Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

k- Vô minh hoặc l- Khái thời mạng tốc m- Hiện nhân hậu quả n- Nhân quả sở do o- Tuần hoàn bất tức

II.B.2.k- Vô minh hoặc.

Căn bản vô minh, nhân đó bị lầm.

 Tất cả chúng sanh vốn đủ có cái thực tướng chân như, tức là minh tâm diệu tịnh. Chỉn bởi rốt đầu một niệm (điên đảo: tức nhân ái vi chủng, nạp tưởng thành thai) biết chẳng đúng như thực, cái tâm bất giác (mê) dấy động, thoạt nhiên vọng niệm nổi lên, mơ thấy cảnh giới tên là vô minh. Đấy tức là cái sanh trước nhất của vô minh, nó làm cái nhân cho gốc khổ sanh tử (cái thân) và các nhiễm pháp (mười ác).

 Do vì cái nhân (sanh tướng vô minh) đó, nó huân tập vào cái tâm thể chân như, cái nhân tăng trưởng mà thành ra sáu pháp:

 a-Tham (tánh cách nó hay nhiễm trước).

 b-Sân (nó lấy những ghét giận làm tánh).

 c-Mạn (tánh cách nó ưa ỷ mình lướt người).

 d-Vô minh (cái tánh của nó là mê mờ u ám).

 đ-Nghi (tánh nó là đối với các đế lý, dụ dự chẳng quyết).

 e-Bất chánh kiến (với các đế lý, tánh nó hay điên đảo xét so, phân ra có cả năm kiến: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ).

 Sáu pháp ấy, lại sanh ra cả các phiền não như: đại tùy, trung tùy và tiểu tùy. Vì cái “sanh tướng vô minh” nó năng sanh ra các chi mạt vô minh, nên gọi nó là căn bản vô minh.

 Do vì cái “căn” đó, làm mê mờ mất cái tánh viên minh xưa đi, che tối luôn chân tâm, thành thử, đối với các pháp của thế gian và xuất thế gian, không thể sáng suốt đặng, nên bảo nó là vô minh.

 Hết thảy mọi loài, nhân bị cái vô minh ấy, làm mê lầm chân tánh đi, chẳng thể thấy đạo (chân tâm). Rồi ra, chỉ tạo tác những cái nhân hữu lậu (như thập ác và mười thiện hữu lậu), nên nói là “bị hoặc”.

 Nếu người mà có thể một niệm hồi quang phản chiếu lại, thì với trong vô minh ấy bị chân như un đúc, mà phát khởi cái chánh tín tu hành, để thành cái nhân tịnh nghiệp. Do cái tịnh nhân ấy, nó trở lại huân tập vào chân như, để tỏ rõ được tự tâm, liền đồng với chư Phật. Đấy, là chỗ gọi rằng “nhứt niệm tịnh tâm thành chánh”, tức là Phật vậy.

 Ký:  Do chẳng rõ chân như thực tướng, nên vọng niệm chợt dấy lên, gọi là vô minh. Đã mê mờ chân thực, nên xưng là hoặc; mê mờ vọng hoặc đã thâm sâu, thành thử tam nghiệp tưng bừng, nên tạo cả thiện lẫn ác. Do thiện nghiệp ác nghiệp đó, nó lôi cuốn đến lục đạo, để thụ sanh tử bằng mê vọng.

 Sở dĩ, tất cả mọi loài, mê mất chân tâm, rượt theo vọng niệm, nên với trên cái cảnh chẳng dời mà luống chịu luân hồi, đến trong pháp vô thoát mà quấy chịu trói buộc.

 Tỷ như: Con tằm mùa xuân làm ổ kén, để tự buộc giam mình, con bướm mùa thu nhào vô đèn, để tự liều cháy xác; lấy hai sợi tơ năng kiến, sở kiến để vấn ràng cái ổ kén vô minh, dùng hai cái cánh vô minh (vi phụ) tham ái (vi mẫu) để quạt bánh xe lửa sanh tử luân hồi!

 Mãi từ đời nọ đến đời kia, niệm nào niệm nấy tiếp tục nhau, nên chịu sanh tử luân hồi, không có lúc nào thôi nghỉ!

 Nếu người mà có thể lìa được vọng niệm thì, tất cả phiền não, sanh tử thảy đều hết nốt.

II.B.2.l- Khái thời mạng tốc

(Thương thời, mạng chóng).

Quang âm khá tiếc (123), sát-na chẳng lường!

 Bỏ trống qua một đời, thế là khả tích! Cơn vô thường xảy đến, phi nhân lực có thể xét lường đặng! Chánh chỗ bảo “nhứt sát -na gian, chuyển tức tức thị lai sanh”, thực thế.

II.B.2.m- Hiện nhân hậu quả.

Đời nay trống qua, đời sau bít lấp!

 Nếu đời nay mà chẳng trồng cái nhân minh huệ, thì làm gì gặt được cái quả thông đạt ở tương lai.

 Ký:  Sất tắt là lấp che, tức là nghĩa bất thông vậy.

II.B.2.n- Nhân quả sở do.

Từ mê đến mê, đều bởi sáu giặc.

 Từ mê là bỏ trống qua. Đến mê là bị bít lấp. Đấy, cũng là với ba đời lẫn nhau nói lên vậy. Bởi vì đời trước đã chẳng giác ngộ, đến đời nay lại vẫn cũng hôn mê nữa. Mà chừ nếu chẳng hiểu rõ thì, cái mê nó lại càng thâm căn cố đế thêm!

 Song, cái mê ấy, phi có cái gì riêng biệt, mà đều bởi lục tặc khiến nên; tuy rằng sáu giặc khó đề phòng, nhưng cái ý nó làm chủ, hễ bắt được chủ rồi (đắc Diệt tận định) thì năm kia đều mất nốt.

 Ký: Chẳng rõ tức là mê. Càng sâu (chuyển thêm) tức là đời sau, mãi cho đến sau đời sau nữa.

 Tặc là kẻ làm giặc cướp, nghĩa là sáu căn chúng nó thường thường trú trước lấy cảnh giới sáu trần, làm cho nhiễm nhơ chân tâm, để rồi cướp của công đức, là tan mất trí huệ.

 Của công đức (124), lược kể có bảy món: 1-Tín, 2-Giới, 3-Văn, 4-Xả, 5-Huệ, 6-Tàm, 7-Quý. Nhẫn đến các pháp vô lậu như ngũ căn, ngũ lực, thiền định…

II.B.2.o- Tuần huờn bất tức

Qua về sáu đường, trườn tuột ba cõi.

 Nhân quả lần lựa chiêu cảm nhau chẳng nghỉ, nên nói là vãng hoàn (qua về). Quá mỏi mệt vì thăng lên ba thiện đạo và trầm xuống ba ác đạo, nên nói là bồ -bặt (trườn lên tuột xuống), đều bởi bị sáu giặc xua khiến, mà phải trôi lăn sáu ngả, lên chìm ba cõi, mãi không thôi nghỉ!

 Ký: Bồ-bặt: bò lết, tức là bò lên lết xuống, nghĩa là thăng trầm. Lại, là hình dung cái cơn kíp vội, lấy ý mà hiểu khá biết.

Xem mục lục