Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

LUẬN HAI

GANDAVYÙHA

LÝ TƯỞNG BỒ TÁT VÀ PHẬT

7

Từ những trích dẫn và miêu tả trên đây, tôi hy vọng rằng, bây giờ chúng ta đã có một bối cảnh tổng quát của Ganda, được phác họa khá rõ; và cũng từ đấy chúng ta học được những ý tưởng sau đây, mà sự thực, chúng cũng là nội dung cho chương mở đầu của kinh, đồng thời chúng cũng cho ta một điểm tựa tiến thêm vào chỗ tinh yếu của giáo thuyết Đại thừa, một cách đại cương.

1. Có một thế giới vốn không thuộc vào thế giới này, dù cả hai không rời nhau.

2. Thế giới, nơi sinh hoạt thường nhật của chúng ta, được đặc trưng với hạn cuộc trên mọi phương diện. Mỗi một thực tại cá biệt đối lập hẳn với những cái khác, và những cái này kỳ thực vốn là tự tánh của nó (svabhàva). Nhưng trong thế giới của Ganda, gọi là Pháp giới (Dhannadhàtu) cho những Thực tại cá biệt được bao hàm trong một Thực tại bao la, và Thực tại bao la này lại thấy tham dự trong từng mỗi Thực tại cá biệt. Không phải duy chỉ thế; mà mỗi hiện hữu cá biệt bao hàm trong chính nó tất cả những hiện hữu khác, và những cái khác cũng như vậy. Như thế có thể nói, có một sự hỗ tương giao thiệp toàn diện trong pháp giới

3. Những hiện trạng siêu nhiên này không thể xuất hiện trong một thế giới còn có bóng tối và sự lạnh nhạt bao trùm, bởi vì, nếu như thế, sẽ không thể có một cuộc giao thiệp. Nếu một cuộc giao thiệp xuất hiện được trong những điều kiện này, giao thiệp đó có nghĩa là sự sụp đổ toàn diện của tất cả những thực tại cá biệt, nghĩa là, một cuộc hỗn độn.

4. Vì vậy, Pháp giới là một thế giới của ánh sáng không mang theo bất cứ hình dạng bóng mờ nào. Bản tính cốt yếu của ánh sáng là hỗn giao mà không xảy ra sự ngăn ngại hay hủy diệt lẫn nhau. Mỗi ánh sáng độc nhất phản chiếu trong chính nó tất cả những ánh sáng khác, vừa toàn thể, vừa cá biệt.

5. Đây không phải là một sự hỗ tương giao thiệp của hiện hữu mang tính cách triết học, đạt được bằng suy lý lạnh lùng, cũng không phải là một lối trình diễn có tính cách biểu tượng của trí tưởng tượng. Nó là một thế giới của kinh nghiệm tâm linh thực thụ.

6. Kinh nghiệm tâm linh cũng giống như kinh nghiệm giác quan. Nó trực tiếp, và chỉ thẳng cho chúng ta tất cả những gì nó đã cảm nghiệm không cần nhờ đến biểu tượng hay trí năng. Ganda phải được lãnh hội theo cách đó - nghĩa là, nó như một tập tài liệu ghi lại một đời sống tâm linh hiện thực nào đó.

7. Cảnh vực tâm linh đó thuộc hàng Bồ tát, không phải thuộc Thanh văn yên nghỉ trong một thế giới của trực giác trí năng và độc điệu, cao vọi trên thế giới tương giao vô tận của những cái cá biệt và đa thù. Bồ tát có một trái tim yêu thương, và cuộc đời của ngài là một cuộc đời tận tụy và hy sinh tặng cho thế giới của những cá biệt.

