Muốn viết đôi lời tưởng nhớ Bác sĩ Suzuki, trong tôi vướng một nghịch lý: làm sao hồi tưởng về ông khi tôi vẫn còn thấy ông như đang sống trước mắt. Làm sao ta có thể viết "hồi tưởng" về một người mới vừa bước ra khỏi phòng trong chốc lát, và sự hiện diện của người ấy vẫn còn sống động quanh đây?
Tôi viết những dòng chữ này trong khu vườn nhà chúng tôi ở Cuernavaca (Mexico), nơi Suzuki đã từng lưu ngụ trong nhiều tháng với chúng tôi, cách đây vừa đúng mười năm. Cũng tại chỗ này ông đã ngồi, đã dạo bước, đã đọc sách, đã chuyện trò, và dù mười năm đã trôi qua, nhân cách mạnh mẽ rạng ngời của ông vẫn luôn thường tại.
Nên viết về tấm lòng từ hòa muôn thuở của ông, về tính kiên định và chân tình của ông, về khả năng tập trung tư tưởng của ông, hay về sự vắng bóng tính kiêu mạn và ích kỷ nơi ông? Ai đã từng biết ông đều biết rõ những điều này; còn với những ai chưa biết ông thì những từ ngữ như thế không có mấy ý nghĩa. Có lẽ tôi nên nói đến hứng thú thường trực của ông đối với mọi thứ xung quanh mình. Ông vui thích khi nhìn một tấm thảm Mexico, một mẩu đồ gốm, hay một món đồ bạc. Không chỉ nhìn nó, ông còn sờ chạm nó, cảm nhận từng sớ vải, từng đường nét của nó. Ông đem sự sống đến cho mọi vật bằng chính hứng thú của mình, bằng tương quan sống động của mình; một người, một con mèo, một cái cây, một cành hoa - tất cả đều trở nên sinh động nhờ sự sinh động của riêng ông. Câu chuyện sau làm chứng cho điều này: hai năm trước, khi còn ở Mexico, ông đến thăm
người bạn đồng nghiệp của tôi, Bác sĩ Francisco Garza, và tham quan khu vườn nhà tuyệt đẹp với nhiều tán cổ thụ. Hai năm sau đó, khi trở lại thăm BS Garza lần nữa, ông nhìn một cây cổ thụ rồi hỏi: "Cái cành hồi đó ở đây giờ ra sao rồi?" Quả thật, người ta có chặt bớt một nhánh cây này, nhưng Suzuki vẫn còn nhớ nhánh cây đó và ông thương tiếc nó.
Có nên thêm một điển hình về tính chu đáo của ông? Từ lâu, ông đã có ý muốn tặng chúng tôi một chiếc đèn đá Nhật bản. Nhưng việc đóng gói nóđể gởi từ Nhật sang Mexico thật quá nhiêu khê, nhất là làm sao nhập nó vào Mexico mà chúng tôi không phải trả thuế là điều ông hằng quan tâm. Bấy nhiêu khó khăn tưởng như ngăn trở đó vẫn không làm ông quên bao giờ. Đến đầu năm nay tôi đã nhận được một lá thư của ông, cho biết chiếc đèn đã được gởi đi bằng đường thủy, rằng ông đã tìm được cách trả thuế nhập khẩu, và còn căn dặn cách chọn chỗ đặt ngọn đèn sao cho đẹp nhất trong khu vườn. Bây giờ thì ngọn đèn đã đến nơi như ông hằng dự tính; tôi đang ngắm nhìn nó khi viết những dòng này; nhưng ông thì đã ra đi trước khi tôi kịp hồi báo rằng quà tặng đã đến nơi.
