CHƯƠNG 23
GIẢI THÍCH: TÁN THÁN NGHĨA THI-LA
BA-LA-MẬT
Hỏi: Như trong Tám chánh đạo, Chánh ngư, Chánh nghiệp ở giữa, Chánh kiến, Chánh hạnh ở đầu. Nay vì sao nói trì giới là cửa ngõ sơ khởi của Tám chánh đạo?
Đáp: Lấy số để nói, cái lớn là đầu. Chánh kiến rất lớn cho nên ở đầu.
Lại nữa, vì sự hành đạo lấy chánh kiến làm trước tiên; còn các pháp theo thứ tự, nên giới ở trước. Ví như làm nhà, nóc mái xà nhà tuy lớn, mà do đất trước tiên.
Thượng thượng nhân trì giới là vì thương xót chúng sanh, vì Phật đạo, vì biết rõ các pháp, cầu thật tướng, không vì sợ ác đạo, không cầu vui. Các thứ như vậy, là thượng thượng nhân trì giới, ấy là bốn. Gọi chung là giới Ưu-bà-tắc.
Giới xuất gia cũng có 4 hạng: 1- Giới Sa-di, Sa-di-ni, 2- Giới Thức-xoa-ma-na, 3- giới Tỳ-kheo-ni, 4- giới Tỳ-kheo-Tăng.
Hỏi: Nếu giới tại gia được sanh lên cõi Trời, được Bồ-tát đạo, cũng được Niết-bàn, thì còn cần gì đến giới xuất gia?
Đáp: Tuy cùng đắc độ, nhưng có khó dễ khác nhau. Tại
* Trang 546 *
gia bị các nghiệp vụ sanh kế, nếu muốn chuyên tâm vào Đạo pháp, thời gia nghiệp bị bỏ phế, nếu muốn chuyên lo gia nghiệp thời đạo nghiệp phải bỏ phế. Không lấy không bỏ, mới là cách đáng nên làm, ấy gọi là khó. Nếu xuất gia lìa tục, dứt các rối loạn, một bề chuyên tâm hành đạo là dễ.
Lại nữa, tại gia ồn ào, nhiều chuyện nhiều việc, là gốc của kiết sử, chỗ chứa các điều ác, thế nên rất khó. Nếu xuất gia, ví như có người ra ở chỗ đồng trống không người mà chuyên nhất tâm, không nghĩ, không lo, các tưởng bên trong đã trừ, thì các việc bên ngoài cũng mất, như kệ nói:
“Ngồi tịnh giữa cây rừng,
Yên lặng dứt các ác,
Điềm đạm được nhất tâm,
Vui ấy hơn vui trời.
Người cầu lợi giàu sang,
Áo đẹp giường nệm tốt,
Vui ấy chẳng an ổn,
Vì cầu không nhàm đủ.
Ca-sa đi khất thực,
Động chỉ tâm thường nhất,
Tự lấy mắt trí tuệ,
Quán biết các pháp thật.
Trong các thứ pháp môn,
Đều bình đẳng quán vào,
Tâm sáng tuệ vắng lặng,
* Trang 547 *
Ba cõi không bì kịp.”
Do vậy nên biết xuất gia tu giới hành đạo là dễ.
Lại nữa, xuất gia tu giới, được vô lượng thiện luật nghi, tất cả được đầy đủ; vì vậy nên hàng áo trắng nên xuất gia thọ giới.
Lại nữa, trong Phật pháp, xuất gia pháp là khó tu nhất. như Phạm-chí Diêm-phù-khư-đề hỏi Xá-lợi-phất: “Trong Phật pháp việc gì khó nhất?” Xá lợi-phất đáp: “Xuất gia là khó.” Lại hỏi: “Xuất gia khó gì?” Đáp: “Xuất gia vui thích pháp là khó. Đã được vui thích pháp, còn có gì khó? Tu các thiện pháp khó; vì vậy nên cần xuất gia.”
Lại nữa, nếu người khi xuất gia thì Ma vương kinh hãi nghi rằng: “Người này các kiết sử sắp mỏng, chắc chứng được Niết-bàn, đứng vào số Tăng bảo.”
