Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục
Bộ sách Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh này là bản in lại của lần in thứ nhất năm 1976, biết dưới tên Thiền uyển tập anh, nhưng thường được trích dẫn bằng nhan đề như ta có trong lần tái bản đây. Về cơ bản nó không có gì thay đổi lớn so với lần in trước. Điều này có nghĩa nó vẫn có phần nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, phần dịch và phần chú thích. Tuy nhiên, do gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua, có một số tiến bộ về mặt nghiên cứu cũng như in ấn, nên trong lần in nầy có một số bổ sung mới.

Thứ nhất, về phần Văn bản học, nhờ có điều kiện nghiên cứu kỹ hơn và tiếp cận một số tư liệu mới, chúng tôi đã tái dựng được quá trình phát triển truyền bản của Thiền uyển tập anh từ đời Trần, Hồ, Lê sơ, cho đến Lê trung hưng đời Nguyễn và ngày nay.

Thứ hai, do việc sở hữu được cả hai bản đời Lê I và Lê II, tức bản in 1715 và bản in khoảng 1750, chúng tôi đã phân biệt được hai bản in này là hai bản khác nhau mà trước đây Trần Văn Giáp chỉ mô tả qua loa và không liệt ra được những sai biệt giữa chúng trong Le Bouddhisme en Annam dès origines au 13è siècle và khi viết Tìm hiểu kho sách Hán Nôm II** thì cũng nói đại lược. Còn E. Gaspardone trong Bibliographie Annamite***, cũng chỉ sở hữu được bản Lê II, tức bản mang ký hiệu số A.2670, nên căn cứ trên nó mà đưa ra những nhận xét hồ đồ về giá trị văn bản của bản Lê I mà Trần Văn Giáp đã phát hiện ở Hải phòng vào năm 1927, nhưng hình như bảy năm sau đã thất lạc nên Gaspardone đã không có cơ hội tham khảo.

Thứ ba, về bản đời Lê I, tức bản in 1715, đã thất lạc từ thời Gaspardone, mà ngày nay thư viện Hán nôm cũng không thể tìm ra được bản khác như di sản Hán nôm Việt nam III **** đã ghi nhận. Do thế, chúng tôi cho in lại bản Lê I này để làm tài liệu cho những nghiên cứu về sau.

Thứ tư, về bản chép tay A.2767, trong lần xuất bản trước, chúng tôi không đề cập tới do việc cho rằng những bản in đời Lê và đời Nguyễn hiện đã được bảo tồn, nên bản chép tay này không có giá trị nhiều. Tuy nhiên, sau hơn hai mươi năm vì dựa vào nó, những lần in thạch của Ban tu thư Viện đại học Vạn Hạnh ấn loát và phát hành rộng rãi, gây nhiều lầm lạc cho những người nghiên cứu nghiêm túc cũng như ở trong lẫn ngoài nước. Cho nên trong lần in này chúng tôi có mô tả sơ bản chép tay này và chỉ ra những khuyết tật của nó, đồng thời cũng đưa nó vào bản hiệu đối.

Thứ năm, về vấn đề tác giả, trước đây chúng tôi đề nghị thiền sư Kim Sơn có thể là người chấp bút viết ra Thiền uyển tập anh, nhưng không chỉ ra được hướng để tìm hiểu thêm về lai lịch cũng như cuộc đời của ông. Trong lần tái bản này, do tìm hiểu các văn bia đời Mạc, chúng tôi có một số dẫn chứng để suy được thiền sư Kim Sơn có thể đã sống tại tháp Kim Sơn trên núi Nguyệt áng, tức núi chè ở vùng Hải dương. Thiền sư Kim Sơn không những chỉ viết Thiền uyển tập anh, mà có khả năng đã viết Thánh đăng ngữ lục và Cổ châu Pháp vân Nhật bản hạnh ngữ lục, nếu khi ta tiến hành so sánh cấu trúc ngữ vựng và cú pháp của ba tác phẩm này với nhau.

Thứ sáu, chúng tôi đánh số thứ tự liên tục các Thiền sư có trong bản Thiền uyển tập anh này nhằm tiện cho việc tra cứu các chú thích liên lạc đến cho họ. Đồng thời ghi luôn niên đại (tính theo dương lịch) sau khi đã điều chỉnh và hiệu đính văn bản.

Thứ bảy, lần in này chúng tôi có tăng cường thêm phần phụ lục về trích văn từ các truyền bản đời Trần, đời Hồ và đời Lê. Trích văn bản đời Hồ vẫn giống như trong bản in cũ , và lấy từ An nam chí nguyên cùng hiệu đối với các bản đời Lê và đời Nguyễn. Riêng trong bản đời Trần và đời Lê sơ thì do truyền bản của Lĩnh nam trích quái quá phức tạp, chúng tôi xử dụng bản in mới nhất do Trần Khánh Hạo chủ trương, Viễn đông học viện của Pháp xuất bản và do học sinh thư cục của Đài loan ấn hành năm 1992.

Điều đáng tiếc là bản in Lĩnh nam trích quái này có quá nhiều thiếu sót trong phần hiệu kham. Tuy nhiên cho đến lúc này nó vẫn là bản tương đối phổ biến và đầy đủ nhất trong các bản in về Lĩnh nam trích quái ra đời từ trước cho tới nay cho nên chúng tôi vẫn sử dụng.
Như vậy, bản in lần nầy so với năm 1976 có triển khai một số dữ kiện mới, để củng cố thêm cho những kết luận đã đề ra lần trước. Hy vọng rằng nếu có những phát hiện thêm chúng tôi sẽ cho bổ túc và điều chỉnh trong những lần tái bản sau.

Vạn Hạnh Mùa Vu Lan 2543
LÊ MẠNH THÁT
*-------------------------------------------
Chân Thành Cảm Tạ Thượng Tọa Thích Thanh Huyền, Chùa Già Lam Việt Nam đã gửi tặng quyển sách (ấn bản giấy) và Cư Sĩ Tâm Kiến Chánh đã gửi tặng phiến bản vi tính. (Tâm Diệu) 2-2000
Xem mục lục