Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục



11. Ảo tưởng về thuốc lá không nicotin

"Nghe nói người ta đã sản xuất được thuốc lá không nicotin, có đúng không? Được vậy, dân ghiền chúng tôi đỡ lo bệnh tật biết mấy!".

Hãng sản xuất thuốc lá Vector Group của Mỹ vừa được cấp giấy phép bán một loại thuốc lá đã biến đổi gene mang tên Omini-Free, được giới thiệu là hầu như không chứa nicotin, không làm người hút phụ thuộc vào chất này. Mới nghe, tưởng là một cuộc cách mạng làm cho dân nghiện thuốc lá phấn chấn không còn lo chết non, còn những ai đang "tập tọe" hút thì yên trí đốt tiền mà không sợ nghiện vì... "bỏ hút dễ ợt!"

Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Trong thập niên 1950, thuốc lá không nicotin (xử lý bằng cách nhúng vào ammoniac để tẩy rửa) đã từng xuất hiện mà đại diện là thuốc lá điều Gauloises màu xanh của Pháp. Nhưng chỉ ít lâu sau, loại thuốc này đã rơi vào quên lãng vì hút vào chỉ thấy có hơi nóng và mùi rơm khô, không mê nổi.

Trong điếu thuốc lá ngày nay, các nhà sản xuất thêm vào nhiều phụ gia khác. Do đó, ngoài chất nicotin, người ghiền còn phụ thuộc vào các phụ gia tạo mùi vị này, và rất khó bỏ.

Thuốc lá chuyển gene chứa ít nicotin thì người phụ thuộc chất này phải hút nhiều hơn mới "đã", sẽ tốn thêm nhiều tiền, và nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn!

Vì sao vậy? Vì thuốc lá không nicotin vẫn tỏa khói, vẫn chứa oxyt carbon và các chất hắc ín như thuốc lá thường, nghĩa là vẫn chứa đầy đủ các nguy cơ gây ung thư.

12. Liệu có cai được thuốc lá không?

"Ba em có sức khỏe, làm nghề thợ mộc kiếm được khá tiền, nhưng lại hút thuốc lá dữ quá, đã cai mấy lần nhưng rồi nghiện lại. Có cách gì giúp ba em cai thuốc lá không?".

Nhiều người nghiện biết thuốc lá nguy hại nên cũng cố cai vài ba lần, nhưng cuối cùng vẫn hút lại. Ở phương Tây có các thuốc cai thuốc lá dạng uống, dạng cao dán cho thuốc ngấm qua da, nhằm làm cho người cai nghiện không có cảm giác khó chịu. Thực tế đó cũng chỉ là chất nicotin mà thôi.

Nếu tiến hành cai nghiện, người hút thuốc sẽ phải trải qua hai giai đoạn tiếp nối nhau.

- Giai đoạn mới bỏ hút (khoảng 3-4 tháng), người cai nghiện bị ảnh hưởng mạnh về thể chất, do đó cần đến sự hỗ trợ của nicotin. Chính trong giai đoạn này, người nào quyết tâm cao sẽ có điều kiện tìm ra những hoạt động có lợi để bỏ hẳn hút.

- Giai đoạn củng cố: Người cai không còn lệ thuộc thuốc, nhưng vẫn cần có ý chí để xa lánh những cám dỗ có thể làm nghiện lại.

Mới đây, các nhà khoa học đã khám phá ra tác dụng cai nghiện của một loại thuốc lâu nay vẫn dùng để trị chứng trầm cảm, đó là chất Bupropion (tên thương mại: Zyban). Bupropion ngăn chặn hiện tượng tái hấp thu dopamin (nguồn gốc của sự lệ thuộc vào nicotin). Khi phối hợp Bupropion với chất nicotin, kết quả cai nghiện tăng gấp rưỡi so với dùng nicotin đơn thuần. Australia và Mỹ đang cho sử dụng rộng rãi biện pháp phối hợp này. Tuy nhiên, hiệu quả của nó cũng chỉ là 60% (40% còn lại là những người thiếu nghị lực).

Nếu ba em có quyết tâm, thì hãy thử lại một lần nữa với biện pháp nào trước đây đã giúp mình "sắp bỏ được" thuốc lá. Lần này hãy cương quyết xa lánh những môi trường hút hít. Mẹ em nên làm một ít mứt gừng thật ngon để ông nhấm nháp khi buồn miệng. Em nên nhắc thêm ba rằng, nhiều người nghiện lâu năm đã bỏ hẳn được thuốc lá mà không tốn một xu, vì họ có quyết tâm cao.

