Lần đầu tiên tôi gặp Bác sĩ Suzuki vào mùa xuân năm 1950 khi ông đến Claremont, California, để giảng ở Đại học Claremont về "Luận lý học của Thiền Phật giáo".
Trong buổi nói chuyện mở đầu, Bác sĩ Suzuki đã đề cập theo một phong cách thú vị lạ đời rằng ông hiểu rất rõ sự phù phiếm khi tìm cách giảng dạy bằng thuyết trình, bởi lẽ sinh viên chỉ hiểu những gì vị giáo sư nói trong phạm vi kinh nghiệm của họ mà thôi. Lời lẽ vị giáo sư nói ra chỉ có thể soi sáng sinh viên nào đã thực sự sáng tỏ, mà như vậy thì không cần lời lẽ nữa. "Tuy nhiên", Bác sĩ Suzuki nói với nụ cười không ai bắt chước được, "tôi vẫn tiếp tục giảng dạy vì đặc tính của con người là cần được thông tri". Chính thái độ vui vẻ chấp nhận những giới hạn của ngôn từ này đã thúc đẩy tôi đếnvới ông và dự khóa thỉnh giảng của ông.
Đó chỉ là một lớp học nhỏ nhưng có nhiều học giả nổi tiếng tham gia. Khách mời lần lượt tiếp xúc với chúng tôi bằng những bài thuyết trình, và trong số họ có những người cho đến nay tôi vẫn xem là bạn quí. Trong suốt học kỳ, Bác sĩ Suzuki đã mô tả tiến trình của tư tưởng Phật giáo trong nền văn hóa Nhật từ thời kỳ Nara đến Kyoto (Fujiwara) rồi đến kỷ nguyên Kamakura. Chúng tôi dần biết đến nhiều vị Thiền sư, bắt đầu bằng hình ảnh của Huệ Năng vị tổ thứ 6 của Thiền tông. Huệ Năng người miền Nam Trung quốc dạy rằng "Phật Tánh" vốn có sẵn nơi mọi người bất kể người sanh ở đâu. Ông vẫn nói với chúng tôi như nói với các huynh đệ của ông: "Chớ niệm thiện, chớ niệm ác, mà hãy nhìn xem gương mặt thật của anh ngay lúc này là gì, cái gương mặt của anh từ trước khi sinh ra". "Nhìn vào bản tánh của mình" là cách của Huệ Năng truy tìm Trí tuệ tối thượng mà đức Phật đã sở đắc.
Trong một bài giảng đáng nhớ khác, Bác sĩ Suzuki đã nói về "Tánh không" (Sunyata) trong đó tồn tại những mặt đối lập của thế giới đối đãi này. Khi ông viết lên bảng những ký tự Phạn, Hán, Nhật và Anh, tôi còn nhớ biểu hiện nơi gương mặt ông cho thấy không có ký tự nào của bất cứ ngôn ngữ nào có thể chuyển tải trọn vẹn kinh nghiệm về "Không". Ông nói: "Giác ngộ không phải là một kinh nghiệm thụ động mà là một kinh nghiệm tích cực đến mức vượt ngoài mọi năng lực của văn tự. Chúng ta chỉ có thể bàn về nó bằng cách nói tới những gì không phải là nó".
Có những dịp bên ngoài giảng đường Bác sĩ Suzuki đã nói bằng những từ đơn giản nhất về kinh nghiệm ‘Satori’. "Thần bí là trái tim của tôn giáo. Theo tôi, ý thức tôn giáo giống nhau trong mọi truyền thống, ở mọi thời đại". Một hôm ông viết chữ ‘Advaita’ trên một mẩu giấy nhỏ màu vàng mà tôi vẫn còn lưu giữ và nhấn mạnh ý nghĩa ‘Bất-Nhị’ mà là ‘Một’, cái Một gồm cái Nhiều, cái Không, mà trong đó mọi đối lập được hóa giải, "ngọn gió Nó cũng Vô-Tâm". "Trong Thiền", ông lưu ý, "chúng ta nói Satori hay ngộ là nói Trí (Prajĩà) và Bi (Karuịa)". Ta biết rõ trong khi ta sử dụng hai từ khác nhau, trong kinh nghiệm Trí và Bi là ‘Bất-Nhị’.
Suốt mùa thu năm 1951, Bác sĩ Suzuki đã trở lại Claremont và thỉnh thoảng ông là khách mời của gia đình chúng tôi. Trẻ con trong nhà cảm nhận được tính giản dị độ lượng của ông. Ông rất vui tính và thân tình, luôn dễ dãi mà điềm đạm. Lũ trẻ cảm thấy ngay nét trầm lặng và trí tuệ uyên áo của ông dù chúng chẳng biết gì về Thiền. Với ông chúng được trải qua kinh nghiệm sống Thiền nơi một người mà sự hiện diện nói lên tất cả không cần ngôn ngữ.
