II. THẤY TÁNH và NGỒI THIỀN
Tất cả công quả của Bồ Đề Đạt Ma trong cuộc Đông độ đầu thế kỷ thứ VI là chuyển yếu tố “ngộ” ấy vào cơ thể Phật giáo cho những người học Phật chỉ chuyên tinh luyện triết lý, hành Phật chỉ nặng nghi thức giới điều[2]. Pháp trực tiếp “truyền tâm ấn” do Sơ Tổ chủ xướng lên, đó tức là “khai ngộ”, là phóng ra một nhỡn quang mới quán chiếu vào kim ngôn của Phật.
Tổ thứ sáu, Huệ Năng, đặc biệt làm nổi bật hơn bao giờ hết khía cạnh ngộ của thiền định (dhyana) trái với phương pháp mặc tĩnh của Bắc tông, theo chủ trương trụ tâm quán tịnh của Thần Tú. Tiếp theo, các cao tăng Mã Tổ, Huỳnh Bá, Lâm Tế, và tất cả ngôi sao khác, từng nhóm quần tinh sáng rực trong những ngày sơ khởi của đạo Thiền ở thời nhà Đường, đều từng loạt đứng lên biện hộ cho cái ngộ ấy; mọi hoạt động của các ngài trong đời đều không ngớt tinh tiến hướng đến đó; và cái đó như ta dễ thấy, khác hẳn với sự trầm tư quán tưởng, hoặc ngồi thiền nhập định. Họ chống mạnh lại phương pháp tĩnh tọa, cho rằng tu thế là thiển cận, là giam mình trong hầm hắc ám. Vậy, trước khi đi xa hơn, ta cần nhận rõ điểm ấy để đánh bạt hết nỗi ngờ về ý nghĩa tối hậu của Thiền, vốn không phải là phí cuộc đời luyện cho tâm trí chìm lỉm trong hôn mê, mà chính là kiến chiếu vào tự thể của cuộc sống, nghĩa là mở ra con mắt ngộ.
Ở Nhật Bổn có một bộ sách tên là Thiếu Thất lục môn. Thiếu Thất là tên riêng của Đạt Ma, sơ tổ Thiền Tông; sách gồm có sáu bài luận, trong số ấy có vài bài chắc do Tổ nói ra, kỳ dư đều không phải của Tổ, có lẽ mới được soạn ra sau này trong đời nhà Đường khi Thiền Tông bắt đầu gieo ảnh hưởng sâu rộng hơn trong giới Phật tử Trung Hoa. Nhưng tinh thần quán xuyến toàn bộ sách vẫn là chấn phong thuần túy của đạo Thiền. Một trong những bài luận ấy có tên là “huyết mạch luận”, luận về sự thấy tánh, hoặc ngộ mà tác giả coi là cốt tùy của Đạo Thiền. Dưới đây là phần trích dịch[3]:
“Muốn tìm Phật, cần thấy tánh, vì tánh[4]tức là Phật.
Nếu chẳng thấy tánh thì niệm Phật, tụng kinh, chay lạt giữ giới nào có ích gì?
Niệm Phật thì được công quả tốt.
Tụng kinh thì tâm trí được sáng thông.
Giữ giới thì được sanh lên cõi trời.
Bố thí thì được phước báo.
Nhưng tìm Phật như vậy chẳng gặp Phật bao giờ. Nếu tự ngươi, ngươi chưa sáng tỏ thì nên tham vấn bậc thiện tri thức hiểu căn bản của sanh tử luân hồi. Người không thấy tánh không thể gọi là thiện trí thức.
