Bài Viết (701)


Sự hình thành Kinh Pháp Hoa

12,112

 

Sự hình thành Kinh Pháp Hoa

PHÁP HỘI TRÊN ĐỈNH LINH THỨU

Ðến đây, chúng ta đã thảo luận về lịch sử phát triển của Phật Giáo ở Ấn Ðộ trong những thế kỷ tiếp sau khi Ðức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt. Bây giò, chúng ta xét đến bộ Kinh quan trọng nhất của Phật Giáo, kinh Pháp Hoa, và tìm xem nó đã ra đời như thế nào.

Trong khối lượng khổng lồ Kinh điển Phật Giáo, Kinh Pháp Hoa thường được coi là bộ Kinh dẫn đầu. Ðây không chỉ là điều xác nhận của những người trong đạo, nhưng là quan điểm của của cả Phật tử và không phải Phật tử. Việc ở Ấn Ðộ, Trung Hoa, Nhật Bản, những sớ giải về kinh nầy nhiều hơn những kinh khác chứng tỏ tầm quan trọng lớn lao của nó. Ngài Trí Khải hay Trí Giả (538 - 597 sau T.L.) của Trung Hoa, vị sáng lập Tông Thiên Thai, để suốt đời trong việc giảng dạy và viết luận sớ về Kinh nầy.

Chúng ta được cho biết rằng Ðức Thích Ca Mâu Ni đã thuyết Kinh Pháp Hoa trong suốt tám năm, về sau những đệ tử tử của ngài thâu thập những bài giảng, và trải qua nhiều trăm năm, bản kinh được thành tựu như chúng ta có ngày hôm nay. Kinh Pháp Hoa, sự thật, không phải chỉ là một Kinh trứ danh nhất của Ðại Thừa nhưng là một bản toát yếu và bao hàm toàn bộ hệ thống triết học Phật Giáo Ấn Ðộ như được chính Ðức Phật trình bày.

Kinh Pháp Hoa được truyền sang Trung Hoa rồi được dịch sang Hoa ngữ, và từ đó được truyền đến Nhật Bản, đặc biệt là bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiav) dưới tên Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. 69,384 chữ của bản Kinh nầy dần dần được coi như những biểu tượng trân báu của Phật Pháp. Kinh Pháp Hoa đã có một ảnh hưởng không thể kể xiết vào văn hóa Nhật Bản. Nhiều thành ngữ người Nhật xử dụng hàng ngày có nguồn gốc từ Kinh Pháp Hoa, mặc dù trong nhiều trường hợp họ không biết nguồn gốc của chúng.

Chúng ta để lại trong dịp khác sẽ thảo luận về từng phẩm một trong hai mươi tám phẩn Kinh Pháp Hoa. Ở đây tôi muốn tập trung vào những điều kiện mà từ đó bản Kinh nầy được hình thành ở Ấn Ðố hai ngàn năm trước.

Vấn đề đầu tiên là phải chăng Kinh Pháp Hoa là một sản phẩm của tín đồ Phật Giáo vào những thế kỷ sau. Ðiều nghi ngờ nầy khởi sự từ những những nghiên cứu triết học, cho rằng bản sớm nhất của Kinh không thể xuất hiện sớm hơn thế kỷ thứ nhất trước tây lịch, và bản kinh đầu tiên nầy dần được thêm vao cho đến khoảng thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch thì thành hình như bản chúng ta có ngày nay. Vì vậy, người ta cho rằng giáo pháp Ðại Thừa được trình bày trong Kinh không đại biểu cho giáo pháp chính thật của Phật Giáo ở thời kỳ nguyên thủy. Tuy nhiên, chúng ta khó tin rằng kinh Pháp Hoa và những kinh Ðại Thừa khác không có mối liên hệ nào với giáo pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni mà chỉ là những sáng tạo thuần túy của tín độ Ðại Thừa về sau, họ đặt câu "Tôi nghe thế nầy" vào đầu Kinh để giả làm chính thống.

