Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục

 

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

 

(Tọa Đàm 41)

Nam Mô A-Di-Đà Phật,

Chương trình 48 ngày nói về “Hộ Niệm: Khế Lý - Khế Cơ”, chúng ta còn một tuần lễ nữa là viên mãn. Bắt đầu từ ngày mai sẽ trả lời những câu hỏi. Chư vị nào có câu hỏi nên viết để trong cái hộp giấy ở ngoài, chúng tôi có để sẵn giấy ở đó. Hỏi cho rõ để rồi chúng ta bắt đầu hành trình đi về Tây Phương Cực Lạc.

Ngài Vĩnh-Minh Đại Sư đời nhà Tống nói là: Vô Thiền hữu Tịnh-Độ, vạn nhân tu vạn nhân khứ. Nhược đắc kiến Di-Đà, hà sầu bất khai ngộ. Tu niệm Phật, một ngàn người niệm Phật, một ngàn người được vãng sanh về Tây Phương, một vạn người niệm Phật, một vạn người được vãng sanh, khi vãng sanh xong thì sẽ gặp được A-Di-Đà, lúc đó không khai ngộ cũng khai ngộ, không thành đạo cũng thành đạo. Tất cả chư Tổ đều nói rằng, người niệm Phật đều được vãng sanh. Đây là pháp môn mà một trăm người tu, một trăm người vãng sanh. Lạ không? Một ngàn người tu, một ngàn người vãng sanh. Một vạn người tu, một vạn người vãng sanh. Nói chung lại là: Muôn người tu muôn người đắc. Chúng ta đang hưởng một cái gia tài rất là vĩ đại của đức Thế-Tôn trao truyền cho chúng ta. Chúng ta đang ở dưới quang minh của đức A-Di-Đà Phật tiếp độ đi về Tây Phương. Như vậy thì chúng ta không thể nào nghĩ rằng mình bị lọt lại!...

 

 

- Chỉ trừ trường hợp ta không chịu y giáo phụng hành.

 

 

- Chỉ trừ trường hợp ta không chịu tin tưởng.

 

 

- Chỉ trừ trường hợp ta không chịu cố gắng Tín-Hạnh-Nguyện đầy đủ.

Vì những điểm này mà ta ở trên con đường thật sự chứng đắc. Ấy thế mà lại có người lại nỡ bỏ đi để tìm con đường đọa lạc?

Có những người tu hành mà không chịu giảng giải đúng như kinh Phật dạy. Ví dụ như:

- Phật nói niệm Phật để vãng sanh. Ta lại nói, dễ gì mà vãng sanh?  (Ta nói ngược lại lời Phật!)...

- Phật dạy vãng sanh về Tây Phương để thành Phật. Ta nói ở Ta-Bà này là thực sự, cõi Tây Phương Cực Lạc đâu có mà cầu vãng sanh? (Nói sai lời Phật!)...

- Phật dạy vãng sanh về Tây Phương để thành đạo Vô-Thượng, để cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh. Ta lại nói, ở tại cái cõi này động đất, lũ lụt... dân chúng khổ sở quá, mình không ở đây lo độ chúng sanh, lại lên Tây Phương để làm gì trên đó? (Rõ ràng nói toàn là những lời ngược lại với kinh Phật!)...

Chính vì thế, mình cần phải chú ý rất kỹ mới được. Có nhiều người họ nói sai kinh Phật! Nếu mình không có một sức “Định” đàng hoàng, thì sẽ bị chao đảo tinh thần liền. Phật nói: Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết. Phải chú ý rất kỹ điều này, nếu không chúng ta lạc vào ma chướng mà không hay.

Hai vấn đề Phật đưa ra: Một là nói không đúng kinh Phật, gọi là “Ly Kinh”. Nói ngược lại lời Phật, thì đó là Ma thuyết. Ma thuyết tức là Ma nói. Mình sơ ý chạy theo mình bị đọa lạc ráng chịu!...

Phật lại nói một câu nữa: Y kinh giảng nghĩa, tam thế Phật oan. Cái phần Ly kinh nhất tự” chúng ta đã bàn qua hôm trước rồi. Hôm nay chúng ta bàn thêm về lời Phật dạy, Y kinh giảng nghĩa. Tại sao lại y theo kinh giáo của Phật giảng nghĩa ra, mà bị gọi là “Tam thế Phật oan”?

Cụ thể, ví dụ như một người tám mươi mấy tuổi, sắp chết... Mình tới khuyên niệm Phật. Bà Cụ đó nói...

- Tôi ngày nào cũng làm thiện làm lành, tôi không bao giờ làm điều gì sai. Đó là tu rồi, chứ còn tu gì nữa?!...

Rõ ràng, đây cũng là một pháp tu đó, nhưng mà pháp tu không bao giờ đưa đến kết quả giải thoát. Có nhiều người tu bốn, năm chục năm nhưng cuối cùng người ta không biết để làm gì? Đi về đâu?...

Như vậy rõ ràng:

- Thứ nhất, người đó không biết đường nào đi, là vì không nghe được Chánh Pháp, không ai giảng Chánh Pháp cho họ nghe.

- Thứ hai, ngược lại, có những người nghe Chánh Pháp, mà nghe rồi cũng không biết đường nào đi luôn. Tại sao vậy? Tại vì người ta đã Y kinh giảng nghĩa, mà không chịu Y theo căn cơ để giảng nghĩa. Sai chính là ở chỗ này.

Ví dụ, như nói, bây giờ tu là phải phá tứ tướng. “Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng-sanh tướng, Thọ-giả tướng”, phải phá hết. Tức là ngã tướng phải bỏ... Giảng những chuyện này cho người ta... Rõ ràng đúng kinh. Nhưng thực ra, ngay chính người giảng đó làm không được, thì làm sao bắt người nghe làm được? Cho nên, giảng riết rồi, người đó nghe thì thấy hay quá, nhưng suốt cả cuộc đời họ làm không được! Đến lúc nằm xuống, họ không biết đường nào là con đường giải thoát, con đường nào là con đường bị kẹt!...

Ngay trong pháp niệm Phật của chúng ta, “Nhất tâm bất loạn” là cái lý tưởng cao tột của người niệm Phật. Nhưng thực sự trong thời mạt pháp này tìm ra một người nhất tâm bất loạn thì tìm không ra! Vì sao? Vì căn cơ quá hạ liệt! Nếu ta đem những lý đạo nhiệm mầu của “Lý nhất tâm bất loạn” ra mà nói với chúng sanh, nhiều khi nói thì hay mà chính ta không “Nhất tâm bất loạn” được, thì làm sao người nghe đó có thể niệm Phật cho “Nhất tâm bất loạn”? Mà một khi đưa ra một chương trình về “Nhất tâm bất loạn”, thì có thể dẫn tới trở ngại là hàng chúng sanh nghiệp chướng quá nặng, nhưng vọng tưởng của họ lại quá mạnh. Kỳ lạ như vậy! Những người nghiệp chướng nặng thì thường thường có vọng tưởng rất mạnh! Họ mơ mộng rất nhiều! Khi họ thấy điều gì lạ lạ một chút thì vội vã chụp vào. Đưa đến trạng huống là tâm thì thành mà lực thì không có, gọi là Lực bất tòng tâm. Đến một lúc nào đó vì sự vọng tưởng lên cao quá, không tự kềm chế được, những sự chứng đắc giả liền nổi lên làm cho họ bị trở ngại!

Như vậy, tại sao người đó bị trở ngại? Tại vì có người đã “Y kinh giảng nghĩa”, không chịu xét căn cơ. Vô tình làm cho Phật cũng phải chịu oan!...

Chính vì vậy, vấn đề “khế Lý - Khế Cơ”, chúng ta phải nắm cho vững. Phương pháp chúng ta tu hành ở đây là tập buông xả. Hãy nghe thật kỹ những lời giảng của ngài Tịnh-Không, Ngài không bắt chúng ta phải “Nhất tâm bất loạn”, mà Ngài khuyên chúng ta “Buông xả”.

Chúng ta tu mà buồn quá? Buông xả cái buồn đi, đừng để cái buồn nó nhập trong tâm nữa. Tại vì buồn nó nhập trong tâm thì ta không thể nào đi về cảnh vui được. Ngày ngày ta buồn thì làm sao sau cùng ta được vui? Đúng không? Rõ ràng!

Nếu mà ta còn giận, phải bỏ cái giận đi. Tại vì bỏ cái giận đi thì tập khí địa ngục, nhân chủng địa ngục nó không vướng vào trong tâm ta nữa, thì tự nhiên ta rời cảnh địa ngục ra.

Ta không còn quyến luyến gì nữa, để chi? Để cho những cảnh thế gian này nó không bám vào trong tâm của ta nữa... Ngài giảng rất là hay, tuyệt vời!...

Ngài không nói là ta đưa ra chương trình này đại chúng phải tu tập trong ba năm, hai năm phải nhất tâm bất loạn, mà Ngài nói hãy cố gắng niệm Phật, nếu nhất tâm bất loạn được thì tốt, nhưng chủ yếu Ngài dạy phải BUÔNG XẢ - BUÔNG XẢ, càng BUÔNG XẢ chừng nào thì mình càng tiến gần tới chỗ “Nhất tâm bất loạn” đó. Cho nên lời giảng của ngài Tịnh-Không, vô cùng tuyệt vời mà nhiều người không hay.

Nếu sơ ý, ví dụ như tại đây ta đưa ra một chương trình lập công cứ. Nếu bảo rằng, sau khi xong công cứ này quý vị sẽ “Nhất tâm bất loạn”. Khi thực hiện công cứ xong, thì chính mình không nhất tâm bất loạn, thì làm sao một người nào đó nhận cái công cứ làm mà có thể nhất tâm bất loạn được? Nhưng nêu lên chiêu bài này, vô tình ngày nào họ cũng cứ nghĩ: Nhất tâm! Nhất tâm! Nhất tâm!... Đến một lúc nào đó cái “Nhất tâm giả” nó hiện ra! Khi mà nhất tâm giả hiện ra, thì xin thưa thực, đã không còn cứu vãn được nữa rồi!

Trong Email của chúng tôi bây giờ có cũng gần 600 cái thơ, tôi không dám mở. Tại vì trong 600 cái thơ đó, ít ra cũng có bốn, năm chục hay nhiều hơn nữa, những người bị nạn. Tại vì sao? Tại vì tu hành không lựa căn cơ. Cứ nghĩ mình là căn cơ cao không hà! Cứ tìm những cảnh chứng đắc này, chứng đắc nọ không hà! Khuyên hoài mà không chịu nghe. Đến lúc bị nạn rồi, bị dội vào tường rồi mới chịu nghe. Một khi bị dội vào tường thì bể đầu rồi, làm sao mà có thể còn tỉnh táo được nữa để nghe? Khổ là khổ chỗ này!

Cho nên, vấn đề “Y kinh giảng nghĩa”, thì “Y kinh” nhưng mà cũng phải biết “Y theo căn cơ” nữa mới được.

Ngài Ấn-Quang nói, kinh điển của Phật, giáo pháp của Phật, pháp môn nào cũng vi diệu cả, nhưng phải biết ứng hợp với căn cơ thì mới sinh diệu dụng. Chính vì vậy, mà chúng ta tu ở đây phải lựa căn cơ thấp nhất để đi cho được vững vàng. Bằng cách gì? Xin chư vị cố gắng chuyên cần, tinh tấn. Công cứ là cách cho chúng ta chuyên cần. Thay vì chúng ta đi chơi một ngày hai buổi, thôi thì bỏ đi chơi một buổi, còn một buổi niệm Phật, niệm được câu nào ráng niệm, gọi là “Năng nhặt chặt bị”. Mót lần mót lần công đức để gom lại cho lúc chúng ta lâm chung, gỡ được ách nạn nào hay ách nạn đó. Ách nạn còn lại ít một chút, phước báo tăng một chút, thì những người đồng tu sẽ giúp cho chúng ta vãng sanh Tây Phương, giúp cho chúng ta niệm Phật, họ hộ niệm cho chúng ta dễ hơn. Còn nếu chúng ta ỷ y vào người hộ niệm, không chịu lo niệm Phật, thì cái nghiệp chúng ta quá nặng, mà công đức của chúng ta quá ít, nhiều khi ban hộ niệm tới giúp chúng ta không nổi, và chúng ta vượt ra ách nghiệp không được!...

Xin phải lo trước. Đây là phương pháp tu hành của hàng hạ căn hạ cơ. Hãy quyết lòng tinh tấn, mà cũng quyết lòng tìm người hỗ trợ nữa. Chúng ta đang đi con đường gọi là Chắc trong chắc!.

Mong cho chư vị chú ý. Nhất định: Niệm Phật: Khế Lý. Hộ Niệm: Khế Cơ. Chúng ta quyết lòng cùng nhau vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.  

 

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

 

(Tọa Đàm 42)

Nam Mô A-Di-Đà Phật

 

 

Chương trình nói về Khế Lý - Khế Cơ đã đến tuần cuối cùng. Hôm nay có câu hỏi như thế này:

- Niệm Phật nhất tâm bất loạn thì tốt chứ có gì đâu mà lo sợ!....

Câu hỏi này rất là hay và cũng khá cao!

 

 

- Thật ra thì chúng ta không có lo sợ “Nhất tâm bất loạn”, mà chúng ta lo sợ “Người tham nhất tâm bất loạn!”.

 

 

- Trí huệ khai mở thì ta không sợ, nhưng mà sợ “Người tưởng rằng mình đã khai mở trí huệ!”.

- Phật ta không sợ nhưng mà sợ “Người cho ta đã thành Phật rồi!”. Mấy vấn đề này khác nhau.

Khi đưa ra một chương trình tu tập để “Nhất tâm bất loạn” thì đối với những người căn cơ cao, chư đại Bồ-Tát là chuyện bình thường không có gì lo sợ, nhưng mà lo sợ cho những người căn tánh hạ liệt, nghiệp chướng sâu nặng. Người căn cơ cao, tâm đã định, thì “Nhất tâm bất loạn” đối với họ là chuyện đương nhiên. Còn những người căn tánh hạ liệt mà nói về “Nhất tâm bất loạn” thì gọi là không “Khế cơ”, có thể đưa đến chỗ chướng ngại! Chính vì vậy, những chương trình “Nhất tâm bất loạn”, ít khi người ta phổ biến rộng rãi, mà thường thường chỉ phổ biến nội bộ, nội bộ trong những người căn cơ cao, vì khi đã “Nhất tâm bất loạn” thì chỉ nhìn là họ đã biết rồi.

Nhất tâm bất loạn Chứng đắc. Khi đã chứng đắc rồi thì không còn gì có thể ngăn ngại đối với họ nữa. Cho nên chỉ nhìn nhau là người ta biết, chứ không phải cần khoe ra, nói ra, hay là mình diễn tả những cái đó mới chứng tỏ mình đã “Nhất tâm bất loạn” hay “Chứng đắc” đâu.

