Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Sớm còn tối mất, sát-na đời khác.

Câu trên, nói về đời hiện tại; câu dưới, rằng đời sau. Hai câu ấy đều giải thích về nghĩa của vô thường; văn dưới kia, lại dùng các vật sương, móc để tỷ dụ cho rõ thêm.

Rằng sát-na là thời giờ cực kỳ ngắn và chóng. Nghĩa là người mà đến khi sắp thở hơi cuối cùng, để xả mạng sống thì, chỉ ở trong một sát-na rốt sau, tức là cái ngày mà sáu căn hoại diệt, lúc thần thức dời lìa là, cái thời mà nghiệp thức nó bỏ cái xác cũ, riêng thụ cái thân mới khác.

Thức, tức là thức thứ tám tên là A-lại-da. Khi người ta chết thì thức này ở rốt sau mới lìa xác, khi đi đầu thai thì nó đến trước nhứt, nghĩa là, chỉ trong một sát-na, thức ấy bị hít lẫn vào tinh huyết của cha mẹ, kết tinh trụ trong thai tạng, để rồi cũng vẫn làm cái căn cho sanh tử và, là cái nguồn cho khổ quả.

Ký: Thức có tám món 1-Nhãn thức. 2-Nhĩ thức. 3. Tỷ thức. 4-Thiệt thức. 5-Thân thức. 6-Ý thức. 7

Mạt-na thức. 8-A-lại-da thức.

Ví như sương xuân, móc sớm, chốc lát liền không.

Câu trên lập dụ cái thể vô thường; câu dưới giải thích cái tánh vô thường. Do vì sương móc hễ gặp ánh nắng của mặt nhật thì liền tiêu tan, thể nó chẳng bền chắc mà tánh nó cũng vô thường.

Thí như, là lập lời tỷ huống. Thúc hốt: chốc lát, tức tạm có rồi không.

Ký: Hai câu bổn văn đây là, để giải thích hai câu “Triêu tồn tịch vong…” trên kia là, chung rõ cái thời giờ quá chóng. Thúc hốt: rất chóng quá phi ý nghĩ toan kể gì kịp đặng.

Sách Tông Cảnh nói “Tuy sống trăm tuổi, dường một sát-na, in tuồng làn sóng sắp nhào khơi, ví tợ ánh thừa hầu khuất núi, ví đốm lửa đánh đá nháng, như bóng ngựa trước song (cửa sổ) nhanh, là móc sớm đọng đầu ngọn cỏ, đèn mọn chong giữa gió dông, cây còi cọc nơi mé sông, luồng chớp nháng lòa con mắt. Đó, thân mạng người mong manh vô thường như thế, vẫn ắt đọa nơi u đồ, nếu chẳng gặp được chánh pháp.

Cây vực, dây giếng, đâu được lâu dài!

Câu trên, chỉ ra cái thể của thân mạng, câu dưới giải rõ nghĩa của kiếp sống. Ôi! Cây mọc nơi mé sông, phi dài năm, hai chuột cắn dây, há lâu thuở!

Kinh Đại Tập nói “Xưa có một người, vì sợ tránh hai con voi say, bện dây đùng đeo xuống giếng, dưới đáy giếng có ba con độc long hà hơi trương móng, người liền nắm dây tòn ten ở lưng chừng; trên miệng giếng có hai con chuột đen và trắng cắn dây sắp đứt. Chung quanh có bốn con độc xà muốn cắn nhả nọc độc. Người ngửa mặt trông lên, thấy hai thớt voi đã tới sát miệng giếng, lo sợ vô cùng không chỗ nương gá!

Chợt có con ong mật bay đến, để năm nhỏ mật vào miệng, người ấy nuốt mật rồi, quên hẳn điều nguy sợ(29).

Chừ, đem hai con voi say để tỷ cơn sanh tử. Dây là dụ cái mạng căn; vào giếng là ví cơn vô thường; hai con chuột(30) là dụ nhật nguyệt; bốn rắn thí tỷ tứ đại; ba rồng là ví tam độc; năm nhỏ mật là dụ ngũ dục lạc. Tam độc, là cái nguyên nhân ba ác đạo, nên hễ dây mà đứt, tức có cái hoạn nạn đọa lạc!

