Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

 

 

Tôn giả, La-duyệt thành nhân. Nhất thực bất ngọa, lục thời lễ Phật, vi chúng sở quy. Nhị thập Tổ chí bỉ, vấn kỳ chúng viết: “Thử đầu-đà năng tu phạm hạnh, khả đắc Phật đạo hồ?” Chúng viết: “Ngã sư tinh tấn, hà cố bất khả?” Tổ viết: “Nhữ sư dữ đạo viễn hỹ!” Chúng viết: “Tôn giả uẩn hà đức hạnh, nhi cơ ngã sư?” Tổ viết: “Ngã bất cầu đạo, diệc bất điên đảo. Ngã bất lễ Phật, diệc bất khinh mạn. Ngã bất trường tọa, diệc bất giải đãi. Ngã bất nhất thực, diệc bất tạp thực. Tâm vô sở hy, danh chi viết Đạo.” Tôn giả văn dĩ, phát vô lậu trí, Tổ nãi phó pháp. Hậu chí Na-đề quốc, đắc Ma-noa-la, tức dũng thân cao bán do-tuần, ngật nhiên nhi trụ. Tứ chúng ngưỡng chiêm kiền thỉnh, phúc tọa, già phu nhi thệ.

 

Dịch:

Tôn giả người thành La-duyệt (Rajagriha), ngày ăn một bữa, không nằm, sáu thời lễ Phật, khiến mọi người quy phục. Tổ thứ 20 đến thành này hỏi đồ chúng của Tôn giả:

- Vị đầu-đà này siêng tu phạm hạnh có thể đắc Phật đạo chăng?

Đồ chúng đáp:

- Thầy tôi tinh tấn sao không đắc đạo?

Tổ bảo:

- Thầy các ông cách đạo còn xa lắm!

Đồ chúng hỏi:

- Thưa ngài! Ngài có đức hạnh gì mà chê Thầy chúng tôi?

Tổ đáp:

- Ta không cầu đạo cũng chẳng điên đảo; không lễ Phật cũng chẳng khinh mạn; không ngồi mãi cũng chẳng giải đãi; không ăn một bữa cũng chẳng dùng nhiều lần. Tâm không mong cầu ấy gọi là Đạo.

Nghe xong, Tôn giả phát khởi trí vô lậu và được Tổ truyền pháp.

Sau đó, Tôn giả đến nước Na-đề ( Magadha ) độ Ma-noa-la (Manorhita). Xong việc, Ngài liền phi thân lên không, cao nửa do tuần rồi đứng yên trên đó.

Bốn chúng đệ tử đều ngưỡng lên chiêm bái, cung kính thỉnh cầu, nhưng Ngài lại ngồi kiết già thị tịch.

                                               

                                                Tán:

Vô lậu trí thông 

Bạch nhật thuyết mộng 

Ngọc uẩn kinh san 

Châu hàm lão bạng

Quang thấu trùng trùng 

Hiền giả bất trùng 

Kế khởi tuệ đăng 

Thiên kinh địa động[1]

Dịch:

Chứng vô lậu trí

Chiêm bao ban ngày

Ngọc chất thành non

Miệng trai ngậm châu

Sáng rực muôn trùng

Người hiền khó gặp

Tiếp mồi tuệ đăng

Trời kinh đất động.

 

Hoặc thuyết kệ viết (Tuyên Công thượng nhân tác):

Nhất thực bất ngọa chân tinh tấn 

Vạn lự giai không đại đạo sư

Ngã tắc bất cầu trừ điên đảo 

Nhữ ưng phá chấp ly cuồng ngạo

Cần tu vô lậu đạo chủng trí 

Xả khí hữu vi công đức siêu

Như thị tâm ấn truyền Tổ ý 

                                      Tây thiên Đông độ bộ bộ cao[2]

                             Dịch:

Ngủ ngồi ăn ngọ dốc công phu

Chẳng vướng sầu lo bậc chân tu

Ta quyết không cầu trừ điên đảo

Ông nên phá chấp dứt cuồng ngu

Siêng tu vô lậu Như Lai trí

Xả bỏ hữu vi phúc đức bù

Như vậy chư Tổ truyền tâm ấn

Tây Thiên Đông độ mãi vân du

                    

 

Giảng:

          Đoạn văn hôm nay, quý vị phải đặc biệt chú ý! Vì sao? Vì đoạn văn này rất dễ bị người thiền cửa miệng xử dụng để lừa thiên hạ, nên chúng ta phải biết từ ngữ lời nói đối đáp  qua lại của Tổ thứ 20 và Tổ thứ 21, xem các ngài dụng ý ở chỗ nào? Không phải nói chúng ta cứ học theo đúng những lời đối đáp trên rồi đi lừa người khác, mạo nhận mình là Tổ sư. Đó là điều không thể nào chấp nhận được. Còn như muốn nói theo cách đó thì phải là những ai có đủ tư cách chân chánh, bằng không thì không thể nói như vậy được. Thế nào gọi là đủ tư cách? Người ấy là người được truyền tâm ấn của Phật, gánh vác sự nghiệp của Như Lai. Nếu không phải là người gánh vác sự nghiệp của Như Lai thì tuyệt đối không thể lạm dụng phát biểu những lời nói trên.   

Tôn giả, La-duyệt thành nhân: Tôn giả Bà-tu-bàn-đầu là Tổ 21 của  Tây Thiên, người thành La Duyệt, Ấn Độ.