13. Tập võ, tập xiếc có hại gì không?

"Có phải việc tập võ hay tập xiếc sẽ ảnh hưởng đến buồng trứng, tinh hoàn, gây vô sinh?".

Bản thân em hoặc bạn trai của em muốn học võ hay chọn ngành xiếc? Xin cứ yên trí. Nhiều gia đình nghệ sĩ xiếc hoặc võ sư đã và đang phải hết sức "kế hoạch hóa gia đình" đấy.

Chỉ cần chú ý khi đánh võ, nam giới đừng để cho đấu thủ nện trúng "của quý". Khi luyện các tiết mục xiếc, cả nam lẫn nữ đều phải tuân thủ các quy tắc an toàn, không để xảy ra điều gì nguy hiểm cho tính mạng nói chung và cho bộ máy sinh sản nói riêng.

14. Có nhất thiết phải khởi động trước khi tập thể thao?

"Trước khi làm các động tác thể dục thể thao, có nhất thiết phải khởi động không (em không khởi động mà chẳng việc gì)?".

Chắc em chỉ làm những động tác không nặng lắm, nếu không thì đã bị tổn thương dây chằng hoặc cơ bắp. Có vận động viên chơi tennis, chỉ một lần vội vàng không khởi động nên ngay cú nhảy đầu tiên để vụt bóng, anh ta đã bị chảy máu bên trong cẳng chân (do tổn thương một số thớ cơ), không bước được nữa. Anh ta phải chữa chạy đủ cách suốt mấy tháng trời mới đỡ đau và đỡ sưng nề. Em chớ chủ quan, nếu không thì "đi đêm có ngày gặp ma".

Ngoài việc làm cho các cơ và dây chằng từ chỗ đang nghỉ ngơi quen dần với cường độ hoạt động cao, các động tác khởi động còn giúp cho hệ hô hấp và hệ tuần hoàn quen dần với mức đáp ứng cao về sau, không bị đột ngột (nhịp thở và nhịp tim tăng).

Em cũng cần nhớ, ngay sau khi tập xong, không được đứng lại hoặc ngồi, trái lại phải bước đi, khi nhịp thở trở lại bình thường mới ngồi nghỉ và nếu khát thì uống từ từ một lượng nước vừa phải.

15. Tại sao như vậy?

"Tại sao sau khi ngồi xổm để làm việc gì đó, lúc đứng lên em hay bị chóng mặt, sau vài giây thì hết? Em đi khám thì ông thầy lang cho biết bị bệnh thận. Có đúng vậy không, cách chữa ra sao?".

Hãy quan sát người phương Tây khi họ có việc gì đó phải ngồi xuống đất: Bao giờ họ cũng thẳng lưng, giữ tư thế một chân co một chân duỗi thay phiên nhau, hoặc hai gót chân cùng nhón lên giữ cho hai đầu gối hơi "nhấp nhổm" như lò xo, nghĩa là vẫn vận động, máu vẫn lưu thông. Tuy nhiên, ít khi họ dùng tư thế gò bó đó.

Còn tư thế ngồi xổm của ta (bó gối bất động trước ngực, cong lưng lại) gây cản trở lưu thông máu từ hai chi dưới trở về tim. Hiện tượng chóng mặt trong "vài giây" của em có thể giải thích như sau: Trong tư thế ngồi xổm, tuy tổng lượng máu lưu thông bị giảm (do máu ứ lại ở hai chi dưới), nhưng tim vẫn đảm bảo được đủ máu cho não, vì áp lực cột máu đã giảm do giảm chiều cao. Nhưng lúc ta đột ngột đứng lên, áp lực cột máu tăng vọt đột ngột, tim chưa kịp đối phó, không kịp cung cấp đủ máu ngay cho não, khiến não rơi vào tình trạng thiếu máu nhẹ nhất thời (biểu hiện là chóng mặt, xây xẩm mặt mày, thậm chí người chao đảo muốn ngã). Ngay sau đó, nhanh hay chậm tùy trường hợp, tim lại thích ứng được và coi như không có chuyện gì xảy ra.

