Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
LUẬN NHÂN MINH NHẬP CHÁNH LÝ
BỒ TÁT THƯƠNG KIẾT LA CHỦ TẠO
TAM TẠNG PHÁP SƯ HUYỀN TRANG DỊCH

 
 
 
     Nghĩa: Chơn năng lập (luận thức đúng đủ khả năng thành lập), chơn năng phá (luận thức đúng đủ khả năng phá bác) và tợ năng lập, tợ năng phá (luận thức sai không đủ khả năng thành lập và phá bác). Bốn môn này chỉ nhằm để khai ngộ cho người khác.
     Hiện lượng (nhận thức trực tiếp hiện tiền đúng), tỷ lượng (nhận thức theo cách loại suy đúng) và tợ hiện lượng, tợ tỷ lượng (nhận thức trực tiếp hiện tiền và nhận thức theo cách loại suy sai). Bốn môn này chỉ nhằm để khai ngộ cho chính mình.
     Như vậy, tám môn đủ tóm tắt và thâu nhiếp nghĩa thiết yếu trong các bộ luận.


     Nghĩa: Trong bộ luận này, nhiều lời nói về tôn, nhân, dụ hợp lại, gọi là luận thức năng lập.
     Do nhiều lời về tôn, nhân, dụ, dùng làm phương tiện để khai mở chỉ bày cho những người còn đương băn khoăn với các câu hỏi mà họ chưa hiểu hết nghĩa.
 
 
 
 
     Nghĩa: Trong đây thế nào gọi là Tôn? Tôn có nghĩa là hữu pháp (vật thể, chủ ngữ) và năng biệt (thuộc tính, vị ngữ) được hai bên lập và địch đồng công nhận. hữu pháp và năng biệt tuy có tính cách sai biệt nhau, nhưng không rời nhau. Tùy theo ý ưa thích của mình mà nêu lên làm tính cách sở thành lập. Thế gọi là tôn. Như có người thành lập: “Tiếng là vô thường”.


     Nghĩa: Nhân có ba tướng (ba đặc tính, ba mặt).
     Đặc tính thứ nhất là: Nó phải có mặt (liên hệ) khắp tiền trần hữu pháp của tôn (nói cách khác, nó phải là thuộc tính của tôn hữu pháp).
     Đặc tính thứ hai là: Nó quyết định phải có mặt trong những gì đồng phẩm tính với tôn (đồng phẩm).
     Đặc tính thứ ba là: Nó phải vắng mặt hoàn toàn trong tất cả những thứ khác phẩm tính với tôn (dị phẩm).
     Thế nào gọi là đồng phẩm dị phẩm? Nghĩa là, những gì có nghĩa lý và phẩm tính đồng với pháp sở lập (tôn) thì gọi là đồng phẩm. Như lập tôn: “Vô thường”. Cái bình v.v… có phẩm tính vô thường, ấy gọi là đồng phẩm. Dị phẩm có nghĩa là, ở nơi những thứ không có phẩm tính đồng với tôn sở lập. Nếu thứ gì thường thì thấy không phải bị làm ra, ví dụ như hư không v.v…
     Trong tôn “vô thường” này, nếu lấy lý do “vì bị làm ra” hoặc  “vì do siêng năng tiếp tục phát ra” làm nhân, thì đây là những cái “nhân” đúng đắn của tôn “vô thường”, vì nó có đủ ba đặc tính là “có mặt khắp trong tiền trần hữu pháp của tôn”,  “có mặt trong những gì đồng phẩm tính với tôn”, và “vắng mặt hoàn toàn trong tất cả những gì khác phẩm tính với tôn”.
 
 
     Nghĩa: Dụ có hai thứ: 1. Đồng pháp. 2. Dị pháp.
     Đồng pháp là nếu ở nơi những thứ đó rõ ràng có phẩm tính đồng với nhân, thì quyết định có phẩm tính đồng với tôn, nghĩa là nếu ở thứ gì có tính cách bị làm ra (nhân) thì thấy nó là vô thường (tôn). Ví dụ như cái bình v.v…
     Dị pháp là nếu ở nơi những thứ đó tính cách của tôn sở lập không có, thì tính cách của nhân cũng hoàn toàn không có, nghĩa là, nếu thứ gì là thường (tôn), thì thấy nó không có tính cách bị làm ra (nhân), ví dụ như hư không.
     Trong đây nói “thường” là biểu thị “chẳng phải vô thường” (chứ không phải thật có một thật thể thường riêng); nói “chẳng phải làm ra” là biểu thị không bị làm ra, cũng như nói có chẳng phải có, gọi là phi hữu (chứ không phải có một thật thể phi hữu riêng).
 