Dĩ nhiên, tôi không có ý cho rằng tất cả các kinh trong Phật Giáo đều đại biểu cho một sự ghi lại chính xác những lời dạy của Ðức Thích Ca Mâu Ni như chính Ngài truyền giảng. Chúng ta đã thấy rằng, theo các tài liệu, Kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất được tổ chức ngay sau khi Ðức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt để kết tập những lời dạy của Ngài, và trong hai ba trăm năm tiếp theo, chúng được truyền bằng miệng, các lời dạy được truyền từ ký ức của thế hệ trước sang thế hệ sau. Các học giả ước đoán rằng cho đến thế kỷ thứ nhứt trước Tây lịch, các kinh điển chưa có được hình thức chữ viết như chúng ta thấy ngày nay. Có nghĩa là hình thức chữ viết của những kinh điển Tiểu Thừa tronmg thực tế cũng không sớm hơn các kinh điển xưa của Ðại Thừa, và nếu chúng ta gán nhãn hiệu "phi Phật Giáo" cho kinh điển Ðại Thừa vì chúng không có sự liên hệ có thể minh chứng với những lời dạy của Ðức Thích Ca Mâu Ni, thì chúng ta có thể nói tương tự như thế đối với những kinh Tiểu Thừa như các kinh A hàm (Agama).

Dường như đối với tôi, điểm quan trọng không phải là sự tìm kiếm triết lý nhưng là việc các kinh điển Phật Giáo, gồm cả Tiểu Thừa và Ðãi Thừa, theo truyền thống đã được coi là những sự phơi bày của Giáo Pháp và đã trở thành một phần sống động trong tư tưởng tôn giáo và triết lý của người châu Á. Chính tính chất sống động nầy trong các kinh điển Phật Giáo tạo dựng nên tôn giáo. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng không có gì sai khi coi chúng là sản phẩm của một sự cố gắng cẩn trọng và nhiệt thành của những đệ tử đều tiên để trao truyền những giáo pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni như chính Ngài đã bày tỏ trong năm mươi năm sau khi chứng ngộ cho hậu thế. Khoa ngữ văn luận khảo nầy không có khả năng chứng minh hay bác bỏ, và chúng ta không để nó lôi kéo chúng ta ra khỏi mối quan tâm đến vấn đề quan trọng hơn nhiều là nội dung của các Kinh điển.

Ở đây chúng ta đối diện với một vấn đề gây khó khăn cho các sinh viên Phật học và những văn bản Phật Giáo truyền qua các thời kỳ, đó là, nếu những văn bản nầy trong nền tảng đều là những giáo pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni, vì sao chúng đôi khi có những điểm khác nhau và ngay cả còn mâu thuẩn nhau. Ðể cố gắng giải thích những khác biệt và mâu thuẩn đó, chúng ta cần ghi nhớ điều sau đây.

Ðiều đầu tiên là trong thời gian năm mươi năm giảng dạy, chúng ta đoán một cách dễ dàng rằng có một sự thay đổi và tiến bộ trong cách thức Ðức Thích Ca Mâu Ni trình bày tư tưởng của Ngài. Ngài đạt đến sự giác ngộ dưới gốc Bồ đề tại Bồ Ðề Ðạo Tràng (Buddda-gaya) và sau đó giảng bài Pháp đầu tiên tại Vườn Nai ở Ba La Nại (Benares). Nhưng có lý nào Ngài đã lặp đi lặp lại cùng một bài Pháp ngày này qua ngày khác, năm nầy qua năm khác? Tôi không thể nghĩ như vậy. Mặc dù nền tảng sự chứng ngộ của Ngài không khác, Ngài phải thường xuyên suy nghĩ về việc làm cách nào hay nhất để giải thích kinh nghiệm chứng ngộ của Ngài và ý nghĩa của nó cho quần chúng. Chắc chắn với trí tuệ, chúng ta sẽ thấy rằng Ngài giải thích nó bằng nhiều cách thức khác nhau tùy theo hoàn cảnh.