“Nếu chẳng vậy thì dầu có nói được mười hai bộ kinh vẫn chẳng ra khỏi sanh tử luân hồi, vẫn chịu khổ trong ba cõi chẳng có ngày ra. Xưa tỳ khưu Thiện Tinh[5] thuộc làu mười hai bộ kinh mà vẫn chẳng thoát khỏi luân hồi vì chẳng thấy tánh. Thiện Tinh kia còn vậy huống nữa là người đời nay mới giảng được năm ba bộ kinh luận đã tự coi là hiểu pháp Phật, thật chẳng gì ngu hơn. Hễ không thấu được tâm mình thì tụng đọc ích gì chỉ là hư văn. Muốn tìm Phật, trước hết phải thấy tánh. Vì tánh tức là Phật. Phật là người tự tại, là người vô sự, là người vô tác. Nếu, thay vì thấy tánh, người hướng ngoại suốt ngày cầu Phật lông bông, ắt không bao giờ thấy được Phật.
Phật là tự tâm, chớ lầm vái lạy (những vật bên ngoài). Phật là tiếng Ấn Độ, bên Trung Hoa gọi là Giác tánh. Giác tức là linh giác. Và chính cái tánh tự kỷ linh giác ấy đáp ứng với ngoại vật trong sinh hoạt thường ngày, nhướng mày, nháy mắt, dang tay giơ chân.
Tánh tức là tâm
Tâm tức là Phật
Phật tức là Đạo
Đạo tức là Thiền . “Chỉ một chữ Thiền, cả thánh phàm đều không lượng nổi.”
Trực tiếp thấy tánh, đó tức là Thiền. Bằng chẳng thấy tánh thì chẳng phải Thiền vậy. Dầu có giỏi nói được ngàn kinh muôn luận, nếu chẳng thấy tánh thì vẫn là phàm phu, chẳng phải là Pháp Phật. Đạo lớn cao thâm, u huyền, không thể nói cho hiểu được. Kinh điển không dựa vào đâu với tới được. Chỉ nên thử thấy tánh dầu chỉ một lần, thì suốt thông hết cả đến những người chữ nghĩa dốt đặc. Thấy tánh tức là Phật.
“Những người không thấy tánh mảng lo tụng kinh niệm Phật, tinh tiến học hoài, đêm ngày tu tập ngồi mãi không nằm, cốt lấy cái học rộng nghe nhiều tâm pháp Phật , những chúng sanh đó đích thực là người phỉ báng Phật.
Phật trước Phật sau chỉ nói thấy tánh. Muôn vật đều vô thường.
Nếu không thấy tánh mà rêu rao là được Chánh Giác, đó là người đại tội
Trong mười học trò lớn của Phật, A Nan được tiếng học rộng nhất, nhưng ông không thấy gì ở Phật hết vì ông chỉ lo thu thập kiến thức.
Lục Tổ ở điểm ấy còn tỏ ra dứt khoát và quyết liệt hơn khi người ta hỏi Ngài “Tổ Hoàng Mai khi phó chúc truyền thọ gì?” Tổ đáp:
“Không truyền thọ gì hết, chỉ luận môn thấy tánh, chẳng đá động gì đến phép giải thoát hoặc tọa thiền nhập định”[6]
Ở một đoạn khác Lục Tổ gọi là “tà mê”, không đáng đến học hỏi, những người đầu óc trống rỗng, suốt ngày ngồi im thin thít không nghĩ tưởng gì hết trong khi “cả đến người ngu, nếu bỗng chốc ngộ chân lý, mở con mắt huệ, vẫn thành bậc trí, chứng vào Phật Đạo”. Rồi khi Lục Tổ nghe thuật lại phép dạy đạo của Bắc Tông cốt chận đứng tất cả tư tưởng, lặng im ngồi kiết già quán tưởng mãi không nằm, Ngài tuyên bố những phép hành đạo ấy toàn thác loạn vô ích, xa vời Thiền lý, và Ngài đọc bài kệ như đã dẫn ở phần trước:
Khi sống, ngồi chẳng nằm
Chết rồi nằm chẳng ngồi
Một bộ xương mục thúi
Có gì gọi công phu?
Tại Truyền pháp viện, Mã Tổ[7]ngày ngày đến đó ngồi thiền. Sư Nam Nhạc thấy hỏi:
“Đại đức ngồi thiền để làm gì?
- Để làm Phật.
