Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

Vào năm 1327, về cuối thời Kamakura (Kiêm Thương), thời kỳ xung đột xâu xé, bất an chòng chéo của lịch sử Nhật bản đã sản sinh ra nhiều nhân vật tôn giáo đáng kể - Thiền sư phái Lâm Tế, Bạt Tụy Đắc Thắng (Bassui Tokusho) ra đời. Vì có thị kiến rằng đứa con bà đang mang trong bụng một ngày kia sẽ trở thành ác quỉ giết cả cha mẹ nó, mẹ ông đã bỏ ông ngoài đồng ngay lúc vừa mới sinh, nơi ấy ông được một gia nhân bí mật cứu và nuôi dưỡng.

            Lúc lên bảy, tâm hồn nhạy cảm đối với tôn giáo của Bạt Tụy đã bắt đầu biểu lộ. Vào một ngày giỗ người cha quá cố, ông bỗng nhiên hỏi vị tu sĩ hành lễ: “Những lễ vật cơm, bánh, trái này cúng ai?” “Dĩ nhiên cho cha của chú,” vị tu sĩ đáp. “Nhưng cha giờ đây không hình dạng, không thân xác,(1) làm sao có thể ăn được những thứ ấy?” Vị tu sĩ lại đáp: “Dù không có thân xác hữu hình, linh hồn ông ấy 

---------------------------------------------

(1) Ở Nhật, người chết thường được hỏa thiêu. 

 sẽ nhận các lễ vật này.” “Nếu có một cái gọi là linh hồn như thế…,” chú bé nhấn mạnh, “ắt trong thân tôi đây cũng có một cái. Nó giống cái gì nào?”

            Chắc chắn đây không phải là những câu hỏi không thường xảy ra phát xuất từ một cậu bé bảy tuổi nhạy cảm và hay suy tư. Song đối với Bạt Tuy, đó chỉ là khởi đầu của một sự tự vấn kịch liệt không ngớt tiếp tục mãi cho đến lúc thành niên, thực ra, cho đến khi ông giác ngộ đầy đủ. Ngay cả trong khi chơi đùa với những đứa bé khác, chú bé cũng không bao giờ thoát khỏi những cái bất định về sự hiện hữu của linh hồn. Mối bận tâm tiên khởi về linh hồn tự nhiên đưa ông đến suy nghĩ về địa ngục. Trong thống khố vì sợ hãi ông đã kêu lên: “Ghê gớm thay phải bị thiêu cháy trong lửa địa ngục!” Và nước mắt ông dâng trào. Khi lên mười, ông kể lại, ông thường bị những tia chớp sáng ngời tràn ngập căn phòng đánh thức ông dậy, theo sau là bóng tối đen nghịt bao trùm. Lo lắng, ông tìm cách giải thích các hiện tượng kỳ lạ này nhưng những giải đáp đã có hiếm khi làm vơi được nỗi sợ hãi. Đã nhiều lần ông tự hỏi: “Nếu sau khi chết, linh hồn phải chịu những thống khổ nơi địa ngục hoặc được hưởng những vui vẻ nơi thiên đàng, thì bản tánh của linh hồn là gì? Nhưng nếu không có linh hồn, thì cái gì trong ta mà mọi phút giây thấy và nghe?”

            Người viết tiểu sử của ông(2) kể lại rằng Bạt Tụy thường ngồi hàng giờ gặm nhấm câu hỏi này trong trạng thái quên mình hoàn toàn, không còn biết mình có thân hay tâm. Trong một cơ hội như thế - vào tuổi nào chúng ta  

---------------------------------------------

(2) One Myodo, môn đệ của Bạt Tụy, vào ngày 05/05/1387, năm Bạt Tụy mất, đã xuất bản cuốn tiểu sử mà lời dẫn nhập này đã lấy tài liệu từ đó để viết. 

không được biết – Bạt Tụy bỗng nhận ra bản chất của vạn vật là cái Không sinh động, và trong thể tính, không có cái gì có thể gọi là linh hồn, thân hay tâm. Nhận thức này khiến ông phá lên cười sâu thẳm và không còn cảm thấy thân tâm mình đè ép nữa.

