LỜI KHAI LỘ
Theo Phật giáo, có tám vạn bốn ngàn con đường tới giải thoát và tự do khỏi vọng tưởng mê lầm. Sự phong phú những khả thể này làm cho giải thoát có vẻ dễ dàng hơn, nhưng chúng không dễ như có thể đặt hàng “giác ngộ” qua đường bưu điện. Con đường một người theo đuổi thường không phải do sự chọn lựa mà do những tình cờ về sự sanh ra, hoàn cảnh, gặp gỡ và những ngẫu nhiên của số phận. Tuy nhiên có những phút giây quyết định cho mỗi người khiến họ có thể thay đổi toàn bộ dòng đời. Một phút giây như vậy đối với tôi là việc tự tử chấn động của người bạn tốt nhất của tôi. Lúc đó tôi hai mươi bốn tuổi. Tôi đã ở Nhật hai năm, sau khi tốt nghiệp Đại học Cali-fornia ở Berkeley năm 1951. Tham vọng của tôi là trở thành một học giả Phật giáo. Qua trung gian của D. T. Suzuki, người mà tôi đã gặp trong năm cuối ở San Francisco, tôi vào Đại học Tokyo như một sinh viên đặc biệt trước khi được nhận vào chương trình chính quy nghiên cứu Phật giáo. Sống ở Nhật, vào thời gian còn khổ đau sau sự tàn phá của Thế Chiến Thứ Hai, tôi có những xúc cảm trộn lẫn ở nơi quê hương mới của mình. Lớn lên trong một gia đình Nhật-Mỹ, tôi có thể dễ dàng hòa nhập với quá khứ văn hóa phong phú của nó, nhưng không phải với lịch sử và dân chúng đương thời. Thật khó hiểu cho đầy đủ loại khổ đau nào cuộc chiến tranh đã đem lại cho họ. Nhưng ở tại Mỹ, tôi cũng chưa từng thực sự cảm thấy mình đang ở quê hương. Gia đình tôi và tôi nằm trong một trăm hai mươi ngàn người Mỹ gốc Nhật đã bị giam trong những hàng rào dây thép gai của những “trại tập trung” (bấy giờ Tổng Thống Roosevelt gọi như vậy) không vì điều luật nào. Bây giờ ở Nhật vẫn còn mất mát và rối rắm, một người lạ trong một xứ lạ, tôi tìm cách bỏ neo. Vào thời điểm đó tôi được Teruo kết bạn, anh này là một sinh viên xuất sắc, lớn tuổi hơn tôi, ở Đại học Tokyo. Tôi cảm thấy một quan hệ thân thiết với anh, một phần vì chúng tôi chia xẻ sự thích thú bàn luận những vấn đề có tính triết lý. Chúng tôi so sánh những nhận xét về hai nền văn hóa Nhật Mỹ, trò chuyện về những vị giáo sư và về những bài học, trao đổi ý kiến về những quan hệ nông nỗi với người khác phái, và chia xẻ những mơ tưởng và hy vọng về tương lai. Nhưng một đám mây đen, dai dẳng vờn trên tương lai tươi sáng của Teruo : sức khỏe yếu ớt của anh, do bệnh lao thời trẻ. Thuốc men trị liệu thiếu thốn vào thời đó, và thân thể anh đã bị tàn phá bởi hậu quả của bệnh. Anh thường kiệt sức và đau nhiều. Anh càng nản lòng khi không thể theo những yêu cầu gắt gao của cuộc đời cạnh tranh cao ở đại học. Một ngày nghiên cứu nhiều cần đền bù bằng hai ngày nghỉ trọn. Khi chúng ta kinh nghiệm đau và khổ, hỏi “tại sao ?” là điều tự nhiên. Đó đúng là trường hợp khi một ngày nọ Teruo hỏi tôi, “Nghiệp là cái gì trong Phật giáo ?” Ấy là hôm trước ngày anh tốt nghiệp đại học, và chúng tôi ngồi uống bia trong một quán nói tiếng Đức ở quận Ginza Tokyo. Tôi không đánh giá được cảm giác sâu xa của câu anh hỏi, và tôi liến thoắng trích ra vài lý thuyết trừu tượng mà tôi vừa đọc, rồi vội vàng thay đổi chủ đề. Khi rời quán về nhà, Teruo nói rằng anh có hai vé khiêu vũ vào tối mai. Chúng tôi từ giã nhau, và tôi hẹn với anh tối mai tôi sẽ đến. Chúng tôi có thể cùng nhau đi dự tiệc. Hôm