Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
GIẢI THÍCH: PHẨM MA-HA-TÁT THỨ 13
(Kinh Ma-ha Bát-nhã ghi: Phẩm Kim Cang)

KINH: Bấy giờ Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thế nào gọi là Ma-ha-tát?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát đối với chúng tất định làm thượng thủ, nên gọi là Ma-ha-tát.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Những gì là chúng tất định mà Bồ-tát làm thượng thủ?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Chúng tất định là Tánh địa nhân, Bát nhân, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát mới phát tâm, cho đến Bồ-tát ở địa vị bất thối. Tu-bồ-đề! Ấy là chúng tất định mà Bồ-tát làm thượng thủ. Bồ-tát ma-ha-tát đối với chúng ấy sinh tâm lớn, không thể hoại như Kim cang sẽ làm thượng thủ cho chúng tất định.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát sinh tâm lớn không thể hoại như Kim cang? 

* Trang 154 *
device

Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát ma-ha-tát nên sinh tâm như vầy: Ta sẽ trang nghiêm lớn ở trong vô lượng sinh tử; ta phải nên bỏ hết thảy sở hữu; ta phải nên giữ tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh; ta phải nên lấy ba thừa độ thoát hết thảy chúng sinh, khiến vào Vô dư Niết-bàn; ta độ hết thảy chúng sinh rồi, mà không có cho đến chỉ một người vào Niết-bàn; ta phải nên hiểu tướng chẳng sinh của hết thảy các pháp; ta phải nên lấy tâm thuần Tát-bà-nhã tu hành sáu Ba-la-mật; ta phải nên học trí tuệ, liễu đạt hết thảy pháp; ta phải nên liễu đạt môn nhất tướng trí của các pháp; ta phải nên liễu đạt cho đến môn vô lượng tướng trí. Tu-bồ-đề! Ấy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát sinh tâm lớn, không thể phá hoại như Kim cang. Bồ-tát ma-ha-tát ở tâm ấy mà làm thượng thủ đối với chúng tất định, vì pháp ấy dùng vô sở đắc vậy.
Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát, nên sinh tâm như vầy: Ta sẽ thay hết thảy chúng sinh mười phương, hoặc chúng sinh địa ngục, hoặc chúng sinh súc sinh, hoặc chúng sinh ngạ quỷ mà chịu thống khổ; vì mỗi mỗi chúng sinh trải trong vô lượng trăm ngàn ức kiếp thay thế chịu khổ địa ngục cho đến khi chúng sinh ấy vào Vô-dư Niết-bàn. Do pháp ấy, vì chúng sinh mà chịu mọi cần khổ. Chúng sinh ấy vào Vô dư Niết-bàn rồi vậy sau tự trồng căn lành,

* Trang 155 *
device

trải qua vô lượng trăm ngàn ức vô số kiếp, sẽ chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Tu-bồ-đề! Ấy là Bồ-tát ma-ha-tát tâm lớn không thể hoại như Kim cang, trú trong tâm ấy vì chúng tất định làm thượng thủ.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát sinh tâm khoái thích lớn, trú trong tâm khoái thích ấy mà vì chúng tất định làm thượng thủ.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là tâm khoái thích lớn của Bồ-tát ma-ha-tát?
Phật dạy: Bồ-tát ma-ha-tát từ khi mới phát tâm, cho đến khi chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không sinh tâm ô nhiễm, tâm sân nhuế, tâm ngu si, tâm não hại, tâm Thanh-văn, tâm Bích-chi Phật, ấy gọi là tâm khoái thích lớn của Bồ-tát ma-ha-tát; trú trong tâm ấy mà vì chúng tất định làm thượng thủ, cũng không nghĩ có tâm ấy.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát sinh tâm bất động.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Sao gọi là tâm bất động?

Phật dạy: Thường niệm tâm trí nhất thiết chủng, cũng không nghĩ rằng có tâm ấy, ấy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát tâm bất động.

