Câu hỏi: Quá khứ có thể tan biến ngay tức khắc, hay nó luôn luôn cần đến thời gian?
Krishnamurti: Chúng ta là kết quả của quá khứ. Tư tưởng của chúng ta được hình thành dựa vào ngày hôm qua và nhiều ngàn ngày hôm qua. Chúng ta là kết quả của thời gian, và những phản ứng của chúng ta, những thái độ hiện tại của chúng ta, là ảnh hưởng chồng chất của nhiều ngàn khoảnh khắc, những biến cố và những trải nghiệm. Vì vậy đối với đa số chúng ta, quá khứ là hiện tại, mà là một sự kiện không thể chối cãi. Bạn, những suy nghĩ của bạn, những hành động của bạn, những phản ứng của bạn, là kết quả của quá khứ. Lúc này, người hỏi muốn biết liệu quá khứ đó có thể được tan biến ngay tức khắc, mà có nghĩa không ở trong thời gian nhưng ngay tức khắc được xóa sạch; hay cái trí cần đến thời gian để thoát khỏi quá khứ chồng chất này và được tự do sống trong hiện tại? Hiểu rõ câu hỏi này rất quan trọng, mà là như thế này: vì mỗi người chúng ta là kết quả của quá khứ, cùng một nền tảng của vô số những ảnh hưởng, đang liên tục thay đổi, đang luôn luôn biến đổi, liệu có thể xóa sạch nền tảng đó mà không trải qua qui trình của thời gian?
Quá khứ là gì? Chúng ta có ý gì qua từ ngữ quá khứ? Chắc chắn chúng ta không có ý, quá khứ tuần tự theo đồng hồ. Chúng ta có ý, chắc chắn, những trải nghiệm được tích lũy, những phản ứng, những kỷ niệm, những truyền thống, hiểu biết được tích lũy, kho lưu trữ tầng ý thức bên trong của vô số những tư tưởng, những cảm thấy, những ảnh hưởng và những phản ứng. Bằng nền tảng đó, liệu có thể hiểu rõ sự thật, bởi vì sự thật phải không thuộc thời gian: nó là không-thời gian. Vì vậy người ta không thể hiểu rõ cái không-thời gian bằng một cái trí mà là kết quả của thời gian. Người hỏi muốn biết liệu có thể làm tự do cái trí, hay cho phép cái trí, mà là kết quả của thời gian, không-hiện diện ngay tức khắc; hay người ta phải trải qua một chuỗi dài của những tìm hiểu và những phân tích và nhờ vậy làm tự do cái trí khỏi nền tảng của nó.
Cái trí là nền tảng; cái trí là kết quả của thời gian; cái trí là quá khứ, cái trí không là tương lai. Nó có thể tự-chiếu rọi chính nó vào tương lai và cái trí sử dụng hiện tại như một con đường vào tương lai, vì vậy nó – dù nó làm gì chăng nữa, dù hoạt động của nó, hoạt động quá khứ của nó, hoạt động hiện tại của nó, hoạt động tương lai của nó là gì chăng nữa – vẫn còn trong mạng lưới của thời gian. Liệu cái trí có thể kết thúc hoàn toàn, liệu qui trình của tư tưởng có thể kết thúc? Bây giờ, chắc chắn có nhiều tầng của cái trí; điều gì chúng ta gọi là ý thức có nhiều tầng, mỗi tầng trao đổi với tầng khác, mỗi tầng phụ thuộc vào tầng khác, vận hành hỗ tương; toàn ý thức của chúng ta không những đang trải nghiệm nhưng còn đang đặt tên và đang quy định, và đang lưu trữ như ký ức. Đó là toàn qui trình của ý thức, đúng chứ?
Khi chúng ta nói về ý thức, chúng ta có ý là trải nghiệm, đặt tên hay quy định trải nghiệm đó và qua đó lưu trữ trải nghiệm đó trong ký ức, đúng chứ? Tất cả việc này, ở những mức độ khác nhau, là ý thức. Liệu cái trí mà là kết quả của thời gian, có thể trải qua qui trình của phân tích, từng bước một, với mục đích để làm tự do chính nó khỏi nền tảng, hay liệu nó có thể được tự do khỏi thời gian một cách tuyệt đối và nhìn ngắm sự thật một cách trực tiếp?