8. Chỉ có thể đến nơi tập hội của những vật thể tâm linh bằng một trái tim yêu thương rộng lớn (mahàkarunà: đại bi); một tinh thần bằng hữu bao la (mahàmaitrì: đại từ), bằng đạo hạnh (sila: giới), những thệ nguyện vĩ đại (pramdhàna), bằng những năng lực thần thông (abhijnà), không mục đích (anabhisamskàra), không mong cầu (anàyùha), những phương tiện khéo léo phát sinh từ Trí tuệ siêu việt (prajnopàya, và những sự biến hóa (nirmàna).[5]

9. Vì những đức tính trên không có nơi hạng Thanh Văn, nên các vị Thanh văn không được phép dự vào đại hội của chư Phật và Bồ tát. Ngay dù họ đang ở giữa đại hội, họ cũng không thể đánh giá tất cả sự kiện diễn ra trong những chúng hội như thế. Đại thừa không phải chỉ là tánh không, mà đằng sau nó là một tinh thần xã hội đang vận chuyển.

10. Sau hết, chúng ta phải nhớ rằng có một năng lực gia trì (adhisthàna) ở đằng sau tất cả những hiện tượng tâm linh diễn ra trong rừng Thệ đa, và sau tất cả những hóa thân Bồ tát vây quanh Phật. Năng lực này phát xuất từ chính Đức Phật. Ngài là một tâm điểm vĩ đại và là cội nguồn của sự ngời sáng. Ngài là mặt trời mà ánh sáng soi thấu những góc tối của vũ trụ, không để lại một bóng mờ ở đâu hết. Phật của Ganda, vì vậy, được gọi là Đại Tilôgiána Phật (Mahavairochana Buddha), đức Phật Đại Quang Minh hay Quang Minh Biến Chiếu.

8

Để kết luận, tôi xin trích bài tụng của một vị Bồ tát[6], đọc lên để tán thán các công hạnh của Phật, cứ theo đó chúng ta có thể thấy đâu là mối quan hệ thường có giữa Phật và đồ chúng của ngài, trong Ganda:

1. Đức thích ca, đấng tôn quý vô thượng,
Đầy đủ hết thảy các công đức.
Ai thấy ngài tâm liền được thanh tịnh
Và quay đầu hướng về Đại trí tuệ (Đại thừa)

2.Như lai xuất hiện giữa thế gian
Làm lợi ích khắp các loại quần sinh,
Là do tâm nguyện đại từ bi,
Các ngài chuyển pháp luân vô thương

3. Như lai trải qua vô số kiếp
Siêng năng khổ nhọc vì chúng sinh
Hết thảy cả thế gian này
Làm sao báo đáp ân của ngài?

4. Thà chịu khổ trong các áo đạo 
Trải qua vô lượng kiếp,
Trọn không bỏ Như Lai
Mà tìm cầu sự xuất li (giải thoát)

5. Thà chịu đủ thứ khổ
Thay cho các chúng sinh,
Trọn không rời bỏ Phật
Mà tìm cầu chốn yên vui

6. Thà ở mãi trong các nẻo khổ
Mà được nghe danh hiệu Phật ;
Không mong sinh ở nẻo lành
Mà một thoáng không nghe đến Phật.

