4. Ông C. S., Công Nhân Chánh Phủ Nhật Hồi Hưu, 60 tuổi
Kinh nghiệm kiến tánh của tôi đơn giản và không ngoạn mục, thiếu màn bi hài của nhiều người khác. Sự thực cái thấy tánh của tôi còn nông cạn, nhưng vì được yêu cầu viết nên xin tường thuật cống hiến bạn đọc, xem có chút gì lợi ích không.
Tôi đến với Thiền không vì cao vọng kiến tánh. Sự bất an và hỗn loạn trên xứ sở này, ngay sau cuộc chiến vừa qua, đã khiến tôi đến chỗ thường hay nghĩ đến tự tử. Tôi quyết định tọa thiền cốt yếu là để làm yên tĩnh cái tâm hay sợ và hỗn loạn của tôi. Vì mục đích duy nhất của tôi là tu dưỡng định tâm nên khi bắt đầu tọa thiền tôi không biết ngay cả chữ kiến tánh. Vị lão sư trước hết dạy tôi tập đếm hơi thở, rồi theo dõi hơi thở bằng con mắt tâm, và cuối cùng là chỉ quán đả tọa, cái cuối cùng này là sự tập trung không có đối tượng trong tâm.
Trên đường đến chùa của Lão sư Bạch Vân để dự khóa nhiếp tâm đầu tiên, tôi nghĩ (không biết nội dung nhiếp tâm có những gì): “Sẽ thích thú biết mấy được nhàn hạ với lão sư, có lẽ sẽ cùng ông ấy uống rượu Sakê nữa không chừng.” Khi đến chùa trời đã sẫm tối và tôi chỉ có thể nghe tiếng chim ríu rít trong các bụi cây. Tiếng nước róc rách từ một ống máng bể. Tôi có thể thấy trúc xanh lam trong rừng và những đóa sơn trà màu đỏ. Các vùng chung quanh tức thời yên tĩnh và đẹp làm tôi yêu mến sâu xa. Tôi mang theo mấy cuốn sách và hớn hở chờ đợi có thể đọc một cách yên tĩnh trong lúc nhiếp tâm và làm những bài thơ do toàn thể vẻ đẹp tự nhiên nơi đây gợi hứng.
Nhưng hôm sau, khi bắt đầu nhiếp tâm, tất cả hóa ra hoàn toàn khác hẳn với những gì tôi tưởng tượng. Sự thực, ấy quả là một cuộc tra tấn. Bất ngờ mấy khớp xương chân của tôi vì hai tai nạn xe hơi thường xuyên cứng đơ. Điều này cùng với sự kiện tôi đã 60 tuổi vào lúc ấy, khiến việc xếp chân theo tư thế kiết già trở nên đau đớn dữ dội (song, sau này tôi nghĩ lại, những gì tôi đạt được đã đến với tôi qua sự đau đớn ấy). Tôi đã kinh qua những cái tệ hại nhất vào lúc bình minh ngày thứ nhì. Cảm thấy chính chết cũng không tệ hại đến như vậy. Tôi tự bảo: “Tất cả đau đớn này là do tọa thiền và có thể chạy trốn được nếu muốn; nhưng nếu chết đi hoặc đau đớn cũng không thể chạy trốn được đau khổ. Vì thế, hãy chịu đựng đau đớn bằng cùng tinh thần ấy và hãy chết nếu cần!” Tôi đã chiến đấu chống lại nỗi thống khổ ấy bằng mọi sức lực.
Dần dần tôi cảm thấy sự đau đớn ở chân càng giảm đi khi nhiếp tâm tiến bộ, và tâm tôi bắt đầu mở ra cho đến khi nó đạt đến trạng thái cao nhất dù không thể nhận thức được. Tôi không thể nói được rằng mình không ý thức sự hiện hữu của mình hoặc mình ý thức rằng mình không hiện hữu. Ý thức duy nhất của tôi là hai ngón tay cái chạm nhẹ vào nhau. Những cánh cửa kéo bằng rèm ở phía trước tôi trở nên trắng toát và một thứ ánh sáng trong lành tỏa xuống vạn vật. Tôi cảm thấy mình như ở thiên đường. Tình cảm ngự trị trong tôi là lòng biết ơn, song tôi không ý thức được là tình cảm biết ơn ai. Không muốn khóc, nhưng tôi bắt đầu khóc nhè nhẹ, rồi nước mắt tràn xuống hai má. Nước mắt, nước mắt, nước mắt. Một sông nước mắt thật sự! Ngay cả khi tôi ngồi trước cái chuông chờ đến lượt vào trước lão sư, tôi cũng không kiềm chế được tiếng khóc nức nở ngu xuẩn của mình. Tôi xấu hổ vì phải giơ cái mặt dính đầy nước mắt ra trước lão sư, tin rằng nước mắt không dính líu gì với tọa thiền và sau đó cố kiềm chế cái khóc. Lão sư bảo rằng tôi chưa đạt kiến tánh, song đã đạt đến mức độ có ý nghĩa diệt trừ cái ta mà khóc là một chỉ dẫn. Nghe nói thế, tôi lấy làm sung sướng và đến đây là chấm dứt khóa nhiếp tâm đầu tiên của tôi.
Với kinh nghiệm này tôi biết tôi đã lập được căn bản cho sự biến đổi đời tôi. Người ta thường nói rằng Thiền không phải là lý thuyết mà là thực hành. Chân lý của câu nói ấy đối với tôi thật là rõ ràng, không thể nhầm lẫn được. Ngồi cô tịch như một hòn núi – chỉ cần thế thôi, với khóa nhiếp tâm đầu tiên ấy đã phát sinh trong lòng tôi sự cương quyết tu dưỡng và phát triển sâu hơn những gì tôi đã thực sự nếm được để đạt sự bình thản rất thiết yếu để đương đầu với những cái điên đảo của thế giới phiền não này. Bằng sự thực hành tọa thiền theo lời chỉ dẫn của lão sư, các năng lực tập trung của tôi đã phát triển mạnh hơn một cách đều đặn, và mỗi ngày trở thành một ngày biết ơn.
Trong nhà tôi bây giờ không còn những cuộc cãi vả nữa và tôi vui vẻ khi đi đến văn phòng mỗi sáng. Tôi bằng lòng với cuộc sống của tôi, có thể gọi đó là cuộc sống trầm lặng và bình yên. Song thỉnh thoảng tôi bị câu hỏi này làm phiền: “Mục đích của đời người là gì?” Tôi biết rằng không kiến tánh, không bao giờ tôi có thể thiết lập được sự vững chắc bên trong mà bấy giờ tôi còn thiếu.
. Chỉ Quán Đả Tọa
Tôi bắt đầu tọa thiền với phép đếm hơi thở, rồi theo dõi hơi thở bằng con mắt tâm và sau đó lão sư chỉ định tôi thực hành chỉ quán đả tọa, kiểu tọa thiền thuần túy nhất. Nói chung, qua một công án người ta có thể đạt kiến tánh nhanh hơn qua chỉ quán đả tọa, qua đây sự chín muồi của tâm xảy ra dần dần. Lão sư thường khuyến khích tôi bằng những lời này: “Thay vì cố sức đạt kiến tánh một cách cưỡng bách qua công án, hãy kiên nhẫn ngồi trong lúc sự chín muồi xảy ra tự nhiên.” Vì thế tôi ngồi đều đặn, tin chắc rằng sẽ đến lúc mà tâm tôi giống như trái hồng teo lại, sẽ trở nên chín muồi và ngọt ngào. Tôi càng tọa thiền, tâm tôi càng trở nên trong sáng. Mỗi lần tọa thiền, trước tiên tôi điều hòa hơi thở rồi sau đó tôi đi vào tập trung sâu xa. Khi thực hành tiến bộ, tôi thường kinh nghiệm một trạng thái trong ấy tôi không còn biết đến thân tâm mình hay bất cứ việc gì khác. Khi tôi nói với lão sư điều này, ông thúc giục tôi không nên vơ vẩn trong cảnh giới của lớp thức thứ tám này, trạng thái thanh tịnh và ổn định, mà hãy chọc thủng sang bên kia. Song tôi thấy mình như đụng phải một “hòn núi bạc” hay “tấm vách sắt” và tôi không thể tiến tới mà cũng không thể thối lui.
Một thời gian sau đó, trong một khóa nhiếp tâm khác, tôi nhớ lại một chuyện ngẫu nhiên. Một đêm nọ tôi thức dậy một mình và bắt đầu ngồi đối diện với một trong những cánh cửa kéo bằng giấy phản chiếu lờ mờ bầu trời xẩm tối rạng rỡ. Với nỗ lực cương quyết dễ có được trong sự cô tịch lúc nửa đêm, tôi nhanh chóng đi vào trạng thái tập trung sâu xa. Tâm tôi đạt được sự trong sáng đến độ tôi cảm thấy sáng hôm sau chắc chắn sẽ đem đến kiến tánh, trái với sự mong mỏi của lão sư. Nhưng bất chấp ngồi kiên trì đến đâu, tôi cũng không đạt đến vô niệm và tự nhiên khá trì trệ. Chẳng bao lâu tôi bị tiếng nhái kêu quyến rũ vì những âm thanh ấy rất êm ái du dương, tôi ít khi nghe được những âm thanh như thế. Xẩm tối hôm ấy bản hợp xướng vang lên sắc bén trong sự yên tĩnh: “Nó đó, tất cả đó, tất cả đó, nó đó!” Tựa như chúng vừa hát vừa chế nhạo. Một tiếng cười kỳ lạ nổi lên từ sâu thẳm bên trong tôi. Tôi không thể tọa thiền thuần túy được nữa.
