PHẦN HAI
GIÁC NGỘ
Chương V
Tám Kinh Nghiệm Ngộ Hiện thời
của người Nhật và người phương Tây
DẪN NHẬP CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP
Trong mấy năm gần đây, những câu chuyện giác ngộ của các Thiền tăng Trung quốc thời xưa đã tìm được đường vào Anh ngữ. Mục đích đáng ca ngợi của những câu chuyện ấy là phấn khích và giáo huấn người đọc hiện đại, song thường có hiệu quả trái ngược một cách nghịch lý. Người châu Á và người phương Tây hiện thời xem con đường Tự chứng ngộ mà các bậc cổ đức đã dẫm chân lên hoàn toàn có thể tự bảo: “Đối với các bậc ấy thì rất tốt, họ có thể đạt ngộ bởi vì họ là những tăng nhân biệt lập với sự ồn ào huyên náo của thế giới, họ sống độc thân không nặng tình cảm và trách nhiệm của đời sống gia đình. Đời sống thời họ tương đối đơn giản. Xã hội của họ không phải là xã hội công nghiệp có tổ chức cao tạo ra những đòi hỏi không nhàm chán đối với cá nhân. Tinh thần thời họ và tinh thần thời tôi khác nhau một trời một vực. Vậy thì giác ngộ có ý nghĩa gì đối với tôi.”
Đối với tám trường hợp sau đây, không thể nêu lên nhũng phản đối như thế được. Những người châu Á và phương Tây này đang sống giữa chúng ta ngày nay, họ không phải là tăng nhân cũng không phải là những người sống cô độc phi thế gian mà họ là những người đàn ông và đàn bà làm công việc mua bán, có nghề nghiệp hẳn hòi, những nghệ sĩ và những bà nội trợ. Tất cả đều tu luyện Thiền dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy hiện đại và đã đạt Tự chứng ngộ ở mức độ này hay mức độ khác. Những câu chuyện của họ chứng minh rằng những gì một người đã làm được thì người khác cũng có thể làm được, rằng ngộ không phải là một lý tưởng không thể có được.
Đa số các câu chuyện này đầu tiên xuất hiện trong các tác phẩm Phật giáo xuất bản bằng tiếng Nhật, từ đó chúng tôi dịch sang tiếng Anh, phần còn lại đã được đặc biệt yêu cầu dành cho tập sách này. Chúng tôi cắt xén như thế là lược bỏ phần tài liệu cơ bản không thích hợp mà không hy sinh sợi chỉ đỏ xuyên suốt các biến cố có ý nghĩa bức bách những người ấy đi vào giác ngộ, hoặc các phản ứng khác nhau và thân thiết đối với tọa thiền và các yếu tố tu luyện Thiền. Do không hạn chế cứng ngắt các câu chuyện tường thuật này đối với hoàn cảnh của chính kinh nghiệm ngộ, chúng tôi tin rằng đã thêm vào giá trị của chúng như là những tài liệu về con người.
Mỗi câu chuyện đều mang ở đầu đề của nó tuổi và nghề nghiệp của cá nhân vào lúc họ giác ngộ. Tất cả đã được ghi lại ngay sau khi kinh nghiệm vừa xảy ra trừ trường hợp số ba, nó chỉ được ghi lại ngót hai mươi năm sau. Câu chuyện tường thuật số hai là kinh nghiệm riêng của người biên tập và kinh nghiệm số tám là của vợ người biên tập.
Thường các kinh nghiệm có tính cách huyền bí của tâm thức đã phát triển, đến một cách thuần bất ngờ và vì nó không liên quan với một qui luật đã được công nhận, một qui luật để duy trì và phát triển nó, thì nó ảnh hưởng ít hoặc không đem lại sự thay đổi nào về nhân cách hay cá tính, đương nhiên nó sẽ chỉ còn là một kỷ niệm hạnh phúc.
Kiến tánh (kensho) không phải là hiện tượng ngẫu nhiên gì hết. Giống như cái mầm nhô lên từ mảnh đất đã được gieo hạt, bón phân và nhổ sạch cỏ dại, ngộ (satori) đến với cái tâm đã nghe và tin vào Chân lý Phật và rồi nhổ rễ bên trong chính nó ý niệm nghiệt ngã về ta và người. Và giống như người ta phải chăm bón cây non mới mọc cho đến khi nó trưởng thành, tu luyện Thiền cũng như thế. Nó nhấn mạnh sự cần thiết làm chín muồi cái ngộ sơ khởi qua sự tiếp tục tham các công án và hoặc với chỉ quán đả tọa cho đến khi nó làm sống dậy hoàn toàn sự sống của cá nhân. Nói cách khác, muốn vận hành ở tầng mức cao hơn của thức do kiến tánh đem lại, người ta phải tự tu luyện thêm nữa để hành động phù hợp với nhận thức Chân lý này.
Mối tương quan đặc biệt giữa kiến tánh và tọa thiền sau kiến tánh được miêu tả sinh động qua câu truyện ngụ ngôn của một trong các kinh. Trong câu chuyện ấy, kiến tánh được ví với một thanh niên, sau nhiều năm phiêu bạt cùng khổ nơi miền đất xa xôi, bỗng khám phá ra rằng người cha giàu có của mình nhiều năm trước đã để lại cho mình tất cả sản nghiệp của ông. Việc thực sự sở hữu kho tàng này, mà nó cũng là của y, và sự trở nên có khả năng sử dụng nó một cách khôn ngoan được ví với sự tọa thiền sau kiến tánh, tức là việc phát triển sâu rộng cái ngộ sơ khởi.
Người đọc có nhận thức sẽ thấy rằng tám kinh nghiệm ngộ này khác nhau về độ sáng và độ sâu mà một vài cá nhân, nói theo ngôn ngữ Thiền, thực sự đã bắt được “Trâu”, trong khi những người khác chỉ nhìn thấy dấu chân của nó. Mặc dù người ta có thể thấy những tấm gương đạt được thâm ngộ chỉ sau vài năm nỗ lực, ngược lại có những trường hợp có kết quả ngộ cạn sau nỗ lực tọa thiền lâu dài. Trong đa số trường hợp, tọa thiền trước ngộ càng nhiều bao nhiêu – càng toàn tâm và thuần khiết bao nhiêu – cái ngộ theo sau càng rộng và vững chắc bấy nhiêu.