Lại nữa, trong Phật pháp, người xuất gia tuy hủy phá hình dung, đọa vào chỗ tội, mà khi tội hết được giải thoát. Như trong kinh Uất-bát-la-hoa Tỳ-kheo-ni Bổn Sanh nói: “Lúc Phật tại thế, Tỳ-kheo-ni này chứng được A-la-hán, đủ sáu thần thông, đi vào nhà quý nhân, thường khen ngợi pháp xuất gia, nói với các phụ nữ quý nhân rằng: “Chị em nên xuất gia!”. Các phụ nữ quý nhân nói: “Chúng tôi thiếu niên tráng kiện, dung sắc đầy đặn tốt đẹp, giữ giới rất khó, hoặc sẽ phải phá giới.” Tỳ-kheo-ni nói: “Chỉ cần xuất gia, phá giới thì phá.” Hỏi: “Phá giới sẽ bị đọa địa ngục, làm sao mà phá được?” Đáp: “Đọa địa ngục thì đọa.” Các phụ nữ quý nhân đều cười nói rằng: “Ở địa ngục chịu tội, làm sao đọa được?”
* Trang 548 *
Tỳ-kheo-ni nói: “Tôi tự nhớ thân kiếp trước là con gái làm trò, kể lại sự tích cũ, có khi mặc áo Tỳ-kheo-ni để làm trò cười. Do nhân duyên ấy, mà thời đức Phật Ca-diếp tôi là Tỳ-kheo-ni, tự ỷ giòng họ cao quý, đoan chánh, tâm sanh kiêu mạn mà phá cấm giới. Vì tội phá giới phải đọa địa ngục chịu đủ các tội. Chịu tội xong may gặp được đức Phật Thích-ca Mâu-ni mà xuất gia, được chứng đạo quả A-la-hán, đủ sáu thần thông. Vì vậy nên biết xuất gia thọ giới, tuy lại phá giới, mà do giới nhân duyên nên được chứng đạo quả A-la-hán. Nếu chỉ làm ác, mà không có giới nhân duyên thì chẳng đắc đạo. Tôi thuở trước đời đời đọa địa ngục, từ địa ngục ra làm người ác, người ác chết lại trở vào địa ngục mà chẳng được gì. Nay lấy việc này làm chứng mà biết rằng xuất gia thọ giới, tuy lại phá giới, song nhờ giới nhân duyên mà có thể đắc đạo quả.”
Lại nữa, như khi Phật ở tại Kỳ Hoàn, có một Bà-la-môn say đi đến chỗ Phật, xin làm Tỳ-kheo. Phật sai A-nan cạo đầu, cho mặc áo Pháp. Khi tỉnh rượu, kinh quái thân mình sao bỗng nhiên thành Tỳ-kheo, liền bỏ chạy. Các Tỳ-kheo hỏi Phật: “Sao cho người Bà-la-môn say ấy làm Tỳ-kheo?” Phật dạy: “Bà-la-môn ấy, trong vô lượng kiếp, lúc đầu không hề có tâm xuất gia, nay nhân say rượu nên mới tạm thời phát tâm chút ít. Nhờ nhân duyên ấy, sau sẽ xuất gia đắc đạo.” Do các thứ nhân duyên như vậy, cái lợi của sự xuất gia có công đức vô lượng. Thế nên hàng cư sĩ tuy có thọ năm giới mà không bằng xuất gia.
* Trang 549 *
Luật nghi xuất gia có bốn hạng là Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na, Tỳ-kheo-ni và Tỳ-kheo.
Làm thế nào Sa-di, Sa-di-ni được xuất gia thọ giới pháp? Hàng cư sĩ muốn cầu xuất gia, thì nên cầu hai sư: 1- Hòa thượng, 2- A-xà-lê. Hòa thượng như cha, A-xà-lê như mẹ. Vì bỏ cha mẹ sanh nên cầu cha mẹ xuất gia. Mặc y Cà-sa, cạo bỏ râu tóc, hai tay nên cầm hai chân Hòa thượng. Vì sao cầm chân? Theo phép ở xứ Thiên Trúc cho việc cầm chân là sự cung kính cúng dường cao nhất. Vị A-xà-lê nên dạy mười giới, đúng như cách thọ giới. Sa-di-ni cũng như vậy, chỉ lấy Tỳ-kheo-ni làm Hòa thượng. Thức- xoa-ma-na thọ trì sáu pháp trong hai năm.
Hỏi: Sa-di thọ mười giới, bèn thọ Cụ túc giới, còn trong pháp Tỳ-kheo-ni, sao lại phải có Thức-xoa-ma-na, sau mới được thọ Cụ túc giới?
Đáp: Lúc Phật còn tại thế, có một người vợ ông trưởng giả, không biết mình đã mang thai, xuất gia thọ cụ túc giới. Sau đó thân càng hiện to lớn, các ông trưởng giả cơ hiềm các Tỳ-kheo. Nhân đó Phật chế hai năm học giới, thọ trì sáu pháp, vậy sau mới cho thọ Cụ túc giới.