Trong khóa nhiếp tâm mùa xuân kế tiếp, bà Y., người ngồi kế tôi, đã đạt kiến tánh và nhỏ lệ vì biết ơn và vui. Lập tức tôi quyết định mình sẽ là người kế tiếp. Nhưng bất chấp mọi nỗ lực, tôi không thể tìm được vũ khí để hạ “tấm vách sắt” vẫn cản trở tôi trong chỉ quán đả tọa. Trong lúc độc tham, những lời cuối cùng của lão sư là: “Bây giờ hãy sấn tới!” Song cái mà tôi cần là dụng cụ để sấn tới, vì thế hầu như tôi xin ông chỉ định cho tôi công án Mu. Việc này ông chỉ cho tôi sau khóa nhiếp tâm mùa xuân, đồng thời tặng tôi một chiếc áo tràng và một tấm tọa cụ để khuyến khích tôi cố gắng. Bây giờ, mọi “dụng cụ” đã có sẵn trong tay, trừ một vật: “Ý chí không lay chuyển để đạt kiến tánh với bất cứ giá nào.” Sau khóa nhiếp tâm, khi trở về nhà tôi đã nguyện: “Tôi phải đạt kiến tánh trong khóa nhiếp tâm tới, không thể khác được.”
. Công án Mu
Mặc dù đã được chỉ định công án Mu để thực hành theo yêu cầu của mình, tôi không thể tọa thiền tốt với nó được. Đã thực hành chỉ quán đả tọa trong một thời gian lâu và đã quen giữ tâm như dòng nước chảy hay như đám mây bay, không có điểm tập trung, tôi thấy Mu là một gánh nặng ghê gớm. Song khốn nỗi tôi cần công cụ này để đánh đổ “hòn núi bạc.” Vì thế tôi tập trung dữ dội, cố lặn mình vào Mu và dần dần trở thành quen với nó.
Đầu thu năm 1955, tôi lại dự nhiếp tâm. Tôi hơi cảm thấy khóa nhiếp tâm này có tính cách sinh tử đối với tôi, tôi biết mình chỉ tùy thuộc thành công hay thất bại.
Lúc 4 giờ 30 sáng ngày thứ nhất, lão sư, trong lúc đi vòng quanh giám sát, bảo chúng tôi: “Các điều kiện trong tuần nhiếp tâm này thật lý tưởng, thời tiết không nóng cũng không lạnh và trời yên tĩnh. Quí vị có cơ hội rực rỡ.” Tôi giữ những lời ấy trong tâm và nắm lấy Mu làm gậy đi đường nặng nề mở lối qua vùng núi hẹp để đến kiến tánh.
Ngày thứ nhất…ngày thứ hai…ngày thứ ba…thời gian qua nhanh. Những cố gắng đầu tiên nắm lấy Mu của tôi thất bại, tôi không thể chọc thủng được. Hoàn toàn bối rối và thất vọng, tôi không thể xê dịch tâm mình ra khỏi trạng thái trong sáng tịch tĩnh để vào chỗ đã định. Tôi cố gắng một cách tuyệt vọng để chém vỡ tâm thái ấy bằng lưỡi kiếm Mu sắc bén, bấy giờ đã được sự không kiên nhẫn quá mức kích động thúc đẩy, nhưng vô ích.
Đầu năm này, trong tuần nhiếp tâm mùa xuân, tôi cũng đạt đến cảnh giới của thức thứ tám và cũng không xuyên phá được nó. Bấy giờ đối với tôi rõ ràng là tôi chưa bao giờ nỗ lực hết sức mình mà nếu làm được như thế thì tôi đã đạt kiến tánh rồi, chỉ có nỗ lực siêu nhân mới làm được như vậy. Điều này thường khiến tôi tiếp tục ngồi ngay cả sau khi chuông đã rung báo hiệu kinh hành. Nhưng tôi không thể phá vỡ nổi cái “động Sa tăng” mà ngay cả với Mu và nỗ lực siêu nhân mà tôi đã tạo được. Tôi chỉ có thể làm rung chuyển cái ngõ cụt này thôi.
Kiến tánh đòi hỏi sinh lực phi thường của tinh thần và thể xác, nhưng bấy giờ tôi đã 60 tuổi, đã mất nhiều năng lực và sự linh hoạt trước kia. Song tôi không chịu đầu hàng, tiếp tục với Mu không lùi bước.
Đến ngày thứ tư, trên đường đến nhà ngoài trong hoàng hôn im lặng, tôi tò mò nhìn cây tắc già. Dường như các cành của nó có sự trang nghiêm kỳ lạ, không thể diễn tả được. “Cái mình đang thấy đây là chân lý tuyệt đối,” - tôi tự bảo. Tôi biết tâm tôi đã tiến bộ trong nhận thức và trở lại ngồi với sinh lực mới. Buổi tối, lúc độc tham, tôi nói với lão sư điều tôi cảm thấy và hỏi ông nó có nghĩa là gì. “Ông đã đến điểm sanh tử… Chỉ một bước nữa thôi! Đây là buổi tối cuối cùng của khóa nhiếp tâm. Hãy tọa thiền suốt đêm.”
Được câu “Một bước nữa thôi” của lão sư đốt lửa, bây giờ tôi đã sẵn sàng tiến công Mu toàn lực, suốt đêm.
. Mở Con Mắt Tâm
Thường lệ cứ 9 giờ tối là tắt hết đèn, nhưng đêm nay được lão sư cho phép, tôi giữ sáng một ngọn đèn nhỏ. Ông M., người trưởng tràng lớn tuổi cùng ngồi với tôi, với sức mạnh tinh thần của cả hai, tôi cảm thấy mạnh hơn vô cùng, tập trung toàn lực vào đan điền tôi bắt đầu cảm thấy phấn khởi, tôi chăm chú nhìn cái bóng của chiếc cằm và đầu của tôi cho đến khi tôi mất hết ý thức về nó trong trạng thái tập trung sâu xa.
Khi chiều tàn dần vào đêm, sự đau đớn ở chân tôi trở nên ác liệt đến nỗi tôi đã đổi tư thế ngồi từ kiết già sang bán già cũng không bớt đi chút nào.
Cách khắc phục duy nhất là tôi dốc toàn lực nhất tâm tập trung vào Mu. Ngay cả với sự tập trung dữ dội nhất, đến độ mệt lả “Mu! Mu! Mu!” tôi cũng không thể giải thoát mình khỏi đau đớn ghê gớm, trừ thay đổi tư thế ngồi một chút..
Thình lình đau đớn biến mất, chỉ còn Mu! Mỗi vật và mọi vật là Mu. “Ồ! Nó đây!” Tôi kêu lớn và lảo đảo trong kinh ngạc, tâm tôi là cái trống rỗng hoàn toàn. “Reeng! Reeng!” chuông rung lên. Ôi tươi mát làm sao! Nó giục tôi đứng lên và đi đi lại lại. Tất cả tươi mát và thanh tịnh. Mọi vật nhảy múa sống động mời tôi nhìn, mọi vật chiếm vị trí tự nhiên của chúng và thở một cách lặng lẽ. Tôi chú ý nhìn những đóa hoa bách nhật trong bình hoa trên bàn thờ, một lễ vật dâng lên đức Văn Thù, vị Bồ-tát của Trí tuệ vô biên, chúng đẹp không thể tả! Vào lúc độc tham kế, lão sư trắc nghiệm tôi và xác nhận tôi đã hiểu Mu. Một sự kiến tánh đầy đủ thường không những sinh ra kinh ngạc mà còn sinh ra niềm vui sâu xa nữa, nhưng tôi không khóc hay cười vì vui. Trong đại đa số trường hợp, nó thay đổi cái nhìn tổng quát và nền tảng về cuộc sống và cái chết của một người và cống hiến một nội kiến mới và sâu sắc về câu nói: “Đời trống rỗng và vô thường,” nhưng kinh nghiệm của tôi không mang lại nội kiến như thế, vì nó chỉ là cái chạm nhẹ của ngộ.
Tôi sinh vào tháng 9 năm 1895 và như thế và tháng 9 năm 1955, tôi tròn 60 tuổi. Ở Nhật, sinh nhật thứ 60 được tôn xưng là ngày tái sanh. Tôi sung sướng vì con mắt Tâm của tôi đã mở vào cái tháng trùng hợp này với những bước đầu tiên của cuộc đời mới, thứ nhì của tôi. Tám năm đã trôi qua kể từ khi tôi bắt đầu tọa thiền lần đầu tiên. Ở Nhật người ta nói rằng phải mất tám năm cây hồng mới kết trái. Cũng giống như vậy, những nỗ lực của tôi đã kết quả’ nhưng hương vị xin để người khác phê phán.