* Trang 156 *
device

* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát, đối với hết thảy chúng sinh, nên sinh tâm lợi ích an vui. Sao gọi là tâm lợi ích an vui? Là cứu vớt hết thảy chúng sinh, không bỏ hết thảy chúng sinh, làm việc ấy cũng không nghĩ có tâm ấy. Ấy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát sinh tâm lợi ích an vui đối với hết thảy chúng sinh.
Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát, tu hành Bát-nhã ba-la-mật, làm bậc thượng thủ tối thắng giữa chúng tất định.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát nên tu hành tâm muốn pháp, mừng pháp, vui pháp. Thế nào là pháp? Đó là không phá thật tướng các pháp, ấy gọi là pháp.
Thế nào gọi là muốn pháp, mừng pháp? Là tin pháp, nhẫn chịu pháp, lãnh thọ pháp; ấy gọi là muốn pháp, mừng pháp.
Thế nào là vui pháp? Là thường tu hành pháp ấy, ấy gọi là vui pháp.
Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật, có thể làm bậc thượng thủ đối với chúng tất định, vì pháp ấy dùng vô sở đắc vậy.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật, trú ở nội không cho đến vô

* Trang 157 *
device

pháp hữu pháp không, có thể làm bậc thượng thủ của chúng tất định, vì pháp ấy dùng vô sở đắc vậy.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật, trú ở bốn niệm xứ cho đến trú ở mười tám pháp không chung, có thể làm bậc thượng thủ của chúng tất định, vì pháp ấy dùng vô sở đắc vậy.
* Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật, trú ở trong Tam-muội như Kim cang, cho đến trú ở trong Tam-muội lìa đắm hư không không nhiễm, có thể làm bậc thượng thủ của chúng tất định, vì pháp ấy dùng vô sở đắc vậy.
Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát trú ở trong các pháp ấy, có thể làm bậc thượng thủ của chúng tất định, vì nhân duyên ấy nên gọi là Ma-ha-tát.[1]
LUẬN: Tu-bồ-đề đã theo Phật nghe nghĩa Bồ-tát,[2] nay hỏi nghĩa Ma-ha-tát.
“Ma-ha”, Trung Hoa dịch là “lớn”; “Tát-đỏa” Trung Hoa dịch là “tâm” hoặc “chúng sinh”. Chúng sinh này tối thượng đệ nhất giữa các chúng sinh thế gian, nên gọi là lớn. Lại, lấy tâm lớn biết hết thảy pháp, muốn độ hết thảy chúng sinh, ấy gọi là lớn.
* Lại nữa, Bồ-tát nên gọi là Ma-ha-tát, Ma-ha-tát nên gọi là Bồ-tát, vì phát tâm cầu đạo Vô thượng vậy.
 

[1] T. 8: Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh (Mahāprajñāpāramitā-sūtra- 摩訶般若波羅蜜經), quyển 4, kim cang phẩm đệ 13 (金剛品第13), tr. 243b11-244b17.
[2] T. 8: Đại phẩm bát-nhã kinh (Mahāprajñāparamitā-sūtra-大品般若經), quyển 4, cú nghĩa phẩm 12 (句義品12), tr. 241c11-243b8; T. 8: Phóng quang bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 3, Liễu nghĩa phẩm 14 (了本品14), tr. 18b14-19a24; T. 8: Quang tán bát-nhã kinh (光讚般若經), quyển 5, Ma-ha-tát phẩm 11 (摩訶薩品11), tr. 178a16-180b20. 

