GIẢI THÍCH: PHẨM BẢY THÍ THỨ 85
(Kinh Ma-ha Bát-nhã ghi: Phẩm Bảy dụ thứ 85; kinh Đại Bát-nhã, hội 2 ghi: Phẩm Bảy việc thứ 83)
KINH: Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, nếu các pháp tự tính không có sở hữu,[1] chẳng phải Phật làm, chẳng phải Bích-chi Phật làm, chẳng phải A-la-hán làm, chẳng phải A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-hồn làm, chẳng phải người hướng đạo làm, chẳng phải người đắc quả làm, chẳng phải các Bồ-tát làm, như vậy làm sao phân biệt có các pháp khác nhau là địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ? Là người, là trời Bốn thiên vương cho đến trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng? Vì nhân duyên của nghiệp nên biết có kẻ sinh địa ngục, kẻ sinh súc sinh, kẻ sinh ngạ quỷ; vì nhân duyên của nghiệp nên biết có có kẻ sinh cõi người, sinh cõi trời cho đến sinh cõi trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng; do nhân duyên nghiệp nên biết có người được Tu-đà-hồn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật; do nhân duyên nghiệp
[1] T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), quyển 478, phẩm Vô sự thứ 83 (無事品83), tr. 420a21-22: Nếu tất cả pháp đều lấy vô tánh mà làm tự tánh.
* Trang 538 *
nên biết có các vị A-la-hán; do nhân duyên nghiêïp nên biết có Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri. Bạch đức Thế Tôn, trong pháp không có tự tính thời không có nghiệp dụng;[1] vì nhân duyên tạo nghiệp nên hoặc đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; hoặc sinh vào cõi người cõi trời cho đến trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng; do nhân duyên tạo nghiệp nên được Tu-đà-hồn cho đến A-la-hán, Bích-chi Phật; Bồ-tát hành đạo Bồ-tát nên được trí Nhất thiết chủng; được trí Nhất thiết chủng nên có thể cứu vớt chúng sinh ra khỏi sinh tử?[2]
Phật bảo Tu-bồ-đề: Như vậy, như vậy. Trong pháp không có tự tính thời không có nghiệp, không có quả báo. Người phàm phu vì không vào thánh pháp, không biết các pháp tướng không có tự tính, điên đảo ngu si nên khởi tạo các nghiệp nhân duyên.[3] Các chúng sinh ấy theo nghiệp thọ thân: Hoặc thân địa ngục, thân súc sinh, thân ngạ quỷ, thân người thân trời cho đến thân trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng. Pháp không có tự tính thường không có nghiệp, không có quả báo; pháp không có tự tính thường là không có tự tính.[4] Như lời Tu-bồ-đề nói: Nếu hết thảy pháp không có tự tính thời làm sao phân biệt đó là Tu-đà-hồn cho đến chư Phật được trí Nhất thiết chủng. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, đạo không có tự tính chăng? Tu-đà-hồn quả cho đến trí Nhất thiết chủng của chư Phật là không có tự tính chăng?
[1] T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), quyển 478, phẩm Vô sự thứ 83 (無事品 83), tr. 420b: Pháp vô tánh định không tác dụng.
[2] T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), quyển 478, phẩm Vô sự thứ 83 (無事品 83), tr. 420b8-18: Bạch Thế Tôn! Pháp vô tánh định không tác dụng, làm sao nói được do nghiệp như thế sanh bàng sanh, do nghiệp như thế sanh quỷ giới, do nghiệp như thế sanh nơi trong người. Do nghiệp như thế nên sanh trời Bốn đại vương chúng cho đến trời Tha hóa tự tại, do nghiệp như thế nên sanh trời Phạm chúng cho đến trời Sắc cứu cánh, do nghiệp như thế nên sanh trời Không vô biên xứ cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Do pháp như thế được quả Dự-lưu, do pháp như thế được quả Nhất-lai, do pháp như thế được quả Bất-hoàn, do pháp như thế được quả A-la-hán, do pháp như thế được Ðộc-giác Bồ-đề, do pháp như thế được Nhất thiết tướng trí gọi Phật Thế Tôn, khiến các hữu tình giải thoát sanh tử?