5. Bà A. M., Giáo Viên Người Mỹ, 38 tuổi
Cha tôi vốn người Do thái và là người ngoại đạo (gentile: người không theo đạo Do thái). Tôi sinh ra ở Đức, nơi ấy tôi sống thời thơ ấu đầy tiếng hát mộc mạc của một cô bé tinh nghịch trong các truyện thần tiên của Grimm. Cha tôi là một người Do thái được sự kính trọng của mọi người trong cái thị trấn tầm thường, ngái ngủ, không những vì kiếm ăn bằng nghề thầy luật mà còn vì lòng độ lượng vô hạn của ông. Mẹ tôi gốc Đức theo đạo Luther, được kẻ giàu cũng như người nghèo yêu mến, vì sự hiểu biết, đức hạnh và các sống lạc quan của bà. Hoàn toàn được che chở, không phải lo lắng gì về tiền bạc hoặc những thứ khác, tôi lớn lên trong ngây thơ, nhỏ dại.
Những tiếng Thượng đế và tôn giáo không bao giờ được nói đến trong gia đình tôi, vì cha mẹ tôi nghĩ nên để cho các con tự lựa chọn đạo Do thái hay đạo Ki-tô khi thời gian chín muồi. Sự công khai bộc lộ của tôi đầu tiên đối với Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước đến trong giờ học về tôn giáo ở trường, nơi ấy bản dịch Kinh Thánh của Luther đã gây cho tôi một ấn tượng sâu xa.
Hitler lên nắm chính quyền và mọi sự thay đổi. Những giấc mộng thời thơ ấu của tôi tan thành mây khói và tôi phải đối diện với thực tế ngược đãi trắng trợn. Từng viên gạch một, Đức quốc xã đã phá vỡ bức tường an toàn bao quanh bản ngã của tôi. Tình yêu và sự kính trọng mà chúng tôi được hưởng đã biến mất và chúng tôi chỉ còn biết cô đơn và lo lắng.
Không bạn bè, tôi co rút vào chính mình và tiêu phí hầu hết thời giờ vào việc đọc sách. Tôi đã đi qua hết các tủ sách khổng lồ của cha tôi một cách ngấu nghiến, tìm những truyện có màu sắc lãng mạn, có tính cách bi quan yếm thế (Weltschmerz: thế gian đau thương), trong đó tôi tưởng tượng mình là người nữ anh hùng ấy.
Đối với gia đình tôi, sự ngược đãi cực độ đã đến vào ngày mùng 9 vô danh của tháng 9-1938, khi nhà tôi cùng với các nhà Do thái khác bị những toán lính say mèm nổi cơn giông bão đập phá. Cha tôi bị đánh tàn nhẫn và bị lôi đến một trại tập trung. Lúc ấy mẹ tôi ở Bá linh, em gái tôi và tôi bị bỏ lại trong sự tàn phá, run rẩy trên rầm thượng của ngôi nhà chúng tôi đã một thời xinh đẹp. Trong nỗi tuyệt vọng của linh hồn, tôi đã thốt ra lời cầu nguyện đầu tiên trong đời: “Xin Thượng đế giúp chúng con!”
Không một xu dính túi, nhưng với tinh thần khai phóng, gia đình tôi đã xuống tàu ở San Pedreo, bang California, vào ngày 24-01-1939. Thực như phép lạ, chúng tôi đã trốn thoát được sự bóp nghẹt của Đức quốc xã và nhờ sự bảo lãnh của các dì tôi ở Los Angels, bây giờ chúng tôi bắt đầu cuộc đời mới đầy hy vọng.
Tôi đã chắt chiu từng xu một trong suốt bốn năm dài và đã có thể theo học ở Đại học California tại Los Angeles. Kết quả tôi đạt được bằng thạc sĩ giáo dục (master’s degree in education) và trở thành giáo viên ngôn ngữ thực thụ.
Bấy giờ tôi đã kết hôn, vào ngày 03-09-1955, đứa con đầu tiên của tôi ra đời, một bé gái mắt xanh. Với chút ít tiền chúng tôi có được và với quyền lợi của một cựu chiến binh Mỹ (G.I.) của chồng tôi, chúng tôi tậu được một căn nhà phát triển trên một vùng đất rộng gần trường của cả hai chúng tôi.
Cuộc sống của tôi di chuyển bằng phẳng giữa nhà và trường. Vào năm 1957, đứa con trai của tôi ra đời và vào năm 1960 là đứa con gái thứ nhì. Thì giờ nhàn rỗi tôi dùng vào việc đọc sách triết học và tôn giáo. Câu chuyện Yogananda của Ấn độ đã gây cho tôi một ấn tượng sâu xa. Về sau tôi trở nên quan tâm đến sự khôn ngoan của người phương Đông nhiều hơn qua loạt bài diễn thuyết về triết lý Đông và Tây mà tôi được nghe. Sau đó là văn học Thiền, cuối cùng chồng tôi và tôi lập kế hoạch quyết định viếng Nhật bản và Ấn độ “sau khi các con trưởng thành thêm chút nữa” để tìm giác ngộ cho chúng tôi.
Trong khi ấy, một trong các bạn giáo viên của tôi thích tôi gia nhập một nhóm nghiên cứu Tâm lý học miền sâu. Đã phần nào quen thuộc với thuyết vô thức của Freud, bây giờ tôi trở thành quen biết với quan điểm của Jung nói về tính khả hữu của sự phát triển nội tâm đầy đủ giữa tuổi 35 và 40. Tôi thực tập giáp mặt với những thách thức của cuộc sống từng phút một với chút ít thành công. Song điều duy nhất khiến tôi không thể thành công nhiều hơn là do thiếu mục đích vĩ đại hơn chính mình. “Tôi đang sống vì cái gì?” tôi tự hỏi đi hỏi lại. Tôi đã có những lợi ích vật chất: sức khỏe tốt, thành công trong nghề nghiệp, một gia đình đáng yêu, thì giờ nhàn rỗi, không lo lắng gì về tài chánh. Song tôi không tìm được sự thỏa mãn nội tâm sâu xa.
Khi chồng tôi đề nghị đi nghỉ ở Hawaii vào mùa hè 1962, tôi nói: “Sao không?”
Mặc dù chúng tôi đang dạo chơi trên vùng bờ biển Waikiki với ba đứa con và hai tấm ván lướt sóng, sự thực chúng tôi đang tìm kiếm một cái gì đó có tinh thần hơn. May sao chồng tôi khám phá có một nhóm tọa thiền đang tụ họp tại một tư gia ở Honolulu: “Tại sao chúng ta phải chờ đến lúc viếng Nhật bản?” Chúng tôi đã quyết định: “Bây giờ chúng ta hãy tập ngồi cho quen đã, có lẽ phải cần đến mấy năm chúng ta mới thích nghi được đấy.”
Đáng mừng biết bao chúng tôi đã tìm được một lão sư, một hiền nhân đã giác ngộ, từ Nhật đến, đang dừng lại ở Honolulu để hướng dẫn một khóa nhiếp tâm trước khi đáp tàu đi một vòng qua Hoa kỳ. Nhóm người tham dự tọa thiền nghiêm túc này là một nhóm nhỏ và họ đón chào chúng tôi tham dự. Hơi bối rối vì sự dốt về Phật giáo của mình, chồng tôi và tôi quay về nhà vào mỗi chiều cách nhật với ba đứa con và mỗi chúng tôi lại đến tọa thiền và học Phật giáo trong hai tuần lễ trước khóa nhiếp tâm. Sự đau đớn do tư thế ngồi bán già làm tôi chán nản, bởi vì suốt đời tôi khỏe như một lực sĩ và tưởng mình có thể làm được việc này một cách dễ dàng không cần luyện tập. Tôi tự hỏi: “Mình đã sẵn sàng chưa? Mình đến Honolulu là để nghỉ ngơi chứ đâu phải để thiền định?” Sự mỏi mệt thần kinh bò khắp người tôi và tôi không thể nhớ được mình đã mệt mỏi như thế bao giờ chưa.
Trước khi khóa nhiếp tâm chính thức khai mạc, chúng tôi được phát cho các bài giảng nhập môn tọa thiền của Lão sư Bạch Vân. Bài giảng kết thúc với sự xếp loại bốn hạng nguyện vọng khác nhau, xếp hạng từ sức khỏe tinh thần và thể xác cho đến giác ngộ. “Mình quan tâm đến kiến tánh nhưng tự xem là may mắn nếu ông ấy chỉ định cho mình đếm hơi thở.” Tôi tự thuyết phục mình: “Có lẽ một người mới bắt đầu ngồi như mình sẽ chỉ được ngồi xếp chân cho đúng và lưng cho thẳng là cùng.” Tôi sợ hãi nhìn quanh phòng và thấy những người tham dự kia đang ngồi thật thẳng, chân theo tư thế bán già và thở trong sự tập trung sâu xa trước một tấm màn trắng.