Nhất thực bất ngọa: Trước khi chưa gặp Tổ thứ 20, Tôn giả ngày chỉ ăn một bữa; bất ngọa, vì là thường ngồi không nằm, tức là “bất đảo đơn” – không nằm xuống. Có người ngộ nhận nói “bất đảo đơn” là không ngủ, nhưng ở đây không phải vậy; “bất đảo đơn” không phải là không ngủ mà “ngủ ngồi”. Con người khó mà không ngủ, cho nên điều này phải hiểu cho rõ, không lẫn lộn được. Có rất nhiều người không am tường chữ nghĩa, hoặc giả những kẻ ăn mà không biết mùi vị, những ai thường ăn nói một cách hồ đồ, đều cho rằng “bất đảo đơn” là không ngủ, tức là họ chẳng hiểu rõ ý nghĩa của câu “bất đảo đơn”. Quý vị nên biết, đã là người mà bảo rằng không ngủ, có nghĩa là ai đó không am hiểu sự tình. Ba việc ăn uống, ngủ nghỉ, mặc quần áo là việc mỗi ngày không thể thiếu, bất luận một người nào cũng cần đến ; Bởi vậy bảo “bất đảo đơn” là “không ngủ”, chính là đem sai truyền sai, hoàn toàn sai lầm.    

          Khi ở Đài Loan tôi còn nghe có người phê bình Hòa Thượng “Trái Cây” (Hòa Thượng Quảng Khâm), họ phê bình thế nào? Họ nói:

-         Ái chà!

 Nghe tiếng“ái chà!” tôi mới hỏi:

-         Làm sao đó?

-         Ngài ăn cháo rồi!  

    Ý nói Hòa thượng Trái Cây nay đã ăn cháo rồi.

    Cái giọng người ta trả lời như vậy là hàm ý gì đây? Có nghĩa là Hòa Thượng Trái Cây nay đã ăn cháo, tức là một chuyện tầy trời, là phá giới, là phạm trai, là đọa lạc, hàm ý đại khái là như vậy.

Kỳ thật đây là chuyện bình thường, Ngài tuổi cao như vậy, ăn cháo là đúng lắm. Vả lại, ăn cháo hay không cũng là việc của Ngài, người ngoài không có quyền can thiệp vào việc riêng của Ngài. Ngài ăn cơm hay không đều là  ý nguyện của Ngài, hoàn toàn không có vấn đề giới luật của Phật là không cho phép ăn cơm, ăn cháo, làm gì có đạo lý đó? Đã không có đạo lý này thì vì duyên cớ gì mà người ta lại la hoảng lên như vậy để phê bình Hòa Thượng là không đúng? Chính vì lẽ “thói quen mà không xét nét sẽ tạo thành phong cách”[3]. Mọi người quen thấy hòa thượng ăn thuần trái cây, nay bỗng thấy Ngài ăn cháo, ấy là coi như đã có tội, phạm tội lớn như các tội giết người, đốt nhà, cướp của vậy! Đến nỗi họ còn thì thầm bên tai tôi: “Chuyện này không nên nói cho ai biết đó!” Quý vị xem! Tại sao lại phải như vậy? Chính vì “thói quen mà không xét nét sẽ tạo thành phong cách” nên người ta mới không hiểu đó là chuyện dĩ nhiên, không biết rằng người tu hành là phải như vậy, rằng việc Hòa Thượng ăn cháo là việc riêng của Ngài.

Lại có lời đồn nói Hòa Thượng Trái Cây là “vị sư câm” (á dương tăng), không biết giảng kinh, không giảng được gì hết, họ phê bình như vậy đó! Vậy là có nghĩa Hòa Thượng không hiểu Phật pháp!

Người thuyết pháp chân chính, không nhất thiết dùng lời để thuyết pháp, “lấy hành động ở đời, để dạy bảo mà thôi”[4], Ngài dùng hành động của mình để biểu hiện. Hành động của Ngài chính là thuyết pháp; tư tưởng và tác phong của ngài, chính là thuyết pháp! Có câu nói “Xử lý việc vô vi, thực hành giáo hóa không lời, vạn vật tạo tác mà không từ khước, sanh ra mà không có, làm mà không nương theo, có công mà không nhận”[5]. Thánh nhân mới có thể làm được việc đó, nhưng phàm phu không biết, nên phê bình xằng bậy, suy nghĩ mù quáng. Quý vị thấy đáng thương biết chừng nào!          

Cho nên khi nói “thường ngồi không nằm”, hoàn toàn không phải có nghĩa là không ngủ. Quý vị phải chú ý! “Ăn một bữa” là một ngày ăn một bữa. Vì sao phải ăn một bữa? Vì lúc xưa Đức Phật còn tại thế, tất cả Tỳ-kheo đều ăn một bữa, gọi là “ngày ăn một bữa, gốc cây ngủ một giấc, giữ mình chớ tiếp tục thêm!”  Lại còn phải bỏ lại tiền của, không màng tới của cải thế gian, vậy mới là người thực sự không có tâm tham, là người tu hành chân chính. Vì vậy, sau khi chúng ta xuất gia, tuyệt đối không nên xem tiền bạc là trọng yếu! Mà phải xem tiền bạc như rác rưỡi dơ bẩn, không nên suốt ngày từ sáng đến tối đều nuôi mộng nào phát tài, nào làm tiền, lúc nào cũng tâm niệm câu: “Trời phú cho gọi là tiền, noi theo tánh gọi là tiền, tu đạo gọi là tiền; tiền ấy chẳng thể phút nào xa lìa được!”[6] Ồ! Không thể như vậy được đâu!