            Trong nỗ lực để biết đây có phải là chân ngộ hay không, Bạt Tụy đã hỏi một số tu sĩ nổi tiếng, nhưng không một ai cho ông câu trả lời ưng ý. Ông tự bảo, “Dù sao ta cũng không còn nghi ngờ vì chân lý của Pháp nữa!” Nhưng sự bối rối cơ bản của ông về cái người thấy và nghe vẫn không tiêu tan, và một hôm khi ông xem một cuốn sách phổ thông nói: “Tâm là chủ và thân là khách,” mối nghi ngờ im lặng của ông bỗng sống dậy. “Ta đã thấy rằng nền tảng của vũ trụ là Không, song cái gì bên trong ta có thể thấy và nghe đây?” ông lại tuyệt vọng tự hỏi. Bất chấp nỗ lực thế nào, ông cũng không thể loại bỏ được nghi vấn này. Trên danh nghĩa, Bạt Tụy là một samurai (chiến sĩ) sinh trong một gia đình samurai. Ông có thực sự làm bổn phận của một samurai hay không, người viết tiểu sử không cho biết, nhưng có thể kết luận chắc chắn rằng việc Bạt Tụy liên tục tìm kiếm các Thiền sư đã cho ông ít cơ hội và phỏng chừng cũng ít thú vị, vì cuộc sống của một samurai. Dù sao, chúng ta cũng biết được Bạt Tụy đã xuống tóc lúc hăm chín tuổi, tượng trưng cho việc ông gia nhập vào hàng tăng lữ Phật giáo. Song đối với các nghi thức của một tăng nhân, ông ít dùng đến và tin rằng một tăng nhân nên sống cuộc sống đơn giản, hiến mình cho sự theo đuổi chân lý tối thượng cũng như dẫn dắt người khác đến giải thoát, không tham dự các nghi lễ và nếp sống xa hoa, không kể đến âm mưu chính trị mà giới tu sĩ thời ấy rất quị lụy. Trong nhiều cuộc hành cước, ông bướng bỉnh từ chối ở lại bất cứ một ngôi chùa nào dù chỉ qua đêm, mà chỉ khăng khăng ở trong một cái am cô lập nào đó trên đồi cao hay trên núi. Để tỉnh táo ông thường leo lên cây, ngồi trên cành tư duy sâu xa về công án tự nhiên của mình: “Ai là ông chủ?” mãi tận trong đêm, bất chấp mưa gió. Đến sáng, hoàn toàn không ngủ, không ăn, ông đến chùa hay tự viện để tham vấn với thầy.

            Bạt Tụy không thích nghi thức tự viện mãnh liệt đến độ nhiều năm sau, khi ông đã trở thành sư của chùa Hướng Nhạc (Kogaku-ji) (3) ông vẫn khăng khăng gọi nó là am Hướng Nhạc (Kogaku-an), chữ am [cái lều] đối lập với chữ tự (chùa, tự viện) to lớn hơn nhiều.

            Trên đường hành cước, Bạt Tụy bỗng gặp được một Thiền sư mà nhờ đó, con mắt Tâm của ông mở ra trọn vẹn – Thiền sư Cô Phong (Koho), một Lão sư Thiền vĩ đại thời ấy. Các bậc kém hơn mà Bạt Tụy đã gặp để tìm sự hướng dẫn, tất cả đã ấn chứng sự giác ngộ của ông, nhưng Cô Phong biết Bạt Tụy có tâm sắc bén, nhạy cảm, có sức mạnh và sự thanh tịnh của khao khát tìm kiếm chân lý, đã không ấn chứng cho Bạt Tụy mà chỉ mời ông ở lại. Về phần mình,

Bạt Tụy thấy ở Cô Phong một bậc đại lão sư nhưng từ chối ở lại chùa, dựng một cái am cô độc ở vùng đồi núi gần chùa, và tháng sau hàng ngày đến gặp Cô Phong.

            Một hôm Cô Phong biết tâm của Bạt Tụy đã chín muồi, hỏi: “Hãy nói nghe, chữ Mu của Triệu Châu là gì?”

            Bạt Tụy đáp bằng bài kệ:

 

                                    Núi sông

                                    Cây cỏ                                                                                     Đồng hiển hiện Mu.

            Cô Phong đáp lại: “Lời ông đáp còn dấu vết của tự   thức.”

