Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
CHƯƠNG 11
GIẢI THÍCH: PHẬT THẾ GIỚI NGUYỆN
            KINH: Nguyện lãnh thọ vô lượng thế giới của chư Phật.
            LUẬN: Các Bồ-tát thấy các thế giới của các chư Phật độ trang nghiêm vô lượng, phát các lời nguyện:[1] Có thế giới Phật hoàn toàn không có các khổ, cho đến không có tên ba đường ác. Bồ-tát thấy rồi tự phát nguyện: “Khi ta thành Phật, thế giới ta không có các khổ, cho đến không có ba đường ác, cũng sẽ như vậy.”
            Có thế giới Phật trang nghiêm bằng bảy báu, ngày đêm thường có ánh sáng thanh tịnh, mặc dầu không có mặt trời mặt trăng. Bồ-tát bèn phát nguyện: “Khi ta thành Phật, thế giới ta thường có ánh sáng trang nghiêm thanh tịnh cũng sẽ như vậy.”
            Có thế giới Phật, hết thảy chúng sanh đều thực hành mười thiện, có đại trí tuệ, y phục ẩm thực nghĩ đến liền có, bèn phát nguyện: “Khi ta thành Phật, chúng sanh trong Quốc độ ta, y phục ẩm thực cũng sẽ như vậy.”
            Có thế giới Phật thuần các vị Bồ-tát, sắc thân như Phật, với ba mươi hai tướng tốt quang minh chiếu suốt, cho đến không có tên Thanh-văn, Bích-chi Phật, cũng không có nữ
 

[1] T. 8: Đại phẩm bát-nhã kinh (Mahāprajñāparamitā-sūtra-大品般若經), quyển 17, mộng hành phẩm 58 (夢行品58), tr.347b-349b: 29 lời nguyện của Bồ-tát (có thuyết nói 28 lời nguyện, có thuyết nói 30 lời nguyện). Xem Đại trí độ luận, quyển 75.
 

* Trang 269 *
device

nhân. Hết thảy đều thực hành Phật đạo thâm diệu, du hành đến mười phương giáo hóa hết thảy, rồi phát nguyện: “Khi ta thành Phật, chúng sanh trong Quốc độ ta cũng sẽ như vậy.”
            Như vậy v.v..., vô lượng Phật thế giới đủ thứ trang nghiêm, Bồ-tát nguyện đều được cả; vì vậy nên gọi là nguyện thọ vô lượng thế giới Phật.
            Hỏi: Các Bồ-tát hạnh nghiệp thanh tịnh, thì tự được qủa báo thanh tịnh, vì sao cần phải lập nguyện rồi sau mới được? Cũng như nhà nông được lúa, há lại chờ ước nguyện?
            Đáp: Làm phước mà không có ước nguyện thì không có mục tiêu, vì có nguyện dẫn lối mới thành tựu được, cũng như vàng nấu chảy, tùy theo thợ làm vàng không nhất định. Như Phật dạy: Có người tu một ít phước bố thí, một ít phước trì giới, mà không biết pháp Thiền định, thế nhưng khi nghe nói trong loài người có kẻ giàu vui, tâm thường niệm tưởng, ái trước,  nguyện ước không bỏ, nên sau khi mệnh chung, sanh làm người giàu vui. Lại có người tu một ít phước bố thí, một ít phước trì giới, mà không biết pháp Thiền định, thế nhưng khi nghe nói có các cõi trời: Tứ-thiên-vương thiên, Tam-thập-tam thiên, Dạ-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa-lạc thiên, Tha-hóa-tự-tại thiên, tâm thường nguyện ước, nên sau khi mệnh chung, đều được sinh lên cõi ấy. Đó là đều do nguyện lực mà được. Bồ-tát cũng như vậy, tu theo lời nguyện “tịnh Quốc độ,” vậy sau mới thành; vì vậy nên biết nhân nguyện mà được thọ quả báo thù thắng.
            Lại nữa, trang nghiêm Phật độ là việc lớn, chỉ tu hành

* Trang 270 *
device

công đức không thể thành được, phải cần có nguyện lực; cũng như sức bò tuy hay kéo xe, nhưng phải có người cầm cương mới có chỗ đến. Nguyện “thanh tịnh Quốc độ” cũng như vậy, phước như xe bò; nguyện như người cầm cương.
            Hỏi: Nếu không phát nguyện, không được phước ư?
            Đáp: Tuy được nhưng không bằng có nguyện: Nguyện thường giúp cho phước, thường nhớ nghĩ sở hành, phước đức được tăng trưởng.
            Hỏi: Nếu phát nguyện mà được quả báo, thì như người làm mười nghiệp ác, không nguyện sanh địa ngục, chắc cũng không bị quả báo địa ngục?
            Đáp: Tội phước tuy có quả báo nhất định, nhưng người có phát nguyện, tu một ít phước mà nhờ có nguyện lực, nên được quả báo lớn. Như trước nói, trong khi mắc quả báo khổ, mà hết thảy chúng sanh đều nguyện được vui, chứ không ai nguyện được khổ, thế nên không nguyện sanh địa ngục; vì vậy nên phước thì có vô lượng báo mà tội thì hữu lượng.
            Có người nói: “Tội lớn nhất thì đọa A-tỳ địa ngục, thọ báo một kiếp. Phúc to nhất thì sanh lên Phi-hữu-tưởng-phi-vô tưởng-xứ, thọ báo trong tám vạn đại kiếp. Các Bồ-tát nguyện thanh tịnh thế giới, cũng vô lượng kiếp, nhập đạo được Niết-bàn,” ấy là thường, lạc.
            Hỏi: Như trong phẩm Nê-lê (Địa ngục) nói[1]: Tội hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật, bị ở trong địa ngục phương này kiếp tận, lại đến trong địa ngục phương khác, thế vì sao ở đây nói tội to nhất thọ báo chỉ trong một kiếp?
 