Lục thời Lễ Phật: Tôn giả Bà-tu-bàn-đàu ban ngày lễ Phật, ban đêm cũng lễ Phật; ngày ba thời lễ Phật, đêm ba thời lễ Phật. Vì sao Ngài ăn một bữa? Bởi vì Ngài lễ phật không có thời gian để ăn, nên ăn một bữa. Vì sao ngài không nằm? Cũng vì lễ Phật, không có thời gian để nằm. Ở đây tôi giúp Ngài giải thích, nếu quý vị không tin xin quý vị thỉnh Ngài hỏi thử xem, bẩm báo với ngài tôi nói như vậy đúng hay sai? Vi chúng sở quy: Ngài dụng công và tu hành như vậy, đại chúng đều biết Ngài chỉ ăn một bữa, thường ngồi không nằm, sáu thời đều lễ Phật, nên mọi người đều tán thán Ngài. Đối với một vị tu hành lâu năm như thế, họ vô cùng khâm phục và đỉnh lễ sát đất.

Nhị thập Tổ chí bỉ: Bất ngờ, người tới đó là một vị Tổ sư! Tôn giả đương dụng công tu tập như vậy, thì có vị tác gia - thiện tri thức tới! Chí bỉ, tức là đến chỗ này, đến địa phương này. Đi đến nơi rồi thì có chuyện gì xẩy ra đây? Vấn kỳ chúng viết: Tổ hỏi các đồ chúng của Tôn giả. Vì sao Tổ lại có vẻ hạ mình xuống, hỏi han các đệ tử của Tôn giả như vậy? Bởi vì Tổ biết ngày sau Tôn giả sẽ có thể là một vị Tổ sư đời thứ 21, nên mới cư xử như vậy, cốt giúp Tôn giả phá chấp. Do đó Tổ mới cật vấn các tín chúng như sau: “Thử đầu-đà năng tu phạm hạnh, khả đắc Phật đạo hồ?” Vị đầu-đà này siêng tu phạm hạnh có thể đắc Phật đạo chăng? Gọi là đầu-đà, vì mỗi ngày Tôn giả chỉ ăn một bữa, thường ngồi không nằm, sáu thời lễ Phật, thực hành hạnh đầu-đà. Phạm hạnh chính là người có hạnh thanh tịnh. Tổ nói: “Vị này nhiệt tình thực hành hạnh đầu-đà, vậy chớ có thể đạt đạo chăng? Thành Phật được chăng?” Tổ cật vấn như vậy trước số đồ chúng và tín chúng của Tôn giả.    

Chúng viết: “Ngã sư tinh tấn, hà cố bất khả?”: Vì đồ chúng rất sùng bái và cung kính Ngài, nên khi nghe Tổ thứ 20 vừa nói như vậy, mọi người liền thưa: “Thưa Ngài! Thầy tôi tinh tấn như vậy, ngày ăn một bữa, thường ngồi không nằm, ngày đêm sáu thời đều lễ Phật. Sáng tinh tấn, tối tinh tấn, thân tinh tấn, tâm tinh tấn, ngày đêm sáu thời thường tinh tấn; thân tâm, tính mạng đều không ngừng nghỉ, dù may rủi đến tính mạng cũng không ngừng nghỉ, tu hành như vậy làm sao không đắc đạo được? Mà sẽ đạt được tất cả!”

Tổ viết: “Nhữ sư dữ đạo viễn hỹ!”: Vừa nghe  xong, Tổ thứ 20 liền nói: “Thầy của các ông còn cách rất xa Phật đạo, còn cách xa mười vạn tám nghìn dặm!”

          Chúng viết: “Tôn giả uẩn hà đức hạnh, nhi cơ ngã sư?”: Các đồ chúng của Tôn giả vừa nghe Tổ nói, tỏ vẽ không kính phục, liền trả lời: “Thưa Ngài! Ngài có đức hạnh gì? Bản thân ngài có đạo đức gì? Ngài có tư cách gì để phê bình Thầy chúng tôi chứ? Ngài mỉa mai và xem thường thầy chúng tôi, Ngài có tư cách và đức hạnh gì chứ?” cơ phúng chính là xem thường, dịch thành văn bạch thoại: Ngài có đạo đức gì? Ngài xem thường thầy chúng tôi sao? Ngài xem thường thấy chúng tôi! Ngài dám chê thầy chúng tôi!”

         Tổ viết: “Ngã bất cầu đạo: Tổ thứ 20 nói: “Ta không cầu đạo”. Nếu phải địa vị của Đại sư Vĩnh Gia, người đã từng nói “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân” thì lúc đó mới có đủ tư cách nói câu “ta không cầu đạo”; còn như không phải là nhàn đạo nhân, không phải là người đã tu chứng, không phải là người chân chính gánh vác sự nghiệp của Như Lai thì không có tư cách nói rằng tôi không cầu đạo, tôi là người vô tu vô chứng. Có câu nói như sau: “Cúng dường chư Phật ba đời trong mười phương cũng không bằng cúng dường một vị vô tu vô chứng”. Người vô tu vô chúng mới có thể nói “Tôi không cầu đạo. Diệc bất điên đảo”: Nghĩa là cũng không điên đảo, ý nói: tôi không cầu đạo là không cầu đạo, chớ không phải là thấy tiền tài, trở thành người đam mê tiền tài; thấy sắc, trở thành người mê sắc; thấy danh tiếng, trở thành người mê danh tiếng; thấy rượu chè, trở thành người mê rượu chè; bốn thứ vừa kể không làm cho tôi bị mê mờ!  

