THÍCH THIỆN SIÊU
L Ố I V À O
NHÂN MINH HỌC
(LUẬN LÝ HỌC PHẬT GIÁO)
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
ẤN HÀNH - 1994
LỜI NÓI ĐẦU
Người ta ai cũng có suy nghĩ. Đã có suy nghĩ tức là đã có lý luận, dù lý luận âm thầm với tự chính mình. Nhưng lý luận mà không có luận lý thì dễ đưa đến sai lầm, tri kiến điên đảo. Đem tri kiến điên đảo ra lý luận với người không có luận lý, thì chắc chắn sẽ là ông nói gà, bà nói vịt, cuối cùng chẳng biết con chi.
Do đó có luận lý học Tam đoạn luận, có Nhân minh luận, có Biện chứng pháp (cũng gọi Dịch hóa pháp) ra đời. Nhưng theo Tam đoạn luận là luận lý hình thức, A luôn luôn là A, chứ không thể là phi A. Theo Biện chứng pháp chú trọng nội dung, A là A, nhưng đồng thời cũng là phi A, phi phi A … Còn Nhân minh luận thì gồm cả hai lối trên đó, vì Nhân minh được thiết lập trên hiện lượng trí, tỷ lượng trí. Nếu biết từ Nhân minh tiến lên Biện chứng Trung quán, thì ta sẽ có được hiện lượng vô phân biệt trí, nhìn thực tại đúng như thực, siêu việt tư duy nhị biên đối đãi.
Nhân minh luận là môn luận lý học cổ xưa của Ấn Độ, đến thế kỷ V-VI Tây lịch, các luận sư Phật giáo mới cải biến hoàn chỉnh và sử dụng nó một cách rộng rãi trong việc lập ngôn, tạo luận, nên mặc nhiên Nhân minh học đã trở thành môn học của Phật giáo.
Nhưng tạo luận để làm gì? Mục đích tu Phật là
cốt thực hành Phật hạnh, chuyển mê khai ngộ, chứng nhập Phật trí, chứ đâu phải để biện luận cho giỏi, lý lẽ cho hay, hỏi có ích gì ?
Để giải thích điều này, ta hãy đọc lại đoạn văn sau đây trong Phương Tiện Tâm Luận của ngài Long Thọ: “Không nên tạo luận. Hễ tạo luận thì dễ sinh ra lòng sân hận, kiêu căng, phóng dật, nhiễu loạn mình, nhiễu loạn người, chỉ trích cái xấu của người khác, khoe khoang cái hay của mình. Nếu muốn lợi mình, lợi người thì hàng Thánh đệ tử nên bỏ sự tranh luận thì tốt hơn ?
Đáp : Không ! Thánh đệ tử tạo luận không phải vì hơn thua, lợi dưỡng hay vì danh vọng, mà chỉ muốn làm rõ các tướng thiện ác, đúng sai. Đời nếu không có luận thì sự mê loạn tràn lan, bị cuồng hoặc bởi sự xảo biện của tà trí, mà khởi sinh các nghiệp ác bất thiện, phải chịu quả báo luân hồi trong các cõi ác. Nếu tạo luận, thời có thể tự phân biệt được các tướng thiện ác, đúng sai, không còn bị người tà kiến làm mê hoặc, chướng ngại nữa”.
Theo tinh thần đó, tôi soạn tập Lối vào Nhân minh học (Luận lý học Phật giáo) này để giúp cho người học Phật, trước hết là Tăng Ni sinh các Học viên Phật giáo Việt Nam, các trường trung cấp Phật học khắp cả nước làm tài liệu tham khảo. Mong rằng, nó sẽ được xem như đức Phật đã dạy: “Pháp của Ta nói cũng giống như chiếc bè để đưa qua sông, khi lên bờ rồi thì sẽ phải bỏ lại”.
Tập Nhân minh này cũng vậy, nó chỉ là chiếc bè mỏng mảnh, chỉ có thể giúp những ai chưa được qua đến bờ hoặc chưa lên được bè gỗ. Ai đã lên được bè gỗ hoặc đã bước lên bờ rồi thì nó không còn cần thiết nữa.
Vả lại, nếu nắm vững mục đích ngôn thuyết là để đạt đến vô ngôn thuyết, thì ngôn thuyết luôn luôn vẫn có lợi ích. Và nếu có được thái độ ngôn luận đối đáp giữa Tỳ-kheo Na-tiên và Vua Di-lan-đà dưới đây, thì ngại gì mà không ngôn thuyết tranh biện.
Một hôm vua Di-lan-đà thưa với Tỳ-kheo Na-tiên :
– Bạch Đại đức, Trẫm muốn hầu chuyện với Đại đức về những điểm khó hiểu trong kinh điển và về những đạo lý khác, chẳng hay Tôn ý có doãn hứa cho chăng ?