[1] Tham khảo T. 8: Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh (mahāprajñāpāramitā-摩 訶 般 若 波 羅 蜜 經), quyển 11, tín hủy phẩm 41 (信 毀 品 第 四 十 一), tr.304c7-28, Tiểu phẩm bát-nhã ba-la-mật kinh (Mahā-prajñā-pāramitā-sūtra-小 品 般 若 波 羅 蜜 經), quyển 8, ma-ha bát-nhã ba-la-mật nê lê phẩm đệ bát (摩 訶 般 若 波 羅 蜜 泥 犁 品 第 八), tr. 550c, T. 8: Phóng quang bát-nhã kinh (放 光 般 若 經), quyển 9, nê lê phẩm đệ 42 (泥 犁 品 第 四 十 二), tr.62b26-63a25; Đại bát-nhã ba-la-mật đa kinh (Mahā-prajñā-pāramitā-sūtra-大 般 若 波 羅 蜜 多 經), quyển 435, địa ngục phẩm (地 獄 品 第 五), tr.187c2-29; Ma ha bát-nhã sao kinh (摩 訶 般 若 鈔 經), quyển 3, địa ngục phẩm đệ ngũ (地獄品), tr.523a; Phật thuyết phật mẫu xuất sanh tam tạng bát-nhã ba-la-mật đa kinh (佛 說 佛 母 出 生 三 法 藏 般 若 波 羅 蜜 多 經), quyển 8, Địa ngục duyên phẩm (地 獄 緣 品), tr.615a16-b4.
 

* Trang 271 *
device

            Đáp: Phật pháp vì chúng sanh nên có hai đạo giáo hóa: Một là Phật đạo, hai là Thanh-văn đạo. Trong Thanh-văn đạo, người tạo tội ngũ nghịch, Phật nói họ chịu địa ngục một kiếp;[1] trong Bồ-tát đạo, người phá Phật pháp, thì nói họ ở phương này kiếp tận lại đến phương khác chịu vô lượng tội. Trong pháp Thanh-văn, phước to nhất thọ báo tám vạn kiếp; trong Bồ-tát đạo, phước lớn nhất thọ báo vô lượng A-tăng-kỳ kiếp; vì vậy nên phước đức cần có nguyện.
            Ấy là nguyện thọ vô lượng thế giới chư Phật.
            KINH: Niệm vô lượng Phật độ, chư Phật tam muội, thường hiện trước mặt.
            LUẬN: Vô lượng Phật độ là các Phật độ trong mười phương. Niệm Phật tam muội là thường lấy tâm và mắt thấy mười phương ba đời các đức Phật như hiện ở trước mặt.
            Hỏi: Sao gọi là niệm Phật tam muội?
            Đáp: Niệm Phật tam muội có hai: 1- Trong pháp Thanh văn, đối với một Phật thân, tâm và mắt thấy ở khắp mười phương. 2- Trong Bồ-tát đạo, niệm ba đời mười phương chư Phật ở trong vô lượng Phật độ; vì vậy nên nói niệm vô lượng Phật độ, chư Phật tam muội, thường hiện ở trước.
            Hỏi: Như Bồ-tát tam muội có chủng chủng vô lượng, sao chỉ tán thán Bồ-tát ấy được niệm Phật tam muội hiện ở trước mặt?
            Đáp: Vì Bồ-tát ấy niệm Phật nên được vào trong Phật đạo, vì vậy nên niệm Phật tam muội thường hiện ở trước.
 

[1] T.  1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgam-中 阿 含 經), quyển 27, A nô ba kinh (阿 奴 波 經), kinh số 112, tr.600c18-21; T. 1: A nậu phong kinh (阿 耨 風 經), quyển 1, tr.854a14-20; T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottarikāgama -增 壹 阿 含 經), quyển 5, p.567c10-13; T. 27, Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大 毗 婆 沙 論), quyển 116, tr.601c8-602b5.
 

