Thừa Định mà thiếu Huệ là thêm vô minh;
thừa Huệ mà thiếu Định là thêm tà kiến.
Định Huệ bình đẳng, tức thấy Phật tánh.
Kinh Niết-bàn
I. HUỆ NĂNG VÀ THẦN TÚ
Những phát triển đầu tiên của Phật giáo Thiền ở Trung hoa chủ yếu được tiêu biểu bởi tên của hai người. Một trong hai cái tên ấy là Bồ-đề Đạt-ma (Bodhi-Dharma),[1] người sáng lập Thiền, và tên kia là Huệ Năng (Hui-neng, hay Wei-lang theo tiếng địa phương miền Nam Trung hoa và Yeno theo tiếng Nhật; sinh năm 638 và tịch năm 713), người đã dẫn tư tưởng Thiền theo chiều hướng mà Bồ-đề Đạt-ma mang đến. Không có Huệ Năng và các môn đồ trực tiếp của ngài thì không bao giờ Thiền có thể phát triển như nó đã xảy ra vào đầu đời nhà Đường (T’ang) trong lịch sử Trung hoa. Vào thế kỷ thứ 8 của Kỷ nguyên, tác phẩm của Huệ Năng hay Lục Tổ Đàn Kinh (Hán: Lu-tso T’an-ching, Nhật: Rokuso Dangyo) chiếm một vị trí rất quan trọng trong Thiền; và những thăng trầm số mệnh mà nó đã khổ nhọc trải qua thật phi thường.
Nhờ tác phẩm này mà vai trò của Bồ-đề Đạt-ma được xác định là người đầu tiên đề xướng tư tưởng Thiền ở Trung hoa. Cũng chính tác phẩm này đã vạch ra đại cương của tư tưởng Thiền và cống hiến kiểu mẫu tu luyện tâm linh cho những người theo nó. Nhờ Huệ Năng mà các hành giả Thiền hiện đại được nối kết với Bồ-đề Đạt-ma và chúng ta có thể qui định niên đại sinh ra của Thiền Trung hoa với tư cách nó khác với hình thức Ấn độ. Chính vì hai ý nghĩa này mà chúng ta có thể tuyên bố Đàn Kinh là một tác phẩm có giá trị phi thường. Những cội rễ tư tưởng của nó, xuyên qua Bồ-đề Đạt-ma, đến tận sự giác ngộ của chính đức Phật, trong khi cành nhánh của nó trải rộng khắp Viễn Đông, nơi nó đã tìm thấy mảnh đất mầu mỡ nhất. Hơn một nghìn năm qua kể từ khi Huệ Năng đưa ra tuyên ngôn đầu tiên về Thiền, mặc dù nó đã đi qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, tinh thần cốt yếu của nó vẫn là tinh thần của Đàn Kinh. Vì vậy, nếu muốn theo dõi lịch sử Thiền, chúng ta phải nghiên cứu tác phẩm của Lục tổ Huệ Năng, trong quan hệ, một mặt, với Bồ-đề Đạt-ma và những người thừa kế ngài: Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, và mặt khác, với chính các đệ tử của Huệ Năng và những người đồng thời với ngài.
Đàn Kinh, theo con mắt các đệ tử của ngài, chứa giáo lý cốt yếu của Huệ Năng, người ta trao truyền nó như một di sản tinh thần mà chỉ người bảo trì nó là có thể được xem là thuộc chánh tông của Huệ Năng. Điều này chúng ta đọc trong đoạn dưới đây trong Đàn Kinh chứng minh:
“Đại sư ở núi núi Tào khê và ảnh hưởng tinh thần của ngài truyền bá hơn suốt 40 năm trên hai tỉnh lân cận Thiều (Shao) và Quảng (Kuang). Môn đồ của ngài, tăng nhân và cư sĩ, đến số ba ngàn hoặc năm ngàn, nhiều hơn con số thực tế mà người ta có thể tính được. Về phần cốt tủy giáo lý của ngài, lấy sự truyền trao Đàn Kinh làm chứng cứ; những ai không có nó đều bị xem như thiếu quyền truyền trao [nghĩa là không hiểu đầy đủ giáo lý của Huệ Năng]. Khi người đệ tử thọ nhận sự trao truyền của ngài, người ấy phải kham nhắc lại được địa điểm, ngày và tên. Không có sự trao truyền Đàn Kinh, không ai có thể tự nhận mình là môn đồ của Nam tông. Những ai không được trao phó Đàn Kinh thì không có sự thấu hiểu cốt yếu của pháp môn “đốn” ngộ, cũng như việc rao giảng pháp môn ấy. Vì chắc chắn sớm muộn gì họ cũng rơi vào tranh luận và những ai được pháp sẽ chỉ hiến mình cho tu tập. Tranh luận kết quả là mong được phần thắng và điều ấy không hợp với Đạo.” (Ấn bản của các thủ bản Đôn hoàng của Suzuki và Koda, tiết 38).