     Nghĩa: Như trên, nhiều lời nói về tôn, nhân, dụ, khi dùng để khai thị cho người khác, thì gọi là năng lập. Như có người nói: “tiếng là vô thường”, đó là lời nói về thành lập tôn. “Vì có tính cách bị làm ra”, đó là lời nói về phẩm tính (pháp) của tôn. Nếu “cái gì bị làm ra” thì thấy nó “vô thường”, ví dụ như cái bình. Đó là lời nói về những cái có phẩm tính đồng với tôn (dụ). Còn nếu cái gì “thường” thì thấy nó “không bị làm ra” ví dụ như hư không. Đó là lời nói biểu thị sự xa lìa (với tôn và nhân). Chỉ ba phần này (tôn, nhân, dụ) gọi là năng lập.

     Nghĩa: Dù thành lập tôn theo ý ưa thích của mình, song vì bị các lỗi trái với hiện lượng v.v… nên gọi là tợ lập tôn (tôn bị lỗi). Đó là trái với trí hiện lượng, trái với trí tỷ lượng, trái với giáo lý của mình, trái với sự nhận thức của thế gian, trái với câu nói của mình (đây là năm lỗi tương vi). Năng biệt (hậu trần pháp) không được công nhận, sở biệt không được công nhận, cả năng biệt và sở biệt đều không được công nhận, tôn  đã được hai bên lập và địch công nhận trước rồi (đây là bốn lỗi bất thành).
     Trong đây trái với hiện lượng là, như có người nói: “Tiếng chẳng phải bị nghe”; trái với tỷ lượng là, như có người nói: “Cái bình là thường”; trái với giáo lý của mình là, như Thắng luận sư lập: “Tiếng là thường”; Trái với nhận thức của thế gian là, như có người nói:”Mang con thỏ không phải là mặt trăng, vì bởi có thật thể vậy”; lại có người nói: “Xương đầu của người ta là tinh sạch, vì là thân phần của sinh vật, cũng như vỏ ốc (xa cừ), (Bị chú: Xưa người Ấn Độ hay tin theo truyền thuyết vị trời Đế Thích cám ơn con thỏ vì nó đã thiêu thân để dâng cho mình, nên mang hình hài con thỏ đem để trong mặt trăng. Và có ngoại đạo tên là Kết Mang lấy xương người kết làm tràng để đeo, vì cho là vật sạch). Trái với câu nói của mình là, như có người nói: “Mẹ tôi là gái đồng trinh”.
     Năng biệt không được công nhận là, như đối với Số luận sư, đệ tử Phật lập tôn: “Tiếng bị tiêu diệt”. Sở biệt không được công nhận là, như đối với đệ tử Phật, Số luận sư lập tôn: “Thần ngã là tư duy”. Cả năng biệt và sở biệt đều không được công nhận là, như đối với đệ tử Phật, Thắng luận sư lập tôn: “Thần ngã là nhân duyên hòa hợp”. (Bị chú: khác lý hòa hợp nhân duyên của Phật giáo, Thắng luận sư chủ trương có một thần ngã siêu hình làm nhân duyên, nên các thứ như biết, khổ, vui, buồn, giận v.v… mới được hòa hợp lại một chỗ trong ý niệm). Tôn đã được hai bên lập và địch công nhận trước rồi, như có người nói: “Tiếng là thứ bị nghe”.
     Nhiều lời nói về tôn như thế, vì mắc phải ba lỗi là, khiển trừ mất cửa ngỏ của trí tuệ không biết đến tư tướng các pháp (chỉ năm lỗi tương vi); không thể thành lập được (chỉ ba lỗi năng biệt, sở biệt và cả hai không được hai bên công nhận); lập không có hiệu quả (chỉ lỗi lập tôn đã được hai bên công nhận trước rồi). Thế nên gọi là lỗi tợ lập tôn.