* Trang 272 *
device

            Lại nữa, niệm Phật tam muội hay trừ các thứ phiền não và tội chướng đời trước. Các thứ tam muội khác có thứ trừ được dâm không thể trừ được sân, có thứ trừ được sân không trừ được dâm, có thứ trừ được si không trừ được dâm, sân, có thứ trừ được ba độc không trừ được tội đời trước; còn niệm Phật tam muội này trừ được cả các phiền và các tội.
            Lại nữa, niệm Phật tam muội có đại phúc đức, có thể độ sanh. Các Bồ-tát ấy muốn độ chúng sanh, các tam muội khác không bằng phúc đức của niệm Phật tam muội này, có thể chóng hết các tội. Như nói: Xưa có năm trăm khách buôn, vào biển tìm châu báu, gặp Ngư vương Ma-già-la hả miệng, nước biển chảy vào trong đó, thuyền đi rất mau, sắp trôi dạt vào miệng Ngư vương; thuyền sư hỏi người ở trên lầu: “Ngươi thấy gì?” Đáp: “Thấy ba mặt trời xuất hiện, núi bạc la liệt, nước chảy dồn đến như vào hang lớn.” Thuyền sư nói: Ngư vương Ma-già-la ấy hả miệng, một mặt trời là thật, hai mặt trời kia là hai mắt của cá, núi bạc là răng của cá, nước chảy gấp đến là vào miệng cá. Chúng ta thôi xong rồi! Vậy ai nấy đều phải cầu xin các thiên thần cứu vớt.” Khi ấy mọi người đều lo cầu việc đó mà vẫn không thấy ích gì. Bấy giờ ở trong đó có Ưu-bà-tắc thọ ngũ giới, nói với mọi người: “Chúng ta hãy cùng xưng niệm “Nam Mô Phật,” Phật là đấng vô thượng, hay cứu vớt khổ ách.” Tức thời ai nấy đều nhất tâm xưng “Nam Mô Phật.”
            Chuyện  về cá ấy, đời trước nó là đệ tử phá giới của Phật, được trí túc mạng, khi nghe xưng tiếng Phật, tâm tự hối

* Trang 273 *
device

ngộ, liền ngậm miệng lại, người trên thuyền được thoát.[1] Chỉ nhờ niệm Phật mà trừ được trọng tội, thoát khỏi các khổ ách, huống gì niệm Phật tam muội.
            Lại nữa, Phật là Pháp vương, Bồ-tát là Pháp tướng, chỉ có Phật Thế Tôn được tôn trọng, thế nên, nên thường niệm Phật.
            Lại nữa, thường niệm Phật, được các thứ công đức lợi lạc, cũng như đại thần, đặc biệt mong ân sủng mà thường niệm đến chủ. Bồ-tát cũng như vậy, biết các thứ công đức và vô lượng trí tuệ đều từ nơi Phật mà được; và biết ân Phật rất nặng nên thường niệm Phật.
            Ông hỏi vì sao thường niệm Phật, mà không thực hành các tam muội khác? Nay nói thường niệm, cũng không nói là không thực hành các tam muội khác; vì thực hành niệm Phật tam muội nhiều cho nên nói là thường niệm.
            Lại nữa, trước tuy nói Không, Vô tướng, Vô tác tam muội, mà chưa nói niệm Phật tam muội, cho nên nay nói.
            KINH: Hay khuyến thỉnh vô lượng chư Phật.
            LUẬN: Khuyến thỉnh có hai: Một là lúc Phật mới Thành đạo, Bồ-tát ngày đêm sáu thời lễ thỉnh, bày vai áo bên phải, chấp tay nói: “Vô lượng chư Phật trong mười phương Phật độ, lúc mới Thành đạo, chưa Chuyển pháp luân, tôi tên... kính thỉnh hết thảy chư Phật, vì chúng sanh Chuyển xe pháp, độ thoát hết thảy.” Hai là lúc chư Phật muốn xả bỏ vô lượng thọ mạng để vào Niết-bàn, Bồ-tát cũng đêm ba thời, ngày ba thời, bày vai áo bên phải, chấp tay nói: “Vô lượng
 

[1] T. 4: Hiền ngu kinh (賢愚經), tr.394b6-18.
 

* Trang 274 *
device

chư Phật trong mười phương Phật độ, tôi tên..., thỉnh Phật trụ lâu ở thế gian vô lượng số kiếp, để độ thoát hết thảy, lợi ích chúng sanh,” ấy gọi là thường khuyến thỉnh vô lượng chư Phật.
            Hỏi: Theo lệ của chư Phật, hẳn là phải thuyết pháp, rộng độ chúng sanh. Lẽ ấy tự nó phải như vậy, cớ sao lại cần phải thỉnh, nếu chư Phật ở trước mặt thời có thể thỉnh được, còn nay như Phật trong mười phương vô lượng Phật độ, mắt cũng không thấy được, làm sao mà thỉnh?
            Đáp: Chư Phật tuy hẳn phải thuyết pháp không đợi người khuyến thỉnh, nhưng ai thỉnh cũng được phước, như Đại quốc vương, tuy được nhiều đồ ăn ngon, mà có người thỉnh mời chắc được ân phước, để ghi nhận tâm người kia vậy. Lại như tâm từ niệm tưởng chúng sanh, khiến được khoái lạc, chúng sanh tuy không được gì, nhưng người niệm tưởng được phước rất lớn. Thỉnh Phật thuyết pháp cũng như vậy.
            Lại nữa, có các đức Phật, không có ai thỉnh, bèn nhập Niết-bàn mà không thuyết pháp. Như trong kinh Pháp Hoa,[1] đức Thế Tôn Đa Bảo, vì không có người thỉnh, bèn vào Niết-bàn. Về sau, hóa thân Phật và Tháp bảy báu, vì để làm chứng việc nói kinh Pháp Hoa, mà xuất hiện cùng một lần. Cũng như Phật Tu-phiến-đa, vì bản hạnh của đệ tử chưa thuần thục, nên bỏ mà vào Niết-bàn, lưu lại hóa Phật một kiếp để độ chúng sanh.
            Nay đức Thích-ca Văn Phật sau khi đắc đạo năm
 

[1] Tham khảo T. 9: Diệu pháp liên hoa kinh (Saddharmapuṇḍarīka-sūtra-妙法蓮華經), quyển 4, tr.32b-34b.
 

