Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Luận Bảy

IV. CHẤP TÁC VÀ TU TẬP

Họ siêng năng có tiếng. Ngày nào phòng bận học tập tại chùa thì tang tảng sớm, sau bữa điếm tâm, vào lối năm giờ rưỡi về mùa hè, và sáu giờ rưỡi vào mùa đông, họ đã làm việc quần quật trên đất cát nhà chùa, hoặc trì bình ở thôn xóm gần xa, hoặc cày cấy ruộng chùa. Chùa, trong cũng như ngoài, được giữ hết sức ngăn nắp. Nên nói đến cái gì sạch sẽ và tươm tất nhất đời đôi khi người ta ví “như một Thiền tự”. Khi trì bình (xin ăn) họ đi khá xa nhiều dặm đường. Thường dính liền với mỗi Thiền Đường có một ít thiện tín pháp tâm bảo trợ, họ đến đó theo định kỳ để có thêm phần gạo và hoa quả. Người ta gặp họ dọc đường quê đẩy xe chở bầu bí hoặc khoai lang. Họ làm việc cần cù nặng nhọc không thua gì dân cày thường. Thỉnh thoảng họ lại vào rừng đốn củi quơ trà. Họ cũng biết qua nghề ruộng nữa. Vì cần đắp đổi nhiều loại nhu cầu, họ vừa là dân cày, là dân lao động, vừa là thợ thủ công khéo léo. Vì đôi khi chính tay họ dựng lên ngôi Thiền đường theo sự chỉ dẫn của kiến trúc sư.

Tăng đoàn có một ban chấp hành tự trị, cắt riêng phần hành bếp núc. Giám thị, tài chánh, từ khí, nghi lễ .v.v... Ở thời Bách Trượng dường như đoàn giáo phẩm có mười người, nhưng ta không biết chi tiết ra sao, vì bộ “Thanh Quy” của ngài đã thất lạc. Cố nhiên vị hòa thượng là linh hồn của Thiền đường, nhưng ít khi các ngài trực tiếp nắm lấy công việc quản trị, quyền này thường được giao cho các tăng lớn tuổi nhất, và hạnh kiểm từng được thử thách qua nhiều năm trì giới. Gặp khi luận về Thiền, ta không khỏi ngạc nhiên trước sức hiểu biết thâm diệu của họ (nếu có thể nói vậy được) và tưởng tượng đoàn học tăng kia như những nhà tư tưởng nghiêm trang làm sao, xanh xao, đầu cúi thấp, tâm lìa thế sự. Nhưng sự thật là trong cảnh sống thực này, họ vẫn là những phàm nhân như mọi người, làm mọi việc thường ngày, có khác chứng là lúc nào cũng vui vẻ, cũng tươi cười, cũng sẵn sàng giúp ích, và không từ chối bất cứ việc làm nào thói thường cho là hèn, làm mất phẩm giá người có học. Tinh thần Bách Trượng luôn luôn hiện nơi họ.

Không phải các tăng làm việc thôi, mà bổn thân hòa thượng cũng dự phần vào công tác. Theo Bách Trượng, đó là để cho có sự hợp tác chặt chẽ và phân công đồng đều giữa mọi người không phân biệt chức vị. Nên hòa thương cũng phải cùng tăng chúng cày ruộng, trồng cây, nhổ cỏ, hái trà, và làm mọi công việc bằng tay chân khác. Lợi dụng những cơ hội thuận tiện ấy, người lãnh đạo dễ đề ra nhưng bài học thực tiễn về pháp Thiền và môn nhân cũng may mắn dễ lãnh hội hơn. Xin đơn cử vài thí dụ.

Hòa thượng Triệu Châu đang quét sân chùa thì ông tăng hỏi: “Cớ sao chốn thanh tịnh già lam[7]lại có bụi?”

