Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Các báo buổi sáng ngày 12 tháng 7 đưa tin Bác sĩ Suzuki đã được khẩn cấp đưa vào bịnh viện St. Luke ở Tokyo trong tình trạng nguy kịch. Tin tức làm tôi chấn động và lập tức đi thẳng đến bịnh viện, nhưng tôi thấy người hầu như đã xuôi tay.

Nhớ lại một ngày đầu tháng 5, 1945, cũng vào lúc Bác sĩ Kitarò Nishida qua đời ở Liêm thương - ngay trước khi chiến tranh kết thúc - mà tôi đã có vinh dự gặp Bác sĩ Suzuki lần đầu tiên. Đến mùa hè năm 1947, khi tôi tháp tùng ông đến thành phố Komatsu ở quận Hokuriku để cùng diễn thuyết chung, trên xe lửa ông đã khuyên tôi nên đặc biệt chú ý - trong các học thuyết của Phật giáo - tư tưởng Hoa nghiêm. Từ đó tôi đã để tâm học hỏi tư tưởng Hoa nghiêm và cùng lúc thành thói quen đâm ghiền đọc sách của Suzuki.

Mỗi lần viếng thăm ông là bao nhiêu đề tài phong phú lại hiện ra, không chỉ có Thiền hay tư tưởng Hoa nghiêm, mà còn là những con số, tính vô hạn, tính liên tục (continuum), và những đề tài tương tự mà ông có khá nhiều hứng thú để nói. Cho đến ngày 24 tháng 4, 1966 là lần cuối cùng tôi gặp ông. Lúc ấy tuy ông có vẻ lãng tai nặng, song trông ông vẫn khỏe và tôi nghĩ hẳn ông phải sống đến trăm tuổi. Ai ngờ ông đã ra đi vì cơn bạo bịnh đột ngột như vậy.

Ông đã đề cập đến tư tưởng Hoa nghiêm trong nhiều trường hợp khác nhau, đã cho xuất bản Phạn văn có hiệu đối của kinh Gaịđavyùha tức phẩm Nhập pháp giới của Hoa nghiêm (Avataưsaka Sùtra) Điều này cho thấy ông đặc biệt quan tâm khía cạnh triết học của chương này trong tư tưởng Hoa nghiêm. Hơn nữa, dường như ông rất chú ý đến các đoạn nói về Bồ tát Di Lặc (Maitreya) là nơi có thể tìm thấy nhiều diễn giải khác nhau về Bồ đề tâm (Bodhicitta). Mặt khác, chỉ có một lần, trong quyển "Nghiên cứu về Hoa nghiêm" của ông ấn hành năm 1955, ông đề cập tới phẩm Thập địa (Dazabhùmi), là chương về mặt lý thuyết được coi như cốt lõi của Hoa nghiêm. Dường như mặc dù Bác sĩ Suzuki coi triết lý Hoa nghiêm do Pháp Tạng - tổ thứ ba của Hoa nghiêm tông - hoàn chỉnh, như là triết thuyết cao siêu nhất Đông phương, ông cũng không chú tâm lắm cơ cấu của triết lý Hoa nghiêm. Ngay cả ở Trung hoa, hầu hết các Thiền sư đều tỏ ra ít quan tâm đến triết lý Hoa nghiêm đã được hệ thống hóa. Bác sĩ Suzuki rất hiếm khi đề cập đến Ngũ giáo chương và Thám huyền ký , là những trước tác chính yếu của Pháp Tạng. (Tác phẩm Vọng tận hoàn nguyên quán đã được ông trích dẫn trong "Kegon no Genkyù", Nghiên cứu Hoa nghiêm, nói trên cũng như trong luận án "Ý nghĩa của tư tưởng Hoa nghiêm trong thời hiện tại" của ông, có trong Tuyển tập của ông, và tác phẩm Hoa nghiêm kinh chỉ quy còn được trích dẫn ở vài nơi khác.) Ông chỉ đề cập đến Thập huyền và Lục tướng khi ông lý giải Thập huyền qua việc giới thiệu phẩm Kim sư tử (Suvarịasiưha) của kinh Hoa nghiêm trong tác phẩm Phật giáo đại ý của ông, một tác phẩm được hình thành qua bài thuyết pháp của ông trước Nhật hoàng. Phẩm Kim sư tử này là thành quả các bài giảng về tư tưởng Hoa nghiêm của Pháp Tạng nói cho Tắc Thiên Võ hậu (684-705), thuộc triều đại nhà Đường, và theo tôi, việc Bác sĩ Suzuki trích dẫn chương này thuyết pháp cho hoàng gia Nhật là không phù hợp. Lần đầu tiên nói về triết học Hoa nghiêm với tôi, Bác sĩ Suzuki đã khuyên tôi nên đọc Kim sư tử chương này và Chú Hoa nghiêm pháp giới quán môn của Tông Mật. Hoa nghiêm pháp giới quán môn được coi là trước tác duy nhất còn lạicủa Đỗ Thuận , tổ sáng lập tông Hoa nghiêm Trung quốc, và thực ra, nó là sự trình bày triết lý Hoa nghiêm về sự sự vô ngại (jijimuge). Tôi cho
rằng chính triết thuyết về sự sự vô ngại lấy từ tư tưởng Hoa nghiêm này đã làm nền tảng cho vô vàn lý giải về Thiền của Bác sĩ Suzuki, chẳng hạn như chương Thiền và kiếm đạo trong quyển Thiền và văn hóa Nhật bản, sau khi viết "lưu động tính và không tính là những hạng từ khả hoán," ông thêm ở phần chú thích:

"Lưu động tính" là khái niệm quan yếu trong cấu trúc tư tưởng Đông phương. Huệ Năng, tổ thứ sáu Thiền tông, nhấn mạnh Đạo là thông lưu không trở ngại, và kiếm khách buộc chúng ta luôn không để tâm ‘dừng’ trên một điểm, phải để nó luôn ở trạng thái động, như vậy lưỡi gươm sẽ chớp nhoáng tấn công đối phương ngay khi y để lộ một chút dấu hiệu sơ hở (suki). Đó chính là tomaranu kokoro (tâm không dừng nghỉ), tức "lưu động tính". Trong triết học Hoa nghiêm nó được gọi là "thực tại trong phương diện sự sự vô ngại"(Cf. The Essence of Buddhism của tôi, tr. 50tt.). Cũng có thể diễn giải sự sự vô ngại như là đối điểm siêu hình của tomaranu kokoro về mặt tâm lý.

Theo tôi, sự sắc bén nơi con người ông mà bề ngoài là nét hòa nhã chắc chắn đến từ tri kiến (Nh. ken, skt. darzana) thâm sâu của ông. Cố Bác sĩ Kitarô Nishida đã nhận xét về Bác sĩ Suzuki: ‘ông là một người có học thức uyên thâm và cái nhìn thấu suốt (insight).’ ‘Cái nhìn thấu suốt’ ở đây chính là darzana (kiến ). Chính Bác sĩ Suzuki cũng từng nói "darzana, tri kiến, thực ra, một mặt có nghĩa là trí tuệ và mặt kia là lao động". Ông lặp lại: "Sraddhà (tín) có nghĩa là thấy chính mình". Cái thấy của Bác sĩ Suzuki tự hiển lộ trong cách ông thể hiện "con người" ( nhân) như trong Lâm Tế lục cũng như trong việc ông chọn triết thuyết sự sự vô ngại như là cốt lõi của tư tưởng Hoa nghiêm. Khi thử giải thích Kiến Tánh (kensò ) là "nhìn thấy bản tánh mình", ông nhấn mạnh sự đồng nhất của kiến và tánh: "Thiền là lịch nghiệm rằng kiến không khác tánh, tánh không khác kiến; có nghĩa là, không có tánh ngoài kiến và không có kiến ngoài tánh, rằng kiến và tánh là tuyệt đối đồng nhất". Bởi lẽ thực tế đã có sự khẳng định tính đồng nhất giữa kiến và tánh trong tác phẩm Đốn ngộ yếu môn của Đại Châu Huệ Hải, khẳng định này của Bác sĩ Suzuki không mới, song nó vẫn có sức thuyết phục mạnh mẽ khi cùng một quan niệm như vậy đã được ông, người được coi như có tri kiến sâu xa, đưa ra.

