Người học Phật ngày xưa không nói lời nào không phải là lời Phật, không làm việc gì không phải là việc Phật. Các ngài gìn giữ giáo pháp của Đức Phật truyền qua kinh điển với trọn tấm lòng.
Người học Phật ngày nay tụng đọc liến thoắng, và hầu như quá tôn trọng những tác phẩm của các học giả thế tục và tác phẩm cổ Trung hoa, tìm cầu và gắn bó với thơ phú của các quan chức triều đình. Họ có những bản viết trên giấy màu và trang trí bằng vải lụa hoa mỹ. Họ không bao giờ thỏa mãn với những loại văn chương nầy, và coi chúng là những của cải quý giá nhất. Của cải của người học Phật ngày xưa và của cải của người học Phật ngày nay sao mà khác nhau!
Mặc dù thiếu khả năng, tôi vẫn yêu mến những tác phẩm xưa và coi những lời trong kinh điển là của cải lớn nhất của tôi. Nhưng những tác phẩm nầy thì bao la, và biển kinh điển thì mênh mông. Tôi lo rằng người đồng hành tu đạo trong tương lai phải nhọc công vô ích trong việc giẫy dọn quá nhiều cành nhánh để có thể thâu hoạch được những quả thật sự nuôi dưỡng được mình.
Để giúp người học không phải trải qua những khó khăn và phiền phức không cần thiết đó, tôi sưu tập ở đây thành một cuốn sách vài trăm chữ từ những tác phẩm cốt tủy và truyển cảm nhất cho sự tu tập. Những lời sơ sài, có thể nói là quá đơn giản, nhưng nghĩa lý thật hoàn hảo. Nếu coi tập sách nầy như một người chỉ đường và theo đuổi những chân lý trong đó đến cùng với mục đích thấu đạt ý nghĩa sâu mầu của pháp, người học sẽ gặp một Đức Phật sống hiện ra từ mỗi câu. Do đó hãy chiêm nghiệm tập sách nầy bằng mọi cách.
Và tuy người học có thề học những lời, những câu trong cuốn sách nầy, nhưng nếu thấu đạt được một chữ vượt ngoài mọi kinh sách thì tốt hơn nhiều. Đó là kho tàng bí ẩn bên ngoài mọi hình tướng. Hãy từng phút từng giây chờ đợi một cơ hội đặc biệt để nó tự thể hiện.
Mùa Hè, niên hiệu Gap Ja Triều đại Ga Jeong (1564) Tại am Cheong Heo,
Hành giả Baek Hwa [một trong những tên của ngài So Sahn]