* Trang 275 *
device

mươi bảy ngày, im lặng không thuyết pháp,[1] tự nói: “Pháp của Ta sâu xa khó hiểu khó biết. Hết thảy chúng sanh bị ràng buộc theo pháp thế gian không thể hiểu được, chẳng bằng Ta im lặng vào Niết-bàn là vui.”
            Bấy giờ các Bồ-tát và Thích-đề-hoàn-nhơn (trời Đế-thích), Phạm-thiên vương, chư thiên, chấp tay kỉnh lễ, thỉnh Phật vì chúng sanh, bắt đầu Chuyển pháp luân. Phật im lặng nhận lời. Sau đó Ngài đi đến trong rừng Nai thuộc thành Ba-la-nại Chuyển pháp luân. Như vậy, sao nói thỉnh Phật không có ích chi?
            Lại nữa, Phật pháp xem chúng sanh đều bình đẳng, không quý không tiện, không khinh không trọng. Có người thỉnh thì Ngài vì lời thỉnh ấy mà thuyết pháp cho họ. Tuy chúng sanh không thấy Phật, mà Phật thường thấy tâm chúng sanh, cũng nghe lời họ thỉnh. Giả sử chư Phật không nghe không thấy, người thỉnh Phật cũng có phước đức, huống gì Phật đều nghe thấy, mà thỉnh Phật lại không ích sao?
            Hỏi: Đã biết thỉnh Phật là có ích, vì sao chỉ thỉnh có hai việc?
            Đáp: Các việc khác không cần thỉnh, hai việc này thiết yếu phải thỉnh, nếu không thỉnh mà Phật tự thuyết, sẽ có bọn ngoại đạo nói: “Thể đạo thường định, cớ sao ái trước pháp, đa ngôn đa sự?” Vì vậy nên cần có thỉnh mới thuyết.
            Hoặc có người nói: “Nếu biết các pháp tướng thì không nên ham sống, trụ lâu ở thế gian nên sớm vào Niết-bàn.” Vì vậy nên cần có thỉnh.
 

[1] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大毘婆沙論), quyển 182, p.914a13-20; T. 41: Câu xá luận sớ (俱舍論疏), tr.455b2-9.
 

* Trang 276 *
device

            Hoặc không thưa thỉnh mà thuyết, người ta sẽ nói Phật ái trước pháp, muốn cho người ta biết, nên phải đợi người ta thưa thỉnh mới Chuyển pháp luân. Các hàng ngoại đạo tự đắm trước vào pháp, hoặc thưa thỉnh, hoặc không thưa thỉnh, vẫn tự nói pháp cho người; còn Phật đối với pháp không ái trước, mà vì thương xót chúng sanh nên có thỉnh Phật thuyết, Phật mới vì họ thuyết. Chư Phật không do không thưa thỉnh mà bắt đầu Chuyển pháp luân, như kệ nói:
                        “Phật nói cái gì thật,
                        Cái gì là bất thật,
                        Thật cùng với bất thật,
                        Cả hai đều không thật.[1]
                        Chơn thật tướng như vậy,
                        Không hý luận các pháp,
                        Vì thương xót chúng sanh,
                        Phương tiện Chuyển pháp luân.”[2]
            Lại nữa, nếu không thưa thỉnh mà Phật tự thuyết pháp, ấy là tự hiển bày chỗ tự chấp trước pháp, tất phải đáp mười bốn vấn nạn. Nay chư thiên thỉnh mà Phật thuyết pháp, chỉ vì đoạn các khổ, già, bệnh, chết, không vì hý luận cho nên Phật không đáp mười bốn vấn nạn, mà không lỗi; vì nhân duyên ấy, nên cần có thỉnh mới Chuyển pháp luân.
            Lại nữa, Phật sanh ở trong loài người, dùng theo pháp của bậc đại nhân, tuy có tâm đại bi, nhưng không thỉnh thời không nói. Nếu không thỉnh mà nói, ngoại đạo sẽ chê; vì vậy nên ban đầu cần phải có thỉnh.
 