          Ngã bất lễ Phật: Tôi không thường xuyên lễ Phật. Không lễ Phật, không phải là nói thấy Phật mà không đỉnh lễ, không phải ý đó,  mà ý nói là không phải trong cả sáu thời thường lễ Phật. Quý vị nên hiểu rõ câu văn này! Khi câu văn này nói “tôi không lễ Phật”, thì không nên nghĩ rằng: “Ái chà! Tổ thứ 20 hoàn toàn không lễ Phật, quý vị nói ta lễ cái gì?  Lễ đống bùn hay mãnh gỗ?” Không phải như thế! “Tôi không lễ Phật” là nói không phải trong sáu thời tôi đều lễ Phật. Diệc bất khinh mạn: Nhưng tôi không sinh tâm khinh mạn, cũng không xem thường một vị nào, mà xem tất cả chúng sinh đều có Phật tính và có khả năng thành Phật. Khi chú giải, giảng giải cần phải đặc biệt chú ý ở đoạn này. Quý vị không nên nhìn vào câu văn này, nghĩ: “Ồ! Tổ thứ 20 không lễ Phật, vậy công phu ba bước một lạy cũng chẳng nên công trạng gì!” Không thể nghĩ như vậy được! 

Ngã bất trường tọa: Tôi tính ngồi, thì ngồi xuống; tính nằm thì nằm xuống. Diệc bất giải đãi: Nhưng không phải là lúc nào cũng nằm dài ra, biếng nhác quá đáng; thậm chí ăn cơm cũng vì đói bụng, vì bụng không được đáp ứng; nếu bụng đã được đáp ứng rồi, thì sẵn cơm đó ăn tôi cũng không ăn! Lười biếng như thế đó. Ở đây nói tuy tôi không phải thường ngồi không nằm, nhưng cũng không phải là giải đãi.

Ngã bất nhất thực: Tôi không nhất định ngày ăn một bữa, diệc bất tạp thực: Nhưng cũng không ăn nhiều lần, ăn cái này một chút này, cái kia một chút, thậm chí ăn năm sáu món, bảy tám món, mười mấy món…có khác gì cái cảnh tượng vào lúc ngọ, giờ ăn cơm, mắt quý vị mở to hơn cả mắt bò, rồi thì, một khi đến nơi liền: “Ồ! Món này chắc là ngon, ta phải lấy một ít; món này thì dở đây, ta không lấy!” Không phải vậy! Đây ý nói là không có vấn đề chọn lựa, không phân biệt, không ăn tạp, có thức gì thì ăn thức đó, không ăn uống xô bồ. Cũng không hề nghĩ: “Ồ! Cái món này coi bộ tuyệt vời, ta phải nếm xem!” Không phải cái phong cách như vậy, bởi trong lòng không khởi lên một sự phân biệt nào. Ăn tạp có nghĩa là thích ăn lung tung mọi thứ, còn không ăn tạp thì không hề chọn lựa xem cái gì ngon mới ăn.    

Tâm vô sở hy: Trong lòng tôi cũng không chút “hy vọng”. Chữ “hy” ở đây là hy vọng, cũng chính là mong cầu; vô sở hy là không có thứ gì phải hy vọng và mong cầu. danh chi viết Đạo.”: Đó chính là đạo!

         Tôn giả văn dĩ, phát vô lậu trí: Đứng bên cạnh, Tổ thứ 21 nghe được; vì Tổ thứ 20 không trực tiếp nói với Ngài, mà nói với tín chúng, đồ chúng và những người sùng bái Ngài. Lúc này, giả tỷ những ai còn nặng về “ngã tướng”, mà nghe những lời này chắc sẽ đáp: “Ái chà! Ông đang muốn khiêu khích, khiến đồ đệ của tôi không tin tôi nữa chứ gì? Ông thích gì đây! Tôi sẽ đánh cho ông một trận!” Lúc này lửa vô minh đã cháy lên. Nhưng Ngài không phải như vậy!

Tu hành chân chính là phải tu thực sự, không phải theo lối tu qua quýt cho xong việc. Lễ Phật không phải là cách lễ làm bộ làm tịch; ta ăn một bữa, lại treo bảng hiệu tu hành ghi: “Quý vị biết không? Tôi ngày ăn một bữa! Quý vị biết không? Tôi thường ngồi không nằm! Quý vị biết không? Tôi từ sáng đến tối đều lễ Phật!” Ra sức khua chiêng đánh trống, đến đường phố để bán bảng hiệu tu hành, khiến rất nhiều tín đồ đổ xô đến, để cho họ bàn tán với nhau: “Người này mới đúng là chân tu! Đúng là vị Phật sống đó! Một Bồ-tát sống đó!” rồi cúi đầu đỉnh lễ và lạy ba lạy; nói lạy một lạy là không được, phải lạy ba lạy, giống như khi ta trông thấy Phật thật sự! Tu hành không nên như vậy, không thể chỉ cố gắng phô trương công phu tu hành của mình, đạo đức của mình, có như vậy mới mong có ngày đạt được “trí huệ vô lậu”.

