Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Ban biên tập tờ Phật tử Đông phương đã đề nghị tôi ghi lại những cảm tưởng và kỷ niệm cá nhân về cố Bác sĩ Suzuki, người sáng lập khả kính của tạp chí. Số đặc biệt này đã được dành để tưởng niệm con người Bác sĩ Suzuki; và đương nhiên, một sự đánh giá xác đáng như vậy về những thành tựu học thuật của ông sẽ còn khiến các nhà nghiên cứu Thiền Phật giáo và triết học Đông phương lưu tâm trong một thời gian dài. Một sự lượng định cân nhắc như vậy chắc chắn sẽ bổ sung và hiệu chỉnh sự nghiệp của ông hay, dù sao, cũng sẽ đặt những trọng điểm hơi khác nhau trong định hướng tổng quan của nó. Tuy nhiên, ta có thể nói chắc rằng cộng đồng quốc tế những người học Thiền đều luôn tôn sùng Bác sĩ Suzuki như nhà tiên phong vĩ đại đã khiến thế giới chú ý đến một lĩnh vực tư tưởng nhiều xa lạ và do đó, đã để lại dấu ấn của riêng ông trong thế kỷ này của chúng ta. Gác lại những nhận định có tính phê bình của tôi về quan điểm của Bác sĩ Suzuki vào một dịp khác, ở đây tôi chỉ muốn ghi lại những lần tôi gặp ông. Chỉ vài lần thôi mà cũng chẳng có ý nghĩa gì nổi bật, song chúng có thể giúp minh họa tính cách khác thường của một người tôi sẽ luôn ngưỡng vọng cao nhất.

Lần đầu tiên tôi gặp Bác sĩ Suzuki hầu như đã ba mươi năm qua, trong buổi thuyết trình về Thiền tông bằng Anh ngữ của ông dưới sự bảo trợ của Hội Văn hóa Thế giới ở Tokyo. Lúc ấy tôi ở trong đoàn của cố linh mục Johannes Kraus, nhà sáng lập trứ danh tạp chí về Nhật Bản học, tờ

Monumenta Nipponica, và linh mục Kraus, sau khi cám ơn Bác sĩ Suzuki đã đóng góp đề tài cho số ra mắt tạp chí, đã giới thiệu tôi với ông. Đề tài đó, một toát yếu súc tích các quan điểm về Thiền của Bác sĩ Suzuki, lúc ấy đã có trong hợp tuyển Suzuki, cuốn Cốt tủy của Phật giáo Thiền tông, do Bernard Phillips ấn hành. Sau đó ít lâu tôi đã đến thăm Bác sĩ Suzuki khi ông đang ở bịnh viện St. Luke, Tokyo, vì bịnh tình trầm trọng của vợ ông. Chúng tôi chỉ bàn đến các kinh điển Thiền tông, và ông đã giải thích nhiều chỗ tối nghĩa trong tuyển tập công án Mumonkan (Vô môn quan) mà tôi đang dịch sang tiếng Đức. Trong suốt cuộc chiến tranh tiếp theo đó và cả một năm sau chiến tranh, hoàn cảnh đã ngăn trở tôi tìm hiểu sâu hơn về Thiền và tôi hầu như mất liên lạc với Bác sĩ Suzuki.

Trong khi đó, Bác sĩ Suzuki đã trở thành một học giả ở tầm thế giới. Tác phẩm và các thuyết trình của ông đã tạo nên một số đông chuyên gia về Thiền ở nhiều nước, và sự quan tâm trong giới học thức cũng đã gia tăng thích đáng. Phần tôi đã trở lại nghiên cứu Thiền và lịch sử của nó vào những năm 50 nhờ có nhiều động cơ thúc đẩy, trong đó ít nhất là việc khuyến khích đầy ưu ái của bà Ruth Fuller Sasaki, đã dịch tiểu luận đầu tiên của tôi ra Anh ngữ và ấn hành dưới nhan đề Sự phát triển của Thiền Trung Hoa sau Lục tổ dưới ánh sáng của Vô môn quan. Nhờ vậy tôi đã gặp lại Bác sĩ Suzuki vào tháng 7, 1954 ở Đại học Munchen, khi nơi này mời hai chúng tôi thuyết trình về Thiền Phật giáo. Bác sĩ Suzuki đã nhiệt tình tham dự buổi diễn thuyết của tôi và hỗ trợ tôi, một cách thân mật và hăng hái, trả lời các câu hỏi của cử tọa.