[3] T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), quyển 478, phẩm Vô sự thứ 83 (無事品 83), tr. 420b19-22: Trong pháp vô tánh chẳng thể thi thiết các pháp có khác, không nghiệp không quả, cũng không tác dụng. Nhưng các ngu phu chẳng rõ Thánh pháp Tỳ-nại-da, nên chẳng như thật biết các pháp đều lấy vô tánh làm tánh, ngu si điên đảo, phát khởi nhiều thứ nghiệp thân ngữ ý, theo nghiệp sai khác chịu các thứ thân.
[4] T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), quyển 478, phẩm Vô sự thứ 83 (無事品 83), tr. 420b27-29: Nhưng tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh. Trong pháp vô tánh thật không có pháp khác, không nghiệp, không quả cũng không tác dụng, pháp vô tánh thường vô tánh vậy.
* Trang 539 *
Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, đạo không có tự tính; quả Tu-đà-hồn cũng không có tự tính, cho đến trí Nhất thiết chủng của chư Phật cũng không có tự tính.
Này Tu-bồ-đề, pháp không có tự tính có thể được pháp không có tự tính chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Pháp có tự tính có thể được pháp có tự tính chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Này Tu-bồ-đề, pháp không có tự tính và đạo đều không hợp, không tán, không sắc, không hình, không đối, chỉ là một tướng tức vô tướng. Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật, dùng sức phương tiện thấy chúng sinh do điên đảo nên đắm trước năm uẩn; trong vô thường tưởng thường, trong khổ tưởng vui, trong không tịnh tưởng tịnh, trong vô ngã tưởng ngã nên đắm trước vào chỗ không có sở hữu. Bồ-tát nhờ dùng sức phương tiện nên ở trong chỗ không có sở hữu mà kéo chúng sinh ra khỏi.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, chỗ phàm phu đắm trước vả chăng có thật chẳng khác ư? Chỉ vì đắm trước nên tạo nghiệp, do nhân
* Trang 540 *
nhân duyên của nghiệp nên không thốt khỏi năm đường sinh tử?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Chỗ phàm phu đắm trước, khởi nghiệp thật sự không có mảy may như lông tóc, mà chỉ do điên đảo nên thấy có. Nay Ta vì ông nói ví dụ, người trí do ví dụ mà được hiểu. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, như trong mộng thấy người hưởng thọ cái vui năm dục, thật có nơi chốn chăng?
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, mộng còn hư dối, không thể có được, huống nữa là ở trong mộng hưởng vui năm dục!
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, các pháp hoặc hữu lậu, vô lậu, hoặc hữu vi, vô vi, vả chăng có pháp nào không như mộng?
Bạch đức Thế Tôn, các pháp hoặc hữu lậu, vô lậu, hoặc hữu vi, vô vi, không có pháp nào không như mộng.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao, trong mộng có qua lại năm đường sinh tử chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Ý ông nghĩ sao, trong mộng có tu đạo, dùng tu đạo ấy hoặc vướng nhơ, hoặc được sạch chăng?
* Trang 541 *
Thưa không, bạch Thế Tôn, vì sao? Vì mộng không có thật sự, không thể nói nhơ sạch.
Ý ông nghĩ sao, tượng trong gương thật sự có khởi tạo nghiệp nhân duyên, do nhân duyên của nghiệp ấy mà đọa vào địa ngục, ngạ quả, súc sinh; hoặc làm người, trời Bốn thiên vương cho đến trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng xứ chăng?
Tu-bồ-đề đáp: Thưa không, bạch Thế Tôn. Tượng ấy không có thật sự, chỉ dối trẻ nít thời việc ấy làm sao có nghiệp duyên, do nghiệp duyên ấy sẽ đọa vào địa ngục cho đến sinh vào cõi trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng được!
Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, tượng trong gương có tu đạo, dùng tu đạo ấy hoặc vướng nhơ, hoặc được sạch chăng?
Tu-bồ-đề đáp: Thưa không, bạch Thế Tôn, vì sao? Vì tượng trong gương là không, không có thật sự, không thể nói là nhơ, sạch.
Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như trong hang sâu có tiếng vang, tiếng vang ấy có nhân duyên tạo nghiệp, do nghiêïp duyên ấy hoặc đọa địa ngục cho đến sinh cõi trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng chăng?
Tu-bồ-đề đáp: Thưa không, bạch Thế Tôn. Việc ấy không, không thật có âm thanh, làm sao
* Trang 542 *
có nghiệp duyên, do nghiệp duyên ấy đọa địa ngục cho đến sinh vào cõi trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng?