sau, như đã hứa, tôi đến nhà anh sau buổi trưa. Khi gõ cửa, mẹ của Teruo đi ra với một vẻ lo âu trên mặt. Trong tiếng thì thầm lo lắng, bà nói, “Teruo không về nhà tối hôm qua !” Biết rằng anh có thể đi uống suốt đêm (như đôi khi vẫn thế) tôi bình thản trấn an bà, “Con chắc anh sẽ về nhà sớm. Con sẽ trở lại sau.” Vào buổi chiều, tôi đến một tiệm mì. Tờ báo buổi chiều vừa tới, khi tôi cầm báo lên, tôi đọc dòng chữ lớn với nỗi kinh hoàng – “Sinh viên tự tử”. Tức khắc tôi biết đó là Teruo. Anh đã dùng quá liều thuốc ngủ, uống với nước ngọt, trong một khu vực của một Thiền viện phía nam Tokyo. Anh quyết định chấm dứt đời sống có phải vì sức khỏe tồi tệ, vì lo âu bởi sự học hành thi tuyển hay một khủng hoảng đời người nào khác ? Tôi vội vàng trở lại nhà anh, hy vọng an ủi mẹ anh, bà cũng vừa nghe những tin tức bi thảm về con mình. Sụp đổ, bà đã mất đứa con độc nhất mà bà đã phủ trùm bằng lòng yêu mến, bà chỉ còn biết than khóc buồn rầu tuyệt vọng. Bà cứ khóc mãi. Dù tôi có tìm kiếm vô vọng những lời để biểu lộ lòng thương mến của tôi và an ủi bà, tôi không nói được lời nào. Tối đó tôi thức suốt đêm nhớ đi nhớ lại biến cố bi thảm. Ba câu hỏi phóng lớn trong tâm trí tôi. Thứ nhất, tôi tự hỏi bây giờ Teruo có hạnh phúc không, bây giờ anh có bình an không ? Tôi nghĩ về điều này rất lâu, nhưng không có sự trả lời nào, chỉ có sự im lặng. Thứ hai, tôi tự hỏi tôi có thể nói gì với mẹ Teruo. Một lời nào của lòng bi mẫn tôi có thể mang đến cho bà vì sự mất mát đau thương này của bà ? Tôi không mong chờ những câu nói an ủi sáo mòn mà những lời nâng cao tâm hồn thật sự. Nhưng rồi, tôi lại không biết – chỉ có một sự trống không. Và thứ ba, tôi nghĩ về câu hỏi của Teruo đã đặt ra cho tôi – thực sự, nghiệp là gì ? Khi nghĩ sâu xa về nó, tôi nhận ra rằng một câu hỏi khách quan như vậy, lại quá ít dính dáng đến đời tôi, nó chỉ mời gọi những câu trả lời trừu tượng, trống rỗng, cùng loại như những câu trả lời tôi đã nói với Teruo tối hôm trước. Để có một câu trả lời thực sự ý nghĩa, câu hỏi về nghiệp phải trở nên cụ thể hơn : Tôi là ai ? Tôi là gì ? Đời sống của tôi đến từ đâu và sẽ đi đâu ? Chỉ có một khoảng trống không. Như thế tôi thấy mình ở nơi một ngõ cụt tuyệt đối. Tôi không thể thay đổi quá khứ. Tôi không thể tiến lên. Tôi không thể ở yên và tìm thấy an bình trong hiện tại. Dù sao tôi phải tìm ra con đường thoát khỏi tình trạng bế tắc này, nhưng tôi cảm thấy lạc lõng hoàn toàn. Tuy nhiên, khi mọi câu hỏi và những thất vọng này lưu chuyển trong tâm trí tôi, tôi nhớ lại câu chuyện ví von của Tịnh Độ về hai dòng sông và con đường “trắng”. Thí dụ ấy của ngài Thiện Đạo, vị tổ Tịnh Độ Trung Hoa thế kỷ thứ bảy, nó nói đến tình trạng bế tắc của cuộc đời, trong đó người ta cần đánh thức nguyện vọng giác ngộ (Bồ đề tâm). Cuộc chiến đấu đau đớn của tôi lần lần trở nên được sáng tỏ bằng thí dụ cổ xưa này. Trong thí dụ đó, một du khách đi qua một vùng hoang vu nguy hiểm. Rồi anh ta bị bọn cướp và thú dữ đuổi theo, và anh ta chạy trốn. Chạy về phía tây, cuối cùng anh đến một dòng sông chia thành hai, ngăn cách nhau bởi một con đường hẹp màu trắng. Con đường trắng rộng chỉ vài tấc nối từ bờ gần sang bờ xa. Một bên con đường, dòng sông đầy ngọn lửa bốc cao mấy