Hỏi: Nếu vì cơ hiềm, Thức-xoa-ma-na há lại không gây cơ hiềm?
Đáp: Thức-xoa-ma-na chưa thọ Cụ túc, ví như trẻ con, cũng như người giúp việc, tuy có tội uế, người ta không cơ hiềm.
Thức-xoa-ma-na ấy có hai hạng: Một đồng nữ 18 tuổi
* Trang 550 *
thọ sáu pháp, hai mươi tuổi gả chồng được thọ sáu pháp. Nếu thọ giới Cụ túc thì phải ở giữa hai bộ Tăng sắm đủ năm y và bình bát.[1] Tỳ-kheo-ni làm Hòa thượng và giáo sư. Tỳ-kheo làm giới sư. Ngoài ra, đúng như phép thọ giới. Nói lược thì có 500 giới, nói rộng thì có 8 vạn giới.[2] Khi kiết-ma lần thứ 3 xong, là được vô lượng luật nghi, thành tựu Tỳ-kheo-ni.
Tỳ-kheo thời có 3 y và bình bát, 3 sư, 10 Tăng, đúng như pháp thọ giới. Nói lược có 250 giới, nói rộng thời có 8 vạn giới. Khi kiết-ma lần thứ ba xong, là được vô lượng luật nghi (thành Tỳ-kheo), gọi chung là giới, ấy là Thi-la (śīla).
GIẢI THÍCH: THI-LA BA-LA-MẬT
Hỏi: Đã biết tướng của Thi-la (śīlalakṣaṇa).[3] Thế nào là Thi-la Ba-la-mật (śīlapāramitā)?
Đáp: Có người nói: “Bồ-tát trì giới, thà tự mất thân, không hủy phá giới nhỏ, ấy là Thi-ba Ba-la-mật.” Như trên, ở trong kinh Tô-đà-tô Ma vương nói:[4] “Không tiếc thân mạng để toàn cấm giới.” Như tiền thân Bồ-tát, từng làm Rồng độc sức mạnh. Nếu chúng sanh nào ở trước mặt mà thân lực yếu, thì lấy mắt nhìn liền bị chết, còn thân lực mạnh thì phun hơi đến liền bị chết.” Rồng độc ấy thọ giới một ngày (rātridivasaśīla), xuất gia cầu yên lặng, đi vào giữa rừng cây tư duy, lâu quá, mệt mỏi mà ngủ. Theo pháp của Rồng thì khi ngủ hình trạng như Rắn, thân có
[1] T. 22: Ngũ phần luật (五分律), quyển 29, tr. 187c19; T. 22: Ma ha tăng kỳ luật (Mahāsāṃghika-vinaya-摩訶僧祗律), quyển 30, tr. 472b21-22; T. 22: Tứ phần luật (Dharmagupta –vinaya-四分律), quyển 48, 924c13-13-14; T. 23: Thập tụng luật (十誦律), quyển 49, tr. 296a5; T. 54: Nam hải ký quy nội pháp truyện (南海寄歸內法傳), quyển 2, tr. 216a.
[2] T. 24: Tỳ ni mẫu kinh (毘尼母經), quyển 8, tr. 850c15-16.
[3] T. 27: A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-阿毘達磨大毘婆沙論), quyển 44, tr. 229c-230a: Thi-la: nghĩa là người trì giới được giấc ngủ cát tường, thường mộng điều lành ấy gọi là thi-la. Lại thi-la là nghĩa số tập, thường tập hợp các pháp thiện nên gọi là thi-la. Lại thi-la là nghĩa định, nghĩa là người trì giới tâm được định nên gọi là thi-la.
[4] T. 3: Bồ tát bản hành kinh (菩薩本行經), quyển 2, tr. 119b; T. 3: Sư tử tố đà bà vương đoạn nhục kinh (師子素馱娑王斷肉經), tr. 392c: Không tiếc thân mạng để toàn cấm giới.
* Trang 551 *
văn vẻ, sắc màu bảy báu (sapta ratna).[1]
Người thợ săn trông thấy kinh dị vui mừng, tự nói rằng: “Lấy thứ da hiếm có khó được này đem dâng Quốc vương để phục sức, chẳng cũng nên ư?” Nghĩ vậy liền lấy gậy đè đầu, lấy dao lóc da.
Rồng tự suy nghĩ: “Sức ta làm gì không được, lật nhào cả nước này như lật bàn tay. Người này bé nhỏ, sao dám làm khốn ta? Nhưng ta nay vì trì giới, không kể thân này, nên theo lời Phật.”