Trước tiên, chắc chắn Ngài lưu ý đế khả năng của người nghe trong mỗi dịp khác nhau để điều chỉnh bài giảng của Ngài cho thích hợp. Và ngay cả khi dạy cho từng cá nhân, như một trong những đệ tử thân cận của Ngài, đương nhiên chúng ta có thể nghĩ rằng Ðức Thích Ca Nâu Ni thay đổi nội dung bài giảng theo sự tiến bộ tâm linh của người đó, hướng dẫn người đó từng bước đi vào những chỗ ẩn áo hơn của Giáo Pháp. Ngài chăm sóc tối đa trong việc hướng dẫn nhũng thành viên trong giáo hội mới như vậy, nuôi dưỡng và khuyến khích những khả năng cá nhân của mỗi người cho đến khi tất cả đều chứng ngộ Phật Tánh.

Chúng ta cần lưu ý ảnh hưởng mà nhờ đó Giáo Ðoàn Phật Giáo đã lớn mạnh và phát triển với phương pháp và nội dung trong giáo pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni.

Ðức Thích Ca Mâu Ni bắt đầu công việc giảng dạy của Ngài với tư cách của một cá nhơn đơn độc đối đầu với thế giới trí tuệ của Ấn Ðộ cổ thời. Ðầu tiên ngài xuất hiện truyền giảng giáo pháp lấy các nhà ẩn tu, những hành giả tu tập các phương pháp khổ hạnh của các tôn giáo, làm đới tượng chính, bác bỏ nhũng quan điểm Bà la môn và của sáu phái ngoại đạo, và trình bày hệ thống tư tưởng riêng của chính ngài được xây dựng trên sự giác ngộ thâm sâu mà ngài đã đạt đến. Khi con số những nhà ẩn tu đáp ứng với giáo pháp của ngài tăng lên, họ tạo nên Giáo Ðoàn Phật Giáo, và Ðức Thích Ca Mâu Ni theo đó đưa ra một số giáo lý và giới luật để hướng dẫn và rèn luyện nhóm người. Chúng ta có thể giả thiết rằng trong những năm tiếp sau ngày Phật nhập diệt, những lời dạy đầu tiên nầy được sắp xếp để trở thánh những kinh A Hàm (Agama). Chắc chắn các kinh điển A Hàm liên hệ một cách mật thiết với giới luật tu viện và thường có nội dung chắp vá, chứng tỏ rằng chúng đại diện một việc làm sưu tập những lời dạy của Ðức Thích Ca Mâu Ni cho những đệ tử trực tiếp của ngài bằng những sự hướng dẫn đặc biệt.

Khi tiếng tăm của Ðức Thích Ca Mâu Ni truyền xa, có những người khác hơn là những đệ tử của ngài đến để nghe Pháp. Có thể Ðức Thích Ca Mâu Ni đầu tiên không có ý định xây dựng một giáo đoàn chặc chẽ và ngay cả không cho phép tu sĩ dưới sự hướng dẫn của ngài đi từng nhóm đông đảo. Chính ngài cũng chỉ lấy một số tối thiểu đệ tử đi với ngài khi ngài làm những cuộc du hóa, điều quan tâm thường xuyên của ngài là truyền bá Phật Pháp vào trong mọi lãnh vực xã hội. Cũng có thể rằng ngài đã rèn luyện các đệ tử của ngài trước hết để họ có thể trở thành những vị thầy của quần chúng, việc làm ngài vui lòng nhất là sau khi họ đã tự mình giác ngộ, họ đi đến những xứ xa để giải thoát những khổ đau cho quần chúng.

Kết quả của những hoạt động giảng dạy nầy là trong hàng ngũ tín đồ Phật Giáo, không phải chỉ có giới tu sĩ mà còn có một khối lượng lớn tín đồ tại gia. Trong thời gian bốn mươi năm truyền dạy Giáo Pháp sau khi giác ngộ, Ðức Thích Ca Mâu Ni đã có một số lượng thính giả lớn lao khao khát đươc nghe những lời giảng dạy của Ngài. Lúc bấy giờ Ngài đã trên bảy mươi, và chúng ta không ngạc nhiên khi thấy rằng đó là lúc Ngài quyết định phơi bày trí tuệ tối hậu về Chân Lý cho thế gian để nó được lưu truyền đến hậu thế.