Thời gian qua nhanh. Lão sư Bạch Vân đã đến và tất cả chúng tôi được mời đến tọa thiền và uống trà vào chủ nhật. Khi tôi trông thấy một người đàn ông nhẹ nhàng, nhỏ nhắn, bảy mươi bảy tuổi song có dáng dấp như một người năm mươi bảy tuổi, với từ lực sáng ngời của tuổi trẻ trong đôi mắt, tất cả nghi ngờ biến mất. Tôi tự bảo: “Đây là thầy mình, người mà mình sắp đi tìm khắp Ấn độ và Nhật bản,” và lòng tôi tràn đầy một cảm giác vui lạ.
Cũng chiều hôm ấy, trước một phái đoàn Tào Động, Lão sư Bạch Vân nói về công án Mu và cách tham công án ấy như thế nào. Điệu bộ diễn thuật của ông sinh động đến độ tôi không biết một tiếng Nhật nào mà cũng hiểu được. Đối với tôi, điều ấy tựa như niềm vui đau đớn khi mang thai, tôi sẵn sàng lao động.
Đêm trước ngày nhiếp tâm tôi không ngủ được. Tôi biết mình đang trong chuyến du hành của cuộc đời, tim tôi đập với niềm vui hy vọng điên cuồng mà tôi cảm thấy trước khi leo núi. Sáng hôm sau tôi thức dậy lúc 4 giờ, ngồi hai lần nhưng không vất vả nhiều và mạnh dạn tuyên bố trước Lão sư Bạch Vân rằng tôi thuộc loại nguyện vọng thứ tư, hy vọng đạt được kiến tánh. Tôi rất ngạc nhiên thấy ông không hỏi thêm câu nào mà chỉ định ngay công án Mu cho tôi. Bỗng dưng hầu như tôi cảm thấy hối hận vì quyết định của mình.
Trong hai ngày tôi tham công án Mu không hết lòng, tôi sợ điếng hồn khi đối diện với lão sư trong lúc độc tham, bởi vì đối với tôi, ông hiện là người cha kỷ luật nghiêm khắc của tuổi trẻ tôi. Trước hết tôi không nhớ ra câu tiếng Nhật đơn giản: “Tôi tham công án Mu.”
Ngày thứ ba mọi sự biến đổi. Người thông dịch của chúng tôi, ông Taisan “bồng bềnh” hay mỉm cười, biến thành một hung thần. “Đây không phải là tiệc trà,” giọng ông gầm lên như sấm, “mà là nhiếp tâm!” Từ đó ông ta bắt đầu đánh mọi người bằng kích trượng, một thanh gỗ dẹp dùng đánh lên vai những tăng nhân buồn ngủ để kích thích họ tập trung hoàn toàn. Tôi chỉ có buồn ngủ, hãy tin tôi đi, tôi tuyệt đối sợ bị đánh thình lình khủng khiếp. Cả ngày hôm ấy tôi thấy mình bước bên bờ một vực thẳm nước đang phun ở dưới. Mọi hơi thở đều là Mu. “Nếu bước sai chân dù chỉ một lần thôi mi cũng sẽ ngã ngay,” tôi tự cảnh giác, “vì thế mi phải giữ mình như đang bắt đầu leo lên một ngọn núi dốc đứng trong một chuyến bộ hành dài và vất vả.”
Đêm hôm đó tôi mơ một giấc mơ kỳ lạ. Một cái bàn với bốn cái tách kiểu lá cây xa trục thảo, bày theo lối trà đạo Nhật bản. Khi tôi nâng tách lên, một ông Taisan có cánh hạ xuống bên trên tôi như một thiên thần với thanh kiếm dữ tợn, cùng với tiếng hét “Mu” quất vào tôi. Tôi giật mình thức dậy và lập tức tọa thiền, lúc bấy giờ trong tư thế nằm dài trên giường. Khi hai bàn tay đặt trên bụng, “Mi sẽ không đi đến đâu cả trong nỗi sợ hãi này,” tôi tự trấn an. “Mi phải thư thả. Hãy như một hòn núi đứng yên giữa đêm dưới bầu trời mênh mông lấp lánh những vì sao.” Tôi từ từ hít thở thật sâu và một sự bình an kỳ diệu bao trùm lấy tôi. Bụng tôi như một cái bong bóng phồng lên và một màn sương mù trước đó một chút đã bao phủ lấy tôi, bây giờ bắt đầu bay lên từ từ cho đến lúc một trạng thái trống rỗng xâm chiếm toàn bộ con người tôi. Tôi nghe tiếng nước chảy và tư từ ra khỏi cơn xuất thần. Lúc độc tham tôi được bảo cho biết là tôi đang ở trên mép bờ của kinh nghiệm kiến tánh vĩ đại.
Ngày thứ tư, sự căng thẳng lên đến một độ cao hơn nữa. Taisan kể câu chuyện về một ông tăng quyết tâm đạt kiến tánh đến độ một tay cầm con dao, một tay cầm cây nhang để thiền định. “Tôi phải đạt kiến tánh trong thời gian cháy hết cây này, nếu không tôi sẽ tự sát,” ông tăng thề như vậy. Với đau đớn vì cây nhang đã cháy đến tận chân nó, ông tăng đã đạt kiến tánh. Rồi Taisan đi mấy vòng với cây kích trượng, làm cho mọi người, ngay cả chồng tôi, cũng phải khóc.
“Tôi sẽ đạt kiến tánh trong khóa nhiếp tâm này,” tôi tự hứa và ngồi ba lần trong thư thế bán già. Rồi tôi đổ ra khóc nức nở và cay đắng ngay cả trong lúc độc tham tôi cũng không thể ngừng khóc được. Tôi lên gác nghỉ ngơi, và khi dậy rửa mặt, tôi có cảm giác kỳ lạ về nước đang phun qua người tôi làm tôi nháy mắt. Nó âm vang như tiếng nước tôi đã nghe trong đêm tôi kinh nghiệm trạng thái trống rỗng.
Sáng ngày thứ năm, tôi ở nhà chăm sóc các con, tôi phải nói rằng chồng tôi cũng như tôi không ai theo dự đầy đủ suốt thời gian nhiếp tâm. Chúng tôi thường đến ngồi lúc 4 giờ sáng và trở về nhà hầu hết các bữa ăn. Có một lần tôi ở lại suốt đêm, chồng tôi thì không.
Hơi bối rối trong lúc độc tham chiều hôm ấy, tôi thú nhận rằng tôi đã không tọa thiền ở nhà bởi vì bị ngắt quãng nhiều quá. Tôi được biết có hai người đạt kiến tánh rồi, và nếu nỗ lực tối đa tôi cũng có thể đạt kiến tánh. Vì thế tối hôm ấy chồng tôi cho phép tôi ở lại suốt đêm.
Vào ngày thứ sáu, tôi đi ngủ với Mu, tôi thức dậy với Mu, Taisan cảnh cáo: “Đừng nóng nảy, chỉ tập trung thôi.” Tôi lắng nghe lời khuyên khôn ngoan này nhưng quá mệt mỏi không thể thiền định được. Tôi kiệt lực. Sau bữa ăn sáng, lúc tôi đang nằm nghỉ, chợt một vầng sáng xuất hiện trước mắt tôi tựa như ánh mặt trời đập vào hai mắt tôi. Tôi nghe rõ ràng những âm thanh tôi đã không còn nghe từ khi tôi là một cô bé nằm trên giường bệnh. Tiếng bước chân của mẹ tôi và tiếng sột soạt của cái hộp của bà. Đã có nhiều kinh nghiệm kỳ lạ trong khóa nhiếp tâm này, tôi không chú ý đến chúng nữa mà tiếp tục tập trung vào Mu trong suốt thời ngồi buổi sáng. Khi đang chờ độc tham, một mùi thơm quen thuộc quyến rũ lỗ mũi tôi, ấy là mùi nấu nướng hấp dẫn của mẹ tôi. Mắt tôi liếc nhìn cái tọa cụ màu đỏ trên cái bàn màu nâu giống y hệt màu sắc của các vật dụng trong căn phòng mẹ tôi đã ở. Một cánh cửa đóng sầm, một con chó sủa, một đám mây trắng lững lờ qua bầu trời xanh. Tôi đang sống lại thời thơ ấu của mình trong ma cảnh, ảo ảnh.
Đến trưa, lão sư cho phép chồng tôi nói với tôi rằng anh ấy đã đạt kiến tánh. Tôi tự bảo: “Bây giờ chứ không lúc nào hết! Một bà vợ bí rợ không thể kết hôn với một ông chồng giác ngộ được!” Tôi nhớ lại một cách sống động câu chuyện người thanh niên với cây nhang và con dao. “Chết hoặc giải thoát!” trở thành khẩu hiệu của tôi.
