Hãy nhanh chóng một cách chậm chậm và bạn sẽ mau đến đích.
Milarepa
Trong phần một của cuốn sách này, người ta đã quen biết với con cọp bên trong và người ta đã hiểu sự cần thiết phải điều phục nó. Phần hai này gồm những công việc thực hành : một toàn bộ những bài thực tập có mục đích chỉ cho chúng ta làm sao chế ngự tâm thức mình và trau dồi lòng bi một cách thực tiễn trong đời sống hàng ngày, vì chính ở trong lòng đời sống hàng ngày mà việc đó phải được làm. Những trách nhiệm nghề nghiệp hay gia đình của chúng ta không phải là một chướng ngại ngăn cản chúng ta làm việc trên chính mình ; trái lại chúng là một mảnh đất tuyệt hảo, giàu vô số những cơ hội để học và để trưởng thành. Đó cũng là một chỗ kiểm nghiệm không bao giờ nói dối : thử thách của hàng ngày phát hiện nhanh chóng những yếu đuối và những thiếu sót của chúng ta và ngay sau đó người ta thấy cái cần phải tẩy xóa, làm lại hay làm vững chắc thêm. Không phải vuốt ve ý tưởng bỏ đi tất cả để ra đi tìm trí huệ : nó không ở đâu khác ngoài chính mình, ở nơi mà người ta đang ở. Bước đầu tiên tiến về sự trưởng thành có lẽ cốt ở không chối bỏ thực tại – của cái mà người ta là và của tình huống hiện tại – thay vì những giấc mộng mà chắc chắn người ta chẳng bao giờ thực hiện được và chúng chỉ là những bằng cớ của chủ nghĩa an nhàn bất động.
Tất cả chúng ta đều có một hành trang nào đó, từ khi sinh ra, đã học nhiều điều ích lợi, nhưng cũng mang lấy một số những thói quen xấu góp phần lớn vào những vấn đề và những khổ đau của chúng ta. Được nền giáo dục của chúng ta khuyến khích để phát triển bản ngã, người ta thường quen cho nó một ưu tiên luôn luôn, xem đấy là một chiều hướng tự nhiên. Người ta càng bị điều kiện hóa bởi những giá trị hiện đại bao nhiêu khi chúng thường ưu đãi chủ nghĩa cá nhân : sự quan trọng của quan niệm “nhân cách”, sự phá hủy gia đình và làm yếu sự liên đới cộng đồng, tuyên dương thành công vật chất và những lạc thú tiêu dùng với sự thành công đó.
Trong một thời gian đầu, sẽ ích lợi khi phân tích một ít những thói quen và sự bị quy định của mình để phân biệt cái gì cần giữ gìn và trau dồi và cái gì tốt hơn hết là nên bỏ. Đó sẽ là dịp để biết một số tính khí hiện thời của chúng ta thường là những thói quen xưa cũ, hay thậm chí những phản xạ gắn liền với chúng ta từ thời thơ ấu, mặc dầu chúng hoàn toàn không phù hợp với tình trạng tâm thức hiện thời của chúng ta nữa. Cũng giống như con bướm kéo theo sau nó những mảnh của con nhộng của mình.
Những bài thực tập sau sẽ cho chúng ta những phương tiện để đối mặt với mọi trường hợp của đời sống hàng ngày, một cách quân bình tốt nhất. Phải tìm ra một sự quân bình, một điều độ nào đó, để có thể nhận những sự vật như chúng đến, không tự chiến đấu để sửa sang chúng một cách thường trực bằng cách từ chối cái người ta không ưa và chỉ theo đuổi cái làm cho người ta thích. Chỉ sự kiện ngừng dứt cuộc chiến đấu vô bổ này sẽ cất nhẹ cho chúng ta khỏi một trọng lượng lớn lao của thất vọng và căng thẳng : luôn luôn khó khăn lắm khi chèo ngược dòng !