* Trang 158 *
device

* Lại nữa, như đã nói rộng trong phẩm Tán thán nghĩa Bồ-tát ma-ha-tát.[1]
* Lại nữa, trong đây Phật tự nói nghĩa Ma-ha-tát.
Chúng sinh có ba phần: 1. Chánh định, chắc chắn vào Niết-bàn. 2. Tà định, chắc chắn vào ác đạo. 3. Bất định. Rất lớn ở giữa chúng sinh chánh định, nên gọi là Ma-ha-tát.
Đại chúng là chỉ hết thảy thánh hiền, trừ Phật.
Tánh địa nhân[2] là sinh trong tánh Thánh nhân, nên gọi là tánh, như tiểu nhi sinh trong nhà sang quí, tuy nhỏ chưa có thể làm gì, sau chắc chắn hy vọng thành việc lớn. Địa vị này kể từ noãn pháp cho đến thế đệ nhất pháp.
Bát nhân địa là tu hành trong mười lăm tâm thuộc kiến đế đạo.
Hỏi: Trong mười lăm tâm ấy cớ sao gọi là bát nhân?
Đáp: Trong tư duy đạo dùng trí nhiều, trong kiến đế đạo dùng kiến và nhẫn nhiều, trí đi theo nhẫn, vì cớ sao? Vì công nhẫn lớn.
* Lại nữa, nhẫn và trí, hai việc ấy có thể đoạn, có thể chứng. Trú ở trong tám nhẫn nên gọi là bát nhân.
Tu-đà-hoàn (srota-āpanna), Tư-đà-hàm (sakṛdāgāmin), A-na-hàm (anāgāmin), A-la-hán (arhan), Bích-chi Phật (pratyeka-buddha), như trước đã nói.[3]
Bồ-tát sơ phát tâm là, có người nói: Người mới phát tâm, được vô sinh pháp nhẫn, theo tướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà phát tâm, ấy gọi là mới phát tâm, là chơn phát tâm. Rõ biết thật tướng các pháp, cũng biết tướng của
 

[1] Đại trí độ luận, quyển 5, chương 8: Ma-ha-tát-đỏa, tr.94a19-b13.
[2] T. 8: Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh (Mahāprajñāpāramitā-sūtra- 摩訶般若波羅蜜經), quyển 4, Kim cang phẩm 13 (金剛品13), tr. 243b14-19: Phật bảo Tu-bồ-đề: Chúng tất định là Tánh địa nhân, Bát nhân, Bồ-tát mới phát tâm cho đến Bồ-tát ở địa vị bất thối. Tu-bồ-đề! Ấy là chúng tất định mà Bồ-tát làm thượng thủ. Bồ-tát ma-ha-tát đối với chúng ấy sinh tâm lớn, không thể hoại như kim cang sẽ làm thượng thủ cho chúng tất định.
[3] Đại trí độ luận, quyển 32, tr. 300c25-301a6

* Trang 159 *
device

tâm, phá các phiền não, theo tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không điên đảo; tâm ấy gọi là sơ phát tâm.
Có người nói: Người phàm phu tuy trú ở các kiết sử, nghe nói công đức Phật, phát tâm đại bi, thương xót chúng sinh, nguyện ta sẽ thành Phật. Tâm ấy tuy ở trong phiền não, vì tâm tôn quí, được trời người cung kính, như Thái tử của Chuyển luân Thánh vương khi mới thụ thai đã hơn các đứa con khác, trời quỉ, thần đều tôn quí. Tâm Bồ-tát cũng như vậy, tuy ở trong kiết sử, đã hơn chư thiên, thánh nhân, có thần thông.
* Lại nữa, Bồ-tát từ khi mới phát tâm cho đến khi chưa được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, có người được thọ ký vào pháp vị, được vô sinh pháp nhẫn, gọi là bất thối chuyển. Tướng bất thối chuyển, sau sẽ nói rộng.
Đối với đại chúng như vậy sẽ làm bậc thượng thủ, nên gọi là Ma-ha-tát. Bồ-tát ấy muốn làm chủ hết thảy Thánh nhân, nên phát tâm lớn, chịu hết thảy khổ, tâm kiên cố như Kim cang bất động.
Tâm Kim cang là không bị hết thảy kiết sử phiền não làm lay động, thí như núi Kim cang không bị gió làm lay động. Các chúng sinh ác, người ma đi đến, không làm theo ý nó, không tin thọ lời nó; bị sân mắng, hủy báng, đánh đập, giam trói, chặt đâm, cắt chẻ, tâm không đổi khác. Có người đến xin đầu mắt, tủy não, tay chân, da thịt, gân, xương, đều có thể cho hết. Người xin không biết chán còn sân giận mắng nhiếc, bấy giờ tâm Bồ-tát nhẫn chịu không động, thí như núi