            Tức khắc, người viết tiểu sử của ông kể lại, Bạt Tụy 

----------------------------------------------

(3) “Hướng Nhạc” có nghĩa là hướng mặt về núi. Đây chỉ núi Phú Sĩ (Fuji) tượng trưng cho Chân Tâm, hàm ý nắm lấy Chân Tâm.

cảm thấy dường như mình “mất hết gốc rễ sự sống, tựa như cái thùng bị phá vỡ đáy.” Mồ hôi từ mọi lỗ chân lông trên thân ông bắt đầu tuôn ra, và khi từ giả Cô Phong, ông bị choáng váng đến nỗi va đầu dọc theo vách tường nhiều lần cố tìm lối ra ngôi chùa. Khi về đến am, ông khóc hàng giờ tận những vùng sâu thẳm nhất của mình. Nước mắt tuôn tràn, “chảy xuống mặt như mưa.” Trong sự bừng cháy tràn ngập của kinh nghiệm này, các ý tưởng và niềm tin chấp trước của Bạt tụy bị hủy diệt hoàn toàn.

             Chiều hôm sau, Bạt Tụy đến kể cho Cô Phong nghe chuyện xảy ra. Khó mở miệng nổi khi Cô Phong, người đã tuyệt vọng vì tìm mãi không ra người thừa kế đích thực trong hàng tăng chúng của mình, đã tuyên bố: “Pháp của tôi sẽ không mất. Bây giờ tất cả có thể vui sướng, Pháp của tôi sẽ không mất.”   

            Cô Phong chính thức ấn khả (inka) cho người môn đệ của mình và và ban cho tên Thiền là “Bạt Tụy” (cao trên bậc thường). Bạt Tụy ở lại gần gũi với Cô Phong hai tháng, nhận sự giáo huấn và hướng dẫn của thầy. Nhưng Bạt Tụy là người có tinh thần mạnh và độc lập, muốn phát triển kinh nghiệm sâu xa qua “Pháp chiến” với các bậc sư tài năng để kiện toàn kinh nghiệm của mình trong tâm thức và trong mọi hành vi, và để phát triển khả năng dạy người khác. Vì thế ông từ giã Cô Phong và tiếp tục sống các vùng núi đồi, rừng rú không xa các ngôi chùa của những bậc sư nổi tiếng. Mỗi lần ông tọa thiền hàng giờ.

            Bất cứ nơi nào Bạt Tụy lưu lại, những người có tâm nguyện nhiệt thành cũng nhanh chóng khám phá ra chỗ ông trú ngụ và tìm xin ông hướng dẫn. Nhưng cảm thấy mình chưa đủ sức mạnh tinh thần cần thiết để dẫn dắt người khác đến giải thoát, ông phản đối những nỗ lực tôn ông làm thầy. Khi sự khẩn cầu của họ trở nên phiền nhiễu quá, ông góp nhặt các vật tùy thuộc thanh bần của mình và biến mất trong đêm. Cách xa sự khẩn cầu của những môn sinh tương lai, song vẫn hạn chế nơi cư trú ở bất cứ chỗ nào để không trở thành bị ràng buộc vào đó. Cuối cùng – bấy giờ tuổi đã năm mươi – Bạt Tụy tự dựng một cái am sâu trong một ngọn núi gần thị trấn Enzen, phủ Yamanashi. Như đã xảy ra trong quá khứ, tin đồn lan rộng qua ngôi làng gần đó rằng trong núi hiện có một vị Bồ-tát, và những người tìm kiếm lại mò mẫm phát lối mở đường tìm đến am  ông ở. Bấy giờ giác ngộ đã chín muồi và tự cảm thấy mình đã đủ khả năng dẫn dắt người khác đến giải thoát, ông không còn chạy trốn những người tìm kiếm này và tự ý chấp nhận tất cả những ai tìm đến. Chẳng bao lâu họ trở thành một nhóm khá đông, và viên tri phủ tặng một khu đất và những người theo ông đã xây lên ngôi chùa. Bạt Tụy đồng ý làm lão sư của chùa.

            Mặc dù Bạt Tụy không thích “tự”, “viện,” chùa Hướng Nhạc đã lên đến tột đỉnh, với hơn một ngàn tăng chúng và tín đồ tại gia, khó có thể gọi là “am” được. Bạt Tụy là người giới luật nghiêm khắc. Ba mươi ba điều lệ ông đã ban bố cho môn đồ hành xử cũng đủ để quan tâm, đầu tiên là cấm uống rượu trong bất cứ hình thức nào.

            Ngay trước khi qua đời, lúc sáu mươi tuổi, Bạt Tụy ngồi kiết già và bảo những người tụ tập quanh ông: “Chớ nhầm lẫn! Hãy nhìn này! Cái gì đây?” Ông lớn tiếng lặp lại và an nhiên ra đi.