thước ; bên kia, một dòng sông sâu chảy mạnh đầy sóng dữ. Dù con đường trắng là khả năng độc nhất để thoát khỏi dòng sông nguy hiểm, đó không phải là sự chọn lựa an toàn bởi vì lửa liếm cháy và nước ào quét. Đầy sợ hãi, du khách không thể tiến lên, không thể trở lại, và cũng không thể đứng yên. Như lời của Thiện Đạo, anh ta đối mặt với “ba loại chết hiểm nghèo”. Chính vào lúc đó, du khách tuyệt vọng kia nghe một tiếng nói ngay phía sau bên bờ đông, thúc dục anh tiến lên trên con đường trắng : “Hãy tiến lên chớ sợ ; không có nguy hiểm đâu. Nhưng nếu ở lại, chắc chắn bạn sẽ chết.” Rồi anh nghe một tiếng gọi vẫy tay từ xa : “Hãy cứ thế một lòng đi qua. Chớ sợ những ngọn lửa và những ngọn sóng ; Ta sẽ bảo vệ con !” Thiện Đạo nói cho chúng ta rằng dòng sông lửa là sân giận ; dòng sông nước là tham luyến. Hai cái phối hợp thành một bức tranh kỳ quặc, nhưng chúng minh họa tham và giận có thể tràn ngập cuộc đời chúng ta như thế nào. Bờ đông là nơi du khách gặp phải những mâu thuẫn, lưỡng nan của mình, là thế giới mê lầm – sanh tử. Bờ tây là Bờ Bên Kia của giác ngộ – niết bàn. Bờ bên này là vùng đất nhiễm ô, bờ bên kia là Tịnh Độ. Nối hai bờ là con đường trắng nhỏ hẹp. Sự mỏng manh của con đường biểu trưng sự yếu đuối của nguyện vọng con người muốn xuyên phá sự mê lầm bước qua giải thoát và tự do. Bọn cướp tượng trưng những giáo lý hấp dẫn có đầy trong thế giới, tất cả đều hứa hẹn những lợi lạc vật chất tức thời và sự nhẹ nhõm tâm lý. Chúng cung cấp những giải đáp tạm thời nhưng không phải giải thoát chân thực. Những con thú dữ là những đam mê trói buộc chúng ta ở lại bờ bên này của vọng tưởng mê lầm. Cả hai đẩy chúng ta đi xa khỏi con đường. Tiếng nói khuyến khích từ bờ đông là của Đức Phật lịch sử, những giáo lý của Phật Thích Ca ; tiếng kêu gọi vẫy tay từ bờ tây đến từ Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ, Phật A Di Đà. Khi người ta lưu tâm đến sự thúc dục của Phật Thích Ca, nguyện vọng tiến lên trở nên thanh tịnh mạnh mẽ. Và khi người ta để cho tiếng gọi của Phật A Di Đà nhập vào mình, nó trở nên nhất tâm và không thể lay chuyển. Nguyện vọng giác ngộ tối thượng này không gì khác hơn con đường trắng, bây giờ trải rộng và an toàn, bây giờ là một lối đi mở rộng qua những ngọn lửa của sân và những ngọn sóng của tham. Nhưng dù bước đầu đã bước thì sự đe dọa vẫn chưa chấm dứt. Khi du khách tiến về phía trước, những kẻ cướp tung ra những hứa hẹn quyến rũ và những thú dữ cho y đủ loại cám dỗ, tìm cách gọi y trở lại bờ mê này. Nhưng được hộ trì bởi những lời của đức Thích Ca và tiếng gọi của đức A Di Đà, du khách không ngần ngại, tiến lên và đạt đến Bờ Bên Kia an toàn trong vòng tay chờ đợi của một người bạn tốt (kalyanamitra, thiện tri thức) không ai khác hơn là Phật A Di Đà. Khi suy nghĩ về thí dụ, tôi thấy mình như người du khách kia, một kẻ tạm trú trong cuộc đời với một lịch sử chìm nổi. Thúc đẩy bởi những tham vọng giả tạo và bị những ma quỷ bên trong theo đuổi, giờ đây tôi đối diện với “ba loại chết chắc chắn”. Dù được an ủi khi thấy sự bế tắc của mình được diễn tả chính xác trong thí dụ này, nó không nói rõ cho tôi làm sao thoát ra. Tôi bắt đầu tìm kiếm một cách vô vọng những vị thầy chỉ đường. Khi tôi không thể tìm kiếm ai