Các đoạn tương tự, mặc dù ít có tính cách quả quyết hơn, thấy trong phần đầu của Đàn Kinh, như tiết 47 và tiết 57. Những lặp lại này đủ chứng tỏ rằng tác phẩm này, chứa ý nghĩa sâu xa những bài Pháp của Huệ Năng, đã được các đệ tử của ngài nêu cao, Thủ bản Đôn hoàng (tiết 55) và ấn bản Koshi-ji [Quang Thắng tự?], tiết 56) có kể tên những người qua họ những bài Pháp ấy được truyền lại. Ấn bản phổ thông, nói chung đặt căn bản trên ấn bản đời Nguyên (Yuan) thế kỷ 13, không chứa những đoạn có liên quan đến sự trao truyền Đàn Kinh, và chúng tôi sẽ bàn đến lý do lược bỏ này.
Chắc chắn các bài Pháp của Huệ Năng đã gây kích động trong giới học Phật thời ngài, có lẽ không một vị sư Phật giáo nào trước ngài đã nói trực tiếp như thế với đại chúng. Sự nghiên cứu Phật giáo cho đến bấy giờ đã là của riêng của những tầng lớp có học thức và tất cả giáo lý do các sư cống hiến đều đặt căn bản trên các bản văn chính thống. Nó cần những bình luận có tính cách hàn lâm, dưới hình thức luận giải, chúng đòi hỏi nhiều sự uyên bác và trí phân tích. Những bình luận này không cần thiết liên quan đến các sự kiện đời sống và kinh nghiệm tôn giáo, mà chủ yếu bàn đến các khái niệm và lược đồ. Trái lại, những bài Pháp của Huệ Năng diễn đạt những trực giác tâm linh riêng của ngài, cũng như chúng cực kỳ sống động, bút pháp tươi mát và uyên nguyên. Ít ra đó cũng là một lý do của sự đón tiếp chưa từng có trở thành hiện thực của công chúng cũng như các học giả chuyên môn. Điều này cũng giải thích tại sao mở đầu Đàn Kinh đã sẵn sàng để cho Huệ năng kể lại chi tiết tiểu sử của ngài. Nếu Huệ Năng chỉ là một ông tăng học giả tầm thường thuộc hệ thống tăng lữ Phật giáo, thì ngài đã chẳng là cần thiết hay hơn nữa các môn đệ trực tiếp của ngài đã chẳng cần phải giảng giải về nhân cách của ngài. Sự kiện các môn đồ của ngài tự nguyện lặp đi lặp lại rằng ngài không biết chữ không chắc đúng với tính cách độc đáo của cá tính và sự nghiệp của ngài.