[1] T. 30: Trung luận (Madhyamaka-śāstra-中論), quyển 2, quán pháp phẩm đệ thập bát (觀 法 品 第 十 八), tr. 24a5-6: 一 切 實 非 實 ,  亦 實 亦 非 實, 非 實 非 非 實, 是 名 諸 佛 法.; Mūlamadhyamaka śāstra, ātmaparīkṣā: Sarvaṃ tathyaṃ na vā tathyaṃ  tathyaṃ cātathyameva ca, naivātathyaṃ naiva tathyametaddbuddhānuśāsanaṃ (8).
[2] T. 30: Trung Luận (Madhyamaka-śāstra-中論), quyển 4, quán tà kiến phẩm đệ nhị thập thất (觀 邪 見 品 第 二 十 七): 瞿 曇 大 聖 主, 憐 愍 說 是 法, 悉 斷 一 切 見, 我 今 稽 首 禮; Mūlamadhyamikakārikā, dṛṣṭiparīkṣā: Sarvadṛṣṭiprahāṇāya yaḥ saddharmamadeśayat, Anukampāmupādāya taṃ namasyāmi gautamaṃ. (30)
 

* Trang 277 *
device

            Lại nữa, hàng ngoại đạo tôn thờ Phạm-thiên, nay Phạm-thiên tự thỉnh Phật, thời ngoại đạo sẽ tâm phục.
            Lại nữa, phép Bồ-tát ngày ba thời, đêm ba thời, thường hành ba việc: 1- Sáng sớm bày vai áo bên phải, chắp tay lễ mười phương Phật nói: "Tôi tên... hoặc đời nay, hoặc đời quá khứ trong vô lượng kiếp thân, khẩu, ý tạo tội ác nghiệp, xin sám hối trước Phật hiện tại trong mười phương, nguyện được diệt trừ, không làm trở lại; trưa, chiều và đêm ba thời cũng như vậy. 2- Nghĩ đến công đức sở hành của chư Phật trong ba đời mười phương, và công đức của chúng đệ tử Phật, mà tùy hỷ khuyến trợ. 3- Khuyến thỉnh các đức Phật hiện tại trong mười phương, bắt đầu Chuyển pháp luân và thỉnh chư Phật trụ lâu ở thế gian vô lượng kiếp, để độ thoát hết thảy.
            Bồ-tát thực hành ba việc ấy, công đức vô lượng, dần dần được gần Phật; vì vậy nên cần khuyến thỉnh.
            KINH: Hay đoạn các thứ kiến, triền và các phiền não.
            LUẬN: Kiến có hai: Một là thường-nityadṛṣṭi, hai là đoạn-ucchedadarśana. Thường kiến là thấy năm ấm thường, tâm tin nhận, vui thích. Đoạn kiến là thấy năm ấm đoạn, tâm tin nhận, vui thích. Hết thảy chúng sanh, phần nhiều rơi vào trong hai kiến đó. Bồ-tát tự dứt hai kiến đó, cũng trừ hai kiến cho hết thảy chúng sanh, khiến ở vào Trung đạo.
            Lại có hai kiến: Hữu kiến-astiva-niśrita và Vô kiến-sanidarśana.
            Lại có ba kiến: Hết thảy pháp đều chấp nhận, hết thảy pháp đều không chấp nhận, hết thảy cũng chấp nhận cũng không chấp nhận.

* Trang 278 *
device

            Lại có bốn kiến là chấp thế gian thường, thế gian vô thường, thế gian cũng thường cũng vô thường, thế gian cũng phi thường cũng phi vô thường. Hoặc chấp ngã và thế gian hữu biên, vô biên, cũng hữu biên cũng vô biên, cũng phi hữu biên cũng phi vô biên. Hoặc chấp có kẻ sau khi chết như đi, có kẻ sau khi chết không như đi, có kẻ sau khi chết như đi không như đi, có kẻ sau khi chết cũng chẳng như đi cũng chẳng không như đi.
            Lại có năm kiến là thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. Như vậy v.v... các thứ kiến chấp, cho đến sáu mươi hai kiến đều dứt hết.[1]
            Các kiến như vậy, do các thứ nhân duyên sanh, các thứ trí môn quán sát, hoặc ở bên các bậc Thầy nghe được. Các thứ tướng như vậy, có thể làm nhân cho các kiết sử, đem đến mọi thứ khổ cho chúng sanh, ấy gọi là các thứ kiến. Nghĩa chữ kiến sau sẽ nói rộng.
            Triền là mười triền: Sân, dấu tội, ngủ say, ngủ gật, giỡn cợt, giao động, không tàm, không quý, xan tham, tật đố. Lại nữa, hết thảy phiền não trói buộc tâm, đều gọi là triền.[2]
            Phiền não là thứ có thể khiến tâm phiền muộn, vì có thể não loạn tâm nên gọi là phiền. Phiền não có hai: Là đắm trước ở bên trong và đắm trước ở bên ngoài. Thứ đắm trước ở bên trong là năm kiến, nghi, mạn v.v... Thứ đắm trước ở bên ngoài là dâm, sân v.v...; vô minh chung cả trong lẫn ngoài.
            Lại có hai thứ kiết, một thuộc ái và một thuộc kiến.
 