Thường người ta khổ đau vì họ phản ứng quá mạnh với điều đến với mình – vui hay buồn. Đây cũng thế, cần phải điều hòa để không để cho những biến cố tràn ngập : thế nên người ta học điều phục con cọp tâm thức để tìm thấy một sự ổn định bên trong và không hoàn toàn phụ thuộc vào sự thuận lợi của những hoàn cảnh bên ngoài nữa. Nếu ngày này qua ngày khác, người ta có can đảm giáp mặt với sự giận dữ hay khổ đau của mình trong những bài tập thiền định, cuối cùng người ta có thể đối mặt với chúng khi gặp chúng trong cuộc sống hàng ngày. Người ta dạy dần dần con cọp để không sợ lửa nữa, cho đến một ngày có thể nhảy qua một vòng lửa.
Những bài thực tập nhằm tạo ra một không gian, để hiểu rõ hơn cái gì đang xảy ra. Người ta tự cho mình một bước thụt lui đối với những biến cố và những khó khăn của đời mình. Như bài thực tập Quả Cầu Cầu Vồng (số 15), với những quán tưởng của nó về những ánh sáng màu sắc khác nhau, có thể cho chúng ta học đối mặt với những cảm xúc mãnh liệt chúng rất thường làm cho chúng ta hụt hẫng. Những bài thực tập về Người Bạn (số 7) và Kẻ Thù (số 11) giúp chúng ta tương đối hóa ý nghĩ người ta tạo ra về tình bạn và thù oán. Người chúng ta xem như một kẻ thù về lâu sau này có thể trở thành người bạn quý nhất, vì nó cho chúng ta cơ hội học sự nhẫn nhục và lòng bi. Ngược lại, những người chúng ta gọi là “bạn”, không phải luôn luôn nhất thiết làm điều tốt cho chúng ta : họ có thể thậm chí là một chướng ngại trầm trọng cho sự phát triển bên trong nếu chúng ta quá luyến chấp vào họ, hay nếu tình thương yêu của họ quá có tính sở hữu.
Những bài thực tập được đề nghị ở đây tạo thành một toàn bộ những kỹ thuật làm chủ tâm thức mà người ta có thể xem như một hình thức “trị liệu”. Đó là một trị liệu toàn thể (như đức Phật được tôn xưng là bậc Đại Y Vương – dịch giả) hơn là ý nghĩa của sự chữa trị hay đề phòng một bệnh trạng đặc biệt : một sự tái quân bình hay một sự tái giáo dục toàn diện. Dù người ta không bệnh theo nghĩa thường tình, người ta đã mất cảm thức bản năng của sự quân bình mà một số người thuộc tổ tiên xa xưa của chúng ta đã có. Khi làm cho cuộc đời chúng ta được dễ dàng, thuận tiện, văn minh đô thị cũng làm chúng ta mong manh dễ vỡ và xa cách những thực tại tự nhiên. Đến nỗi người ta bị bắt buộc học lại điều mà người ta không biết làm một cách tự phát nữa : học tôn trọng những nhịp điệu sinh học và môi trường tự nhiên mà chúng ta tùy thuộc vào, làm quân bình sự dinh dưỡng của chúng ta, tập thể dục để bù cho một cuộc sống quá ít hoạt động… Không đặc trưng sao khi thậm chí người ta cần phải học lại thở cho đúng, trong khi thở là một bản năng sinh lý sơ khai nhất nơi một con người ? Chính trong mức độ những bài thực tập đề nghị ở đây có thể giúp tự giáo dục lại để tìm lại sự quân bình của mình mà người ta có thể nói đến một sự “trị liệu” – một sự can thiệp có ý thức với mục đích tái lập những cơ chế tự nhiên của sự quân bình. Thật ra, có nhiều cái có một giá trị trị liệu, chỉ cần người ta biết nhận ra và khai thác nó đúng đắn : thực phẩm người ta ăn, y phục người ta mặc, cách bước đi và tư thế ngồi, những cử động, những màu sắc và âm thanh chung quanh – tất cả những cái đó có thể có tác dụng trị liệu đối với chúng ta, nghĩa là giúp chúng ta tìm thấy một sự quân bình tốt hơn, nhất là giữa thân và tâm. Phần đông chúng ta làm việc với cái đầu hơn là với thân thể, điều này chỉ làm nặng thêm khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là trải nghiệm thế giới qua những tư tưởng hơn là qua cách trực tiếp và đơn giản hơn. Người ta ít có cố gắng thân xác và có khuynh hướng tạo tác lo âu hơn…