Trong những năm cuối cùng, Ðức Thích Ca Mâu Ni lấy vùng lân cận Ma Kiệt Ðà (Magadha), một trong những quốc gia tiến bộ nhất của Ấn Ðộ lúc bấy giờ và là một trung tâm của những hoạt động trí tuệ, làm địa bàn chính để giảng dạy. Chúng ta có thể tưởng tượng những đại biểu của những cộng đồng Phật Giáo rải rác trên khắp Ấn Ðộ tập trung về Vương Xá (Rajagaha), thủ đô của nước Ma Kiệt Ðà, để được gần gũi đức Thích Ca Mâu Ni trong những năm cuối cùng của ngài. Ở những vùng phụ cận thuộc đông bắc thủ đô, có một ngọn núi tên là Linh Thứu (Gridhrakuta), và chính nơi đây Ðức Thích Ca Mâu Ni đã giảng Kinh Pháp Hoa.

Phẩm mở đầu của Kinh Pháp Hoa (phẩm Tựa), dùng làm phần giới thiệu Kinh, diễn tả số đại chúng lớn lao và uy nghi tụ hội về để nghe Ðức Thích Ca Mâu Ni giảng Pháp trong dịp nầy. Như chúng ta được cho biết, họ gồm có mười hai ngàn vị tỳ kheo xuất sắc, trong đó có những đại đệ tử của đức Phật như A Nhã Kiều Trần Như (Anyatta Kaundanna), Ma Ha Ca Diếp (Mahakashyapa), Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (Uruvela Kashyapa), Dà Da Ca Diếp (Gaya Kashyapa), Na Ðề Ca Diếp (Nadi Kashyapa), Xá Lợi Phất (Shariputra), và Mục Kiền Liên (Maudgalyayana); các tỳ kheo ni Ma Ha Ba Xà Ba Ðề (Mahaprajapati) và Da Du Ðà La (Yashodhara) và sáu ngàn quyến thuộc; tám mươi ngàn vị Bồ tát trong đó gồm có Văn Thù Sư Lợi (Manjushri), Quán Thế Âm Bồ tát (Avalokiteshvara), Dược Vương Bồ tát (Bhaishajya-raja), và Di Lặc Bồ tát (maitreya); các vị Trời Tứ Thiên Vương, tám vị Long vương, và vua A Xà Thế (Ajatashatru), vua nước Ma Kiệt Ðà (Magadha).

Hình dung đoàn người nầy, chúng ta lưu ý thấy nó bao gồm đại diện của mười cõi. Kinh Pháp Hoa, nói tóm lại, là sự tỏ lộ triết lý cơ bản về nguồn sống, và vì vậy mọi loại chúng sanh đã có mặt trong sự tỏ lộ nầy, như được diễn tả trong phẩm tựa.

Trong phẩm thứ hai, phẩm Phương Tiện, Ðức Thích Ca Nâu Ni bày tỏ cho đại chúng biết rằng điều mong muốn suốt đời của Ngài là mọi chúng sanh đều giác ngộ Phật Tri Kiến. So sánh với những lời dạy trước kia, chúng ta thấy ở đây một sự bắt đầu của giai đoạn mới trong quá trình phát triển của Giáo Pháp. Ngay cả những vị đệ tử đã theo Phật trong bốn mươi năm, cho đến lúc nầy, cũng chưa từng mơ tưởng rằng mình sẽ thành Phật, có nghĩa là đạt đến cùng một cảnh giới của thầy họ là đức Thích Ca Mâu Ni, điều mà họ khó có thể tưởng tượng được.

Ngày nay chúng ta đã quen với lối suy nghĩ rằng Phật Giáo là tôn giáo dạy cho mọi chúng sanh đều giác ngộ Phật Tánh. Và khi kinh nghiệm vô số thất bại và phiền muộn làm rối bời chúng ta, chúng ta khó có thể nghĩ rằng chúng ta có đủ tư cách để đạt đến trình độ thăng hóa đó. Không có gì ngạc nhiên khi ngài Xá Lợi Phất và những đệ tử thân cận khác của đức Thích Ca Mâu Ni, phản ảnh cùng một cách về những nhược điểm của họ, thấy đức Thích Ca Mâu Ni quá cao xa bên trên họ và nghĩ rằng họ không bao giờ có thể ngang bằng với Ngài. Nhưng ở đây, trên ngọn núi Linh Thứu, đức Thích Ca Mâu Ni đã tuyên bố rằng mục đích của ngài là khai mở tri kiến Phật cho tất cả chúng sanh. Quả thật, điều nầy có thể làm chấn động những người nghe, một tuyên bố làm chấn động quả đất.