Tiểu sử đời ngài, mở đầu Đàn Kinh, được tường thuật dưới dạng tự truyện; nhưng rất có thể là tác phẩm của người biên soạn hay của những người biên soạn Đàn Kinh. Đoạn mà Huệ Năng được miêu tả rất tương phản với Thần Tú (Shen-hsiu), người được xem là đối thủ của ngài, không chắc do chính miệng Huệ Năng nói. Sự đối chọi giữa hai người này bắt đầu ngay sau khi vị Thầy chung của họ, Hoằng Nhẫn (Hung-jen) tịch, nghĩa là chỉ khi mỗi người dạy Thiền theo ánh sáng giác ngộ của riêng họ. Cũng không chắc hai người đã theo thọ giáo Hoằng Nhẫn cùng một thời kỳ. Thần Tú đã hơn một trăm tuổi khi ngài tịch vào năm 706 và lúc ấy Huệ Năng 69 tuổi. Như vậy giữa họ có sự cách biệt gần 30 năm và theo cuốn Đời Huệ Năng do Tối Trừng (Saicho) mang về Nhật bản vào năm 803, thì Huệ năng đã 34 tuổi khi ngài đến thọ giáo Hoằng Nhẫn. Nếu Thần Tú gần gũi thầy ngài trong thời kỳ này, thì ngài phải từ 64 đến 70 tuổi; hay nói rằng ngài vẫn còn ở gần Hoằng Nhẫn sáu năm và Hoằng Nhẫn tịch chẳng bao lâu sau khi Huệ Năng từ giã thầy. Rất có thể là năm thứ sáu của Thần Tú ở gần Hoằng Nhẫn đã trùng hợp với sự đến chùa Hoằng Mai của Huệ Năng. Nhưng nếu Thần Tú có tri kiến yếu kém như thế so với Huệ Năng, như sau sáu năm học tập và tự tu, và nếu thầy ngài tịch chẳng bao lâu sau khi Huệ Năng từ giã cộng đồng thì Thần Tú có thể hoàn tất sự mật truyền trong sự tu học Thiền vào lúc nào? Theo các tài liệu liên quan, rõ ràng ngài đã là một trong các vị sư Thiền thành tựu nhất sau Hoằng Nhẫn. Cũng như tiểu sử của Thần Tú, như được Đàn Kinh kể lại, có vẻ giống như một tiểu thuyết do những người tạo nên tác phẩm phát minh sau khi Huệ Năng tịch, vì cái gọi là đối địch hiện hữu giữa hai bậc thầy thật ra là sự đối địch của các đệ tử riêng của mỗi vị.
Theo lời tự thuật mà chúng ta đọc ở đầu Đàn Kinh, Huệ Năng đã nói về nơi sinh của ngài và ngài không biết gì về toàn bộ nền văn học cổ điển Trung hoa như thế nào. Ngài tiếp tục kể rằng ngài đã yêu thích Phật giáo như thế nào khi nghe người ta tụng Kinh Kim Cang (Vajracchedika Sūtrā) mà chính ngài không thể đọc được. Khi ngài lên núi Hoằng Mai để học Thiền với Ngũ Tổ, ngài không phải là tăng nhân thuộc tăng già mà là một cư sĩ thường, và ngài yêu cầu được làm việc lao động ở kho lúa như một người làm công quả theo qui chế. Với danh nghĩa này, ngài không có quyền lẫn lộn với tăng giới và ngài không biết những gì diễn ra trong các bộ phận khác của tự viện.
Tuy nhiên, ít ra cũng có một đoạn của Đàn Kinh và của quyển tiểu sử Huệ Năng [2] nói đến những dịp gặp gỡ giữa Huệ Năng và thầy của ngài là Hoằng Nhẫn. Khi Hoằng Nhẫn thông báo cho các môn đồ rằng ai có thể làm được một bài kệ (gāthā) hợp ý diễn đạt cái thấy về Thiền của họ sẽ được làm Tổ Thứ Sáu. Không ai báo tin ấy cho Huệ Năng biết, rốt cùng ngài chỉ là một người làm công quả gắn bó với tự viện. Chắc chắn ít ra Hoằng Nhẫn cũng biết trước được mức độ chứng ngộ tâm linh của Huệ Năng và Ngài chờ đợi con người này xuất hiện một ngày nào đó, bằng cách này hay cách khác, điều mà ngài đã tiên tri.