Hôm trước, có người đã báo cho tôi biết rằng, có một người viết một bài báo đăng lên với bút hiệu là Diệu Âm, diễn tả cảnh giới “Nhất tâm bất loạn”. Năm ngoái tôi cũng có nghe một lần, năm ngoái hay năm kia gì đó(?), rồi năm nay lại nghe một lần nữa. Tôi mới vội vã viết lên một thông báo là: Chớ nên hiểu lầm!. Trong đó tôi xác định rõ rệt là người viết đó không phải là tôi. Có thể là một người trùng bút hiệu hay trùng pháp danh gì đó viết lên như vậy, chứ còn chính tôi là Diệu Âm đây không có được cái cảnh giới nhất tâm bất loạn.

Ta thực sự lo sợ cho những người không có khả năng nhất tâm bất loạn mà tham vào cái danh nhất tâm bất loạn, nó dễ đi vượt qua cái đà của họ mà thường thường sau cùng bị trở ngại! Ta tu hành ở đây ráng cố gắng chuyên cần tinh tấn, khi ta được nhất tâm bất loạn thì mừng, người nào được thì mừng cho người đó. Nhưng mà đưa ra một chương trình, hay một thời hạn, hay là một cái quy tắc nào đó để cho nhất tâm bất loạn thì nhất định sẽ bị trở ngại! Tại vì nhất tâm bất loạn là cảnh chứng đắc, nó không có một cái quy tắc nào giống như hai với hai là bốn, theo đó ta cứ cộng lại nó thành bốn. Không phải!

Trong kinh A-Di-Đà, Phật có nói là từ một ngày cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn, thì người căn cơ cao người ta niệm Phật một ngày có thể nhất tâm bất loạn, người căn cơ thấp thấp một chút niệm bảy ngày có thể nhất tâm bất loạn. Nhưng thực ra cái “Nhất tâm bất loạn” này, theo như Hòa Thượng nói, là A-Di-Đà Phật gia trì trong lúc chúng ta xả bỏ báo thân. Đây là sau khi Phật gia trì rồi.

Chứ đúng ra trong kinh A-Di-Đà của ngài Huyền-Trang dùng pháp trực dịch, nghĩa là dịch sát nghĩa từng chữ từng chữ là Nhất tâm hệ niệm, tức là chúng ta cứ chuyên lòng một câu A-Di-Đà Phật, niệm cho tới cùng, giống như trong kinh Vô-Lượng-Thọ là Nhất hướng chuyên niệm, hai danh từ giống nhau. Còn nhất tâm bất loạn chính là cái lòng chân thành, chí thành chí kính của mình niệm Phật, thì được Phật phóng quang gia trì nâng đỡ cho chúng ta, lúc đó chúng ta chỉ còn một câu A-Di-Đà Phật, nhờ đó mà ta được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Cho nên câu hỏi này rất là hay. Khi chúng ta tu hành như thế này phải có sự khiêm nhường tối đa, để tránh tình trạng vượt qua khả năng của chính mình thì mới an toàn được. Nếu chúng ta sơ ý, nhất là những người ưa nghiên cứu, khi nghiên cứu thì thường thường gặp những kiểu nói ở những cảnh giới cao quá. Họ quên rằng, khi đưa rộng ra thì trong xã hội có rất nhiều hạng người, có những người căn cơ cao thì hiểu được(?). Có những người căn cơ không cao, nghe những lời đó sẽ dễ sinh ra vọng tưởng. Cái vọng tưởng này sẽ thâm nhập vô trong tâm của họ, đến một lúc nào đó, người ta không biết đó là vọng tưởng! Chuyện này là sự thật!...

Ngài Hạ-Liên-Cư nói: “Niệm Phật không được cầu nhất tâm bất loạn. Có nhiều người than phiền rằng, tôi niệm Phật mà sao cứ vọng tưởng hoài, không bao giờ hết vọng tưởng. Thì Ngài lại nói: “Niệm Phật không được cầu cho hết vọng tưởng”. Lạ lắm! Rồi Ngài nói: “Niệm Phật để cầu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc”. Đem ý này so sánh với lời giải của ngài Tịnh-Không, Ngài nói rằng, niệm Phật, một lòng niệm Phật đến lúc lâm chung A-Di-Đà Phật gia trì chúng ta được “Nhất tâm bất loạn”. Thì lời nói của ngài Hạ-Liên-Cư cũng giống như vậy... Niệm Phật không được cầu nhất tâm bất loạn, niệm Phật không được cầu hết vọng tưởng. Vọng tưởng sao cũng kệ nó, cứ cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc đi, khi vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì không nhất tâm bất loạn cũng được nhất tâm bất loạn. Hai câu nói có ý nghĩa tương đồng với nhau.

Cho nên khi có những người đưa ra cái chương trình này, chương trình nọ để đại chúng làm theo cho “Nhất tâm bất loạn”. Nếu suy nghĩ cho thật kỹ thì đây đúng là một sự sơ suất! Tại sao? Ví dụ như, ngài Tuyên-Hóa, Ngài gặp Hòa Thượng Quảng-Khâm là hai vị đại Tôn-Sư thời đại, hai người gặp nhau, ngài Quảng-Khâm giơ tay lên: Như Thị, Ngài nói như thị thôi. Ngài Tuyên-Hóa cũng giơ tay lên: “Như Thị. Các Ngài lặng lẽ không nói gì nữa cả. Các Ngài đã biết hết trơn rồi, chứ đâu có nói là tôi thì chứng như thế này, chứng như thế nọ, thì tôi mới nhất tâm bất loạn đâu? Tôi mới minh tâm kiến tánh đâu? Các Ngài thấy hết trơn rồi...

Đại Sư Vĩnh-Minh đời nhà Tống, Ngài gặp một vị Hòa Thượng tai dài, ăn mặc xốc xếch, thật ra vị Hòa Thượng đó là Định-Quang Cổ Phật tái lai trong thời đó. Hai Ngài gặp nhau làm thinh không nói gì hết. Một ông thì xồng xộc lên ngồi hàng ghế trên. Khi mãn tiệc về rồi, nhà vua hỏi, hôm nay ta cúng dường trai tăng có vị Thánh Nhân nào đến không? Thì ngài Vĩnh-Minh mới thố lộ:

 

 

- Thưa có.

 

 

- Ai vậy?

 

 

- Cái ông già lếch xếch đó, ngồi ở trước đó. Đó là Định-Quang Cổ Phật tái lai.

Các Ngài biết hết trơn rồi. Không bao giờ nói ra hết. Chính vì vậy mà ta muốn cho “Nhất tâm bất loạn”, không có cái gì khác hết hơn là chư vị Thành Tâm - Chí Thành - Chí Kính, những gì mà trước nay chúng ta đã nói ra chính là để cho chúng ta được vãng sanh về Tây Phương. Khi vãng sanh về Tây Phương thì…

- Không nhất tâm cũng nhất tâm.

- Không chứng đắc cũng chứng đắc.

- Không khai ngộ cũng khai ngộ.

Đâu cần lo gì đến chuyện như bây giờ chúng ta phải bàn luận là nhất tâm hay nhị tâm...

Cứ một lòng niệm Phật Tín-Hạnh-Nguyện nhất định như ba cái chân vạc vững vàng. Tín thì quyết lòng không nghi. Những người nào mà nghi, thì cái Tín đó nó đã quẹo lại rồi! Cũng giống như chân vạc, ba cái chân vạc, một cái chân Tín bị quẹo, thì cái vạc nó sẽ ngã ầm xuống liền. Không được! Không nghi là không nghi! Nhiều người cứ ưa nghi lắm... Nghi là chết! Nghi là tiêu! Nghi thì tu năm chục năm coi chừng không được vãng sanh! Mà không nghi thì tu ba ngày thôi, vãng sanh...

Có những người tu rất lâu mà vì mối nghi này không phá được. Không phá được nên sau cùng mất vãng sanh. Từ mối nghi này nó phá hết tất cả những cái khác. Vì nghi nên tu hoài tu hoài mà thiện căn không lên. Thiện căn không lên thì phước đức không có. Phước đức không có thì trong lúc đó nghiệp chướng cứ tràn... tràn... tràn lên. Một năm có 365 ngày, ta có hết 300 ngày giúp cho nghiệp chướng tăng trưởng rồi. Còn lại 65 ngày tu, thì một ngày tu chỉ có một giờ. Nghĩa là 65 ngày tu hành, thì có tới hơn 60 ngày để tăng trưởng cái nghiệp nữa rồi, còn cái phước chỉ có chưa tới năm ngày. Năm ngày làm sao địch được với 360 ngày? Chính vì vậy mà sau cùng ta bị trở ngại! Cho nên phải tin cho vững.

Phật nói: Một câu A-Di-Đà Phật niệm, dẫu cho mười niệm mà không được vãng sanh ta thề không thành Phật. Cứ quyết tâm niệm Phật để lúc nằm xuống nhất định ta niệm cho được mười câu A-Di-Đà Phật. Phải quyết lòng niệm cho được. Nếu không quyết tâm bây giờ, nhất định lúc đó một niệm ta niệm cũng không vô. Chắc chắn! Tại vì bây giờ còn tỉnh táo như thế này mà không tin, thì lúc đó làm sao mà mình tin? Mà không tin thì phước đức không có. Phước đức không có thì nghiệp chướng tăng. Về nghiệp chướng, hôm trước mình nói rồi, trong nghiệp chướng nó có oan gia trái chủ chướng, hai cái đó nó sẽ tấn công mình đến nỗi không còn một niềm tin nào có thể khởi lên, thì bây giờ có một ngàn người tới hộ niệm cho chúng ta, chúng ta cũng chìm trong cảnh giới đó mà đi đọa lạc. Cho nên quyết lòng không được “Nghi”.

Nguyện vãng sanh. Nguyện vãng sanh thì phải tập buông xả thế gian ra, đây là lời Hòa Thượng Tịnh-Không nói. Ngài không dạy chúng ta là phải quyết lòng nhất tâm bất loạn, mà phải quyết lòng buông xả. Tại vì buông xả thế gian ra thì chúng ta bám chặt vào Tây Phương Cực Lạc, về Tây Phương Cực Lạc thì không nhất tâm cũng nhất tâm. Nói đi nói lại, thực ra các Ngài giảng giống hệt với nhau, mà chỉ là cách nói khác thôi, chứ không có gì hết.

Hạnh. Hạnh là niệm câu A-Di-Đà Phật. Tranh thủ niệm câu A-Di-Đà Phật. Mình thấy một sự chứng minh cụ thể là hôm trước, một bà Cụ tuần trước đó thì con cái dẫn bà tới đây để nhờ mình hộ niệm. Mình dặn rõ ràng, mình năn nỉ bà Cụ:

- Bác ơi! Bác về cố gắng niệm mỗi ngày: sáng năm chuỗi, trưa năm chuỗi, chiều năm chuỗi...

Mười lăm chuỗi thì mới có một ngàn rưỡi chứ mấy đâu à. Ấy thế mà suốt trong mười ngày sau không niệm một chữ. Rõ ràng không niệm một chữ!...

Bây giờ không niệm, lúc đó làm sao niệm? Bây giờ mình khỏe ru thế này mà không tập niệm, làm sao lúc mình nằm xuống mà niệm được? Lúc mình nằm xuống thì cái lưỡi mình đã đớ rồi, hay gọi là cấm khẩu đó. Niệm Phật mà những người bị trúng gió, á khẩu không được vãng sanh. Trúng gió tức là các cơ của mình đã bị đớ rồi niệm Phật không được. Có nhiều người còn cẩu thả như thế này nữa chứ!...

- Cái miệng tôi niệm không được mà cái tâm tôi niệm được.

Đâu có được! Những sợi dây thần kinh nó đã liệt rồi, đến nỗi nó điều khiển cái lưỡi không được làm sao nó điều khiển cái tâm? Thì tất cả những cái đó nó chìm trong sự mê man bất tỉnh không biết gì nữa cả. Còn tâm nào đâu nữa mà niệm?

Xin đừng có cẩu thả chuyện này. Phải tập niệm ngay từ bây giờ. Cho nên tôi thấy công cứ nó hay vô cùng. Quý vị niệm mà không lập công cứ... mình thì cứ tưởng niệm giỏi, nhưng hãy mở cái công cứ ra mà ghi thử coi? Trời ơi!... Sao mà trống rỗng thế này nè! Một ngày mình niệm chưa đến một ngàn câu Phật hiệu. Một ngàn câu Phật hiệu thì làm sao điền xong được một tờ công cứ đó? Thấy thế mới giựt mình! Thôi thôi! Ngày mai tôi sẽ ráng niệm hai ngàn, ba ngàn. Công phu tự nhiên tăng lên. Tăng lên như vậy thì tự nhiên một tháng sau ta tô tràm tờ công cứ đó. Điều này chứng tỏ là công phu niệm Phật của mình đã tăng lên.

Có bắt đầu đi thì tự nhiên thành công đến. Không chịu bắt đầu đi, thì cứ đứng yên tại chỗ. Dòng đời lúc nào cũng tiến, mình đứng lại tức là lùi. Đạo pháp cũng vậy, lúc nào cũng phải tiến, nếu không tiến thì lùi. Nhất định đây là cái quy luật của pháp giới.

Chính vì vậy, muốn cuối cùng mình niệm được câu A-Di-Đà Phật, thì phải tập sự ngay từ bây giờ. Đừng nghĩ tới chuyện “Nhất tâm bất loạn” làm chi. Hãy nghĩ tới chuyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nhất định nếu chúng ta hạ quyết tâm từ bây giờ thì chắc chắn con đường vãng sanh không thể nào A-Di-Đà Phật bỏ rơi ta được...

Tại vì ta lơ là, bỏ rơi con đường vãng sanh, nên dù Ngài thương chúng sanh tới đâu mà cũng không cứu được là như vậy đó!...

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật. 

 

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

 

(Tọa đàm 43)

Nam Mô A-Di-Đà Phật,

Được vãng sanh về Tây Phương chủ lực là do Công Phu tu hành của mình và điều cần thiết là được “Hộ Niệm” trong những giờ phút cuối cùng để chúng ta vượt qua tất cả ách nạn mà vãng sanh về Tây Phương. Muốn vượt qua khỏi ách nạn thì trong lúc tu hành này cố gắng tinh tấn, chuyên cần, phát tâm dũng mãnh. Một lần phát tâm như vậy thì tai ách sẽ biến đi, mất đi.

Cho nên...

- Một cái phiền não xảy ra thì có nhiều cái phiền não khác tiếp theo đó mà xảy ra.

- Một sự phát tâm tinh tấn thì tự nhiên quang minh của Phật gia trì làm cho chúng ta vượt qua nhiều ách nạn để thành tựu.

Hôm nay chúng ta bắt đầu trả lời những câu hỏi. Những câu hỏi này thấy đơn giản nhưng thực sự hay, có thể có nhiều người muốn hỏi tới. Câu hỏi như thế này:

- Tôi tu hành thì Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ, quyết lòng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, nhưng mà tôi ăn chay trường chưa được, tiếc là tôi chỉ ăn có mười ngày thôi. Kẹt dữ quá! Như vậy có được vãng sanh hay không?

