Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
NHÂN MINH VỚI  LUẬN LÝ HỌC ARISTOTE
 
 

     Đồng là Luận lý học, nhưng vì mục đích khác nhau nên sử dụng luận thức của Nhân minh và Luận lý học Aristote có nhiều điểm bất đồng:
     1. Tam đoạn luận pháp của luận lý học Aristote chủ ở suy lý thuần túy, còn Tam chi tác pháp của Nhân minh chủ ở luận chứng trên thực tế. Tam đoạn luận pháp phát xuất từ yêu cầu học vấn thuần túy của mỗi người, còn Nhân minh chủ ở luận chứng thực tế giữa đôi bên để thuyết phục người khác thừa nhận điều của mình đã biết được do suy lý, nên Nhân minh phải bao gồm đủ ba điểm dưới đây:
     a. Điều kiện nội tại dẫn đến tri thức.
     b. Phát biểu tri thức thông qua luận chứng trên pháp thức biện luận.
     c. Luận chứng biến thành điều kiện ngoại tại cho sự tranh luận đôi bên.
     2. Tam đoạn luận pháp là hình thức tư duy khảo sát, còn Nhân minh là pháp thức biện luận. Chữ “lôgic” là một từ của Hy Lạp, có nghĩa là “đàm thoại”, nhưng về sau biến dần thành một danh từ để chỉ cho phép tắc nghiên cứu tư tưởng, chủ ý dạy người ta học tập phương thức và trật tự vận động tư tưởng, cốt tìm sự hiểu biết cho chính mình (tự ngộ), còn Nhân minh thì chủ ý dạy cho người ta thuật biện luận qua ngôn ngữ để thuyết phục người khác. Tuy nhiên, tư tưởng và ngôn ngữ luôn quan hệ trực tiếp lẫn nhau, cho nên không phải Tam đoạn luận chỉ biết tư tưởng mà không coi trọng ngôn ngữ, không phải Nhân minh chỉ biết ngôn luận mà không coi trọng tư tưởng.
     3. Tam đoạn luận pháp là pháp diễn dịch đoán án, là pháp thức tư duy, còn Nhân minh là pháp thức chứng minh đoán án, là pháp thức biện luận. Cho nên, tổ chức thứ tự luận thức của hai bên khác nhau. Tam đoạn luận pháp thì đại tiền đề đến tiểu tiền đề rồi diễn dịch thành đoán án. Nghĩa là từ một nguyên lý chung mà suy diễn và đoán định ra sự thực riêng. Như luận thức ba đoạn dưới đây:
 