(Em có thể kiểm chứng giải thích trên đây bằng cách ngồi xổm trên giường một lúc, rồi không đứng lên mà nằm duỗi chân; em sẽ không thấy chóng mặt, do áp lực cột máu chẳng những không tăng mà còn giảm xuống khi nằm).

Như vậy, ta thấy tư thế ngồi xổm tuy "cổ truyền" thật nhưng lại thiếu khoa học và có hại. Em có thể bắt chước người phương Tây trong tư thế này. Tốt hơn hết là dùng ghế thấp để khỏi bị các ông lang vườn phán là "bệnh thận".

16. Khiêng vác nặng hại cột sống

"Cháu là con trai, 17 tuổi. Bố mẹ, anh chị cháu và cả cháu thường xuyên phải khiêng những bao hàng nặng từ 50 đến 75 kg. Hiện cả nhà cháu ai cũng kêu đau lưng. Cháu đi khám thì bác sĩ nghi là có bệnh thận. Xin cho biết có đúng là việc khiêng vác nặng như vậy dễ gây bệnh thận không?".

Việc khiêng vác nặng rất có hại cho cột sống và khối cơ ở vùng lưng, nhất là đối với tuổi đang lớn như cháu. Gia đình cháu nên bàn nhau tự tạo ra hoặc sắm một dụng cụ chuyên chở tại chỗ (như kiểu của hành khách tại sân bay), không tốn kém mấy đâu.

Chắc chắn tình trạng đau lưng của gia đình cháu là do mang vác nặng gây nên. Chẩn đoán "bị bệnh thận" ở cháu là thiếu cơ sở. Không thấy cháu nói là có các triệu chứng bệnh của bộ máy tiết niệu, cho nên thận của cháu chắc không việc gì đâu (nếu bị sỏi thận hoặc sỏi niệu quản thì phim X-quang hay siêu âm sẽ cho thấy hình sỏi; nếu bị viêm cầu thận thì trong nước tiểu sẽ có trụ hình hạt).

17. Chỉ có thổi ngạt và xoa bóp tim

"Chúng em sắp được đi trại hè vùng biển, phần đông không biết bơi. Nếu chẳng may có ai bị chết đuối thì xử trí ra sao?".

Nếu ban tổ chức trại hè quản lý tốt, có đủ các biện pháp dự phòng và các em biết vâng lời thì chắc chắn sẽ không xảy ra chuyện chết đuối. Nhưng các em cũng cần nắm được phương pháp cứu chữa để phòng xa. Ngay sau khi người chết đuối được vớt lên, ta phải hết sức nhanh chóng làm mấy thao tác sau đây:

- Dốc ngược đầu và xóc mạnh, vỗ mạnh vào lưng, giúp cho nước trong phổi ộc hết ra.

- Ngay sau đó, đặt nạn nhân lên một nền cứng (ván thuyền, sân, nền nhà...), đầu nghiêng hẳn sang một bên (để ngăn không cho gốc lưỡi tụt về phía sau làm tắc đường thở), lau nhanh cát hoặc dãi trong mũi miệng, lấy răng giả ra nếu có (để khỏi rơi vào khí quản), và thực hiện hai động tác căn bản: thổi ngạt (thổi thực sự chứ không phải chỉ "hà hơi") và xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

Tùy theo số người tham gia cứu chữa mà cách tiến hành có khác chút ít:

1. Chỉ có 1 người cứu chữa

- Quỳ phía đầu của nạn nhân, hai bàn tay chồng lên nhau (để đủ khỏe), đè thật mạnh lên cuối xương ức, làm sao cho xương ức lún xuống dưới tay mình, xong nhấc tay lên ngay. Vùng này nằm trước tim, xương sườn toàn bằng sụn, nên khi nó lún xuống thì tim bị bóp và sẽ đẩy máu đi; khi ta nhấc tay, tim lại nở ra và thu nhận máu, chờ tay ta đè tiếp. Làm 10 lần liền, với tần số khoảng 90 lần/phút.