Huệ Năng cũng không thể tự viết tác phẩm của mình, ngài phải yêu cầu một người nào đó viết cho ngài. Đàn Kinh thường ám chỉ sự không thể đọc được Kinh Điển của Huệ Năng, mặc dù ngài hiểu rõ ý nghĩa khi người ta đọc cho ngài nghe. Sự đối chọi giữa Huệ Năng và Thần Tú, được kể lại với sự nhấn mạnh nhưng một cách thiên vị trong tất cả những tài liệu có giá trị thực tế (trừ trong cuốn tiểu sử đã nói trên của Tối Trừng là không nói đến Thần Tú), thực ra chắc chắn đã được các môn đệ trực tiếp của Huệ Năng phóng đại mặc dù hiển nhiên họ là những kẻ thắng cuộc. Điều này bao hàm cả sự kiện Thiền tông phương Nam, Tông của Huệ Năng, phù hợp với tinh thần Phật giáo Đại thừa và tâm lý người Trung hoa hơn là Bắc tông của Thần Tú. Sự uyên bác luôn luôn hướng về tính cách trừu tượng và chủ nghĩa duy trí, che lấp ánh sáng trực giác quan hệ rất mạnh mẽ với toàn bộ đời sống tôn giáo. Thần Tú, bất chấp điều mà môn đệ của Huệ Năng nói về ngài, chắc chắn xứng đáng mang y bát của Thầy ngài, nhưng cách biểu hiện Phật giáo của ngài đòi hỏi một phương pháp phức tạp và thông thái hơn nhiều so với phương pháp của Huệ Năng; hay tinh thần Thiền không ưa tất cả mọi hình thức duy lý trí. Người ta nhấn mạnh sự kiện Huệ Năng không biết chữ để tạo thế nổi bật cho chân lý và sức mạnh của trực giác Phật giáo của ngài, và để vạch rõ chủ nghĩa duy lý trí của giáo lý Thần Tú. Người ta biết rằng tinh thần Trung hoa ưa thích thực tế cụ thể và kinh nghiệm sống hơn. Với tư cách nhà đại diễn giải bản xứ của Thiền, như thế Huệ Năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu.
Có phải ngài không biết chữ như người ta nói không? Chắc chắn, ngài không phải là một học giả thông thái, nhưng tôi không nghĩ là ngài không biết chữ như Đàn Kinh gán cho. Để nhấn mạnh sự tương phản giữa ngài và Thần Tú, người ta thích nói ngài không có khả năng biết Kinh văn, giống như Chúa Jesus khi tranh luận với các thầy thuốc đầu bạc và thông thái trong những bài giảng vô thẩm quyền. Những sự kiện ấy chứng tỏ chắc chắn rằng thiên tài tôn giáo ít tùy thuộc vào kiến thức và trí năng hơn là sự phong phú của đời sống nội tâm.
Đàn Kinh có ám chỉ đến nhiều Kinh và như vậy chứng tỏ rằng tác giả của nó không phải là một người hoàn toàn dốt. Tuy nhiên, là một người học Phật, dù ngài có sử dụng thuật ngữ Phật giáo, ngài cũng hoàn toàn không có sự thông thái có tính cách hàn lâm. So với các vị sư Phật giáo khác vào thời ngài, ngài trực tiếp và đi thẳng, không quanh co, vào trái tim giáo lý của mình. Tính cách đơn giản này chắc chắn đã gây nhiều cảm xúc cho người nghe, nhất là những người có tinh thần cầu đạo lôi cuốn, tuy có phong thái lý trí nào đó. Đây là những người nắm được yếu chỉ trong những bài Pháp của ngài và xem đó như những kho tàng quí báu của trực giác tôn giáo sâu xa.