Không biết ở trong cái kẹt này có cái kẹt “Thèm” không hé?... Câu hỏi này làm cho tôi nhớ, có một lần tôi đi về Việt-Nam, khi đi đến một vùng nọ, thì có một chị đó hỏi:

- Anh Năm ơi! Bây giờ nhờ anh giúp giùm tôi, tôi ăn chay trường nhưng tôi không dám nói người ta biết. Tôi mắc cỡ!... Rồi hôm đó người ta mời tôi đi ăn giỗ. Trời ơi! Cái bà chủ nhà cứ gắp thịt bỏ đầy chén của tôi... Tôi ăn chay trường mà bà đó không biết, cứ gắp thịt bỏ đầy chén của tôi. Bây giờ làm sao đây?

Tôi trả lời:

 

 

- Thì ăn ngon chứ sao?... Tại vì trước đó mình ăn thịt thấy ngon, bây giờ mình mới phát tâm chay mà còn mắc cỡ, tức là giả đò phát tâm chứ có phát tâm thiệt đâu? Vậy khi họ mời thịt thì mình cứ ăn cho ngon, chứ mắc mớ gì đâu mà sợ!...

Trở lại câu hỏi này. Hòa Thượng Tịnh-Không đã có trả lời chuyện này, Ngài nói trong ba bộ kinh, gọi là Tịnh-Độ Tam Kinh, Phật nói: Tín-Nguyện-Hạnh vãng sanh, chứ Phật không nói ăn chay trường để vãng sanh. Cho nên quý vị mà còn thèm thịt thì không sao hết, yên chí đi! Ngài dặn là tuyệt đối đừng có sát hại sinh vật. Như vậy bây giờ mình thèm thịt quá thì mình hãy ra ngoài shop, ngoài chợ... mua đem về ăn, để tránh đi cái tình trạng trực tiếp sát sanh. Mình dùng Tam tịnh nhục để ăn.

Trong pháp gọi là “Trai Chay”, có ba phẩm. Phẩm Hạ gọi là ăn tam tịnh nhục; phẩm Trung là ăn chay trường; còn phẩm Thượng là thêm phần phóng sanh nữa, nó có ba đợt như vậy. Nếu ta ăn chay trường không được thì có thể ăn tam tịnh nhục. Nhưng nếu có nhiều người ăn chay không được thì mình khuyên nên ăn hai ngày một tháng... Hai ngày một tháng được, thì thôi bốn ngày có hơn là bao nhiêu đâu? Thêm hai ngày nữa đi. Tiến lần, tiến lần lên...

Phát một cái tâm ra thì 84.000 chướng nạn mất đi. Mình phát một cái tâm “Ăn chay trường” ra thì có thể giảm được cho mình 84.000 chướng nạn. Hay vô cùng! Rồi khi ăn chay như vậy, tự nhiên cái tâm từ bi của mình mở ra. Tâm từ bi mở ra, thì khi gắp miếng thịt lên, nhìn miếng thịt hình như mình thấy có một bài pháp. Bài pháp gì? “Ai xẻ thịt mình ăn mà mình lại xẻ thịt con vật ra ăn?”. Tự dưng cái “Tâm bất nhẫn” mình phát lên một lần nữa. Phát một cái tâm từ bi thương chúng sanh, 84.000 chướng nạn theo đó lại mất nữa. Cũng như, một cái phiền não khởi ra nó duyên tới 84.000 phiền não khác tiếp tục nổi ra làm cho mình tai họa, thì phát một cái tâm thiện lành ra, có 84.000 phước đức đến với mình. Cứ vậy mà nó tăng lên. Cho nên khi đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ thấy, khi cầm miếng thịt của con vật lên ăn, mình sẽ rơi nước mắt liền! Đó là lúc mà tâm từ bi của mình đã mở ra rồi đó. Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới, là chỗ này.

Trở lại vấn đề ăn chay. Thực tế ăn chay là tu bố thí Vô Úy. Vô úy là không có não hại chúng sanh, không làm cho chúng sanh đau khổ. Khi mình cầm miếng thịt lên, mình nghĩ con vật này bị một người nào đó đã đâm cổ nó, rồi rót máu của nó ra, rồi xẻ thịt của nó, cắt từng mảnh từng mảnh cho mình ăn!... Mình không trực tiếp làm điều này. Nhưng mà khi nghĩ tới chuyện đó, tự nhiên lòng mình đau đớn! Lòng từ bi của mình làm cho mình cảm thấy bất nhẫn! Khi mình thấy bất nhẫn như vậy thì tự nhiên cái tâm của mình nó sẽ tự khuyên mình: “Đừng nên ăn thịt chúng sanh nữa, để cho lòng từ bi của mình càng mở rộng ra, mà tâm càng mở rộng chừng nào thì chúng ta lại tương ưng với tính đại thiện đại lành của cõi Tây Phương chừng đó. Nói rõ hơn, mình ăn chay được thì tự nhiên phước phần của mình lớn để được gần gũi với con đường vãng sanh. Mình ăn chay không được thì mình có thể chịu nhiều ách nạn. Nhiều ách nạn thì nếu mình cố gắng vượt qua ách nạn thì cũng vẫn có thể đi về Tây Phương được. Nhưng thực ra, càng nhiều ách nạn là càng có dấu trừ (-) trong con đường vãng sanh về Tây Phương! Càng nhiều phước đức là thêm dấu cộng (+) trên con đường về Tây Phương vậy.

Ngài Tịnh-Không không khuyên ăn chay, nhưng Ngài dạy cứ khuyên người ta niệm Phật đi. Trong gia đình của Diệu Âm có tất cả là mười một người anh em, chết hai người từ lúc nhỏ còn lại chín người. Chín người, Diệu Âm không bao giờ khuyên họ ăn chay hết, mà chỉ một lòng một dạ khuyên niệm Phật, quyết lòng vãng sanh, và đi hộ niệm cho người ta. Ấy thế mà hầu hết bây giờ chín người hình như ăn chay trường hết. Lạ lùng không? Chỉ có một ông anh không chịu tu... không chịu niệm Phật. Ổng không chịu niệm Phật thì Diệu Âm cũng lặng lờ. Không khuyên nữa! Không thèm nói nữa! Tại vì nếu trong suốt cuộc đời này mà ông anh đó không niệm Phật thì đến lúc chết xuống, Diệu Âm này cũng chỉ về thăm một người bị đọa lạc, chớ không có cách nào cứu được! Có một người em, em gái làm việc... đen thui à, mà cũng không chịu niệm Phật. Không chịu niệm Phật thì dù thương gì thương cũng đành chờ chết rồi mình về thăm, thăm một người bị đọa lạc, chứ không cứu được! Thật sự là đời này ai tu nấy chứng, ai làm lành được hưởng phước, ai làm ác phải chịu nạn. Không ai cứu ai được cả. Chính Phật cũng chỉ dẫn giải chúng ta con đường đi. Chúng ta theo được, theo càng sát thì chúng ta càng dễ được giải thoát. Thế thôi!...

Cho nên, những người nào thực sự không ăn chay được, thì biết rằng đây là một cái yếu của mình. Vậy thì có thể tăng những cái ưu điểm khác lên. Tăng cái gì? “Tín tâm cho vững, quyết lòng tin tưởng Phật pháp, nguyện vãng sanh tha thiết. Tại vì một lần ăn một miếng thịt thì mình vướng cái nợ của chúng sanh. Vậy ta phải làm sao về cho được tới Tây Phương để tìm cách cứu họ, chứ còn không thì, như ở trong kinh Phật có nói một câu, dù không liên quan gì đến chuyện ăn mặn nhưng cũng gợi cho chúng ta một suy nghĩ, khi có người cúng dường cho ta... Hòa Thượng thường hay nói:

- Một hạt gạo của thí chủ nặng như núi Tu-Di, đời này không liễu đạo thì đời sau mang lông đội sừng mà trả.

Thì bây giờ đây ta ăn miếng thịt của chúng sanh cũng vậy. Nếu chúng sanh tự nguyện cúng dường cho chúng ta, chúng ta ăn mà còn có thể bị nợ như thế, thì huống chi nó không đành lòng cúng dường? Mà ngược lại, chúng ta còn ép buộc nó, đập nó, giết nó để xẻ miếng thịt của nó ra ăn, thì coi chừng món nợ này nó sẽ tìm cách đòi... Cho nên, ta phải tìm mọi cách để về Tây Phương cho được. Chính vì vậy Hòa Thượng mới nói “NÊN ĂN CHAY” để giảm bớt cái nghiệp của chúng ta...

Còn vấn đề “Tam tịnh nhục” là như thế này:

 

 

- Con vật đó không vì ta mà chết.

 

 

- Ta không nghe tiếng nó kêu.

 

 

- Ta không thấy nó chết.

Tức là khi người ta giết, ta không thấy; nó đau đớn khi bị người ta giết, ta không nghe và không phải vì mình mà nó chết. Thì những món ăn ở đó có thể là tam tịnh nhục. Nhưng cũng coi chừng, khi mình khởi cái tâm thèm miếng thịt, thì mình đã vướng tới cái nạn: “Giống như mình lập lờ để nó bị giết đi, để có miếng thịt cho mình ăn”, thì cũng có thể vướng!... Nhưng so ra cũng nhẹ đi phần nào!

Chính vì vậy, mà quý vị cứ yên chí. Hãy quyết lòng thành tâm niệm Phật cho nhiều. Đừng bao giờ cho rằng đủ. Khi niệm Phật thật là chí tâm, thật là thành kính, đến một lúc tự dưng chúng ta ngộ ra... Lúc đó chúng ta sẽ ĂN CHAY TRƯỜNG thôi.

Sẵn đây xin kể một câu chuyện hết sức là thực tế, của chính Diệu Âm. Có một năm đi về Việt Nam. Thường thường thì cô Kim Ngọc mua vé. Bữa đó Diệu Âm đi ra mua vé. Thày lay đi mua vé mà quên dặn người ta làm món chay. Chừng lên máy bay rồi mới trực nhớ. Ôi chao! Bây giờ làm sao đây hén? Đến buổi ăn sáng, mới nói với ông cho ăn:

- Ông giúp tôi miếng ăn chay được không?

Ông nói,

- Để coi thử coi?...

Tức là ông đi tìm cho mình mấy miếng bánh mì, rồi mấy cái gì đó, rau cỏ gì cũng được. Tới bữa trưa, thì hỏi tiếp:

 

 

- Ông có thể giúp tôi miếng rau gì đó được không?

 

 

- Không! Không được!... Bây giờ, một là thịt gà, hai là thịt bò, ba là cá. Ông muốn cái nào?

Thì ba món, mình phải chọn một món, chứ làm sao bây giờ? Tôi nói:

 

 

- Thôi thì cho tôi cá...

Tức là, một đĩa đồ ăn, nửa miếng cá, rồi nửa miếng cơm. Không có rau! Ban đầu tôi vẹt miếng cá ra để ăn cơm. Ăn cơm xong thì thấy miếng cá trắng phau! Đẹp quá... Tôi mới nghĩ:

- Ủa! Hồi trước mình cũng ăn cá, tại sao hôm nay thấy món cá lại ngại? Ồ! Sao miếng cá này nó... nó trắng phau, đẹp quá!... Thôi làm một miếng thử  coi?...

Tôi lấy tiêu rắc rắc lên cho nhiều. Mà nên nhớ, lúc đó tôi đã ăn chay trường rồi đó nghe... Tôi lấy cái muỗng múc một miếng cá (rất nhỏ) để ăn thử coi?... Quý vị biết không? Một miếng cá tí tẹo như thế này thôi, một miếng bằng đầu ngón tay út thôi... bỏ vào miệng... Trời ơi! Một chút xíu nữa là tôi làm ra đầy hết cả cái… cái... cái sàn máy bay của người ta rồi! Ói mửa đó. Muốn ói liền lập tức! Không chịu nổi!... Trời ơi!... Tôi chụp nhanh cái... cái túi, tôi ói vô trong đó liền!...

Thực sự, khi mình biết ăn chay rồi, ngửi tới miếng thịt chịu không nổi! Ngửi tới miếng cá chịu không nổi! Mà nhiều khi, vừa nhìn thấy miếng cá thì mình muốn rơi nước mắt rồi!... Thì làm sao mà ăn được? Lúc đó cái tâm từ bi của mình nó đã phát ra rồi...

Vậy thì, những điều này xin quý vị cứ để tùy tâm, đừng nên ép. Nhắc như vậy cũng có nghĩa là, những người nào mà ăn chay trường rồi, đừng nên tự vỗ ngực xưng tên rằng mình sẽ được vãng sanh. Không phải đâu! Đây chẳng qua là cái phước của mình. Có phước thì phải tận hưởng cái phước đó khi lâm chung. Chứ không thôi, một khi mình vỗ ngực ỷ lại, thì sự ngã mạn này nó tàn phá hết tất cả cái phước mình rồi đó.

Nói như vậy để cho chúng ta biết mà điều chỉnh đường đi. Nhất định, Cứ một câu A-Di-Đà Phật mà niệm đi, chân thành đi... Tất cả sẽ được ánh sáng của Phật soi rọi cho cái tâm của chúng ta, ta đi sẽ đúng đường thôi...

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

 

(Tọa Đàm 44)

Nam Mô A-Di-Đà Phật,

Trước khi trả lời câu hỏi của ngày hôm nay, Diệu Âm xin đọc một cái tin mới, tin này vui chứ không có buồn, tin viết như thế này:

A-Di-Đà Phật, xin hoan hỷ báo tin cùng chư vị liên hữu, cư sĩ Diệu Âm Úc Châu, các vị Phật tử. Cụ Bùi Văn Truyện, ở xóm 3, Kim-Chính, Kim-Sơn, Ninh-Bình, Việt Nam, đã được đức A-Di-Đà Phật cùng Bồ-Tát Thánh-Chúng gia trì và đã được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc ngày 7/3/2011 với tướng hảo tuyệt vời, da dẻ hồng hào, toàn thân chân tay mềm mại, lạnh toát và hơi nóng phát ra ở đỉnh đầu dưới sự chứng kiến của Sư Cô, ban hộ niệm Hà-Nội, chị Nguyệt đội trưởng. Thay mặt gia đình kính gởi cư sĩ, các ban hộ niệm, chư vị liên hữu đồng tu lời tri ân.

A-Di-Đà Phật,

 

 

Minh Đạt.

Anh Minh Đạt là người ở bên cộng hòa Séc, anh đang định tổ chức phái đoàn của Âu Châu qua đây, không biết chừng nào qua? Khi nào qua thì quý vị có thể hỏi anh ta rõ hơn. Anh Đạt này là một trưởng lão của hội Phật giáo ở cộng hòa Séc. Bây giờ anh ta dùng cái nhà của anh để làm Niệm Phật Đường và anh cố gắng cộng tu giống như đạo tràng A-Di-Đà ở đây. Tất cả những bài cộng tu đều gửi qua cho anh hết. Khi gặp anh vào năm ngoái... hay năm kia gì đó. Mới đây mà hai năm rồi. Anh quyết lòng buông hết để niệm Phật. Bây giờ các vị trong hội Phật giáo bên đó cũng áp dụng theo phương thức niệm Phật này. Từ khi bắt đầu áp dụng phương thức hộ niệm, thì đây là người đầu tiên của anh.