Bằng thể cách nào những người này, giống như những con cá chép trong truyện ngụ ngôn Trung quốc, vượt Vũ môn hóa rồng, đã có thể vươn đến một tầng mức cao hơn của thức, đến một trực quan mới về tính không thể phân chia của toàn bộ cuộc sống, và tánh không cơ bản của tất cả sự vật. Chắc chắn không ai được phú cho trí óc phi thường cũng không ai được ban cho năng lực siêu nhiên cả. Đau khổ mà họ đã có, mỗi người đều biết, nhưng nó không khác hơn những gì một cá nhân bình thường trải qua trong đời. Nếu họ có cái gì khác thường cách nào đó, ấy chỉ là họ dũng cảm “đi đến một nơi họ không biết bằng con đường mà họ cũng không biết nốt” do niềm tin vào cái Mình chân thật của họ thúc giục.
Người tìm mà không thấy là vẫn còn bị mắt kẹt trong cái bẩy hư vọng của hai thế giới. Một thế giới của toàn hảo nằm ở bên kia, của bình an không đấu tranh(1) của niềm vui bất tận; và thế giới kia, thế giới của xấu xa vô nghĩa hằng ngày mà nó hiếm khi đáng để họ dính líu vào. Họ bí mật ước mơ thế giới trước mà công khai khinh bỉ thế giới sau. Song họ ngần ngại không phóng mình vào cái Không đầy ắp, vào hố thẳm bản tánh nguyên sơ của mình, bởi vì trong vô thức sâu thẳm nhất, họ sợ hãi phải từ bỏ thế giới
---------------------------------------------
(1) Sự an tâm không thiếu vắng đấu tranh mà thiếu vắng sự bất định và bối rối. Trích từ đề mục về “Yoga and Christian Spiritual Techniques” [Yoga và Những Kỹ Thuật Tâm Linh Ky tô giáo] của Anthony Bloom trong quyển “Forms and Technique of Altruistic and Spiritual Growth” do nhà Beacon Press xuất bản năm 1954, trang 97.
nhị nguyên thân thuộc để đến với thế giới Nhất thể chưa biết mà họ còn hoài nghi về sự có thực của nó. Mặt khác, những người đã tìm và thấy được, không bị sợ hãi hay nghi ngờ kìm hãm. Ném cả hai sang một bên, họ nhảy vọt tới vì họ không thể làm khác được – họ chỉ phải làm như thế và họ không còn biết tại sao – và vì thế họ hát khúc khải hoàn.
Toàn bộ các kinh nghiệm ngộ này đều đến từ nhiếp tâm, một phương thức rèn luyện tinh thần mà người ta không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trong Phật giáo ngoại trừ Thiền. Nhiếp tâm trong hình thức này hay hình thức khác trở lại thời Phật, khi tăng nhân tự ẩn tu trong nhiều tháng trong mùa mưa. Mục đích của nhiếp tâm, như từ ngữ ám chỉ, là để người ta có thể thu góp và hợp nhất tâm mình thường hay bị phân tán để họ có thể qui tụ nó lại một điểm, tựa như cái viễn vọng kính loại mạnh, quay vào bên trong để khám phá ra Tự tánh chân thực của mình. Trong thời gian nhiếp tâm, phương tiện và phương pháp giảng dạy cơ bản của Thiền, tức tọa thiền, đề xướng, và độc tham, được kết hợp với nhau thành một toàn thể đầy ý nghĩa trong bảy ngày(2) ẩn cư. Dĩ nhiên, ngộ không phải chỉ hạn chế trong nhiếp tâm, nhưng vì nhiếp tâm chắc chắn là cái lò ấp trứng có nhiều tiềm năng nhất, các bước tiến hành bao hàm trong hình thức luyện tâm có một không hai này đáng được miêu tả hơi dài dòng một chút, nếu người đọc muốn có cái nhìn rõ ràng về quá trình ấp trứng này.
Trong tự viện, nhiếp tâm thực sự bắt đầu với những nghi thức nhất định vào buổi chiều trước khi cuộc tọa thiền chính thức bắt đầu. Trong thiền đường (zendo) sáng lờ mờ
---------------------------------------------
(2) Đây chỉ nhiếp tâm ở tự viện. Ở chùa hay những nơi khác, nhiếp tâm thường ít hơn bảy ngày.
là trung tâm điểm của những sinh hoạt trong một tuần lễ. Những vị tăng đầu chúng trang nghiêm tập hợp những người tham dự với mục đích xếp chỗ, chỉ dẫn những người mới đến cách vào ra thiền đường như thế nào để không gây ồn ào, cách dùng những dụng cụ và chén bát trong bữa ăn một cách im lặng, cách đi kinh hành (kinhin), cách ngồi lên và bước xuống toạ cụ một cách im lặng.
Cùng với sự chấm dứt các nghi thức này, khi nghe những tiếng nặng nề của chiếc trống khổng lồ của tự viện, mọi người tập trung ở chánh điện, sáng rực ánh đèn. Mặc y phục ngồi đúng nghi thức, những người tham dự xếp thành hai hàng đối diện nhau qua chánh điện, quì gối theo tư thế cổ truyền Nhật bản, rồi cúi đầu chào nhau như là dấu hiệu tỏ lòng kính trọng nhau và đồng nhất với nguyện vọng của nhau. Một bầu không khí kích động bị dồn nén và sự lặng lẽ mong ngóng khi một vài phút sau, vị lão sư và các trợ thủ của ông trong lễ phục chỉnh tề bước vào. Khi họ đi qua giữa hai hàng người đến chỗ ngồi của họ ở đầu chánh điện, tất cả lại cúi đầu, lần này đầu chạm nệm, tỏ lòng kính trọng sâu xa đối với các bậc thầy của họ.
Sau khi chào mừng mọi người, vị lão nói đại ý như sau:
Trong lúc nhiếp tâm quí vị không nên nói chuyện với nhau, vì như vậy sẽ làm phân tán sự tập trung và do đó làm chướng ngại sự thực hành của mình và người khác.
Mọi người trong quí vị phải nhất tâm hiến mình cho tọa thiền, loại trừ tất cả mọi thứ khác, kể cả việc quan tâm đến các vấn đề của người lân cận. Nếu vị nào có vấn đề thúc ép, hãy nói riêng với các vị tăng đầu chúng, ngoài tầm tai của những người khác.
