Một chiều không gian khác của bản ngã ngoài thói quen suy nghĩ miên man
chính là cảm xúc, dù cảm xúc không hoàn toàn tách biệt khỏi ý nghĩ. Khi nói như
vậy, tôi không có ý cho rằng cảm xúc và ý nghĩ là những thứ thuộc về bản ngã.
Chúng chỉ trở thành một phần của bản ngã khi bạn đồng nhất với chúng và chúng
hoàn toàn chiếm hữu bạn, tức là chúng trở thành cái “Tôi” của bạn.
Cơ thể là một cơ cấu vật chất, nó có sự thông minh sáng tạo của riêng nó
giống như ở mọi thể sống khác. Sự thông thái đó đang phản ứng với những gì mà
đầu óc của bạn đang “nghĩ”, phản ứng với những ý nghĩ tiêu cực đang xảy ra
trong đầu bạn. Và cảm xúc chính là phản ứng của cơ thể với những ý nghĩ đang
xảy ra ở trong đầu bạn. Dĩ nhiên sự thông minh của cơ thể con người là một phần
không thể tách rời của cơ chế thông minh của vũ trụ; nó là một trong vô số biểu
hiện của cơ chế thông minh này. Sự thông minh đó tạo ra sự liên kết tạm thời
giữa các phân tử và nguyên tử tạo nên cơ thể của bạn. Sự thông minh đó là
nguyên lý cấu thành đứng đằng sau mọi hoạt động của tất cả các tổ chức của cơ
thể, đằng sau sự chuyển đổi oxy và thực phẩm thành năng lượng, đằng sau nhịp
đập của trái tim và sự tuần hoàn của máu, đằng sau hệ miễn dịch chở che cho cơ
thể khỏi bị vi trùng xâm phạm. Các giác quan thu nhận những kích thích từ bên
ngoài và chuyển thành các xung động thần kinh để đưa lên não bộ, ở đó chúng
được giải mã và tập hợp lại thành những hình ảnh rõ ràng về thế giới bên ngoài ở
trong bạn. Cái cơ chế thông minh sáng tạo đó phối hợp nhịp nhàng đến độ hoàn
mỹ với hàng ngàn các chức năng phức tạp khác. Chính cái cơ chế thông minh
này đang điều hành cơ thể bạn. Chứ bạn không phải là người đang điều hành cơ
thể mình. Nó cũng chịu trách nhiệm cho những phản ứng của cơ thể đối với môi
trường chung quanh.
Điều này cũng đúng cho mọi thể sống. Sự thông thái đó cũng là cơ chế đưa
cây cối nên hình nên dạng, rồi biểu hiện thành hoa, những cánh hoa xòe ra để
đón những tia sáng mặt trời buổi sáng rồi khép lại khi đêm về. Nó cũng là cái cơ
chế thông minh được thể hiện ra thành Gaia, tức là sinh thể phức tạp mà ta gọi là
Địa cầu.
Cái cơ chế thông thái này làm nảy sinh phản ứng mang tính bản năng khi bạn
gặp thách thức hay đe dọa. Nó tạo ra ở súc vật những phản ứng có vẻ tương tự
như các cảm xúc sợ hãi, giận dữ, vui mừng ở con người. Những phản ứng có tính
chất bản năng này có thể được xem là các dạng cảm xúc nguyên thủy. Trong một
số tình huống, con người cũng phản ứng có tính chất bản năng như ở loài vật.
Khi gặp hiểm nguy, khi sự tồn tại của bản thân bị đe dọa thì tim ta đập nhanh
hơn, các cơ bắp co lại và hơi thở trở nên gấp rút để chuẩn bị giao chiến hay bỏ
chạy - đây là nỗi sợ hãi nguyên thủy. Khi bị dồn vào chân tường là lúc nguồn
năng lượng mạnh mẽ bật lên giúp cho cơ thể có sức mạnh chưa từng có trước đây
- đó là nỗi giận dữ nguyên thủy. Những phản ứng thuộc bản năng này có vẻ
tương tự như cảm xúc nhưng không phải là cảm xúc theo cái nghĩa thực của từ
này. Sự khác biệt giữa một phản ứng bản năng và một cảm xúc là ở chỗ: bản
năng là phản ứng trực tiếp của cơ thể đối với những trạng huống có thực ở bên
ngoài, trong khi cảm xúc lại là phản ứng của cơ thể đối với một ý nghĩ chỉ có ở
trong đầu bạn. Một cách gián tiếp, cảm xúc có thể là một phản ứng cho một tình
huống hay một sự kiện thực tế nhưng đó là phản ứng qua những suy diễn của trí
năng, thông qua lăng kính chọn lọc của suy nghĩ, tức là thông qua những khái
niệm về tốt/xấu, yêu/ghét, về tôi, của tôi… Ví dụ, bạn chẳng động lòng khi nghe
một người nào đó vừa bị mất xe nhưng nếu đó là chiếc xe “của bạn” thì có thể
bạn sẽ rất bối rối. Điều đáng kinh ngạc là một khái niệm cỏn con ở trong đầu như
là “của tôi” lại sản sinh ra biết bao là cảm xúc.
Dù cơ thể của bạn rất thông minh nhưng nó không phân biệt được sự khác
biệt giữa một ý nghĩ ở trong đầu bạn và một tình huống có thật. Nó phản ứng lại
với một ý nghĩ như thể đó là một điều có thật. Cơ thể bạn không hề biết đó chỉ là
một ý nghĩ. Đối với cơ thể, một ý nghĩ lo sợ nào đó ở trong đầu bạn đều mang
cảm giác rằng “Chết, mình đang lâm nguy!” và cơ thể bạn sẽ phản ứng với ý nghĩ
đó tức thì, cho dù lúc đó bạn vẫn đang nằm an toàn trên một chiếc giường ngủ
tiện nghi, ấm áp thì tim bạn vẫn đập nhanh hơn, các cơ co lại và hơi thở của bạn
trở nên gấp rút. Năng lượng sợ hãi được tích tụ nhưng vì đó chỉ là một hư cấu
của trí óc nên năng lượng đó không có chỗ phát tiết ra. Tuy nhiên một phần năng
lượng đó được đưa trở lại vào óc bạn và tạo thêm những ý nghĩ âu lo khác. Còn
phần năng lượng sợ hãi còn lại trong cơ thể sẽ đầu độc và ngăn trở sự vận hành
điều hòa của cơ thể.