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, tiếng vang ấy vả chăng có tu đạo, dùng tu đạo ấy hoặc vướng nhơ, hoặc được sạch chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn. Việc ấy không thật, không thể có nhơ, sạch.
Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, sóng nắng chẳng phải tướng nước, chẳng phải tướng sông; sóng nắng ấy vả chăng có nhân duyên tạo nghiệp, do nghiệp duyên ấy mà đọa vào địa ngục cho đến sinh vào cõi trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng?
Thưa không, bạch Thế Tôn. Nước trong sóng nắng ấy rốt ráo không thể có đuợc, chỉ dối hoặc mắt người vô trí thời làm sao có nghiệp nhân duyên, do nghiệp ấy đọa địa ngục cho đến sinh cõi trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng!
Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, sóng nắng ấy có tu đạo, do tu đạo ấy hoặc vấy nhơ hoặc được sạch chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn. Sóng nắng ấy không có thật sự, không thể nói là nhơ sạch.
* Trang 543 *
Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, thành Càn-thát-bà, như khi mặt trời mọc thấy có thành Càn-thát-bà; nguời vô trí nơi chỗ không có thành tưởng có thành, nơi chỗ không có quán xá tưởng có quán xá, nơi chỗ không có vườn tưởng có vườn; thành Càn-thát-bà ấy vả chăng có tạo nghiệp nhân duyên, do nghiệp ấy nên đọa địa ngục cho đến sinh cõi trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn. Thành Càn-thát-bà ấy rốt ráo không thể có được, chỉ dối hoặc mắt người ngu, thời làm sao có tạo nghiệp nhân duyên, do nghiệp ấy đọa địa ngục cho đến đến sinh cõi trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng!
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, thành Càn-thát-bà ấy có tu đạo, do tu đạo ấy hoặc vấy nhơ, hoặc được sạch chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn. Thành Càn-thát-bà ấy không có thật sự nên không thể nói là có nhơ sạch.
Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, vị thầy huyễn thuật huyễn làm ra các vật hoặc voi ngựa, trâu dê, trai gái v.v... Ý ông nghĩ sao, các vật huyễn ấy có tạo nghiệp nhân duyên, do nghiệp ấy mà đọa địa ngục cho đến sinh cõi trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng chăng?
* Trang 544 *
Thưa không, bạch Thế Tôn. Vật huyễn hóa ấy không có thật sự thời làm sao có tạo nghiệp nhân duyên, do nghiệp ấy nên đọa địa ngục cho đến sinh cõi trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng!
Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, các vật huyễn ấy có tu đạo, do tu đạo ấy hoặc vấy nhơ hoặc được sạch chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn. Vật huyễn ấy không có thật sự, nên không thể nói là nhơ sạch.
Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, như người của Phật biến hóa, người biến hóa ấy có tạo nghiệp nhân duyên, do nghiệp ấy mà đọa địa ngục cho đến sinh cõi trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn. Người biến hóa ấy không có thật sự thời làm sao có tạo nghiệp nhân duyên, do nghiệp ấy mà đọa địa ngục cho đến sinh cõi trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng.
Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, người biến hóa ấy có tu đạo, do tu đạo ấy hoặc vấy nhơ hoặc được sạch chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn. Việc ấy không có thật nên không thể nói là nhơ, sạch.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao, ở trong tướng không ấy có kẻ nhơ, người sạch chăng?
* Trang 545 *
Thưa không, bạch Thế Tôn. Trong ấy không có sở hữu, không có người vấy nhơ, không có người được sạch.
Này Tu-bồ-đề, nếu không có kẻ vấy nhơ, không có người được sạch, vì nhân duyên ấy nên cũng không có nhơ, sạch, vì sao? Vì chúng sinh do chấp ngã và ngã sở nên có nhơ, có sạch, chứ người thật thấy thời không nhơ, không sạch. Người thật thấy không nhơ, không sạch như vậy cũng không có nhơ, sạch.[1]
LUẬN: Hỏi: Ở nhiều nơi Phật đã đáp việc ấy, nay cớ sao Tu-bồ-đề còn hỏi?