Tôi hít vào thật sâu và mỗi hơi thở ra tập trung toàn lực vào Mu. Tôi cảm thấy mình tựa như toàn là không khí và nhẹ hẫng hầu như sẽ bay bổng lên bất cứ giây phút nào. Tôi “bò” vào bụng một con nhện đầy lông lá gớm ghiếc “Mu! Mu!” Tôi rên rỉ và trở thành một cái Mu to lớn, đen tối. Một thiên thần, dường như vậy, chạm vào vai tôi rất nhẹ nhàng êm ái tự bao giờ và tôi ngã ra phía sau. Bỗng tôi nhận ra chồng tôi và Taisan đang đứng phía sau nhưng tôi không cử động được. Hai bàn chân tôi tê cóng tuyệt đối. Thực tế họ đã khiêng tôi ra ngoài và tôi khóc nức nở vô hy vọng. “Mình đã chết rồi!” tôi tự bảo: “Tại sao làm họ lại làm cho mình sống lại?” Lúc độc tham, lão sư bảo đó chỉ là một chút mùi vị trước khi kiến tánh, chưa phải giác ngộ.
Rồi tôi đi dạo một tí, và bỗng nhiên toàn bộ kinh nghiệm của mấy ngày vừa qua đối vơi tôi có vẻ khôi hài. “Cái lão sư ngốc ấy,” tôi vừa nhớ lại vừa nghĩ, “lão và cái mớ hổ lốn ma thuật Đông phương của lão! Đúng là lão không biết lão đang nói gì.” Vào lúc ăn bữa chiều, nửa giờ sau đó, khi tôi đang sử dụng vụng về đôi đũa của mình, tôi cảm thấy thích nhặt đưa cho ông ta cái nỉa: “Đây ông già, hãy thử làm quen với kiểu Tây phương xem!” Tôi cười khúc khích với mẫu chuyện vui của mình. Suốt thời kinh chiều hôm ấy tôi khó mà giữ được vẻ mặt nghiêm chỉnh. Sau khi lão sư nói hết những lời cuối cùng, tôi muốn nhặt lấy túi xách bước ra, không bao giờ trở lại nữa, dường như tất cả chuyện ấy diễn ra không thực chút nào. Trong bài pháp đầu tiên, lão sư đã bảo chúng tôi rằng Mu giống như một hòn sắt nóng đỏ dính ở cổ họng, người ta không thể nuốt mà cũng không thể khạc ra được. Ông đã đúng, rất đúng. Khi nhìn lại mọi lời nói, mọi cử động của ông đều là những bộ phận trong một kế hoạch chính xác, kỹ lưỡng của bậc thầy đáng kính này. Pháp danh của ông là Bạch Vân quả xứng với ông. Ông là đám mây vĩ đại nhất, trắng nhất mà tôi từng được biết, một thứ thuốc giải cho chất nấm độc nguyên tử hắc ám.
Bây giờ tôi ở trên giường, tôi đang tọa thiền trở lại. Suốt đêm dài tôi hít thở Mu, rồi rơi vào những cơn xuất thần, tôi nghĩ đến vị tăng đã đạt kiến tánh trong trạng thái mệt mỏi như thế. Kết quả tôi thiếp đi trong kiệt sức hoàn toàn. Bỗng vị thiên thần nhẹ nhàng ấy lại chạm vào người tôi. Lần này tôi thức giấc với một tiếng “Ha!” trong sáng và nhận rằng tôi đã giác ngộ. Vị thiên thần là người chồng tử tế mệt mỏi của tôi, vỗ nhẹ vào vai tôi đánh thức tôi dậy đi nhiếp tâm.
Một sức mạnh kỳ lạ lôi kéo tôi. Tôi nhìn đồng hồ: 4 giờ thiếu 20, đúng vào lúc để ngồi buổi sáng. Tôi đứng dậy và im lặng mặc áo. Tôi đến nơi nhiếp tâm lúc 4 giờ đúng và nhận tách cà phê được mời với tiếng “Vâng,” tích cực đến nỗi tôi không thể tin vào tai mình được. Khi Taisan bước vào với thanh kiếm của ông, tôi bảo ông đừng phiền đánh tôi. Lúc độc tham tôi xông vào cái lều nhỏ thầy tôi đang chiếm cứ, ôm chặc lấy ông, hôn ông và bắt tay Taisan, tuôn ra một tràng bi bô khôi hài đến nỗi cả ba chúng tôi cùng cười sảng khoái. Lão sư trắc nghiệm tôi và thông qua, và tôi được chính thức công bố là đã qua cái ải không cửa.
Một cuộc đời đã được cô đọng lại trong một tuần lễ. Một nghìn cảm giác mới dội lên các giác quan tôi, một nghìn con đường mới đang mở ra trước tôi. Tôi sống đời tôi từng phút một, nhưng chỉ giờ đây tình yêu nồng ấm mới thấm nhập trọn vẹn con người tôi, bởi vì tôi biết rằng tôi không phải chỉ là cái tôi nhỏ bé mà là cái Ta to lớn huyền diệu. Ý nghĩ thường hằng của tôi là cùng với mọi người chia xẻ sự thỏa mãn sâu xa này.
Tôi không thể nghĩ ra được cách nào để kết thúc lời tường thuật này tốt hơn là những lời nguyện tôi đã tụng ở khóa nhiếp tâm mỗi sáng:
“Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ
Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng, thệ nguyên thành.”
6. Ông A. K., Điều Chỉnh Viên Bảo Hiểm Nhật, 25 tuổi
Lần đầu tiên tôi bắt đầu nghĩ đến sống và chết lúc tôi 12 tuổi, khi người em trai tám tuổi của tôi chết vì bệnh thận. Cái chết của nó khiến tôi buồn đến nỗi ngã quị trong đám tang. Nằm sâu bên trong tôi là một cảm giác ray rứt mãnh liệt đến độ, tôi nhớ, tôi đã kêu lên: “Hãy tha cho tôi! Hãy tha cho tôi!”
Bốn năm sau, người em trai còn lại duy nhất của tôi chết đuối. Đây là cơn kích động sâu xa đến nỗi tôi bắt đầu tự hỏi: “Tại sao cuộc đời quá bất định và khốn cùng như thế?” Tôi bị một cảm giác hoàn toàn vô vọng tràn ngập. Việc học ở trường thật là khổ nhọc và mỗi ngày là một ngày khốn khổ. “Tại sao chúng ta sinh ra? Và tại sao chúng ta lại chết?” Câu hỏi này đã ám ảnh tôi như một cơn ác mộng kinh niên.
Hy vọng chấm dứt tình trạng ác hại của mình, tôi bắt đầu đọc một cách thèm khát thánh thư của một giáo phái thời hậu chiến ở Nhật, gọi là Chân Lý Cuộc Sống. Sau cái chết của em trai tôi, cha mẹ tôi trở thành tín đồ của giáo phái này, trong một thời gian ngắn. Nó thúc giục: “Hãy sống cuộc sống biết ơn với nụ cười. Hãy ôn nhu và luôn luôn đáp bằng tiếng ‘Vâng’.” Điều này rất hay nhưng tu luyện ôn nhu và biết ơn như thế nào thì không rõ. Nó còn tuyên bố rằng con người là con của đấng Thượng đế thì không tì vết và rằng thông qua sự hợp nhất với ngài, nó có thể nhận ra cái bẩm sinh toàn hảo này. “Nhưng tại sao,” tôi nghi vấn, “con người, mà họ khăng khăng sinh ra là tự do, phải bị ràng buộc ngay cả với Thượng đế, vĩnh viễn nô lệ vào ngài? Đây không phải là con đường đến an tâm được.” Không ảo tưởng, tôi gạt bỏ tôn giáo này ra khỏi đời tôi, tôi tin chắc rằng nó không gì khác hơn một liều thuốc phiện.
Tôi tròn 17 tuổi vào tháng 8 năm 1949 khi tôi đến chùa Sosei, một chùa Tào Động, để hỏi vị trụ trì: “Phật giáo là gì?” Ông vui vẻ tiếp tôi và nói: “Cái ấy không thể giải thích trong một câu được, hãy để tôi nói cho anh nghe lời đáp của một Thiền sư nổi tiếng cho một câu hỏi giống như vậy. Khi nhà thơ Trung hoa Bạch Lạc Thiên (Hakuraten) hỏi Thiền sư Đạo Lâm (Dorin) về huyền nghĩa của Phật giáo, sư đáp:
Không làm điều ác,
Làm mọi điều lành,
Giữ lòng trong sạch,
Là lời Phật dạy. (29)
Vị trụ trì ấy tiếp: “Nên nhớ tọa thiền là con đường
-----------------------------------------------
(29) Về cuộc đối thoại đầy đủ, xin xem “Bạch Lạc Thiên” ở Chương X.
trực tiếp nhất để hiểu Phật giáo, nhưng chọn được một vị thầy tốt là điều tối quan trọng.” Vào tháng 11 năm đó, tôi dự hội tọa thiền (zazenkai: tọa thiền hội) đầu tiên do Lão sư Bạch Vân hướng dẫn.