Ký: Bổn văn có hai câu, để giải rõ một câu “Bất dữ nhân kỳ”, đấy là chỉ cho người đều biết cả năm, tháng, ngày, giờ rất chóng qua (ngày tháng như thoi, người dễ già).

Thân căn dường cây đứng mé sông, gió nghiệp một khi thổi đến, phi sức mạnh nào có thể trì giữ vững được; mạng sống như dây bò trong giếng, ngày tháng mỗi kém mòn qua, khiến người không nhớ biết. Cây đứng nơi ngàn sông, là tỏ cho biết rằng năm tuổi chẳng dài lâu; dây giếng, là ví rằng ngày tháng chóng mau.

Rằng dây giếng, là cái dây nó mọc bò thòng nơi bên giếng; hoặc nói rễ cây nó đan vào lòng giếng, nghĩa là cái giếng khô trên gò nổng.

Ngài La-Thập pháp sư nói “Thuở xưa có người tội phạm, sợ tội hình vượt ngục trốn chạy. Nhà vua truyền thả voi say rượt theo, tội nhân sợ quýnh tự gieo mình xuống giếng khô…”

Tam độc là tham lam, sân hận và si mê. Tam ác đạo là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Ngũ dục: năm điều ưa muốn, tức sắc đẹp, tiếng tốt, chất thơm, mùi ngon, thân ưa cảm xúc sự sang trọng, sung sướng. Hoặc có chỗ dùng tài, sắc, danh, thực, thùy làm ngũ dục. Nghĩa là, chúng sanh say mê nơi chút vui ngũ dục đó mà, trọn quên các khổ rất hiểm nguy của sanh tử!
Niệm niệm chóng mau.

Niệm, là cái vọng niệm nơi tâm sanh diệt của phàm phu, nghĩa là, niệm trước chưa diệt, niệm sau tiếp sanh, mỗi niệm cứ sanh diệt mãi như thế. Tỷ như đèn cháy tim, lửa cháy đến đâu tim tàn đến đó, mãi thế chẳng ngừng; với cái hiện tượng sanh diệt quá chóng mau như thế, phi bực đủ huệ nhãn thì chẳng thấy.

Ký: Đấy là nói rõ cái “niệm” quá nhanh, là bởi vọng niệm, nên sanh diệt mãi chẳng hề tạm đình, chớ như chân tâm thì, vẫn thường trụ không dời đổi.

Trong một sát-na, hơi thở tắt rồi, tức là đời sau.

Tiếng Phạn là Ksana (sát-na), đây rằng một niệm, tức là cái thời gian cực kỳ ngắn mau.

Luật Tăng-kỳ nói “Hai mươi niệm làm một thuấn (nháy mắt), hai mươi thuấn, kêu là một đờn chỉ (khảy móng tay).

Luận Câu-xá nói “Trong một cái đờn chỉ của tráng sĩ, có sáu mươi lăm cái sát-na”.

Song, có đại niệm, tiểu niệm, trong một đại niệm, có chín mươi cái sát-na, trong một cái sát-na có chín trăm cái sanh diệt.”

Trên đây nói một sát-na đó, tức là cái tiểu niệm.

Tức, là hơi thở ra hít vào, cái hơi thở ấy, gọi là cái mạng sống, nghĩa là, dùng một thời kỳ làm tuổi thọ, giữ liền được cái sanh thân nói rằng mạng. Trong một thời kỳ giữ liền hơi thở chẳng dứt, nên gọi hơi thở ra vào là thọ mạng. Chuyển tức là hơi thở ra rồi mà không hút vào lại nữa, nên nói tắt thở, tức là mạng chung. Đấy, chỉ ở trong khoảng một sát-na, tức là khi thức thứ tám nó bỏ thân tiền ấm để đi thụ cái thân hậu ấm.

Ở đây, chẳng nói cái trung ấm là, hễ nói lên cái trước, cái sau thì có kiêm cái trung ấm rồi.