     Nghĩa: Trước đã nói về phần “tợ tôn”, nay sẽ nói về phần “tợ nhân”. Nhân mắc phải ba điều là bất thành, bất định, tương vi, nên gọi là tợ nhân.
     Nhân bị lỗi bất thành có bốn: 1. Cả hai bên đều không công nhận cho thành lập. 2. Chỉ một bên không công nhận cho thành lập. 3. Do dự chẳng được thành lập. 4. Chỗ nương dựa chẳng được thành lập.
     Như có người thành lập: “Tiếng là vô thường”. Nếu nói “vì có tính cách bị mắt trông thấy (nhân)”, thì mắc lỗi cả hai bên lập địch đều chẳng công nhận cho thành lập. Nếu nói “Vì có tính cách bị làm ra (nhân)”, thì phái Thanh hiển luận không công nhận lý do ấy, nên bị lỗi một bên chẳng công nhận cho thành lập. Đối với chỗ như có mù, khói, bụi bay lên … trong khi còn phân vân nghi hoặc; mà vội lập tôn nói rằng “chỗ ấy có lửa thật do đại chủng hòa hợp phát sinh”, thì bị lỗi do dự chẳng được thành lập. Nếu lập tôn: “Hư không là thật có” vì là chỗ nương tựa của Đất. Đối với phái Luận sư không công nhận có “hư không tồn tại”, thế là chỗ nương tựa không thành, nên bị lỗi.
 
     Nghĩa: Nhân bị lỗi bất định có 6:
     1. Nhân cùng có mặt ở cả ở đồng phẩm, dị phẩm, bất định. 2. Nhân không có mặt ở cả đồng phẩm, dị phẩm, bất định. 3. Nhân chỉ có mặt ở bộ phận đồng phẩm, lại có mặt ở toàn bộ dị phẩm, bất định. 4. Nhân chỉ có mặt ở một bộ phận dị phẩm, lại có mặt ở toàn bộ đồng phẩm, bất định. 5. Nhân cùng có mặt ở một bộ phận đồng phẩm và một bộ phận dị phẩm, bất định. 6. Trái nhau quyết định.
     Trong đoạn này:
     1. Nhân cùng có mặt ở cả đồng phẩm, dị phẩm là, như nói: “Tiếng là thường” vì có tính cách bị đo lường (nhận biết). Cái nhân”vì có tính cách bị đo lường” này ở những thứ đồng phẩm loại “thường” với tôn và ở những thứ “vô thường” khác phẩm loại với tôn đều có mặt, cho nên nhân ấy không nhất định thành lập được tôn “tiếng vô thường” hay tôn “tiếng thường”? vì có tính cách bị đo lường như cái bình (là vật vô thường) mà tiếng vô thường, hay vì có tính cách bị đo lường như hư không (là vật thường) mà tiếng thường?
     2. Nhân cùng không có mặt ở cả đồng phẩm, dị phẩm, như nói: “Tiếng thường” vì có tính cách bị nghe. Ngoài tiếng ra, tất cả những thứ thường như tiếng hay vô thường khác với tiếng, đều không có tính cách bị nghe như tiếng, để làm chứng, cho nên, đây là cái nhân do dự bất định. Tính cách bị nghe đó giống như thứ gì?
     3. Nhân chỉ có mặt ở một bộ phận đồng phẩm, lại có mặt ở cả toàn bộ dị phẩm, như nói: “Tiếng chẳng phải do sức siêng năng liên tục phát ra”, vì có tính cách vô thường. Trong đây, cái tôn “tiếng chẳng phải do sức siêng năng tiếp tục phát ra” như lấy điển chớp và hư không làm đồng phẩm dụ, thì cái nhân “tính cách vô  thường” này ở điển chớp thì có, mà ở hư không thì không có. cũng với tôn này, như lấy cái bình làm dị phẩm dụ, thì ở cái bình lại có mặt đầy đủ cái nhân “có tính cách vô thường”. Như vậy, cái nhân này lấy điển chớp hay lấy cái bình làm đồng phẩm, đều không nhất định. Vì như cáibình có tính vô thường, do sức siêng năng tiếp tục phát ra, mà tiếng kia do sức siêng năng tiếp tục phát ra, hay vì như điển chớp có tính cách vô thường, không do sức siêng năng tiếp tục phát ra, mà tiếng kia chẳng phải do sức siêng năng tiếp tục phát ra?
     4. Nhân có mặt ở một bộ phận dị phẩm, lại có mặt ở toàn bộ đồng phẩm như có người lập tôn: “Tiếng là do sức siêng năng tiếp tục phát ra vì có tính cách vô thường”. Đối với cái tôn siêng năng tiếp tục phát ra nầy,
mà lấy cái bình làm đồng phẩm dụ, thì ở cái bình, có mặt đầy đủ cái nhân “tính cách vô thường”, còn lấy điển chớp và hư không làm dị phẩm dụ, thì cái nhân “vì có tính cách vô thường” chỉ có mặt ở một bộ phận điển chớp mà không có mặt ở một bộ phận hư không, cho nên nhân này cũng bị lỗi bất định như trước.
     5. Nhân cùng có mặt ở một bộ phận đồng phẩm, và một bộ phận dị phẩm: như nói: “Tiếng thường: vì không chất ngại. Đối với cái tôn “thường” này, như lấy hư không và cực  vi làm đồng phẩm dụ, thì cái nhân “vì có tính cách không chất ngại, ở hư không thì có mặt, còn ở cực vi thì không có mặt. Như lấy cái bình, và sự buồn vui làm dị dụ phẩm, thì cái nhân “vì không chất ngại này” ở sự buồn vui thì có mặt, còn ở bình thì không có mặt. Thế nên cái nhân này như lấy sự buồn vui và lấy hư không làm pháp đồng phẩm để thành lập cái tôn “thường” hay “vô thường” đều không nhất định.
     6. Trái nhau quyết định là: như có người lập tôn: “tiếng là vô thường”, vì có tính cách bị làm ra, ví như cái bình. Có người khác lập tôn ngược lại rằng: “Tiếng là thường” vì có tính cách bị nghe, ví như tính chất của tiếng. Cả hai đều là cái nhân do dự, nên đều gọi là nhân bất định.