Dầu danh từ người ta gán cho những thực tập này là gì – “thiền định” hay “trị liệu” – trong mọi trường hợp chúng có thể giúp chúng ta tái lập cảm thức những quân bình tự nhiên, đấy chỉ là nhờ sự thư giãn cần thiết trong việc thực hành chúng. Sự buông xả là cần thiết cho mọi hình thức trị liệu hay thiền định ; khi người ta vừa có một cố gắng thể xác và người ta nghỉ một lát để uống một chút cà phê hay một tách trà, đó vừa là một chốc lát làm tươi mới lại vừa là thư giãn, điều đã hơi giống với một thực tập thiền định hay trị liệu, nếu người ta biết thư giãn tốt. Ngược lại, nếu người ta suốt ngày uống cà phê, thì không chỉ người ta không thư giãn mà còn căng thẳng và kích động hơn trước. Cũng thế, người ta sẽ không rút ra được gì hay từ những bài thực tập này nếu họ phóng mình vào trong đó mà hoàn toàn co rút và căng thẳng. Không phải một cái gì kỳ diệu làm cho bạn tức thời đi từ sự rối loạn qua một trạng thái ân sủng, nhưng những bài thực tập đòi hỏi một sự tập trung nào đó. Thế nên, khi cảm thấy căng thẳng, kích động, quan trọng là trước tiên tạo ra trong đầu khoảng không gian bằng cách thư giãn một ít trước khi bắt đầu những bài thực tập. Trong trường hợp đó, người ta có nhiều lợi lạc khi bắt đầu với một hoạt động thể xác nhẹ nhàng – một cuộc đi dạo, làm vườn, nấu ăn sơ sài – sau đó người ta cảm thấy bình an và thư giãn hơn, sẵn sàng làm việc với những “bắp thịt” tâm thức.
Những lời khuyên thực tiễn cho sự thực hiện những bài thực tập
Những bài thực tập được trình bày trong hình thức một chuỗi được yêu cầu đi theo thứ tự. Sự tiến hành những bài thực tập không phải được tổ chức theo lối tùy ý, nó là một tập sự tuần tự những khả năng tâm thức khác nhau. Vậy quan trọng là phải xem những thực tập này như một tổng thể và thực hành chúng lần lượt, theo một chương trình vạch sẵn. Không nên chờ đợi gì nhiều nếu người ta nhảy qua những bài thực tập người ta không thích, hay tập trung đặc biệt vào những bài thực tập người ta thích ý, hay bay chập chờn giữa nhiều cái. Đó là một toàn thể mà mỗi thành phần là cần thiết để bảo đảm sự liền lạc ổn cố và hiệu quả của tất cả. Nếu một lực sĩ chỉ làm việc với bụng và ngực, nó sẽ có một phần trên quá nở, đặt trên đôi chân cào cào, thay vì một thân thể hài hòa của một người trau dồi toàn thể những bắp thịt của nó một cách quân bình.
Hiển nhiên người ta nên thực hành những thực tập này càng đều đặn càng tốt, những lợi lạc tùy theo mức độ cố gắng mà họ đầu tư vào. Chúng ta hãy biết rằng nếu điều gì chúng ta giữ trong lòng, chúng ta luôn luôn tìm thấy phương tiện để làm điều đó : nếu những người làm việc suốt ngày từ chối sự êm ái của cái giường vào lúc bình minh để chạy bộ hay chơi quần vợt, chính là bởi vì họ tin rằng điều đó làm tốt đẹp cho họ, và họ sẵn sàng có cố gắng cần thiết để kiếm được lợi lạc phụ đó. Nếu người ta thấy rằng những thực tập có một xác đáng nào đó cho mình, người ta sẽ tìm ra thời gian để làm chúng, như những người chạy bộ buổi sáng sớm. Người ta càng đầu tư vào cái gì, người ta càng thành công trong cái đó. Điều đó muốn nói rằng, mọi thực hành đều ích lợi, dù nó có giới hạn thế nào, và dù người ta còn chưa có thể có một sự thường xuyên. Thậm chí, trong một thời gian đầu, người ta chỉ đọc những bài thực tập, người ta có thể có ý thích trở lại với chúng và thực hành chúng về sau, vào một lúc người ta thực sự cảm thấy chúng là nhu cầu.