Trong phẩm Phương Tiện, đức Thích Ca Mâu Ni nói: "Trong tất cả các cõi Phật ở mười phương, chỉ có một giáo pháp duy nhất, không hai, không ba," và tuyên bố thêm: "Tất cả chư Phật và Thế Tôn hiện ra nơi thế gian chỉ có một mục đích quan trọng duy nhất." Các ngài hiện ra nơi đời, ngài nói tiếp, vì các ngài muốn khai mở tri kiến Phật ở trong tất cả mọi chúng sanh, chỉ cho tất cả chúng sanh tri kiến Phật, làm cho tất cả mọi chúng sanh giác ngộ tri kiến Phật, đưa tất cả chúng sanh vào trong tri kiến Phật." Ngài còn đi xa hơn: "Ta muốn cho tất tất cả chúng sanh được như ta không khác." Và trong những phẩm tiếp theo, ngài dùng những chuyện ngụ ngôn và thí dụ để làm sáng tỏ nghĩa đó, đánh thức tri kiến của họ và thọ ký cho họ sẽ thành Phật.

Theo Kinh, ngài Xá Lợi Phất và các vị Thanh văn khác nhảy múa vui mừng khi nghe những sự thọ ký của Ðức Phật. Và trên đỉnh Linh Thứu thật sự đã diễn ra một quang cảnh tưng bừng, một biểu lộ của sức sống lên đến chiều cao tột cùng. Cuộc nhóm họp lớn lao nầy và những việc xảy ra ở đó sẽ không bao giờ phai trong tâm khảm sâu thẳm của mọi người hiện diện.

 

ĐỆ TỬ THANH VĂN VÀ BỒ TÁT ĐẠI THỪA

Như chúng ta đã thấy, những nghiên cứu triết học cho rằng những kinh điển Ðại Thừa là sản phẩm có sau những kinh điển Tiểu Thừa. Giờ đây chúng ta thử đặt vần đề tại sao như vậy. Phải chăng những kinh điển Ðại Thừa đại biểu cho giai đoạn lớn mạnh và phát triển về sau của hệ thống? Hay trong một mức độ nào đó, chúng đã có mặt từ đầu, theo một giòng truyền thừa riêng biệt với kinh điển A Hàm của Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada), âm thầm phát triển qua nhiều thế kỷ và có được hình thức như ngày nay ở vào thế kỷ thứ nhứt trước Tây lịch. Như tôi có nói, chúng ta không có bằng chứng rõ ràng nào để làm cơ sở cho một sự phán xét quyết định.

Chúng ta đã có dịp phỏng đoán rằng Ðức Thích Ca Mâu Ni trong năm mươi năm truyền Pháp của Ngài đã trình bày những giáo pháp khác nhau ở những giai đoạn khác nhau. Nếu như vậy, chúng ta có thể giả thiết rằng giáo pháp của Ngài trong các giai đoạn khác nhau, sau khi Ngài nhập diệt, được truyền xuống dưới những hình thức tùy theo khuynh hướng hay truyền thống đặc biệt nằm trong toàn bộ của giáo lý Phật Giáo. Ðiều nầy có thể giải thích sự hình thành của các loại kinh điển khác nhau phản ảnh tư tưởng của những truyền thống khác nhau trong đạo.

Chúng ta cũng đã nói rằng những dị biệt về nội dung và hình thức nầy trong những lời dạy của Ðức Thích Ca Mâu Ni do từ việc chúng đã được truyền lại từ những thành viên của giáo đoàn tu sĩ hay từ tín đồ trong cộng đồng cư sĩ. Các tu sĩ, nhưng chúng ta đã thấy, có khuynh hướng khép mình bên ngoài xã hội. Trong những lời dạy của Ðức Thích Ca Mâu Ni, họ tỏ ra ưa thích nhất những vấn đề về giới luật được dùng để bảo vệ giáo đoàn trong cộng đồng tu viện, hoặc với sự phân tích và giải thích tỉ mỉ giáo lý , việc có thể thực hiện tốt nhất trong tu viện yên tĩnh và nhàn hạ. Công việc của Kỳ Kết Tập Lần Thứ Nhất dường như chính yếu là nhắm vào việc kết tập một bộ nguyên tắc chỉ đạo như vậy cho công đồng tu sĩ, và các kinh điển của những bộ phái Phật Giáo đầu tiên, tập sự trung quan tâm vào A Tỳ Ðạt Ma (Abhidharma), cũng nằm trong một kích thước giới hạn tương tự.