* Trang 160 *
device

Kim cang kiên cố, người đến đục khoét hủy hoại, trùng thú cắn xé, không một chút tổn giảm; ấy gọi là tâm Kim cang.
* Lại nữa, Phật tự nói tướng của tâm Kim cang, là Bồ-tát nên nghĩ rằng: Ta không phải một tháng, một năm, một đời, hai đời, cho đến ngàn vạn kiếp mà thề lớn trang nghiêm, ta phải nên trải qua vô lượng vô số vô biên đời sống chết làm lợi ích độ thoát chúng sinh. Hai là ta nên bỏ hết thảy vật quí trọng trong ngoài. Ba là tâm bình đẳng không thương ghét đối với chúng sinh. Bốn là ta sẽ lấy ba thừa mà tùy căn cơ độ thoát hết thảy chúng sinh. Năm là độ chúng sinh như vậy rồi, mà thật không độ ai, không có công ấy, trong tâm ấy cũng không hối hận không chìm đắm. Sáu là ta sẽ nên biết tướng các pháp là chẳng sinh chẳng diệt, chẳng đến chẳng đi, chẳng nhơ chẳng sạch. Bảy là ta sẽ nên lấy tâm thanh tịnh vô nhiễm tu hành sáu Ba-la-mật, hồi hướng đến Trí nhất thiết chủng. Tám là ta sẽ nên khéo biết hết thảy việc của thế gian làm và việc nên biết của xuất thế gian, thông đạt rõ ràng hết thảy. Chín là ta sẽ nên hiểu rõ môn nhất tướng trí của các pháp, đó là hết thảy các pháp rốt ráo không, quán hết thảy pháp như tướng Vô dư Niết-bàn, lìa các ức tưởng phân biệt. Mười là ta sẽ nên biết các pháp hai, ba tướng (bản Đại tạng Tích Sa và Đại Chánh đều ghi ba tướng) cho đến vô lượng tướng môn, thông đạt rõ ràng.
Hai tướng là hết thảy pháp có hai thứ là hoặc có, hoặc không, hoặc sinh, hoặc diệt, hoặc làm hoặc không làm, hoặc sắc hoặc vô sắc v.v...

* Trang 161 *
device

Ba môn là hoặc một, hoặc hai, hoặc nhiều, từ ba trở lên đều gọi là nhiều. Hoặc có, hoặc không, hoặc chẳng phải có chẳng phải không; hoặc trên hoặc giữa, hoặc dưới; hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; ba cõi; ba pháp thiện, bất thiện, vô ký; ba môn, bốn môn, năm môn, như vậy vô lượng pháp môn, đều thông suốt vô ngại, trong đó tâm không hối, không khiếp, không nghi, tín thọ thông đạt vô ngại, thường tu không dứt, diệt các phiền não, quả báo nó và các việc chướng ngại, đều làm cho bại hoại; như Kim cang có thể xô các núi. Trú trong tâm Kim cang ấy, sẽ làm bậc thượng thủ của đại chúng, vì bất khả đắc không.
Bất khả đắc không là nếu Bồ-tát sinh đại tâm như Kim cang như vậy mà sinh lòng kiêu mạn thời tội nặng hơn phàm phu. Vì vậy nói dùng vô sở đắc, các pháp không có định tướng, như huyễn như hóa.
* Lại nữa, tâm như Kim cang là có những chúng sinh bị đọa vào ba đường ác, ta sẽ thay thế chịu siêng khổ, vì mỗi mỗi chúng sinh chịu thế khổ địa ngục cho đến khi chúng sinh ấy từ địa ngục ra khỏi, nhóm các căn lành, đến khi chứng Vô dư Niết-bàn rồi. Lại cứu hết thảy chúng sinh, triển chuyển như vậy độ hết thảy chúng sinh, sau mới tự mình nhóm các công đức, trải qua vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, mới thành Phật, trong ấy tâm không hối không thu hẹp lại. Thay thế chúng sinh chịu siêng khổ như vậy, tự tạo các công đức, ở lâu trong sinh tử, tâm không hối không chìm đắm, như đất Kim cang giữ gìn ba ngàn đại thiên thế giới, khiến không lay động, tâm