Mắt quí vị luôn luôn để yên nhưng không tập trung vào một điểm nào ở phía trước mình trong lúc ngồi, đứng, đi hay làm việc, ở một khoảng cách độ một mét khi ngồi và hai mét trong các tư thế khác. Khi mắt quí vị phóng nhìn đây đó hoặc để cố định nơi vật này hay vật kia, sự tiếp xúc này tạo ra ấn tượng rồi đến phiên nó sẽ dấy lên tư niệm. Các tư niệm sẽ nhân lên và rồi giống như một đàn ruồi vo ve đây đó trong tâm làm cho sự tập trung trở nên khó khăn, nếu không nói là không thể được. Do đó, quí vị đừng hướng mắt vào bất cứ vật gì vì bất cứ lý do nào.
Trong lúc tọa thiền hãy bỏ những nghi thức xã giao mọi loại. Đừng chào nhau bằng những tiếng như chào ông, chào bà hay chúc ngủ ngon và cũng đừng ca ngợi hay chỉ trích nhau. Hơn nữa, quí vị không nên bước sang một bên để người khác tiến lên trước, quí vị cũng không nên đẩy người khác tới trước. Trong tất cả mọi hoạt động, quí vị không nên cử động hấp tấp hay lờ đờ mà phải tự nhiên như nước chảy.
Trong nhiếp tâm, không nên ăn nhiều hơn một nửa những gì quí vị ăn lúc bình thường, làm đúng theo lời khuyên này sự tọa thiền của quí vị sẽ có hiệu quả nhiều hơn. Song tọa thiền không phải là khổ tu, ép xác và kiêng ăn hoàn toàn là không thông minh vì tâm quí vị có thể dễ bị những cơn đau nhức vì đói làm phân tán, hay quí vị có thể thấy mình trở nên suy nhược đến độ không tọa thiền được. Nếu quí vị không thích ăn trong những lúc có bữa ăn nhất định vì đang nỗ lực kịch liệt, dĩ nhiên quí vị có thể từ chối không ăn.
Đừng ăn quá nhanh hay quá chậm để mọi người phải chờ mình. Một cách lý tưởng là tất cả nên kết thúc gần như cùng một lúc, như vậy sẽ không làm xáo trộn nhịp điệu đã được thiết lập của nhiếp tâm. Hãy cẩn thận đừng làm khua động chén bát khi lật chúng lên hoặc khi mang đi, và hãy nhai củ dưa cải một cách hết sức nhẹ nhàng không gây tiếng động, những âm thanh như thế thường làm phiền những người mới bắt đầu.
Vì lý do nào đó, nhiều người tưởng rằng đàn bà khó đạt Tự chứng ngộ hơn đàn ông. Trái lại, đàn bà thường đạt kiến tánh nhanh hơn đàn ông, bởi vì họ ít thích đùa với tư tưởng hơn đàn ông. Nhưng cả đàn ông lẫn đàn bà, nếu họ xóa tâm sạch hết tư niệm và trở nên vô ngã, thì đều có thể đạt kiến tánh chỉ trong một tuần lễ nhiếp tâm. Trong quá khứ, nhiều người đã làm được như thế và một số người đã có quyết tâm làm như vậy trong tuần nhiếp tâm này.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng nhiếp tâm là một nỗ lực hợp tác trong đó có sự tương trợ và kích thích lẫn nhau, nếu tất cả cùng nhau tham gia mọi hoạt động nhiếp tâm và không theo sở thích riêng của mình. Đắm mình trong dục vọng nhờ vào nỗ lực chung là một biểu hiện của cái ta và do đó trái với mục đích của chúng ta, cả cá nhân lẫn tập thể.
Rồi vị lão sư kết thúc bằng cách khuyên tất cả mọi người làm hết sức mình.
Bấy giờ trà và bánh ngọt được dọn ra, trước hết cho vị lão sư, kế đến cho các vị tăng đầu chúng và rồi đến những người tụ hội. Vị lão sư nhắp trà trước tiên và tiếp theo là những người khác. Ông lại ăn bánh trước và sau đó mọi người cùng ăn.
Nghi thức này không phải là không có ý nghĩa. Nó tượng trưng cho tất cả mọi khối óc và trái tim trong việc làm chung này. Đồng thời nó còn là biểu hiện của lòng tin của môn sinh đối với thầy, họ đồng ý được ông dẫn dắt và lòng tin của họ đối với Pháp mà ông xiển dương. Xong nghi thức, vị lão sư và các trợ thủ bắt đầu, và một lần nữa tất cả cúi đầu chào nhau như trước.
Đúng chín giờ, chuông reo và mọi người rút lui vào giường. Sáu giờ đồng hồ nữa, cuộc đại thám hiểm bắt đầu.
Keng! Keng!…3 giờ sáng… nhiếp tâm bắt đầu…
Những người mới đến hơi sửng sốt, dụi đôi mắt ngái ngủ, mò cái nệm nhồi bông…những bàn tay đã quen với thời tiết nhanh nhẹn thu xếp vật dụng trên giường, đến nhà tắm đánh răng, dội nước lạnh lên mặt, mặc y phục, nhanh nhẹn lên đàn (tan: cái sàn để ngồi thiền), điều chỉnh tọa cụ, bắt đầu tọa thiền…, không lãng phí thì giờ, nỗ lực…những người mới bắt đầu chậm chạp, vụng về leo lên đàn và tọa cụ… điều chỉnh, vặn vẹo, lại điều chỉnh…
Mấy phút, vị lão sư im lặng bước vào…đi phía sau và quan sát những cái lưng, với con mắt hiểu biết, chúng tiết lộ sự căng thẳng hay buông chùng của tâm một cách hùng hồn hơn là mặt…
Một cột xương sống chùng ắt sẽ bị đau với cây hốt ông cầm nơi tay đập một cách nhẹ nhàng. Một cái lưng khác thẳng hơn sẽ chỉ nhận được lời khuyên hay khuyến khích thì thầm… Khi vị lão sư đi qua, người ngồi chắp tay chào, điệu bộ phổ biến tỏ lòng khiêm tốn, kính trọng và biết ơn…
Vị lão sư có thể kể với những người ngồi nhìn vách bây giờ một câu chuyện dật sử về một Thiền đức ngày xưa, hoặc một Thiền đức đáng chú ý hiện đại để phấn khích… Sau cùng ông kết luận: “Ông ấy cũng chỉ là người, nếu ông ấy có thể đạt giác ngộ thì quí vị đây cũng có thể vậy.” …Đôi hàm tỏ vẻ cương quyết, cuộc chiến đấu bắt đầu…
Keng! Keng! Kinh hành… Bốn mươi lăm phút trôi qua… những người cũ đã quen, ném vòng tọa cụ sang một bên, nhảy xuống đất êm nhẹ như mèo, đứng ngay vào hàng và chầm chậm đi quanh thiền đường, tay chắp ngang ngực, với bước đi chừng mực, tâm tập trung… Keng!... Kinh hành chấm dứt… Một vài người nhanh chóng lên đàn, những người khác tiến về phía nhà tắm… Keng! Keng! Keng!...thời ngồi kế tiếp bắt đầu…mùi thơm bát ngát của cây nhang mới(3) bay khắp thiền đường.