Đáp: Nghĩa tuy một mà chỗ nhân duyên có sai khác. Nghĩa là hết thảy pháp hoặc có Phật hay không có Phật thời thật tính của các pháp vẫn thường trú: Không, không có sở hữu, chẳng phải hiền thánh làm ra. Bát-nhã ba-la-mật sâu xa vi diệu, khó lường khó hiểu, không thể lấy hữu lường mà biết được. Chư Phật, hiền thánh vì thương xót chúng sinh nên dùng mỗi mỗi ngôn ngữ, danh từ, thí dụ để nói cho họ hiểu.Người lợi căn thời hiểu ý thánh nhân còn người độn căn thời mỗi mỗi sinh chấp trước. Chấp trước nơi ngôn ngữ, văn tự nên hoặc nghe nói không thời chấp trước không, nghe nói không cũng không thời sinh ra chấp trước; hoặc nghe nói pháp tịch diệt bặt dứt đường ngôn ngữ thời cũng lại chấp trước. Vì tự tâm không thanh tịnh nên nghe pháp
[1] T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), quyển 478, phẩm Vô sự thứ 83 (無事品 83), tr. 421c28-422a4: Các loại hữu tình trụ ngã ngã sở, hư dối phân biệt bảo có kẻ tạp nhiễm và thanh tịnh. Do nhân duyên đây bảo có tạp nhiễm thanh tịnh. Chẳng phải thâý thật ấy bảo có kẻ tạp nhiễm và kẻ thanh tịnh. Như thật thấy ấy, biết không kẻ tạp nhiễm và kẻ thanh tịnh. Như vậy cũng không tạp nhiễm thanh tịnh thật sự khá được, vì tất cả pháp rốt ráo không vậy.
* Trang 546 *
của thánh nhân cho là không thanh tịnh; như người mắt lòa nhìn ngọc trong suốt, thấy bóng con mắt lòa của mình trong ấy liền cho rằng ngọc không sạch. Phật dùng mỗi mỗi nhân duyên thuyết pháp, chúng sinh thấy có lỗi nên sinh nghi, nói rằng: Nếu hết thảy pháp không, không cũng không, thời làm sao phân biệt có sáu đường? Vì thường sinh nghi nạn như vậy nên Tu-bồ-đề do thấy thời giảng kinh sắp hết, vì thương chúng sinh nên mỗi mỗi hỏi việc ấy. Vì thế lập đi lập lại hỏi nhiều lần. Phật hứa khả ý của Tu-bồ-đề.
Hỏi: Tu-bồ-đề lấy có mà nạn không, cớ sao Phật hứa khả ý ấy?
Đáp: Phật chỉ hứa khả Tu-bồ-đề nói “Các pháp không, thường trú, dù có Phật hay không có Phật vẫn không sai khác”, chứ không hứa khả Tu-bồ-đề về vấn nạn: “Làm sao phân biệt có sáu đường”, vì sao? Vì ông ấy vấn nạn để muốn phá tính không vậy. Trong đây Phật giải chỗ nạn vấn của Tu-bồ-đề rằng: Người phàm phu không vào thánh pháp, chưa được thánh đạo, không biết tự tính không có sở hữu, không khéo tu tập Không tam-muội nên phân biệt có sáu đường.
Điên đảo là có bốn điên đảo.[1]
Ngu si (Moha, Mūḍha) là vô minh (avidyā) ràng buộc vào ba cõi.
Tuy không nói các phiền não khác nhưng hai pháp điên đảo và ngu si đều là hư dối không thật. Điên đảo tức là vọng ngữ hư dối, như nghiệp và quả báo từ điên
[1] Đại trí độ luận, quyển 31, chương 43: mười tám không: Bốn thứ điên đảo: (1) nơi bất tịnh điên đảo tưởng tịnh,, (2) nơi khổ điên đảo tưởng vui. (3) nơi vô thường điên đảo tưởng thường. (4) nơi vô ngã điên đảo tưởng ngã; T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (阿毘達摩俱舍論), chương 5: phân biệt tùy miên: Bốn thứ điên đảo (viparyāsa): (1) Chấp vô thường (anitya) là thường (nitya), (2) chấp khổ (duḥkha) là lạc (sukha), (3) chấp bất tịnh (aśuci, aśubha) là tịnh (śuci), (4) chấp vô ngã (anātman) là ngã (ātman); Abhidharmakośa śāstra, Anuśayapañcamaṃ, tr. 283: Catvāro viparyāsāḥ, anitye nityam iti. Duḥkhe sukham iti. Aśucau śuci iti. Anatmani ātmam iti. (10).
* Trang 547 *
đảo mà sinh ra. Vì căn gốc không có thật nên chúng sinh tuy nhiễm trước cũng chắc chắn không có thật; vì thế nên năm đạo đều không, chỉ có giả danh.