* Trang 162 *
device

ấy bền chắc nên gọi là như Kim cang.
Tâm khoái thích lớn là tuy có tâm bền chắc, chưa phải khoái thích lớn; như ngựa tuy có sức lớn mà chưa có khoái thích lớn. Đối với chúng sinh được hai tâm bình đẳng nên không sinh dục nhiễm, nếu có thiên ái thời là giặc; phá tâm chấp ngã v.v... là gốc của Phật đạo. Thường thực hành tâm từ bi nên không có sân giận, thường quán các pháp nhân duyên hòa hợp sinh không có tự tánh, nên không ngu si; ái niệm chúng sinh quá hơn con đỏ nên không có tâm não hại; không bỏ chúng sinh, quí Phật đạo, nên không sinh tâm Thanh-văn, Bích-chi Phật.
Hỏi: Nếu tâm kiên cố như Kim cang tức là bất động, sao nay còn nói tâm bất động?
Đáp: Hoặc có khi tuy kiên cố mà tâm còn có tăng giảm, như cây tuy kiên cố mà còn có thể lay động. Động có hai: 1. Ngoại duyên làm động, như trước nói . 2. Nội duyên làm động, như tà kiến, nghi v.v... Nếu thường nhớ nghĩ Phật đạo và hết thảy trí tuệ, rằng ta sẽ được quả báo ấy, nên tâm không động.
* Lại nữa, Bồ-tát nên dùng các nhân duyên làm lợi ích chúng sinh, từ việc uống ăn cho đến Phật kỹ nhạc làm lợi chúng sinh, thường không bỏ chúng sinh, muốn khiến cho lìa khổ, ấy gọi là tâm an lạc và cũng không nghĩ có tâm ấy.
* Lại nữa, Bồ-tát vui pháp, gọi là thượng thủ. Pháp là không phá hoại các pháp tướng. Không phá các pháp tướng là không có pháp có thể chấp trước, không có pháp có thể lãnh
 

* Trang 163 *
device

thọ, nghĩa là bất khả đắc. Tánh bất khả đắc không ấy chính là Niết-bàn; thường tin thọ nhẫn chịu pháp ấy, gọi là dục pháp; thường tu hành ba môn giải thoát gọi là vui pháp.
* Lại nữa, Bồ-tát an trú trong mười tám không, vì không rơi vào mười tám ý hành,[1] nên không khởi tội nghiệp. Trú bốn niệm xứ, cho đến mười tám pháp không chung, diệt các phiền não, nhóm các thiện pháp, có thể làm thượng thủ.
* Lại nữa, Bồ-tát vào tâm Kim cang Tam-muội v.v... hưởng thọ khoái lạc, chán cái vui thế gian, tăng trưởng thiện căn và trí tuệ phương tiện nên làm thượng thủ giữa chúng hội đại thánh. Nếu đối với người lớn mà làm thượng thủ được, thì huống gì đối với người nhỏ! Thế nên gọi là Ma-ha-tát.
 

