Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Nhiều người thích đóng vai người lớn khi họ nói chuyện với trẻ con. Họ dùng

những từ, những tiếng khó nghe. Họ chỉ bảo đứa trẻ phải thế này, thế nọ. Họ

không cư xử công bằng với đứa trẻ. Sự thật là trong giai đoạn này, bạn tạm thời

biết nhiều hơn trẻ con, hay bạn lớn tuổi hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là

đứa trẻ phải cảm thấy thấp kém hơn bạn. Đến lúc nào đó thì một người lớn cũng

sẽ lập gia đình và làm cha mẹ - đây là vai diễn phổ biến nhất. Vấn đề quan trọng

là bạn có thể hoàn thành và hoàn thành tốt chức năng làm bố, làm mẹ mà không

cần phải tự đồng nhất mình với chức năng đó – tức là bạn làm cha mẹ, nhưng

không biến nó thành một vai diễn – hay không? Một phần của chức năng cần

thiết này là chăm sóc cho những nhu cầu của đứa trẻ, ngăn con chơi những trò

chơi nguy hiểm, hay dạy chúng nên hoặc không nên làm một điều gì đó. Tuy

nhiên, khi chức năng làm bố mẹ trở thành một tấm căn cước9, khi cảm nhận về

bản thân bạn hoàn toàn là từ đó mà ra thì chức năng làm cha mẹ đã bị phóng đại

và chiếm hữu lấy bạn. Lúc đó, bạn thỏa mãn những nhu cầu của trẻ một cách quá

đáng đến độ có thể làm hư chúng, chuyện bạn muốn bảo vệ con khỏi những trò

chơi nguy hiểm trở thành những điều cấm đoán, gây cản trở cho nhu cầu học hỏi

và khám phá thế giới tự nhiên của trẻ. Đó là lúc mà việc dạy bảo con trở thành sự

kiểm soát quá mức.

   Tệ hơn nữa là vai trò làm cha làm mẹ vẫn còn tiếp tục duy trì trong một thời

gian khá lâu, dù thời điểm thể hiện chức năng chuyên biệt đó đã qua. Cha mẹ

không thể thôi việc làm cha làm mẹ ngay cả khi những đứa con đã trưởng thành.

Họ không thể buông bỏ nhu cầu được bọn trẻ cần đến họ. Có khi đứa con đã 40

tuổi mà cha mẹ vẫn chưa thể vượt qua suy nghĩ: "Bố biết điều gì là tốt cho

con10". Vai trò làm cha mẹ vẫn còn tiếp diễn như một sự ám ảnh và vì thế mà

giữa cha mẹ với con cái không thể có một quan hệ đích thực. Qua vai trò đó,

những bậc cha mẹ tự xác định nhân cách và con người của chính họ, nên khi có

nguy cơ sẽ thôi không còn được làm cha làm mẹ nữa thì một cách vô thức, họ sợ

bị đánh mất nhân cách của mình. Nếu ý muốn kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng với

việc làm của những đứa con đã trưởng thành của các bậc cha mẹ bị cản trở, và

điều này rất thường hay xảy ra, thì họ bắt đầu lên tiếng chê trách hay bày tỏ thái

độ bất bình, hoặc là tìm đủ mọi cách để làm con mình cảm thấy tội lỗi, tất cả chỉ

là nỗ lực vô thức của các bậc cha mẹ để bám víu vai trò làm cha làm mẹ của

mình, tức cũng là tư cách của mình. Bề ngoài thì có vẻ như họ có lòng quan tâm

đến con, và họ cũng tin là như thế, nhưng thực ra họ chỉ quan tâm đến việc giữ

gìn hình ảnh làm cha làm mẹ của mình. Tất cả những quan tâm của bản ngã đều

mang tính củng cố cá nhân và lợi ích của bản thân, mặc dù có lúc nó được ngụy

trạng rất khéo với những người chung quanh và ngay cả với chính mình.

    Một người cha hay người mẹ khi tự đồng nhất mình với vai trò của mình có

khi còn cố gắng để trở nên hoàn thiện hơn thông qua con cái của họ. Nhu cầu của

bản ngã là muốn kiểm soát người khác để lấp đầy cảm giác thiếu thốn mà nó luôn

cảm thấy, lúc đó lại hướng về con cái. Nếu kể ra động cơ và những niềm tin vô

thức nằm đằng sau nỗi ám ảnh của những bậc cha mẹ hay kiểm soát con cái thì

chúng có thể bao gồm một trong những điều sau: "Cha muốn con đạt được những

gì cha chưa bao giờ đạt được, cha muốn con là một người thành đạt dưới con mắt

người đời, để qua con mà cha cũng được coi là một người thành đạt. Đừng làm

cha thất vọng nhé. Cha đã hy sinh quá nhiều vì con. Thái độ không chấp nhận

của cha về con là vì cha muốn con cảm thấy con có lỗi và bất an đến mức con

phải đáp ứng những yêu cầu của cha. Cha biết điều con cần là điều gì. Cha

thương con và cha sẽ tiếp tục thương con, nếu con biết làm những gì cha biết là

thích đáng cho con".