     Nghĩa: Nhân bị lỗi tương vi có 4 thứ, đó là: 1. Nhân tương vi với tự tướng của pháp (hậu trần). 2. Nhân tương vi với tính sai biệt của pháp (hậu trần). 3. Nhân tương vi với tự tướng của hữu pháp (tiền trần). 4. Nhân tương vi với tính sai biệt của hữu pháp (tiền trần). Trong đoạn này:
     1. Cái nhân tương vi với tự tướng của pháp là; như nói: “Tiếng là thường” bởi vì có tính cách bị làm ra, hoặc bởi vì có sức siêng năng liên tục phát ra. Nhân này chỉ có mặt trong những thứ khác phẩm tính với tôn pháp, cho nên gọi là nhân tương vi.
     2. Cái nhân tương vi với tính sai biệt của pháp là; như nói: “Con mắt v.v… quyết bị cái khác (ngầm ý chỉ thần ngã) sử dụng, bởi vì có tính cách chứa nhóm, ví dụ như giường nằm”. Theo nhân này có thể dùng để lập tôn: “Con mắt v.v… quyết bị cái khác sử dụng”, thì cũng có thể dùng để lập tôn trái ngược với tính sai biệt ngụ ý trong tôn pháp đó rằng: “Con mắt quyết bị cái chứa nhóm khác sử dụng”, ví như giường nằm là vật có tính cách chứa nhóm khác sử dụng. (Tức thân thể sử dụng, chứ không phải thần ngã sử dụng như người nói).
     3. Cái nhân tương vi với tự tướng của hữu pháp; như nói: “Tánh có chẳng phải Thật, chẳng phải Đức, chẳng phải Nghiệp, bởi vì có một Thật, có Đức, Nghiệp vậy; ví dụ như Tánh Đồng Dị” Theo nhân này như có thể dùng để thành lập tôn để ngăn đón “Thật, Đức, Nghiệp” thì cũng có thể dùng để thành lập tôn ngăn đón cái “Tánh Có” (rằng: cái ngươi nói Tánh Có ấy, lẽ ra chẳng phải là Tánh Có; bởi vì có một Thật, Đức, Nghiệp vậy; ví như Tánh Đồng Dị). Cả hai đều quyết định như nhau.
     4. Cái nhân tương vi với tánh sai biệt của hữu pháp”, như chính cái nhân “vì có một Thật, có Đức, Nghiệp” này, đối với tôn hữu pháp trên đây mà ngầm ý chủ trương Tánh Có có tánh cách làm duyên (cho tâm tâm sở duyên biết có Thật, Đức, Nghiệp)”. Như thế cái tánh có có tánh làm duyên cũng bị ngăn đón như Thật, Đức, Nghiệp bị ngăn đón. Cả hai đều quyết định thành lập như nhau.