Cụ Bùi Văn Truyện là người trong gia đình của anh, hổm nay mình có hồi hướng cầu an. Khi biết được hộ niệm vãng sanh thì Cụ tin tưởng vững vàng và quyết lòng về Tây Phương, không ý kiến gì hết. Bây giờ kết quả là vậy đó. Vì đây là tin vui đầu tiên của anh Đạt, nên cũng hoan hỷ thông báo lên đây, chứ sau đó thì thôi, đâu thông báo nữa làm chi… Nhiều quá!

Có nhiều người tu suốt cả một cuộc đời, đến sau cùng chưa chắc đã hưởng được cái phước phần ra đi mà thân tướng mềm mại, tươi hồng, toàn thân thì lạnh toát, tay chân thì mềm mại mà đỉnh đầu thì ấm. Không dễ gì đâu à! Nói thực với quý vị… Không dễ gì đâu! Ấy thế mà có nhiều người không tin, cứ lo tìm những phương pháp gì thiệt là hay(?), còn con đường mà đức A-Di-Đà Phật tiếp độ vãng sanh về Tây Phương nằm sát bên mình mà không chịu chộp lấy, để sau cùng lại bám lấy lý luận mịt mờ, để đi đến chỗ mờ mờ mịt mịt nào đó, để lại tướng xấu vô cùng! Hễ tướng xấu là cái tiên triệu báo tin cho tương lai vô cùng mờ mịt!

Biết được chuyện này rồi, xin hãy cố gắng tin tưởng cho vững. Chính niềm tin của mình nó hướng dẫn mình đi đúng. Nếu mình tin mập mờ, mình lý luận này, lý luận nọ, những cái lý luận này nó che mất tương lai giải thoát của chính mình vậy!

Mong chư vị gặp được cơ duyên này phải quyết lòng. Nên nhớ rằng, khi mình đã loan báo, phổ biến chương trình hộ niệm ra rộng rãi chính là để mình cứu người, mà cũng chính là để người cứu lại mình. Thực sự, nếu mình không biết phương pháp hộ niệm thì mình không biết làm sao và làm những gì trong lúc mình xả bỏ báo thân? Mình không biết hộ niệm thì những người chung quanh của mình cũng không biết hộ niệm. Do đó, cứu người thì không biết cách cứu, mà người cứu ta thì cũng không có ai biết làm sao cứu luôn! Cho nên, sau cùng mỗi người tự lực mà đi. Tự lực để chứng đắc, thì xin thưa thực, một vạn người tự lực tìm chưa ra một người chứng đắc, khó lắm!...

Ấy thế mà nương vào đại nguyện của đức A-Di-Đà để hộ niệm cho nhau, dẫn dắt cho nhau, chúng ta từng người từng người vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Đây là một cơ hội ngàn vàng đổi không được! Ngàn kiếp tìm không ra! Xin đừng khinh thường chuyện hộ niệm.

Trở lại vấn đề trả lời câu hỏi. Một câu hỏi khác của một vị đồng tu hỏi là:

- Tôi bận bịu quá, nên không dám nhận công cứ có được không?

Câu này nói là bận bịu quá nên không nhận công cứ!... Bây giờ mình có rảnh gì rảnh mà không nhận công cứ thì cũng không ai nói gì mình. Tự nguyện thôi. Ngược lại, mình bận gì bận, nhưng nhận công cứ vẫn được như thường. Vì dù bận gì bận, một ngày mình bận tới hai mươi tiếng đồng hồ, thì ít ra cũng còn được một tiếng để thở, trong lúc một tiếng để thở đó mình cũng có thể cầm cái máy bấm lên bấm… bấm… bấm... mình kiếm được vài trăm câu. Có vài trăm câu để mình ghi vào cái tờ giấy đó. Khi mình treo tờ giấy đó lên tường, mới thấy… À! Tờ giấy này sao mình ghi được mới hai ô à!... Có một ô à!... Vậy thì biết chừng nào mới xong đây? Chưa biết chừng nào xong cái công cứ, thì con đường vãng sanh của mình về Tây Phương nó còn bấp bênh quá!...

Thấy vậy, thì chính mình phải tự lo cho mình. Cũng giống như đưa ra mấy trường hợp hổm nay mình gặp khi hộ niệm đó. Một người mình nói muốn dẻo nước miếng, năn nỉ mỗi sáng niệm năm chuỗi thôi, trưa năm chuỗi, chiều năm chuỗi thôi. Thế nhưng một tuần sau quay lại, hỏi ra thì biết đã không niệm một câu. Mình năn nỉ niệm Phật là để cứu người đó, chứ đâu phải để cho mình có lợi? Ấy thế mà cứ kèo kè bớt một, thêm hai không chịu niệm. Không chịu niệm thì thôi đành chịu thua! Điều đó thật ra mình chỉ mớm mồi để cho người ta phát cái tâm ra, khi phát tâm ra rồi, mình mới nương theo cái tâm đó mà cứu họ. Vậy mà không chịu niệm, lại còn tuyên bố là tôi đã đau bịnh này mấy chục năm nay rồi, nhưng tôi đâu có chết?!... Đùng một cái, mới có ba ngày, chưa kịp tới lần thứ hai để coi thử như thế nào? Mình còn dự định hù dọa thêm một phen nữa để cho người ta niệm Phật. Nhưng chưa kịp hù dọa lần thứ hai thì đã chết rồi. Đau khổ! Bất ngờ! Đúng là: Dép dưới giường lên giường vội biệt, sống ngày nay há biết ngày mai!...

Vậy thì, chúng ta bây giờ chờ cái gì đây? Không bao giờ có thể chờ được đâu!...

Công cứ này là cho ích lợi của chính chúng ta. Tại sao với một người bịnh như vậy mà tôi vẫn cứ đưa cái công cứ cho người ta? Tại vì nhờ công cứ này mà bà Cụ đó niệm Phật, chớ đâu phải đưa cái công cứ đó mà làm tội cho bà ta đâu! Khuyên cho bà ta niệm một ngày niệm năm ngàn nghe. Nếu bà mệt quá, bà niệm chỉ có hai ngàn, hai ngàn thì bà cũng có hai điểm, bà niệm có một ngàn rưỡi thì ít ra bà cũng có được một điểm. Còn không có cái công cứ đó thì cũng niệm, cứ niệm tới... Tưởng là ngon lắm, nhưng thực ra niệm có mấy trăm câu là thấy mệt rồi, là tưởng nhiều lắm rồi! Nó không có cái mức thang để đi. Mà có đi được rồi, thì giống như chiếc xe đã lăn bánh, lăn được rồi thì có trớn để tiếp tục lăn... Lăn đến bờ Giác. Còn không lăn được, thì nó cứ chùi, chùi lần... chùi lần xuống! Giống như trên dòng sông nước chảy, mình phải bơi, mình đi lên thì tự nhiên sẽ lên, còn đứng lại thì sẽ bị lùi xuống. Lùi lại tới chỗ khổ nạn!

Chính vì thế, làm công cứ được thì tốt cho chính mình. Không làm công cứ được thì chính mình có thể dùng phương thức nào khác cũng được. Nhưng thực ra, niệm Phật theo công cứ là vững chắc nhất, an toàn nhất. Khi về nhà, thấy mình cứ niệm niệm niệm, tưởng mình niệm đủ. Nhưng khi dùng đến công cứ, thì mới thấy mình niệm yếu vô cùng yếu! Yếu đến nỗi không thể tưởng tượng được!...

Ngài Ngẫu-Ích Đại Sư nói: Niệm Phật cần sâu, cần thành tâm, chứ không cần nhiều. Nhưng cái tiêu chuẩn của Ngài đưa ra là một ngày niệm ba chục ngàn câu A-Di-Đà Phật. Đây là ít của Ngài đó.

Ấn-Quang Đại Sư nói: Niệm Phật cần phải chí thành chí kính. Buông xả, chí thành, chí kính niệm Phật. Mình tưởng niệm như vậy là đã chí thành chí kính rồi đó!... Chúng ta có biết chăng, tiêu chuẩn của Ngài đưa ra là một ngày niệm năm chục ngàn câu A-Di-Đà Phật đó quý vị ạ! Ngài là một vị đại Tôn-Sư rồi đó! Là vị Bồ-Tát tái lai mà Ngài niệm như vậy đó.

Hòa Thượng Thiện-Đạo đời nhà Đường, Ngài niệm Phật, quý vị biết không? Niệm Phật mà Ngài không dám ngủ, đến nỗi Ngài thức niệm vì sợ không kịp!... Ngài là một vị đại Tổ Sư nghe, Ngài cứ ráng niệm Phật, không ngủ... lâu dần thành quen luôn, suốt 25 năm trường không ngủ đến lúc vãng sanh luôn. Mình làm đâu có được như Ngài! Thực ra mình ngủ mà còn ngáp lên ngáp xuống nữa, chứng tỏ rằng công phu của mình dù có gì đi nữa vẫn còn yếu! Vẫn còn yếu như vậy thì sợ rằng khi lâm chung xuống, nghiệp khổ hiện hành, oán thân trái chủ hiện hành, làm cho chúng ta vượt qua cái ách nạn đó không được. Ta tu như thế này công phu của ta cũng chưa đáp ứng được những lúc mà ta hành hình, sát hại mạng chúng sanh! Cái nợ này chắc chắn chúng ta phải trả và mối thù này họ không đội trời chung, không dễ gì mà họ buông ra. Nếu mình không có thành tâm, nếu mình không quyết lòng đem công đức càng nhiều càng tốt để hồi hướng cho họ, sợ rằng là họ không đoạn đành tha cho mình, thì lúc đó ban hộ niệm tới, chưa chắc sẽ giúp gì được!...

Cho nên quý vị thấy ông Bùi Văn Truyện này, Ông ngộ ra bao lâu? Khi biết được phương pháp hộ niệm của người cháu đem về, chính tôi đã gặp và hướng dẫn cho người cháu này mà. Ở từ bên Âu Châu ông đi về khuyên một lần thì ông Cụ đã quyết đi liền lập tức. “Quyết đi liền lập tức” và Đi tà tà” hoàn toàn có giá trị khác nhau. Chúng ta mỗi ngày tới đây tu. Tu mà đi tà tà hoàn toàn khác nhau! Một người nào đó vừa nghe câu A-Di-Đà Phật, vừa nghe pháp môn niệm Phật, quyết lòng đi liền lập tức không chần không chờ nữa, mạnh dạn mà đi, hoàn toàn khác nhau.

- Đây là do “Tín năng siêu xuất chúng ma lộ.

- Đây là do “Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn.

- Đây là “Tín tâm thanh tịnh tức sanh thực tướng.

Mình quyết lòng đi tức là tín tâm mình thanh tịnh. Mình không quyết lòng đi tức là tín tâm tà tà, tín tâm ngờ ngờ vực vực, nên không tạo được công đức. Không tạo được công đức, thì hỏi rằng chính mình có bị đọa lạc hay không? Người hộ niệm chẳng qua là thương một chút xíu, than một chút xíu, hay là an ủi gia đình một chút xíu, chứ không cách nào người hộ niệm có thể cứu mình được. Mà chính mình phải mở cái tâm lực mạnh mẽ ra, phát tâm mà đi, đi bằng tất cả mọi cách, thì lúc đó ban hộ niệm sẽ hướng dẫn tích cực. Mình có sót chỗ nào người ta hướng dẫn tích cực, người ta hỗ trợ mình tích cực và A-Di-Đà Phật phóng quang gia trì, chư Thiên-Long Hộ-Pháp phóng quang gia trì, chư vị Oan-Gia Trái-Chủ cảm thông mà để cho ông này đi vãng sanh, để cho mình được lợi...

Tất cả đều do chính mình hết chứ không phải là do một người nào khác. Cho nên công cứ niệm Phật ở đây có phát hành, nhưng mà người nào tham gia thì cứ tự quyền tham gia, không tham gia cũng được, không ai bắt buộc cả. Hoàn toàn chỉ có lợi cho mình chứ không có hại. Nhất định. Cũng giống như khi đi học ở trường, không có bài thi thì mình không bao giờ biết được mình học tới đâu hết, mà có bài thi là tự nhiên mình lo học liền. Lo học nên mình mới đậu, còn một ông thầy không cho bài thi, không cho bài làm thử, cứ để học trò học tà tà... tà tà. Đến lúc học xong rồi, như Hòa Thượng Tịnh-Không nói, học thì thấy ngon lắm, nhưng chừng đi thi thì rớt. Rớt vì không có bài test, không có bài thi thử, không có kinh nghiệm thi. Thì công cứ này cũng giống như bài thi thử cái năng lực của mình. Hãy treo cái công cứ lên bảng, nhìn vô mình biết liền.

Do đó, khi gặp những bà Cụ cầm tờ công cứ tới đây nộp lại, tôi cảm động vô cùng! Thực sự đó chư vị... Cảm động vô cùng! Là tại vì biết bà này quyết lòng đi, còn một bà Cụ mà đưa tờ giấy hộ niệm, hai tháng cũng chưa nộp lại, ba tháng cũng chưa nộp lại, cứ tà tà, tà tà... Viện lý do mệt quá để hẹn nay hẹn mai! Hẹn nay hẹn mai thì công cuộc vãng sanh về Tây Phương nó cũng hẹn lại một kiếp nào đó trong tương lai, chứ nó không đến với mình trong kiếp này đâu. Đây là tại vì mình quá lơ là! Nếu lỡ sơ suất, cơ hội này luống qua thì uổng lắm!... Đây là cơ hội, xin thưa thực, vạn kiếp rồi chúng ta mới gặp đó.

Mong cho chư vị cố gắng quyết lòng mà đi để chúng ta cùng nhau về Tây Phương, chắc chắn, đơn giản, dễ dàng. Chỉ cần đi là tới.

Còn không đi thì vô lượng kiếp về sau, không biết ngày nào mới tới được Tây Phương Cực Lạc…

A-Di-Đà Phật.

 

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

 

(Tọa Đàm 45)

Nam Mô A-Di-Đà Phật,

Mỗi lần chúng ta đi hộ niệm là một lần chúng ta làm giàu kinh nghiệm tu hành để vãng sanh. Khi tham gia một số ca hộ niệm rồi, quý vị mới thấy phương pháp hộ niệm phải cần được mở rộng, phải giao lưu cho rộng rãi, vận động cho đa số quần chúng biết được, có như vậy mới hy vọng cứu được chúng sanh. Nhiều người biết được phương pháp hộ niệm làm cho chính ta cũng an tâm trên con đường vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Trong mấy tuần qua trên bảng cầu siêu của chúng ta có thêm một số người, trong đó có những người có liên quan tới chúng ta. Tôi xin nêu ra những trường hợp đặc biệt cụ thể để chúng ta rút kinh nghiệm trong con đường cứu người.