– Tâu Đại vương, nếu Đại vương đứng trên tư thế của một Hiền giả mà nói chuyện thì bần đạo xin vui lòng đối đáp. Còn nếu Đại vương đứng trên tư thế của một vương giả mà nói chuyện thì bần đạo sẽ không có gì để đối đáp hết.
– Đứng trên tư thế của một Hiền giả mà nói chuyện là thế nào ?
-- Tâu Đại vương, Hiền giả trong khi nói chuyện thì tự quán xét lấy mình lại vừa soi sáng cho người đối thoại một cách nhiệt thành. Trong câu chuyện dù đối phương viện dẫn những lý lẽ hoặc đúng hoặc không đúng, hoặc cao hoặc thấp, Hiền giả vẫn giữ thái độ bình tĩnh, cởi mở, chứ không bao giờ có ý chê bai hay buồn giận, không hề lấy việc thắng bại làm điều, và tự biết rằng trong đó ai đúng ai sai rõ ràng. Nếu gặp một đối phương già dặn, có tài hùng biện, Hiền giả cũng không vì thế mà tìm cách cản ngăn áp đảo, xua đuổi kẻ kia, hoặc dùng ảo thuật luận lý trói mở gàn bướng, mơ hồ
để thủ thắng cho kỳ được. Tâu Đại vương đó là cách nói chuyện của Hiền giả.
– Còn đứng trên tư thế của một vương giả để nói chuyện là thế nào ?
--Tâu Đại vương, kẻ vương giả trong khi nói chuyện thường hay có tâm lý dùng uy quyền áp đảo đối phương, buộc đối phương phải chấp nhận quan điểm của mình. Nếu đối phương bất tuân, dám phát biểu ý kiến đối nghịch, thì liền tìm cách bắt tội, hình phạt để khỏi mất thể diện của một người có uy quyền, bất chấp lẽ phải và công bằng. Quyền uy mà các vương giả thường sử dụng đã tiêm nhiễm lâu ngày thành thói quen, nên không thể chịu đựng cho một ai xâm phạm lấn lướt bất cứ trường hợp nào. Các vương giả luôn luôn bị ám ảnh bởi lòng tự cao tự đại, có quyền uy nên khó mà nhận ra sự hơn kém trong lý lẽ của mỗi bên để làm sáng tỏ nội dung câu chuyện đang thảo luận. Chính cái thái độ trịch thượng, một chiều đó, đã làm bít lối đối thoại công minh giữa đôi bên. Tâu Đại vương, đó là cách nói chuyện của vương giả
Vua Di-lan-đà chấp nhận ngay thái độ đối thoại của một Hiền giả như Tỳ-kheo Na-tiên vừa trình bày Vua liền nêu câu hỏi :
– Bạch Đại đức, vậy Trẫm xin hỏi một câu.
– Đại vương hỏi đi.
– Trẫm đã hỏi rồi.
– Bần đạo đã đáp rồi.
– Đại đức đáp thế nào ?
– Đại vương hỏi thế nào ?
– Trẫm không hỏi gì hết.
– Bần đạo không đáp gì hết.
Không hỏi mà hỏi, hỏi mà không hỏi, không đáp mà đáp, đáp mà không đáp; đó là cách hỏi đáp, tranh biện không bị điều động bởi ngã chấp hẹp hòi của người muốn tranh luận để cầu đạt đến chân lý vô ngôn.
Tranh luận như vậy, há không phải là điều lợi ích lắm ư ?
Song, sách này đúng như tên gọi, mới chỉ là lối vào cho ai mới tìm học Nhân minh. Nếu muốn đi sâu hơn, xin cố gắng tìm đọc sách “Giới Thiệu Nhân Minh Học” của Pháp sư Thích Trí Độ, là bậc ân sư của chúng tôi, đã từng dày công xây dựng cho chúng tôi có được một nền tảng vững chắc về Phật học, trong đó có Nhân minh học, từ những năm 1935 … Đọc sách này, chẳng những mở rộng thêm sự hiểu biết về Nhân minh, mà còn biết thêm được về môn luận lý học và Biện chứng pháp của Tây phương, như sách đã có đề cập. Sách “Giới Thiệu Nhân Minh Học” đã được trường Cơ bản Phật học tỉnh Hà Tây xuất bản tháng 9 năm 1992.
Sau cùng tôi cũng phụ lục “Nhân minh tổng luận” của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã đăng trong tạp chí Viên Âm xuất bản 1939 tại Huế để giúp làm cho Nhân minh được dễ hiểu dễ nhớ hơn.