Lại, tuổi của thân trung ấm, hoặc chậm hoặc mau không nhất định hễ chậm thì, chỉ bốn mươi chín ngày là mãn kỳ, vì đi đầu thai; còn mau thì, rất chóng hơn tâm niệm, nó liền xả thân trung ấm mà thụ thân hậu ấm.

Lai sanh: Đời sau, tổng quát lục đạo, vì tùy theo sở hành thiện nghiệp, ác nghiệp như thế nào mà, phải thụ quả báo sanh ở vào chỗ nấy.

Ký: Hai câu của bổn văn đây, tức giải thích nghĩa của một câu “sát-na dị thế” (sát-na đời khác) nơi văn trên kia. Văn đây, nói rõ sát-na là rất chóng kíp.

Hành mười thiện bực thượng, được sanh lên thiên đạo; hành mười thiện bực trung sanh lại giữa nhân loại; hành thập thiện bực hạ sanh ở cõi A-tu-la.

Hành thập ác hạng nặng, đọa ở địa ngục; hành thập ác hạng vừa, sanh làm ngạ quỷ; hành thập ác hạng nhẹ đọa làm súc loại.

Thuấn là con mắt nháy động.

Thân trung ấm, là con người khi mạng chung, sau cái lúc mà hơi thở ra hút vào dứt hẳn, thức thứ tám rời thân tiền ấm (tử thi), liền hóa sanh ra thân trung ấm, hình bằng con nít ba tuổi của nhân gian, ở giữa hư không, mắt của nó chỉ thấy mịt mờ mà thôi, ăn hưởng hơi hương để sống.

Dầu ở cảnh giới tối tăm, vì nghiệp chướng khiến thế, nhưng chỉ với chỗ nào có duyên, nó liền thấy cái ánh sáng dục hỏa của giống đực giống cái (sẽ làm cha mẹ nó) đương giao hội hành dâm, tùy ý niệm của nó tức thì đến liền, nạp lấy cái tưởng điên đảo(31), trong một sát-na, thức nó hút lẫn vào hai điểm bạch tinh, xích huyết của cha mẹ (thân trung ấm diệt) mà tổ thành thân hậu ấm.

Hoặc kẻ sắp làm cha mẹ của nó không giao hội, vì bệnh duyên hay chuyện chi khác, hoặc địa phương đi thụ sanh của nó chưa ổn định thì, cái thân trung ấm của nó, mỗi bảy ngày phải chết một lần, rồi hóa sanh trở lại (để đợi chỗ có duyên giao hội), nhẫn đến bốn mươi chín ngày, ắt quyết định được gá sanh. Nên chẳng sớm thì chầy, không ngoài bảy lần bảy ngày(32).

Bằng như, nghiệp duyên của thân trung ấm đã định hoặc sanh làm chúng sanh ở cõi người, cõi trời, hoặc đọa làm chúng sanh ở loài quỷ, loài súc thì, chỉ trong một sát-na, nó bỏ thân tiền ấm, thụ thân trung ấm, xả thân trung ấm, thụ thân hậu ấm. Trong thời gian xả thụ như thế, chóng hơn cái chớp sáng, phi cái tâm nhãn của phàm phu thấy xét được mà, duy có Phật mới thấy biết kịp.

Thế sao? Yên lặng bỏ trống qua.

Hà nãi như hà vi: Thế sao, mần răng!? Cũng là lời hỏi giằn gạn lại và, cũng là lời thừa tiếp văn trên chuyển qua văn dưới. Do vì trên, chỉ thị ra cho biết điều quá hoạn của sanh tử, cơn vô thường vội gấp! Đến dưới, khiến cho giác ngộ rằng đã xả tục nhập đạo, y nơi pháp tu hành, kỳ cho ra khỏi luân hồi.

Yến nhiên như là an nhàn vô sự; là có ý chung lại bảo rằng sáng bóng (ngày đêm, giờ phút) nhanh chóng, sanh mạng của người là vô thường! Cớ sao? Trọn ngày, chỉ cốt lấy ăn no, tâm vô dụng vào giới định huệ gì mà, mải cứ yên rảnh, ăn rồi ngồi không, bỏ luống qua ngày, chẳng toan tiến lên, để hầu giải thoát sanh tử ư!?

Xem mục lục