Có nên nói về ảnh hưởng mà sự hiện diện của ông đã gợi ra nơi tôi, nơi nhà tôi, và nơi biết bao bạn bè đồng nghiệp? Tình ông yêu cuộc sống, sự thóat khỏi những ham muốn vị kỷ, niềm vui tinh thần của ông, sinh lực của ông, tất cả đều có ảnh hưởng sâu đậm. Chúng khiến ta mạnh mẽ hơn, sinh động hơn, tập trung hơn. Tuy nhiên không vì khơi dậy một thứ kính phục mà nhân cách lớn đó mới làm vậy. Ông luôn là chính ông, khiêm nhường, không bao giờ là một người "có thẩm quyền"; ông không bao giờ đòi hỏi người khác phải nghe theo quan điểm của mình; ông là một người chưa bao giờ làm cho bất cứ ai lo sợ; không có chút gì là vầng hào quang phi lý và huyền bí của một "vĩ nhân" bao quanh ông; và chưa từng có ý buộc ai chấp nhận những gì mình phát biểu chỉ vì mình đã phát biểu. Ông "có thẩm quyền" chỉ đơn giản vì ông đang hiện hữu, tuyệt nhiên không vì ông đã hứa
đồng ý hay đe dọa phản đối.
Nhà tôi và tôi biết đến Thiền tông trước tiên nhờ đọc sách của ông, sau đó nhờ có tham dự những buổi thuyết trình chuyên đề của ông tại Đại học Columbia ở New York; và sau nữa, nhờ những cuộc đàm đạo với ông ở Mexico đây. Đôi khi chúng tôi tưởng mình đã hiểu - chỉ để sau đó thấy rằng mình chưa hiểu. Còn bây giờ chúng tôi tin mình đã vượt qua sự hiểu lầm tệ hại nhất, và chúng tôi đã hiểu cũng nhiều như một người có thể hiểu được với tất cả kinh nghiệm hạn hẹp vốn là số phận con người. Nhưng điều chắc chắn là tất cả những hiểu biết về Thiền mà chúng tôi có được hôm nay là nhờ vào không chỉ những gì Bác sĩ Suzuki đã nói, đã viết, mà còn ở sự hiện diện của ông. Nếu ta có thể diễn tả "chứng ngộ" là gì, và nếu ta có thể phát biểu từ kinh nghiệm của riêng mình, thì con người Bác sĩ Suzuki là những điều đó. Bản thân ông, toàn thể nhân cách ông, là "ngón tay chỉ mặt trăng." Tôi đã kể ông nghe nhiều mẩu chuyện về Chassid mà ông rất thích và công nhận là rất gần với tinh thần Thiền. Câu chuyện sau minh họa những gì tôi muốn nói về vấn đề đó: Chassid được hỏi tại sao anh ta hay đến thăm thầy của mình; có phải để được nghe những lời dạy minh triết? "Không," anh trả lời, "tôi chỉ đến để xem ông buộc dây giày như thế nào."
Trong thời gian ở Cuernavaca đây, Bác sĩ Suzuki đã tham dự tuần lễ hội thảo về Thiền và Phân Tâm học do Hội Phân Tâm học Mexico tổ chức. Có khoảng năm mươi nhà Phân tâm học Mỹ và Mexico đã tham gia hội thảo, chủ yếu vì đây là cơ hội độc đáo để nghe những tham luận của BS Suzuki, những nhận xét của ông trong các thảo luận, và có lẽ trên hết là để cùng có mặt với ông trong một tuần lễ. Và sự hiện diện của ông quả thật là một hiện tượng đáng ghi nhận. Như mọi người dự đoán, cuộc gặp gỡ đã bắt đầu với sự lệch hướng thường lệ vì quá nhấn mạnh đến các vấn đề tư tưởng và thuật ngữ. Nhưng hai ngày sau bắt đầu có sự thay đổi. Mọi người đều tập trung hơn, trầm lặng hơn. Cho đến khi tàn cuộc hội thảo rõ ràng đã có thay đổi nơi nhiều thính giả. Họ đã trải qua một kinh nghiệm dị thường; họ cảm thấy một sự kiện quan trọng đã đến với họ; rằng họ đã ít nhiều tỉnh thức và không nên để mất những gì đã đạt được. Bác sĩ Suzuki đã vui vẻ đến dự tất cả các cuộc thảo luận và rất đúng giờ. Ông không bao giờ nhượng bộ về tư tưởng để được "hiểu tốt hơn", nhưng ông cũng không bao giờ cố chấp hay tranh cãi. Ông chỉ là chính ông, tư tưởng của ông bắt nguồn một cách vững chắc từ nhân cách ông. Thảo luận thì triền miên, ghế ngồi thì cứng. Mà cái ông cần là được một mình tư lự hằng giờ. Có lần cô Okamura và nhà tôi muốn gặp ông, họ đi tìm ông khắp nơi đều không thấy, cho tới khi họ bắt đầu lo lắng thì bắt gặp ông đang tĩnh tọa dưới một gốc cây. Trông ông thư thái như hòa nhập làm một với cây, vì thế thật khó tìm ra "ông".