Ý niệm căn bản của Huệ năng đương nhiên là ném trả lại toàn bộ ngôn từ, toàn bộ văn chương, bởi vì chỉ có thể lãnh hội được Tâm trực tiếp bằng tâm, không qua trung gian. Nhưng bản chất con người ở đâu cũng vậy, các đệ tử của Thiền cũng có những nhược điểm của họ. Một trong những nhược điểm đó là quá khăng khăng thừa nhận sự quan trọng của những tài liệu do Sư để lại. Như vậy, người ta đi đến chỗ xem Đàn Kinh như một biểu tượng chân lý mà Thiền hoàn toàn nằm trong đó; và người ta có thể nói rằng, do Đàn Kinh được tôn trọng thái quá, tinh thần Thiền bắt đầu xuống dốc. Có lẽ vì thế mà cuốn sách này bị ngừng trao truyền từ thầy sang trò như một chứng minh thư cho sự thành tựu tối hậu về chân lý Thiền. Có thể vì thế mà đoạn dẫn trên về vấn đề trao truyền này bị cắt bỏ trong ấn bản lưu hành của Đàn Kinh và cuốn sách này chỉ được xem như một tác phẩm diễn đạt giáo pháp Thiền như Huệ Năng đã dạy.
Dẫu sao, sự xuất hiện của Huệ Năng trong lịch sử Phật giáo Thiền vẫn có ý nghĩa cao vời; Đàn Kinh đáng được xem là một tác phẩm kỳ vĩ, vì nó đã dẫn dắt sự tiến hóa của tư tưởng Phật giáo ở Trung hoa trong nhiều thế kỷ.
Trước khi trình bày các quan điểm của Huệ Năng về Phật giáo, chúng ta hãy nghiên cứu các quan điểm của Thần Tú; người ta luôn luôn đối lập chúng với các quan điểm của Huệ Năng, bởi vì sự đối chọi giữa lai bậc thầy này cho phép xác định rõ ràng nhất bản chất của Thiền. Hoằng Nhẫn là một Đại sư của Thiền và ngài đã có nhiều đệ tử ưu tú. Lịch sử đã truyền lại cho chúng ta tên của hơn mười hai người trong số họ. Nhưng Huệ Năng và Thần Tú vượt hẳn tất cả những người kia, và đây là thời kỳ Thiền chia thành hai tông, Nam tông và Bắc tông. Do đó, khi chúng ta biết được Thần Tú, tông chủ của Bắc tông, đã dạy những gì, thì chúng ta hiểu Huệ Năng, là đối tượng chính cuộc nghiên cứu của chúng ta dễ hơn.
Nhưng không may, chúng ta có được rất ít giáo lý của Thần Tú, vì sự suy tàn của tông này kéo theo sự thất tán phần văn học của ngài. Những gì chúng ta biết được đến với chúng ta từ hai nguồn: trước hết là những tài liệu của Nam tông như Đàn Kinh và những bài viết của Tông Mật (Tsung-mi) và từ hai thủ bản Đôn hoàng (Tun-huang) mà tôi tìm được ở Paris, tại Thư Viện Quốc Gia. Một trong hai bản văn Bắc tông này thì không đầy đủ, khởi thảo của bản văn kia lại không hoàn bị về ý nghĩa, và không bản văn nào là do chính Thần Tú viết. Cũng như đối với Đàn Kinh, thủ bản ấy cốt yếu là do môn đệ của Thần Thú ghi lại những lời thuyết giảng của của Thầy họ.
Thủ bản có nhan đề là: “Giáo Lý Năm Phương Tiện của Bắc Tông”. Ở đây chữ “phương tiện”, upaya trong tiếng Phạn, rõ ràng nó không dùng theo một nghĩa đặc biệt nào, và năm phương tiện là năm đề mục tham khảo các Kinh Đại thừa về giáo lý của Bắc tông. Đây là giáo lý ấy: (1) Thành Phật là giác ngộ và giác ngộ cốt yếu là không khởi tâm. (2) Khi tâm được giữ bất động, các thức yên tĩnh và trong trạng thái ấy cánh cửa tri kiến tối thượng khai mở. (3) Sự khai mở tri kiến tối thượng dẫn đến sự giải thoát kỳ diệu của thân và tâm. Tuy nhiên, đây không phải là Niết-bàn tịch tĩnh của Tiểu thừa, và tri kiến tối thượng do chư Bồ-tát thành tựu đem lại hoạt tính không dính mắc của các thức. (4) Hoạt tính không dính mắc này có nghĩa là sự giải thoát hai tướng thân tâm, sự giải thoát trong đó chân tướng các pháp được nhận thức. (5) Cuối cùng, đó là con đường Nhất thể, dẫn đến cảnh giới Chân như biết không chướng ngại, không khác. Đây là Giác Ngộ.
