Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

 

LỜI TỰA
CỦA ÔNG PHẠM CỖ NÔNG KHI IN LẠI QUYỂN
DUY THỨC PHƯƠNG TIỆN ĐÀM

  Có người khách đến hỏi tôi: “Trong Phật học của ông thường nêu hai câu quan trọng là: “Ba cõi Duy Tâm, muôn pháp Duy thức (1)”.. Riêng tôi hiểu hai câu này, so theo nhà Khoa học thì nói là “Cái tác dụng của tâm lý”. Chẳng biết có đúng như vậy không?.

  Tôi trả lời: “Đúng như thế! Nhà Khoa học nói: Cái tác dụng của tâm lý. Tức là bên Phật học nói: Duy tâm hay Duy thức vậy.”

  Người khách hỏi tiếp: “Nếu như vậy, thì tôi rất nghi. Bên Khoa học nói: Cái tác dụng của tâm lý, là hoàn toàn chỉ những việc hư huyễn không thật; như người thấy bóng vành chén mà tưởng lầm con rắn (2). Còn ông nói: Ba cõi Duy tâm. Muôn pháp Duy thức . Như vậy các sự vật hiện thật trong thế gian này, cũng đều là cái tác dụng của tâm lý tạo ra, không thật cả sao? Nếu Tâm thức quả thật có cái tác dụng biến hóa  như thế, thì tôi nay muốn dùng sức của Tâm thức, tưởng cái chén hiện tiền ở trước mắt đây biến thành quyển sách, tại sao không được ư?”.

  Tôi đáp : “Oâng muốn dùng cái sức của Tâm thức nào, khiến cho cái chén biến thành quyển sách? Oâng nên biết: Cái chén ở trước mặt ông cũng là do Tâm thức tạo thành vậy.”

  Nhưng Tâm thức tạo thành cái chén này đâu phải một, mà cả Tám thức. Như: 1. Nhờ có Nhãn thức (cái biết của con mắt) mới tạo được hình sắc của cái chén. 2. Nhờ có Nhĩ thức (cái biết của lỗ tai) mới tạo được cái tiếng của chén. 3. Phải có Tỹ thức (cái biết của mũi) mới tạo được cái mùi của chén. 4. Phải có Thiệt thức (cái biết của lưỡi) mới tạo cái vị của chén. 5. Phải có Thân thức (cái biết của thân) mới có thể tạo cái xúc trần của chén là: trơn, nhám, nặng, nhẹ v.v… 6. Phải có Ý thức mới tạo được pháp trần của chén là: tốt xấu, ưa ghét v.v… 7. Lại phải có Ý thức thứ  Bảy mới phân biệt cái này thuộc của mình hay của người. 8. Lại phải có Tàng thức thứ Tám, mới tạo được bản chất của cái chén (theo Khoa học gọi là nguyên chất). Phải đủ bao nhiêu loại Tâm thức này, mới tạo ra được sự vật.

  Vả lại, có những vật chỉ một mình ông tạo ra được, có những vật phải do một số hữu tình chung lại mới tạo được. Chẳng những phải đủ bao nhiêu Tâm thức này, mà còn phải trải qua một thời gian lâu xa, mới có thể tạo thành được.

   Những Tâm thức tạo ra cái chén này, chủng loại nó đã nhiều và cái dụng lực của nó cũng phải lâu xa như vậy; thế mà hôm nay ông đem cái dụng lực của một món Ý thức, lại trong thời gian giây phút, mà muốn cho cái chén biến thành quyển sách thì sao được?

  Oâng khách nghe xong ngạc nhiên hỏi: “ Cái tác dụng của tâm lý bên trong còn phức tạp như thế ư? Vậy thì bên khoa học nói về tâm lý, không thể bì kịp chỗ sâu xa của Phật học. Song tôi còn nghi: Nếu vậy thì những vật hiện thực trong thế gian đây cũng đều là hư huyễn cả và đồng do tác dụng của tâm lý biến ra, không có một vật gì thật hết sao?”