Cách Claremont chừng 50 dặm có một tu viện Vedanta dành cho những môn sinh của giáo phái Ramakrishna tu học. Bác sĩ Suzuki tỏ ra muốn thăm viếng Trabuco nên tôi đã thu xếp cùng vài người bạn ở đó đưa ông đi một buổi trưa. Chúng tôi đến nơi vào giờ cơm trưa. Bác sĩ Suzuki quả là một vị khách hoạt bát và sôi nổi, ông thích thú trước mọi chi tiết của cuộc sống và giáo luật phái Vedanta. Ông thoải mái kể lại thời kỳ tu học của mình ở Engakuji. Những tăng sinh trẻ của giáo phái nhận thức được ông là người đã tìm thấy dưới tên gọi ‘Satori’ cái kinh nghiệm mà họ đang mưu tìm dưới tên gọi ‘Samadhi’. Họ tỏ ra kính trọng và quí mến ông vô cùng, và rất thích cuộc viếng thăm này. Trên đường về, Bác sĩ Suzuki, mệt mỏi sau nhiều
giờ liền tiếp chuyện, đã thiếp ngủ trên xe. Nhìn gương mặt nhỏ thó đang thư giãn bên cạnh mình, bất giác tôi cảm thấy trách nhiệm vô cùng phải hết sức cẩn thận không làm xáo động sự nghỉ ngơi của ông.
Mười năm trôi qua, Bác sĩ Suzuki đã chu du diễn thuyết ở châu Âu và ở Columbia, New York. Sự diễn giải của ông về Thiền đã khiến ông trở thành nhân vật quốc tế mà tôi thường nghe nhắc đến. Năm 1961, Viện Nghiên cứu Cao cấp Văn hóa và Tôn giáo thế giới Blaisdell đã giúp tôi thực hiện dự định qua Nhật để viếng thăm các Thiền viện và tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Thiền tông. Cùng đi với tôi trong chuyến này còn có con gái tôi, Sylvia 18 tuổi. Vừa đến Tokyo chúng tôi đã được tin nhắn của Bác sĩ Suzuki và lời mời dự buổi cơm tối ở Bắc Liêm thương. Bác sĩ Suzuki và cô Okamura đưa chúng tôi đến một quán trọ nằm dưới thung lũng phía dưới nơi cư ngụ của họ. Tôi sẽ không bao giờ quên bữa cơm Nhật Bản đầu tiên đó. Quán trọ mở cửa ra một khu vườn đỗ quyên và những cây đậu tía đang ra hoa màu tím nhạt. Khi thức ăn được dọn ra, Bác sĩ Suzuki nói về
những món ăn được pha chế cho có màu sắc tươi đẹp và có nhiều hương vị. Những cái tô bằng sơn mài đen dát vàng theo kiểu cổ hay màu đỏ ấm, cầm rất nhẹ tay và thích thú. Và Bác sĩ Suzuki kể chuyện Thiền giữa bữa ăn ung dung nhàn nhã. Ông nói về chuyện một cánh hoa duy nhất được coi là tuyệt mỹ, nhưng ông cũng giải thích thái độ của người Nhật trước những cây hoa bị người làm vườn đốn bỏ để tôn vinh vẻ tuyệt trần của duy nhất một bông hoa. Yêu sự toàn mỹ bao hàm cả tình yêu hiếm có dành cho sự bất toàn.
Khi bữa tiệc tuyệt vời kết thúc, chúng tôi muốn tìm lời bày tỏ sự trân trọng chủ nhân và người phục vụ đã dày công chuẩn bị và trình bày món ăn cách hoàn hảo như thế. Nhưng ý tại ngôn ngoại và kể cả những cái cúi chào cung kính chừng như cũng chưa xứng. Bác sĩ Suzuki dẫn chúng tôi băng qua thung lũng, leo lên những bậc thang dốc đứng hướng về nhà ông. Ông là người nhanh nhẹn nhất trong đoàn, bước thoăn thoắt trên những bậc đá như đi trên đất bằng. Chúng tôi theo sau, kinh ngạc. Con gái tôi bị hấp dẫn bởi chủ nhân hào hiệp đến mức muốn ở lại Nhật Bản, học tiếng Nhật, và vào trường Nhật. (Hộ chiếu du lịch của chúng tôi không cho phép làm như vậy nên nó phải miễn cưỡng quay về, cùng với những kỷ niệm sẽ còn giữ
mãi.) Về đến nhà, chúng tôi dừng lại ngắm những cành mẫu đơn đỏ tía bên khung cửa. Bác sĩ Suzuki mỉm cười và đứng nói chuyện bên một bụi mẫu đơn cao lớn khi tôi quay phim ông. Rồi ông mời chúng tôi vào nhà và chúng tôi nhìn thấy một bức họa vẽ cảnh Phật nhập Niết bàn, một "quốc bảo". Ông chỉ cho chúng tôi xem những quyển sách minh họa các "Bảo khố Shôsôin" và chúng tôi sững sờ trước những thớ vải mỏng manh và đồ khí tự tinh xảo từng được sử dụng từ thế kỷ thứ tám trong hoàng triều Nhật Bản vẫn được giữ gìn nguyên vẹn trên 1000 năm nay.
Đọc những quyển sách trong đó ông đã đưa những "chân lý bất diệt" của truyền thống Thiền đến với thế giới nói tiếng Anh, tôi vô cùng cảm ơn đã vinh dự được quen biết Bác sĩ Suzuki, vô cùng biết ơn ông vì ông chính là ông. Tôi thấy mình thật may mắn so với những người khác khi được biếtông một giáo sư thông thái, một thiên tài ngôn ngữ, một khách mời đáng trân trọng và một gia chủ mến khách tuyệt vời. Ông sẽ luôn được nhớ đến như một "Người giác ngộ" ung dung tự tại, như một Công dân thế giới đã mang đến chúng ta vẻ đẹp của nền văn hóa Nhật Bản và trí tuệ vuột thời gian của Thiền tông. Daisetz Teitaro Suzuki, chúng tôi xin kính cẩn cúi chào Ông, một Người mà Phật-Tánh hiển hiện trong một chúng sanh ấm áp tình người.