- Ngay sau đó, ráng hít vào hết sức (để cho phổi mình chứa một lượng không khí gấp đôi bình thường), vẫn giữ cho đầu nạn nhân nghiêng sang bên, lấy tay bóp cho miệng nạn nhân khép lại và ngậm lấy mũi, thổi thật sâu, thật mạnh (kinh nghiệm cho thấy ngậm vào mũi để thổi dễ hơn là ngậm vào miệng), sao cho ngực nạn nhân phồng lên hạ xuống. Thổi xong thì để miệng nạn nhân há ra, lưỡi kéo ra ngoài cho không khí tự động trở ra. Thao tác như vậy 5 lần liên tiếp, với tần số khoảng 25 lần/phút, và lần nào cũng phải ráng hít vào thật sâu. (Trường hợp nạn nhân bé hơn mình nhiều, có thể bịt mũi nạn nhân lại để thổi vào mồm).

Khẩn trương xen kẽ hai thao tác này, không ngưng nghỉ. Nếu thấy có dãi, phải nhanh chóng lau sạch trước mỗi lần thổi để đường thở được thông, nhưng không để mất thời gian. Vì bộ não chỉ thiếu ôxy trong 5-6 phút là chết vĩnh viễn, nạn nhân sẽ không còn tri giác.

2. Có 2 người cứu chữa

- Một người quỳ bên trái, đối mặt với nạn nhân, xoa bóp tim.

- Một người quỳ ở phía đầu, tiến hành thổi ngạt.

3. Có 3 người trở lên cứu chữa

- Người thứ ba nâng cao hai chi dưới, để giúp cho máu dễ dàng trở về tim.

- Người thứ tư giúp mở miệng nạn nhân và kéo lưỡi ra ngoài vào lúc thở ra.

- Những người khác quan sát cách làm để sẵn sàng thay thế.

Việc cứu chữa phải kiên trì, liên tục ngay cả trong khi vận chuyển nạn nhân tới trung tâm hồi sức. Người bị ngạt nước quá 5-6 phút vẫn có hy vọng cứu sống, vì nhiệt độ thấp của nước đã giúp kéo dài thêm thời gian chịu đựng của vỏ não. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, do có phản xạ khép kín dây thanh đới nên nước không tràn vào phổi; nạn nhân không chết đuối mà chỉ bị ngạt thở. Não tuổi này lại có khả năng thích ứng cao. Nhờ vậy, đã có trường hợp trẻ bị chìm trong nước suối 2 giờ mà vẫn được cứu sống và sau đó phát triển bình thường.

18. Muỗi đốt

"Tại sao mùa xuân lắm muỗi? Khi bị muỗi đốt, cháu thấy nổi lên một nốt bằng hạt bưởi đỏ lừ, khoảng vài giờ sau thì tan. Như vậy da có bị ảnh hưởng không?".

Không cứ gì mùa xuân. Hễ tiết trời hết lạnh là loài muỗi sinh sản nhanh và hoạt động mạnh.

Khi muỗi đốt, nó phóng ra chất làm giãn mạch và làm cho máu chậm đông. Chỗ đốt bị sưng, ngứa là do huyết tương thoát khỏi thành mạch, thâm nhập vào các mô ở vùng đó. Phải một thời gian sau, các mô này mới xử lý hết hậu quả, và nói chung không còn dấu vết gì. Nếu muỗi mang vi khuẩn độc, bệnh nhân sẽ có hiện tượng nhiễm khuẩn cấp (sưng nề tại chỗ, sốt, thậm chí mưng mủ ở vết đốt).

Muỗi vằn còn truyền bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B; muỗi anophen truyền bệnh sốt rét. Vì vậy, về đêm, trong khi ăn cơm, xem tivi, nghe đài, học hành..., cả gia đình nên dùng hương muỗi hoặc bôi kem chống muỗi lên những vùng da để ngỏ (mặt, cổ, tai, bàn chân...). Khi dùng kem, nhớ đừng bỏ sót một vùng nhỏ nào, bởi vì bọn muỗi sẽ tranh nhau đổ bộ vào vùng an toàn. Nếu cháu thường xuyên học khuya thì nên thu xếp ngồi trong màn.

Để bớt muỗi, nhà ở phải có nhiều ánh sáng; loại bỏ bớt những vật dụng ở gầm giường, gầm bàn. Về chiều, cần mở toang tất cả cửa (muỗi đực và muỗi cái thường giao hoan vào lúc nhá nhem tối) và lên đèn muộn, sau khi đã đóng kín cửa hoặc hạ các mành xuống (mành chống muỗi rất tốt). Cần phát quang cây bụi xung quanh nhà.

19. Nên cởi trần hay mặc áo?

"Trời nóng, em nên ở trần hay mặc quần cộc, áo lót?".