Nên so sánh điều này với luận giải của Tông Mật thuộc Nam tông. Trong “Lược Đồ về sự Thừa Kế của Tổ trong Giáo Lý Thiền”, Tông Mật viết: “Bắc tông dạy rằng tất cả chúng sinh đều được phú bẩm Bồ-đề, giống như bản tánh tấm gương phản chiếu ánh sáng. Khi phiền não dấy lên, gương không phản chiếu được, giống như bị bụi phủ. Nếu, theo lời Sư dạy, chế ngự và diệt được vọng niệm thì chúng sẽ ngừng tác động. Khi ấy tâm nhận được sự chiếu sáng của tự tánh, không còn bị che mờ nữa. Đây giống như người ta lau tấm gương. Khi không còn bụi, gương chiếu sáng và không còn gì ngoài ánh sáng của nó.” Do đó, Thần Tú, là Đại sư và tông chủ của Tông này, viết trong bài kệ trình Ngũ Tổ:
Thân thị bồ đề thọ Thân là cây bồ đề
Tâm như minh cảnh đài Tâm như đài gương sáng
Thời thời cần phất thức Luôn luôn siêng lau chùi
Vật sử nhạ trần ai. Chớ để bụi trần bám.
Hơn nữa, Tông Mật diễn giảng quan điểm của Thần Tú bằng cách dùng hình ảnh của một viên thủy tinh. Sư nói tâm giống như viên thủy tinh không có màu sắc riêng. Bản chất của thủy tinh thì trong suốt và hoàn hảo. Nhưng ngay khi đối diện với ngoại giới, nó mang tất cả màu sắc và hình tướng đa thù. Tính đa thù của ngoại giới và tâm vẫn tự tại, không biểu thị sự biến đổi thuộc bất cứ loại nào. Bây giờ chúng ta hãy giả sử viên thủy tinh được đặt đối diện với một vật hoàn toàn khác với nó: nó trở thành màu u tối. Nếu trước kia nó trong suốt thì bây giờ nó là một viên màu u tối, và lúc ấy người ta tưởng rằng cái màu này luôn luôn thuộc bản chất của nó. Quí vị đưa chỉ nó cho những người không biết thì họ sẽ kết luận ngay rằng cái viên ấy dơ bẩn. Họ khó mà thừa nhận bản tánh trong suốt của nó. Cũng những người đó bây giờ biết nó trong suốt, họ sẽ tuyên bố nó bẩn vì họ thấy nó như thế và họ muốn làm cho nó lấy lại vẻ trong sáng đã mất. Những người lau chùi cái gương này, theo Tông Mật, là môn đồ của Bắc tông, họ tưởng rằng viên thủy tinh, với tự tánh trong suốt, phải được khám phá ở bên dưới trạng thái u ám mà trong đó họ sẽ tìm thấy nó.
Thái độ lau bụi này của Thần Tú và các môn đệ của ngài tất nhiên dẫn đến phương pháp tĩnh tọa và quả thật đây là phương pháp mà họ khuyên dạy. Họ dạy cách nhập Định (Samādhi) qua sự tập trung và làm sạch tâm bằng cách trụ nó vào một ý niệm duy nhất. Họ còn tuyên bố rằng bằng cách phát khởi các niệm thì sẽ chiếu sáng thế giới khách quan, và khi thu liễm các niệm thì sẽ nhận thức nội giới.
Thần Tú, như các Thiền sư khác, thừa nhận sự hiện hữu của Tâm và sự cần thiết tìm nó bên trong tự tâm cá nhân của chúng ta, được phú bẩm mọi đức hạnh của Phật. Nếu không thực hiện được điều này, chính là vì chúng ta quen chạy theo ngoại cảnh che khuất ánh sáng nội tâm. Thần Tú khuyên, thay vì chạy trốn người cha của chúng ta, chúng ta nên quay nhìn bên trong bằng cách tĩnh tu. Điều này hoàn hảo đến một độ nhất định, nhưng Thần Tú thiếu sự thấu hiểu siêu hình và phương pháp của ngài phải chịu sự thiếu sót này. Giáo pháp của ngài qui về cái mà người ta thường gọi là “hữu vi” hay “hữu sự” (yu-tso) và không phải là “vô sự” (wu-tso) hay “tự tánh” (tzu-hsing).