----------------------------------------------
(3) Một thời ngồi khoảng 45 phút được tính bằng thời gian đốt cháy hết một cây nhang.
Khoảng 20 phút sau vị godo(4), sứ giả chính của vị lão sư, từ trên đàn lướt nhẹ xuống, ông ta đi lấy kích trượng (kyosaku) tượng trưng cho lưỡi kiếm chém mê hoặc của Bồ-tát Văn Thù, đặt trong chiếc rương đựng thánh tích giữa thiền đường, nắm chặt hai đầu kích trượng, cúi đầu thật thấp trước vị hộ pháp của thiền đường.
Vị godo lặng lẽ bước những bước dài quanh thiền đường, đánh giá những tư thế mách lẻo… Không một tiếng động nào, trừ tiếng lầm thầm có thể nghe được của hơi thở hổn hểnh phì phò của những người mới bắt đầu đang cố gắng một cách tuyệt vọng bằng thân thay vì bằng tâm để nhốt các ý nghĩ đang chạy tán loạn…
Bốp! Tiếng kích trượng toàn lực dộng xuống một góc đàn. Có tiếng lào xào giống như tiếng tiếng gió xào xạc qua đám cờ bắp qua những người mới đến giật mình, hơi sợ hãi…im lặng, một niềm im lặng điếc đặc…
Bộp! Bịch!…Đánh những người ngồi có cái lưng không thẳng tỏ dấu hiệu tâm suy yếu, vị godo gầm lên: “Chỉ còn mười lăm phút nữa là độc tham. Hãy dũng cảm tiến lên! Hãy tập trung! Đừng tách rời công án dù chỉ bằng đường tơ sợi tóc! Quí vị phải đem câu trả lời đến cho lão sư, đừng có đến mà không có gì cả!”
Những cái lưng hạ thấp thẳng lên… Những tiếng phì phò và gắng sức trở nên lớn hơn.
Keng! Keng!... Độc tham!
“Đi!” vị godo hét lên…Sự căng thẳng bị phá vỡ, tất cả - chỉ trừ một vài người hơi miễn cưỡng – hăng hái đua nhau xếp hàng.
--------------------------------------------
(4) Trong phái Tào Động, Godo chỉ vị tăng đầu chúng chịu trách nhiệm cai quản thiền đường, địa vị kế ngay sau vị Lão sư, tương đương với địa vị của Jikijitsu trong phái Lâm Tế.
“Các ông có cần chân lý không?” ông ta nói cộc lốc với mấy người trễ nãi, lôi một hai người xuống đàn và khuyến khích họ tiến vào hàng độc tham bằng kích trượng, lạnh lùng không cần biết đến việc gì khác.
Trong đa số các tuần nhiếp tâm ở tự viện hay chùa, kích trượng giữ vai trò quan trọng và thường có tính chất quyết định, nó đạt đến cực điểm ngay trước lúc độc tham. Mục đích của kích trượng là khơi dậy mọi tàng tích năng lực còn mơ màng trong người ngồi, khiến cho họ phá vỡ cái vỏ sò bảo vệ sự tự lừa dối mình và đi đến Tự tri đích thực. Song không một yếu tố huấn luyện Thiền nào bị người châu Á cũng như người phương Tây chỉ trích ầm ỹ bằng, không ai hiểu ít hơn người khác về việc sử dụng loại gậy này. Nó bị kết án là một biểu hiện “bạo dâm của văn hóa Nhật bản,” và là một “phản bội trắng trợn của Phật giáo.” Thực ra không phải như thế. Cùng với Thiền, kích trượng là một sản phẩm nhập khẩu từ Trung hoa.(5) Có lẽ nó là hậu duệ cứng cáp hơn của chiếc que nhỏ đã được sử dụng ngay cả trong thời đức Phật để đánh thức mấy ông tăng ngủ gật và được chế tạo để gây tiếng gió khi rung bên tai.(6) Tại Trung quốc, đến một điểm nào đó, các Thiền sư hiển nhiên cảm thấy cần phải kích thích môn sinh của họ bằng một cái gì đó khác hơn là những âm thanh êm ái hay những cái vỗ nhẹ bằng bàn tay hay một cú đấm đúng lúc. Để đáp ứng nhu cầu đó, tiền bối của kích trượng đã ra đời.
Kích trượng được làm với những kích thước, hình
---------------------------------------------
(5) Về cách sử dụng kích trượng (kyosaku, được gọi là keisaku trong truyền thống Lâm Tế) ở Thiền viện Trung hoa sau này được miêu tả tóm lược trong The Wheel of Life, trg. 167 của John Blofeld.
(6) Mẫu tin này do Lão sư Bạch Vân cho tôi biết.
dáng và sức nặng khác nhau. Có những cái làm bằng gỗ cứng dùng trong mùa đông khi tăng nhân và cư sĩ đều mặc áo dày. Có những cái làm bằng gỗ mềm dùng trong mùa hè khi họ mặc áo mỏng. Đầu kích trượng tiếp xúc với thân người dược làm dẹp giống như mái chèo với bề rộng khoảng một tấc, trong khi đầu cán được chuốc tròn để cầm cho chắc. Trong một vài tự viện và chùa, nó dài khoảng một mét hai, ở một số khác nó dài khoảng bảy tấc.