Càng tiến trong chương trình những bài thực tập, có lẽ người ta sẽ có cảm tưởng rằng một số được thích hơn những cái khác, chuyện đó không có gì trầm trọng. Quan trọng là làm tất cả với hết lòng mình, cái này sau cái kia, mà không trú trong ý tưởng về một “kết quả”. Bạn chớ nản lòng khi gặp vài khó khăn và hãy đơn giản kiên trì trong sự thực hành của bạn. Ngược lại, nếu bạn đến một điểm mà bạn có cảm tưởng mình đang liên tục chiến đấu với chính mình, hay chiến đấu với bài thực tập đang đặt cho bạn những vấn đề nan giải, tốt hơn là ngưng lại và hãy tự cho mình một sự nghỉ mệt một hai ngày, trước khi làm lại. Thật vậy, người ta chẳng được gì khi cưỡng ép quá, vì việc đó chỉ làm mình thêm căng thẳng, trong khi trái lại, cần để tâm thức thư giãn tối đa. Trong thời gian nghỉ thực tập, chớ ngừng tất cả những thực hành mà hãy dùng ba cái đầu tiên, “Thư Giãn” (số 2), “Cảm Nhận” (số 3) và “Tự Mở Mình Ra” (số 4). Chúng sẽ giúp bạn thư giãn để trở lại với thực tập “khó” với tâm thức đã lại tươi mới.
Nếu bạn bị nhiều tư tưởng tấn công trong khi thực tập, chớ có lo âu. Ngay khi biết sự xao lãng của mình, bạn chỉ thư giãn, rồi tập trung trở lại vào đối tượng thiền định. Nếu như vậy không đủ, người ta cũng có thể nghỉ ngơi một chút hay làm những thực tập thư giãn, trước khi nắm lại sợi dây thực tập. Phải học cách nhận ra khi nào người ta sẽ quá cứng rắn hay trái lại quá dễ dãi, để giữ một mức độ trung dung.
Bạn sẽ nhận thấy có nhiều thực tập đặt nền trên một sự quán tưởng đức Phật. Không phải là Phật với tư cách là một nhân vật lịch sử và tôn giáo, mà với tư cách là biểu tượng chiến thắng của sự thanh tịnh nội tại của tâm thức – giác ngộ, thức tỉnh và tràn đầy lòng bi – đối với những nhiễm ô đã tạm thời che đậy sự thanh tịnh đó. Tuy nhiên, nếu biểu tượng này làm khó khăn bạn vì những lý do trí thức hay tôn giáo, để thay thế hãy tưởng tượng tinh túy của lòng bi vũ trụ, trong hình thức một quả cầu bằng ánh sáng thanh tịnh rực rỡ.
Những thực tập sau đây không có ý định cho bạn những năng lực siêu phàm, mà giúp bạn đối mặt với mọi trường hợp người ta phải đương đầu trong đời sống hàng ngày. Nếu bạn có cảm tưởng tiến bộ tốt hơn, nhất là trong việc giáp mặt những khó khăn của bạn, thì bạn đang ở trên con đường đúng. Thế nghĩa là, phải biết kiên nhẫn và không chờ đợi có tức khắc những kết quả ngoạn mục : người ta không thể xóa đi trong ngày một ngày hai những thói quen và những phản xạ ích kỷ có hàng bao nhiêu năm. Người ta sẽ tìm thấy một sự an ủi và khuyến khích nào đó khi tự nhớ lại rằng người ta không làm công việc này chỉ cho mình nó hay vì một kết quả tức thời, mà cũng cho tất cả những người khác, và với những lợi lạc bao la dài hạn, cho họ cũng như cho chúng ta.