            Các phương pháp giảng dạy của mọi bậc thầy vĩ đại đương nhiên phát xuất từ nhân cách riêng của họ, từ vấn đề tinh thần khi họ kinh nghiệm và từ cách thực hành tọa thiền đã khai sinh ra sự giác ngộ của họ. Đối với Đạo Nguyên, các nỗ lực tôn giáo để đi đến tâm điểm vấn đề hoàn toàn khác với những cố gắng với Bạt Tụy, và sự giác ngộ của Đạo Nguyên đã đến không qua một công án thuộc bất cứ loại nào, chỉ quán đả tọa đã trở thành phương pháp giảng dạy chính yếu của ông. Mặt khác, công án tự nhiên của Bạt Tụy “Ai là ông chủ?”(4), và do đó, như chúng ta sẽ thấy trong các bức thư sau đây, ông thúc giục môn đồ dùng cách tọa thiền này. Hơn nữa, vì Bạt Tụy, cũng giống như Đạo Nguyên, không thể hoàn toàn hài lòng với ước mong sâu xa sự giải thoát qua giác ngộ nông cạn, mục tiêu ông nêu ra trong các bức thư này không thiếu sự giác ngộ trọn vẹn.

            Bạt Tụy không phải là người viết nhiều. Ngoài bài viết nói về Nhất Tâm và các bức thư này, ông chỉ viết có một tập lớn gọi là Wadeigassui (Nê Thủy: Bùn và Nước) đưa ra các nguyên tắc thực hành Phật giáo Thiền và một tác phẩm khác nhỏ hơn. Chỉ khi Bạt Tụy viết bài Nhất Tâm và các bức thư  chưa được biết đầy đủ, vì không một bức thư nào mang ngày tháng, nhưng phỏng chừng chúng được viết sau khi ông trở thành sư chùa Hướng Nhạc. Hiển nhiên những người liên lạc thư thư từ với ông là các môn đồ hoặc vì bệnh nặng hoặc vì sống xa chùa, không thể đến nhiếp tâm và độc tham được. Chỉ những hoàn cảnh giảm khinh như thế và lòng hăng hái nhiệt thành của họ có thể khiến Bạt Tụy dạy họ bằng thư thay vì bằng các phương pháp truyền thống.            

            Thực ra, vài bức thư có tính cách lặp lại, nhưng điều này không thể tránh được, vì trong cốt tủy, Bạt Tụy đã cho mọi người liên lạc bằng thư với ông cùng một giáo lý như nhau. Song chỉ bằng cách lặp lại như thế mà Bạt Tụy, một bậc sư, làm sáng tỏ và nện trúng đích một cách tuyệt diệu  

----------------------------------------------

(4) Tiếng Nhật shujin-ko (chủ nhân công) có nghĩa là người chồng (tức người gia trưởng), người sở hữu chủ, địa chủ, chủ công ty…đều gọi shujin (chủ nhân).  Ko (công) là từ chỉ sự rất kính trọng, dùng để nói một lãnh chúa thời xưa ở Nhật. Do đó, “ông chủ” theo ý này, có nghĩa là cái đầu, trung tâm quyền lực, sức mạnh kiểm soát.  

chủ đề bài Nhất Tâm của ông. Trong văn học Thiền, ít có tác phẩm do các bậc sư xuất chúng viết ra hoàn toàn nhằm mục đích thực hành hay phấn khích người đọc. Bạt Tụy nói với những người liên lạc thư từ với ông ở thế kỷ 14 mà như trực tiếp nói với người đọc ngày nay, lúc nào cũng hướng dẫn và phấn khích người đọc. Thêm vào đó là ý nghĩa bén nhọn của nghịch lý đi đôi với sự đơn giản sâu sắc đã làm cho bài thuyết pháp và các bức thư này phổ biến rộng rãi ở Nhật thẳng xuống đến ngày nay. Thiền sư Trạch Thủy (Takusui-zenji), một sư nổi tiếng thời Đức Xuyên (Tokugawa, 1603 – 1866), người giống như Triệu Châu, đã sống đến tuổi chín muồi 120 tuổi (và chính sư cũng là tác giả của một số thư Thiền) đã nồng nhiệt ca ngợi cả hai loại bài viết này là có giá trị không những cho những người sùng mộ mà cho cả các Thiền sư nữa.  