Đoạn văn sau đây trích từ Đàn Kinh sẽ làm cho chúng ta minh bạch nếu chúng ta đọc nó dưới ánh sáng của điều nói trên. [3]
40. “Thần Tú, khi nghe nói về pháp đốn ngộ của Huệ Năng, bèn gọi một trong các môn đồ của mình tên là Chí Thành (Chi-ch’eng) đến, bảo: ‘Ngươi thông minh lanh lợi. Hãy vì ta mà đến núi Tào Khê và khi đến trước Huệ Năng, ngươi chỉ cần lễ bái và lắng nghe thôi. Chớ nói rằng ngươi từ bên ta mà đến. Ngay khi hiểu được nghĩa điều gì ngươi nghe, ngươi hãy hết lòng ghi nhớ, rồi trở về gặp ta và nói cho ta biết tất cả những gì ngươi hiểu được của ông ấy. Lúc ấy ta sẽ biết kiến giải của ông ấy hay kiến giải của ta, cái nào nhanh chóng.’”
“Vâng lệnh thầy với lòng hoan hỉ, Chí Thành đã đến núi Tào Khê (Ts’ao-chi Shan) sau cuộc hành cước khoảng nửa tháng. Chí Thành lễ bái Huệ Năng và lắng nghe nhưng không cho ngài biết mình từ đâu đến. Chí Thành thông minh nắm ngay được giáo lý của Huệ Năng. Ông ta đứng lên lễ bái và nói: ‘Con từ chùa Ngọc Tuyền (Yu-ch’uan) đến đây, theo sự chỉ dạy của Thầy con là Tú Đại sư, nhưng chưa khế ngộ được. Hôm nay nghe Pháp của Hòa thượng, con chợt biết được Bổn Tâm. Mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy thêm cho.’”
“Đại sư Huệ Năng bảo: ‘Nếu ngươi từ đó đến ắt là người do thám.’”
“Chí Thành thưa: ‘Khi con chưa nói thì phải, giờ đây con đã nói ra rồi thì chẳng phải.’”
“Lục Tổ nói: ‘Như thế ngươi ắt phải nhận ra rằng phiền não tức bồ-đề.’”
41. “Đại sư bảo Chí Thành: ‘Dường như Thầy ông có pháp tam học Giới, Định, Huệ dạy người. Hãy nói tôi nghe ông ấy dạy thế nào.’”
“Chí Thành thưa: ‘Tú Đại sư dạy Giới, Định, Huệ như vầy: chẳng làm điều ác là giới, làm những việc lành là huệ, tự làm cho tâm trong sạch là định. Đó là cách hiểu tam học của Thầy con và dạy rằng cứ y theo đó mà làm. Thưa Hòa thượng, còn cách của Hòa thượng như thế nào?’”
“Huệ Năng đáp: ‘Đó là cái thấy tuyệt diệu, nhưng cái thấy của tôi lại khác.’”
“Chí Thành hỏi: ‘Khác như thế nào?’’
“Huệ Năng đáp: ‘Có cái thấy chậm, có cái thấy nhanh.’”
“Chí Thành cầu xin Sư giải thích cái thấy của sư về Giới, Định, Huệ.”
“Đại sư nói: ‘Vậy hãy lắng nghe pháp của tôi. Theo tôi thấy, đất tâm không bịnh là Giới của Tự tánh; đất tâm không loạn là Định của Tự tánh; đất tâm không lỗi là Huệ của Tự tánh.’”
“Đại sư Huệ Năng tiếp: ‘Tam học, như Thầy ông dạy, là dùng cho người có căn trí nhỏ, còn pháp Tam học của tôi là nói với người có căn trí lớn. Khi người ta ngộ được Tự tánh, chẳng dựng lập Tam học nữa.’”