[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama- 雜阿含經), quyển 13, kinh số 336-338, tr. 92c27-93a14: … Nếu mắt thấy sắc hân hoan khởi lên, đối với sắc hỷ đó xứ hành, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp hân hoan khởi lên, đối với ý pháp hỷ ấy xứ hành. Này các tỳ-kheo! ấy gọi là sáu hỷ hành. Nếu mắt thấy sắc sầu muộn khởi lên, đối với sắc sầu muộn đó xứ hành, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp sầu muộn khởi lên, đối với ý pháp sầu muộn ấy xứ hành. Này các tỳ-kheo! ấy gọi là sáu ưu hành. … Mắt thấy sắc xả, đối với sắc xả đó xứ hành, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp xả, đối với ý pháp xả ấy xứ hành. Này các tỳ-kheo! ấy gọi là sáu xả hành; T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama- 中阿含經), quyển 42, tr. 690b29-c8: Người có 18 ý hành. Vì nhân duyên gì noi s18 ý hành này? Nghĩa là tỳ-kheo mắt thấy sắc, quán sắc, trú hy, quán sắc, trú ưu, quán sắc, trú xả, cũng như vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý biết pháp, quán pháp hỷ trú, quán pháp ưu trú, quán pháp xả trú. Tỳ-kheo! Sáu hỷ quán, sáu ưu quán, sáu xả quán,hiệp lại là 18 hành; T. 26: A tỳ đạt ma tập dị môn túc luận (阿毘達磨集異門足論), quyển 15, tr. 429c26-430a20. 

* Trang 164 *
device

Tam-muội Ly tận là Bồ-tát được Tam-muội ấy thời chắc chắn được công đức thiện bổn vô lượng vô số kiếp, quả báo không mất.
Tam-muội Bất động là có người nói: Thiền thứ tư là bất động. Ở trong cõi Dục vì ngũ dục nên động, trong Sơ thiền vì giác quán nên động, trong Nhị thiền vì mừng nhiều nên động, trong Tam thiền vui nhiều nên động, trong Tứ thiền lìa hơi thở ra vào, không có các tướng động nên bất động.
Có người nói: Bốn định vô sắc là bất động, vì lìa các sắc; có người nói diệt tận định là bất động, vì lìa tâm tâm số pháp; có người nói Tam-muội tương ưng với trí tuệ biết thật tướng các pháp rốt ráo không, nên bất động; được Tam-muội ấy đối với hết thảy Tam-muội, hết thảy pháp hồn tồn không hý luận.
Tam-muội Bất thối[1] là trú ở Tam-muội ấy không thấy các Tam-muội thối chuyển. Luận giả nói Bồ-tát trú ở Tam-muội ấy thường không thối chuyển, tức là Tam-muội tương ưng với trí tuệ bất thối. Bất thối là không đọa vào đảnh vị, như đã nói ở trong nghĩa đọa đảnh.
Tam-muội Nhật đăng[2] là được Tam-muội ấy thời có thể chiếu mỗi mỗi môn của hết thảy pháp và các Tam-muội; ví như mặt trời mọc hay chiếu hết thảy Diêm-phù-đề.
Tam-muội Nguyệt tịnh[3] là như mặt trăng từ ngày 16 giảm dần đến ngày 30 là hết. Người phàm phu cũng như vậy, các công đức lành dần dần giảm hết phải đọa vào ba ác đạo; như mặt trăng từ ngày mồng 1 dần dần tăng trưởng, đến ngày
 

[1] Xem Đại trí độ luận, quyển 27, 41.
[2] T. 13: Đại phương đẳng đại tập kinh (Mahāvaipulya-mahāsaṃnipāta-sūtra- 方等大集經), quyển 28, Vô tận y bồ tát phẩm (無盡意菩薩品), tr. 195a14-19: Vì nhân duyên gì gọi tam muội nhật đăng? Ví như mặt trời xuất hiện, ngọn đèn,  ánh trăng, các vì sao không xuất hiện. Bồ-tát đại sĩ được định này, trước tu trí nhất thiết, nhị thừa, học, vô học, và những chúng sanh khác được các trí cũng đều như vậy, không thể xuất hiện, ấy gọi là tam muội nhật đăng.
[3] T. 15: Tư ích phạm thiên sở vấn kinh (思益梵天所問經), quyển 3, tr. 51b8-11: Vào thời phật Phổ Quang, có hai Bồ-tát rộng nói tam muội tịnh minh: Vì sao gọi là tam muội tịnh minh? Vì bồ-tát nhập vào tam muội này được giải thoát hết thảy các tướng và phiền não; cũng đối với hết thảy Phật pháp, được ánh sáng tịnh minh, ấy gọi là tam muội tịnh minh.

* Trang 259 *
device

Xem mục lục