Có bốn trường hợp ra đi trong mấy tuần qua, trong đó thì có ba trường hợp ở trong nước, một trường hợp thì ở đây. Trong bốn trường hợp đó, mỗi trường hợp mỗi khác nhau.

- Trường hợp thứ nhất:

Là một vị cũng có duyên với đạo tràng, đã đến đây xin hộ niệm. Ngay lần đầu tiên gặp gỡ, chúng tôi dặn dò rất kỹ, đưa cái bản nội quy, khuyên phát tâm niệm Phật liền, không được chờ và đưa ra tiêu chuẩn rất thấp là cố gắng niệm một ngày mười lăm chuỗi đủ rồi, sáng năm chuỗi, trưa năm chuỗi, chiều năm chuỗi. Đó là cái tiêu chuẩn thấp nhất, vì biết rằng người này không chịu niệm Phật, nhờ cái đà đó mà mình sẽ giải quyết trong những lần sau. Thế mà người đó không chịu niệm, để rồi chúng ta chưa kịp làm gì hết thì vị đó đã ra đi.

Đây là trường hợp người không chịu niệm Phật! Thôi! Đành phải chấp nhận thương đau trong vô lượng kiếp, không cách nào có thể cứu được!

Khi chúng ta tới đây niệm Phật, không phải là thấy ở tại đây có ban hộ niệm thì ỷ lại. Nhiều người có cái vọng tưởng như thế này:

- Ông Diệu Âm hộ niệm hay lắm. Hễ có ổng là vãng sanh!

Điều này hoàn toàn sai lầm! Vì khi gặp tôi, tôi cũng đặt điều kiện rất cứng rắn, là chư vị phải niệm Phật, phải lo niệm Phật ngày đêm thì may ra mới có thể cứu được. Chứ còn không, nên nhớ chính tôi cũng là một phàm phu tục tử, chưa chắc gì giúp ích cho chư vị nếu tự cá nhân chư vị không chịu hạ thủ công phu niệm Phật. Đây là trường hợp thứ nhất đã quá rõ ràng, chúng ta không cần giải thích thêm nữa.

- Trường hợp thứ hai:

Một người đã qua cái tuổi bát tuần, gặp một cơ duyên đọc một quyển sách tự nhiên “Ngộ Đạo!” và lo niệm Phật. Nhưng vừa mới niệm Phật, thì người con mừng quá tới nói với tôi mà rơi nước mắt:

- Trời ơi!... Anh biết không? Cha tôi 76-77 tuổi rồi, từ nhỏ đến lớn chưa biết niệm Phật, mà vừa đọc cuốn sách đó thì phát tâm niệm Phật.

Vui mừng đến nỗi nói mà rơi nước mắt. Thế thì anh đó tìm gửi không biết bao nhiêu là Pháp về cho ông Cụ.

Gặp như vậy tôi chận lại và nói, nếu anh muốn ông Già anh niệm Phật vãng sanh thì anh đừng có gửi Pháp tới nữa, mà hãy lợi dụng ngay cái bộ sách đó, ngay cuốn sách đó, tại có duyên mà. Hãy cứ nương theo đó để củng cố con đường niệm Phật cho ông Cụ, thì dễ cứu ông Cụ vãng sanh.

Người đó không chịu nghe, cứ nói rằng, Pháp này quá hay, tuyệt vời... Nếu không nghe kịp thì làm sao mà vãng sanh? Thế là anh cứ gửi về, gửi về... Tôi nói, nếu anh không nghe lời tôi, coi chừng vài tháng sau ông Cụ không niệm Phật nữa đó. Thật đúng như vậy, khoảng sáu tháng sau, ông Cụ nói:

 

 

- Sao mà cái này nói như thế này, cái kia nói như thế kia? Mệt quá! Thôi! Ta không niệm nữa.

Ông Cụ đã nói thẳng thắn rằng không niệm nữa, sau đó trở lại tiếp tục nhậu nhẹt, để cuối cùng thì ra đi trong mê mê mờ mờ. Thật là tăm tối!... Đây là trường hợp thứ hai. Một chuyện cụ thể có tính điển hình để chúng ta rút kinh nghiệm về con đường hướng dẫn hộ niệm vãng sanh.

Đi đường nào phải đi một con đường. Phải chuyên, nhất định không được đa tạp. Mỗi người có một cái “Duyên”. Một cuộc đời của một ông Cụ chưa biết tu, nhưng nhờ thiện căn phước đức hay sao đó không biết, có duyên gặp một bộ sách, đọc được mấy câu rồi phát tâm niệm Phật. Như vậy, chính cái duyên của ông Cụ là tập sách này. Đúng ra thì cứ từ từ để cho ông Cụ niệm Phật đi, mình củng cố con đường niệm Phật cho ông Cụ. Ông phát tâm niệm Phật, niệm Phật thì có thể được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, chứ đâu phải nghe Pháp là vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc? Vì quá vội vã nên hướng dẫn sai! Quyết định sai! Sai rõ rệt! Mình ở đây ngày nào cũng tu, 365 ngày đều niệm Phật, chưa chắc gì mình nghe được cái núi Pháp đó. Giờ đâu mà nghe? Thế thì làm sao có thể bắt một ông Cụ phải nghe? Mà nghe rồi thì sao? Mình tưởng rằng những bài Pháp này đơn giản lắm à? Thực ra, đối với những người mới biết đạo, không thể nào họ tiếp thu dễ dàng được!

Đây là trường hợp không chịu chuyên, không chịu bắt lấy một cái cơ hội. Chỉ có một cái cơ hội đó thôi được vãng sanh. Nếu tạo ra quá nhiều cơ hội khác thì loạn cái tâm đi. Chính vì vậy mà không được thành tựu. Đây thực là một kinh nghiệm đáng giá cho chúng ta suy nghiệm.

- Trường hợp thứ ba:

Cũng rất đáng chú ý để chúng ta rút kinh nghiệm. Cũng là một người biết tu, người con đã biết hộ niệm nhưng lại không chịu nghiên cứu kỹ phương pháp hộ niệm. Khi hộ niệm cho người thân của mình, lại áp dụng phương thức hoàn toàn sai!... Sai ở chỗ nào? Cứ bắt buộc, ép buộc người bịnh phải làm theo ý mình mới được. Đây là cách hướng dẫn hoàn toàn đi ngược với phương pháp hộ niệm cho người vãng sanh.

Sau này chúng ta đi hộ niệm cho một người cũng phải chiều cho được người đó, hãy nương theo ý muốn của người đó để tìm cách chuyển lần, chuyển lần. Phải vận dụng phương tiện, nương theo sở thích của người đó mà giúp cho họ. Giả sử như sau cùng giúp không được, thì cũng tại vì duyên phần của người ta, chứ không cách nào khác hơn.

Ta không thể nào nói rằng, Ba phải nghe như thế này, Mẹ phải nghe như thế kia để được vãng sanh. Hoàn toàn sai lầm! Vì không hiểu, đã áp dụng quá nguyên tắc, đem tới cho người bệnh nhiều phiền não! Mình thì niệm Phật, người bệnh thì phiền não. Chính người bệnh phiền não thì họ bị đọa lạc! Đây cũng là trường hợp cần phải nhớ khi đi hộ niệm.

Nên nhớ, mình thấy điều này hay, mình khuyên bà Cụ, khuyên ông Cụ, khuyên người bịnh nhưng phải biết áp dụng phương tiện thiện xảo, không thể nào quá cứng ngắc.

 

 

- Người bệnh nói, tôi niệm “A-Mi-Đà Phật”. Mình nói, “A-Di-Đà Phật” mới được! Mình niệm trái ý người bệnh thì nhất định họ mất phần vãng sanh!

 

 

- Một người bệnh nói, tôi niệm “Nam Mô A-Di-Đà Phật”. Mình nói “A-Di-Đà Phật” đủ rồi, bỏ chữ “Nam Mô” đi. Mình bắt người ta phải bỏ chữ “Nam Mô”, người ta mất vãng sanh!

 

 

- Một người nào đó họ nhất tâm niệm “A-Di-Đà Phật”. Bây giờ mình thấy âm “A-Mi-Đà Phật” hay quá, mình nói “A-Mi-Đà Phật” mới đúng, không được niệm “A-Di-Đà Phật”. Cưỡng bức người bịnh thì làm cho họ mất phần vãng sanh!

Làm như vậy là ứng dụng sai nguyên tắc hộ niệm!

Nghiên cứu về hộ niệm, chúng ta cần phải đi sâu vào mới thấy. Rõ ràng nó bao trùm cả pháp giới chứ không phải đơn giản. Chính vì không biết uyển chuyển, không chịu để cho người bịnh thoải mái, thành ra sau cùng cũng đành khóc ròng để tiễn đưa người thân của mình đi vào những chốn khổ nạn trong tương lai! Đành chịu thôi, chứ biết cách nào khác hơn?

- Một trường hợp thứ tư:

Xảy ra cũng mới vừa đây, người đó được vãng sanh, mà như hôm qua tôi báo cáo cho chư vị. Thật bất khả tư nghì!

Trường hợp này tôi cũng biết, người này có một người cháu ở bên Tiệp, trong năm ngoái có gặp tôi, học cách hộ niệm rồi về ứng dụng liền. Ông Cụ này không phải là không tu, cũng có tu, nhưng mà tu cũng giống như những người khác. Khi biết được phương pháp hộ niệm, tự nhiên Ông ta phát tâm niệm Phật liền. Nương thẳng vào cơ hội này, Ông ta niệm Phật ngày đêm quyết lòng về Tây Phương, rồi người cháu đó về quê thành lập một ban hộ niệm tại chỗ để hộ niệm cho ông Cụ. Trước đây cỡ chừng ba, bốn tuần, chúng ta có để tên của ông Cụ để cầu an, tiêu tai giải nạn. Bây giờ người cháu đã thông báo rằng ông Cụ ra đi để lại một thoại tướng bất khả tư nghì.

Đây là một trường hợp tích cực để chúng ta rút thêm kinh nghiệm! Tại sao ông Cụ này lại được vãng sanh? Chính là do “Duyên Phần”. Khi gặp được phương pháp hộ niệm nói về vãng sanh, ông Cụ hạ quyết tâm ngay lập tức, buông xả hết tất cả, không sợ gì nữa, quyết lòng niệm Phật. Ông Cụ niệm Phật ngày, niệm Phật đêm quyết định đây là con đường phải đi. Quý vị thấy đó, ban hộ niệm đã hộ niệm được mấy tháng thì vãng sanh. Trước khi vãng sanh ông Cụ vẫn bị đau đớn, vẫn bị khổ sở bởi nghiệp chướng báo hại ông ta cả mấy tháng trường chứ không phải tầm thường. Thế nhưng ông Cụ quyết lòng niệm Phật, kiên trì, không sợ gì hết. Quý vị thấy, một lần phát tâm tự nhiên có sự gia trì.

Chúng ta tới đây hàng ngày niệm Phật với nhau, chúng ta hạ quyết tâm nhưng tu theo kiểu tà tà thì coi chừng thua ông Cụ. Ông Cụ mới phát tâm, hình như là chưa tới hai năm, hơn một năm thôi. Hạ quyết tâm ông Cụ thành tựu. Không hạ quyết tâm, nếu ông Cụ cứ chờ... chờ... chờ!... Chờ thì nhất định bị hại! Chính vì vậy, đây chính là một kinh nghiệm có giá trị đối với con đường giải thoát.

Bây giờ xin hỏi, ta đã hạ quyết tâm chưa? Nếu ta đã hạ quyết tâm, thì chứng tỏ có niềm tin vững. Niềm tin này nó sẽ soi sáng con đường vãng sanh, chứ không phải cứ nói rằng tới đây có ban hộ niệm, ban hộ niệm này sẽ giúp mình... Hoàn toàn không phải. Ban hộ niệm chỉ có hướng dẫn cho mình từng chút từng chút để mình đi. Mình hạ quyết tâm thì:

 

 

- Mình tiếp xúc được với quang minh của Phật.

 

 

- Mình tiếp nhận được lời khai thị của ban hộ niệm. và...

 

 

- Mình theo như vậy, mình đi đúng đường, mình được vãng sanh.

Mình tới đây với lòng hồ nghi!... Hồ nghi! Sự hồ nghi biến thành một cái tấm màn chắn, giống như tấm bảng, tấm chắn đó ngăn cản đường vãng sanh. Quang minh của Phật luôn luôn phổ chiếu tới mình, nhưng quang minh của Ma Vương cũng luôn luôn phổ chiếu tới, tranh giành một cái thân khổ nạn này. Nếu mình không tin tưởng thì giống như có một cái tấm chắn, chận ngang quang minh của Phật lại. Quang minh của Phật vì cái tấm chắn này chiếu qua không được. Khi quang minh của Phật bị chận, thì những quang minh khác tự do tràn ngập. Quý vị có thể tưởng tượng như vầy, ví dụ, có một ánh đèn xanh bên này, một ánh đèn đỏ bên kia, mình lấy một cái màn chận ánh sáng đỏ lại, thì tự nhiên cả cái thân người của mình toàn màu xanh hết, tại vì cái quang minh màu đỏ không chiếu tới được. Mình tin tưởng cho vững vàng lời A-Di-Đà Phật thì tự nhiên có một cái tấm chắn… chắn tất cả những quang minh khác, những sức tiếp độ khác, quang minh của Phật hoàn toàn tiếp xúc với mình, mình đi về với Phật. Mình không chịu tin, mình đi mập mờ, thì tự nhiên quang minh của Phật vì lòng tin mập mờ của mình mà bị ngăn chặn, đây gọi là ngăn ngại, ái ngại, chướng ngại... Do đó tất cả những luồng quang minh của lục đạo luân hồi sẽ phổ quát ra, sẽ tự do bao trùm mình lại, lôi mình đi vào con đường đọa lạc...

Bốn trường hợp này đều là kinh nghiệm quý báu cho chúng ta suy nghiệm. Xin nhắc lại thật kỹ những điểm quan trọng:

 

 

- Niềm tin vững chưa? Niềm tin vững thì...

- Phát nguyện vững chưa? Tha thiết chưa?... Nguyện vãng sanh về Tây Phương.

 

 

- Đường đi vững chưa? Niệm câu A-Di-Đà Phật có chuyên nhất hay không?

Ba điểm này giúp cho chúng ta vãng sanh về Tây Phương, nhất định không thể nào bị trở ngại!

Nam Mô A-Di-Đà Phật.                                                                    

 

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

 

(Tọa Đàm 46)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Mấy ngày hôm nay chúng ta nghe những tin động đất ở bên Nhật, nhìn thấy những cảnh nước tràn tàn phá đất nước của Nhật, mà chúng ta rợn người! Hòa Thượng Tịnh-Không liên tục trong mấy năm nay kêu gọi tất cả đồng tu ráng cố gắng tu hành, làm “Tam Thời Hệ Niệm” hết năm này qua năm nọ và Ngài đang cổ động liên tục 100 thất là 700 ngày, làm “Tam Thời Hệ Niệm” để hồi hướng cho chúng sanh hóa giải cái ách nạn này.

