Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Theo truyền thống Thiền Tông, vào thế kỷ thứ năm, ngài Bồ Đề Đạt Ma vào Trung Hoa để dạy Thiền. Cho đến ngày nay, một số học giả vẫn nghi ngờ về sự hiện hữu của Bồ Đề Đạt Ma.

Một ngàn năm trăm năm thật là một khoảng thời gian dài khủng khiếp đối với chúng ta những người còn sống trong chuỗi thời gian vụn vặt, ngăn cách. Nhưng một ngàn năm trăm năm đó chẳng qua là một cái phất tay áo trên núi cao của vị tôn sư.

Và Thiền đã thật sự đến với thế gian, với loài người. Dù trong lịch sử Bồ Đề Đạt Ma có thật hay không thật, ngài cũng đã là ánh sáng đã phổ thành máu thịt trong thế gian này.

Bồ Đề Đạt Ma ra đời vào khoảng năm 440 tại Kanchi, thủ đô của vương quốc Pallava ở miền Nam Ấn Độ. Ngài thuộc dòng Bà La Môn, là hoàng tử thứ ba con vua Simhavarman (Hương Chí). Từ trẻ Ngài đã hâm mộ Phật giáo và về sau thọ Pháp với ngài Prajnataja, vị Tổ thứ hai mươi bảy trong giòng Thiền, khi vị này đến viếng nhà vua. Chính ngài Prajnataja khuyên Bồ Đề Đạt Ma sang truyền Phật Pháp ở Trung Hoa. Lúc bấy giờ đường lục địa mất an ninh nên Bồ Đề Đạt Ma đã đi thuyền và vào miền Nam Trung Hoa.

Theo sách Truyền Đăng Lục của Đạo Nguyên, sau ba năm lênh đênh trên biển, Bồ Đề Đạt Ma vào đến miền Nam Trung Hoa vào năm 527 A. D. Lương Vũ Đế mời Ngài vào cung hỏi đạo, Bồ Đề Đạt Ma dùng phương tiện hiển bày giáo lý Đốn Ngộ nhưng vua Lương Vũ Đế không hiểu. Cuộc đối đáp được ghi lại như sau :

Vua Lương Vũ Đế hỏi : "Thế nào là Thánh đế đệ nhất nghĩa ?"

Đáp : "Rỗng không không Thánh."

Hỏi : "Trước mặt trẫm là ai vậy ?"

Đáp : "Không biết."

Lại hỏi : "Trẫm từ khi nối ngôi vua đến nay chuyên giúp người, cứu thế, chép kinh, tạo tượng, được công đức gì ?"

Đáp : "Không có một chút công đức."

Vua nói : "Vì sao không có công đức ?"

Đáp : "Chỉ được quả nhỏ trong chốn trời người, đó là nhân hữu lậu như hình theo hình, tuy có nhân lành, không phải tướng chân thật."

Hỏi : "Thế nào là công đức chân thật ?"

Đáp : "Trí thanh tịnh tròn đầy rỗng lặng. Công đức ấy không thể lấy việc thế gian mà cầu."

(Nhĩ thời Vũ Đế vấn : Như hà thị Thánh đế đệ nhất nghĩa ?

Sư viết : Khuếch nhiên vô Thánh.

Đế viết : Đối trẫm giả thùy ?

Sư viết : Bất thức.

Hựu vấn : Trẫm tự đăng cửu ngũ dĩ lai, độ nhân, tạo thế, sao kinh, hữu hà công đức?

Sư viết : Vô công đức.

Đế viết : Hà dĩ vô công đức ?

Sư viết : Thử thị nhân thiên tiểu quả, hữu lậu chi nhân, như hình tùy hình, tuy hữu thiện nhân, phi thị thật tướng.

Vũ đế vấn : Như hà thị thật công đức ?

Sư viết : Tịnh trí diệu viên, thể tự không tịch. Như thị công đức, bất dĩ thế cầu.)

Tổ Đường Tập

Bồ Đề Đạt Ma biết nhân duyên chưa đủ, Ngài bí mật vượt sông Dương Tử, tương truyền trên một nhành lau. Cũng theo truyền thuyết, Ngài lên ngọn Thiếu Thất cách chùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn khoảng một dặm để ngồi "bích quán" chín năm.