Trí tuệ vô lậu” này cốt yếu là đọan dục trừ ái, thân tâm buông bỏ, không có gì cả; không có gì cả, không cầu danh, cũng không cầu lợi .

          Lần nữa Tôi xin nói với quý vị, không phiền não cũng là “Trí tuệ vô lậu”. Căn bản phiền não phát xuất từ đâu? Chính là xuất phát từ ham muốn của quý vị. Nếu quý vị không ham muốn thì không phiền não. Vì sao quý vị có phiền não? Vì quý vị chưa đoạn trừ được ham muốn! Nếu quý vị đoạn trừ ham muốn rồi thì “Tính định ma phục ngày ngày an vui, vọng niệm không khởi nơi nơi thanh bình”, điều đó rất rõ ràng. Quý vị phải thực sự không ham muốn thì không còn phiền não, không phiền não sẽ được tự tại! Tự tại với một thứ thì tất cả đều tự tại, giải thoát một thứ thì tất cả đều giải thoát, một thứ không chướng ngại thì tất cả không chướng ngại, chính là ở chỗ này! Đó gọi là “Trí vô lậu”.

Tổ nãi phó pháp: Tổ thứ 20 liền truyền pháp môn tâm ấn cho Tổ thứ 21 (chú 1). Hậu chí Na-đề quốc, đắc Ma-noa-la: Sau đó Tổ thứ 21 đến nước Na-đề, truyền pháp cho Tôn giả Ma-noa-la, tức dũng thân cao bán do-tuần, ngật nhiên nhi trụ: Ngay sau đó, Ngài liền vọt lên hư không cao mấy mươi trượng. Nửa do-tuần, một đại do-tuần là tám mươi dặm, trung do-tuần là sáu mươi dặm, tiểu do-tuần là bốn mươi dặm; như thế ở đây là bốn mươi dặm, độ cao gần giống độ cao của máy bay hiện tại. Ngài không có cánh mà vọt mình lên hư không cao nữa do-tuần, rồi đứng giữa hư không.    

Tứ chúng ngưỡng chiêm kiền thỉnh, phúc tọa, già phu nhi thệ:  Bốn chúng đều ngẫng đầu lên nhìn nói: “Ái chà! Kỳ là thật! Kỳ lạ thật!” Lại thành kính thỉnh Ngài trở lại, mọi người nói: “Thưa thầy! Thầy hãy nhanh trở lại đi! Chúng con chưa hiểu rõ Phật pháp! Chúng con còn phải học Phật pháp nhiều hơn nữa.”  Thế rồi, Tổ thứ 21 ngồi kết-già an nhiên thị tịch.

                                     

Tán

Vô lậu trí thông, Bạch nhật thuyết mộng: Chứng được vô lậu thông, cũng gọi là lậu tận thông, tức là đã đoạn được hết dục. Nếu quý vị không đoạn được dục, lòng còn nhiều ham muốn, giống như trên đầu có bao nhiêu sợi tóc là bấy nhiêu thứ dục thì khỏi có bàn tới vấn đề lậu tận thông. “Bạch nhật thuyết mộng” là nói mộng giữa ban ngày. Vấn đề này đem nói chuyện với người thường cũng chẳng khác gì giữa ban ngày mà nói chuyện mộng, chắc chắn người ta không thể hiểu nổi.

          Ngọc uẩn kinh san, Châu hàm lão bạng: Đây là khối ngọc báu lấy ở Kinh sơn, còn hạt châu (pearl) thì lấy ra từ con (ngọc) trai già – trai càng già thì ngọc càng sáng, càng to và đẹp.   

Quang thấu trùng trùng, Hiền giả bất trùng: Ánh sáng viên ngọc của con trai già, chiếu khắp mọi nơi. “Hiền giả bất trùng”, tuy tu hành như vậy nhưng Ngài vẫn chưa thực sự chứng quả. Cho nên Tổ thứ 20 đến để dẫn dắt bằng cơ phong chuyển ngữ, qua bao nhiêu câu đối đáp giữa hai bên.

Kế khởi tuệ đăng, Thiên kinh địa động: Nối tiếp đèn trí tuệ của Phật giáo, một việc lớn khiến cho trời kinh đất động, không phải là điều mà người thường có thể tưởng tượng được. Có chỗ tôi giảng nhầm, xin quý vị hãy xử dụng trí huệ mình, đặng có thể nhắc cho tôi hay; Bởi vì tôi talking too much, so don't talk. (nói nhiều lắm rồi, thôi không nói nữa)

 

                                                Kệ

Tôi viết kệ tụng này, quý vị ghi nhớ hay không cũng không quan trọng; Có điều, vì nó tôi đã nặn óc suy nghĩ để cố gắng viết ra. Chính tôi cũng biết bài kệ chẳng hay ho gì, nhưng dù nó thô kệch, tôi hy vọng “cục gạch ném ra sẽ dẫn tới viên ngọc”[7], và bài kệ có thể được đáp ứng với sự xuất hiện của những câu hoa mỹ hơn trong tương lai, đặng tán thán các lịch đại Tổ sư cũng như chư Phật đời quá khứ. Bài kệ này nói lên như vậy.   