Kích trượng có thể được dùng để kích động một người ngồi buồn ngủ, khuyến khích một người ngồi mệt mỏi, hoặc thúc giục một người ngồi cố gắng, nhưng nó không bao giờ được dùng để trừng phạt hay gây hiềm khích cá nhân. Điều này rõ ràng vì sự thật người được đánh chắp tay giơ lên tỏ lòng biết ơn vị godo, và đáp lại ông ta chấp nhận điều ấy bằng một cái cúi đầu trong tinh thần tương kính và hiểu nhau. Trong tự viện, những cú kích trượng mạnh nhất hầu như chỉ dành cho những người hăng hái và dũng cảm, không lãng phí cho những kẻ lười biếng hoặc nhút nhát. Trong thiền đường, người ta hiểu rất kỹ câu ngạn ngữ: ngựa tồi dẫu đánh mấy cũng không thể chạy nhanh.
Trong các tự viện và chùa Tào Động, người ngồi quay mặt vào vách mà không quay mặt vào nhau như trong phái Lâm Tế. Như thế, vị godo dùng kích trượng từ phía sau, tùy ý mình(7), và thỉnh thoảng không có sự báo trước(8) nào cả. Trong tay vị godo nhạy cảm và đã giác ngộ, có thể đánh hòn sắt nóng hay đánh cho hòn sắt nóng
---------------------------------------------
(7) Những người ngồi thường yêu cầu kích trượng đánh bằng cách chắp tay giơ lên khỏi đầu.
(8) Song nó thường được báo trước bằng cái vỗ nhẹ lên vai. Trong phái Lâm Tế thì đánh từ phía trước, như thế người ngồi luôn luôn biết trước khi mình được đánh.
lên, cây kích trượng bất ngờ làm cho sự nỗ lực tập trung của một người lên đến độ kịch liệt nhất. Hơn nữa, giống như cái quất nhạy cảm dùng cho con ngựa đua, khiến nó tăng tốc độ mà không gây nguy hiểm, cây kích trượng được sử dụng một cách thông minh vào lưng của một người ngồi gắng sức có thể làm bật nổ năng lực siêu nhân đưa người ấy đến sự qui nhất năng động của tâm cần thiết cho kiến tánh mà không gây đau đớn. Ngay cả những lúc ít trọng yếu, đặc biệt vào giữa buổi chiều hay xẩm tối, khi thân bị rùn xuống kiệt sức làm chùng sự khẩn trương của tâm, mở đường cho những đoàn quân tư niệm xâm lăng, cú đánh đúng lúc qua vai sẽ làm gục tất cả, đồng thời giải tỏa các kho dự trữ năng lực bất ngờ.(9)
Không thể nhấn mạnh quá mức rằng xử lý kích trượng không phải chỉ là vấn đề đánh người bằng gậy. Trong hành động này, bi-trí-dũng được kết hợp với nhau. Trong một tự viện hay chùa hàng đầu, vị godo là một người không thay đổi, có tinh thần mạnh, song từ bi. Thực ra, nếu kích trượng là một động cơ thúc đẩy và không phải là chông gai, người ấy phải đồng nhất với nguyện vọng tinh thần sâu xa nhất của những người ngồi. Người ta nói rất hay rằng tình thương không có sức mạnh là yếu hèn, sức mạnh không có tình thương là dã man.
Song không thể phủ nhận rằng đối với những người phương Tây không thể tự thức tỉnh quan niệm cho rằng đánh đập bằng gậy trong bất cứ trường hợp nào cũng là lăng nhục nhân cách cao quí của họ, kích trượng vẫn luôn luôn là sự đe dọa hơn là sự thúc giục đáng được hoan nghênh.
---------------------------------------------
(9) Mỗi vai được đánh hai lần tại những điểm tương ứng với kinh mạch châm cứu.
Theo sau độc tham là tụng kinh, được tiếng “Cốc!” kích thích của cái mõ báo trước. Nghe báo hiệu này, tất cả xếp hàng ngoài cửa dọc theo lối đi có lọng phướn mở rộng, được hơi thở mát lạnh của rạng đông chào đón, và từ đó tiến vào chánh điện, cư sĩ chiếm một bên và bên kia là tăng nhân. Độc tham và hai giờ tọa thiền đem lại cho tâm sự trong sáng và qui nhất, mọi tư thế và cử động của thân trong lúc lạy và tụng kinh mang một ý nghĩa và nội dung mới. Tiếng mộc ngư (mõ) nhiệp nhàng, tiếng chuông đồng ngân nga sâu xa, ánh đèn cầy sáng chập chờn trên bàn Phật (Butsudan), và mùi hương nhang tươi mát, tất cả đều góp phần kích thích tâm hơn nữa.
Sau đọc kinh đến bữa ăn đầu tiên, lúc 5 giờ 30, gồm có cháo, một đĩa rau ăn giặm và củ cải dầm nước muối. Khẩu phần đơn giản này là để nuôi cơ thể cho nó có thể theo đuổi Con Đường của Phật, không phải để thưởng thức. Nhưng người ta không ăn ngay. Đầu tiên, tiếng leng keng của cái chuông tay của vị tăng đầu chúng, lời kinh tụng trong giờ ăn bắt đầu với sự bày tỏ niềm tin nơi Tam Bảo như là một, tức Phật Tì-lô-xá-na (tượng trưng cho Phật-Tri-Kiến siêu việt); Pháp (hay luật nhân quả) và Tăng (gồm cả chư Phật khắp mọi nơi). Rồi tạm thời ngừng tụng kinh trong khi mỗi người tự giở tấm khăn phủ quanh cái bát sơn mài bốn ô, và đũa đã được cấp cho trong tuần nhiếp tâm, và đặt những vật ấy ra trước mặt.
Leng keng! Tụng kinh lại bắt đầu với sự bày tỏ lòng tin nơi nhân cách và cuộc đời của Phật Thích-ca Mâu-ni, nơi Pháp của Ngài, và nơi những tấm gương lớn của lời Phật dạy, tức các Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền, và Quan Âm, thêm nữa là chư Tổ. Bấy giờ, cháo được múc ra từ cái tô tượng lớn bằng gỗ và rau được dọn lên.
Song trước khi đụng đũa vào bát cứ thứ gì, có một hiệp tụng kinh khác nữa để mọi người nhớ rằng thức ăn sắp được ăn đây đến từ sức lao động của nhiều người, và mỗi người chỉ được phép thọ nhận với lòng biết ơn, không phải vì tham lam, và không vì thích hay ghét.
