Câu hỏi: Phê bình có vị trí nào trong sự liên hệ? Sự khác nhau giữa phê bình phá hoại và phê bình xây dựng là gì?
Krishnamurti: Trước hết, tại sao chúng ta phê bình? Vì mục đích hiểu rõ phải không? Hay nó chỉ là một qui trình của phàn nàn? Nếu tôi phê bình bạn, liệu tôi hiểu rõ bạn? Hiểu rõ có được qua sự phê bình hay sao? Nếu tôi muốn hiểu rõ, không phải hiểu rõ một cách hời hợt nhưng sâu thẳm toàn ý nghĩa về sự liên hệ của tôi với bạn, tôi phải bắt đầu phê bình bạn hay sao? Hay tôi tỉnh thức được sự liên hệ này giữa bạn và tôi, đang yên lặng quan sát nó – không chiếu rọi những ý kiến của tôi, những bình phẩm của tôi, những nhận xét, những nhận dạng hay chỉ trích, nhưng yên lặng quan sát điều gì đang xảy ra? Và nếu tôi không phê bình, điều gì xảy ra? Người ta dễ buồn ngủ phải không? Mà không có nghĩa rằng chúng ta không buồn ngủ nếu chúng ta đang càu nhàu. Có lẽ việc đó trở thành một thói quen và chúng ta tự-ru ngủ qua thói quen. Liệu có một hiểu rõ sâu thẳm hơn, rộng rãi hơn của sự liên hệ qua phê bình hay sao? Không đặt thành vấn đề liệu phê bình là xây dựng hay phá hoại – chắc chắn, hai điều đó đều có liên quan. Vì vậy câu hỏi là: ‘Trạng thái cần thiết của cái trí và tâm hồn mà sẽ hiểu rõ sự liên hệ là gì?’ Sự tiến hành của hiểu rõ là gì? Chúng ta hiểu rõ điều gì đó bằng cách nào? Bạn hiểu rõ người con của bạn bằng cách nào, nếu bạn quan tâm đến người con của bạn? Bạn quan sát, phải không? Bạn nhìn ngắm em chơi đùa, bạn tìm hiểu em trong những tâm trạng khác nhau của em; bạn không chiếu rọi ý kiến của bạn vào em. Bạn không nói rằng em ấy nên là điều này hay điều kia. Bạn nhìn ngắm một cách tỉnh táo, tỉnh thức một cách năng động, đúng chứ? Vậy thì, có lẽ, bạn bắt đầu hiểu rõ em. Nếu bạn liên tục đang phê bình, liên tục đang đưa vào cá tính đặc biệt riêng của bạn, những khuynh hướng của bạn, những ý kiến của bạn, đang quyết định em nên là hay không nên là cái gì, và tất cả mọi chuyện như thế, chắc chắn bạn tạo ra một rào chắn trong liên hệ đó. Bất hạnh thay hầu hết chúng ta đều phê bình với mục đích để định hình, với mục đích để can thiệp; nó cho chúng ta một vui thú nào đó, một hài lòng nào đó, khi định hình cái gì đó – sự liên hệ với một người chồng, một người con hay bất kỳ ai. Bạn cảm thấy một ý thức của quyền lực trong nó, bạn là ông chủ, và trong đó có một thỏa mãn lạ lùng. Chắc chắn qua tất cả qui trình đó, không có hiểu rõ về liên hệ. Chỉ có sự áp đặt, sự ham muốn đúc khuôn một người khác đến khuôn mẫu đặc biệt thuộc cá tánh của bạn, ham muốn của bạn, ao ước của bạn. Tất cả điều này ngăn cản hiểu rõ về liên hệ, đúng chứ?
Tiếp theo còn có tự-phê bình. Phê bình về chính mình, phê bình, chỉ trích, hay biện hộ về chính nình – việc đó có mang lại hiểu rõ về chính mình hay không? Khi tôi bắt đầu phê bình về chính tôi, tôi không giới hạn sự tiến hành của hiểu rõ, của tìm hiểu hay sao? Liệu sự tìm hiểu nội tâm, một hình thức của tự-phê bình, phơi bày cái tôi hay sao? Điều gì khiến cho sự phơi bày cái tôi có thể xảy ra được? Luôn luôn phân tích, sợ hãi, phê bình – chắc chắn điều đó không giúp phơi bày. Điều gì tạo ra sự phơi bày cái tôi để cho bạn bắt đầu hiểu rõ nó là sự tỉnh thức liên tục được nó mà không có bất kỳ chỉ trích, mà không có bất kỳ nhận dạng nào. Phải có một tự phát nào đó; bạn không thể liên tục đang phân tích nó, đang kỷ luật nó, đang định hình nó. Sự tự phát này là cốt lõi cho hiểu rõ. Nếu tôi chỉ giới hạn, kiểm soát, chỉ trích, vậy thì tôi chặn đứng chuyển động của tư tưởng và cảm thấy, phải không? Chính là trong chuyển động của tư tưởng và cảm thấy, tôi mới khám phá – không phải trong thuần túy kiểm soát. Khi người ta khám phá, lúc đó rất quan trọng phải tìm ra cách hành động về nó như thế nào. Nếu tôi hành động phụ thuộc vào một ý tưởng, phụ thuộc vào một kiểu mẫu, phụ thuộc vào một lý tưởng, vậy thì tôi ép buộc cái tôi vào một khuôn mẫu đặc biệt. Trong đó không có hiểu rõ, không có thay đổi. Nếu tôi có thể nhìn ngắm ‘cái tôi’ mà không có bất kỳ chỉ trích, mà không có bất kỳ nhận dạng, vậy thì có thể vượt khỏi nó. Đó là lý do tại sao toàn qui trình của phỏng chừng chính mình đến một lý tưởng là hoàn toàn sai lầm. Những lý tưởng là những vị chúa tự-tạo tác, và tuân phục vào một hình ảnh tự-chiếu rọi chắc chắn không là một giải thoát.