7.  Thà thác sinh trong các địa ngục,
Mỗi ngục qua vô số kiếp,
Trọn không xa lìa Phật
Mà mong cầu ra khỏi nẻo khổ.

8.  Tại sao mong ở mãi
Trong tất cả đường dữ ?
Vì được thấy Như Lai
Và tăng trưởng trí tuệ

9.  Nếu được thấy Phật, đấng Thế tôn,
Trừ diệt hết thảy khổ
Có thể vào cảnh giới
Đại Trí của Như Lai

10.  Nếu được thấy Phật, đấng vô giá,
Dứt lìa các chướng ngại,
Nuôi lớn phước vô tận,
Thành tựu đạo Bồ Đề

11. Nếu được thấy Phật,
Dứt sạch mọi thứ ngờ;
Tùy uớc muốn của tâm.
Hết thảy đều đầy đủ.

Trên đây phác họa thái độ, mà các Bồ tát từ mười phương  tụ hội về đây, đối với Phật. Để chứng tỏ quan niệm về Phật kể trên có thay đổi như thế nào ở Thiền tông, tôi trích một ít câu trả lời của các thiền sư đối với câu hỏi: “Phật là ai”, hay “là gì? Như hà thị Phật - Rồi sẽ thấy ngay ở đây ngài không còn là một thực thể siêu việt được bao trùm giữa những hào quang của cõi trời; ngài là một cụ già như chúng ta, đang trò chuyện với chúng ta, ngài hoàn toàn là một con người có thể làm quen được Nếu ngài có phóng ra ánh sáng nào, chúng ta phải khám phá, vì nó không là cái có sẵn đó cho ta tiếp nhận. Óc tưởng tượng của người Trung Hoa không bay lượn quá cao xa, quá lộng lẫy, quá linh hoạt. Tất cả những hoạt cảnh huy hoàng được miêu tả trong phần đầu của Thiền Luận này đều được xếp lại để lại chúng ta, một lần nữa, đứng trên mặt đất xám.

Thoạt nhìn, có một hố cách nghiêm trọng giữa Thiền tông và Ganda nếu ta nhận xét về Phật, và những vị siêu nhiên cùng các đoàn tùy tùng vây quanh. Nhưng khi chúng ta bước sâu xuống, vào yếu tính của vấn đề, chúng ta sẽ nhận ra rằng quả thực có sự “Hỗ tương giao thiệp” trong Thiền mà chỉ có thể hiểu dưới ánh sáng của Gandavyùha.

Hoài Hải (720814), ở Bách trượng sơn[7], có thầy tăng hỏi: “Phật là ai?”

Hải: Ông là ai?”.

Tăng: “Tôi là mỗ”

Hải: “Ông biết mỗ không?”

Tăng: “Sư sờ đây”.

Hải bèn đưa phất tử lên và hỏi: “Ông có thấy không?”

Tăng: “Thấy” .

Hải im lặng, không nói thêm một lời. Nhưng, câu hỏi của thầy tăng được trả lời ở chỗ nào? Ông ta có thấy Phật chăng?

Linh Huấn, Phù dung sơn[8], đệ từ của Trí Thường, một hôm hỏi thầy: “Phật là ai?”

Thường đáp: “Tôi sẽ nói cho ông, nhưng ông có tin không?”.

Huấn: “Nếu hòa thượng mà nói thiệt tình, tôi đâu dám không tin”.

Thường: “Chính là ông đó”

Huấn: “Làm sao bảo nhiệm (ý kiến này)?”

Thường: Một hạt bụi trong con mắt, thì hoa đốm rụng tơi bời”.

Về sau, Pháp Nhãn có nói: Nếu Quy Tông (tức Tri Thường) mà không có nói lời sau, đâu có phải là Quy Tông nữa.

Một thầy tăng hỏi Đại long Trí Hồng[9]: “Phật là ai?”.

Hồng: “Phật là ông”

Tăng: “Làm sao hiểu?”

Hồng: Ông sợ bình bát không có quai à?”

Tăng Huệ Siêu hỏi Pháp nhãn: “Phật là ai?”

Nhãn: “Ông là Huệ Siêu”

Tuyết Đậu, tác giả của Bích nham tập, làm bài tụng về chỗ này :

江 國 春 風 吹 不 起 

Giang quốc xuân phong xuy bất khỉ

鷓 鴣 啼 在 深 花 裏 

Chá cô đề tại thâm hoa lý

三 級浪 高 魚 化 龍 

Tam cấp lãng cao ngư hóa long

癡 人 猶  庰 夜 塘 水 

Sĩ nhân do đậu dạ đường thủy.

Gió heo may mùa xuân reo vui trên Giang quốc;

Chim chá cô hát líu lo giữa đám hoa rậm.