Bây giờ còn một nghi thức nữa trước khi thực sự ăn. Mỗi người tự lấy trong bát cháo ra khoảng năm bảy hạt và bỏ vào trong một cái bình đặc biệt chuyền qua tất cả mọi người vì mục đích này. Lễ vật tượng trưng dành cho loài quỉ đói vô hình của thế giới khác mà lòng tham trừng phạt chúng sống kiếp khốn cùng. Cuối cùng, khi ăn phải ăn im lặng để sự tập trung vào công án hoặc đếm hơi thở hoặc chính việc ăn, có thể tiếp tục không gián đoạn.
Các tăng nhân phục vụ mang cái tô tượng cháo lớn đến tất cả ba lần. Người nào muốn ăn nữa nâng bát lên, chắp hai tay chờ đợi trong lúc được phục vụ, im lặng xoa hai bàn tay vào nhau ra dấu “đủ rồi.” Nếu không muốn được phục vụ nữa, mỗi người chỉ đơn giản cúi đầu chào từ thắt lưng trở lên, hai tay chắp ngang ngực khi người phục vụ đi qua. Không chú ý đến lời ra lệnh ăn sơ sài của vị lão sư, hiển nhiên có những ông tăng muốn làm đầy bụng hơn là làm rỗng tâm thì làm đến bát thứ ba.
Thức ăn khi đã đụng đũa đến thì phải ăn, không được phí bỏ, không được lãng phí một miếng nhỏ nào. Cuối bữa ăn, nước uống được chuyền vòng quanh và mỗi người dùng một miếng củ cải dầm nước muối để chùi sạch bát, và sau đó nếu khát thì uống nước nhưng đừng quên đổ một miếng thừa vào cái bình chứa chung dành cho quỉ đói. Bữa ăn chấm dứt bằng một bài kinh, thực chất là để bày tỏ lòng biết ơn sự nuôi dưỡng vừa thọ nhận và một lời nguyện dùng sức khỏe này phục vụ phúc lợi tinh thần của tất cả chúng sinh.(10)
Không phải riêng thức ăn mà mọi thứ đều được sử dụng đúng chức năng của nó và không được lãng phí hay phá hoại một cách không cần thiết. Đây là một trong các điều lệ không được vi phạm của Thiền viện và phải được chú trọng trong lúc nhiếp tâm, không được vi phạm. Những lý do ấy có tính cách tinh thần hơn là kinh tế, phung phí là phá hoại. Đối xử sự vật với sự tôn trọng và biết ơn, hợp với bản tánh và mục đích của chúng, là khẳng định giá trị và sự sống của chúng, sự sống mà chúng ta cắm rễ trong đó. Lãng phí là thước đo sự vị ngã của chúng ta, và từ đó là sự ly cách chúng ta với sự vật, với Phật tánh, với sự hợp nhất thiết yếu của những cái ấy với chúng ta. Hơn nữa, nó còn là hành động lạnh lùng đối với giá trị tuyệt đối của vật bị lãng phí, tuy khiêm tốn. Như thế, vô ý làm vỡ một tấm gương vào bất cứ lúc nào, để một ngọn đèn cháy khi không còn cần đến nữa, dùng nhiều nước hơn nhu cầu cho một việc làm riêng biệt, để mở một quyển sách sau khi đã đọc; tất cả những cái ấy đều là hành động sai sót theo nghĩa tôn giáo sâu xa nhất và do đó, làm hại sự tiến bộ tinh thần của chúng ta. Vì lý do này, chúng bị kết án tất cả.
Theo sau bữa ăn sáng ở đa số các tự viện và chùa là chương trình samu (lao động tay chân) trong thời gian nhiếp tâm, nó mang hình thức quét dọn, lau bụi, chùi rửa sàn nhà, nhà vệ sinh, cộng thêm quét dọn lối đi, cào và làm
---------------------------------------------
(10) Đây là nghi thức Tào Động của chùa Phát Tâm, hơi khác với nghi thức Lâm Tế. Thỉnh thoảng các Thiền viện cũng phục vụ gạo trắng, không phải gạo nâu.
cỏ vườn.(11) Kể từ thời Bách Trượng Hoài Hải (Nh. Hyakujo Ekai, H. Pai-chang Huai-hai, 720-814) đầu tiên định chế, hơn một nghìn năm qua lao động tay chân
là một thành tố tu Thiền. Về Bách Trượng người ta ghi lại rằng một hôm các tăng nhân cảm thấy sư đã quá già yếu, không thể làm việc được nữa, đem dấu hết các dụng cụ làm vườn của sư. Khi họ từ chối, làm ngơ lời khẩn cầu trả lại các dụng cụ cho sư, sư không chịu ăn nữa, và bảo: “Không làm, không ăn.” Cùng một tinh thần ấy, được Lão sư Gempo Yamamoto thời nay, cựu trụ trì chùa Long Trạch (Ryutaku-ji), mất vào tháng 6 năm 1961 lúc 96 tuổi, thể hiện. Hầu như mù và không thể làm việc được cho tự viện, sư đã quyết định giờ chết cho mình, vì thế sư không chịu ăn nữa. Khi tăng chúng hỏi tại sao sư không ăn, sư đáp sư đã sống thừa vô dụng và chỉ làm phiền mọi người. Họ nói: “Nếu hòa thượng chết bây giờ [tháng giêng] trời lạnh lắm, mọi người sẽ không thoải mái đi dự tang lễ và như vậy hòa thượng còn làm phiền nhiều hơn nữa. Vì thế xin hòa thượng làm ơn ăn lại cho.” Do đó, sư bắt đầu ăn trở lại, nhưng đến khi trời ấm lại, sư lại ngừng ăn, và sau đó không lâu, sư lặng lẽ ngã xuống qua đời.
Làm như thế có ý nghĩa khi nói đến huấn luyện Thiền? Trước tiên, nó chỉ rõ rằng tọa thiền không chỉ là vấn đề đạt khả năng tập trung và qui tụ tâm trong lúc ngồi, mà theo nghĩa rộng nhất, tọa thiền còn bao hàm cả sự vận động và vận dụng tích cực định lực (sức mạnh do tọa thiền phát sinh) trong mọi hành động của chúng ta. Samu, như là một kiểu tọa thiền di động, cũng cung cấp cơ hội để phát triển
----------------------------------------------
(11) Ở các tự viện có một số lượng lớn lao động tay chân quanh năm – ví dụ, trồng lúa cũng như rau cải – samu được miễn trừ trong thời gian nhiếp tâm cho phép có nhiều thì giờ hơn cho việc ngồi.
an tĩnh sâu xa đưa tâm đến qui nhất qua hoạt động cũng như làm tăng sức mạnh cho thân và do đó làm tăng năng lực cho tâm.