Ta ở đây 365 ngày tụng kinh niệm Phật, cách niệm Phật của chúng ta là một phần của “Tam Thời Hệ Niệm”, chỉ có khác một chút là chúng ta tăng thời gian niệm Phật lên và không có những lời khai thị. Chúng ta cũng có niệm Quán-Thế-Âm Bồ-Tát để cầu tiêu tai giải nạn. Nếu chúng ta cứ tiếp tục như vậy thì công đức này cũng đóng góp một phần rất khá để giảm bớt nạn tai của thế giới. Kính mong chư vị cố gắng vì thương chúng sanh, ráng tinh tấn hơn nữa, hãy tới đây cộng tu tạo thêm công đức để hồi hướng.

Tại sao lại bị động đất? Về khoa học thì chúng ta không nói, nhưng mà về Phật pháp thì Hòa Thượng Tịnh-Không thường giảng rằng sự địa chấn nó liên quan tới cái lòng sân giận. Vì khổ quá, vì bị bức bách quá nên chúng sanh uất hận, mà trong sự uất hận của chúng sanh nó liên quan đến nghiệp ác của con người, thường thường là tội sát sanh. Khi đã bị nạn rồi thì cái oán hận càng ngày càng chồng chất, nhất là những vị gọi là chúng đẳng vong linh ở trong những cảnh khổ. Họ đã chịu đựng quá nhiều cho nên lòng uất hận của họ càng ngày càng nhiều. Nên nhớ rằng các vị vô hình, các vị bị nạn trong tam ác đạo họ nhiều hơn loài người chúng ta tới hàng ngàn hàng triệu lần chứ không phải là ít.

Mình hiểu được như vậy, nên xin chư vị cố gắng phát tâm dũng mãnh hơn nữa, tu hành niệm Phật cho nhiều để hồi hướng công đức, mong cho những oán hận này giảm xuống để tai nạn thế giới bớt đi.

Trong kinh Phật có dạy rằng, người học Phật thì đức hạnh đầu tiên là Hiếu dưỡng phụ mẫu. Tại sao chúng ta lại nhắc tới sự hạnh hiếu dưỡng phụ mẫu? Vì xin thưa thật, là chính ông bà, cha mẹ, những người thân kính quyến thuộc của chúng ta trong nhiều đời nhiều kiếp vụng tu nên bị đọa lạc nhiều lắm. Ta thường gọi là hồi hướng công đức cho các chư vị vong linh, chứ thật ra thì ông bà, cha mẹ chúng ta nhiều lắm trong đó. Khi ta biết đường tu như thế này, thường thường là ông bà, cha mẹ chúng ta nghe được thì họ mừng lắm, đang hằng giờ mong cầu đứa con, đứa cháu, tức là chúng ta, hồi hướng công đức cho họ. Nếu chúng ta không có công phu tu hành, không có công đức, hoặc có mà nhiều khi quên hồi hướng công đức cho họ, thì chính những người thân của mình lại nổi cơn sân giận nhiều hơn là người thường đó.

Nếu sau này có cơ duyên đi hộ niệm cho người ta, quý vị mới thấy được những điều này, là hầu hết những hiện tượng gọi là nhập thân báo đời, thì có thể nói hơn 90% là dòng họ của người đó. Không cha thì mẹ, không mẹ thì ông nội, ông ngoại, ông chú, ông bác gì đó... Thường thường là như vậy. Có những người rất là hung hãn. Tôi đã gặp nhiều trường hợp mà chính người thân nhập vào người thân, mà mỗi lần nhập vào như vậy thì họ cầm dao cầm búa đâm vào người. Dễ sợ lắm! Họ đánh người thân, họ tìm cách giết người thân đó, và mỗi lần như vậy, họ nói:

- Tại sao mày giết tao? Tại sao mày hãm hại tao? Tại sao tao có làm gì tội lỗi với mày mà mày đối xử tệ như vậy?...

Quý vị không tưởng tượng được đâu! Họ căm hờn như vậy. Đó là những trường hợp mình biết, còn những chuyện căm hờn khác xảy ra khắp nơi mà mình không hay.

Ví dụ như trong vô lượng kiếp của chúng ta, thì chúng ta có vô lượng vô biên ông bà, cha mẹ đã bị đại nạn. Khi chúng ta tu hành như thế này thì thường thường những ông bà cha mẹ đó có thể cảm ứng được, cứ mong sao cho một đứa con, một đứa cháu hồi hướng công đức. Bây giờ thứ nhất là thấy một đứa con, một đứa cháu đang biết tu hành mà không chịu hồi hướng. Thứ hai là tu hành tà tà, tu hành giỡn giỡn, tu hành không vững, hồi hướng không có một chút xíu nào hết, làm cho họ càng ngày càng đau khổ hơn. Góp phần làm cho niềm sân hận nảy sinh ra.

Phật dạy, người Phật tử đầu tiên là phải “Hiếu dưỡng phụ mẫu”. Nếu chúng ta biết niệm Phật, biết con đường về Tây Phương, thì sự hiếu dưỡng này phải cụ thể một chút, không phải cứ đợi tới tháng bảy mùa Vu Lan báo hiếu, tới làm một cái lễ gì đó gọi là báo hiếu! Không có bao nhiêu hết trơn! Mà hằng ngày chúng ta niệm Phật hồi hướng công đức, thành tâm hồi hướng thì tự nhiên công đức này biến Pháp giới.

Trong công cứ của chúng ta gọi là Cửu Phẩm Liên Đài, thì tờ đầu tiên chính là tờ “Báo Ân Niệm Phật”, trong đó có bốn câu:

 

 

Phật ân, Thân ân.

 

 

Hạo thiên võng cực.

 

 

Dục báo chi đức.

Niệm Phật đệ nhất.

Có nghĩa là ân Phật, ân Cha Mẹ, “Hạo thiên võng cực” là lớn bao trùm cả pháp giới, lớn lắm, không có cách nào mình có thể diễn tả nổi. “Dục báo chi đức” là muốn báo đền cái công đức này, “Niệm Phật đệ nhất” là không có gì bằng niệm Phật hết.

Chúng ta niệm Phật ở đây không phải là chỉ tu riêng cho chúng ta đâu mà tu luôn cho ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta nữa. Hằng ngày ráng cố gắng tinh tấn hơn, thay vì chúng ta dành thời gian đi chơi uổng lắm! Hãy dành thêm thời gian niệm Phật, thay vì chúng ta cứ nghĩ này nghĩ nọ, buồn khổ để làm gì?...

 

 

- Một cơn buồn xảy ra phá tan biết bao nhiêu công đức.

 

 

- Một sự lo âu nổi lên phá tan biết bao nhiêu công đức.

- Một sự khổ sở nổi lên nó nhập vào trong tâm chúng ta: Nếu không súc sanh thì cũng là ngạ quỷ, không ngạ quỷ cũng là địa ngục.

Cảnh khổ là cảnh tam ác đạo. Rơi vào đó thì làm sao có cơ hội “Ly khổ đắc lạc” để đi về Tây Phương được?... Chính vì vậy, vì không biết tu nên nỗi khổ nó cứ đến, càng ngày càng thâm nhập vào chúng ta. Trong lúc ngồi trong Niệm Phật Đường thay vì ta nhiếp tâm niệm Phật quyết lòng về Tây Phương, thì những cái cảnh khổ đó cứ hiện ra trong lúc chúng ta đang niệm Phật, vô tình câu niệm Phật chúng ta không mang lại một công đức nào hết trơn. Chính vì không nhiếp tâm nên không có công đức. Không có công đức thì không hồi hướng được cho pháp giới chúng sanh, không có hồi hướng được cho ông bà cha mẹ...

Xin thưa thật, báo hiếu cha mẹ không phải cha mẹ còn sống mới báo hiếu, mà phải cần hồi hướng luôn cho cả ông bà, cha mẹ đã qua đời rồi, tại vì ông bà, cha mẹ của chúng ta nhiều khi không được sự hướng dẫn tu hành, nên thường bị đọa lạc, họ chờ từng ngày từng giờ... Đừng nên báo hiếu bằng cách chờ tới ngày giỗ kỵ làm vài con gà để cúng mà báo hiếu cha mẹ... Sai lầm vô cùng! Làm vậy cha mẹ mình càng ngày càng bị đọa lạc...

Khi chúng ta biết được báo hiếu không có gì khác hơn là quyết lòng quyết dạ vãng sanh về Tây Phương. Xin thưa thật công đức vãng sanh về Tây Phương chính là cái công đức báo hiếu triệt để. Tại sao vậy? Vì Hòa Thượng thường hay nói rằng, khi chúng ta vãng sanh về Tây Phương thì ngày đó là ngày ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ của chúng ta thoát được cảnh tam ác đạo. Người ta đang chờ từng giây từng phút cái ngày chúng ta vãng sanh để cho họ thoát khổ. Tôi không nói là họ đi về Tây Phương, mà họ thoát được ba cảnh khổ. Mình biết rằng không phải ta chỉ có một ông cha, hai ông cha, ba ông cha, mà có tới vô lượng vô biên ông cha, vô lượng vô biên đứa con, vô lượng vô biên ông nội, bà nội... họ thoát được. Cái công đức này lớn vô cùng lớn.

Chính vì vậy mà sắp tới đây chúng ta sẽ cố gắng tìm cách tăng thêm chương trình Tinh Tấn Niệm Phật. Thay vì một ngày, ta tiến lên hai ngày, tiến lên ba ngày, được bao nhiêu người tu bao nhiêu người. Để chi? Để góp phần với chư vị trên thế giới cùng nhau hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, giải bớt tai nạn và quyết lòng vững vàng đi về Tây Phương.

Một là giải cái ách nạn cho chính mình. Mỗi người chúng ta ai ai cũng đầy hết cả nghiệp ác trong này nè. Người ta chuẩn bị, người ta chờ từng giây từng phút mà khởi lên đó. Oan gia trái chủ của mỗi người nhiều lắm ở trong đó. Nếu chúng ta không thành tâm niệm Phật, không quyết lòng niệm Phật thì các vị đó không bao giờ đoạn đành bỏ quên cái mối thù sát sanh hại mạng của họ đâu. Chính vì họ không biết về nhân quả, nên họ không bỏ, họ không xả. Nghiệp ác này nó cộng vào cộng nghiệp của chúng sanh mà sanh ra tai nạn. Hòa Thượng Tịnh-Không nói, cái nạn tai trên thế giới của chúng sanh bây giờ lớn lắm rồi, tại vì trong vô lượng kiếp tới giờ ta đã làm nghiệp ác lớn quá rồi chứ không có gì cả.

Quý vị nghĩ thử coi, lập một cái Niệm Phật Đường lên tốn tiền, tốn bạc, tốn công, tốn sức, tốn đủ thứ... nhưng nhiều lắm cũng chỉ có năm người, mười người, hai chục người... tới niệm Phật mà thôi. Còn hàng vạn người khác không bao giờ niệm Phật đâu à!... Hàng triệu người khác người ta vẫn tiếp tục sát sanh hàng ngày. Nạn sát sanh giải không được.

Hiểu được điều này rồi, khi đến Niệm Phật Đường niệm Phật chúng ta phải trực nhớ là mình đang ở trong cái cơ hội vãng sanh thành đạo, thoát tất cả những ách nạn mà trong vô lượng kiếp chúng ta bị đọa đày. Khi mà thoát rồi, chúng ta sẽ có năng lực đi cứu độ chúng sanh, đi cứu cái ách nạn này. Cho nên muốn hết những nạn sóng thần, thì nhiều người vãng sanh về Tây Phương thì cái nạn này mới hết. Thực sự như vậy.

Một người mà vãng sanh thì người ta có thần thông đạo lực, họ đi giải cứu những ách nạn này. Chư Phật mười phương thay phiên nhau cứu độ chúng sanh, nhưng mà cứu không hết. Nạn tai nhiều quá! Chúng ta phải hiểu được như vậy thì ráng cố gắng mà tu để về cho tới Tây Phương Cực Lạc, hợp tác với chư Phật mười phương. Rồi khi ngài Di-Lặc hạ sanh xuống, mình cũng theo Ngài xuống đây hoằng dương Phật pháp cứu độ chúng sanh. Đây là sự thực!... Xin chư vị vững lòng tin tưởng. Tín-Hạnh-Nguyện, Tín-Hạnh-Nguyện mà đi.

- Nếu Lòng Tin chưa vững, nay tin cho vững đi.

- Nếu Sức Nguyện của mình sai lầm, nay nguyện lại đi. Càng vãng sanh sớm chừng nào càng hay chừng đó. Chính sức nguyện này là cái duyên rất đậm để chúng ta về Tây Phương.

 

 

- Còn Hạnh là gì? Làm lành lánh dữ là trợ hạnh. Niệm câu A-Di-Đà Phật thiết tha về Tây Phương chính là Chánh Hạnh.

Cho nên Chánh Hạnh, Trợ Hạnh phải phân minh. Một lòng một dạ ngày ngày trì giữ câu A-Di-Đà Phật. Quyết lòng! Người nào niệm năm ngàn thì ráng cố gắng lên bảy ngàn, tám ngàn câu A-Di-Đà Phật một ngày. Đã được tám ngàn rồi thì tại sao không tăng lên chín ngàn?... Tăng lên mười ngàn? Ngài Ấn-Quang Đại Sư đưa ra cái mẫu mực năm chục ngàn là tại vì Ngài thấy cái ách nạn của thế giới lớn quá đi! Ngài đã quỳ xuống lạy chúng sanh niệm Phật để mà tiêu tai giải nạn, để mà chính mình được thoát nạn.

Xin chư vị quyết lòng niệm Phật nhất định đi về Tây Phương thành đạo Vô Thượng cứu độ chúng sanh…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

 

(Tọa Đàm 47)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Tu hành trong thời đại này nhất định chúng ta phải cẩn thận, phải hợp căn hợp cơ, không được sơ ý!...

Trong ngày hôm nay chúng tôi lại nghe một tin, có một người tu hành vì sơ ý không xét rõ căn cơ của mình mà bị trở ngại, và sự trở ngại cũng rất là bi ai!...

Cho nên chúng ta nói đề tài Khế Lý - Khế Cơthật sự là quan trọng. Xin tất cả chư vị chú ý.

Trong tất cả các pháp môn, pháp môn niệm Phật là dễ nhất. Ta chọn pháp môn dễ nhất là tại vì căn cơ của chúng ta thấp, những pháp môn khó chúng ta không đủ khả năng. Giữa cái khó và cái dễ, ta chọn cái dễ, đó là hợp căn cơ. Dễ mà hợp căn cơ thì cũng được thành tựu mỹ mãn. Cũng giống như trong trường đời, người tiến sĩ thì người ta có thể đọc nhiều, nghiên cứu bất cứ một tài liệu nào cũng không trở ngại, còn người bình dân như chúng ta không thể nào vào trong viện nghiên cứu để nghiên cứu được…

Nên nhớ rằng hợp với căn cơ thì dễ thành công. Thế gian không thiếu gì người học lớp một, lớp hai, nhưng khi làm một việc gì hợp với sức, hợp với khả năng, người ta cũng có thể trở nên tỷ phú.