    Khi những động cơ mê mờ đó được nhận biết, lập tức bạn thấy chúng thật

ngớ ngẩn. Bản ngã nằm ở đằng sau cùng với những tha hóa của nó cũng trở nên

dễ nhìn thấy. Một số cha mẹ khi nghe tôi nói đã chợt nhận ra "Trời ơi, đây là

những gì tôi đang làm ư?"11. Khi bạn nhận ra mình đang làm gì và đã làm gì thì

bạn cũng thấy được sự vô nghĩa của những nỗ lực đó, lúc này khuôn mẫu mê

mờ12 ấy sẽ tự kết thúc. Nhận thức của bạn chính là tác nhân mạnh nhất có thể tạo

ra sự thay đổi.

    Nếu chẳng may cha mẹ của bạn đang tạo ra cho bạn những khó khăn này, bạn

nhớ là không nên bảo rằng: “Bố mẹ đang mê mờ”, cũng đừng nên nói cho họ biết

rằng họ đang bị bản ngã của họ chế ngự. Tất cả những điều này chỉ làm cho họ

càng trở nên mê mờ hơn vì bản ngã của họ sẽ làm cho họ trở nên bảo thủ hơn.

Chỉ cần bạn ý thức rằng đó chỉ là những biểu hiện của bản ngã ở trong họ mà

không phải là con người chân thật của họ. Nên nhớ rằng những khuôn mẫu cư xử

mang tính bản ngã trong các bậc cha mẹ, ngay cả những lối cư xử có vẻ không

thể nào thay đổi được của họ, thỉnh thoảng cũng tan biến một cách diệu kỳ khi

trong lòng bạn không còn sự chống đối. Thái độ chống đối của bạn chỉ làm cho

bản ngã của họ có thêm sức mạnh. Ngay cả khi cha mẹ bạn không nhận thức

được những gì họ đang làm, bạn vẫn có thể chấp nhận hành vi của cha mẹ với

tấm lòng bao dung mà không cần phải phản ứng lại, tức là bạn không xem đó là

một vấn đề của riêng bạn (13).

    Cũng nên ý thức về những ước ao, mong cầu vô thức nằm sau những phản

ứng đã thành nếp ở trong bạn rằng: "Cha mẹ tôi phải hiểu và chấp nhận những gì

tôi làm. Họ nên hiểu và chấp nhận con người thực của tôi". Thật thế sao? Tại sao

cha mẹ của bạn phải hiểu và chấp nhận bạn? Sự thật là họ không chấp nhận được

bạn vì họ đã không thể làm được điều này. Mức độ nhận thức, mà lúc này vẫn

đang tiếp tục chuyển biến ở trong họ, trong lúc này không thể thực hiện một

bước nhảy vọt để đi đến một mức độ tỉnh thức cao hơn. Vì họ chưa thể thoát ly

khỏi những vai trò mà họ đang đóng. "Vâng, nhưng tôi vẫn không cảm thấy dễ

chịu với con người chân thật của mình nếu cha mẹ tôi không chấp nhận và hiểu

tôi". Thật thế ư? Có gì khác biệt cho bạn khi họ chấp nhận hay không chấp nhận

con người chân thật của bạn? Tất cả những suy nghĩ không căn cứ này chỉ tạo ra

nhiều cảm xúc tiêu cực và sự đau buồn không cần thiết ở trong bạn.

    Hãy tỉnh táo để xem có phải những ý nghĩ đang chạy qua đầu bạn trong lúc

này là tiếng nói của cha hay mẹ bạn, đại loại như thế này "Mày chỉ là một đứa vô

tích sự. Mày sẽ không bao giờ làm nên trò trống gì cả"; hoặc là những phán xét

nào đó? Nếu bạn có nhận thức sáng tỏ, bạn sẽ dễ dàng nhận ra cái giọng nói vang

vang ở trong đầu bạn thực ra chỉ là: một nếp suy nghĩ cũ, bị bó buộc bởi những

gì đã xảy ra trong quá khứ14. Nếu bạn có nhận thức sáng tỏ, bạn sẽ không còn tin

vào bất kỳ ý nghĩ tiêu cực nào xảy đến trong đầu bạn. Vì đó chỉ là những thói

quen suy tư đã thành những rãnh mòn ở trong bạn. Nhận thức tức là có mặt, và

chỉ có sự có mặt của bạn mới có thể hóa giải được những quá khứ mê mờ ở trong

bạn.

    Ram Dass nói: "Khi nào bạn cảm thấy rằng mình đã giác ngộ, thì hãy dọn về

sống thử với cha mẹ bạn một vài tuần". Đây quả là lời khuyên chí lý. Quan hệ

với cha mẹ bạn không chỉ là một quan hệ đầu tiên quyết định tất cả những mối

quan hệ sau này của bạn, mà nó còn là thước đo chính xác cho mức độ có mặt -

sự Hiện diện - của bạn. Trong mối quan hệ gia đình hay với những người đã từng

chia sẻ nhiều quá khứ với bạn, thì bạn lại càng phải có mặt nhiều hơn, nếu không

thì bạn sẽ bị cuốn vào lối suy tư và những phản ứng cũ ở trong bạn, và làm cho

quá khứ đau thương ấy sống lại nhiều lần.

Xem mục lục