Vẫn vậy có thể có hiểu rõ chỉ khi nào cái trí tỉnh thức một cách yên lặng, đang nhìn ngắm – mà gian nan lắm, bởi vì chúng ta được thỏa mãn trong năng động, trong không ngừng nghỉ, trong phê bình, trong chỉ trích, bênh vực. Đó là toàn cấu trúc của thân tâm chúng ta; và qua bức màn của những ý tưởng, những thành kiến, những quan điểm, những trải nghiệm, những ký ức, chúng ta cố gắng hiểu rõ. Liệu có thể được tự do khỏi tất cả những bức màn này, và thế là hiểu rõ một cách trực tiếp? Chắc chắn chúng ta làm việc đó khi vấn đề rất mãnh liệt; chúng ta không trải qua tất cả những phương pháp này – chúng ta tiếp cận nó một cách trực tiếp. Hiểu rõ về sự liên hệ có được chỉ khi nào qui trình tự-phê bình được hiểu rõ và cái trí yên lặng. Nếu bạn đang lắng nghe tôi và đang cố gắng theo sát, mà không có quá nhiều nỗ lực, điều gì tôi ao ước chuyển tải, vậy thì có thể có sự hiểu rõ lẫn nhau của chúng ta. Nhưng nếu bạn luôn luôn đang phê bình, đang tuôn ra những quan điểm của bạn, điều gì bạn đã học hành từ những quyển sách, điều gì người nào đó đã bảo cho bạn và vân vân và vân vân, vậy thì bạn và tôi không có liên hệ, bởi vì bức màn này ở giữa chúng ta. Nếu cả hai chúng ta đang cố gắng tìm ra những khúc mắc của vấn đề, mà nằm trong chính vấn đề, nếu cả hai chúng ta đều háo hức theo nó đến tận cùng, tìm ra sự thật của nó, khám phá nó là gì – vậy thì chúng ta có liên hệ. Vậy thì cái trí của bạn vừa tỉnh thức lẫn thụ động, đang nhìn ngắm để thấy điều gì là đúng thực trong nói chuyện này. Vì vậy cái trí của bạn phải nhạy bén lạ thường, không bám theo bất kỳ ý tưởng hay lý tưởng nào, bất kỳ nhận định, bất kỳ quan điểm mà bạn đã cô đọng qua những trải nghiệm đặc biệt của bạn. Chắc chắn, hiểu rõ hiện diện khi có sự thích ứng mau lẹ của một cái trí mà tỉnh thức một cách thụ động. Vậy thì nó có thể thâu nhận, vậy thì nó nhạy cảm. Một cái trí không nhạy cảm khi nó nhồi nhét đầy những ý tưởng, những thành kiến, những quan điểm, hoặc ủng hộ hoặc chống đối.
Muốn hiểu rõ sự liên hệ phải có một tỉnh thức thụ động – mà không hủy hoại sự liên hệ. Trái lại nó làm cho sự liên hệ sinh động nhiều hơn, có ý nghĩa nhiều hơn. Vậy thì trong liên hệ đó có thể có thương yêu thực sự; có một nồng ấm, một ý thức gần gũi, mà không chỉ là cảm tình hay cảm giác. Nếu chúng ta có thể tiếp cận như thế hay ở trong trạng thái liên hệ như thế với mọi sự vật sự việc, vậy thì những vấn đề của chúng ta được giải quyết rất dễ dàng – những vấn đề tài sản, những vấn đề sở hữu, bởi vì chúng ta là cái chúng ta sở hữu. Con người mà sở hữu tiền bạc là tiền bạc. Con người mà nhận dạng chính anh ấy với tài sản là tài sản hay ngôi nhà hay món đồ đạc. Tương tự như thế với những ý tưởng hay những con người; khi có tình trạng sở hữu, không có liên hệ. Hầu hết chúng ta đều sở hữu bởi vì chúng ta không có gì cả nếu chúng ta không sở hữu. Chúng ta là những cái vỏ trống không nếu chúng ta không sở hữu, nếu chúng ta không lấp đầy sống của chúng ta bằng đồ đạc, bằng âm nhạc, bằng hiểu biết, bằng cái này hay cái kia. Và cái vỏ đó gây nhiều huyên náo, và huyên náo đó chúng ta đang gọi là đang sống; và với việc đó chúng ta được thỏa mãn. Khi có một gián đoạn, một phá vỡ điều đó, vậy thì có đau khổ, bởi vì lúc đó bỗng nhiên bạn khám phá chính bạn chính xác như bạn là – một cái vỏ trống không, chẳng có ý nghĩa bao nhiêu. Tỉnh thức được toàn nội dung của sự liên hệ là hành động, và từ hành động đó có thể có sự liên hệ thực sự, có thể khám phá chiều sâu vô hạn của nó, ý nghĩa vô cùng của nó và biết được tình yêu là gì.