Sư đáp:

“Lại một hột bụi nữa kia kìa”

又 一 點 也

Lần khác? Triệu Châu cũng đang quét chùa có người hỏi:

“Hòa thượng là bậc thiện tri thức, cớ sao còn bụi?”. Sư đáp: “Ở ngoài đến” 外 來 

Ngày kia hòa thượng Nam Tuyền cùng tăng chúng làm việc bên ngoài. Triệu Châu ở lại chùa canh lửa. Châu bỗng hô to: “Cứu lửa, cứu lửa”. Mọi người đỗ dồn về, chạy vào phòng ngủ. Châu thấy thế bèn đóng ập cửa lại, bảo: “Nói được, tôi mở cửa cho vào.” Không ai biết nói gì, Nam Tuyền ném chiếc chìa khóa qua song cửa vào phòng cho Châu. Châu bèn mở cửa. 

Có một ông tăng trong khi cày cuốc chặt nhằm một con trùn đứt làm hai đoạn, đến hỏi hòa thượng Trường Sa: “Con trùn đứt làm hai đoạn, đầu nào cũng động, vậy tánh Phật ở đầu nào?”

Sư nói “Đừng nghĩ nhảm. Động với chẳng động là cảnh giới nào?”

Ông tăng nài nỉ. Sư nói: “Đại đức há chẳng thấy kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rằng mười phương là hư không bất động là lục đại dấy lên, còn bổn tánh vốn viên dung, vốn là Như Lai tạng, vốn không sanh diệt vậy”.

Một câu truyện tương tợ cũng xảy ra giữa Sư Tử Hồ và một ông tăng trong khi cả hai đang làm vườn. Ông tăng hỏi về chân sinh mạng của con trùn. Sư không đáp, nắm cào cỏ đập khúc đầu con trùn, rồi đập khúc sau, đập vào khoảng giữa, vứt vào cỏ, xong bỏ đi. 

Ngày kia, hòa thượng Huỳnh Bá cầm cuốc giẫy cỏ, ngoảnh đầu ra sau thấy Lâm Tế Nghĩa Huyền đứng tay không, bèn hỏi: “Cuốc đâu?” Lâm Tế đáp : Ai lấy mất rồi.

Huỳnh Bá nói: Đến đây bảo, ta có việc muốn bàn.

Lâm Tế đến gần, hai tay chắp lại.

Huỳnh Bá giở cây cuốc lên, nói: “Chỉ chút vầy thiên hạ không ai giở nỗi. Ông giở nỗi không?”

Lâm Tế nắm cán cuốc vừa đưa lên vừa nói: “Cớ sao cái này lại nằm trong tay Nghĩa Huyền tôi?”

Huỳnh Bá nói: “Bữa nay ông là người lớn chuyện”[8]

Rồi bỏ về chùa. 

Lần khác, hòa thượng Huỳnh Bá giẫy cỏ trong vườn trà thấy Lâm Tế chống cuốc đứng, hỏi: “Ông mệt phải không?”

Lâm Tế đáp: “Cuốc chưa giở lên mà mệt nỗi gì?”

Huỳnh Bá giơ trụ lên đánh. Lâm Tế giật mạnh cây gậy xô ngã Huỳnh Bá. Huỳnh Bá gọi ông duy na[9]đến đỡ dậy.

Duy na đỡ Huỳnh Bá dậy rồi, nói: “Hòa thượng xử như vậy với lão ấy được sao?”. Huỳnh Bá đánh ông duy na.

Lâm Tế vừa cuốc đất vừa nói: “Ở chỗ khác thì  hỏa táng còn ở đây người ta chôn sống”. 

Ở bài luận trước, tôi có thuật lại câu truyện diễn ra trong khi hái trà giữa thầy trò Quy Sơn và Ngưỡng Sơn. Cuốn sử Thiền dẫy đầy những loại chuyện như vậy chứng tỏ các Thiền sư lợi dụng bất cứ cơ hội nào để truyền dạy pháp thiền cho môn đệ; nhân đó, nhưng sự việc tưởng là tầm thường nhất đời không ngờ hóa ra đầy ý nghĩa. Ít ra tất cả những câu vấn đáp ấy cũng biểu hiện một cách hùng hồn nhất chiều hướng chung của sinh hoạt tăng đoàn thuở trước, một cuộc sống thấm nhuần tinh thần chấp tác và phụng sự mật thiết gắn liền vào công phu thâm quán những diệu lý huyền cơ của tâm đạo.

Xem mục lục