[1] T. 2, Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottarikāgama-增壹阿含經), quyển 7, tr.577b112: Lúc bấy giờ đức Thế-tôn bảo các tỳ-kheo rằng, có hai kiến này. Thế nào là hai kiến? hữu kiến và vô kiến. Thế nào là hữu kiến? đó là dục hữu kiến, sắc hữu kiến, vô sắc hữu kiến. Thế nào là vô kiến? đó là hữu thường kiến,  vô thường kiến, hữu đoạn diệt kiến, vô đoạn diệt kiến, hữu biên kiến, vô biên kiến, hữu thân kiến, vô thân kiến hữu mạng kiến, vô mạng kiến, dị thân kiến, dị mạng kiến. Đây là 62 kiến, gọi là vô kiến, cũng là phi chơn kiến, ấy gọi là vô kiến. Thế nên, này các tỳ-kheo! Nên bỏ hai kiến này, các tỳ-kheo nên học như vậy.; T. 1: Phạm võng lục thập nhị kiến kinh (梵網六十二見經), tr.264a.
[2] T. 29: A-Tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāsrtra-阿毗達磨俱舍論), quyển 19, tr.99a3-6: phiền não thùy vị gọi là tùy miên, ở trong giác vị gọi là triền. Vì sao gọi là thùy? Nghĩa là không hiện hành chủng tử. Vì sao gọi là giác? Nghĩa là các phiền não hiện khởi trói buộc tâm.; T. 29: A-tỳ-đàm  tâm luận kinh (Abhidharmahṛdaya-śāstra-阿毘曇心論經), quyển 3, tr.846c27-847a1: hỏi? Sử nghĩa là gì? Đáp? Nghĩa vi tế gọi là sử, (kiết) sử hiện hạnh vi tế, thô gọi là triền. Nghĩa thường tùy nhập gọi là sử, như cây vừng tướng của nó nương tựa. nghĩa đắm trước gọi là sử, như trẻ con bám vào sữa mẹ, nghĩa tương tục gọi là sử.
 

* Trang 279 *
device

            Lại có ba thứ, một thuộc dâm, một thuộc sân và một thuộc si, ấy gọi là phiền não.
            Triền, có người nói mười triền, có người nói năm trăm triền.
            Phiền não là hết thảy kiết sử (bandhana-saṃyojana). Kiết có chín, sử có bảy, hiệp thành chín mươi tám kiết[1] (ba mươi sáu ở Dục giới, ba mươi mốt ở Sắc giới, ba mươi mốt ở Vô Sắc giới). Như Ca-chiên-diên ở trong A-tỳ-đàm nghĩa thuyết: Mười triền và chín mươi tám kiết là một trăm lẻ tám phiền não.[2] Trong A-tỳ-đàm của Độc Tử thì số kiết sử cũng đồng, còn triền có năm trăm.
            Các phiền não như vậy, Bồ-tát dùng mọi phương tiện để tự dứt, cũng có thể phương tiện khôn khéo dứt các phiền não cho người khác. Như lúc Phật tại thế, có ba anh em nhà nọ nghe ở nước Tỳ-gia-ly có người kỹ nữ tên Yêm-la-bà-lỵ, ở thành Xá-bà-đề có người kỹ nữ tên Tu-mạn-na, ở thành Vương-xá có người kỹ nữ tên Ưu-bát-la-ban-na. Cả ba người mỗi người sau khi nghe người ta ca ngợi ba người con gái đoan chánh không ai bằng, thì ngày đêm chuyên nhớ, tâm đắm đuối không rời, bèn ở trong mộng thấy cùng hành sự, khi thức dậy suy nghĩ: “Người con gái kia không đến, ta cũng không đi, mà sao dâm sự được thành?” Nhân đó mà tỉnh ngộ: “Hết thảy các pháp đều như vậy chăng?” Liền đi đến chỗ Bồ-tát Bạt-đà-ba-la hỏi việc ấy. Bạt-đà-ba-la đáp: “Các pháp thật như vậy, đều từ tâm niệm sanh.” Như vậy, các thứ, vì ba người ấy mà phương tiện khéo nói các pháp Không. Khi ấy, ba người liền chứng được A-bệ-bạt-trí.[3]
 

[1] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大毘婆沙論), quyển 50, tr.258a3-4: chín kiết: ái kiết, nhuế, mạn, vô minh, kiến, thủ, nghi, tật và san kiết; Quyển 50, tr.257a18-25: bảy tùy miên: dục tham tùy miên, sân nhuế, hữu tham, mạn, vô minh, kiến và nghi tùy miên. Hỏi? bảy tùy miên này lấy gì làm tự tánh. Đáp: lấy 98 kiết làm tự tánh. Nghĩa là dục tham và sân nhuế tùy miên mỗi tùy miên dục giới có năm làm thành 10 kiết, hữu tham tùy miên sắc vô sắc giới mỗi giới có năm làm thành 10 kiết, mạn và vô minh tùy miên mỗi tam giới có năm làm thành 30 kiết, kiến tùy miên tam giới mỗi giới có 12 làm thành 36 kiết, nghi tùy miên tam giới mỗi giới có bốn tạo thành 12 kiết. Do bảy tùy miên  này lấy 98 kiết sử làm tự tánh.
[2] T. 28: A-tỳ-đàm  tỳ-bà-sa luận (Abhidharmamahāvibhāṣā -śāstra -阿毘曇毘婆沙論), quyển 26, tr.189a18-26: Hỏi? thể tánh ba lậu này như thế nào? Đáp: có 108 phiền não. Dục lậu có 41 kiết sử: dục ái có 5, nhuế có 5, mạn có 5, kiến có 12, nghi có 4, triền có 10 phiền não, 41 kiết sử này là thể tánh của dục lậu. Hữu lậu có 52 kiết sử: ái có 10, mạn có 10, nghi có 8, kiến có 24, 52 kiết sử này là thể tánh của hữu lậu. Vô minh lậu có 15 kiết sử: dục giới vô minh có 5, sắc giới vô minh có 5, vô sắc giới vô minh có 5, 15 kiết sử này là thể tánh của vô minh lậu. 108 kiết sử này là thể của ba lậu, cũng gọi là 108 phiền não.
[3] T.  13: Ban chu tam muội kinh (pratyutpannasamādhi-般舟三昧經), quyển 1, tr.899a25-27.
 