  Tôi đáp: “Chính thế! Vậy ông không nghe trong kinh Kim Cang Phật nói: “Tất cả  những cái gì có tạo tác ra, đều như chiêm bao, như huyễn thuật, như bọt nước và như bóng dáng hay sao?”

  Oâng chỉ biết cái tác dụng của một Tâm thức (Ý thức) là hư giả, chớ ông chưa biết cái tác dụng của toàn thể Tâm thức (8 thức) cũng đều hư giả, nên ông chỉ nhận một bộ phận của Ý thức là hư huyễn, mà chấp các bộ phận khác là chơn thật. Nếu ông hiểu thấu được cái tác dụng của toàn thể Tâm thức (của 8 thức), thì ông sẽ biết tất cả vạn vật đều hư huyễn, y như cái tác dụng của một bộ phận Ý thức kia không khác vậy.

  Bởi vì người đời đang ngủ mê trong giấc mộng, hôm nay mới thức được giấc mộng con, chớ đâu biết mình vẫn còn ở trong vòng sanh tử đại mộng. Cũng như  người đi thuyền  chỉ biết mình động, không dè thuyền động; trông thấy bờ chạy, mà không ngờ chính là thuyền đi.

  Trước khi từ tạ ra về, người khách nói rằng: “Nay tôi mới biết tên Phật học nói về tâm lýthật là hoàn toàn; bên Khoa học chỉ biết được một phần ít thôi. Vậy thì tôi xin sẽ theo ông tìm học Phật pháp.”

  Tôi trả lời: “ Nếu ông thật muốn học Phật, tôi xin giới thiệu: quyển Duy thức Phương Tiện Đàm của ông cư sĩ Đường Đại Viên xuất bản đã lâu, vừa được cải chính lại rất hoàn mỹ và in cũng gần xong. Vậy ông nên thỉnh xem sẽ được cái cửa để đi vào Duy thức học.”

  Người khách đáp: “Vâng.”

  Khi khách về rồi, tôi liền ghi lại câu chuyện này, để dùng thay thế lời tựa.

Trung Hoa Dân Quốc, năm thứ 20 tháng giêng
Viết tại nhà biên tập của Phật học thư cuộc
PHẠM CỖ NÔNG

CHÚ THÍCH

  Đại ý trong bài tựa này: ông khách chỉ hiểu có một cái  Ý thức (đệ lục) mà thôi, chớ không biết cả Tám thức; nên ông chấp sự tưởng tượng của ý thức là giả, còn bao nhiêu sự vật là thật. Đến khi nghe ông Phạm Cỗ Nông nói: Thức có tám thức và tất cả sự vật hiện tiền cũng đều do tám thức tạo ra, không thật. Cho nên ông khách mới ngạc nhiên, vì thấy trong Phật học nói về tâm lý sâu xa và rộng rãi quá, không phải như bên khoa học chỉ biết có một cái ý thức mà thôi, nên ông phát tâm để tìm học Duy thức.

(1)   Ba cõi Duy tâm muôn pháp Duy thức.

  Ba cõi là: cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc. Muôn pháp là chỉ cho tất cả sự vật hữu hình và vô hình. Nghĩa là tất cả sự vật hữu hình và vô hình ở trong ba cõi, đều không thật có, chỉ do Tâm thức biến hiện mà thôi.

(2)   Người thấy bóng vành chén mà tưởng lầm là rắn.

  Thưở xưa về đời Tần có ông Lạc Quảng, mời bạn đến nhà uống rượu, vì ban đêm thắp đèn lờ mờ, cái vành chén chiếu bóng vào chén rượu, người bạn lầm tưởng là con rắn bò. Về sau cứ nghĩ là ông Lạc Quảng thuốc mình, nên tự phát bệnh. Sau khi được cải chính, ông bạn biết đó là do tưởng lầm, nên liền hết bệnh.

Ý nói việc hư huyễn không thật có, chỉ do tâm tưởng tượng mà thôi.

Xem mục lục