chung quanh tôi, tôi bắt đầu đọc ngấu nghiến và hú họa văn học hiện sinh – Camus, Sartre, Nietzsche, Heidegger – và kinh điển những tôn giáo thế giới – văn học Phật giáo, gồm cả những bình giảng đương thời, Bhavagad Gita, Lão tử và Trang tử, Tân Ước v.v... Một số ích lợi cho một mức độ, nhưng không có cái soi sáng cho mê mờ đang ngự trị. Ánh sáng chói chang ban ngày khó chịu đựng, bóng đêm có vẻ làm nhẹ bồn chồn, rượu thực sự làm dịu nỗi đau. Có lúc tôi nghĩ đến việc bỏ học ; lúc khác tôi có ý trở thành một ông tăng. Tuy nhiên dần dà, sau những tháng bất định và bất quyết, tôi bắt đầu tìm ra một chiều hướng còn chưa rõ ràng. Sức nặng của nền tảng gia đình tôi – những thế hệ tu sĩ Phật giáo Chân tông về cả nội ngoại – trở nên rõ ràng. Cho đến lúc đó sự thích thú Phật giáo của tôi chủ yếu vẫn mang chất học viện, hàn lâm ; thật vậy tôi ít có quan tâm đến sự an ủi được hứa hẹn, nhất là trong hình thức Tịnh Độ. Nhưng bây giờ tiêu điểm của tôi trở nên một truy tìm cá nhân. Khi tôi tiến lên trên con đường trắng, thế giới Tịnh Độ Nhật Bản mở ra. Được chào đón bởi những vị thầy tốt và những tín đồ cư sĩ gương mẫu, họ giúp tôi hình thành những câu trả lời, tuy còn thử nghiệm, cho ba câu hỏi chúng đã làm dừng dòng chảy của đời tôi. Nhưng tiến trình tìm kiếm sự an bình nội tâm không dễ dàng bởi vì mê cung của những giáo thuyết mờ ảo và những từ ngữ kỹ thuật tôn giáo mà tôi cần tháo gỡ. Tôi cần tinh giản chúng đến mức chúng hòa âm với chiều hướng thực tiễn trong bản chất của tôi. Từ lúc đó những cuộc dạo chơi đa dạng của tôi vào những lĩnh vực triết học, tôn giáo và tâm lý đều tập trung vào việc theo đuổi những câu trả lời trong khuôn khổ ba câu hỏi căn bản liên quan đến cái chết và việc chết, ý nghĩa của lòng bi chân thật và hiện hữu nghiệp báo của tôi như một hữu hạn vô cùng. Khi tiến hành sự tìm kiếm của mình, tôi khám phá rằng những câu hỏi đó không phải là riêng trong dân chúng đương thời, bất kể có tôn giáo hay không. Vì có ai không mất một người thân vì ung thư hay bệnh AIDS hay không từng hỏi về số mệnh con người ? Có ai không tìm một lời bi mẫn thôi để chia xẻ với người đang trải qua mất mát khổ đau không thể cứu vãn ? Và có ai không tự hỏi, như Ivan Ilyich của Tolstoy đã làm, khi anh ta hỏi vào lúc cuối của một đời người có vẻ thành công như một lời phán xét của tòa chung thẩm, “Là cái gì nếu toàn bộ đời sống của tôi, toàn bộ cuộc đời ý thức của tôi, không phải là một sự việc thật ?” Tất cả mọi tôn giáo thế giới đều vật lộn với những câu hỏi này, nhưng phần tôi nhờ duyên nghiệp may mắn, Phật giáo Chân tông cung cấp cho những câu trả lời sáng tỏ, thách thức và thường trực phát triển. Mặc dù sự giàu có những khả năng chúng ta có thể có trong tám vạn bốn ngàn con đường đến giác ngộ, chính là nhờ gặp phải những khó khăn lớn lao và đi đến một ngõ cụt không thể tưởng – như du khách kia – mà chúng ta khám phá những con đường cho cá nhân chúng ta. Truyền thống Tịnh Độ đã là con đường của tôi. Chính là kinh nghiệm cá nhân của tôi mà tôi muốn chia xẻ với những người có thể chưa quen lắm với chiều sâu, viễn cảnh và sự phong phú của sự bày tỏ đầy ý nghĩa này của Phật giáo. Để bắt đầu chúng ta cần vạch ra ngắn gọn sự tiến hóa của Phật giáo Tịnh Độ.