          Nhất thực bất ngọa chân tinh tấn: Ý này phần trước đã giảng rồi. Tu hành như vậy thật là tinh tấn! Tuy nhiên, đối với chúng ta thì không nên thấy mình tinh tấn đã sanh tâm cống cao ngã mạn, một lối pháp chấp. Chẳng hạn, không nên nói rằng: “Ta đây tu như vậy, lễ Phật như vậy, thường ngồi mà không nằm như vậy đó!”, mà phải nghĩ là người ta còn tu hơn mình, mình chỉ là thứ hạng chót, chẳng đáng nói tới, một kẻ nhỏ nhoi không ra gì. Chúng ta cần phải có một tâm trạng như vậy, đừng có tự đắc mà sanh tâm khinh mạn, kiêu ngạo, lấy việc thường ngồi mà không nằm coi như một chuyện gì tuyệt vời. Có gì đâu mà tuyệt vời? Chính cái ý nghĩ “tuyệt vời” đó là một chướng ngại lớn, làm tiêu hết công tu lâu nay của chúng ta. Mọi công đức bị đốt hết cũng chỉ vì cái tâm kiêu mạn đó!

          Vạn lự giai không đại đạo sư: “Vạn lự giai không” là mọi điều tư lự đều không có, giống như câu nói: “Nực cười tâm ta, ngây ngây thô kệch, hỏi có khả năng gì, trăm điều chẳng biết một[8], cái gì cũng chẳng biết. Đây là tình trạng không ý thức, không biết, không nghĩ, không lo, hàng vạn mối lo đều không. Cũng như câu: “Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện, sáu căn chợt động bị mây che”, nếu vạn mối sầu lo đều là không, tất cả là hư không, thì khắp pháp giới đều thong dong tự tại. Nếu như quý vị đạt được như vậy thì quý vị là một vị đạo sư, bằng không thì không có tư cách đó. Có người nói: “Tôi hoàn toàn trống rỗng!” Thật vậy sao? Nếu quý vị hoàn toàn trống rỗng, làm sao mình biết để nói quý vị trống rỗng? Nếu quý vị tự nói mình trống rỗng thì không phải trống rỗng rồi! Quý vị nói “Mọi suy nghĩ của tôi đều không” thì ngay đó bên trong vẫn còn một niệm suy nghĩ!    

         Ngã tắc bất cầu trừ điên đảo: Ta thì không cầu trừ điên đảo,Tổ thứ 20 nói vậy, ý nói Ngài không cầu đạo, nhưng cũng không cầu trừ điên đảo, đó là cách giảng câu tán trên. Đọc tới chỗ này, có người liền giảng là Tổ nói “ta chẳng cầu không có điên đảo”, nói như vậy nghĩa là muốn có điên đảo ư? Không phải giảng như thế!

      Vì lý do gì mà nói: “Ta không cầu diệt trừ điên đảo?” bởi “ta chẳng có điên đảo để cần diệt trừ” cũng giống như câu “chẳng trừ vọng tưởng chẳng cầu chân” trích trong đoạn “Bạn thấy chăng? Dứt học, vô vi, ấy đạo nhân; chẳng trừ vọng tưởng chẳng cầu chân; thực tánh vô minh tức thật tánh; không thân ảo hóa tức Pháp thân” (Chứng Đạo Ca). Đây là trường hợp chẳng có vọng tưởng để giải trừ, không có nhu cầu diệt trừ. Phải giảng câu tán theo nghĩa đó: “Ta không cầu đạo, cũng chẳng trừ vọng tưởng”, giống như cảnh giới “vô vi vô bất vi” vậy!

          Nhữ ưng phá chấp ly cuồng ngạo: Ông nên phá chấp, bỏ sự cuồng ngạo. Nhưng chúng ta những người học đạo thông thường, nên phá trừ chấp trước, phá trừ chấp trước ăn ngày một bữa của mình. Nghe thế, liền nói: “Ái chà! Thế thì phá chấp trước, tôi có thể ăn tám bữa sao?”. Không phải như vậy. Mà “Tôi không chấp trước ngày ăn một bữa!”. Tuy quý vị ăn ngày một bữa, nhưng không nên cho rằng ăn một bữa có công đức gì, không nên chấp vào công đức ấy. Nếu quý vị chấp vào công đức ấy thì đó chính là “chỗ này không có 30 lượng”, nói tôi không có tiền, nhưng có 30 lượng; đây cũng chính là bán quảng quảng cáo đấy!

Cũng không cần nói: “Tôi thường ngồi không nằm, các vị biết không? Mỗi lần ngồi, tôi ngồi miết cả mười tiếng đồng hồ.” Nói vậy là nói cái gì đây? Ngồi mười tiếng đồng hồ thì là cái gì? Là mười tiếng đồng hồ vọng tưởng: “Nào ta đi ăn phân, nếm thử mùi vị phân ra sao?” Cho dù quý vị có ngồi suốt 20 tiếng đồng hồ, cũng chỉ là ăn toàn phân mà thôi, đâu có ích lợi gì? Điểm này cần phải hiểu cho thật kỹ mới được. Có người ngồi được suốt 10 tiếng, nói: “Tôi ngồi 10 tiếng, hoặc giả đứng luôn 10 tiếng”, hoặc như nói: “Tôi nhịn ăn, nhịn được 72 ngày, 88 ngày.” Như vậy là chấp trước đó! Hãy hành động như không có chuyện gì!