Thế nên tự nhẫn, mắt không nhìn, ngậm hơi không thở, thương xót người ấy. Vì trì giới mà một lòng chịu cắt xẻ, không sanh tâm hối hận. Đã bị mất da, thịt đỏ nằm trên đất, gặp lúc trời rất nóng, quay lăn trong đất, muốn đi đến chỗ có nước lớn, lại thấy các tiểu trùng đến rúc ăn thân mình, mà vì trì giới nên không dám động. Tự suy nghĩ: “Nay thân này của ta, có thể thí cho các loài trùng, là vì Phật đạo. Ngày nay lấy thịt thí để làm sung túc cho thân nó, ngày sau thành Phật sẽ lấy pháp thí để làm lợi ích cho tâm nó.” Thề nguyện như vậy xong, thân khô mạng chết, liền sanh lên cõi trời Đao-lợi thứ hai.
Rồng độc bấy giờ chính nay là Thích-ca Văn Phật. Người thợ săn chính nay là Đề-bà-đạt-đa và Lục sư vậy.[2] Các tiểu trùng chính là tám vạn chư Thiên đắc đạo khi đức Phật Thích-ca Văn sơ Chuyển pháp luân. Bồ-tát hộ giới, không tiếc thân mạng, quyết định không hối tiếc. Việc ấy như vậy, ấy gọi là Thi-la Ba-la-mật.
[1] Bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, sa cừ, mã não, trân châu và mai khôi.
[2] Trường bộ kinh I, kinh số 2: Kinh Sa-môn quả (Sāmaññaphala sutta); T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 43, kinh số 1164, tr. 317b10-13: Lục sư tà kiến (ngoại đạo): Phú-lâu-na ca-diếp (Pūraṇa-kāśyapa), Mạt-già-lợi Cù-xá-lợi-tử (Maskarī-gośāliputra ), Tán-xà-na Tỳ-la-di-tử (Sañjaya-belathaputra), A-kỳ-đa-chỉ-xá-khâm-bà-la (Ajita-keśa-kambala), Già-cu-la-ca-chiên-diên (Pakudha-kātyāyana), Ni-kiền-liên-đà-xá-đề-phất-đa-la (Nirgrantha-putra).; T. 2: Biệt dịch tạp a-hàm kinh (別譯雜阿含經), quyển 6, kinh số 107, tr. 413b27-c1.
* Trang 552 *
Lại nữa, Bồ-tát trì giới vì Phật đạo, phát thệ nguyện lớn, quyết độ chúng sanh, không cầu cái vui đời này đời sau, không vì tiếng tăm danh lợi, cũng không vì sớm cầu Niết-bàn riêng cho mình, chỉ vì chúng sanh chìm đắm trong trường lưu., bị ân ái dối gạt ngu hoặc làm mê lầm, ta sẽ độ cho được đến bờ kia. Một lòng trì giới nên được sanh ở chỗ lành, sanh chỗ lành nên được gặp thiện nhân, gặp thiện nhân nên sanh thiện trí, sanh thiện trí nên được hành sáu Ba-la-mât, hành sáu Ba-la-mật nên được Phật đạo. Trì giới như vậy nên gọi là Thi-la Ba-la-mật.
Lại nữa, Bồ-tát trì giới, vì tâm ưa điều thiện thanh tịnh, không phải vì sợ ác đạo, cũng không phải vì sanh lên cõi trời mà chỉ cầu thiện thanh tịnh, lấy giới huân tập tâm, làm cho tâm ưa thiện, ấy là Thi-la Ba-la-mật .
Lại nữa, Bồ-tát do tâm đại bi (mahākaruṇā-citta) mà trì giới, được đến Phật đạo, ấy gọi là Thi-la Ba-la-mật.
Lại nữa, Bồ-tát trì giới có thể phát sanh sáu Ba-la-mật, ấy gọi là Thi-la Ba-la-mật.
- Thế nào là trì giới có thể sanh giới? Nhân năm giới mà được Sa-di giới, nhân Sa-di giới mà được Luật nghi giới (saṃvaraśīla). Nhân Luật nghi giới mà được Thiền định giới (dhyānaśīla). Nhân Thiền định giới mà được Vô lậu giới (anāsravaśīla), ấy là giới sanh giới.