Lần gặp ông tiếp theo cũng thú vị không kém và để lại ấn tượng sâu sắc hơn. Một phụ nữ Mỹ, nhà văn viết về một chuyến du hành sang Nhật Bản, đã từng tham dự buổi thuyết trình của Bác sĩ Suzuki ở Đại học Columbia, đã nhất mực yêu cầu tôi dàn xếp cuộc phỏng vấn nhân vật nổi tiếng này. Khó khăn lắm mới được ông đồng ý tiếp kiến vào mùa xuân 1962, vì ông bị bao vây bởi dòng người Mỹ đến viếng thăm như bất tận. Tôi đã thu xếp được cuộc hẹn, nhưng khi chúng tôi đến nhà ông ở gần chùa Đông khánh (Tokeiji), Liêm Thương, vì một hiểu lầm nào đó, thành ra chúng tôi đến vào giờ không thích hợp. Bác sĩ Suzuki đã cho người mang một ghi chú đến cho chúng tôi ngay tại cổng chùa rằng ông rất tiếc không gặp được chúng
tôi. Nhưng người phụ nữ đi cùng tôi đã không nãn lòng và nhấn mạnh ít ra cũng phải được bắt tay ông già vĩ đại này. Ngay lúc đó Bác sĩ Suzuki bất ngờ xuất hiện. Ông hoan hỷ chào đón chúng tôi, đưa chúng tôi vào thư phòng xếp đầy sách của ông và lập tức bắt chuyện với phong cách hết sức thân ái, nhiệt tình. Ông già lịch lãm đã trao đổi bằng thứ tiếng Anh lưu loát với tính sôi động, khôi hài và sảng khoái đến khó ngờ. Sau khi nhắc lại vài kỷ niệm cá nhân, câu chuyện hướng về những đề tài nghiêm túc, nhất là về sự giao lưu văn hóa giữa Đông và Tây. Với tác phong sôi nổi, ông đã giải thích một trong các đề tài ưa chuộng của ông: Sáng thế ký của thánh kinh như một công án: nghe cái không thể nghe, nhìn cái không thể thấy, ý thức sự hiện diện linh thánh mà vẫn biết rõ tính nhất thể của tồn tại và tránh mọi nhị nguyên tính. Ông nói với chúng tôi ông không tán thành
các phong trào say mê Thiền ở bất cứ nơi nào chúng gắn liền với chủ nghĩa duy lý của thời đại cơ khí ngày nay. Và ông cũng không thừa nhận việc quy chiếu satori đơn thuần qua những kỹ thuật tâm thần. Thiền, chúng tôi được biết, đối với ông là một điều siêu hình, một vấn đề tâm linh; nó liên quan tới bản tánh và ý nghĩa của cuộc sống.

Nhưng rồi ông lại nhẹ nhàng tán gẫu với phong cách trong sáng cố hữu. Ông kể với chúng tôi về một tu sĩ dòng Carthusian, một vị chơn tu thật sự, đã mời ông đến viếng tu viện của ông ta, hay về các tu sĩ dòng Benedictine Anh quốc đã mời ông đến dùng bữa tại phòng ăn của tu viện của họ mà, ông nói với giọng cười khúc khích nho nhỏ, đã khiến ông bối rối xiết bao khi thấy trong một quyển sách để trên bàn ăn một đoạn có hơi bôi bác Phật giáo.