Muốn được tự do khỏi nền tảng, nhiều người phân tích nói rằng bạn phải tìm hiểu mỗi phản ứng, mỗi phức tạp, mỗi cản trở, mỗi bủa vây, mà rõ ràng hàm ý một qui trình của thời gian. Điều này có ý, người phân tích phải hiểu rõ điều gì anh ấy đang phân tích, và anh ấy không được diễn giải sai lầm điều gì anh ấy đang phân tích. Nếu anh ấy diễn giải sai lầm điều gì anh ấy đang phân tích, nó sẽ dẫn anh ấy đến những kết luận sai lầm và thế là thiết lập một nền tảng khác. Người phân tích phải có thể phân tích những suy nghĩ và những cảm thấy của anh ấy mà không có một sai lệch nhỏ nhiệm; và anh ấy không bỏ sót một bước nào trong sự phân tích của anh ấy, bởi vì thực hiện một bước sai lầm, tạo ra một kết luận sai lầm, là tái thiết lập một nền tảng theo một phương hướng khác hẳn, trên một mức độ khác hẳn. Vấn đề này cũng nảy sinh: liệu người phân tích khác biệt điều gì anh ấy phân tích? Người phân tích và điều được phân tích không là một hiện tượng kết hợp hay sao?
Chắc chắn người trải nghiệm và trải nghiệm là một hiện tượng kết hợp; chúng không là hai qui trình tách rời, vì vậy trước hết chúng ta hãy thấy sự khó khăn của phân tích. Hầu như không thể phân tích toàn nội dung của ý thức chúng ta, và vì vậy được tự do nhờ vào qui trình đó. Rốt cuộc, ai là người phân tích? Người phân tích không khác biệt, mặc dù anh ấy có lẽ nghĩ rằng anh ấy khác biệt, với sự việc mà anh ấy đang phân tích. Anh ấy có lẽ tự-tách rời chính anh ấy khỏi sự việc anh ấy phân tích, nhưng người phân tích là bộ phận của sự việc anh ấy phân tích. Tôi có một suy nghĩ, tôi có một cảm thấy – ví dụ, tôi tức giận. Người mà phân tích sự tức giận vẫn còn là bộ phận của sự tức giận, và thế là người phân tích cũng như vật được phân tích là một hiện tượng kết hợp, chúng không là hai lực lượng hay hai qui trình tách rời. Vì vậy sự khó khăn của phân tích về chính chúng ta, tháo gỡ, theo dõi về chính chúng ta từ trang này sang trang khác, canh chừng mỗi phản ứng, mỗi đáp trả, là mất thời gian và gian lao vô cùng. Vì vậy đó không là cách để làm tự do chúng ta khỏi nền tảng quá khứ, đúng chứ? Phải có một cách trực tiếp nhiều hơn, đơn giản nhiều hơn, và đó là điều gì bạn và tôi sẽ tìm ra. Với mục đích tìm ra, chúng ta phải loại bỏ điều giả dối và không bám vào nó. Thế là, sự phân tích không là phương cách, và chúng ta phải được tự do khỏi qui trình của phân tích.
Vậy thì bạn đã còn lại cái gì? Bạn quen với sự phân tích, phải không? Người quan sát đang quan sát – người quan sát và vật được quan sát là một hiện tượng kết hợp – người phân tích đang cố gắng phân tích cái anh ấy quan sát sẽ không làm tự do anh ấy khỏi cái nền tảng quá khứ của anh ấy. Nếu điều đó là như thế, và đúng là như vậy, bạn buông bỏ cái qui trình đó, đúng chứ? Nếu bạn thấy nó là một phương cách giả dối, nếu bạn nhận ra không chỉ bằng từ ngữ nhưng thực sự nó là một qui trình giả dối, vậy thì điều gì xảy ra cho sự phân tích của bạn? Bạn ngừng phân tích, phải không? Vậy thì bạn đã còn lại cái gi? Nhìn ngắm, theo sát nó, và bạn sẽ thấy người ta có thể được tự do khỏi nền tảng quá khứ mau lẹ và nhanh chóng biết chừng nào. Nếu đó không là phương cách, bạn còn lại cái gì nữa? Trạng thái của cái trí mà quen thuộc với sự phân tích, tìm hiểu, tìm kiếm, phân loại, rút ra những kết luận và vân vân là gì? Nếu qui trình đó đã kết thúc, trạng thái cái trí của bạn là gì?