Theo sách Truyền Đăng Lục của Đạo Nguyên, Bồ Đề Đạt Ma mất vào ngày 5 tháng 10 năm 536 do một tu sĩ vì ganh tỵ ám hại bằng thuốc độc. Theo Tục Cao Tăng Truyện của Đạo Tuyên, Bồ Đề Đạt Ma mất trên bờ sông Lô. Cũng theo Đạo Tuyên, ba năm sau Bồ Đề Đạt Ma mất, một vị sứ thần đã gặp Ngài trong vùng núi Trung Á. Ngài vác trên vai cây gậy có treo một chiếc dép, nói rằng Ngài đang đi về Thiên Trúc. Các tăng sĩ nghe tin này, đào mộ Ngài và thấy chỉ có một chiếc dép trong quan tài.

Bồ Đề Đạt Ma được coi là người đầu tiên truyền Thiền vào Trung Hoa. Thật ra phương pháp tham Thiền và giáo lý mà Bồ Đề Đạt Ma dạy cho môn đệ cũng đã được truyền dạy từ trước như là một phương pháp tĩnh tâm để thành Phật. Tuy nhiên với Bồ Đề Đạt Ma, Thiền với Phật tánh là một, Phật tánh với Tâm - Bình Thường Tâm - không hai không khác. Thay vì dạy môn đồ lắng trong tâm thức, Ngài chỉ cho họ "nhìn thấy" một hòn đá, một nhành lau trôi trên sông, một chiếc dép lẻ không mang… Và vì vậy Bồ Đề Đạt Ma cũng được coi như một ngọn đèn thắp sáng từ nụ cười của Ngài Ca Diếp trước cành hoa Phật đưa lên, để thắp sáng mãi những ngọn đèn khác về sau.

Vả lại, trước khi Bồ Đề Đạt Ma vào Trung Hoa, Phật giáo ở đây chỉ chú trọng nhiều vào việc nghiên cứu, giảng luận kinh điển, ít chú trọng vào việc tu hành thực tiễn. Đại Thừa Bích Quán do Ngài truyền dạy lấy thiền quán thực tiễn làm yếu tính tu học. Bích Quán không phải là một loại "thiền chết" như có người hiểu lầm là ngồi quay mặt vào vách. Bích Quán là "giữ tâm thẳng tắp như tường vách". Tâm đó là tâm tuyệt đối bất động. Huệ Khả đến cầu an tâm, an tâm là mục đích của Bích Quán. Và chỉ khi đến với Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Khả mới được "an tâm", đó là sứ mệnh của Thiền mà Bồ Đề Đạt Ma đem đến cho thời đại.

Khi Bồ Đề Đạt Ma đến Đông Kinh, có một vị sư tên Thần Quang xin thờ làm thầy cùng theo về ở chùa Thiếu Lâm. Thần Quang là mẫu người đại biểu cho giới tăng sĩ trí thức thời bấy giờ. Thần Quang trước đã nghiên cứu thâm sâu triết lý Lão Trang và Khổng, về sau không thỏa mãn và quay về nghiên cứu Phật giáo. Ông là người uyên bác, học rộng hiểu nhiều nhưng tâm vẫn bất an. Mỗi khi Thần Quang hỏi Pháp, Bồ Đề Đạt Ma đều không trả lời.

Thần Quang tự nhủ : "Người xưa vì cầu Pháp có thể đập đầu rơi tủy, cắt máu họa tượng, xả tóc che bùn, thí thân cho cọp. Người xưa như vậy, ta sao lại tiếc thân ?" Rồi đứng suốt đêm ngoài trời mưa tuyết.

Sáng hôm sau, Bồ Đề Đạt Ma thấy vậy, hỏi : "Ngươi đứng ngoài tuyết muốn cầu việc gì ?"

Thần Quang rơi lệ thưa : "Nguyện xin Hòa thượng mở cho con đường mưa móc, rộng độ quần sanh."