            Hy vọng rằng với bản dịch này, lần đầu tiên sang tiếng Anh, các bài viết ấy sẽ được sự mến mộ như thế của các độc giả nói tiếng Anh nhiệt thành muốn hiểu và thực hành Thiền.

BÀI THUYẾT PHÁP

 

          Muốn tự mình thoát khỏi những đau khổ trong Sáu Nẻo(5), phải biết con đường trực chỉ thành Phật. Con đường này không gì khác hơn là nhận ra Tâm mình. Bây giờ Tâm này là cái gì? Nó là bản tánh chân thật của tất cả chúng sanh. Nó hiện hữu trước khi cha mẹ sinh ra, và bây giờ nó đang hiện hữu, bất biến và thường hằng. Vì thế nó được gọi là Bộ mặt trước khi cha sinh mẹ đẻ. Tâm này vốn trong sạch. Khi ta sinh ra nó không phải mới tạo, và khi ta chết nó không biến mất. Nó không không biệt nam nữ, không nhuốm màu thiện ác. Không thể so sánh nó với bất cứ vật gì, vì thế nó được gọi là Phật tánh. Song vô số tư niệm phát xuất từ Tự tánh này giống như những làn sóng trên đại dương, hay các hình ảnh phản chiếu trong gương.

            Muốn nhận ra Tâm mình trước hết phải nhìn vào cái nguồn phát ra tư niệm. Lúc ngủ cũng như lúc thức, lúc đứng cũng như lúc ngồi, hãy tự hỏi sâu xa, “Tâm mình là cái gì?” với khát vọng kịch liệt muốn giải quyết vấn đề. Đây gọi là “tu” hay “hành” hay “khát vọng chân lý” hay “khao khát giác ngộ.” Những gì gọi là tọa thiền không gì khác hơn là nhìn vào tâm mình. Sùng mộ tìm kiếm tâm mình còn tốt hơn là hàng ngày đọc vô số kinh chú trong vô số năm. Những cố gắng có tính cách hình thức như thế có thể sản sinh ra một công đức nào đó, nhưng khi công đức này tiêu tán, lại phải trải qua những đau khổ của Ba đường ác(6), bởi vì việc tìm kiếm tâm mình cuối cùng sẽ đưa đến 

---------------------------------------------

(5) Sáu nẻo (luân hồi): Trời, thần (A tu la), người, địa ngục, ma đói (ngạ quỉ), và thú vật (súc sinh). 

(6) Ba đường ác: Địa ngục, ma đói, và thú vật.

giác ngộ, sự tu tập này là điều kiện tiên quyết để trở thành Phật. Dẫu có phạm Mười điều ác(7) hay Năm tội chết(8), song nếu biết hồi tâm tự ngộ thì tức khắc là Phật.

            Nhưng đừng phạm các tội rồi mong được giác ngộ cứu vớt [vì hậu quả của những hành động của mình. Không giác ngộ nào,] không Phật nào Tổ nào có thể cứu vớt được một người tự mê hoặc mình đi vào đường ác.

            Hãy tưởng tượng một đứa bé nằm ngủ bên cạnh cha mẹ nó và mơ thấy mình bị đánh hay bị bịnh hoạn đau đớn. Cha mẹ không thể giúp gì được đứa con dù nó đau khổ đến đâu, vì không ai có thể đi vào tâm mơ của người khác. Nếu đứa con có thể tự tỉnh giấc, nó có thể tự mình thoát khỏi đau khổ. Cũng vậy, một người nhận ra rằng Tâm mình là Phật, tức khắc tự thoát khỏi những đau khổ phát sinh từ sự biến dịch không ngừng trong Sáu Nẻo. Nếu Phật có thể ngăn hận được thì Ngài có để cho một chúng sinh nào rơi vào địa ngục không?(9)

            Không Tự ngộ, người ta cũng không thể hiểu được những điều như thế này.

            Loại “ông chủ” nào mà ngay bây giờ thấy màu sắc bằng mắt, nghe tiếng nói bằng tai, vẫy tay, động chân? Chúng ta biết đây là những chức năng của tâm mình, nhưng

không ai biết rõ chúng được thực hiện như thế nào. Có thể 

-----------------------------------------------

 (7) Mười điều ác: Sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, vọng ngữ, nói xấu, vu khống, tham lam, giận dữ, và tà kiến.