Một số khá đông người có thói quen ở trần thường xuyên vào mùa hè. Một số khác, dù trời nóng đến đâu, cũng quần áo chỉnh tề. Đó là do thói quen. Nhưng nếu phân tích khoa học, em sẽ thấy bên nào lợi hơn:

- Càng ngày, nhân loại càng sợ tác dụng có hại của tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời, trước hết là đối với làn da. Chưa nói đến chuyện phồng rộp do phơi nắng nhiều, nếu cứ ra nắng thường xuyên, các tế bào da sẽ chóng già lão. Ở nhiều thành phố, phần đông người đẹp khi ra đường đều trùm mặt bằng đủ thứ mạng và đeo găng dài lên giữa cánh tay. Họ phải làm như vậy để trốn ông mặt trời, mới mong trẻ được lâu.

- Nếu mặc quần áo (nhất là bằng vải bông), mồ hôi thấm ướt sẽ bay hơi từ từ, làm cho nhiệt độ tại chỗ hạ xuống, tạo mát. Quần áo che chắn ánh sáng, côn trùng, bụi bặm (kể cả bụi hóa chất)...

- Mặc quần áo thì có điều phiền là phải năng tắm giặt, không nhàn bằng những người "mặc áo da"; nhưng khi có ai đến nhà thì khỏi phải chạy vội đi mặc hoặc cứ xuề xòa ở trần, phơi cả rốn ra mà tiếp khách!

20. Kem chống nắng không bảo vệ được da

"Chúng tôi cũng biết tia nắng có hại, nhưng vẫn thích phơi nắng thật nhiều khi đi tắm biển. Gia đình tôi ở nước ngoài vừa gửi cho mấy loại kem chống nắng, nói là loại tốt nhất. Chúng tôi có nên bôi kem đều và tắm nắng cho "đã" không?".

Trước đây, nhiều người cũng đặt niềm tin tuyệt đối vào các loại kem chống nắng vẫn được quảng cáo rầm rộ. Năm 1995, nhà nghiên cứu H. Luther thuộc đại học tổng hợp Ruhr (Đức) đã thu được những bằng chứng về sự vô hiệu của kem chống nắng, kể cả những loại được quảng cáo là hiệu quả nhất. Nhưng bà đã phải giữ im lặng, mãi đến năm 1998 mới công bố trong một hội thảo quốc tế. Tại hội thảo này, Marianne Berwick (Trung tâm ung thư S-K tại New York) cũng đưa ra những cứ liệu vững chắc bác bỏ huyền thoại "hữu hiệu", "an toàn"... của tất cả các loại kem chống nắng. Luận điểm của bà được nhiều nhà khoa học các nước ủng hộ: Các loại kem chống nắng đang lưu hành không có chút tác dụng bảo vệ da nào; và số liệu thí nghiệm mà các hãng bào chế trưng ra trước đây chỉ là kết quả trong ống nghiệm, chứ không phải kết quả thu được trên cơ thể sống. Đã thế, kem chống nắng còn có hại khiến người ta phơi nắng "vô tư" để rồi gánh chịu những liều tia tử ngoại rất lớn.

Một nghiên cứu dài ngày trên 631 trẻ em cho thấy, ở những em thường xuyên bôi kem chống nắng, nguy cơ mắc u hắc tố ác tính cao gấp đôi những em không bôi và vẫn ra nắng ở mức độ bình thường.

Đến đây, chắc các bạn cũng thấy mọi huyền thoại về "kem chống nắng" đã vĩnh viễn chấm dứt, và sẽ lo bảo vệ da của mình tốt hơn. Bởi vì trong ánh nắng mặt trời có ba loại tia gây hại: Tia tử ngoại B (UVB) đánh thẳng vào rốn di truyền của các tế bào; tia tử ngoại A (UVA) đi sâu vào các lớp trong của da và gián tiếp làm tổn thương ADN của tế bào; còn tia hồng ngoại thì làm gia tăng sức phá hoại của các tia tử ngoại. Ngoài ra, các tia tử ngoại còn làm cho hệ thống miễn dịch của da bị suy yếu rõ rệt: chỉ cần phơi nắng một lần, da sẽ phải mất ít nhất 3 tuần để phục hồi sức đề kháng của nó. Vì vậy, vào mùa hè, ta thường hay bị chốc lở, mụn rộp.

Xem mục lục