Sư bèn cầm một miếng ngói đến trước am ngồi mài trên phiến đá. Mã Tổ thấy lạ hỏi:
“Sư mài ngói để làm gì?”
- Để làm gương
- Mài ngói sao thành gương được?
Sư đáp: “Còn ngồi thiền há thành Phật được sao?”
Mã Tổ hỏi: “Vậy phải làm sao?”
Sư đáp: “Ví như người đánh xe, xe không chạy, nên đánh vào xe? Hay đánh vào bờ?”
Sư nói tiếp: Ông học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi Thiền thì Thiền không phải việc nằm ngồi. Nếu học ngồi Phật thì Phật không có hình tướng nhất định, ở nơi pháp vô trụ chẳng giữ chẳng bỏ. Ông học ngồi Phật tức giết Phật; bằng chấp vào tướng ngồi[8]thì chẳng đạt lý.
Quả là những câu nói quá tỏ rõ khiến ta không còn ngờ được về cứu cánh tối hậu của Thiền. Cứu cánh ấy phải đâu là hôn trầm trong cái ngồi mặc tĩnh như kiểu những ông thánh Ấn Độ cố trừ bỏ tất cả tư tưởng - những tư tưởng không biết từ đâu đến rồi lát sau lại đi mất chẳng biết về đâu. Những nhận xét trên cốt dọn đường để bạn đọc có thể hiểu sâu hơn phần vấn đáp tiếp theo sau, vì đó là phần biện minh kiến giải của tôi về Thiền, cốt ở khai ngộ, hoặc phóng một nhỡn quang mới vào vũ trụ và nhân sinh. Các Thiền sư, như ta sẽ thấy sau, luôn luôn nắm lấy bất cứ sự việc rất tầm thường nào trong đời làm cơ duyên chuyển tâm người cầu đạo vào một dòng “đào nguyên” mới lạ chưa bao giờ chứng thấy. Đó cũng như khai một mạch nước ngầm, vừa khai xong là ngọn nước - những chứng nghiệm mới - thao thao phun trào ra. Lại cũng ví như đóng hồ gõ giờ, lò xo vừa bật là toàn bộ then máy phát âm thanh chuyển động ngay. Dường như trong tâm ta có cái gì thuộc hệ thống ấy; đến phút giây nào đó, tấm màn bấy lâu che khuất được vén lên, một thế giới hoàn toàn mới hiện ra và toàn thể cuộc sống chuyển sang một cung điện mới lạ hẳn. Chính cái “mổ cò” ấy của bộ máy tâm, hoặc sự mở thông ấy, các Thiền sư gọi là ngộ, và đặc biệt nêu lên làm mục tiêu hành Thiền.
Tiện đây, bạn đọc có thể suy nghiệm câu nói chiếu diệu sau đây của nhà huyền học Eckhart: Một vị hiền triết bên lương có nói với vị khác một câu nói thâm trầm như vầy: “Tôi chợt thấy ở trong tôi có cái gì bừng sáng lên trên lý trí của tôi. Tôi biết có cái gì đó, nhưng không biết rõ là cái gì, không thể nhận ra được. Tôi có cảm tưởng nếu nhận ra được chắc chắn tôi sẽ biết tất cả sự thực”.
III. VẤN ĐÁP
Những câu chuyện dẫn sau đây không nhằm vẽ lại toàn thể diễn trình của tâm thức từ lúc người học đạo mới thọ giáo đến hồi cứu cánh ngộ đạo, qua vô số thăng trầm vấp váp. Nhưng ví dụ đưa ra chỉ cốt cho thấy pháp thiền chỉ có ý nghĩa khi cây trục của nội tâm xoay sang một thế giới khác, rộng hơn. Vì một khi thế giới thâm diệu ấy mở ra là cuộc sống hằng ngày, cả đến những tình tiết tầm thường nhất, vẫn đượm nhuần Thiền vị. Nhìn ở góc này, thật vậy, ngộ là cái xoàng xĩnh, vô nghĩa lý nhất đời, nhưng ở góc khác, nhất là khi ta chưa hiểu, nó kỳ bí không gì hơn. Vả, xét cùng ra ngay cả cuộc sống nay chẳng đầy kỳ quan, bí mật, và huyền vi, ngoài tâm hiểu biết của trí óc con người sao?
