhập môn cao-hơn-cao.
(Giai đoạn thứ nhất là) khi một người được sanh ra như một đứa bé trong thế giới này người ấy trải qua bảy kinh nghiệm : được tắm rửa ; được cắt tóc ; được xâu tai ; học cười và nói ; dùng các đối tượng của giác quan ; được đặt tên ; và học đọc và viết…
Phù hợp như vậy, nhập môn Kalachakra bắt đầu với bảy tiến trình giống như bảy bước này của tuổi thơ.
Để nhận được những tiến trình ấy, người đệ tử lần lượt đứng trước mỗi mặt trong bốn mặt của Kalachakra – màu trắng, đỏ, đen và vàng – và được ban cho bảy sự nhập môn : nước, dải buộc đầu, dải lụa, chày kim cương và chuông, hoạt động, pháp danh và sự cho phép.
Nhờ các nhập môn này đệ tử trải nghiệm sự tịnh hóa năm đại, mười năng lực, kinh mạch năng lực phải và trái, mười giác quan và các đối tượng của chúng, những hoạt động của năm chức năng của thân, ba cửa và yếu tố trí huệ.
Đối với những thệ nguyện trong tiến trình này, bảy (trong số mười bốn) điều luật căn bản có những giải thích chung với các hệ thống yoga tantra tối thượng khác ; còn bảy điều là đặc biệt riêng cho hệ thống Kalachakra.
Thêm vào đó, có hai mươi lăm điều đặc biệt của truyền thống Kalachakra. Chúng gồm mỗi thứ có năm điều liên quan đến năm trọng tội, khinh tội, giết hại, tư tưởng và tham muốn.
Trong giai đoạn lễ nhập môn này, chúng được đưa vào và người ta được khuyên là phải giữ gìn tốt.
Tiếp theo người ta nhận bốn nhập môn quy ước cao hơn cũng được biết như là bốn nhập môn thuộc về thế gian. Ở đây người đệ tử được đặt vào con đường của bốn sự hoan hỷ nhờ nước trong bình, nếm những chất thể bí mật, kinh nghiệm sự tan chảy của các hạt và lạc kèm theo, và được dẫn nhập vào Lạc và Không.
Cuối cùng có bốn nhập môn cao hơn cao, cũng được biết như là bốn nhập môn siêu thế gian. Ở đây được đưa vào tâm thức trực tiếp thấy tánh Không trong khi trụ trong đại lạc tối thượng bất biến, một tâm thức nó là một vị với thân trống không khởi lên trong hình tướng của Kalachakra và Phối Ngẫu trong kết hợp tình dục.
Qua những nhập môn quán đảnh này, đệ tử được đưa vào thực nghĩa như thế nào là một cư sĩ, một sa di, một tỳ kheo cụ túc giới, một trưởng lão và một người lãnh đạo của chúng sanh.
Trong suốt buổi lễ ý nghĩa của mỗi bước của sự nhập môn được chỉ ra. Trong cách ấy, những đệ tử nhận những sự ban pháp lực của ba chày kim cương, được chỉ cho các điều giới luật, và nhận sự nhập môn của một đại kim cương sư, như thế làm chín muồi dòng tâm thức họ và chuẩn bị cho họ đi vào các thực hành yoga thực tiễn của truyền thống Kalachakra.
Đối với những mạn đà la khác nhau có thể được dùng như là nền tảng của những yoga giai đoạn phát sanh, Tantra Kalachakra Gốc nói đến mạn đà la của những ngôi sao vinh quang chuyển động gồm một ngàn, sáu trăm và hai mươi hóa thần mạn đà la. Tantra Rút Gọn nói đến bảy trăm và hai mươi hai hóa thần trong những mạn đà la của thân, khẩu, và tâm ý. Các truyền thống không bắt buộc khác là mạn đà la tâm gồm ba mươi sáu hóa thần và mạn đà la ba mươi hai hóa thần. Rồi có những mạn đà la nhỏ hơn gồm hai mươi lăm, hai mươi ba, mười chín, mười ba và chín hóa thần. Cuối cùng, có mạn đà la với chỉ Kalachakra và Phối Ngẫu, và cũng có mạn đà la Kalachakra Một Mình.(2)
Trong giai đoạn phát sanh, thiền giả thiền quán một trong các mạn đà la này nhờ vào ba thứ định, đi vào trong sự làm lành (với các thần) có bốn nhánh, giữ gìn bốn điểm kim cương và trau dồi bốn giác ngộ.
Trong giai đoạn thành tựu thiền giả đi vào trong sáu yoga : rút lui cá thể, thiền (dhyana), kiểm soát năng lực, giữ lại, tỉnh giác có từ đó và đại định.
Sáu yoga này rút lại thành bốn nhánh : nhánh tạo ra hình thể, nhánh tạo ra năng lực, nhánh tạo ra lạc và nhánh đại thành tựu.