Người tu hành phải quét sạch mọi pháp, lìa mọi tướng, không chấp trước vào tướng. “Thấy tướng lìa tướng tức Bồ-đề”, quý vị thấy tướng rồi lìa tướng, đó chính là ngộ đạo. Cái gì gọi là ngộ đạo? Phật giáo chúng ta phá chấp trước, quý vị chấp trước ăn ngày một bữa, thường ngồi không nằm, chấp trước điều giới về tiền bạc, chấp trước cái này cái kia, hết thảy đều thành chấp trước, thế thì dường như trên đầu lại đặt thêm đầu nữa. 

Câu “Ông nên phá chấp lìa kiêu ngạo” này chính là muốn khuyên ta phải lìa bỏ tâm kiêu căng, ngã mạn. Kiêu căng là xem ai cũng không ra gì, “Chà! Trên trời, dưới đất, chỉ có mình ta là tôn quý!” Ôi! Quý vị trở thành người tôn quý nhất thế gian. Đức Phật là “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Nếu như nói: “Ta ấy à! Hạng chót ta cũng là người số một của thế gian này đó! Thế gian, hay xuất thế gian, chỉ có ta là tôn quý nhất. Ta là số một! Ở phương Tây này ta là kẻ tu hành số một! Người dụng công nhiều nhất! Ở phương Tây này ta là người ăn khỏe nhất!” Ăn nhiều, thì hay ho gì? Ăn càng nhiều thì đi đại tiện ra nhiều, chớ có cái gì là hay? Có người nói: “Ái chà! Pháp sư, Ngài giảng kinh thô tục thế này ư!”

“Lời thô lẽ tế, đều quy về Đệ nhất nghĩa đế” (Thô ngôn tế ngữ giai quy Đệ nhất nghĩa), biết nói không bằng biết nghe. Nếu quý vị biết nghe thì dù nếu tôi giảng không hay, quý vị cũng cảm thấy như đường mật rót vào tai; còn như không biết nghe thì tôi giảng hay đến đâu quý vị cũng coi như cục phân, chẳng có giá trị gì! Bởi vậy, ở đây tôi nghĩ cái gì nói cái đó, nghĩ đến trời nói trời, nghĩ đến đất nói đất, không nghĩ trước, không soạn sẵn.

Cần tu vô lậu đạo chủng trí: Siêng tu pháp môn “vô lậu” này, phải đoạn trừ ái dục. Chúng ta muốn cái gì hay không muốn cái gì cũng đều là “dục”; chúng ta có điều mong cầu hay không mong cầu, cũng là “dục”. Nói vậy thì “không mong cầu” mà cũng bảo là “dục” sao? Đúng! Vì quý vị còn có cái ham “chẳng cầu” đó! Quý vị phải không có tâm không mong cầu này; không có tâm “không mong cầu”, cũng không có tâm “mong cầu”; trừ sạch tất cả pháp, xa lìa tất cả tướng. Vì thế chúng ta cần tinh tấn tu tập, không được lười biếng. Sự lười biếng của quý vị chính là khuyết điểm. Nên quý vị cần phải tu học, siêng tu mọi trí tuệ, tu trí tuệ vô lậu.    

Đạt được trí tuệ vô lậu và lậu tận thông, thì tất cả tập khí đều đoạn tận! Không phải xem cái này không đúng, cái kia không tốt.

Sự sự đô hảo khứ 

Tỳ khí nan hóa liễu

Chân năng bất sinh khí 

Tựu đắc vô giá bảo

Tái năng bất oán nhân 

Sự sự đô năng hảo

Phiền não vĩnh bất sanh 

Oán nghiệt tùng na trảo

Thường thú nhân bất đối

Tự kỷ khổ một liễu[9]

                             Dịch:

Mọi việc đều tốt đẹp

Tập tính khó hóa giải

Thật không sinh giận dữ

Sẽ được báu vô giá.

Lại không oán hận người

Mọi việc đều tốt đẹp

Phiền não mãi không sinh

Oan nghiệt từ đây diệt

Thường nhìn người không đúng

Tự mình chuốc khổ đau.

Tại chỗ này, quý vị không sân giận, sẽ được báu vô giá. Quý vị thấy mọi người sai, trong lòng thấy không vui; một khi trong lòng không vui thì đó là khổ rồi! Bản thân quý vị không vui thì đó là khổ. “Tự tính thường sinh trí tuệ”, quý vừa thấy người khác sai thì không có trí tuệ rồi. Nếu quý vị có trí tuệ, thì không thể xem mọi người đều ngu si. Vì sao quý vị xem mọi người đều ngu si? Vì chính mình không thông minh lắm, nên xem mọi người đều ngu si. Như quý vị mang kính màu xanh, nên nhìn mọi người đều màu xanh; mang mắt kính màu hồng thì nhìn mọi người đều màu hồng; mang kính màu vàng thì nhìn mọi người đều màu vàng. Trong lòng quý vị nghĩ gì, thì bên ngoài nó thể hiện ra thế ấy; cảnh giới ấy đều do tâm hiện ra và tự tính chiêu cảm. Thôi! Khỏi cần nói nữa! Nói nhiều rồi, nói đến ngày mai cũng không hết. Không biết tôi giảng đến đâu rồi nhỉ! Tôi quên mất!  À! Đúng rồi! Tôi giảng tới câu: “Thường nhìn người sai trái, tự mình chịu khổ thôi.” Phải siêng năng tu chủng trí đạo vô lậu.  