Ngược lại, chúng ta có thể chắc chắn rằng khi những tín đồ đầu tiên của lý tưởng Bồ tát, những người quan tâm đến việc truyền bá giáo pháp vào xã hội, kết tập những kinh điển của họ, họ đặt nặng sự quan tâm vào những kinh điển thích hợp và hấp dẫn tín đồ tại gia và các thành phần trong quần chúng nói chung. Nhiều kinh điển Ðại Thừa làm cho chúng ta chú ý với sự sử dụng một cách khéo léo những ngụ ngôn và nhiều hình thức văn chương khác, và được viết thành những mẫu chuyện đơn giản dễ dàng cho hàng thính giả bình thường hiểu được. Chính vì sức thuyết phục của hàng tín đồ Ðại Thừa mà đức Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy không chỉ cho các vị ẩn tu và những thành phần trí thức, mà cho tất cả mọi tầng lớp nam nữ. Chính hình thức sau nầy của giáo pháp ngài dạy là cái mà họ đã cố gắng gìn giữ và lưu truyền.

Nhiều học giả, thay vì nhận thấy rằng hai trào lưu nầy trong Phật Giáo không ít thì nhiều đã xảy ra đồng thời, cho rằng đường lối tu viện là hình thức đầu tiên của Phật Giáo, còn phong trào Ðại Thừa và lý tưởng Bồ tát chỉ ra đời về sau và là một phản ứng chống lại tính chất tu viện. Lối nhìn nầy phản ảnh quan điểm phê bình và lịch sử của phần lớn các học giả Phật Giáo ngày nay.

Tuy nhiên, tôi có cảm tưởng, ít nhất trên nền tảng về những chứng cớ chúng ta có ngày nay, thật là quá sớm để chúng ta có thể tuyên bố một cách độc đoán rằng Kinh Pháp Hoa và những kinh điển Ðại Thừa khác là sản phẩm thuần túy của những thế hệ về sau và không có mối liên hệ gì với những lời dạy của Ðức Thích Ca Mâu Ni. Nội chiếu và ngưỡng vọng tôn giáo của loài người, đối với tôi, quá phức tạp và vi ẩn để có thể được giải thích trên nền tảng lịch sử hay xã hội, như giới học giả ngày nay rất thường làm. Ðã đến lúc chúng ta bắt đầu đặt vấn đề với những khuynh hướng đó của giới học giả ngày nay. Theo cái nhìn cá nhân, tôi thấy việc tin tưởng rằng những tư tưởng nền tảng được trình bày trong kinh Pháp Hoa và những kinh điển Ðại Thừa khác có nguồn gốc từ những lời dạy của đức Thích Ca Mâu Ni là điều lợp lý hơn là coi chúng như những khuynh hướng phát triển về sau, và vì không có gì để có thể bác bỏ quan điểm của tôi, tôi giữ quan điểm nầy.

Những khuynh hướng tu viện hẹp hòi bị Ðại Thừa phê bình không phải chỉ có sau khi đức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, nhưng đã phải có mặt trong Giáo Ðoàn ngay lúc Ngài còn sinh tiền. Chúng ta có thể chắc chắn rằng lúc bấy giờ đã có những người chỉ tìm cầu sự giải thoát cá nhân và từ chối công việc truyền bá Giáo Pháp vào giới tại gia và quần chúng nói chung. Và chúng ta không nghi ngờ rằng Ðức Thích Ca Mâu Ni thỉnh thoảng đã khiển trách họ nặng nề và cố gắng dạy họ sửa đổi những sai lầm nầy.