Ngạc nhiên, tôi thấy lão sư là một người giản dị, không có vẻ cao quí bề ngoài, mặc chiếc áo tầm thường nhất. Bằng một giọng trầm tĩnh ông nói về phép đếm hơi thở trong tọa thiền trong khi đối diện với một bức tường. Nhưng các câu hỏi như, “Ý nghĩa của cuộc đời là gì?” hay “Làm thế nào chúng ta có thể loại trừ được đau khổ?” thì ông không bàn luận gì hết. Song tôi bắt đầu đếm hơi thở theo cách ông chỉ dẫn, mặc dù nó trái với sở thích của tôi. Tôi tự bảo: “Thiền không thể là thực được, nó phải là đồ giả.”
Nhưng vì lý do nào đó tôi lại đi dự hội tọa thiền kế tiếp và lại tiếp tục đi nữa. Khi biết kiến tánh, mà bằng kinh nghiệm đó, lão sư tuyên bố, có thể giải trừ sự đau khổ của con người, tôi quyết tâm đạt kiến tánh để chứng minh rằng lão sư nói sai. Sự hoài nghi của tôi kéo dài trong hai năm cho đến khi tôi bị một người lâu năm trong hội tọa thiền thuyết phục dự một khóa nhiếp tâm ba ngày. Ông ta bảo: “Nếu anh trở về mà không trở thành một người khôn ngoan hơn, mạnh hơn thì anh có thể chém đầu tôi đi.”
Lão sư cho tôi công án Mu làm công án đầu tiên trong khi nửa tôi quyết định kiến tánh, nửa tôi lại chùn bước vì tôi sợ những cú đánh dữ tợn của kích trượng. Tôi không đi nhiếp tâm nữa cho đến năm sau khi tôi dự năm khóa nhiếp tâm liên tiếp. Bấy giờ mọi nghi ngờ của tôi về giá trị của Thiền biến mất, nhưng bất chấp cố gắng thế nào tôi cũng không thể đạt đến mức kiến tánh.
Mỗi lần từ nhiếp tâm trở về, tôi thấy mình trở nên bình tĩnh hơn, và có thể quan hệ với cuộc sống hàng ngày khá hơn. Nhưng mặc dù đã được như thế, tôi vẫn cảm thấy rằng không đạt kiến tánh thì tôi đã phí một năm vô ích.
Bấy giờ là năm tốt nghiệp cuả tôi, năm 1954, và sợ rằng tôi không có thì giờ để tọa thiền trong cuộc sống bận rộn đã nung đốt quyết tâm đạt kiến tánh trước khi hoàn tất việc học. Với tâm trạng này tôi đã dự khóa nhiếp tâm tháng ba. Vào ngày thứ ba, tôi bị một câu nói có sức mạnh đặc biệt của lão sư đập mạnh: “Mu không là gì hết mà chỉ là Mu!” Ấy là một câu nói đơn giản mà tôi thường nghe ông nói, nhưng bây giờ nó đập vào như tiếng sét: “Thế thì tại sao ta lại tưởng mọi sự vật khác đi được?” Một gánh nặng từ trên vai tôi bỗng rơi xuống, nhưng vì đấy chưa phải là kiến tánh, tôi lại rơi vào u tối. Lúc độc tham chiều, tôi không có gì để nói với lão sư và trở về chỗ ngồi, lòng không vui. Song với nội kiến này, tôi trở nên tin chắc rằng tôi hoàn toàn có thể đạt được kiến tánh.
Tôi đã nhiều lần thúc giục mẹ tôi cùng đi tham dự hội tọa thiền với tôi, nhưng bà cương quyết từ chối. Bây giờ bà đã đi và đã nhanh chóng đạt kiến tánh. Tôi sững sờ. Kinh nghiệm của bà nung đốt tôi đến nỗi tôi đã nỗ lực gấp đôi trong kỳ nhiếp tâm vào tháng kế đó. Với sự khuyến khích mạnh mẽ của lão sư, ông thúc giục: “Một bước nữa thôi!” Tôi lao mình dữ dội vào công án. Nhưng trong vô thức sâu thẳm nhất (bây giờ tôi thấy) tôi vẫn còn suy tư về Mu như là một vật ở bên ngoài tôi, đó là lý do tại sao thế giới của kiến tánh không bao giờ xuất hiện. Thất vọng cay đắng, tôi tự bảo: “Mi đã ngồi và ngồi mãi, song mi không thành công, mi ắt có cái gì sai rồi.”
Thất vọng sâu xa, tôi chỉ còn tin là mình thiếu khả năng bẩm sinh để đạt giác ngộ, song tôi vẫn đi dự nhiếp tâm hết khóa này đến khóa khác vì những lý do mà lúc ấy tôi không rõ. Nhưng tôi không còn có thể dốc mình vào tọa thiền được nữa. Bấy giờ tôi nghĩ như vầy: “Vì vũ trụ và tôi là một, muốn hiểu ý nghĩa của vũ trụ, tôi phải hiểu chính tôi. Nhưng tôi không thể hiểu chính tôi cho đến khi nào tôi dứt bỏ được thói quen tìm Mu bên ngoài tôi.”
Vào năm sau, tôi đã lấy lại được phần lớn tinh thần hồi trước, đã có thể ngồi với tâm bình tĩnh và mạnh mẽ. Điều này khuyến khích tôi tham dự nhiều khóa nhiếp tâm liên tiếp. Trở về với đời sống bình thường sau mỗi lần nhiếp tâm, tôi kinh ngạc thấy mình quá thay đổi. Mỗi ngày là một ngày biết ơn và ban đêm khi đi ngủ, sau một ngày làm việc cực nhọc, tôi cảm thấy biết ơn đã được sống, mặc dù tôi không biết tại sao. Lúc này tôi có sự hiểu biết lý thuyết về giác ngộ, nhưng tôi nghĩ nó không đem lại kiến tánh cho mình, tôi lại bất mãn, bất an. Tôi biết rằng trong thâm sâu tôi vẫn sợ chết và lùi bước trước cuộc sống. Tôi chơi vơi giữa một bên là cảm giác biết ơn và một bên là lo âu và thất vọng.
Một buổi chiều tháng tám nóng bức, tôi ngồi tọa thiền với cha mẹ tôi tại nhà, tôi bỗng kinh nghiệm mình như một gợn sóng nhỏ lan rộng ra khắp vũ trụ vô cùng. “Tôi được nó rồi! Không có vũ trụ nào tách rời tôi!” Điều này lóe sáng nhiều lần trong tâm tôi. Trong lúc không gì khác hơn là một nội kiến, nó khiến tôi tin chắc rằng tôi đã gần kiến tánh và tôi bắt đầu ngồi hăng hái hơn. Song thói quen lý luận về Mu vẫn kiên trì. “Ôi một tư niệm nguyền rủa!” tôi kêu lên buồn bã. “Nó làm tôi bối rối, nó tạo ra những cuộc cãi vã giữa con người khiến họ tách xa nhau, chính nó gây ra chiến tranh. Hãy ngừng suy nghĩ! Hãy thôi phân tích!”
Không bao lâu sau đó, tôi dự một hội tọa thiền mà ở đó Lão sư Bạch Vân đề xướng về công án “Ba Ải của Hoàng Long,” một công án trong Vô Môn Quan(30). Ở một điểm ông nói: “Bàn tay của quí vị so với bàn tay của một vị Phật thì thế nào? Hãy rút chiếc gối đi, tỉnh dậy thì quí vị sẽ hiểu. Toàn thể con người của một người không khác với bàn tay phi thời gian ấy. Khi thực sự nhận ra điều này các vị sẽ phá ra cười lớn.”
Khi nghe những lời ấy, tâm tôi trở nên sạch sẽ phi thường và tôi run rẩy vì vui, nhưng vì chưa đạt được tự do chân thật, tôi quyết định không nói điều này trong lúc độc tham. Song với nhiệt tâm đáng kể, tôi lại tạo những nỗ lực mới cố thâm nhập sâu hơn vào công án.
Khóa nhiếp tâm một tuần của tháng tám đã đến. Vì công việc dồn ép, tôi không thể đến chùa cho đến trưa ngày thứ nhì. Chiến thuật của tôi trong tuần nhiếp tâm này là quyết ngồi, như một quả cầu lửa, trong các thời ngồi và nghỉ hoàn toàn vào những lúc nghỉ. Khi khai mạc tuần nhiếp tâm, lão sư nhắc nhở mọi người: “Mọi năm ở tuần nhiếp tâm lớn này, ít nhất cũng có một người đạt kiến tánh.” Lúc ấy và ngay tại đó, tôi đã quyết tâm rằng nếu có người đạt kiến tánh thì người đó phải là tôi.
---------------------------------------------
(30) Tiếng Anh trong nguyên văn của Philip Kapleau: “Three Gates of Oryu,” tức“Ba Ải của Hoàng Long” hay “Hoàng Long Tam Quan Ngữ.” của Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam. Xem “Hoàng Long Tam Quan Ngữ” ở chương X.