Ở đây nhánh đầu tiên liên kết với hai yoga đầu tiên, nhánh thứ hai với yoga thứ ba và thứ tư. Cuối cùng nhánh thứ ba và thứ tư liên kết với yoga thứ năm và thứ sáu.
Nhờ sáu yoga này, người đệ tử đạt được đại ấn của một thân trống không. Những năng lực đi vào kinh mạch trung ương và những hạt của sức mạnh tình dục đỏ và trắng lần lượt chảy xuống từ luân xa đỉnh đầu từ trên và chảy lên từ luân xa ở chỗ bí mật bên dưới, 21.600 của mỗi thứ trong hai loại hạt (dương và âm) được nhóm họp theo lối này, làm phát sanh một kinh nghiệm đại lạc tập trung vào tánh Không. Mỗi lần kinh nghiệm đại lạc này làm tan biến một số năng lực nghiệp và chất liệu nguyên tử của thân xác tương ứng. Sự che ám các hạt của bốn tình huống – trạng thái thức, trạng thái mộng, ngủ say và cực điểm tình dục – như thế được trừ sạch, và người ta đạt đến mức độ thứ mười hai của chứng đắc, trạng thái giác ngộ Đại Lạc bất biến của Kalachakra.
Đây là hệ thống những nhập môn Kalachakra, những yoga giai đoạn phát sanh, và những yoga giai đoạn thành tựu chúng tạo ra bốn thân của một bậc giác ngộ.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ban đầu dạy truyền thống này tại tháp Dhanyakataka ở Nam Ấn Độ. Giáo lý được Vua Suchandra của Shambala thỉnh cầu, ngài thật ra là một hóa thân của Bồ tát Vajrapani. Những giáo đoàn từ sáu vương quốc khác nhau cũng có mặt.
Vào dịp này Phật trao truyền Tantra Kalachakra Gốc gồm mười hai ngàn dòng, và tiếp sau đó Suchandra làm ra sớ giải rộng của ngài gồm sáu mươi ngàn dòng. Tuy nhiên, phần duy nhất của Tantra Kalachakra Gốc truyền lại đến chúng ta là chương Luận về các Nhập Môn.
Về sau, Manju Yashas, vị đầu tiên trong hai mươi lăm đạo sư kalkin của Shambala, viết một tổng lược của Tantra Kalachakra Gốc có tên là Tantra Kalachakra Giản Lược gồm năm chương. Hai bản dịch khác nhau của tổng lược ban đầu này, Tinh Túy của Tantra Giản Lược, hiện còn trong đại tạng Tây Tạng.
Một bản văn quan trọng khác là Đại Giảng Luận : Ánh Sáng Không Vết Mờ, đó là một diễn giảng rộng rãi cuốn Tantra Kalachakra Giản Lược. Công trình này có lẽ được biết nhiều hơn trong mối liên hệ với toàn tập ba bộ Ba Luận của Bồ Tát. Nó được viết ra nối dòng thứ hai của Shambala là Pundarika.
Cũng có ý nghĩa là sớ giải của Bồ tát Vajragarbha được biết giản dị với tên Sớ giải của Vajragarbha. Công trình này bày giải những chủ đề của Tantra của hai Hình Thức, nó là tantra gốc trong hệ thống Hevajra. Tuy nhiên, nó bình giảng về Hevajra trong một cách tương hợp với sự trình bày của Kalachakra về con đường, thế nên nó thường được đọc liên kết với sự khảo cứu truyền thống Kalachakra.
Cũng quan trọng là sớ giải của Bồ tát Vajrapani, cũng lại có tên giản dị là Sớ giải của Vajrapani, giải thích những điểm chính yếu của tantra gốc Heruka Chakrasamvara theo cách tương hợp với hệ thống Kalachakra.(3)
Tantra Tiếp Theo của Guhyasamaja trình bày con đường theo một cách thức tương hợp với cơ cấu của Kalachakra. Một nghiên cứu về nó được xem là có ích cho sự nghiên cứu Kalachakra.
Thêm nữa, những sớ giải rút gọn và diễn rộng của Kalachakrapada về những yoga của giai đoạn phát sanh là những sách đọc căn bản, cũng như là các tác phẩm của những đạo sư Dro.
Ba bộ của Acharya Abhayakara (Abhayakaragupta, một đệ tử quan trọng của Naropa) có tên là Ba Tràng Hạt cũng gồm một số công trình sơ thời về Kalachakra : Tràng Hạt Vajra, chứa đựng bốn mươi hai nghi thức mạn đà la từ tất cả bốn loại tantra ; Tràng Hạt của Yoga Hoàn Mãn, nó là một toàn tập về Sadhana ; và Một Tràng Hạt của Tia Nắng Mặt Trời, nó là một toàn tập về những thực hành nghi thức lửa.
Cuối cùng là Một bản Trích Yếu những Thực Hành Tịnh Hóa của Acharya Jagaddarpana.