Trên bàn làm việc của ông có tập 1 bản dịch Đức ngữ cuốn Hekiganroku (Bích nham lục) do Giáo sư Gundert vừa gởi đến. Bác sĩ Suzuki đã hết lời khen ngợi về chuẩn mực học thuật và văn chương của bản dịch, nhưng ông cho rằng cách diễn giải về công án chưa thật thỏa đáng. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi đã nói về những khó khăn chung trong việc diễn dịch các kinh điển Thiền tông. Ông cho rằng khó có thể diễn dịch một cách tương xứng. Với đôi mắt lấp lánh của một thanh niên và ngọn lửa nhiệt tình át hẳn cái tuổi 90 của ông, Bác sĩ Suzuki đã lấy ra quyển Bích nham lục nguyên bản Hán văn đã mòn dấu tay lật, rồi cầm với cả hai tay, ông lớn giọng đọc lên. Ta có cảm giác ông làm tăng thêm phần đậm đà ý và nghĩa của từng Hán tự, khi nghe ông đọc chúng. Nếu Bác sĩ Suzuki đã thường cho ấn hành những bản dịch Anh ngữ không gò bó và ít khi cố dịch sát nghĩa, đó không phải là do thiếu tinh thần học giả (hiện tại không có nhà nghiên cứu Thiền nào sành sõi Hán văn hơn ông) mà đúng hơn là vì ông
biết rõ những giới hạn mà người biên dịch phải đối mặt trước những văn kiện như vậy.

Sau đó chúng tôi xin kiếu từ và Bác sĩ Suzuki đã tiễn chào người bạn Mỹ hâm mộ với phong thái duyên dáng khó tả. Ông đã cho tôi một bản tạp chí Kokoro có bài viết của ông. Ông cũng mời tôi trở lại thăm khi có dịp. Tuy nhiên, cuộc viếng thăm quý báu này là lần cuối cùng tôi gặp ông tại nhà riêng.

Năm sau, tạp chí Yomiuri đã điện thoại hỏi tôi có muốn tham gia cuộc đối thoại với Bác sĩ Suzuki sẽ được đăng trên báo. Tôi miễn cưỡng nhận lời, chưa biết Bác sĩ Suzuki nghĩ thế nào về dự án này. Nhưng tôi được bảo đảm là chính ông đã đề nghị mời "linh mục Thiên chúa giáo" làm người đối thoại Tây phương với ông trong cuộc trao đổi mà, bất luận thế nào, cũng không hướng về những chủ đề tôn giáo đang gây tranh cãi mà về hòa bình và sự thông hiểu trên bình diện toàn cầu. Cuộc đối thoại diễn ra ở tu viện Viên giác, Liêm Thương. Chúng tôi sử dụng tiếng Nhật vì bài nói chuyện sẽ đăng trên báo Nhật. Tuy thế cũng có một bản tiếng Anh đăng trên tờ Yomiuri số ngày 3 tháng 8, 1963, dưới nhan đề "Nơi gặp gỡ đạo Phật và đạoChúa".

Tôi còn một kỷ niệm cuối cùng nữa về Bác sĩ Suzuki. Mùa xuân năm ngoái, ông đã thuyết trình trong một giới nhỏ về kinh nghiệm tôn giáo của "Diệu hảo nhân" (myòkònin) trong Tịnh độ chân tông. Như thông lệ, ông đã đọc và bình luận các bài thơ của Saichi Asahara (Thiển Nguyên Tài Thị). Khi lắng nghe, người ta không thấy gì ngoài cảm giác xúc động bởi chiều sâu thẳm của tinh thần này, cái cảm giác mà việc đọc các bài viết của Bác sĩ Suzuki về cùng chủ đề trên tờ Nhật Bản tam cá nguyệt (XI, 157 - 161) cũng có thể truyền tải ở mức độ nào đó. Sau bài thuyết trình, nhiều người đặt câu hỏi và muốn khơi mào một cuộc tranh luận. Vì tôi còn chìm đắm trong những suy niệm lặng lẽ về bài thuyết trình đầy xúc cảm vừa qua, tôi nghĩ tôi đã hiểu rằng toàn thể tính cách của vị lão sư đã được đặt trên một nền tảng chỉ có thể minh định như kinh nghiệm tôn giáo sâu.

Xem mục lục