Một chú tiểu thành khẩn thỉnh Triệu Châu dạy Thiền, Châu hỏi:
- Chú ăn cháo chưa?
- Ăn cháo rồi.
Châu bảo: “Rửa chén đi”
洗 砵 盂 去
Thoạt nghe chú tiểu liền tỉnh ngộ.
Thế ra cái ngộ thường tục biết chừng nào.Tuy nhiên, để thấy rõ một câu chuyện quá đỗi tầm thường như vậy trong đời lại đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong đạo Thiền, tôi xin đưa ra một ít nhận xét của chư sư sau này hầu bạn đọc có thể nhận qua nội dung của sự ngộ đạo.
Vân Môn (???-949) sau đó có lời bình giảng như vầy:
“Có ngụ ý truyền riêng gì không trong câu nói của Triệu Châu? Nếu có, truyền cái gì? Nếu không, chú tiểu ngộ cái gì?”
Sau lại có Vân Phong (997-1062) phản đối lại vầy: “Đại sư Vân Môn không biết cơ sự thế nào hết nên bình giảng như vậy, không ích lợi gì hết, toàn là vẽ rắn thêm chân, bôi râu cho quan hoạn. Ý kiến tôi khác. Tôi nghĩ rằng chú tiểu tưởng mình tỉnh ngộ kia đang rơi xuống địa ngục lẹ như một mũi tên".
Thế nghĩa là thế nào - câu nói rửa chén của Triệu Châu, sự tỉnh ngộ của chú tiểu, ý kiến phân vân của Vân Môn, và lời quyết đoán của Vân Phong? Các ngài nói nghịch nhau hết chăng? Hay toàn làm rùm beng vô lối? Đó là chỗ khó hiểu mà cũng khó nói của đạo Thiền. Tôi xin phép đặt thêm vài câu hỏi làm sao Triệu Châu mở mắt chú tiểu bằng một nhận xét tầm thường như vậy? Câu nói phải chăng có ẩn ý gì khiến vừa nói ra là ăn khớp với nhịp tâm của chú tiểu? Chú tiểu đã dọn tâm sẵn thế nào để đón lấy cái ấn tay cuối cùng ấy của Triệu Châu mà tất cả công đức có thể nói chỉ là đưa tay bấm nút?
Không có gì là ngộ hết trong việc rửa chén bát, ta nên tìm Thiền ở chỗ khác. Dầu thế nào, ta vẫn không thể nói Triệu Châu chẳng làm gì hết cho sự đạt ngộ của chú tiểu. Cho nên lời nhận xét của Vân Môn, dầu rằng tối nghĩa, nhưng bắt đúng mạch. Còn lời luận giải của Vân Phong, thuộc loại kỹ thuật lý luận lộng đàm, bề ngoài có vẻ như miệt thị Vân Môn, nhưng tựu trung vẫn hiệp ý với hàng tiền bối.
Đức Sơn (779-865) nghiên cứu tinh thâm kinh Kim Cương. Nghe nói có một pháp môn gọi là Thiền gác ngoài tất cả kinh điển để nắm thẳng tự nơi tâm, Sư tìm đến Long đàm tham học. Đêm kia, Sư ngồi ngoài chùa miên man nghiền ngẫm diệu lý Thiền, Hòa Thượng Long Đàm bảo: “Sao chưa vào nghỉ đi?” Sư bạch: “Trời tối như mực?” Long Đàm đốt lên ngọn đèn cầy trao cho Sư. Sư vừa tiếp lấy thì Long Đàm vụt thổi tắt. Sư liền đại ngộ[9].