Đây là văn chương chính của Kalachakra được dịch từ Sanskrit ra tiếng Tây Tạng và dùng như căn cứ cho sự truyền bá Kalachakra ở Tây Tạng.
Người ta thường nói rằng để thực hành thành công con đường Mật thừa người ta phải tu hành dưới sự hướng dẫn của một vị thầy Mật thừa có thẩm quyền, tránh những thái độ sai lầm đối với ông hay bà ấy, trau dồi những thái độ tích cực, và giữ mình trong khuôn khổ những cam kết và thệ nguyện của Mật thừa. Điều này còn quan yếu trong Kim Cương thừa quả hơn là trong Giáo thừa nhân.
Để phát sanh những thái độ hiệu quả đối với vị thầy tâm linh phải biết hậu quả tốt lành khi làm điều này và những khuyết điểm khi không làm. Người ta cũng phải biết nhìn như thế nào chúng hội và môi trường chung quanh của một guru, bản chất của sự thực hành đúng và sai, v.v…
Những giáo huấn Mật thừa tổng quát về cách nương y đúng đắn vào vị Kim Cang sư được góp nhặt từ những tác phẩm gốc sơ thời và góp lại trong năm mươi câu kệ tinh yếu, có tên là Năm Mươi Câu Kệ về Đạo Sư của Acharya Vira.
Với những nguyên tắc một hành giả yoga tantra tối thượng cần giữ gìn, một số tiêu chuẩn riêng biệt của Kalachakra đã được đề cập ở trên.
Những tu hành tổng quát của yoga tantra tối thượng bao gồm những chủ đề như cam kết về tiêu dùng, nghĩa là thề ước y cứ vào việc dùng năm thứ thịt và năm thức uống… ; những thề ước giữ gìn những đồ vật Mật thừa linh thiêng như chày kim cang, chuông, sáu trang hoàng Mật thừa(4)… ; sự cam kết bảo vệ nghĩa là thề bảo vệ những tu tập gốc và nhánh ; và v.v…
Những cam kết gốc được nói là có mười bốn cái, và sự vi phạm chúng được biết như là ‘những sa đọa gốc’. Bằng cách hiểu bản chất riêng biệt của chúng, cái gì tạo thành chúng, và hiểu được những khuyết điểm do vi phạm, người ta giữ gìn khỏi hư hỏng bằng giới luật. Nếu một sa đọa gốc xảy ra, có một phương pháp để lập lại sức mạnh của nó.
Đối với mười bốn cam kết gốc và tám cam kết phụ, Acharya Ashvaghosha đã căn cứ vào nhiều kinh sách xưa để góp lại thành danh sách mười bốn sa đọa gốc của Mật thừa, và Acharya Nagarjuna gồm lại thành danh sách tám điều luật phụ.
Thêm vào những điều ấy, những hành giả của những yoga tantra tối thượng thuộc âm (mà Kalachakra thuộc vào) được dạy tuân thủ một số giới luật phụ thêm, như khởi đầu mọi hoạt động bằng phần trái của thân, cử hành một tiệc cúng Mật thừa (tsok vào ngày thứ mười mỗi tháng âm lịch)…
Nếu hoặc các điều luật gốc hay phụ bị vi phạm, sức mạnh của giới luật có thể được phục hồi bằng cách nhận lại lễ nhập môn, hay nhờ vào sự cử hành lễ tự nhập môn, tự quán đảnh.
Để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực do mọi sa đọa đã tạo, cần phải thực hành những thiền định và trì chú theo những hệ thống Vajrasattva hay Samayavajra, cũng như cử hành nghi thức lửa Vajradaka. Các phương pháp tịnh hóa những vi phạm những điều luật Mật thừa này được dạy trong nhiều bản kinh.
(Tôi muốn kết luận bằng cách nói rằng) đạo sư toàn giác Buton Rinchen Druppa, người thông hiểu và soi sáng mọi giáo lý chính yếu của đức Thích Ca Mâu Ni, đã góp phần lớn lao vào sự bảo tồn và quảng bá Phật giáo Mật thừa ở Tây Tạng này.(5) Lama Tsongkhapa và các đệ tử trực tiếp tiếp tục di sản của ngài.
Bổn sư của tôi, Purchokpa Rinpochey, đã nhận trọn vẹn truyền thống từ các ngài, đã phân tích nó với lý trí thuần túy và tiếp thu ý nghĩa của nó qua thiền định sâu sắc. Như thế ngài đã vượt qua đại dương của sự học hỏi, tư duy và thiền định trong truyền thống Mật thừa.
Chính dưới sự hướng dẫn từ ái của ngài mà tôi thám hiểm vào Kim Cương thừa. Và dầu tôi không thể khoe khoang về những thành tựu ngoạn mục cá nhân, tôi phải nói rằng tôi rất vinh dự được tu hành trong hệ thống bao la và sâu thẳm này dưới sự chỉ dạy của một vị thầy đã thành tựu như vậy.