* Trang 280 *
device

            Các Bồ-tát ấy cũng như vậy, vì các chúng sanh mà dùng các cách khéo léo thuyết pháp, dứt các kiến, triền, phiền não cho họ.
            Ấy gọi là hay đoạn các kiến, triền và các phiền não.
            KINH: Du hý và xuất sanh trăm ngàn tam muội.
            LUẬN: Các Bồ-tát tâm Thiền định điều hòa, có trí tuệ thanh tịnh và sức phương tiện nên hay xuất sanh các thứ Tam muội.
            Thế nào là Tam muội (samādhi)? Thiện tâm trụ một chỗ không giao động, ấy gọi là Tam muội.
            Lại có ba thứ Tam muội: Có giác có quán, không giác có quán, không giác không quán.[1]
            Lại có bốn thứ tam muội: Tam muội hệ thuộc Dục giới, Tam muội hệ thuộc Sắc giới, Tam muội hệ thuộc Vô sắc giới, Tam muội không hệ thuộc. Trong ấy được dùng đến là Bồ-tát tam muội. Như trước nói, đối với Phật tam muội chưa được viên mãn, phải siêng hành siêng tu, nên nói là hay làm phát sanh.
            Hỏi: Bồ-tát vì sao xuất sanh và dạo chơi trong trăm ngàn Tam muội ấy?
            Đáp: Chúng sanh vô lượng, tâm hạnh chẳng đồng, có kẻ lợi căn có kẻ độn căn, đối với các kiết sử, có dày có mỏng. Thế nên Bồ-tát thực hành trăm ngàn Tam muội để dứt trần lao cho họ, cũng như muốn làm cho người nghèo trở nên giàu to, thì phải chuẩn bị các thứ tài vật, tất cả được đầy đủ vậy sau mới có thể cứu vớt người nghèo. Lại như người muốn
 

[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 18, kinh số 501, tr.132a18-29: Nếu tỳ-kheo có giác có quán, nội tịnh nhất tâm. Không giác không quán tam muội sanh hỷ lạc, trú đệ nhị thiền, ấy gọi là thánh mặc nhiên. … không giác không quán tam muội sanh hỷ lạc trú đệ tam thiền.; T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 18, trường thọ vương phẩm da dà chi la kinh (長壽王品郁伽支羅經), tr.544a11-15: Này các tỳ-kheo! Như định này, thời quá khứ, thời vị lai nên khéo tu tập. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức cũng nên tu tập. Lại nữa, cũng nên tu tập có giác có quán định, không giác có quán tu tập không giác không quán định, cũng nên tu tập hỷ và câu định, lạc và câu định. Định và câu định, tu tập xả và câu định.
 

* Trang 281 *
device

trị bệnh cho mọi người, thì phải chuẩn bị các thứ thuốc vậy sau mới trị được. Bồ-tát cũng như vậy, muốn rộng độ chúng sanh nên thực hành các thứ Tam muội.
            Hỏi: Chỉ nên xuất sanh các thứ Tam muội ấy, cớ gì lại dạo chơi trong đó?
            Đáp: Tâm Bồ-tát xuất sanh các Tam muội, lại vui thích ra vào tự tại nên gọi là chơi, chứ không phải lối chơi giỡn theo ái kiết.
            Hý (chơi giỡn) tức là tự tại, như sư tử giữa bầy nai, tự tại không sợ nên gọi là hý. Các Bồ-tát ấy đối với các tam muội có sức tự tại, hay ra hay vào cũng như vậy. Các người khác đối với Tam muội, có thể tự tại vào mà không thể tự tại trú, và tự tại ra; có thể tự tại trú, không thể tự tại vào, tự tại ra; có thể tự tại ra, không thể tự tại trú, tự tại vào; có thể tự tại vào, tự tại trú, không thể tự tại ra; có thể tự tại trú, tự tại ra, không thể tự tại vào. Bồ-tát ấy có thể tự tại đủ cả ba cách, nên nói là du hý và xuất sanh trăm ngàn Tam muội.
            KINH: Các bồ-tát thành tựu vô lượng các thứ công đức như vậy.[1]
            LUẬN: Các Bồ-tát ấy thành tựu vô lượng công đức như vậy, là các Bồ-tát cộng trú với Phật.
            Muốn tán thán công đức kia, trải vô lượng ức kiếp, không thể cùng tận; vì vậy nên nói thành tựu vô lượng công đức.
            KINH: Các ngài tên là: Kiền-đà-la Bồ-tát (Tàu dịch Thiện Thủ), Lạt-na-na-già-la Bồ-tát (Tàu dịch Bảo Tích), Đạo Sư
 

[1] T. 8: Phóng quang bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 1, tr.1a26-27; T. 8: Quang tán kinh (光讚經), quyển 1, tr.147a29-b1; T. 11: Đại bảo tích kinh ( Ratnakūṭa-sūtra-大寶積經), quyển 16, tr.91c14.
 