- Thế nào là trì giới có thể sanh bố thí-dāna? Bố thí có ba: 1- Tài thí (vasudāna), 2- Pháp thí-(dharmadāna), 3- Vô úy thí (abhayapradāna). Trì giới thì tự kiểm thúc không xâm phạm tài vật của hết thảy chúng sanh, ấy là tài thí. Chúng sanh gặp được, kính mộ việc làm đó, nên lại
* Trang 553 *
thuyết pháp cho họ, khiến được khai ngộ. Lại tự suy nghĩ: “Ta sẽ kiên trì tịnh giới, để làm ruộng phước cho hết thảy chúng sanh cúng dường để chúng sanh được vô lượng phước. Các thứ như vậy, gọi là pháp thí. Tất cả chúng sanh đều sợ chết, trì giới không làm hại, ấy là vô úy thí.
Lại nữa, Bồ-tát tự suy nghĩ: “Ta sẽ trì giới, do quả báo của trì giới, mà vì các chúng sanh làm Chuyển luân Thánh vương, hoặc làm vua cõi Diêm-phù-đề, hoặc làm vua trời, khiến cho chúng sanh được đầy đủ tài vật, không bị thiếu hụt, vậy sau mới ngồi dưới gốc cây Bồ-đề, hàng phục Ma vương, phá các Ma quân, thành Vô thượng đạo, vì các chúng sanh thuyết thanh tịnh pháp, khiến vô lượng chúng sanh vượt qua biển lão, bịnh, tử.” Ấy là nhân duyên trì giới sanh Đàn Ba-la- mật.
- Thế nào là trì giới sanh nhẫn nhục-kṣānti? Người trì giới tâm tự nghĩ rằng: “Ta nay trì giới vì tự tâm, nếu trì giới mà không nhẫn nhục, sẽ đọa địa ngục. Tuy không phá giới, song vì không nhẫn nên không khỏi sa ác đạo. Sao được buông lòng giận mà không tự chế tâm? Chỉ do vì tâm mà đọa vào trong ba ác đạo. Thế nên, phải tự khéo cố gắng, siêng tu nhẫn nhục.”
Lại nữa, hành giả muốn cho giới được kiên cường, hãy tu nhẫn nhục, vì sao? Vì nhẫn là sức lớn, làm bền chắc giới, khiến không lay động. Lại tự suy nghĩ: “Ta nay xuất gia thân hình khác tục, đâu thể buông thả tâm như thói người đời. Nên tự cố gắng, lấy nhẫn điều phục tâm. Do thân miệng nhẫn, mà
* Trang 554 *
tâm cũng được nhẫn, nếu tâm không nhẫn, thân miệng cũng vậy.” Cho nên hành giả nên làm cho thân, miệng, tâm đều nhẫn, dứt hết sự giận dữ.
Lại nữa, giới ấy lược nói thời có tám vạn, nói rộng thời vô lượng (aprameya), ta phải làm sao giữ đủ vô lượng giới pháp? Chỉ phải nhẫn nhục, thì mới tự đầy đủ các giới. Ví như có người đắc tội với vua, vua chở người tội trên xe đao, bốn phía đặt mũi nhọn, không chỗ xen hở, rong chạy vội vã, đi không chọn đường, nếu khéo giữ mình thì không bị đao đâm, thế mà giết mà không chết, người trì giới cũng như vậy. Giới là đao bén, nhẫn là giữ mình, nếu tâm nhẫn không vững thì đao giới đâm người. Lại ví như người già đi đêm, không gậy là bị té ngã. Nhẫn là gậy của giới, giúp đỡ người đi đến đạo, nhân duyên phước lạc không lay động được. Các thứ như vậy, gọi là trì giới sanh Sằn-đề Ba-la-mật.
- Thế nào là trì giới sanh tinh tấn? Người trì giới, trừ bỏ phóng dật, tự sức siêng tu tập pháp vô thượng, bỏ vui thế gian, vào trong thiện đạo, chí cầu Niết-bàn để độ hết thảy, tâm lớn không biếng nhác, lấy việc cầu Phật đạo làm giới, ấy là trì giới sanh tinh tấn.