Tôi vẫn thường ngạc nhiên về một phẩm chất độc đáo nơi BS Suzuki. Phải chăng đó là sự không có tính tự yêu mình và lòng ích kỷ nơi ông, sự thân thiện của ông, hay tình ông yêu cuộc đời này? Nó là tất cả những điều đó, nhưng tôi vẫn thường nghĩ đến một khía cạnh khác nữa: phẩm chất như trẻ thơ nơi ông. Cần nói thêm một chút về điều này. Cuộc mưu sinh hằng ngày làm tâm hồn của hầu hết chúng ta chai sạn. Như trẻ thơ chúng ta vẫn còn tấm lòng cởi mở và dễ uốn nắn; chúng ta vẫn tin vào nụ cười thật lòng của mẹ, vào sự trung thực của những lời hứa, vào tình yêu vô điều kiện vốn là quyền bẩm sinh của mình. Nhưng "niềm tin nguyên ủy" ấy chẳng mấy chốc sẽ tàn phai sau thời niên thiếu. Hầu hết chúng ta đánh mất sự dịu dàng và nhạy cảm của tâm hồn, trở thành người lớn và thường đồng nghĩa với trở nên chai sạn. Một số ít tránh được số phận nghiệt ngã này; họ vẫn giữ tâm mình rộng mở và không để nó thành chai lì. Nhưng để có thể làm được vậy, họ không nhìn thấy thực tế trước mắt. Họ trở thành như Don Quixote chỉ nhìn thấy sự sang cả và cái đẹp ở nơi thật ra không đẹp và sang; họ đều là những người nằm mơ và không bao giờ đủ tỉnh táo để nhìn thấy thực tại với tất cả xấu xa và bần tiện của nó. Còn giải pháp thứ ba, là giải pháp cực kỳ hiếm. Những người theo con đường này vẫn giữ tính dịu dàng của tâm hồn trẻ thơ tuy vẫn nhìn thấy thực tế một cách minh bạch và không hề có ảo tưởng. Họ ban đầu là trẻ thơ, rồi trưởng thành, rồi quay về lại là trẻ thơ mà không hề đánh mất tính hiện thực của người trưởng thành. Điều này không dễ làm, chính vì vậy nó rất hãn hữu. Tôi tin rằng đó là tính cách của con người Bác sĩ Suzuki. Ông cứng như đá và mềm như sáp; ông là người thực tế và chín chắn, người có khả năng nhìn thế giới này với sự vô tư và niềm tin của trẻ nhỏ.
Bác sĩ Suzuki là một "gốc rễ"; chữ tôi muốn nói là ông đi đến tận cùng nguồn gốc. Và nguồn gốc, đối với ông, là con người. Tính nhân bản nơi ông sáng át cả nét đặc thù của nền tảng văn hóa và đất nước ông. Sống với ông, bạn sẽ quên mất quốc tịch của ông, tuổi tác của ông, và "cá nhân" ông nữa. Bạn đang nói chuyện với một con người, không là gì hết ngoài một con người. Chính điều này làm ông trường tồn - như một người bạn và người dẫn đường mà sự hiện diện hình thể trở thành thứ yếu so với ánh sáng rạng ngời nơi ông.
E. F.