* Trang 282 *
device

Bồ-tát, Na-la-đạt Bồ-tát, Tinh-đắc Bồ-tát, Thủy Thiên Bồ-tát, Chủ Thiên Bồ-tát, Đại-ý Bồ-tát, Ích-ý Bồ-tát, Tăng-ý Bồ-tát, Bất-hư-kiến Bồ-tát, Thiện Tấn Bồ-tát, Thế Thắng Bồ-tát, Thường cần Bồ-tát, Bất-xả-tinh-tấn Bồ-tát, Nhật-tạng Bồ-tát, Bất-khuyến-ý Bồ-tát, Quán Thế Âm Bồ-tát, Văn-thù-sư-lợi bồ-tát (Tàu dịch Diệu-đức), Chấp-bảo-ấn Bồ-tát, Thường-cử-thủ Bồ-tát, Di-lặc Bồ-tát... Vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha các Bồ-tát Ma-ha-tát như vậy đều là bậc bổ xứ kế thừa Tôn vị.
            LUẬN: Các Bồ-tát như vậy cùng trú với Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật thành Vương-xá.
            Hỏi: Các Bồ-tát như vậy rất nhiều, vì sao chỉ kể tên hai mươi hai vị Bồ-tát?
            Đáp: Các Bồ-tát có vô lượng trăm ngàn vạn ức, không thể nói hết, nếu nói hết thì văn tự không chép đủ. Trong đây Bồ-tát có hai hạng là cư gia và xuất gia (pravrajyā). Mười sáu Bồ-tát như Thiện Thủ v.v... là Bồ-tát cư gia. Bạt-đà-bà-la là Bồ-tát cư gia, người cũ ở thành Vương-xá. Bảo-tích Vương tử Bồ-tát là người nước Tỳ-xá-ly. Tinh đắc trưởng giả tử Bồ-tát là người nước Chiêm-ba. Đạo sư cư sĩ Bồ-tát là người Xá-bà-đề.[1] Từ-thị, Diệu-đức Bồ-tát v.v... là Bồ-tát xuất gia. Quán Thế Âm Bồ-tát v.v... từ Phật độ tha phương đến. Nếu nói cư gia là đã gần hết thảy Bồ-tát cư gia. Nói Bồ-tát xuất gia, Bồ-tát tha phương cũng như vậy.
            Hỏi: Thiện Thủ Bồ-tát có gì thù thắng mà kể ra trước hết? Nếu vì lớn nên kể trước, thì nên kể đến Bồ-tát Biến-cát, Quán Thế Âm, Đắc Đại Thế Chí v.v... Nếu vì nhỏ nên kể trước, thì nên kể các Bồ-tát nhục thân sơ phát ý (tâm)?
 

[1] T. 13: Đại phương đẳng đại tập kinh hiền hộ phần (Mahāvaipulya-mahāsaṃnipāta-sūtra-大方等大集經賢護分), quyển 1, tr.872a-b; T. 13: Ban chu tam muội kinh (pratyutpannasamādhi-sūtra-般舟三昧經), quyển 3, Thỉnh Phật phẩm 10 (請佛品10), tr.914b29-915c17.
 

* Trang 283 *
device

            Đáp: Không vì lớn, không vì nhỏ, mà vì Thiện Thủ Bồ-tát là người cũ của thành Vương-xá, lớn hơn cả trong hàng Bạch y Bồ-tát. Phật ở thành Vương-xá, muốn thuyết Bát-nhã Ba-la-mật, vì vậy nên nói đến Thiện Thủ trước hết. Lại nữa, Thiện Thủ Bồ-tát có vô lượng các thứ công đức, như trong Ban-châu tam muội,[1] Phật tự hiện ra ở trước tán thán công đức kia.
            Hỏi: Nếu Di-lặc Bồ-tát đáng xưng là bổ xứ,[2] thì các Bồ-tát khác sao cũng nói là kế thừa tôn vị?
            Đáp: Các Bồ-tát ấy ở Phật độ mười phương, đều là vị bổ Phật xứ.
__________
                                                                       
 

[1] T. 13: Ban châu tam muội kinh (pratyutpannasamādhi-般舟三昧經), quyển 1, tr.901c3-5, quyển 2, ủng hộ phẩm 8 (擁護品8), tr.912b18-26: Phật bảo A-nan: Đài-đà-hòa v.v… 500 người, thầy của vị ấy thường trì chánh pháp, tùy thuận giáo hoá, đều rất hoan hỷ, tùy thuận thị giả tâm thanh tịnh vô dục. Lúc bấy giờ 500 người  đều chắp tay đứng trước Phật.
[2] T. 1: Trường a-hàm kinh (Dīrghāgama-長阿含經), quyển 6, tr.41c22-29: khi loài người tám vạn tuổi … có đức Phật xuất hiện, gọi là Di-lặc Như-lai; T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 13, tr.511a13-15: Phật lại bảo rằng: này Di-lặc! ở trong đời vị lai khi loài người tám vạn tuổi , ông sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc.
 

* Trang 284 *
device

Xem mục lục