Tam cấp sóng cao cá đã hóa rồng,

Người ngu ban đêm còn tìm nó trong mương nước.

Mã Tổ (Đại Tịch)[10] trả lời trừu tượng và triết lý hơn, khi Đại Mai hỏi: “Phật là gì?”. Tổ nói: “Tức Tâm là Phật” Nhưng sau Mã Tổ đổi câu đáp lừng danh này thành: “Không Tâm, không Phật” Nghe thế, Đại Mai quả quyết: “Dù nay tiên sư có nói gì, ta vẫn quyết rằng tức Tâm tức Phật”. 

Khi Vân Cư Năng nói cho một thầy tăng sự đó, tăng bảo: “Không hiểu nổi, sư có cách nào giúp?”. Sư đáp: “Để giúp ông tôi gọi y là Phật. Nếu hồi quang phản chiếu, ông hãy tự xem thân này là gì, tâm này là gì?”.

Thiền sư luôn luôn khuyên các môn hạ của mình đừng bám vào văn tự. Văn tự được coi như là một phương tiện (Upàya) giúp ta lãnh hội Thiền. Do đó có cuộc vấn pháp sau đây giữa Chân Tịnh Khắc Văn và một thầy tăng. 

Tăng hỏi: Phật là ai?

Sư cười hết sức sảng khoái.

Tăng: “Chỗ tôi hỏi có gì mà đáng cười?”.

Sư: “Ta cười ông cố đạt ý theo văn tự suông”.

Tăng: “Không ngờ bữa nay xui xẻo”.

Su bèn kêu: “Khỏi làm lễ!”

Rồi thầy tăng lui về với chúng. Nhân đó sư lại nói:

“Kiến giải của ông vẫn theo văn tự”.

Vì lý do đó, khi được hỏi, “Phật là ai?” có thiền sư đáp: “miệng là cửa họa”. (Viên Ngộ Cần).

Nếu tiếp tục trích dẫn các ngữ lục của Thiền, vấn đề sẽ không bao giờ dứt, nên ở đây sẽ chỉ đưa ra một ít trường hợp và cho thấy có nhiều khía cạnh được nêu lên đối với sự lãnh hội về Phật là ai hay là gì. Tất cả những giải đáp không nhất thiết phải trỏ vào một phương diện nào đó của Phật, vì thảy đều tùy cơ duyên trong khi hỏi.

Động Sơn Thủ Sơ: Ba cân gai

Vân Môn Văn Yển: Que cứt khô

Phần châu Vô Nghiệp: Đừng nghĩ bậy

Thủ sơn Tĩnh Niệm: Con dâu cưỡi lừa, bà nhạc dắt 

Bạch Triệu Nghĩa: “Non xanh nước biếc”

Quy tông Đạo Thuyên: “Tuyết tan xuân tự nhiên đến”.

Bảo Phúc Thù: “Khó vẽ lắm!”

Đạo Ngô Năng: “Chửi cũng không giận”

Ngũ tổ sơn Pháp Diễn: “Một người ngực trần chân không”

Triệu châu Tùng Thẩm, nhân tăng hỏi, “Phật là gì?

Sư đáp: “Ngồi trong điện đó”.

Tăng nói: “Trong điện đó là tượng đất sét”

“Phật là ai?”.

“Trong điện”

Lần khác, có tăng hỏi Triệu Châu: “Phật trước mắt đó là ai?”

Sư lại đáp: “Ngồi trong điện”

“Đó là sắc thân Phật. Phật là ai?”

“Tâm là Phật”

“Tâm còn có thể lường được. Phật là ai?”

“Vô tâm là Phật.”

“Có thể phân biệt Tâm và vô Tâm chăng?”

Sư nói: “Ông đã phân biệt rồi còn muốn đòi cái gì nữa?”