Nếu mặc dù với một liều lượng cố gắng và kiên nhẫn đủ khá, người ta tiếp tục có nhiều khó khăn khi đối mặt với những sự việc hàng ngày, với trong mình hay xung quanh mình, người ta có thể tiếp xúc với tác giả (để tiếp xúc với tác giả về những bài thực tập, xem Phụ lục cuối sách) hay những người cộng tác với chương trình thực tập này. Người ta cũng có thể nhờ một vị thầy tâm linh giúp đỡ, hay tham dự một nhóm đã từng thực hành những bài tập này và họ có thể cho một sự nương dựa nào. Tuy nhiên, quan trọng là chớ lao ngay vào vòng tay của một “guru” đầu tiên vừa mới đến, và cần biết về giá trị của vị thầy hay của nhóm liên quan.
Khi chương trình những thực tập hoàn toàn chấm dứt, người ta có thể dùng theo ý muốn một thiền định nào đó đối với những khó khăn đặc biệt mà họ sẽ gặp. Mỗi bài thực tập đóng một vai trò riêng, và toàn bộ tạo thành một chuẩn bị tốt đẹp cho những ai muốn theo đuổi một hành trình tâm linh lâu dài và có kết quả. (Đối với đạo Phật, cái gì có ở đích cuối cùng phải đã có ở những bước đầu tiên. Những bài thực tập này đặt nền trên căn bản Phật tánh và đưa đến mục đích là Phật tánh, trí huệ và đại bi, vì thế giải thoát hay chứng ngộ viên mãn Phật tánh là sự khai triển và thành tựu rốt ráo những thực tập này ở mức độ cao nhất – ghi chú thêm của người dịch tiếng Việt).
Một điểm chót quan trọng : điều người ta học và hiểu về những thực tập không phải là để cho chữ nghĩa chết khô, mà để được đưa vào thực hành. Ích lợi gì khi thiền định về lòng bi trong một giờ đồng hồ nếu giờ phút sau đó người ta đã có một màn gây lộn với vợ hay cãi nhau với hàng xóm ? Điều bạn đã học phải trở thành một bản chất thứ hai, một cái gì theo bạn khắp nơi và trong mọi hoàn cảnh. Để làm vững chắc động lực của bạn và tránh quy về chính mình, bạn hãy kết thúc mỗi thời làm việc với những thực tập bằng một ý nghĩ cho những người khác, theo chủ đề sau :
Tôi ước mong có thể áp dụng trong cuộc đời hàng ngày của tôi và chia xẻ với tất cả những ai khổ đau về thể xác hay tâm thức, tất cả điều gì tôi đã học hay hiểu hôm nay. Nguyện rằng những nỗ lực của tôi liên hiệp với năng lực của lòng bi vũ trụ để giúp đỡ họ vượt qua những khó khăn của họ và tìm thấy lại hạnh phúc.
Câu hỏi : Có nên tránh đặt ra những mục tiêu quá tham vọng khi người ta làm những thực tập ?
Trả lời : Không ích lợi lắm khi hy vọng những kết quả quá lớn lao, bởi vì điều đó dẫn chúng ta đến chỗ hơi bắt ép những sự việc. Những thực tập không phải được làm để chuyển hóa đen ra trắng trong ngày một ngày hai, mà để cho người ta hòa nhập những giáo pháp vào đời sống hàng ngày.
Câu hỏi : Khi thầy nói đến cái ngã (cái ta) được làm mạnh thêm bởi giáo dục, đó có phải cùng một thứ với một cảm giác mạnh mẽ về bản sắc của nó ? Có cái gì tốt đẹp trong cái ngã không ? Nó không cần thiết với chúng ta để sinh hoạt bình thường trong thế giới này sao ?
Trả lời : Rõ ràng người ta cần một cái ngã có chức năng nào đó, một cái gì để nói : “Tôi muốn đi đến chỗ kia, tôi phải làm điều đó.” Nhưng một khi cái ngã đã đóng vai trò thiết lập một bản sắc sơ khai này, không cần thiết phải bám vào nó nữa và phải sẵn sàng lìa bỏ nó, như khi người ta vất bỏ một đôi giày cũ mòn. Vậy thì người ta cần một hình thức cái ngã nào đó lúc ban đầu, nhưng khi nó đã phục vụ xong, người ta không cần đến nó nữa.