Mục đích ở đây, cũng như ở mọi kiểu tọa thiền khác, là tu dưỡng mà trước tiên là tâm niệm và đương nhiên là vô niệm. Đây chỉ là hai mức độ khác nhau của sự thấm nhập. Tâm niệm là trạng thái trong đó người ta hoàn toàn ý thức trong bất cứ tình thế nào và vì thế luôn luôn có thể đáp ứng tương xứng. Song người ta ý thức mình có ý thức. Mặt khác, vô niệm hay “vô tâm” như nó được gọi, là trạng thái thấm nhập trọn vẹn đến độ không còn vết tích nào của tự thức.
Bất cứ hành động nào phát xuất từ tâm thái này không thể sấn vào hay nhảy vọt được, không thể gắng sức hay buông lơi, không thể có những cử chỉ hư giả hay lãng phí bất cứ năng lực nào. Toàn bộ sự lao động đi vào với tâm thái như thế, tự nó có gía trị khác biệt với những gì có thể đưa đến. Đây là việc làm “không công đức” hay “không mục đích” của Thiền. Bằng cách thực hiện mỗi việc làm theo tinh thần này, chúng ta có thể lãnh hội sự thật rằng mỗi hành động là một biểu hiện của Phật tâm. Một khi trực nghiệm được điều này và không lầm lẫn, thì không có lao động nào có thể kém cao quí được. Trái lại, tất cả mọi việc làm dù thấp kém đến đâu cũng đều cao quí bởi vì nó được xem là biểu hiện của Phật tánh không tỳ vết. Đây là giác ngộ chân thực và giác ngộ trong Thiền không bao giờ chỉ riêng cho mình mà là cho tất cả.
Lý tưởng này được nhấn mạnh trong suốt tuần nhiếp tâm. Sự thực - bốn lần trong một ngày, vào cuối bài đề xướng, cuối các thời tụng kinh sáng, chiều và sau việc làm cuối cùng trong ngày - Bốn Lời Nguyện được tụng ba lần hiệp một:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
Đau khổ vô tận thệ nguyên đoạn.
Pháp môn(12) vô lượng thệ nguyện học.
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Samu chấm dứt, theo sau là bài đề xướng dài khoảng một giờ (thí dụ có thể tìm thấy ở Chương II), rồi khoảng 11 giờ là đến bữa ăn chính trong ngày, thường là cơm gạo trắng trộn với gạo lúa mạch, phụ thêm rau tươi và canh đậu hũ. Sau bữa ăn trưa, tất cả trừ những hăng hái nhất tiếp tục ngồi ở thiền đường, nghỉ ngơi độ một giờ như đã được chương trình nhiếp tâm dành cho, song không quên tự thâm nhập công án hay các bài luyện tập khác.
Trừ đề xướng và lao động tay chân, buổi chiều và buổi tối là lặp lại thời gian buổi sáng. Một vài tự viện và chùa cho tắm nước nóng vào buổi chiều hay buổi tối đối với những người mới bắt đầu vì chân đau và thân căng thẳng, sự xoa dịu này được đón mừng nồng nhiệt vô tả. Đến 4 giờ chiều được ăn một bữa nhẹ, chủ yếu là những món ăn còn thừa lại của buổi trưa. Không giống như hai bữa ăn trước được bắt đầu và chấm dứt bằng tụng kinh, “món thuốc”(13) này được ăn trong im lặng hoàn toàn.
Ở chùa Phát Tâm, được chú ý vì nhiếp tâm nghiêm túc, vào đêm thứ tư và mọi đêm sau đó vào lúc tám giờ, có một qui luật độc đáo để chiến đấu với những ảo ảnh cám dỗ
----------------------------------------------
(12) Tức là, các tầng mức chân lý.
(13) Dược thạch (Yakusaki): hòn đá thuốc, tăng nhân Phật giáo ở Trung quốc ngày xưa chỉ ăn ngày hai bữa. Vào mùa đông, để giữ mình cho ấm và làm dịu bớt những cơn đau vì đói, họ đặt trên bụng một hòn đá được xem như là món thuốc trị bá chứng cho tất cả những rối loạn của dạ dày. Do đó, những bữa ăn thứ ba, đến khi ăn, được cho là “ăn thuốc” (dược thực).
của chiếcgiường bắt đầu lôi kéo cái tâm đã mệt mỏi, do dự
vào giờ này. Với tiếng keng của cái chuông lớn ở thiền đường, đột nhiên có sự bùng dậy của tiếng “Mu-u-u…”của tất cả những người đang cố gắng thâm nhập công án này. Thoạt đầu yếu và bất định, tiếng hô tập thể này gom góp sự sâu xa, sức mạnh và sức xung kích dưới sự thúc giục mãnh liệt của cây kích trượng vung tự do của vị godo, và những người phụ tá ông hét lên: “Hãy nói Mu từ đan điền, không phải từ cổ họng!” Khi những tiếng la Mu này từ từ lên đến cao độ của tiếng rống sâu thẳm, mà chúng đương nhiên như vậy, đột nhiên tắt hẳn vì tiếng chuông thiền đường Keng! Keng!... thường khoảng 30 phút sau. Bây giờ lại bắt đầu tọa thiền im lặng, nhưng bầu không khí trở nên như điện.
Tọa thiền chấm dứt vào 9 giờ thiếu 15 và tiếp theo là thời kinh cuối cùng trong ngày, một bài kinh ngắn và Bốn Lời Nguyện. Bây giờ được tụng vơi sự hăng hái và mạnh mẽ. Với tinh thần phấn chấn và năng lực bùng dậy, ngủ không còn là vấn đề và thực tế mọi người xếp hành ngoài thiền đường trong bầu không khí lạnh lẽo ban đêm với tọa cụ dưới cánh tay. Thay vì lê bước mỏi mệt đến giường ngủ như những đêm trước,(14) mọi người rảo bước nhẹ nhàng đến những địa điểm vắng vẻ, thường là nghĩa trang của tự viện, ở lại đó tiếp tục tọa thiền mãi trong đêm.