Trích dẫn thế là nhiều rồi. Bởi vì, bây giờ đủ để chúng ta thấy sự gì xảy ra trong tâm các Thiền sư khi họ mỗi người trả lời tùy theo cơ duyên. Chúng ta có thể nói rằng cái thiên tài thực tiễn của Trung Hoa đã đưa Phật trở lại mặt đất, hóa ra ngài có thể nai lưng làm việc cùng chúng ta rồi trán cũng đẫm mồ hôi, và cũng bết bùn. So sánh với khuôn mặt lộng lẫy nơi rừng Thệ đa có mười phương Bồ tát vây quanh chiêm ngưỡng, thì một nét vẽ phác của Tĩnh Niệm với Phật, bà già dắt lừa hay một lực sĩ chân đất mà chạy, của Trí  Môn[11], lạ sao. Nhưng chính chỗ đó chúng ta thấy tinh thần của Hoa Nghiêm đã hoàn toàn chịu nước trong vùng đất Viễn Ðông.

CHÚ THÍCH

[1] Gandavyùha hay Avatamsaka, cùng được hiểu chung là Hoa nghiêm kinh ở Trung Hoa, đại diện cho một môn phái lớn của tư tưởng Đại thừa. Theo truyền thuyết, kinh được nói lúc Phật thâm nhập thiền định ngay sau khi vừa thành Đạo. Trong kinh, Phật không đích thân giảng về một đề tải nào, mà chỉ tán thưởng (Lành thay! Lành thay!) (Sadhu! Sadhu!) cho những lời luận bàn của các Bồ tát như Văn Thù (Manjusri) hay Phổ Hiền (Samantabhadra), hoặc ngài phóng ánh sáng vi diệu từ khắp châu thân như một đại dương. Bản phạn Gandavyùha tường thuật kỹ cuộc hành trình của Thiện Tài đồng tử (Sudhana) dưới sự chỉ đạo của Bồ tát Văn Thù. Thiện Tài đi cầu đạo Vô thượng, trải qua từ vị thầy này đến vị thầy khác, trên năm mươi chỗ. Mục đích là học Bồ tát hạnh. Kinh chiếm hơn một phần tư toàn bộ Hoa nghiêm (Avatamsaka), và đầy đủ hơn một tác phẩm riêng biệt, cho thấy khởi thủy là một bản kinh độc lập. Các chi tiết khác, đọc Thiền Luận này.

[2] Acintya (bất khả tư nghị ) và anabhilapya (bất khả đắc ) là những con số đếm cao nhất.

[3] Tại Trung Hoa truyền thuyết nói Văn Thù ở trên Ngũ đài sơn Phổ Hiền ở Nga mi sơn và Quan Thế Âm ở núi Bồ đàlạcgià

[4] Ngọn Thanh Lương trong dãi Ngũ đài sơn, nơi đó truyền thuyết nói Bồ tát Văn Thù hay xuất hiện, có khi hóa thân làm người chăn trâu. Kim mao sư tử, biểu hiện cho Trí tuệ. Văn Thù thường ngự trên đó. Cát Tường hay Diệu Cát Tường, là Hán dịch của chữ Manjusri (âm: Văn thù sư lị) D.G

[5]  Trích các bài pháp do ngài Di Lặc giảng cho Thiện Tài, pp.14 145

[6] Đó là Bồ tát Pháp Giới Sai Biệt Nguyện Trí Thần Thông Vương (Dhaimadhàtu - tala - bheda - jnàne - abhijnà - ràja) từ thượng phương thế giới đến tham dự chúng hội rừng Thệ đa. MMG : P.86.

[7] Truyền đăng lục, quyển V

[8] Truyền đăng, X

[9] Thiền lâm loại tự, quyển II

[10] Truyền đăng, VI

[11] Trí Môn Quang Tô khi được hỏi: “Phật là ai?” thì đáp: “Sau khi cởi giày ra, ông ấy chạy chân không”

Xem mục lục