Trong Vô Môn Quan (Wu-men Kuan), nguyên tác Hán văn của Thiền sư Vô Môn Huệ Khai gồm tất cả có 48 công án và chỉ có “Đâu Suất Tam Quan” mà không có “Hoàng Long Tam Quan Ngữ.” Nhưng các Thiền sư Nhật đã thêm “Hoàng Long Tam Quan Ngữ” với kệ tụng của Muryo Soju, và một công án khác nữa gọi là “Tắc thứ Bốn Mươi Chín của Amban” vào cuối sách như là một phụ phục của Mumonkan (Vô Môn Quan) của họ. Xem Two Zen Classics của Katsiki Sekida, The Gateless Gate của Koun Yamada, The Gateless Barrier của Zenkei Shibayama. (Đỗ Đình Đồng).
Ngày thứ tư đã đến. Tôi thường bị kích trượng quất, một lần mạnh đến nỗi thân và tâm tôi nhất thời trở nên tê liệt. Hôm nay tôi “chiến đấu vất vả nhất.” Nhưng bất chấp mọi thứ, tôi chỉ còn một ngày rưỡi nữa. Vào ngày thứ sáu, tôi ném nốt chút tàn lực cuối cùng vào cuộc “chiến đấu” không cho phép bất cứ việc gì làm tôi lạc đường. Sau những việc làm phụ buổi sáng và ngay trước khi lão sư nói chuyện, một sinh viên đại học ngồi gần tôi (người đạt kiến tánh trong tuần nhiếp tâm này) bỗng la lên: “Mi đồ ngốc, đồ ngốc, thằng ngu!” với chính anh ta: “Tiếp tục đi, đi! Một bước nữa thôi, chỉ một thôi, tuyệt đỉnh ấy! Hãy chết đi nếu cần, hãy chết đi!” Sức mạnh tuyệt vọng của anh ta tràn sang tôi và tôi bắt đầu tập trung như chính cuộc đời tôi tùy thuộc vào đó.
Tâm tôi trống rỗng như tâm đứa trẻ thơ, khi tôi lắng nghe lão sư đề xướng. Ông đang đọc một đoạn của một công án cổ: “Ngay cả một bậc Thánh cũng không nói được lời nào về Cảnh giới [của Im lặng] từ đó tư niệm phát sinh… Một mảnh dây nhỏ cũng là vĩnh cửu vô biên… Con Trâu trắng(31) trơ trụi trước mắt các ông trong sáng và linh động…”(32)
Khi lão sư nói bằng một giọng trầm tĩnh, tôi cảm thấy từng chữ ông nói thấm đến tận những nơi sâu kín nhất của tâm tôi. “Ngay cả một bậc Thánh cũng không nói được lời nào về Cảnh giới [của Im lặng] từ đó tư niệm phát sinh…”
Lão sư lặp lại và thêm, “Không, ngay cả một vị
---------------------------------------------
(31) Tức là “Tâm”. Xem Chương X.
(32) Đây là đoạn trích từ lời dẫn của tắc thứ 94 trong Bích Nham Lục, gọi là “Chẳng Thấy của kinh Lăng Nghiêm.”
Phật.” “Dĩ nhiên, dĩ nhiên!” tôi lặp lại nín thở. “Thế thì tại sao tôi lai đi tìm một lời như thế?” Đột nhiên mọi sự sáng rõ hoàn toàn và tôi thấy tôi biết rằng tôi là cái Một trong toàn thể vũ trụ! Vâng tôi là cái Một duy nhất ấy!
Mặc dù không hoàn toàn tin rằng lão sư sẽ xác nhận đấy là kiến tánh, dù sao tôi cũng đã quyết định trình bày kiến giải của mình với ông trong lúc độc tham chiều hôm đó. “Hãy cho tôi thấy rõ hơn nữa,” ông yêu cầu.
Trở lại chỗ ngồi trong chánh điện của chùa, tôi lại tiến công tọa thiền. Khoảng 7 giờ tối, tôi bỗng nghe vang dội trên đầu tôi những lời này: “Ba mươi phút nữa là độc tham! Hãy quyết tâm đi đến nhận ra Tự tánh! Đây là cơ hội cuối cùng của quí vị đấy!” Nhiều lần những cú gậy giáng xuống người tôi như mưa. Cuối cùng như bình minh đã ló dạng: không có Cái gì để chứng ngộ cả!
Trong lúc độc tham lão sư trắc nghiệm tôi: “Hãy chỉ Mu tôi xem! Mu bao nhiêu tuổi? Hãy chỉ tôi xem Mu lúc anh đang tắm. Hãy chỉ tôi xem Mu trên núi.” Những câu đáp của tôi đều tức thời, chớp nhoáng và ông xác nhận tôi đã đạt kiến tánh. Tôi tràn ngập niềm vui khôn tả lúc quì lạy bên ngoài cửa phòng lão sư lúc tôi rời phòng.
Tôi không thể kết thúc câu chuyện tường thuật này mà không bày tỏ lòng biết ơn sâu xa với Lão sư Bạch Vân, người đã dẫn dắt tôi, một kẻ rất bướng bỉnh và tự ý, mở con mắt Tâm và biết ơn tất cả những người đã trực tiếp hay gián tiếp giúp đỡ tôi.
7. Bà L. S. T., Nghệ Sĩ Mỹ, 51 tuổi
Tôi đã đến với Thiền và những khoá nhiếp tâm ở Pendle Hill (Pennsylvania) một cách không thẳng đường và không thể tránh được. Khi quay đầu nhìn lại đoạn đường có vẻ quanh co đưa đến giây phút kiến tánh, tôi thấy nó dẫn thẳng đến tiếng chuông kinh hành nhỏ bé. Là một nhà điêu khắc, một người vợ và một người mẹ, một người nghiện rượu và cuối cùng là hội viên của hội Những Người Nghiện Rượu Nặc Danh, tôi có sự tiền tu tốt.
Khoảng 15 tuổi tôi cho rằng bước đầu tiên trong cuộc sống là biết rằng mình phải là một nghệ sĩ. Cái biết này trùng hợp với sự bác bỏ toàn bộ Ki-tô giáo (như tôi thấy) và hăng hái mò mẫm tìm chân lý bên trong. Trong mấy năm tôi đã khám phá đá và tôi biết rằng con đường của tôi là điêu khắc - chậm chạp và vất vả - mà sự mò mẫm bên trong cũng chậm chạp và vất vả như vậy.
Tôi quyết tâm kinh nghiệm càng nhiều càng tốt, vì thế hôn nhân và gia đình theo sau. Nhưng theo thời gian, lòng hăng hái sống của tôi bị bóp chết. Đời đã cho tôi quá nhiều, nó bắt đầu chắt bóp và vùi dập tôi. Rồi tôi khám phá ra chất rượu ban phước, nó xoa dịu đau đớn và tháo còng cho tinh thần tôi bay bổng.
Đá vẫn lặng thinh, chồng con đòi hỏi tình yêu của tôi, đều bị gạt sang một bên. Không điêu khắc, không toàn tâm chấp nhận gia đình. Chỉ đau đớn phạm tội và mất quân bình. Và dần dần rượu chiếm cứ và ngự trị cuộc sống của tôi. Tôi không còn biết đâu là tâm điểm của mình nữa.
Cuộc sống như một cơn ác mộng. Đấu tranh hết 24 giờ này đến 24 giờ khác, tôi bị sợ hãi, tội lỗi và cái chai bí mật chế ngự. Tôi không tin mình không tìm được lối ra. Vì thế trong tám năm bị bệnh tâm thần và những cố gắng tự khép mình vào kỷ luật bằng mọi biện pháp có thể biết được. Nhưng tôi đã bị mắc bẩy.
Một buổi sáng, dường như không có gì khác với mọi buổi sáng hãi hùng kia, tôi đã gọi điện thoại cho hội Những Người Nghiện Rượu Nặc Danh xin giúp đỡ. Với hành động này, cuối cùng tôi thực sự tự do nhìn lại mình, và với sự trợ giúp của tất cả những người nghiện rượu khác đã sống trong cùng địa ngục đó, tôi đã trở lại chính là tôi. Tôi không còn uống rượu nữa. Tôi biết rằng có một cái gì đó vô cùng hùng mạnh hơn tâm trí con người nhỏ bé của tôi. Và tôi biết rằng tôi sẽ tìm ra nó, biết nó, là nó.
Cuộc tìm kiếm của tôi bắt đầu!
Vài tuần sau đó, khi lơ đãng nhìn những quyển sách bày bán trên một quay hàng, tôi đã nhặt lấy quyển sách How to Know God (Làm Cách Nào Biết Được Thượng Đế), bản dịch tiếng Anh cuốn Aphorisms (Châm Ngôn) của Patanjali, do Swami Prabhavananda và Christopher Isherwood thực hiện. Tôi sững sờ. Patanjali đã biết và đã dạy, có lẽ đã hai nghìn năm qua, những gì tôi vừa khám phá cho chính mình. Tôi đọc đi đọc lại cuốn sách này, nghiên cứu và vắt óc nghiền ngẫm trong hai tháng trời trên khoang một chiếc du thuyền hai cột buồm trong lúc chúng tôi dong buồm ngược xuôi duyên hải Đại tây dương trong một chuyến du lịch vào những ngày nghỉ. Mọi tài liệu ghi chú trong sách đều được truy tìm, sách được đặt mua và ngấu nghiến.