     Nghĩa: Trước đã nói phần “tợ nhân” nay sẽ nói phần “tợ dụ”. Phần này chia làm hai như sau:
     “Dụ đồng pháp tương tợ” có năm thứ; 1. Đồng dụ đối với năng lập (nhân) không thành. 2. Đồng dụ đối với pháp sở lập (tôn) không thành. 3. Đồng dụ đối với tất cả pháp năng lập và pháp sở lập đều không thành. 4. Đồng dụ không nói lời hợp tác. 5. Đồng dụ có nói lời hợp tác lộn ngược.
     “Dụ dị pháp tương tợ” có năm thứ: 1. Dị dụ không khiển trừ hết sở lập (tôn). 2. Dị dụ không khiển trừ hết năng lập (nhân). 3. Dị dụ không khiển trừ hết cả sở lập, năng lập. 4. Dị dụ không có nói lời cách ly. 5. Dị dụ có nói lời cách ly lộn ngược.
    1. Đồng dụ đối với pháp năng lập không thành, như nói: “Tiếng là thường” vì không chất ngại. Những gì không chất ngại thì thấy nó là thường, ví dụ như cực vi (vật chất rất nhỏ). Nhưng ở nơi cực vi kia “tánh cách thường” là pháp của tôn sở thành lập thì có mặt, mà”tánh cách không chất ngại” là pháp của nhân năng thành lập thì không có mặt, vì các cực vi vốn có tính chất ngại (chứ không phải không chất ngại như tiếng) vậy.
     2. Đồng dụ đối với pháp sở lập (tôn) không thành. Cũng tôn (tiếng thường) và nhân (không chất ngại) như trên, nhưng phần ví dụ thì nói: “Ví dụ như cảm giác”. Nhưng nơi tất cả cảm giác “tính cách không chất ngại” là pháp của nhân năng thành lập thì có mặt, mà “tính cách thường còn” là pháp của tôn sở thành lập thì không có mặt. Vì tất cả cảm giác đều là vô thường (chứ không phải thường như tiếng) vậy.
    3. Đồng dụ đối với tất cả pháp năng lập và pháp sở lập đều không thành. Lỗi này lại chia làm hai là “dụ hữu thể” và “dụ vô thể. Cũng với tôn (tiếng thường) và nhân (không chất ngại) như trên, nếu nói: “Ví dụ như cái bình”, thế là cái dụ hữu thể, đối với cả pháp năng lập và pháp sở lập đều không thành. (Bị chú: Vì cái bình là vật hữu thể và là vô thường, chứ không phải thường như tiếng, và bình có chất ngại chứ không phải không chất ngại như tiếng. Nên ở ví dụ cái bình, cả tính không chất ngại (nhân) và tính thường (tôn) đều vắng mặt). Nếu nói: “Ví dụ như hư không”, đối với phái không chấp nhận có hư không tồn tại, thì đây thành cái dụ vô thể, dụ này đối với pháp năng lập và pháp sở lập đều không thành. (Bị chú: vì hư không đã không thật có thì cũng không có tính cách thường (tôn) và tính cách không chất ngại (nhân) đồng với tiếng).
     4. Đồng dụ không có nói lời hợp tác nghĩa là, ở chỗ ấy không có lời nói phối hợp, như đối với ví dụ cái bình, chỉ nói lên sự hiện có mặt của hai pháp năng lập và sở lập. Như nói: Ở nơi cái bình thấy có tính bị làm ra (nhân năng lập), và tánh vô thường (tôn sở lập). (Bị chú: Đáng lý khi nêu đồng dụ phải có lời phối hợp như vầy: “Nếu vật gì có tính cách bị làm ra, thì thấy nó vô thường, ví dụ như cái bình”, nhưng ở đây chỉ nói: nơi cái bình thấy có tính bị làm ra và tánh vô thường, nên gọi là vô hợp).