              - Tất cả người Huế                  (đại tiền đề)
Tam          là người Việt Nam.
đoạn         Ông A là người Huế
Luận      - Vậy ông A là người              (tiểu tiền đề)
                 Việt Nam                             (đoán án)                               
Ba          -  Tôn : Ông là người Việt Nam.
chi         -  Nhân: Vì ông là người Huế.
Nhân      - Dụ: Tất cả người Huế là người Việt          minh                  Nam, Như ông B.
     Như trên, ta thấy “tôn” của Nhân minh, ý nghĩa tương đương với đoán án của Tam đoạn luận. “Nhân” của Nhân minh tương đương với tiểu tiền đề của Tam đoạn luận. Còn “dụ” của Nhân minh thì tương đương với đại tiền đề của Tam đoạn luận. Nhưng đại tiền đề của Tam đoạn luận chỉ mới tương đương phần dụ thể của Nhân Nhân minh, mà thiếu phần dụ y như Nhân minh. Như Tam đoạn luận pháp:
     –      Đại tiền đề: Những vật thuộc kim loại đều  có tánh dẫn nóng (tương đương dụ thể trong Nhân minh)
     –      Tiểu tiền đề: Đồng, thiết, thuộc kim loại (tương đương chi “nhân” trong Nhân minh).
     –      Đoán án: Vậy, đồng thiết có tánh dẫn nóng (tương đương chi “tôn” trong Nhân minh).
      4. Tam đoạn luận lấy sự tư duy khảo sát đúng đắn làm mục đích, còn Tam chi tác pháp của Nhân minh lấy sự biện luận thắng lợi làm mục đích. Tam đoạn luận là hình thức biểu thị nguyên lý trừu tượng, chứ không có thực dụng ngay nơi bản thân luận thức. Nên, Tam đoạn luận cốt chỉ lấy sự kiểm tra tư duy của tự mình đúng hay sai làm mục đích, còn Nhân minh thì lợi dụng chính luận thức để quyết định sự thắng bại tại luận trường. Nhân minh thường giả định có người đối luận đang ở trước mặt để tranh luận, nên Tam chi tác pháp của Nhân minh là một thứ công cụ thật dụng để biện luận chứ không phải là luận lý hình thức. Ở Tam đoạn luận: “Giáp là At” chứ không thể là “phi At”, vì chân lý luôn nằm về một phía. Nhưng ở Nhân minh, nếu là luận thức đúng đắn thì, bên nầy chủ trương “Giáp là At” và bên kia chủ trương “Giáp không phải At” đều được, vì chân lý không phải luôn nằm về một phía. Trường hợp này theo Nhân minh là mắc lỗi “tương vi quyết định” tức cả hai bên đều đúng, nên cả hai bên đều không đúng. Đó là kết quả đương nhiên của sự biện luận. Tam đoạn luận không phải thế. Tam đoạn luận theo luật đồng nhất. Giáp là At hoặc phi At chứ không thể đồng thời Giáp là At và phi At được.
     Nhân minh lấy sự hoàn chỉnh của luận thức để khai ngộ người khác làm mục đích, nên khác với Tam đoạn luận của Tây phương. Vì điểm này mà ta thường gọi Tam đoạn luận là luận lý hình thức. Vì theo Tam đoạn luận thì lập luận phải không được trái các quy luật cơ bản sau đây:
     a. Luật đồng nhất: Mỗi sự vật, hiện tượng luôn luôn đồng nhất với chính nó. Ví dụ: A là A, B là B.
     b. Luật phi mâu thuẫn: Mỗi sự vật, hiện tượng không thể vừa là nó lại vừa không phải là nó. Ví dụ: Không thể A vừa là A vừa là phi A.
     c. Luật triệt tam: Không thể có trường hợp thứ ba. Ví dụ: A không thể vừa là A vừa là phi A. Nói cách khác, hoặc là A hoặc không phải là A, chứ không có trường hợp thứ ba.
     Nếu chỉ dừng lại đó thì luận thức trở thành trừu tượng trống rỗng, vì không đi sát với thực tại. Do đó, gọi Tam đoạn luận là luận lý hình thức. Vì thực tại sự vật  đâu có đứng yên mãi ở trong trạng thái A; nó sẽ tiến sang phi A, phi phi A, và nhận thức của ta cũng sẽ vươn lên trên các mâu thuẫn nhất thời của tri thức ảo tưởng để tới mức xa hơn, ở nơi đó, mâu thuẫn không còn mà bổ túc phong phú cho nhau trong nhất quán.
     Suy luận theo Tam đoạn luận là một suy luận trong vòng lẩn quẩn; kết luận (đoán án) chỉ nói lại những gì đã có sẵn trong đại tiền đề. Đã lẩn quẩn lại còn có tính cách thu hẹp, vì kết luận bao giờ cũng phải theo tiền đề ít nghĩa nhất. Nếu tiền đề sai thì kết luận phải sai, không còn cách lựa chọn. Như nói: “Những người có học là có đạo đức; ông A có học; vậy ông A có đạo đức”. Nhưng thực tế không phải tất cả người có học đều có đạo đức. Nếu chấp nhận đại tiền đề “những người có học đều có đạo đức” thì ở đoán án nhất định phải chấp nhận “ông A có đạo đức, vì ông có học, dù thực sự ông chẳng có chút đạo đức nào.
     Theo Nhân minh thì khác, luận thức Nhân minh không bị ràng buộc theo ba quy luật của luận lý học Tây phương như trên, vì Nhân minh có thể lập tôn với bất cứ điều gì. A là A cũng được, A vừa là A vừa là phi A cũng được, hay phi phi A cũng được, miễn sao lý do đưa ra để bênh vực cho lập luận đó không mắc vào các lỗi mà Nhân minh quy định. Do đó Nhân minh không phải là một chân lý hình thức chưa rốt ráo như Tam đoạn luận.
     5. Tam đoạn luận không chú trọng đến lỗi lầm trong luận lý, còn Nhân minh xem trọng thắng bại, lấy sự cầu thắng làm mục đích, nên đặc biệt chú ý đến khuyết điểm của đối phương địch luận. Đồng thời, cũng đặc biệt tránh khuyết điểm trong lập luận của mình để khỏi bị đối phương chỉ trích. Đúng và sai rất quan hệ lẫn nhau. Luận lý học Tây phương không phải không chú ý đến cái sai, nhưng nó chỉ cái sai đó khi nó ngược lại với sự suy luận đúng đắn mà thôi, chứ không phân đúng sai tỉ mỉ như Nhân minh. Theo Nhân minh, luận thức đúng là “chơn năng lập”, luận thức sai là “tợ năng lập”. Và liệt kê tợ năng lập tôn có 9 lỗi; tợ năng lập nhân có 14 lỗi; tợ năng lập dụ có 10 lỗi; cọng thành 33 lỗi. Đó là điểm khác với Tam đoạn luận.
     6. Nhân minh có tính quy nạp hơn diễn dịch. Luận lý học Tây phương có pháp diễn dịch hơn quy nạp (tức là từ nguyên lý chung mà diễn dịch tìm ra sự thật riêng, và từ sự thật riêng quy nạp vào nguyên lý chung). Nhân minh thiên về phép quy nạp hơn, tức chỉ cho dụ y trong Tam chi tác pháp mà luận lý học Tây phương không có. Hai mặt dụ thể (hay lý dụ) và dụ y (tức sự dụ) của đồng dụ, thì dụ thể của đồng dụ tương đương với đại tiền đề trong Tam đoạn luận, nhưng dụ y (tức sự dụ) của đồng dụ, thì dụ thể của đồng dụ tương đương với đại tiền đề trong Tam đoạn luận, nhưng dụ y (tức sự dụ) của đồng dụ, và cả dụ thể, dụ y của dị dụ thì ở Tam đoạn luận hoàn toàn không có. Đồng dụ là đứng về chính diện để chứng minh đoán án (tôn), còn dị dụ là đứng về phản diện để chứng minh đoán án (tôn). Đây là đặc điểm của Nhân minh mà Tam đoạn luận không có. Như lập:
     –      Tôn: Đồng sắt đều có tính dẫn nóng.