Câu hỏi : Nếu vì lý do này hay lý do khác mà người ta không muốn quán tưởng đức Phật, người ta có thể thế chỗ bằng cách tưởng tượng đức Jesus hay một đạo sư vĩ đại khác mà người ta tin tưởng không ?
Trả lời : Khi người ta nói đến một vị “Phật”, người ta muốn nói đến một người có mọi phẩm tính mà danh từ đó diễn tả : một người mà tâm thức hoàn toàn trong sạch và đã thức tỉnh với bản tánh thật sự của những sự vật, mà lòng bi là toàn khắp vũ trụ, và hoàn toàn tận tụy vì những người khác. Nếu đó là điều mà đức Jesus hiện thân đối với bạn, bấy giờ là như nhau khi hình dung Chúa hay Phật.
Câu hỏi : Nếu người ta bắt đầu thực hành những thực tập đều đặn và người ta phải ngưng chúng trong vài tuần hay vài tháng vì một lý do nào đó, người ta có thể bắt đầu làm lại từ chỗ người ta đã ngừng hay tốt hơn là bắt đầu trở lại hết ?
Trả lời : Tất cả tùy thuộc vào cái mà bạn đã rút ra được từ những bài tập bạn đã làm. Nếu bạn có cảm tưởng bạn đã thâu hóa chúng khá tốt và chúng thật sự làm lợi lạc cho bạn, bạn có thể tiếp tục từ chỗ bạn đã dừng trước kia. Nếu không phải thế, tốt hơn là bắt đầu lại từ đầu.
Câu hỏi : Làm sao để tránh khỏi rơi vào những cạm bẫy của thực hành tâm linh, như sự kiêu mạn khi người ta cảm thấy có những tiến bộ ? Tôi tự hỏi khi người ta thực hành một mình, với sách, không có thầy bên cạnh, người ta sẽ tiến bộ thiên lệch chăng ?
Trả lời : Rất có thể hình ảnh mà bạn tạo ra về chính bạn từ khi sanh ra không tương đồng với thực tế, nếu bạn không bao giờ phân tích. Có thể bạn tự tạo ra một ý tưởng về mình hoàn toàn không có cơ sở nào cả, nhưng bạn không biết gì, hơn nữa không có ai đã nói với bạn hình ảnh ấy về bạn có trung thực hay không. Người ta có thể tự nhủ “tôi là ánh sáng”, hay là Phật hay là Chúa, nhưng rõ ràng đó chỉ là một tưởng tượng ảo giác. Thế nên rất ích lợi khi có người nói cho chúng ta rằng chúng ta không đẹp, không đức hạnh, không dị thường như chúng ta tin như vậy, bởi vì điều đó tránh cho chúng ta tin vào hình ảnh về mình mà chúng ta phóng chiếu và tránh cho chúng ta tiếp tục đồng hóa với nó. Và chính trong chiều hướng đó mà một vị thầy có thể làm cho chúng ta bớt loại sai lầm này khi lột trần những ảo tưởng của chúng ta và dẫn dắt chúng ta trong hướng đi đúng. Vậy thì quả là đúng rằng người ta có thể tự lừa dối mình khi chỉ tín nhiệm vào độc nhất một cuốn sách, bởi vì người ta có nguy cơ giải thích nó riêng biệt theo hình ảnh mà người ta tự tạo về mình, và một đường lối như vậy hoàn toàn nghèo nàn, kém cỏi. Tôi cũng thêm rằng một cuốn sách thế nào cũng có những giới hạn nội tại : nó cho một khuôn khổ quy chiếu tổng quát, xác định một lần cho tất cả trên giấy, trong khi cuộc sống thì thường trực biến đổi và mỗi trường hợp người ta gặp là độc nhất.
Câu hỏi : Vậy thì làm sao tránh loại vấn đề này khi người ta không làm việc dưới sự hướng dẫn của một vị thầy ?