     5. Đồng dụ có lời hợp tác lộn ngược là, đúng theo quy tắc thì phải nói cái gì bị làm ra đều là vô thường, nhưng lại nói lộn ngược rằng các cái vô thường, đều bị làm ra.
     Các phẩm loại như thế gọi là đồng pháp dụ tương tợ.
     Trong Dị pháp Dụ tương tợ có:
     1. Dị dụ không khiển trừ hết sở lập: Cũng với tôn (tiếng thường) và nhân (không chất ngại) như trên, riêng phần dị dụ, có người nói: “Các cái vô thường, thấy nó có tính chất ngại, ví như vật rất nhỏ (cực vi) là thường và có tánh cách chất ngại. Bởi cực vi là thường, nên tính cách thường của tôn sở lập ở nơi nó không khiển trừ hết; còn tính không chất ngại của nhân năng lập thì khiển trừ hết. (Bị chú: Trên kia nói tôn “tiếng là thường”, nhân vì có tính không chất ngại, thì ở dị dụ phải có tính ngược lại với hai tánh đó. Nếu tôn “thường” thì dị dụ phải “vô thường, nhân “vì có tính không chất ngại” thì dị dụ phải là tính chất ngại. Nhưng ở đây dị dụ như cực vi, mà cực vi theo họ là thường. Cực vi thường thì đồng với tiếng thường, chứ không ngược lại với tiếng thường. Nói cách khác, ở dị dụ cực vi này vẫn có mặt tính cách thường của tôn sở lập, nên gọi là dị dụ không khiển trừ hết sở lập).
     2. Dị dụ không khiển trừ hết năng lập (nhân): cũng với tôn (tiếng thường) và nhân (không chất ngại) như trên, riêng phần dị dụ có người nói “ví như nghiệp”. Ở đây dị dụ nghiệp chỉ khiển trừ được sở lập mà không khiển trừ được năng lập, bởi kia chủ trương các nghiệp có tính không chất ngại. Bị chú: Trên kia tôn “tiếng thường”, và nhân “vì có tính không chất ngại”, thì ở dị dụ phải có tính chất ngại mới đúng. Nhưng ở đây nghiệp có tính không chất ngại mới đúng. Tánh không chất ngại của tiếng vẫn có mặt ở nghiệp, nên gọi là dị dụ nghiệp không khiển trừ hết năng lập (nhân).
     3. Dị dụ không khiển trừ hết cả sở lập, năng lập: Cũng với tôn (tiếng thường) và nhân (không chất ngại) như trên, riêng phần dị dụ có người nói dị dụ như hư không”. Đối với phái chủ trương hư không thật có, nó là thường còn, là không chất ngại (đồng với tiếng). Như vậy dị dụ như hư không, nó không khiển trừ hết sở lập (tiếng thường), và năng lập (không có tính chất ngại).
     4. Dị dụ không có lời cách ly: cũng tôn (tiếng thường) và nhân (không chất ngại) như trên, riêng phần dị dụ, có người nói “dị dụ như cái bình, thấy nó có tánh vô thường và có tánh chất ngại”. (Bị chú: Đúng quy tắc phải nói “các cái có tính vô  thường thì đều có tính chất ngại, dị dụ như cái bình”, nhưng ở đây đã không nói đúng như vậy, mà nói như trên, nên gọi là dị dụ không nói lời cách ly).