Đặc biệt, đêm cuối cùng với tiêng la hét dữ dội nhất, không một ai trừ những người bị bệnh rõ ràng hay những kẻ nhút nhát rõ rệt dám rút lui vào giường lúc 9 giờ, khi thực tế cả thiền đường chia nhau chỗ trong nghĩa trang
----------------------------------------------
(14) Ở đa số tự viện, cư sĩ đến nhiếp tâm không ngủ chung với tăng nhân trong thiền đường, mà được xếp chỗ ngủ trong các phòng ở một căn nhà riêng.
hay trên các ngọn đồi gần đó trong đêm, xé tan bầu không khí tĩnh mịch bằng tiếng la “Mu!” tuyệt vọng. Và trong tuần nhiếp tâm nghiêm túc nhất trong năm, tuần nhiếp tâm Lạp Bát (Rohatsu: mồng 8 tháng 12) tưởng nhớ sự Giác ngộ của đức Phật, dạ tọa (yaza: tọa thiền sau 9 giờ tối) là qui luật mỗi đêm.
Ngày cuối cùng của tuần nhiếp tâm, đặc biệt nếu có tọa thiền suốt đêm đi trước, có khuynh hướng trở thành bất ngờ tột độ. Do đó, vị lão sư khuyên mọi người rằng đây là ngày sanh tử nhất của tất cả, nếu bây giờ buông lơi khi tâm đạt đến đỉnh cao của sự tập trung thì quả thực là vứt bỏ sáu ngày nỗ lực kiên cường. Vào ngày thứ bảy này, kích trượng và người bạn đồng hành của nó - sự la hét - được bỏ đi, khi vị godo nói: “Tôi không còn làm việc được nữa, bây giờ là hoàn toàn tùy vào quí vị, và sau (hay bởi vì) sáu ngày ồn ào huyên náo có định kỳ, hôm nay tọa thiền im lặng song tích cực thường là phần thưởng đáng giá nhất.”
Trước khi chính thức kết thúc tần nhiếp tâm, vị lão sư nói với mọi người một cách hiệu lực:
Sự nỗ lực chân thực trong nhiếp tâm không bao giờ là lãng phí dù cho nó không kết thúc trong ngộ. Có thể so sánh đạt kiến tánh với cú bắn thứ 100 trúng hồng tâm. Ai có thể bảo 99 lần bị trượt không liên quan với lần cuối cùng thành công ấy.
Vài người đã kiến tánh ngay trong lúc uống trà kết thúc tuần nhiếp tâm, một vài người khác đã kiến tánh ngay trên chuyến xe lửa trên đường về nhà, vì thế lúc nào cũng phải chú tâm. Hãy tập trung không ngớt vào công án của mình nếu vị nào đang tham công án hoặc hãy thực hiện mọi việc làm của mình một cách nhất tâm, nếu vị nào thực hành chỉ quán đả tọa. Đừng phung phí một cách vô ích định lực mà quí vị đã tích lũy được trong lúc nhiếp tâm nói chuyện tầm phào, hãy giữ gìn và tăng cường nó trong tất cả công việc làm hàng ngày của mình.
Ở một vài tự viện và chùa vẫn giữ một nghi thức đặc biệt, trước sự hiện diện của tất cả những người tham dự, để những ai đã đạt kiến tánh bày tỏ lòng biết ơn đối với vị lão sư và các vị tăng đầu chúng. Tuần nhiếp tâm chính thức kết thúc với sự tụng Tâm Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa và Bốn Lời Nguyện. Sau đó, một lần nữa tất cả cùng nhau uống trà và ăn bánh ngọt, cảm ơn vị lão sư và các vị tăng đầu chúng cũng như những ai đã trợ giúp họ trong lúc nhiếp tâm.
Bất chấp sự sử dụng ngoạn mục cây kích trượng, sự chen lấn thô bạo trước lúc độc tham, tấn kịch thực sự của tuần nhiếp tâm không nằm trong các biểu dương này mà nằm trong tọa thiền: trong sự đơn độc tìm kiếm trong trong thế giới mênh mang ẩn kín của tâm mình, trong chuyến di trú cô đơn qua những hố rãnh gió hú của hổ thẹn và sợ hãi, qua những bãi sa mạc của mệt mỏi và nghi ngờ, quanh vùng núi lửa kiêu hãnh, qua những khu rừng già rối loạn. Nhiếp tâm là một cuộc chiến đấu không ngừng để đạt sự trong suốt của tâm mà tối hậu nó đưa đến sự khám phá kỳ diệu rằng vũ trụ và mình không phải ly cách xa xôi mà là một Toàn thể thân mật, sống động.
Dù kiến tánh có theo sau hay không, người ta không thể tham dự nhiếp một cách nghiêm túc mà không trở về nhà với sự trác việt trong lòng, mạnh mẽ trong tâm, và với thị kiến tươi tắn đến giật mình về một thế giới thân thuộc cũ.
Chủ đề chính của nhiếp tâm vẫn là tự nỗ lực, vì phân tích đến cùng, một người được giải thoát không phải bằng hành giả đồng đạo, không phải bằng lão sư, cũng không phải bằng Phật, và chắc chắn không phải bằng bất cứ một hiện thể siêu nhiên nào, mà bằng chính sự tận lực không lay chuyển, không mệt mỏi của chính mình.
Đa số những người phương Tây, có kinh nghiệm kiến tánh theo sau, là những người châu Mỹ, thì không phải là ngẫu nhiên. Trong sự nhấn mạnh của Thiền về tự tin, trong ý thức rõ ràng của nó về những nguy hiểm của chủ nghĩa lý trí, trong tiếng gọi có tính cách mệnh lệnh của nó đối với kinh nghiệm cá nhân và không phải suy lý triết học là phương tiện chứng minh chân lý tối hậu, trong mối quan tâm thực tiễn của nó đối với tâm và đau khổ, và các phương pháp thực hành để giải thoát thân tâm của họ, những người phương Tây tìm thấy nó giống nhiều với tính khí và thế giới quan (Weltanschauung) của họ.
Vào thời buổi mà “sự vật đang thắng yên cương cưỡi nhân loại” mà trước kia chưa từng có, khi mà những căng thẳng vì sợ hãi, lo âu và đố kỵ đang tàn phá tâm hồn con người hiện đại, cả đàn ông lẫn đàn bà, thì sự kiện những người bình thường qua giác ngộ có thể khám phá ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống, cũng như ý nghĩa có một không hai và mối liên kết của mình với tất cả cuộc tồn sinh, chắc chắn nói lên niềm hy vọng cho con người ở khắp mọi nơi.