Lại nữa, người trì giới, chán mệt sự khổ ở đời và cái họa già, bệnh, chết, tâm sanh tinh tấn, tự cầu thoát khổ, cũng để độ người. Ví như chồn hoang (sṛgāla-dã can) ở giữa rừng cây, nương theo Sư tử (siṃha) và Hổ báo, kiếm thịt bỏ thừa để tự nuôi sống. Gặp lúc thiếu đói, nửa đêm trèo thành, lẻn vào nhà người, kiếm thịt không có, ngủ nghỉ chỗ kín, không biết đêm đã hết, hoảng sợ
* Trang 555 *
không biết tính sao, chạy thời sợ không khỏi, ở lại thì sợ chết, bèn tự định tâm, giả chết nằm trên đất. Mọi người trông thấy, có một người nói: “Ta cần tai chồn”, liền cắt lấy tai. Chồn tự nghĩ: “Cắt tai tuy đau, nhưng thân còn sống được.” Lại một người nói: “Ta cần đuôi chồn”, liền cắt lấy đuôi. Chồn lại suy nghĩ: “Cắt đuôi tuy đau, nhưng còn là việc nhỏ.” Lại một người nói: “Ta cần răng chồn.” Chồn trong tâm suy nghĩ: “Người cần lấy càng lúc càng nhiều, hoặc giả lấy đầu ta thì không còn đường sống.” Liền từ đất đứng dậy, tung hết trí lực, cố nhảy qua cửa, theo đường tắc mà tự cứu được. Tâm của hành giả cầu thoát khổ nạn cũng như thế. Hoặc khi già đến, còn tự cho thong thả, không chịu ân cần quyết đoán tinh tấn. Khi bệnh đến cũng như vậy, còn cho có khi lành, chưa chịu quyết đoán. Khi chết sắp đến, tự biết không còn mong gì nữa, nên tự cố gắng, quả cảm ân cần, tu hành rất tinh tấn, từ trong chỗ chết được đến Niết-bàn.
Lại nữa, phép trì giới giống như người bắn tên, trước phải được chỗ đất bằng, được đất bằng rồi sau tâm mới an, tâm an rồi sau kéo cung mới năng, kéo cung năng rồi sau mũi tên mới cắm sâu. Giới là đất bằng, định ý là cây cung, kéo năng cung là tinh tấn, mũi tên là trí tuệ, giặc là vô minh. Nếu nông sức tinh tấn được như vậy, chắc đạt đến đại đạo, để độ chúng sanh.
Lại nữa, người trì giới thường lấy sức tinh tấn, tự kiềm chế năm căn, không thọ năm dục (pañcakāmaguṇa). Nếu tâm đã chạy đi thì nhiếp khiến trở lại. Thế là giới hay thủ hộ các căn (indriya). Thủ hộ
* Trang 556 *
các căn thời phát sanh thiền định-(dhyāna), sanh thiền định thời sanh trí tuệ (prajñā), sanh trí tuệ thời được đến Phật đạo, ấy là trì giới sanh Tỳ-lê-gia Ba-la-mật.
- Thế nào là trì giới sanh Thiền định (dhyāna)? Người ta có ba nghiệp làm các điều thiện. Nếu thân khẩu nghiệp thiện, thì ý nghiệp tự nhiên vào thiện. Ví như cây cỏ cọng sanh giữa bụi gai, không chống đỡ mà tự lên thẳng. Sức trì giới hay làm gầy yếu các kiết sử (saṃyojana).
Thế nào là làm cho gầy yếu? Nếu không giữ giới, gặp việc sân nhuế đến, tâm sát liền sanh; nếu việc dâm dục đến, tâm dâm liền thành. Nếu trì giới tuy có gặp chút sân, không sanh tâm sát; tuy có niệm dâm, dâm sự không thành. Ấy là trì giới làm cho các kiết-sử gầy yếu. Các kiết-sử gầy yếu thì Thiền định dễ được. Vì như già bệnh mất sức, sự chết dễ đến. Kiết-sử gầy yếu thì Thiền định dễ được.
Lại nữa, lòng người chưa dứt, thường cầu cho thật vui. Hành giả trì giới, vứt bỏ phúc lạc ở đời, tâm không phóng dật, cho nên dễ được Thiền định.
Lại nữa, người trì giới được sanh trong cõi người, tiếp đến sanh cõi trời Lục dục, tiếp đến sanh lên Sắc giới, phá sắc tướng sanh Vô sắc giới, trì giới thanh tịnh, dứt các kiết-sử, chứng được đạo quả A-la-hán. Có đại tâm trì giới, thường nghĩ chúng sanh, ấy là Bồ-tát.
Lại nữa, giới để kiểm thúc thô hoặc (sthūla), thiền định để kiểm thúc tế hoặc (sūkṣma).
Lại nữa, giới thu nhiếp thân khẩu, thiền định đình chỉ
* Trang 557 *
loạn tâm. Như người lên lầu, không có thang không lên được. Không được thang giới, thiền cũng không đứng vững.