Trả lời : Hãy nhấn mạnh vào lòng bi đến mức nào bạn còn có thể, và hãy để bạn được hướng dẫn bởi nó trong khi chờ đợi gặp được một người nào biết đường lối mà chúng ta đang nói ở đây.
Câu hỏi : Một sự tăng trưởng những cảm xúc tiêu cực và những khó khăn có phải tất yếu là dấu hiệu là có cái gì không ổn trong thực hành hay đó là một tác dụng phụ của việc “chữa trị” đã đưa lên bề mặt những khuynh hướng có thức ?
Trả lời : Khó mà nói một cách trừu tượng như vậy ; đó có thể là cái này hoặc cái kia, hay cả hai. Có thể người ta luôn luôn có những phiền não này trong họ, nhưng người ta còn chưa biết bởi vì người ta ít ý thức đến cái gì xảy trong tâm thức. Khi người ta luôn luôn có khuynh hướng có một ý kiến quá tốt về mình, người ta chỉ thấy cái người ta muốn thấy – những mặt tốt. Đến nỗi rằng những phiền não có vẻ khởi lên chẳng từ đâu cả khi người ta lại ý thức đến chúng và tự phân tích. Có lẽ đó không phải là một nhận xét khích lệ lắm, nhưng dầu sao, cái đáng nói là chớ xem quá nghiêm trọng những tình cảm và những phiền não này khi chúng được tìm thấy ở trong mình. Chỉ cần ý thức cái gì đang xảy ra nơi mình, và nếu người ta không phân cực vào một cái gì, thì người ta không phải có những vấn đề lớn lao.
Câu hỏi : Hiện giờ có nhiều người đề nghị nhiều loại hệ thống “trị liệu”. Những hệ thống khác nhau này nói chung đều ích lợi, và chúng khác với đường lối đặt nền trên đạo Phật của ngài như thế nào ?
Trả lời : Tôi không thể trả lời thay cho những người khác, nhưng tôi tưởng tượng có nhiều người đề nghị những biện pháp trị liệu lợi lạc, điều đó là tốt. Có những cái khác thành công ít nhiều, và một số thậm chí gây ra tai hại. Thật ra, phẩm chất của một phương pháp chữa lành tùy thuộc nhiều vào động cơ của nhà trị liệu, trong mức độ nhân cách của người ấy có một ảnh hưởng lớn trên những phương pháp của mình. Nhưng điều ấy còn tùy thuộc vào mức độ kinh nghiệm, và giá trị truyền thống mà người ấy dựa vào : có một khác biệt lớn lao giữa một hệ thống “gia đình” mà một người nào đó đã biến chế từ những ý tưởng riêng của mình và của những người khác rải rác đó đây, với những phát huy được truyền thừa bởi một truyền thống đã có những chứng cớ của nó. Trong nhãn quan Phật giáo, sự chữa lành được đặt nền trên những kỹ thuật tâm thức nhắm đến thu hoạch sự điều phục tâm thức. Điều này muốn nói rằng người nào biết làm sao hàng phục tâm thức – bằng kinh nghiệm cá nhân và không chỉ qua một hiểu biết lý thuyết – được đánh giá là có đủ thẩm quyền để dạy những phương pháp ấy.
Câu hỏi : Làm thế nào tôi có thể làm mạnh động lực của tôi, ý muốn thực hành lòng bi của tôi ? Tôi hoàn toàn tin sự cần thiết làm việc đó, nhưng luôn luôn có một cái gì ngăn cản tôi – sự lười biếng, những bế tắc trong tâm trí.
Trả lời : Điều quan trọng là làm hết sức mình, tính đến những điều kiện của riêng mình, hơn là chờ đợi được hoàn hảo để giúp đỡ những người khác. Khi giúp đỡ họ, người ta cũng tự giúp đỡ chính mình, và dù cho người ta lầm lẫn, người ta cũng có thể rút ra những bài học để tự cải thiện. Đặt sự thực hành của bạn trên ý tưởng rằng bạn sẵn sàng giúp đỡ mọi người nào cần đến bạn và làm tất cả những gì bạn có thể làm được trong chiều hướng đó tốt hơn là nói với những người khác : “Tôi rất thích giúp các bạn, nhưng tôi còn chưa hoàn toàn sẵn sàng.”