Lại, ông nạn các hiền thánh. Các hiền thánh vì dứt điên đảo sai biệt nên có tên gọi khác nhau, vì điên đảo không có thật nên không có gì dứt. Lại, diệt mất không có sở hữu nên gọi là dứt. Nếu có thật pháp có thể dứt còn không có cách gì dứt được, huống nữa là điên đảo! Thế nên tất cả quả vị của hiền thánh đều không có sở hữu. Dứt điên đảo tức là quả hiền thánh, nên quả tức là dứt. Vì quả của tu đạo cũng đồng không có sở hữu, thế nên khi tu đạo, chắc chắn dùng không, vô tướng, vô tác, vì đạo và quả phân biệt mà có hiền và thánh sai khác. Nay đây pháp không có sở hữu thật không thể có được; không có sở hữu thời làm sao có sai khác? Thế nên không nên vấn nạn.
Ý Tu-bồ-đề muốn nói: Nếu chỉ vì điên đảo nên có thế gian, nếu đã có điên đảo thời cũng nên có sự thật, vì hư và thật đối đãi nhau! Thế nên hỏi: Chỗ phàm phu đắm trước vả chăng thật có sinh ra chấp trước, tạo nghiệp, do nghiệp duyên ấy nên không giải thốt khỏi sáu đường sinh tử?
Phật đáp: Không, vì sao? Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Chỉ vì điên đảo nên sinh chấp trước; nếu không có điên đảo thời làm sao có thật pháp đối đãi
* Trang 548 *
nhau, cho đến thật sự mảy may không có, vì rốt ráo không có.
Hỏi: Đây là thật nghĩa sở hành của chư Phật, tức rốt ráo không, vậy rốt ráo không ấy chẳng phải thật ư?
Đáp: Đây là đệ nhất nghĩa không, cũng vì phàm phu điên đảo mà nói. Nếu không có điên đảo, cũng không có đệ nhất nghĩa; nếu cho rằng điên đảo của phàm phu ít nhiều có thật thời đệ nhất nghĩa cũng nên có thật!
Hỏi: Nếu cả hai đều không thật thời làm thế nào được giải thốt? Như người tay nhơ lại rửa nước nhơ, làm sao sạch được?
Đáp: Thật tướng các pháp rốt ráo không, đó là thật thanh tịnh bậc nhất. Vì có pháp điên đảo không thanh tịnh của phàm phu nên có pháp thanh tịnh này; không thể phá hoại, không thể đổi khác. Vì người đối với thật tướng các pháp sinh chấp trước, muốn sinh phiền não, nên nói pháp tính ấy không, không có sở hữu, do không có sở hữu nên không thật. Tuy hai pháp đều không thật mà trong sự không thật có sai khác; như mười điều thiện và mười điều bất thiện, hai việc đều là pháp hữu vi nên hư dối không thật. Nhưng thiện và bất thiện có sai khác: Bất thiện là sát sinh v.v... nên đọa ác đạo; thiện là không sát sinh v.v... nên sinh cõi trời. Như bố thí và trộm cắp hai việc, tuy đều là tâm chấp thủ tướng, hư dối không thật, mà cũng có sai khác. Như
* Trang 549 *
chúng sinh cho đến kẻ biết, kẻ thấy, không có sở hữu, mà bức não đối với chúng sinh thời có tội lớn và từ bi với chúng sinh thời có phước lớn. Như từ bi phá sân hận, bố thí phá xan tham, tuy hai việc đều không thật mà có thể phá nhau. Thế nên Phật nói các pháp không có sở hữu căn bản chắc thật như mảy lông. Để chứng minh việc ấy nên Phật ví dụ: Như ở trong mộng mà hưởng thọ cái vui năm dục.