Ngày kia, Bách Trượng (724-814) và thầy là Mã Tổ ( 709-788) đi đường. Giữa đường thấy bầy le le bay ngang. Mã hỏi:
- Gì thế?
- Bầy le le?
- Bay đi đâu vậy?
- Bay mất hết rồi.
Mã Tổ chợt nắm lấy chót mũi Bách Trượng vặn tréo. Đau quá, Bách Trượng la ôi ối. Mã Tổ liền nói:
“Có bao giờ bay mất được sao?”[10]
何 曾 飛 去?
Bách Trượng lạnh loát mồ hôi lưng. Và ngộ trong lúc ấy.
Có thể có liên hệ nào không giữa các câu chuyện rửa chén của chú tiểu, thổi tắt ngọn đèn và vặn tréo mũi trên? Ta phải nói như Vân Môn: Nếu không có gì hết, làm sao những người ấy đạt được lý Thiền? Nếu có, thì mối thân thuộc ra sao? Cái ngộ ấy là gì? Cái nhỡn quang mới ấy là gì? Hễ sự quan sát của ta còn bị giới hạn trong những điều kiện của trước thời mở con mắt đạo, có lẽ ta không bao giờ thấy được đâu là là rốt ráo kết thành. Đó toàn là việc diễn ra hằng ngày, và nếu khách quan Thiền nằm ở chỗ thường nhật ấy thì mỗi chúng ta đều là Thiền sư hết mà không biết. Điều ấy quả đúng phần nào, càng đúng hơn bởi lẽ không có gì là giả tạo hết xây dựng lên trong đạo Thiền, nhưng phải có cái mũi bị bẻ vặn, có cây đèn bị thổi tắt, thì mắt ta mới lột hết vảy cá, và ta mới chú ý đến bên trong, hướng đến sự động dụng của tâm thức; và chính tại đó tiềm ẩn mối liên hệ mật thiết giữa bầy le le bay và sự rửa chén và cây đèn tắt và vô số sự việc khác dệt thành tấm màn thế sự của loài người chúng ta.
“Ở thời Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163), một đại sư đời nhà Tống, có một ông tăng tên là Đạo Khiêm học Thiền đã nhiều năm nhưng chưa nhập lý. Được phái đi hành cước ở phương xa, ông tỏ vẻ thất vọng. Một cuộc viễn du kéo dài đến sáu tháng trời chắc rằng sẽ là mối chướng đạo hơn là trợ đạo cho ông. Một ông bạn đồng môn tên là Tông Nguyên thương hại ông bèn nói: “Tôi sẽ theo ông trên đường hành cước, sẽ làm những gì có thể làm được giúp ông. Không có lý do nào khiến ông phải bỏ dở việc tham thiền, cả đến lý do xê dịch”. Thế rồi cả hai lên đường.
“Một đêm kia, Đạo Khiêm tuyệt vọng nài nỉ người bạn đường giúp ông vén màn bí mật của vũ trụ và nhân sinh. Người bạn đáp: “Tôi sẵn sàng giúp ông bất cứ gì, nhưng có năm điều tôi không thể giúp ông. Những điều ấy, tự ông phải đảm đương lấy”. Đạo Khiêm xin cho biết là những điều gì, ông bạn đáp: “Chẳng hạn như khi ông mặc áo ăn cơm thì tôi không thể ăn mặc giùm ông được. ông phải tự mình ăn mặc lấy. Khi ông mắc ỉa mắc đái, ông phải tự mình lo liệu, tôi không thể làm thay ông. Rốt hết chính là ông, không thể ai khác, phải mang cái thây chết này của ông suốt khoảng đường trường này”. Lời nhận xét phút chốc mở tâm người cầu đạo; ông này mừng quá với điều khám phá đến không còn biết nói gì để tỏ niềm vui. Bấy giờ Tông Nguyên mới nói rằng công quả của ông nay đã tròn, từ nay sự đi chung không còn ý nghĩa nữa. Thế rồi hai người chia tay nhau, và Đạo Khiêm tiếp tục cuộc hành trình một mình. Sáu tháng sau, Đạo Khiêm trở về chùa cũ. Sư phụ là Đại Huệ xuống núi tình cờ gặp ông đang lên chùa, bèn cười nói:
“Bây giờ thì đệ tử biết như thế nào rồi chứ?”