Lại nữa, người phá giới (duḥśīa), gió kiết sử thổi mạnh, làm tán loạn tâm. Tâm kia đã tán loạn thời không thể thiền định. Người trì giới, gió phiền não thổi nhẹ, tâm không tán loạn nhiều nên thiền định dễ được. Do các nhân duyên như vậy, ấy là trì giới sanh thiền Ba-la-mật.
- Thế nào là trì giới sanh trí tuệ (prajñā) ? Người trì giới quán sát giới tướng ấy từ đâu mà có. Biết từ các tội mà sinh. Nếu không có các tội thời cũng không có giới. Giới tướng như vậy là từ nhân duyên mà có.
Vì sao sanh tâm đắm trước? Ví như Hoa sen sanh từ bùn nhơ, sắc tuy tươi đẹp mà chỗ sanh ra thì bất tịnh, lấy đó để ngộ tâm, không sanh đắm trước, ấy là trì giới sanh Bát-nhã Ba-la-mật.
Lại nữa, người trì giới, tâm tự suy nghĩ: “Nếu ta cho việc trì giới là quý nên đáng chấp thủ, việc phá giới là giặc nên đáng xả bỏ.”
Nếu còn có tâm ấy thì không phải Bát-nhã. Lấy trí so lường, tâm không chấp trước giới, không thủ không xả, ấy là trì giới sanh Bát-nhã Ba-la-mật.
Lại nữa, người không trì giới, tuy có lợi trí, mà vì kinh doanh việc đời, cầu mong các thứ sự nghiệp sanh sống, thì tuệ căn dần dần ám độn. Ví như dao bén đem cắt bùn đất, liền thành đồ lụt (đùi). Nếu xuất gia trì giới, không kinh doanh sự nghiệp ở đời, thường quán các pháp thật tướng vô
* Trang 558 *
tướng, thì tuy trước là độn căn mà dần dần thành lợi căn. Do các nhân duyên như vậy gọi là trì giới sanh Bát-nhã Ba-la-mật.
Như vậy v.v... gọi là Thi-la Ba-la-mật sanh sáu Ba-la- mật.
Lại nữa, Bồ-tát trì giới chẳng phải vì sợ hãi, cũng chẳng phải ngu si; chẳng phải nghi, chẳng phải vì giới đạo, cũng chẳng vì cầu Niết-bàn riêng cho mình, mà chỉ vì hết thảy chúng sanh, vì được Phật đạo, vì được tất cả Phật pháp. Các tướng như vậy, gọi là Thi-la Ba-la-mật.
Lại nữa, nếu Bồ-tát đối với tội không tội chẳng thể có được, bấy giờ gọi là Thi-la Ba-la-mật.
Hỏi: Nếu người bỏ ác làm lành, ấy là trì giới, sao lại nói tội không tội đều chẳng thể có được?
Đáp: Không phải vì tà kiến thô tâm mà nói chẳng thể có được, mà chính vì thâm nhập pháp tướng, thực hành Không tam muội, tuệ nhãn quán thấy tội chẳng thể có được, vì tội (āpatti) vốn không. Nên không tội (anāpatti) cũng chẳng thể có được.
Lại nữa, chúng sanh là chẳng thể có được nên tội sát cũng chẳng thể có được. Vì tội chẳng thể có được nên giới cũng chẳng thể có được, vì sao? Vì có tội sát thời mới có giới sát, nếu không có tội sát thời cũng không có giới sát.
Hỏi: Nay chúng sanh hiện có, sao lại nói chúng sanh chẳng thể có được?
Đáp: Đều con mắt thịt thấy là chẳng phải thấy. Nếu tuệ nhãn quán thấy thời chẳng có chúng sanh. Như trong phần
* Trang 559 *
nói về bố thí ở trên đã nói không có người thí, không có người thọ, không có tài vật. Đây cũng như vậy.
Lại nữa, nếu có chúng sanh, thời chính là năm uẩn chẳng hay lìa ngoài năm uẩn chăng-(pañcaskandha)? Nếu chính là năm uẩn, thì năm uẩn có năm, còn chúng sanh là một. Như vậy năm chẳng thể làm một, một chẳng thể làm năm. Ví như ở chợ trao đổi vật trị giá năm con, mà dùng một con để đổi lấy là không thể được, vì sao? Vì một không thể làm năm được. Do vậy nên biết năm uẩn không thể làm một chúng sanh được.