Bạn nói rằng cái trí trống không. Hãy tiến tới sâu thêm nữa vào cái trí trống không đó. Nói cách khác, khi bạn loại bỏ cái gì được biết như giả dối, điều gì đã xảy ra cho cái trí của bạn? Rốt cuộc bạn đã loại bỏ cái gì? Bạn đã loại bỏ qui trình giả dối mà là kết quả của một nền tảng. Không phải như thế hay sao? Đột nhiên, như nó đã là, bạn đã loại bỏ toàn sự việc. Thế là cái trí của bạn, khi bạn loại bỏ qui trình phân tích cùng tất cả những hàm ý của nó và thấy nó như giả dối, được tự do khỏi ngày hôm qua và thế là có thể nhìn ngắm trực tiếp, không-trải qua qui trình của thời gian, và thế là loại bỏ nền tảng ngay tức khắc.
Đặt toàn câu hỏi này theo cách khác, suy nghĩ là kết quả của thời gian, phải không? Suy nghĩ là kết quả của môi trường sống, của những ảnh hưởng thuộc xã hội và tôn giáo, mà tất cả là bộ phận của thời gian. Bây giờ, liệu suy nghĩ có thể được tự do khỏi thời gian? Đó là, suy nghĩ là kết quả của thời gian, liệu nó có thể ngừng lại và được tự do khỏi qui trình của thời gian? Suy nghĩ có thể được kiểm soát, được định hình; nhưng sự kiểm soát suy nghĩ vẫn còn trong lãnh vực của thời gian và vì vậy khó khăn của chúng ta là: làm thế nào một cái trí mà là kết quả của thời gian, của nhiều ngàn hay hôm qua, ngay tức khắc có thể được tự do khỏi nền tảng phức tạp này? Bạn có thể được tự do khỏi nó, không phải ngày mai nhưng trong hiện tại, trong ngay lúc này. Việc đó có thể thực hiện được chỉ khi nào bạn nhận ra điều giả dối; và chắc chắn điều giả dối là qui trình phân tích, và đó là qui trình duy nhất mà chúng ta có. Khi qui trình phân tích này hoàn toàn kết thúc, không phải qua sự ép buộc nhưng qua hiểu rõ sự giả dối không tránh khỏi của qui trình đó, vậy thì bạn sẽ phát hiện rằng cái trí của bạn tuyệt đối được tách khỏi quá khứ – mà không có nghĩa rằng bạn không nhận ra quá khứ, nhưng rằng cái trí của bạn không có sự hiệp thông trực tiếp cùng quá khứ. Thế là nó có thể tự-giải thoát chính nó khỏi quá khứ ngay tức khắc, ngay lúc này, và sự tách khỏi quá khứ này, sự tự do hoàn toàn khỏi ngày hôm qua này, không phải theo tuần tự đồng hồ nhưng theo tâm lý, là điều có thể xảy ra được; và đó là cách duy nhất để hiểu rõ sự thật.
Trình bày nó một cách rất đơn giản, khi bạn muốn hiểu rõ cái gì đó, trạng thái cái trí của bạn là gì? Khi bạn muốn hiểu rõ người con của bạn, khi bạn muốn hiểu rõ người nào đó, điều gì đó mà người khác đang nói, trạng thái cái trí của bạn là gì? Bạn không đang phân tích, không đang phê bình, không đang nhận xét điều gì người khác đang nói; bạn đang lắng nghe, đúng chứ? Cái trí của bạn ở trong một trạng thái nơi qui trình của suy nghĩ không còn năng động nhưng rất tỉnh táo. Sự tỉnh táo đó không thuộc thời gian, đúng chứ? Bạn chỉ đang tỉnh thức, thâu nhận một cách thụ động và tuy nhiên vẫn tỉnh táo trọn vẹn; và chỉ trong trạng thái này mới có hiểu rõ. Khi cái trí bị kích động, đang tìm hiểu, đang lo âu, đang phân loại, đang phân tích, không có hiểu rõ. Khi có sự mãnh liệt để hiểu rõ, cái trí hoàn toàn yên lặng. Dĩ nhiên, điều này, bạn phải thử nghiệm, không phải thâu nhận những từ ngữ giải thích về nó của tôi, nhưng bạn có thể thấy rằng bạn càng phân tích nhiều bao nhiêu, bạn càng hiểu rõ ít hơn bấy nhiêu. Bạn có lẽ hiểu rõ những sự kiện nào đó, những trải nghiệm nào đó, nhưng toàn nội dung của ý thức không thể được trống không qua qui trình phân tích. Nó có thể được trống không chỉ khi nào bạn thấy được sự giả dối của sự tiếp cận qua phân tích. Khi bạn thấy điều giả dối như điều giả dối, vậy thì bạn bắt đầu thấy điều gì là sự thật; và chính sự thật sẽ giải thoát bạn khỏi nền tảng.