          Xả khí hữu vi công đức siêu: Phải xả bỏ pháp hữu vi, không cần tu pháp hữu vi. “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt nước, như sương cũng như chớp, phải nên quán như vậy”(Kinh Kim Cang). Sở dĩ chúng ta vất bỏ nó vì không cần đến nó.

         Như thị tâm ấn truyền Tổ ý: Đây là pháp tâm ấn, là truyền tâm ấn của Phật. Ý Tổ sư từ phương Tây đến là:       

                             Đại đạo nhất tự  

Thùy dã thuyết bất xích

Dã một lưu hạ dạng 

Cánh một họa xuất đồ[10]

                   Dịch:

                             Đạo lớn một chữ (không)

Không ai nói ra được

Cũng không lưu dấu vết

Cũng không thể họa hình.

          Nếu quý vị họa ra hình thì quý vị mắng chửi người ta đó! Bảo rằng tôi kiếm ra được cái hình này hay hình kia, thì đúng là trên đầu lại đặt thêm một cái đầu. “Đạo lớn là một chữ vô”, chẳng có gì hết. Tôi xin nói với quý vị đó là số “0” (zero). Nếu quý vị hiểu rõ số “0” thì sẽ hiểu rõ tất cả; còn quý vị không hiểu rõ số “0” chính là bọn hồ đồ. Nói: “số “0” đó là không có gì cả, không có con số!” Không có con số chính là chỗ đó! “Không đầu không cuối, không trong không ngoài, không lớn không nhỏ, không trên không dưới, không vuông không tròn”. Nói: “Tôi không tin điều này!” Cái đó thì tôi không giảng rồi! Bởi vì đây chính là “Ý của Tổ sư”. Ý của Tổ sư, như vậy như vậy, như thế đó, như thế đó, không có gì khác.

          Tây thiên Đông độ bộ bộ cao: Quý vị muốn tu hành pháp môn của Phật, phải từng bước đi lên. Không được thối lui, không để mất tâm Bồ-đề; phải từng bước từng bước lên cao, từng bước hướng về phía trước, cho nên có câu nói:

          Tu hành như đăng bách xích can

          Hạ lai dung dị thượng khứ nan

          Người tu hành ví như kẻ leo lên cái sào trăm thước. Tụt xuống thì dễ còn leo lên thì rất khó.

Bài kệ này chẳng hiểu viết như thế có hợp lẽ không? Nhưng tôi không quan tâm về chuyện này. Hợp lẽ ư? Vậy là tôi nên viết như thế. Không hợp lẽ ư? Tôi vẫn nên viết như thế! Viết xong tôi quên nó luôn. Vì lẽ đó tôi mong mọi người khỏi cần ghi nhớ nó, đó là điều hay nhất!

          (Tuyên Công Thượng Nhân giảng vào ngày 29, tháng 8, năm 1981) 


        Chú: Kệ truyền pháp của Tổ thứ 20 truyền cho Tổ thứ 21 thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục ghi:

                                      Ngôn hạ hợp vô sinh 

Đồng ư Pháp giới tính

Nhược năng như thị giải 

Thông đạt sự lý cánh[11]

                             Dịch:

                                      Tức thời hợp vô sinh

                                       Đồng với tính pháp giới

                                      Nếu hiểu được như vậy

                                      Thông đạt hết sự lý



[1]無漏智通 白日說夢 玉蘊荊山 珠含老蚌
  光透重重 賢者不重 繼起慧燈 天驚地動

 

[2]一食不臥真精進 萬慮皆空大導師
  我則不求除顛倒 汝應破執離狂傲
  勤修無漏道種智 捨棄有為功德超
  如是心印傳祖意 西天東土步步高

 

[3] “Tập yên bất sát tiện thành phong” (習焉不察便成風)

[4] Dĩ hành ư thế, thị chi nhi dĩ (以行於世,示之而已)

[5]  Đoạn này trích một câu trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử “Xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo, vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công nhi phất cư(處無為之事,行不言之教,萬物作焉而不辭,生而不有,為而不恃,功而弗居).

[6]  Nguyên văn câu này nhái theo câu sau đây trong sách Trung Dung của đạo Nho : “Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo; đạo giả dã bất khả tu du ly dã”, bằng cách thay chữ tiền vào các chữ  “tính”, chữ ‘đạo”, chữ  “giáo”

(天命之謂性,率性之謂道,修道之謂教;者也,不可須臾離也.)

(天命之謂性,率性之謂道,修道之謂教;錢也者,不可須臾離也.)

[7] Câu này dịch từ thành ngữ “phao chuyên dẫn ngọc” (拋磚引玉) ý nói dùng những ý kiến thô thiển của mình đưa ra để dẫn tới sự đáp ứng của những ý kiến hay hơn, cao minh hơn.

[8] Đây là một câu trích trong sách Đạo học (thiên Ngộ Chân), nguyên văn như sau: “Kham tiếu ngã tâm, như ngoan như bỉ,…nhân vấn sở năng, bách vô nhất hội…”(堪笑我心,

頑如鄙。兀兀騰騰,任物安委,...人間所能,百無壹會)

 

[9]事事都好去 脾氣難化了
  真能不生氣 就得無價寶
  再能不怨人 事事都能好
  煩惱永不生 怨孽從哪找
  常瞅人不對 自己苦沒了

 

[10]大道一字無 誰也說不出
     也沒留下樣 更沒畫出圖

 

[11]言下合無生 同於法界性
     若能如是解 通達事理竟

Xem mục lục