(8) Năm tội chết (ngũ nghịch): Giết cha, giết mẹ, giết A la hán, đả thương Phật, phá hoại sự hòa hợp của tăng già.

(9) Những gì ở đây ám chỉ là chư Phật không phải là những bậc siêu nhiên có thể ngăn chận sự rơi xuống địa ngục bằng cách ban cho giác ngộ; sự giác ngộ, nhờ đó người ta có thể được cứu thoát khỏi đau khổ của một số phận như thế, chỉ có thể đạt được nhờ những nỗ lực của chính mình. 

khẳng định rằng phía sau những hành động này không có một thực thể nào cả, song rõ ràng chúng được thực hiện một cách tức thời. Trái lại, có thể nói rằng đây là những động tác của một thực thể nào đó, song thực thể này không thể thấy được. Nếu người ta cho rằng vấn đề này không thể suy lường được, tất cả mọi cố gắng suy luận sẽ ngừng lại và người ta không biết sẽ phải làm gì. Trong tình trạng thuận lợi này, lòng khao khát ngày càng phát triển sâu hơn, sâu hơn không mệt mỏi, đến cực điểm. Khi sự hỏi thâm nhập sâu đến tận đáy, và cái đáy bị vỡ ra, không còn nghi ngờ nào, thì Tâm mình chính là Phật, là Không giới. Bấy giờ sẽ không còn lo âu về sinh tử, sẽ không còn chân lý nào để cầu tìm.

            Trong mộng mình có thể bị lạc đường, mất lối trở về nhà. Hỏi ai chỉ cho lối về, hoặc cầu Thượng đế, cầu Phật phù hộ, nhưng vẫn không thể về nhà được. Song, một khi tự tỉnh khỏi mộng, sẽ thấy mình đang ở trên giường và sẽ nhận ra rằng con đường duy nhất có thể trở về nhà được là tự tỉnh. Đây gọi là “trở về nguồn” hay “tái sinh cõi trời.” Nó là loại nội thức chỉ có thể đạt được qua tu luyện. Thực ra, tất cả những ai tọa thiền và nỗ lực thực hành, dù cư sĩ hay tăng nhân, đều có thể kinh nghiệm đến độ này. Song không thể nào đạt được dù chỉ là sự thức tỉnh như thế ngoại trừ bằng tọa thiền. Nhưng nếu cho rằng đây là chân ngộ mà không nghi ngờ gì về bản chất của thực tại ắt sẽ vấp phải sai lầm nghiêm trọng. Giống như kẻ tìm thấy đồng bèn bỏ ước mơ tìm thấy vàng.

            Khi đã nhận ra như thế, hãy tự hỏi kịch liệt hơn nữa như vầy: “Thân này như bóng ma, như bọt nước; tâm này, nhìn vào tự thể, không hình dạng như hư không, song nơi nào trong đó bên trong lại nhận thức được âm thanh. Ai đang nghe?” Nếu cứ tự hỏi như thế với sự thấm nhập sâu xa, không lúc nào buông lơi nỗ lực kịch liệt của mình, thì tâm lý luận đương nhiên sẽ tự kiệt quệ và chỉ còn lại nghi vấn ở tần mức sâu nhất. Cuối cùng, sẽ mất ý thức về thân này. Những khái niệm và quan niệm chấp trước lâu đời sẽ biến mất, sau khi sự tra vấn đã đến tuyệt đối, theo cách mọi giọt nước biến mất từ cái bình vỡ đáy, và giác ngộ viên mãn sẽ theo sau như hoa bỗng nở ra trên cây khô héo. Nhận ra như thế là đạt chân giải thoát. Nhưng ngay cả lúc bấy giờ cũng phải vứt bỏ nhiều lần những gì đã thức ngộ được, quay lưng lại với chủ thể nhận thức, tức là với căn để, và cương quyết tiếp tục, rồi Tự tánh mình sẽ trở nên sáng hơn, trong suốt hơn, khi các vọng cảm biến mất, tựa như viên ngọc được sáng lại nhờ mài dũa nhiều lần, cho đến cuối cùng, nó sẽ tự chiếu sáng cả vũ trụ. Đừng nghi ngờ điều ấy! Nếu khát vọng quá yếu, không đưa được mình đến trạng thái ấy trong kiếp này, chắc chắn sẽ đạt Tự ngộ đễ dàng trong kiếp sau, miễn là mình vẫn tra vấn như thế ngay cả trong lúc chết, giống như việc làm nửa chừng ngày hôm qua sẽ được hoàn thành dễ dàng vào hôm nay. Trong tọa thiền, đừng khinh khi cũng đừng ấp ủ các tư niệm xuất hiện, chỉ cần tìm Tâm thôi vì nó chính là nguồn phát sinh các tư niệm này. Phải hiểu rằng bất cứ cái gì xuất hiện trong ý thức hay thấy dược bằng mắt đều chỉ là hư vọng, không có thực thể tồn tại. Vì thế, không nên luyến ái cũng không nên sợ hãi các hiện tượng như thế. Nếu giữ được tâm trống rỗng như hư không, không mang vết tích của những vấn đề bên ngoài, sẽ không có quỉ thần nào quấy rầy mình được, ngay cả lúc trên giường chết. Tuy nhiên, trong lúc tham thiền nhập định chớ có giữ những lời khuyên này trong tâm. Chỉ nên trở thành câu hỏi: “Tâm này là cái gì?” hoặc “Cái gì đang nghe âm thanh đây?” Khi nhận ra Tâm này sẽ biết rằng chính nó là nguồn của chư Phật và chúng sinh. Bồ-tát Quan Âm [Avalokitesvara] được gọi như vậy vì ngài đã đạt được giác ngộ bằng cách nhận thức âm thanh của thế giới quanh mình.