Câu hỏi : Đâu là sự khác biệt hay là mối tương quan, giữa trị liệu và thiền định ?
Trả lời : Không có sự khác biệt giữa chữa lành và thiền định. Trị liệu muốn nói đến điều trị, chăm sóc, chữa lành, và cũng phòng ngừa những bệnh tật, những mất quân bình. Chúng ta hãy lấy một thí dụ đơn giản để phác họa : nếu bạn làm đứt tay và bạn dán miếng băng lên đó, thì ấy là một trị liệu vật lý ; nếu đồng thời bạn lợi dụng điều đó để học không tự làm đứt tay một lần nữa, điều này thuộc về phương diện tâm thức của sự trị liệu. Mọi sự trị liệu liên hệ với phương diện tâm thức đều liên kết với thiền định.
Câu hỏi : Thế có phải muốn nói rằng, khi người ta biết thiền định đúng, tức là người ta đang làm trị liệu bằng cách thiền định ?
Trả lời : Vâng, đúng thế. Nhưng điều đó cũng áp dụng cho những việc khác : ăn, ngủ, mặc quần áo, và thư giãn, tất cả những cái đó tham gia vào sự trị liệu theo nghĩa rộng – mọi cái đáp ứng đầy đủ cho những nhu cầu của chúng ta.
Câu hỏi : “Có lòng bi” hiểu cho đúng là thế nào ?
Trả lời : Theo tôi, có lòng bi nghĩa là bao gồm tất cả mọi người vào trong cuộc đời của bạn. Để được như vậy phải hiểu rằng tất cả chúng ta không trừ một ai đều đi tìm hạnh phúc và đều tránh đau khổ và bất hạnh. Phiền não, đó là do vô minh của chúng ta về bản tánh đích thực của những sự vật mà người ta không thể tìm thấy hạnh phúc, trong khi người ta không ngừng có những khổ nhọc và khó khăn đủ mọi loại. Lòng bi, đó là tình thương vô điều kiện. Đó là ý chí giúp đỡ bất kỳ ai cần sự giúp đỡ của bạn, và với cùng một chăm sóc ân cần cho tất cả : người mà bạn giúp đỡ có thể là hữu ích cho bạn hay thậm chí giận dữ, hung bạo với bạn, hay tố cáo bạn những việc bạn không hề làm – tất cả chẳng thay đổi gì được ý chí muốn giúp đỡ họ. Ngược lại, những phản ứng như vậy chỉ làm cho ý chí đó mạnh thêm. Người ta không chờ đợi cái gì cho mình, không mong chờ một kết quả nào. Và nếu một tình cờ bi thảm khiến người ta ngồi tù vì điều người ta đã giúp đỡ một ai đó, lòng bi sẽ đưa đến sự vui mừng đã có thể mang lấy gánh nặng của người khác, đổi lấy hạnh phúc của mình. Thế đó là lòng bi thật sự, cái cho đi tất cả mà không chờ đền đáp.
Câu hỏi : Thầy đã nói có một lúc mà, nếu người ta thực hành đúng đắn những bài thực tập, người ta có thể tự nhủ người ta đang đi trong chiều hướng đúng. Thầy nghĩ điều đó như thế nào ? Có những dấu hiệu cho phép người ta đánh giá những tiến bộ của mình không ?
Trả lời : Tôi nghĩ rằng nếu bạn nhận thấy rằng khi thực hành những bài thực tập bạn đến chỗ sống những biến cố hàng ngày tốt hơn và đối mặt với chúng tương xứng hơn, đó là có một tiến bộ nào đấy. Nếu thực hành đúng đắn những bài thực tập, người ta sẽ có ít khuynh hướng tự tạo ra những vấn đề và tự đặt mình trong những tình huống khó khăn. Người ta sẽ phát triển cái tốt nhất của chính mình để trở thành một con người xứng đáng với danh từ này.