     –      Nhân: Vì thuộc kim loại.
     –      Đồng dụ: Những gì là kim loại thì đều có tính dẫn nóng (đồng dụ thể, lý dụ), ví như thiết, bạc (đồng dụ y, sự dụ).
     –      Dị dụ: Những gì không có tính dẫn nóng thì đều không phải kim loại (dị dụ thể) vì như đất, đá (dị dụ y). hay:
     –      Tôn: Giáp là Ất.
     –      Nhân: Vì là Bính.
     –      Đồng dụ: Những gì là Bính thì đều là Ất (đồng dụ thể) ví như A, B (đồng dụ y).
     –      Dị dụ: Những gì không phải At thì không phải Bính, (dị dụ thể), ví dụ như X, Y (dị dụ y).
     Tam đoạn luận có đại tiền đề ý nghĩa tương đương với đồng dụ thể của Nhân minh, chứ Tam đoạn luận không đề cập tới dị dụ thể, dị dụ y, trong khi Nhân minh vẫn xem phần đồng dụ dị dụ này là cần thiết, vì mục đích của Nhân minh là sự thắng lợi khi tranh biện với đối phương, nên phải chứng minh tôn chỉ của mình cả về mặt lý nghĩa lẫn về mặt thực tế trước mắt. Phần đồng dụ có trách nhiệm chứng minh về mặt phản diện, khiến cho tôn nghĩa của mình càng được rõ ràng xác quyết hơn. Như trên nói “Bính là At” nhưng đồng thời cũng có thể “Bính là Đinh” thì sao? Vậy nên muốn xác định Bính chắc chắn là At chứ không thể là Đinh thì cần phải có mặt trái để chứng minh ngược lại, tất cả những gì không phải Bính thì đều không phải At mới được. Đây lại là một điểm khác nữa giữa Nhân minh và Tam đoạn luận.

Tuy nhiên, ngoài các điểm khác nhau trên, khi nhìn tại góc độ khác, ta có thể thấy ra các điểm đồng như dưới đây:
     1. Tam chi tác pháp của Nhân minh đồng với Tam đoạn luận pháp, đều là luận thức có ba đoạn.
     2. Từ toàn thể (nguyên lý chung) suy luận đến bộ phận riêng, (sự thật riêng) là phép diễn dịch của Tam đoạn luận. Từ bộ phận đơn suy luận đến toàn thể (đồng dụ thể) là phép quy nạp của Nhân minh. Nhưng tất cả hai luận thức đều có lời môi giới ở giữa để chỉ rõ sự quan hệ giữa toàn thể và bộ phận, mà luận lý học Tây phương gọi là “môi ngữ” (tức tiểu tiền đề) còn Nhân minh thì gọi “nhân do” đều có nhiệm vụ giống nhau.
     3. Tam đoạn luận là căn cứ vào nguyên lý chung để diễn dịch tìm biết đến nguyên lý riêng. Nhân minh cũng vậy, lấy sự kiện chung để chứng minh và biết đến sự kiện chưa biết. Như nói: “Người ai cũng phải chết (dụ thể, nguyên lý chung) như ông B (dụ y, sự kiện riêng). Đó là điểm đồng nhau.

Xem mục lục