Thử hỏi cái gì bừng ra lúc ấy trong tâm trí của Đạo Khiêm khi ông bạn đưa ra một lời khuyên quá đỗi tầm thường như vậy?
“Hương Nghiêm Trí Nhàn là đệ tử tổ Bách Trượng (724-814). Bách Trượng qua đời, Nghiêm sang tiếp tục công quả với tổ Quy Sơn (771-853), một cao đệ của Bách Trượng. Quy Sơn hỏi: Tôi nghe nói sư đệ tham học với thầy cũ tôi là Bách Trượng, sư đệ thông minh lanh lợi tuyệt vời; nhưng tôi không hỏi sư đệ về chỗ sở học bình sanh, cũng không hỏi về vô số kinh sách sư đệ đã học qua. Tôi chỉ hỏi sư đệ: “Lúc sư đệ chưa ra bào thai, chưa phân biệt gì gì hết, thử nói một câu xem?”
“Hương Nghiêm mờ mịt chẳng biết đường nào trả lời. Ông rút lui vào thất, đem hết những văn chương chữ nghĩa ghi chép lại bấy lâu ra tham cứu, những không tìm được đoạn nào có thể nêu làm điểm thân kiến của ông. Rốt cuộc ông trở lại Quy Sơn khẩn khoản xin chỉ giáo. Quy Sơn đáp: “Nếu tôi nói cho sư đệ biết, sau này nhất định sư đệ sẽ mắng tôi, vì tôi nói là nói cái biết của tôi, xét ra có dính líu gì đến việc của sư đệ”. Hương Nghiêm thất vọng, nghi vị sư huynh kia không tốt bụng. Rốt cùng ông đem những kinh luận ngày thường đã xem đốt ráo, coi như “bánh vẽ ăn mấy chẳng no”, nguyện gác thân ngoài thế sự, sống cuộc đời tàn trong cô quạnh và chất phác theo giới luật. Ông nghĩ thế này: ích lợi gì khổ công tham cứu Phật giáo, thà làm một ông đạo không chùa không viện, cơm cháo đắp đổi qua ngày, khỏi nhọc tâm thần.
“Thế rồi Hương Nghiêm từ giã Quy Sơn ra đi, đến Nam Dương cất bên mộ của quốc sư Huệ Trung một cái cốc. Ngày kia, trong khi ông chặt cây quét lá, một viên sỏi đụng vào khóm tre phát ra tiếng đập vào trí óc ông. Ông cười thất thanh, ngộ ngay trong lúc ấy. Câu hỏi của Quy Sơn sáng rỡ lên; ông vui mừng như gặp lại một bà con đã mất, ông vội trở về tắm gội, đốt hương, hướng vọng về phía Quy Sơn và nói rằng: Hòa thượng thực là đại từ, ơn ngài còn hơn cha mẹ, nếu lúc trước vì ta mà nói ra thì ta đâu có được như hôm nay.
Đây là bài thơ cảm tác sư Hương Nghiêm làm ra sau khi thành đạo; đọc lên, ta có thể có một ý niệm về sự đạt ngộ của Sư:
Tiếng dội lùm tre quên sở tri[11]
一 撃 忘 所 知 ��
Có gì đối trị giả tu trì
吏 不 假 修 治
Đổi thay thần sắc nêu đường cổ
動 容 揚 古 路
Nếp cũ tiêu điều chẳng trệ si
不 墮 悄 然 機��
Chốn chốn dạo qua không dấu vết
處 處 無 蹤 跡
Sắc thanh nào nhiễm được uy nghi
聲 色 外 威 儀
Mười phương đạt giả đều như vậy
諸 万 達 道 者
Tối thượng là đây biết nói gì
咸言 上 上 機