Sư nói : "Trí huệ cao tột của chư Phật phải trải qua vô số kiếp tu hành. Ngươi tâm ý nhỏ hẹp không thể đạt được."

Thần Quang nghe nói tự chặt cánh tay trái đặt trước mặt Sư.

Sư bảo Thần Quang : "Chư Phật và Bồ tát cầu Pháp không lấy thân làm thân, không lấy tánh mệnh làm tánh mệnh. Ngươi chặt tay cầu Pháp là một việc làm xứng đáng", rồi đổi tên Thần Quang thành Huệ Khả.

Huệ Khả thưa : "Xin Hòa thượng an tâm."

Sư bảo : "Đưa tâm ra đây, ta sẽ vì ngươi mà an cho !"

Thưa : "Tìm tâm mà không thấy."

Sư bảo : "Tìm thấy tức là tâm của ngươi chăng ? Ta đã vì ngươi mà an tâm cho rồi."

Sư lại hỏi Huệ Khả : "Ta đã vì ngươi mà an tâm cho rồi, thấy chăng ?"

Huệ Khả nghe xong đại ngộ, nói : "Ngày nay mới biết rằng tất cả các pháp từ xưa đều vốn rỗng lặng ; ngày nay mới biết rằng Bồ đề vốn chẳng xa xôi. Vì vậy Bồ tát không động niệm mà đến bờ Bát Nhã, không động niệm mà chứng Niết Bàn."

Sư bảo : "Đúng vậy ! Đúng vậy !"

Huệ Khả lại hỏi : "Pháp của Hòa thượng có ghi chép bằng văn tự hay không ?"

Sư đáp : "Pháp của ta lấy tâm truyền tâm, không lập văn tự."

Tổ Đường Tập

Thiền của Bồ Đề Đạt Ma cũng còn gọi là Tổ Sư Thiền để phân biệt với Như Lai Thiền. Sự phân biệt này được đề cập trong cuộc vấn đáp giữa Bồ Đề Đạt Ma và Thái Thú Dương Diễn như sau :

Thái Thú Dương Diễn hỏi : "Ở các nước Thiên Trúc bên phương Tây, người được truyền Pháp gọi là Tổ, tôi chưa rõ ý này, xin hỏi nghĩa như thế nào ?"

Sư đáp : "Thấu rõ căn bản Phật Tâm không một chút lầm lẫn, tu và hiểu tương ưng, gọi là Tổ."

Lại hỏi : "Chỉ như vậy hay còn gì khác nữa ?"

Sư đáp : "Thấu rõ tâm ngươi thì biết khắp xưa nay, không bỏ có không, cũng không bám giữ. Không hiền không ngu, không mê không ngộ. Nếu thấu được việc đó thì gọi là Tổ."

Dương Diễn lại hỏi : "Đệ tử từ lâu trong chốn ác nghiệp, không gần gũi người trí thức để tỏ lòng cung kính, bị chút trí huệ nhỏ trói buộc hóa ra ngu mê nên không tỏ ngộ được đạo. Nguyện xin Sư chỉ bày Đạo lớn, thông đạt Tâm Phật, tu hành dụng tâm. Xin hỏi thế nào gọi là Pháp Tổ ?"

Sư nói kệ như sau :

Không thấy việc ác mà hiềm ghét,

Không quán việc thiện mà ham theo,

Không bỏ chỗ ngu mà cầu hiền,

Cũng không bỏ mê để cầu ngộ,

Đạt đạo lớn siêu vượt suy lường,

Thông Tâm Phật ra ngoài đo đếm,

Không ở trong phàm cùng Thánh,

Siêu nhiên gọi đó là Tổ.

(Diệc bất đồ ố nhi sanh hiềm, diệc bất quán thiện nhi sanh thố ;

Diệc bất xả ngu chi cận hiền, diệc bất tha mê nhi tựu ngộ.

Đạt đại đạo hề quá lượng, thông Phật Tâm hề xuất độ ;

Bất dữ phàm Thánh đồng triền, siêu nhiên danh chi viết Tổ.)

Tổ Đường Tập

Xem mục lục