“Chí Thành thưa: ‘Nên hiểu ý Hòa thượng thế nào khi Hòa thượng nói ‘chẳng dựng lập’?”
“Đại sư đáp: ‘[Tâm, tức] Tự tánh thì không bịnh, không loạn, không si mê, mỗi niệm đều có Bát-nhã quán chiếu, thường lìa các pháp tướng. Do đó chẳng dựng lập tất cả các pháp. Người đốn ngộ Tự tánh và chẳng có thứ lớp tu chứng. Đây là lý do tại sao chẳng kham dựng lập tất cả.’”
“Chí Thành lễ bái và trở thành đệ tử của Sư và không bao giờ rời núi Tào khê nữa.”
Bây giờ chúng ta hiểu rõ hơn tại sao Thần Hội (Shen-hui) – một trong các đại đệ tử của Huệ Năng – qui kết quan niệm của Thần Tú về Tam học thuộc loại “hữu sự”, trong khi quan niệm của Huệ Năng, qui thúc nơi “Tự tánh”, được miêu tả như là rỗng lặng, tịch nhiên và ban cho sự quán chiếu. Thần Tú nói đến một loại thứ ba, gọi là “vô sự”, ở đó Tam học hiểu theo cách sau: khi vọng niệm không còn tác động thì có Giới; khi vọng niệm không còn hiện hữu thì có Định; và khi nhận thức được sự không hiện hữu của vọng niệm thì có Huệ. Cách thấy này của Thần Tú và cách thấy của Huệ Năng là đồng nhất, một người tuyên bố một cách tiêu cực điều mà người kia tuyên bố một cách tích cực.
Hơn nữa, Thần Tú còn diễn đạt cái thấy của ngài về năm đề chủ đề, theo Luận Đại Thừa Khởi Tín, Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Shiyaku (Tư Ích?) và Kinh Hoa Nghiêm. Năm chủ đề ấy là: (1) Phật thân, sự chiếu sáng toàn hảo được miêu tả như là Pháp thân của Như Lai; (2) tri kiến trực giác thuộc về Phật tri kiến, hoàn toàn bị sáu thức ô nhiễm; (3) giải thoát các giới hạn của trí năng là việc làm của Bồ-tát; (4) chân tướng của tất cả các pháp, quyết định là tịch nhiên bất động; (5) đạo hoàn toàn khai mở hướng về bồ-đề, bồ-đề đạt được bằng thấu hiểu chân lý vô phân biệt.
Các quan điểm được Thần Tú ủng hộ này tự chúng đủ cho chúng ta quan tâm, nhưng chúng thoát ra ngoài khuôn khổ nghiên cứu của chúng tôi và chúng tôi không định giải thích chi tiết. Bây giờ chúng tôi dành trọn vẹn cho Huệ Năng.
[1] Bồ-đề Đạt-ma đến từ Nam Ấn, ngài đến cư trú ở Trung hoa, theo các sử gia, vào những năm từ 486 đến 572 thuộc K.N. Theo Kaisu (Ch’i-sung) thuộc đời Tống, tác giả quyển Luận về Sự Chánh Truyền của Pháp ( An Essay on the Oxthodox Transmission of the Dharma), tôi cho là ngài đến Trung hoa vào năm 520 và tịch năm 528.
[2] Quyển tiểu sử này được biết dưới cái tên Tào Khê Ước Truyện (Ts’ao-chi Yueh Chuan), hiển nhiên đã được biên soạn chẳng bao lâu sau khi Huệ Năng tịch, và được Tối Trừng (Saicho), người sáng lập tông Thiên thai (Nh.: Tendai, H.: T’ien-tai) Nhật bản, mang về Nhật bản năm 803, khi ông từ Trung hoa – nơi ông đã đến để học Phật giáo – trở về. Đây là tài liệu lịch sử đáng tin cậy nhất mà chúng ta có được về Huệ Năng.
[3] Thủ bản Đôn hoàng, tiết 40 và 41. Ấn bản Kosho-ji, tiết 42 và 43.