     5. Dị dụ có nói lời cách ly lộn ngược. Cũng tôn (tiếng thường) và nhân (không chất ngại) như trên, riêng dị dụ, có người nói dị dụ như cái bình: “Các cái có chất ngại, đều là vô thường”. (Bị chú: Đúng quy tắc phải nói lời cách ly với tôn trước (tôn thường) với nhân sau (nhân vì có tính chất ngại). Nhưng ở đây, nói lời cách ly với tôn trước, với nhân sau, nên gọi là dị dụ có nói lời cách ly lộn ngược).
     Những lời nói về tợ tôn, tợ nhân, tợ dụ như vậy, không phải là luận thức năng lập đúng đắn.
 
 
      Nghĩa: Lại nữa, để khai ngộ cho chính mình, nên biết chỉ có hai lượng là hiện lượng và tỷ lượng.
     Trong đây hiện lượng nghĩa là không phân biệt. Nếu có chánh trí đối với sự lý các pháp sắc, thanh v.v… có sự phân biệt không vướng các tướng danh ngôn, chủng loại, hiện hiện sinh khởi riêng biệt. Đó gọi là hiện lượng. (Bị chú: Nói hiện lượng chính là chỉ sự không phân biệt. Song từ phân biệt có nghĩa rất rộng. Ở đây nói không phân biệt là chỉ cho sự phân biệt không dính mắc một bộ phận, chứ không phải hoàn toàn không phân biệt như cây đá. Từ phân biệt là một cách gọi khác của từ liễu tri, nhận thức. Nếu hoàn toàn không phân biệt, tức là không liễu tri thì đâu còn gọi là lượng? Nhưng ở đây chỉ sự phân biệt không dính mắc một bộ phận, đó là điểm then chốt để chỉ rõ sự phân cách giữa hiện lượng và phi hiện lượng. Tóm lại, phải là sự phân biệt không vướng mắc một bộ phận này mới được thành hiện lượng. Nếu sự phân biệt còn vướng mắc một bộ phận này thì đó không phải là hiện lượng đúng. Cho nên mới dùng ba chữ “không phân biệt” để định nghĩa từ “hiện lượng”. Nhưng hiện lượng không phân biệt là thế nào? Đối với gì? không phân biệt dính mắc gì? đáp: đó là chánh trí đối với sự lý sắc, thanh v.v… khởi lên sự phân biệt mà không vướng mắc vào danh ngôn và chủng loại, còn sự phân biệt vướng mắc vào danh ngôn và chủng loại thì dù đối với sự hay lý, sự phân biệt ấy đều là sự phân biệt của phi hiện lượng trí. Nhưng sự không phân biệt này không phải như cây đá, không phải tà vạy, mà là trí. Cho nên trước phải rõ về chánh trí rồi sau mới nói không phân biệt. Nhưng đã không phân biệt, thì tại sao còn gọi là hiện lượng? Đáp: Vì chánh trí đối với sự lý sắc, thanh v.v… hiện hiện khởi lên riêng biệt để lượng định. Và khi năm căn mình hiện trước năm trần, năm thức nương theo đó hiện hành (sanh khởi), lại tâm và cảnh hiển hiện rõ ràng trong hiện tại, nên gọi là hiện hiện. Mỗi thức duyên theo mỗi cảnh của riêng mình, như nhãn thức duyên sắc, nhĩ thức duyên thanh v.v… nên gọi là biệt chuyển (sanh khởi riêng biệt). Nhưng ở trong Nhân minh đây, chỉ căn cứ năm thức và kiến phần của ý thức đồng thời với năm thức duyên cảnh, để thuyết minh hiện lượng, là điều người bình thường dễ biết và cũng dễ sai lầm. Chứ còn nếu nói đến hai phần hiện lượng bên trong là tự chứng phần và chứng tự chứng phần của tâm tâm sở, và hiện lượng của thức thứ tám, thì người bình thường chưa thể hiểu thấu. Huống chi nói đến độc đầu hiện lượng khi ở trong định và hai hiện lượng trí là trí căn bản và trí hậu đắc, thì trừ phi người đã có tu chứng, khó có ai biết được. Cho nên trong Nhân minh này không đề cập đến các thứ hiện lượng đó).
     Tỷ lượng là dựa vào các tướng để quán sát nghĩa lý. Tướng có ba thứ như trước đã nói (tức ba tướng của nhân). Do  ba tướng đó làm nhân, mà đối với nghĩa lý được đem so sánh, có chánh trí phát sanh, biết rõ chỗ ấy có lửa, hoặc vô thường v.v… Đó gọi là tỷ lượng. (Bị chú: Dựa vào nhân có đủ ba tướng để quán sát nghĩa lý của các pháp, nhờ đó chánh trí phát sanh, đó gọi là trí tỷ lượng. Tỷ lượng theo thế tục là, nếu thấy chỗ ấy có khói thì biết chỗ ấy có lửa. Tỷ lượng theo Thắng nghĩa là, nếu thấy vật ấy bị làm ra là biết vật ấy vô thường. Ví như nói: “Người kia là người (tôn), vì là loài người (nhân), đồng dụ như người này, dị dụ như con vật”. Cái nhân “vì là loài người” ở đây có đủ ba tướng: Một là có mặt ở tôn hữu pháp “người kia”; hai là có mặt ở đồng phẩm dụ “người này”, và ba là không có mặt ở dị phẩm dụ “con vật”. Phải dựa vào ba tướng đó để so sánh lượng định mà biết rõ sự lý của các pháp. Cho nên mỗi mỗi sự tri thức hằng ngày của người ta về các danh ngôn và chủng loại đều phải do trí tỷ lượng mới có được).