Nhu cầu tìm thầy sâu xa đã được sự tìm thấy Swami Prabhavananda đáp ứng, ông đã đồng ý giúp đỡ tôi. Ông chỉ đường và hướng dẫn tôi, tôi khởi sự thực hành thiền định, giúp tôi loại bỏ hư ảo ra khỏi thực tại, chuẩn bị cho tôi nỗ lực nhảy vọt ở Pendle Hill.
Trong khi đọc, tôi đã tìm thấy những điều liên quan đến Thiền trong cuốn Perennial Philosophy (Triết Lý Vĩnh Cửu) của Aldous Huxley. Tôi biết đây là để cho tôi, tôi tiếp tục đọc, thực hành thiền định Kriya [Yoga], mặc dù không ngồi theo kiểu Thiền. Hoàn toàn bất ngờ, tôi có cơ hội đi Nhật vài tháng để giám thị cấu trúc cuộc triển lãm tôi đã phát họa. Ở đó, một cách lạnh lùng tôi đã tỏ ra rằng nơi duy nhất để săn đuổi nó là ở bên trong chính tôi. Tôi được bảo ngồi. Tôi đã ngồi. Tôi đã ngồi nhiếp tâm ở chùa Viên Giác (Engaku-ji), chùa Long Trạch (Ryutaku-ji), và một cách ngắn ngủi ở chùa Nam Thiền (Nanzen-ji). Tôi đã ngồi ở am Ryosen trong chùa Đại Đức (Daitoku-ji).
Sự việc xảy ra như vầy. Trước khi tôi rời châu Mỹ, tôi đã nghe nói đến chùa Viên Giác, vì thế tôi đến đó. Tôi đến trong cơn mưa lạnh tháng mười một, tôi không biết phải làm gì, không được giới thiệu với ai, không biết tiếng Nhật, không biết xoay trở cách nào, tôi đứng bất quyết, tuyệt đối cô đơn trong phong cảnh xám ngắt hoang vắng với mưa thấm qua chiếc áo mưa, chảy xuống cổ, thấm đến tận giày. Một bóng đen chạy ra trong mưa. Cả hai nhìn nhau vô ích, ngôn ngữ lộn xộn tiếng Nhật tiếng Anh. Ông ta ra dấu bảo tôi đi theo và đưa tôi đến một cánh cửa, ông ta gõ cửa và gọi. Một cái bóng hiện ra. Ấy là một thiếu phụ người Anh, một cuộc đối thoại nhanh bằng tiếng Nhật, với sự hướng dẫn của tôi, hỏi bà có thể giúp tôi điều gì?
Bà dắt tôi đến vị tăng đầu chúng và sắp xếp cho tôi ở lại (họ đang nhiếp tâm), dạy tôi cách ăn, cách độc tham với lão sư, và thông dịch cho tôi, là người hướng dẫn và bạn tốt của tôi. Tặng phẩm cuối cùng của bà là giới thiệu tôi với một Thiền sinh người Mỹ, đã thu xếp bằng cách gọi điện thoại xin cho tôi đế chùa Long Trạch để ngồi nữa.
Cứ tiếp tục như thế và liên tục – lòng tốt của rất nhiều người và những thời ngồi đầy đau đớn. Bất cứ nơi nào ở Nhật tôi cũng tìm được sự giúp đỡ. Từ một lão sư, một vị tăng, một môn sinh cư sĩ, tôi cũng đều tìm thấy nó. Lòng từ bi của tất cả những người ấy đối với sự vô minh vẩn bùn của tôi thật vô cùng, và tôi rất biết ơn.
Tiếng leng keng của cái chuông nhỏ bé trong những buổi nhiếp tâm ở Pendle Hill là một kích động, sức mạnh ấy đập nát các bức tường đã bị nhẹ nhàng xoi mòn qua bốn năm tọa thiền và trước đó là năm năm thực hành Kriya Yoga hàng ngày và hàng đêm. Kiên nhẫn và bướng bỉnh, tôi đã ngồi, ngồi, và ngồi. Đôi khi một thời dài, đôi khi chỉ vài phút, nhưng luôn luôn, luôn luôn hàng ngày. Ngồi một cách kiên nhẫn đã trở nên quen thuộc đến nỗi tôi chấp nhận một cách tự nhiên và bình thường như hít và thở.
Khi đến nhiếp tâm ở Pendle Hill, trước đó tôi chưa bao giờ gặp Lão sư Bạch Vân. Vị tăng thông dịch thì tôi đã gặp ở chùa Long Trạch, nơi tôi đã dự nhiếp tâm bốn năm trước. Tôi đã được tăng thêm sự khốn khổ thể xác bốn ngày rưỡi tọa thiền, nhưng tôi cũng biết rằng phần thưởng là sự trong sáng và bình an. Sau khi dự nhiếp tâm ở Delaware do Lão sư Trung Xuyên hướng dẫn vào năm 1961, tôi ghi lại: “Tôi cảm thấy mình bị đảo ngược từ trong ra ngoài, lúc lắc và súc sạch bằng nước trong.”
Thế là khóa nhiếp tâm ở Pendle Hill bắt đầu. Khoảng bốn mươi người lạ cùng ngồi, vài người chỉ vì tò mò, vài người khác ngồi rất hăng hái. Lão sư Bạch Vân chia nhóm tùy theo mục đích của họ biểu lộ ở đây, thành mấy nhóm nhỏ hơn. Ông nói riêng với từng nhóm, giải thích những nội qui họ phải theo trong bốn ngày rưỡi kế tiếp. Tôi là một trong những người tìm giác ngộ, và nhóm này được ông chỉ định cho công án Mu của Triệu Châu.
Tôi bắt đầu ngồi với Mu.
Ngày đầu tiên, Mu không phải là hòn sắt nóng – thực ra nó là một khối chì nặng ở bụng tôi.
“Hãy làm tan khối chì ấy đi!” lão sư ra lệnh. Nhưng nó không tan, vì thế ngày kế tiếp tôi nện búa vào Mu và chợt biết rằng tâm điểm nó là ánh sáng, sáng ngời, trong suốt như pha lê, tựa như một vì tinh tú hay một viên kim cương sáng đến độ nó phóng ra ngoài, chiếu sáng các vật, làm tôi chói mắt và tràn ngập ánh sáng. Thân tôi cảm thấy mất hết trọng lượng. Tôi nghĩ: “Đây là Mu.” Nhưng Lão sư khuyên: “Ảo ảnh, đừng để ý đến chúng. Hãy tập trung mạnh hơn nữa.”
Cuối ngày hôm đó, không có ánh sáng nào cả, chỉ có trì trệ, mệt mỏi vô cùng. Trong khi đi ngủ, tôi ghi lại: “Bây giờ mình đã quyết tâm. Nếu người khác làm được thì mình cũng có thể làm được. Và mình sẽ làm. Mình sẽ dốc toàn lực và quyết tâm ngoan cường.” Rồi tôi ngủ với Mu bao trùm mộng mị. Mu di động ra vào theo nhịp thở.
Ngày thứ ba, mắt tôi không ở tư thế mở, chúng khép lại theo mỗi hơi thở. Khi đẩy lui được tình trạng ấy, tâm tôi lập tức đầy ắp những vấn đề gia đình và hôn nhân. Đây là cuộc chiến đấu khủng khiếp chống lại cả buồn ngủ lẫn tra tấn tinh thần. Với từng hơi thở tôi quyết tâm nắm giữ Mu, nhưng nó cứ đi xuống, đi xuống rồi biến vào hư không.
“Hãy tiến sâu hơn nữa! Lão sư bảo. “Hãy hỏi Mu là cái gì đến tận đáy.”
Càng lúc càng tiến sâu hơn…
Sự nắm giữ bị tách lỏng và tôi quay tròn…
Đến tận trung tâm trái đất!…
Đến tận trung tâm vũ trụ!…
Đến Trung tâm
Tôi ở đó.
Với âm thanh của cái chuông kinh hành nhỏ bé tôi đã biết…
Quá trễ không thể gặp lão sư đêm ấy, tôi xông vào độc tham đầu tiên vào lúc sáng.
Những câu hỏi…
Những giọng nói sắc bén…
Tiếng cười…
Cử động…
Lão sư bảo: “Giờ thì bà đã hiểu thấy Mu là thấy Thượng đế.”
Tôi đã hiểu.
(Sau những lần tọa thiền công án hỗn hợp tại các khóa nhiếp tâm ở Brewster, Nữu Ước mấy tuần sau).
Tôi cảm thấy tinh khiết.
Tôi cảm thấy tự do.
Tôi cảm thấy sống mọi ngày với nhiệt tâm, với lựa chọn!
Tôi hân hoan mạo hiểm từng giây phút.
Tôi cảm thấy mình như vừa chợt tỉnh một giấc mộng bất an, rời rạc. Mọi sự vật có vẻ khác hẳn.
Thế giới không còn đè nặng trên lưng tôi nữa. Nó ở dưới thắt lưng tôi. Tôi nhào lộn một vòng và nuốt chửng nó.
Tôi không còn bất an.
Cuối cùng tôi có những gì tôi muốn.