Ý Tu-bồ-đề muốn nói: Nếu hết thảy pháp rốt ráo không, không có tính sở hữu, cớ sao nay hiện có mắt thấy, tai nghe pháp? Vì thế mà Phật nói ví dụ như mộng: Như người do sức mộng nên tuy việc không thật mà mỗi mỗi có nghe, thấy; chỗ giâïn, chỗ mừng v.v... người thức ở một bên thời cũng không thấy gì. Như vậy, phàm phu do sức vô minh điên đảo nên vọng thấy có, còn thánh nhân giác ngộ thời không thấy gì. Hết thảy pháp hoặc hữu lậu vô lậu, hoặc hữu vi, vô vi đều không thật; vì hư dối nên có nghe, thấy. Lại như trong mộng thấy qua lại sáu đường sinh tử, thấy Tu-đà-hồn cho đến A-la-hán, trong mộng không thật có các việc ấy mà mộng vẫn thấy; trong mộng không thật có sạch nhơ, nghiệp quả báo sáu đường cũng như vậy. Vì nhân duyên điên đảo nên tạo nghiệp; nghiệp và quả báo cũng không, chỉ vì trừ điên đảo mà gọi là đạo. Điên đảo không thật nên đạo cũng không thật. Tượng trong gương, tiếng vang, sóng nắng cho đến như huyễn hóa cũng vậy. Phật hỏi ngược lại Tu-bồ-đề: Trong pháp ấy có kẻ nhơ kẻ sạch chăng? Ý Tu-bồ-đề nói: Hết thảy pháp
* Trang 550 *
vô ngã thời làm sao có kẻ nhơ, kẻ sạch; thế cho nên trả lời không. Phật dạy: Nếu không có người chịu nhơ, sạch, vậy nên nhơ sạch cũng không có!
Hỏi: Nếu phân biệt các pháp theo như trong A-tỳ-đàm nói thời có nhơ có sạch, chỉ người chịu nhơ chịu sạch không có: Phiền não ba độc là nhơ; ba môn giải thốt, các pháp trợ đạo là sạch?
Đáp: Tuy có nói như vậy mà việc ấy không đúng. Vì nếu không có chúng sinh thời pháp nhơ, sạch thuộc về cái gì? Cũng không có người làm? Nếu không có người làm, cũng không có pháp làm, nên không trói không mở? Như người sợ bị lửa đốt mà tránh xa, chứ chẳng phải lửa tránh lửa. Chúng sinh cũng như vậy, sợ khổ năm uẩn nên lìa bỏ, chẳng phải khổ lìa khổ. Nếu không có người nhơ, người sạch thời giải thốt cũng không có.
* Lại nữa, trong đây Phật tự nói nhân duyên: Vì ở trong ngã và ngã sở mà chúng sinh chịu nhơ chịu sạch; vì ngã rốt ráo không có nên nhơ sạch không có chỗ trú; chỗ trú không có nên không nhơ, không sạch.
Hỏi: Ngã tuy không có mà ngã kiến thật có, phàm phu ở nơi đó khởi lên các phiền não?
Đáp: Nếu không có ngã thời ngã kiến không có chỗ duyên; không có chỗ duyên thời làm sao phát sinh ngã kiến?
* Trang 551 *
Hỏi: Tuy không có ngã, song đối với năm uẩn có tà hạnh cho là có ngã nên sinh ngã kiến, và năm uẩn là ngã, ngã sở?
Đáp: Nếu cho năm uẩn chắc chắn là nhân duyên sinh ra ngã kiến, vậy đối với năm uẩn của thân người khác cớ sao không sinh ra ngã kiến? Nếu đối với thân người khác sinh ngã kiến thời là rối loạn lớn! Thế nên ngã kiến không có nơi chốn nhất định, chỉ vì điên đảo mà phát sinh.
Hỏi: Nếu vì điên đảo mà phát sinh, thời cớ sao chỉ đối với thân mình sinh ra ngã kiến?
Đáp: Vì điên đảo cuồng quấy nên không nên tìm sự thật của nó. Lại, từ sinh tử vô thỉ lại đây tự mình đối với thân năm uẩn tương tục mà sinh ra chấp trước, thế nên Phật nói chúng sinh tâm trụ vào chấp ngã nên chịu nhơ, sạch. Lại, thật thấy là không có nhơ, không có sạch. Nếu ngã chắc chắn thấy thật có thời nên có nhơ sạch, còn như thật thấy là không nhơ không sạch. Vì nhân duyên ấy nên không nhơ không sạch, thấy không nhơ không sạch là thấy thật tướng các pháp. Lại, vì đối với thật tướng các pháp không có chấp trước, thế nên không nhơ; thật tướng các pháp không có tướng có thể chấp thủ, nên cũng không sạch.
* Lại nữa, đối với tám phần thánh đạo v.v... không chấp trước, ấy gọi là không sạch; trừ các phiền não như chấp trước điên đảo v.v..., ấy gọi là không nhơ.
* Trang 552 *