    Ở trong hai lượng ấy, chánh trí gọi là lượng quả, vì thân chứng được tự tướng các pháp vậy. Và vì theo có tác dụng mà hiển hiện, cũng gọi là lượng. (Bị chú: Câu này nói về lượng quả. Tướng phần là cảnh bị đo lường. Kiến phần là trí năng đo lường. Kết quả của sự đo lường ấy chính là trí. Trí hay tuệ là một tâm sở, mà mỗi tâm hay tâm sở đều có ba phần. Tướng phần là bị đo lường; kiến phần là khả năng đo lường; tự chứng phần là kết quả đo lường, quả tức là trí. Và tự chứng phần là thật thể năng chứng. Tự chứng phần như khi có tác dụng thì hiển hiện ra tướng phần, kiến phần, nên tự chứng phần cũng gọi là hiện lượng).

    Nghĩa: Trí có phân biệt, đối với sự lý hiểu khác đi, gọi là tợ hiện lượng (hiện lượng tương tợ), nghĩa là do sự phân  biệt so sánh mới có các trí phát sinh biết về bình, áo v.v… Vì trí kia không trực tiếp nắm được tự tướng của các pháp làm cảnh duyên, nên gọi là tợ hiện lượng. (Bị chú: Sao gọi là trí có phân biệt? Đáp: Trí phát sanh biết bình, áo v.v… kèm theo sự phân biệt về danh ngôn, chủng loại, nên gọi là trí có phân biệt. Nó không như năm thức trước biết thẳng đến tự tướng của sắc, thanh v.v… Vì đo lường cảnh vật hiện tiền không đúng, nên gọi là tợ hiện lượng, và như vậy cũng không thành lượng, nên cũng gọi là phi lượng). Nếu trước do trí biết về nguyên nhân tương tợ (nguyên nhân không chính xác) mà khởi lên các trí biết đến sự lý tương tợ, đó gọi là tợ tỷ lượng. Nguyên nhân tương tợ có nhiều thứ, như trước đã nói. Dùng nó làm nhân để đối với những sự so sánh tương tợ mà phát sanh ra trí hiểu biết không đúng đắn, nên gọi là tỷ lượng (như nhận lầm mù là khói, rồi lấy khói làm nguyên do mà nói chỗ kia có lửa. Thế là từ tợ nhân sanh ra tợ trí).
 

     Nghĩa: Lại nữa, nếu chính đáng chỉ bày đúng chỗ lỗi lầm khuyết điểm của phía năng lập, thì gọi là năng phá. Nghĩa là trước hết chỉ rõ tính cách khuyết giảm tôn, nhân, hoặc dụ của phía năng lập. Thứ nữa, là chỉ chỗ sai lầm của tôn, của nhân bất thành, nhân bất định, nhân tương vi, và chỗ sai lầm của dụ. Nói lên những lời này, để khai mở liễu ngộ cho người tranh hỏi, nên gọi là Năng phá.
     Nếu chỉ bày chỗ sai lầm của phía năng lập một cách không đúng thực, thì gọi là Tợ năng phá. Nghĩa là đối với luận thức năng lập hoàn toàn đầy đủ mà lại bảo là có khuyết giảm, đối tôn không lỗi mà lại nói tôn có lỗi, đối với nhân thành tựu mà lại nói nhân bất thành, đối với nhân quyết định mà lại nói nhân bất định, đối với nhân không tương vi mà lại nói nhân tương vi, và đối với dụ không lỗi mà lại nói là dụ có lỗi. Những lời nói như vậy, gọi là Tợ năng phá, vì không thể chỉ bày chỗ sai lầm ở tôn của người khác, vì họ không lỗi.
     Thôi! Hãy ngưng việc này.
     “Đã trình bày ít cú nghĩa, chỉ để làm mẫu mực khởi đầu cho sự lập luận, trong đây đúng hay không đúng, hãy còn các chỗ khác biện biệt chu đáo sâu xa hơn”.

Xem mục lục