            Lúc làm việc, lúc nghỉ ngơi đừng bao giờ ngừng cố gắng nhận thức ai đang nghe đây. Dù cho nghi vấn hầu như đã trở thành vô thức, cũng sẽ không tìm ra ai là người nghe, và tất cả mọi nỗ lực của mình sẽ trở thành con số không. Song âm thanh vẫn cứ được nghe, vì thế hãy tự hỏi đến tầng mức sâu hơn nữa, cuối cùng mọi vết tích của tự thức sẽ biến mất và sẽ cảm thấy mình như bầu trời không mây. Sẽ không tìm thấy trong mình cái “tôi” và sẽ không tìm ra ai nghe cả. Tâm này giống như hư không, song nó không có một điểm nhỏ nào có thể gọi là trống không cả. Trạng thái này thường bị lầm cho là Tự ngộ. Nhưng hãy tiếp tục tự hỏi kịch liệt hơn nữa: “Bây giờ ai nghe đây?” Nếu chịu đi sâu, đi sâu vào câu hỏi này, quên hết mọi sự vật khác, ngay cả cảm giác trống không này cũng sẽ biến mất và sẽ không ý thức được vật gì cả - sự u tối sẽ hoàn toàn chiếm ưu thế. Cứ tiếp tục hỏi với tất cả sức lực của mình: “Cái gì đang nghe đây?” Chỉ khi nào sự hỏi đã kiệt quệ thì câu hỏi sẽ nổ ra, lúc ấy sẽ cảm thấy mình giống như từ cõi chết trở về. Đây là chân ngộ. Lúc bấy giờ sẽ gặp được chư Phật mười phương, chư Tổ quá khứ và hiện tại, mặt đối mặt. Hãy tự trắc nghiệm mình bằng công án này: “Một ông tăng hỏi Triệu Châu: Bồ-đề Đạt-ma đến Trung quốc có ý nghĩa gì? Triệu Châu đáp: Cây bách trước sân.”(10) Nếu công án này còn để lại chút nghi ngờ nào, thì hãy bắt đầu hỏi lại: “Cái gì đang nghe đây?”

            Nếu kiếp này chưa ngộ thì kiếp nào mới ngộ? Một khi đã chết thì không thể tránh được đau khổ lâu dài trong  

---------------------------------------

(10) Vô Môn Quan, tắc 37. 

Ba đường ác(11). Cái gì đang cản trở ngộ? Không cái gì cả

trừ lòng mong ước nửa vời của mình đối với chân lý. Hãy suy nghĩ điều này và tận lực bình sanh. 

---------------------------------------

 (11)  Theo giáo lý Phật giáo, giác ngộ chỉ có thể đạt được với thân người. Những gì ở đây và trong đoạn trước muốn nói là, nếu một người mất đi thân hình người của y, và với nó là cơ hội để giác ngộ và đạt các cảnh giới cao hơn của thức, y sẽ chịu đau khổ lâu dài trong các cảnh tồn sinh thấp hơn người.

Xem mục lục