Tu hành cũng giống như vậy. Trong pháp môn niệm Phật, khi thực hành ta cũng phải biết chọn cái phương thức nào dễ, mà hợp với chính ta nữa thì mới thật sự là đúng.

Ví dụ:

- Nhất tâm bất loạn? Khó quá! Chí thành chí kính? Dễ! Ta chọn phương pháp “Chí Thành Chí Kính”. Niệm A-Di-Đà Phật, cứ chí thành chí kính như vậy mà niệm Phật, thì với lòng thành kính này nhất định chư vị được vãng sanh. Vãng sanh tức là thành đạo.

- Tu cho chứng đắc? Khó quá! Khiêm nhường, tập khiêm cung? Dễ! Xin chư vị hãy lấy cái “Khiêm Cung” này làm kim chỉ nam. Càng tu càng khiêm nhường, càng khiêm nhường ta càng dễ thành tựu. Khi thành tựu rồi thì cao hay thấp cũng như nhau.

Chúng ta mới thấy rằng, phải cần tuyển trạch, chọn lựa kỹ càng mới có thể thành công được. Nếu sơ ý, khi đã bị vướng nạn rồi thì chịu thua!... Một người bạn sát bên cạnh cũng không cứu được! Cha không cứu con, con không cứu cha, vợ không cứu chồng, chồng không cứu vợ được. Thành ra trước khi chúng ta hạ thủ công phu làm cái gì, nhất định phải cân nhắc cho thật kỹ, tức là phải quán xét coi căn cơ của mình ở chỗ nào. Đó gọi là hợp cơ.

Ví dụ, như ta tu để cho nhất tâm bất loạn không được, nên ở ngay tại đây chúng ta dùng phương pháp công cứ. Công cứ có nghĩa là cần cù siêng năng niệm Phật. Về chứng đắc? Chúng ta chứng không được! chơn tâm tự tánh hiển lộ? Chúng ta làm không được. Nhưng mà…

- Cần cù niệm câu A-Di-Đà Phật, chúng ta niệm được.

- Người cần cù niệm Phật là người khiêm nhường.

- Người cần cù niệm Phật là người thành tâm thành kính.

Rõ ràng chúng ta đi con đường căn bản để sau này được dễ dàng thành đạo, chắc chắn như vậy. Tại vì A-Di-Đà Phật đã phát đại thệ:

- Những người nào nghe danh hiệu của Ngài thành tâm chí thành chí kính mà niệm, tâm tâm hồi hướng về Tây Phương Cực Lạc...

Ngài không có nói…

- Người nào nghe danh hiệu của Ta phải niệm Phật cho nhất tâm bất loạn, phải niệm Phật cho chơn tâm tự tánh hiển lộ rồi Ta mới rước về Tây Phương.

Ngài không có phát tâm nguyện này. Chúng ta tu ở đây là tu thật sự, là theo đúng kinh Phật, chắc chắn ta sẽ thành tựu, đơn giản như vậy.

Chính vì vậy, mà có nhiều người than rằng:

 

 

- Sao tôi vẫn còn vọng tưởng nhiều quá!...

Không sao đâu! Vọng tưởng cứ để nó vọng tưởng đi, đừng lo ngại tới làm chi cho cực, mắc công lắm!...

- Sao tôi niệm không nhất tâm bất loạn...

Không có sao đâu! Nhất tâm bất loạn có hay không cũng kệ nó, đừng sợ. Cứ một lòng thành tâm niệm Phật là được.

Như hôm trước ta nói, đi ngang Phật mình phải cung kính chấp tay xá Phật đàng hoàng. Vô trong đạo tràng thành tâm niệm Phật cung kính với người ta... Cứ vậy mà đi, nhất định chư Thiên-Long Hộ-Pháp sẽ gia trì cho chúng ta, sẽ bảo vệ cho chúng ta và chư đại Bồ-Tát bảo vệ cho chúng ta tới ngày chúng ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc luôn.

Trong cách tu hành, lớn nhỏ nó đều tùy vào tâm của mình, chứ không phải tùy theo số lượng đâu! Ví dụ như bố thí, có nhiều người than với Diệu Âm!...

- Tôi bây giờ nghèo quá, không biết làm sao cúng dường bố thí?

Tôi nói, không cần. Tới Niệm Phật Đường người ta có tiền cúng dường bố thí năm chục ngàn, sáu chục ngàn, bảy chục ngàn... gì cũng kệ họ. Mình không có tiền thì ra phía sau nhổ cỏ. Người thành tâm nhổ cỏ, thời thời phước huệ tăng. Người ta bố thí nhiều thì thích khoe ra, nhưng ra ngoài shop khi cầm bó rau muống lên thì lựa lên lựa xuống... Mất hết tất cả công đức rồi! Rõ ràng, một cộng rau muống hư mà không xả được, thì làm sao dám cầm đồng tiền ra mà “Chân thành bố thí”?...

Chính vì vậy, phương pháp tu chúng ta phải biết cho rõ. Một người lên xe bus chọn ghế cao ghế tốt mới ngồi, ghế thấp không chịu ngồi, thì tâm bố thí không có!

- Nếu chỗ nào ngồi cũng được: “Dễ!”. Chọn cái ghế cao quá, chọn ghế tốt quá: “Khó!”. Chọn như vậy thì chúng ta đã đi con đường khó rồi!

Người có tâm tu hành thì phải biết nhường những chỗ tốt cho người khác ngồi. Ta ngồi mà thấy một cô phụ nữ này chưa có chỗ ngồi, tại sao mình không nhường? Nhường đó chính là tâm bố thí. Mua một vé máy bay, ghế ngồi thì chọn lựa lên, chọn lựa xuống, trên máy bay ghế nào cũng bọc nệm hết trơn, tại sao mình không lựa chỗ nào eo eo để ngồi, nhường cái chỗ tốt tốt một chút cho người ta ngồi? Đây là tâm bố thí. Chúng ta cần biết hy sinh một chút xíu. Ghế nào cũng là ghế, mình chọn ghế tốt ư? Chọn ghế tốt thì có một bà già phải ngồi ghế dở. Đây là tâm phân biệt! Tâm eo hẹp! Cái chỗ ngồi, cái ghế... nó không có gì hơn cho mấy, mà mình cũng tranh cũng giành, thì làm sao mà có tâm bố thí lớn được?...

- Như vậy thì ngồi chỗ nào cũng được: “Dễ!... Chỗ nào mình cũng cười hè hè. Chọn cho được cái ghế tốt: “Khó!”... Vì lỡ không còn ghế tốt, mình ngồi cái ghế không vừa ý, cái tâm của mình sẽ phiền não! Phiền não nó nổi ra ngay trong lúc này.

Cho nên buông xả là ngay trong lúc này, chứ không phải buông xả là cái gì khác đâu! Ngài Tịnh-Không luôn luôn nhắc nhở, tập buông xả, buông xả tối đa. Mỗi lần khi tôi đi tới chỗ nào, người cứ chọn cho tôi cái ghế tốt một chút. Nhưng tôi không có thích cái ghế tốt đó một chút nào hết. Tôi bảo là cứ chọn đại đi. Tôi đi mua vé máy bay, họ hỏi chọn chỗ nào? Tôi nói chỗ nào cũng được. Như vậy thì tự nhiên dễ dàng. Ngồi bên cửa sổ thì mình nhìn mây, ngồi phía trong thì mình niệm Phật. Có gì đâu mà phải chọn?

Xin chư vị phải tập buông xả từng chút, từng chút như thế này, đó gọi là hợp với căn cơ của chúng ta. Chứ nếu chúng ta cứ nói buông xả... buông xả... Nhưng thật ra thì từng chút, từng chút mình phân đo, kèn cựa. Đi ra ngoài shop cầm bó rau muống lựa lên, lựa xuống, cầm bó rau lang lựa lên, lựa xuống! Lựa như vậy thì bao nhiêu phước của mình mất hết. Uổng vô cùng! Tại sao mình không có cái tâm... tôi lấy bó rau muống này thì bị thua thiệt hai cộng rau, nhưng thua thiệt hai cộng rau muống mà ông chủ bán được, ông chủ bán được thì ông chủ lời, ông chủ lời thì mình mừng cho ông chủ... Hòa Thượng Tịnh-không nói, vì chúng sanh mà làm đạo thì tự nhiên phước mình tăng lên. Nếu vì mình làm đạo, vì mình cho tiện nghi một chút, thì bao nhiêu cái nghiệp sẽ đổ dồn vô mình mà không hay.

Vậy thì, tu hành không có gì là cao siêu hết!

 

 

- Chính là làm những gì bình thường nhất…

 

 

- Chính là làm những gì đơn giản nhất…

 

 

- Chính là làm những gì dễ dàng nhất…

Mình dễ dàng từng chút từng chút như vậy thì tự nhiên tâm mình buông xả, chứ đừng nghĩ rằng bỏ đồng tiền ra cúng dường này, cúng dường nọ mới là bố thí… Không phải!

Buông xả! Cái tâm bố thí là chỗ này. Buông xả vạn duyên là chỗ này. Thành tâm niệm Phật là chỗ này. Tự nhiên chúng ta sẽ thành đạo.

Hôm trước có một vị tới đây khoe với tôi:

 

 

- Tôi đang niệm Phật để cho chứng tới cảnh Niệm Vô Niệm.

Tôi nói thẳng liền:

- Chị về lo khiêm nhường mà niệm Phật đi, đừng có nghĩ tới chuyện “Niệm Vô Niệm” nữa. Nếu mà chị còn mơ tới chuyện đó, coi chừng khi đã bị trở ngại rồi thì không còn ai cứu được nữa đâu.

Ngày hôm nay tôi nghe một cái tin cũng là một người ham chứng đắc “Nhất tâm bất loạn” đã đưa đến kết quả rất là phũ phàng, rất là bi ai!... Đây là sự thật làm cho tôi ngỡ ngàng và câu chuyện này nó củng cố, nó chứng minh cho đề tài chúng ta đang nói, tu hành cần phải Khế Cơ.

Khế cơ là gì? Nói thẳng thắn là chúng ta hãy...

 

 

- Dùng cái “Thành Tâm” mà niệm Phật.

 

 

- Dùng cái “Khiêm Nhường” mà niệm Phật.

 

 

- Dùng cái “Cần Cù” mà niệm Phật.

Còn tất cả những cái chứng đắc cao kỳ, những cái lý luận cao siêu xin tạm thời để khi về trên Tây Phương xong rồi mới làm chuyện đó... Đó mới là đúng. Chư vị hãy giữ vững như vậy, kết hợp với nhau tu hành thì nhất định chúng ta sẽ được chư Bồ-Tát gia trì, chư Thiên-Long gia trì cho chư vị và A-Di-Đà Phật hằng phóng quang minh bao phủ chúng ta, tiếp độ chúng ta vãng sanh về Tây Phương, nhất định một đời này thành tựu đạo quả...

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

 

(Tọa Đàm 48)

Nam Mô A-Di-Đà Phật,

Trong 48 đêm nói về hộ niệm vừa Khế Lý vừa Khế Cơ là để hợp với căn cơ của chúng ta mới thành tựu đạo quả... Thì hôm nay là đêm cuối cùng, Diệu Âm xin tổng kết lại nội dung của đề tài này.

- Chúng ta hãy nên tự xác nhận mình là hàng hạ căn phàm phu. Đã là hàng phàm phu thì chúng ta phải cố gắng thực hiện cho được những điều cần thiết đối với mình, để trong một đời này vượt qua cái thân phận phàm phu, trở về Tây Phương thành bậc Thánh Nhân. Ngài Ấn-Quang Đại sư nói Khuyên người niệm Phật cầu về Tây Phương là giúp cho một chúng sanh phàm phu thành bậc Chánh Giác. Câu nói này là để khai thị cho chính chúng ta.

- Đã là phàm phu thì phải Khiêm Nhường, quyết định phải Khiêm Nhường, dù chúng ta có công phu như thế nào đi nữa, thì xin chư vị cũng phải nhớ điểm này: Đừng bao giờ móng khởi một cái tâm là mình đã được chứng đắc, là mình tu khá! Điều này sẽ không hợp với hàng phàm phu của chúng ta đâu!

- Đã là phàm phu thì nghiệp chướng sâu nặng, mà nghiệp chướng sâu nặng thì ta có thể bị nghiệp khổ hành hạ, oán thân trái chủ nhiều. Có thể chúng ta sẽ bị tấn công trong những lúc sắp sửa rời bỏ báo thân. Cho nên phải chuẩn bị trước. Chuẩn bị có nghĩa là đừng bao giờ nghĩ rằng công phu mình đã đủ. Chư Tổ đều nói rằng, một khi mà mình nói công phu mình đủ, thì nhất định bắt đầu từ đó cái tâm bị “Thoái hóa, tức là mình bị khó khăn, tức là cống cao ngã mạn nổi lên hồi nào không hay và chính cái điểm yếu này sẽ phá mất đường vãng sanh của chúng ta.

- Trong tất cả các pháp tu, ta hãy chọn những phương pháp nào dễ nhất và lại được chư Tổ khuyến khích mà áp dụng. Nhờ như vậy mới khế hợp với căn cơ của chúng ta.

- Thay vì mình cầu mong chứng đắc, thì bây giờ mình hãy lo Thành Tâm, Chí Thành, Chí Kính Niệm Phật. Mình muốn cho được chứng đắc không tốt bằng giữ tâm khiêm cung lại. Nhất định là mình không thể nào tự chứng đắc được đâu. Cho nên càng tu càng nương vào đại lực của đức Phật A-Di-Đà, cầu Ngài tiếp độ về Tây Phương. Khi tâm mình cung kính như vậy, tâm thành khẩn như vậy thì được chư Thiên-Long Hộ-Pháp gia trì, chư Bồ-Tát gia trì. Cụ thể là khi tu hành chúng ta cố gắng giữ giới giữ luật nghiêm minh, để cho đạo tràng của chúng ta càng ngày càng trang nghiêm, được chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ. Nhờ vậy mà chúng ta mới được an toàn. Nếu sơ ý, chúng ta có thể bị các Ngài la rầy.

- Về phương pháp tu, thì mình không nên tìm hiểu về những phương pháp cao kỳ quá, đừng nên lý luận nhiều quá, mà chúng ta nên chọn những cách gọi là “Cần-cù, Nhẫn-nại, Khiêm-tốn...”. Cố gắng tạo thêm thời gian niệm câu A-Di-Đà Phật.

- Khi niệm câu A-Di-Đà Phật chúng ta cứ nhiếp tâm vào câu A-Di-Đà Phật, lắng nghe những tiếng niệm A-Di-Đà Phật của chính mình.