Ông nói: "Một người làm việc cũng đồng thời là nhìn thấy. Y làm việc trong khi thấy và thấy trong khi làm - đó là cách hiện hữu của con người." Trong câu nói này đã phản ánh rõ ràng ý niệm mà trong triết học của Nishida gọi là trực giác bằng hành động (hành vi đích trực giác . Dù tư tưởng hành vi đích trực giác này bị phê phán nhiều cách khác nhau, nó vẫn tạo thành một trong những khái niệm quan yếu của triết học Nishida từ năm 1934, và bản thân tôi cũng nhiều lần khẳng định rằng khái niệm hành vi đích trực giác vẫn còn tác động lên nền tảng của toán học. Trong những tác phẩm ban đầu của mình Bác sĩ Suzuki cũng thường dùng cụm từ hành vi đích trực giác này. Thật thú vị khi nhận thấy khái niệm này đã được trình bày rõ ràng, dù không đồng nhất, trong lời tựa của quyển Tòyòno kokoro nói trên của ông. Song song với khái niệm hành vi đích trực giác,
triết học của Nishida từ năm 1936 đã dẫn giải khái niệm tuyệt đối mâu thuẫn đích tự kỷ đồng nhất (tự đồng nhất trong mâu
thuẫn tuyệt đối) vốn là một trong những khái niệm quan trọng trong tư tưởng Nishida. Bác sĩ Suzuki luôn nhấn mạnh lý luận sokuhi (tức phi) 3 trên nền tảng triết học Bát nhã, và trong nhiều dịp khác nhau thường sử dụng cụm từ tự đồng nhất trong mâu thuẫn tuyệt đối. Trên quan điểm triết học Tây phương, ý nghĩa của tự đồng nhất trong mâu thuẫn tuyệt đối quả là cực kỳ khó hiểu. Tuy nhiên đối với chúng tôi dễ dàng hơn khi chúng tôi lãnh hội điều đó một cách tự nhiên, không rắc rối, và với cái nhìn rộng rãi hơn từ quan điểm triết lý Hoa nghiêm chủ trương hết thảy các Pháp là cái mà trong thực tế được hình thành bởi Nhất Tâm, và chúng đều có tương dung tương nhiếp không hề cản ngại. Sự thực hiển nhiên là, trừ khi ý tưởng này được chấp nhận, nếu không hầu hết các vấn đáp (mondô) của Thiền sẽ mãi mãi là ẩn ngữ.

Trong suốt cuộc đời dài gần một thế kỷ, Bác sĩ Suzuki đã dốc tâm giúp nhiều người trên khắp thế giới hiểu rõ giá trị của Thiền tông. Theo tôi dường như triết lý trọng tâm của ông trùng hợp với quan niệm sự sự vô ngại của Hoa nghiêm, sự tương dung vô ngại của tất cả các Pháp, điều được diễn đạt một cách súc tích trong những khái niệm của Nishida như tuyệt đối mâu thuẫn đích tự kỷ đồng nhất. Thật đáng tiếc biết bao khi một trong những nguyện vọng ấp ủ bấy lâu của ông là bản dịch đầy đủ triết học Hoa nghiêm ra Anh ngữ đã chưa kịp hoàn thành.

Z. S.

Xem mục lục