Lại nữa, tướng của năm uẩn sanh diệt vô thường, còn chúng sanh thì đời trước đến đời sau thọ tội thọ phước ở trong ba cõi. Nếu năm uẩn là chúng sanh, thì cũng như cây cỏ, tự sanh tự diệt, như vậy thời không có tội buộc cũng không có giải thoát. Do vậy nên biết chẳng phải năm uẩn là chúng sanh. Nếu lìa ngoài năm uẩn có chúng sanh thời như đoạn trước đã phá về thuyết cho rằng thần hồn biến khắp.
Lại nữa, lìa ngoài năm uẩn thời tâm chấp ngã không sanh. Nếu lìa ngoài năm uẩn có chúng sanh, là bị rơi vào thường kiến. Nếu rơi vào thường kiến thời không sanh không chết, vì sao? Vì sanh là trước không mà nay có, chết là đã sanh rồi lại diệt. Nếu chúng sanh thường, thời lẽ trước đã thường có khắp trong năm đường, tại sao nay lại còn sanh? Nếu không có sanh thời không có chết.
Hỏi: Nhất định có chúng sanh, vì sao nói không? Có năm uẩn làm nhân duyên nên có chúng sanh, cũng như có năm ngón tay (aṅguli) làm nhân duyên nên có nắm tay?
* Trang 560 *
Đáp: Nói như vậy không đúng!. Nếu năm uẩn làm nhân duyên nên có chúng sanh, vậy trừ ngoài năm uẩn thời phải riêng có chúng sanh, nhưng không thể có được. Mắt tự thấy sắc, tai tự nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết xúc, ý biết pháp là không, vô ngã, lìa sáu việc này lại không có chúng sanh.
Các ngoại đạo vì thấy điên đảo nên nói mắt thấy sắc, ấy là chúng sanh, cho đến ý biết pháp, ấy là chúng sanh. Lại biết nhớ nghĩ, biết thọ khổ vui, ấy là chúng sanh. Chỉ khởi lên cái thấy ấy, nên không biết được chúng sanh thật.
Ví như một vị Đại đức Trưởng lão Tỳ-kheo, người ta gọi đó là vị A-la-hán, đến cúng dường rất nhiều. Sau đó bị bệnh chết, các đệ tử sợ mất cúng dường nên ban đêm lén đem xác ra ngoài, rồi tại chỗ nằm của vị Tỳ-kheo, sắp đặt mền gối giống như thầy đang còn, có vẻ như nằm. Người nào đến thăm bệnh hỏi: “Thầy ở đâu?” Các đệ tử nói: “Ngươi không thấy mền gối trên giường đó sao?” Người ngu không xét kỹ, cho là thầy đang bệnh nằm, cứ đưa cúng dường rồi đi, như vậy chẳng phải một lần. Sau một người có trí đến hỏi, các đệ tử cũng trả lời như trước. Người trí nói: “Ta không hỏi gối mền, giường nệm, ta cần tìm người.” Người ấy liền kéo mền ra tìm, rốt cuộc không có người đâu cả. Trừ ngoài sáu sự tướng biết, thấy v.v... chứ không có ngã, nhân đâu cả. Vậy việc người khởi lên cái thấy kia cũng như vậy.
Lại nữa, nếu chúng sanh từ nơi năm uẩn nhân duyên mà có, năm uẩn vô thường (anitya), chúng sanh cũng phải vô thường, vì sao? Vì nhân quả giống nhau vậy. Nếu chúng sanh vô
* Trang 561 *
thường, thời không đi đến đời sau.
Lại nữa, nếu như các ông nói: “Chúng sanh từ xưa đến nay thường có.”
Nếu nói vậy, chúng sanh lẽ phải sanh ra năm uẩn, năm uẩn không có thể sanh ra chúng sanh. Nay do năm uẩn làm nhân duyên sanh ra danh tự chúng sanh, người vô trí chạy theo danh tự để tìm sự thật, vì sao? Vì chúng sanh thật không có. Nếu không có chúng sanh, thì cũng không có tội sát. Vì không có tội sát nên cũng không có trì giới.
Lại nữa, năm uẩn ấy, quán sát sâu xa, phân biệt biết nó là không, như cảnh thấy trong mộng, bóng trong gương. Nếu giết như cảnh thấy trong mộng, bóng trong gương, thời không có tội giết. Giết chúng sanh của năm uẩn không tướng cũng như vậy.
Lại nữa, nếu người không ưa tội sát, mà ưa đắm về không tội, thời người ấy khi thấy người mắc tội phá giới thì khinh mạn, thấy người lành trì giới thì yêu thích. Trì giới với tâm như vậy, là nhân duyên khởi lên tội. Vì vậy nên nói “đối với tội, không tội đều chẳng thể có được.”
___________
* Trang 562 *