- Trong lúc niệm Phật nếu có vọng tưởng nổi lên thì cũng đừng nên khó chịu vì vọng tưởng đó. Cứ để vọng tưởng sao thì vọng tưởng, kệ nó!... Trong lúc nghĩ này nghĩ nọ như vậy mình cứ ráng cố gắng niệm câu A-Di-Đà Phật lên. Người nào có xâu chuỗi thì cầm xâu chuỗi. Người nào có cái máy bấm số thì nên bấm số. Cứ niệm như vậy thì một lúc nào đó tự nhiên câu A-Di-Đà Phật sẽ thay thế cho những cái nghĩ này nghĩ nọ.

Đây là những cách công phu hết sức là cụ thể, đơn giản mà giúp cho chúng ta vượt qua cái ách nạn sanh tử luân hồi, vãng sanh về Tây Phương. Đơn giản!

Như vậy, có những điều chúng ta không nên mơ tới. Mơ cho mình được chứng đắc! Nhất định đừng nên mơ tới. Muốn chứng hồi nào thì cứ để nó chứng đi, tự động nó tới. Đừng bao giờ nghĩ mình là nhất tâm bất loạn. Danh từ này tạm quên đi. Nhất tâm bất loạn tự nó là do công phu thành tựu. Khi công phu chúng ta thành tựu thì tự nhiên chúng ta sẽ tới chỗ đó, đến chỗ đó thì tự nhiên chúng ta sẽ biết, chứ không nên khởi tâm móng cầu. Tu như vậy thì chúng ta đang đi theo con đường an toàn vậy.

Trong ngày hôm nay có một số vị ở bên Âu Châu, bên Đức gọi qua, người ta nói những lời rất là tha thiết, mà rất là dễ thương, cảm động! Những đạo tràng ở bên Đức, Thụy-Sỹ, Tiệp-Khắc... người ta cũng phát tâm công phu theo như Niệm Phật Đường của chúng ta. Người ta đã tự nhận làm công cứ. Đây cũng là một cái duyên rất hay.

Trở về cách công phu, chúng ta đang hô hào ở tại đây là vận động công cứ. Thì công cứ này hoàn toàn là tự nguyện, không phải bắt buộc. Có thể quý vị lập công cứ ghi điểm cũng được, tức là cầm cái tờ công cứ để ghi số. Hoặc là tự mình lập ra công cứ riêng, ví dụ như một ngày tôi sẽ dành ra ba tiếng đồng hồ để niệm Phật, thì chúng ta cố gắng làm sao dành ra ba tiếng đồng hồ để niệm. Hoặc là, có người nói một ngày tôi niệm ba chục chuỗi... thì đó là công cứ của mình. Cũng giống như có người nói, bây giờ tôi không tính chuỗi, mà tôi tính hơi thở. Cứ nằm xuống thở ra: A-Di-Đà Phật”, thở vô: A-Di-Đà Phật... thì đó cũng công cứ.

Có rất nhiều cách công cứ, mà cái công cứ hay nhất, cụ thể nhất, thường thường bây giờ ở những đạo tràng người ta đang thực hiện, đó chính là làm những cái bảng để ghi nút nút nút vào đó. Khi nhìn vào đó mình biết mức công phu của mình đang đi tới đâu...

Bây giờ ở Việt Nam cũng có rất nhiều đạo tràng cũng đã xin nhận công cứ rồi. Bên Âu Châu, bên các nước khác nữa... Hiện nay chúng tôi đang soạn chương trình để gởi cho họ. Phải viết giấy đàng hoàng, cần dặn dò cẩn thận chứ nhiều khi có nhiều người thường vọng tưởng, tức là khi người ta lập công cứ như vậy thì cứ tưởng rằng mình chứng đắc?! Đây là điều không được đúng!

Xin nhắc nhở lại, công cứ này chỉ giúp cho ta có cái nấc thang để đi, đi cho vững vàng. Chúng ta nên nhớ, là sau cùng ít ra chúng ta cũng niệm cho được mười niệm để vãng sanh. Đây là mức thấp nhất, tệ nhất chứ không phải là cao nhất đâu.

Nếu chúng ta nghĩ rằng, mười niệm dễ quá thì coi chừng bị rớt đài! Chính vì vậy mà Hòa Thượng Tịnh-Không khuyên chúng ta cố gắng công phu để đạt đến Thượng-Phẩm, nếu có trở ngại gì thì cũng rớt xuống Trung-Phẩm. Nếu mà chúng ta cố gắng đạt đến công phu Trung-Phẩm, thì có rớt cũng rớt xuống Hạ-Phẩm, chúng ta cũng được về Tây Phương. Nếu mà chúng ta chỉ đạt cái tiêu chuẩn Hạ-Phẩm thì thường thường là thi rớt. Ví dụ như đi thi, người nào mà chuyên cần học, quyết học cho được đậu cao, thì có thể còn xuống hàng trung trung. Nếu người nào học mà nghĩ rằng đủ rồi, thì nhiều khi vô trong trường thi sẽ quên hết! Trường thi của chúng ta là thi vượt qua sanh tử luân hồi. Lúc lâm chung không phải dễ đâu!...

Để cụ thể hơn, Diệu Âm đưa ra cái công cứ đã soạn ra để phổ biến cho đồng tu tại đây. Chương trình tại đây là như thế này...

Ngoài công phu sáng, tức là ở đây sáng thì từ 5 giờ đến 7 giờ. Quý vị ở nhà có thể thức từ 4 giờ đến 6 giờ, hoặc từ 9 giờ đến 10 giờ, hoặc là tu thêm cũng được... không sao hết. Riêng cách công phu sáng của Niệm Phật Đường chúng ta ở đây đã loan ra nhiều chỗ rồi, vì tu hay mà lại dễ. Vừa niệm Phật, vừa tụng kinh, vừa lạy Phật, lại vừa sám hối, (lạy Phật là sám hối), mà lại được có 30 phút để Tập thể dụcnữa... Trong khóa công phu có cả thế gian pháp và Phật pháp được lồng vào trong đó, có vẻ hay, nên có nhiều người tham gia vào.

Công phu tối như chúng ta đang tu đây và những ngày tu tinh tấn thì không được tính vào công cứ. Mỗi ngày xin quý vị cần thêm công phu niệm Phật. Chúng tôi xin chia ra như thế này...

Nên nhớ rằng, chương trình này đưa ra chỉ để thẩm định công phu thôi, còn quý vị có theo thì theo, không theo thì thôi chứ không ai bắt buộc đâu. Chúng ta có thể tự do quyết định. Tự mỗi chúng ta phải lo lấy huệ mạng của chính mình, không ai có thể lo cho mình được.

Công cứ chúng tôi đưa ra đây như thế này, mỗi ngày:

- Một người niệm từ không niệm câu nào hết cho đến dưới 1.000 câu. Nói về công phu thì thiếu công phu! Không có công phu! Tức là... Sáng có thể tu, chiều có thể tu, mà sau đó thì không chịu niệm Phật. Thì ở đây đánh giá rằng... là người không có công phu, và bản “Thẩm Định” thì cho rằng những người này chưa thật sự muốn vãng sanh. Tại vì nếu là người muốn vãng sanh thì không bao giờ có thời gian rảnh mà lại không chịu niệm Phật!?...

- Cái mức thứ hai là những người niệm từ 1.000 câu Phật hiệu cho đến 4.000 ngàn câu Phật hiệu một ngày. Họ tranh thủ để niệm được như vậy. Thì đây đã có công phu, nhưng mà “Công phu quá yếu”! Phải mau mau tăng thêm công phu. Đây là chiếc xe mới tập lăn, nhưng bị thiếu xăng rồi!... Xe lăn như vậy, sợ rằng đến lúc lâm chung chúng ta sẽ niệm không nổi mười niệm đâu. Đừng nghĩ niệm mười niệm là dễ dàng! Phải tập niệm cho nhập tâm. Nếu niệm không nhập tâm, thì niệm không nổi đâu. Chắc chắn! Vì công phu yếu quá, nên thường thường những thứ thế gian pháp, những chấp trước của thế gian thâm nhập vào tâm mình nhiều quá, đến lúc đó mình chịu không nổi! Xin chư vị có thể chiếu theo cái bản này mà tự nghiên cứu lấy nếu quyết lòng muốn đi về Tây Phương.

- Cái mức thứ ba là người niệm từ mức 5.000 câu cho đến 9.000 câu, dưới 10.000 câu. Thì mức này không gọi là quá yếu, mà gọi là “Yếu!”. Tức là dưới 10.000 câu vẫn là yếu, chưa đủ bảo đảm vãng sanh. Cần nên thêm công phu, không nên nghĩ vậy là đủ. Còn thiếu nhiều lắm!...

- Cái mức thứ tư là người nào niệm được từ 10.000 câu cho đến 14.000 câu, tức là chưa tới 15.000, thì công phu đã có. Công phu này “Được”, không đến nỗi quá yếu. Đây gọi là cái căn bản của người niệm Phật. Những người ví dụ như già quá rồi niệm không nổi nữa, thì cái mức 10.000 câu đến 14.000 câu nên cố gắng trì giữ để cho kịp... vì đã bịnh xuống rồi thì thời gian ra đi cũng không còn lâu nữa đâu, sợ rằng nếu sơ ý thì sau cùng chịu không nổi với nghiệp chướng. Thì ở đây chúng tôi thẩm định về căn bản là “Được”, và có thể tiếp tục giữ cái mức này dài lâu, không sao hết. Quan trọng là lòng chân thành của mình và cần nhờ ban hộ niệm tới giúp đỡ thì mình cũng có khả năng vãng sanh, nhưng mà cũng không chắc chắn lắm.

- Cái mức thứ năm là từ 15.000 câu cho đến 19.000 câu, tức là dưới 20.000 câu. Thì ở đây chúng tôi đánh giá là “Khá”. Những người nào mà niệm trên 15.000 câu, chưa tới 20.000 câu thì cũng được đánh giá là khá và có thể tiếp tục giữ cái mức này càng lâu càng tốt. Có thể giữ cho đến lúc lâm chung cũng được, và đây là điều đáng khuyến khích.

- Một cái mức nữa là những người niệm từ 20.000 câu cho đến 24.000 câu. Mức này được đánh giá là Giỏi. Xin chư vị khi niệm như vậy đừng nên quá trọng về số lượng, coi chừng khi mình coi trọng về số lượng thì niệm không rõ, niệm không vững, thì chủng tử A-Di-Đà Phật đi vào tâm của mình rất là yếu. Niệm như vậy cũng không có thể gọi là tốt được.

Mình phải thành thực với chính mình. Niệm phải niệm cho thật rõ ràng, dù nhanh cũng phải rõ ràng, dù lúc niệm thầm cũng phải rõ ràng từng câu từng câu. Chứ đừng nên ham số lượng nhiều quá! Về số lượng giấy tờ thì giỏi đó, nhưng về công lực thì yếu, cũng không nên. Hy vọng là những mức này có thể giúp cho chư vị tỉnh táo được cho đến lúc lâm chung. Nhất là khi được hộ niệm nữa thì đường vãng sanh không đến nỗi nào mà bi ai lắm.

- Còn những người niệm từ 25.000 câu trở lên. Là những người Đặc biệt”, “Giỏi, rất là Đáng khen. Nhưng xin thưa với chư vị là phải tập tùy sức mà niệm. Nếu mà mình niệm thấy từ 25.000 câu đến 30.000 câu mà thoải mái, pháp hỷ sung mãn thì chúng ta nên tiếp tục. Còn nếu mà mình cố gắng quá sức, làm cho mình bỏ ăn bỏ uống, làm cho mình xuống sức khỏe... thì chúng ta có thể chậm chậm lại một chút để giữ cho được cái mức quân bình vừa cả tâm lẫn thân mới tốt…

Những người niệm từ 25.000 câu trở lên được gọi là Đặc biệt, quá đặc biệt, thuộc vào hàng Giỏi, Tinh tấn. Xin nhắc nhở lại, là cần phải tùy sức đừng nên quá sức. Tại vì cố gắng quá sức cũng có thể dễ bị trở ngại!...

Đây là những cái mức chúng tôi đưa ra, xin quý vị có thể nhìn vào cái bản “Thẩm Định” này mà tự xét lấy mình. Nếu chúng ta quyết lòng nhất định đi về Tây Phương thì phải cố gắng, tự mình cố gắng, đừng có ỷ lại vào một cái gì hết. Thấy một người đó mê man bất tỉnh trong bệnh viện, đừng bao giờ nghĩ rằng mình không đến nỗi như vậy. Hòa Thượng Tịnh-Không nói, nghiệp chướng thì ai cũng có, bây giờ nó chưa có cái duyên, nó chưa có cái dịp trổ ra đó thôi, khi mà nó trổ ra rồi thì coi chừng nghiệp của mình còn nặng hơn người khác nữa mà không hay đó!...

Mong chư vị nghĩ đến huệ mạng ngàn đời ngàn kiếp, cố gắng tinh tấn tu hành. Mong cho tất cả chúng ta đều được thành tựu viên mãn...

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

 

HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

     Nguyện đem công đức này:

     Hồi hướng cho thập phương pháp giới chúng sanh, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ, cầu nguyện thế giới hoà bình, tiêu tai giải nạn.

     Hồi hướng cho lịch đại kiếp số oán thân trái chủ, tất cả chúng sanh đã bị con não loạn hoặc giết hại vì bất cứ lý do gì. Hôm nay con xin thành tâm sám hối. Nguyện cầu chư vị xoá bỏ hận thù, hộ pháp cho nhau, đồng lòng niệm Phật, đồng nguyện vãng sanh, đồng sanh Cực Lạc.

     Hồi hướng cho tất cả thân bằng quyến thuộc trong vô lượng kiếp, dù đang ở trong bất cứ cảnh giới nào, đều được cảm ứng, phát lòng Tín-Nguyện-Hạnh Niệm Phật, siêu sanh Tịnh-Độ.

     Hồi hướng cho tất cả thân bằng quyến thuộc đang hiện tiền, nghiệp chướng tiêu trừ, phước lành tăng trưởng, phát khởi tín tâm, niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, và đều được thành tựu.

     Hồi hướng cho tất cả chúng sanh có duyên hay không có duyên với con, sau cùng đều được vãng sanh Cực Lạc Quốc.

     Hồi hướng về Tây Phương trang nghiêm Tịnh-Độ. Nguyện khi con lâm chung, không còn chướng ngại, biết trước ngày giờ, tâm hồn tỉnh táo, thấy A-Di-Đà Phật, Quán-Âm, Thế-Chí, Thanh-Tịnh-Đại-Hải-Chúng, tướng hảo quang minh, hiện thân tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc.

     Nguyện hoa nở thấy Phật ngộ Vô-Sanh, nguyện chứng đắc Vô-Thượng Bồ-Đề, nguyện độ vô biên chúng sanh trong mười phương pháp giới vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, viên thành Phật đạo.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Xem mục lục