Xa hơn, mặc dầu không phải là một sự tranh luận có liên quan đến vấn đề lịch sử được đề cập ở trên, chúng ta cũng nên ghi nhận rằng Kinh Pháp Hoa không đơn thuần bác bỏ lý tưởng Thanh văn và Bích chi là mục đích của những cộng đồng tu viện Tiểu Thừa. Kinh Pháp Hoa phơi bày những nguyên lý về sức mạnh của sự sống, bao gồm cả hai giới nầy trong mười giới. Ðây là một bản Kinh không dành cho những việc bác bỏ hạn hẹp, nhưng để hiển bày những chân lý phổ quát có thể áp dụng cho toàn nhân loại, chính vì vậy mà nó được tụng đọc một cách rộng rải trong quá khứ ở Ấn Ðộ, Trung Hoa, Nhật Bản, và tiếp tục cho đến ngày nay.

Kinh Pháp Hoa phủ định "ba thừa" Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát, và thay vào bằng "một thừa," độ thoát tất cả chúng sanh. Một số học giả cho rằng một sự tranh cãi đã xảy ra trong những thế kỷ sau khi đức Phật nhập diệt giữa tín đồ theo lý tưởng Thanh văn và Duyên giác với những tín đồ theo lý tưởng Bồ tát, và Kinh Pháp Hoa là sáng tạo khôn khéo dùng để chấm dứt sự tranh cãi, đưa ra một mức độ cao hơn bao quát cả hai lý tưởng kia.

Theo tôi, đó là một lý lẽ nhấn mạnh quá đáng vào văn tự của Kinh khi nó được hình thành dưới hình thức chữ viết, không lưu ý đến những tư tưởng đã được truyền bằng miệng như thế nào trước khi chúng được viết thành văn tự. Hơn nữa, lý lẽ đó hình như có nền tảng trên tiền đề cho rằng đức Thích Ca Mâu Ni không có liên hệ gì với Kinh Pháp Hoa và trên sự cố ý bảo thủ quan điểm nầy. Tuy nhiên, như đã trình bày sơ qua ở trước, tôi không thể chấp nhận tiền đề đó, dù cho những lý luận để củng cố quan điểm đó có vẻ hợp lý thế nào. Lý do là đối với tôi dường như nó nằm trong vấn đề của toàn bộ động năng đã khiến Ðức Thích Ca Mâu Ni từ bỏ gia đình, tìm cầu giác ngộ, và giảng dạy Giáo Pháp.

Gần như hầu hết tín đồ và sinh viên Phật Giáo đều đồng ý là đức Thích Ca Mâu Ni đã không tìm cầu sự giác ngộ cho riêng mình. Ngài tìm sự giác ngộ để có thể chỉ dạy con đường giác ngộ cho người khác và giải thoát họ khỏi những khổ đau và phiền muộn của cuộc sống con người. Kết quả của sự tu tập là Ngài giác ngộ rằng chính ngài là một vị Phật. Và năm mươi năm tiếp theo, khi ngài giảng dạy Giáo Pháp và cố gắng truyền đạt cho người khác con đường giác ngộ của Phật, theo tôi Ngài phải đặt mục tiêu tối hậu là khai thị cho người khác thấu rõ rằng họ cũng là những vị Phật. Nếu không, nhiệm vụ của ngài trở thành vô nghĩa. Nói một cách khác, nếu đức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt trước khi Ngài giảng dạy về khả năng chứng ngộ tri kiến Phật của tất cả mọi chúng sanh như được trình bày trong Kinh Pháp Hoa, thì chúng ta có thể nói rằng cuộc đời của ngài đã thất bại.

 

SỰ TRUYỀN BÁ CỦA PHẬT GIÁO SAU KHI ĐỨC THÍCH CA MÂU NI NHẬP DIỆT

Mười Ðại Ðệ Tử và những tăng sĩ khác trực tiếp tu học với đức Thích Ca Mâu Ni phải biết rất thấu đáo những giáo lý gì ngài đã dạy, nơi chốn và thời gian được dạy. Và nếu chúng ta chấp nhận quan điểm nầy, chúng ta chỉ có thể kết luận rằng vì lý do nào đó, họ không hểu được những giáo lý quan trọng nhất của ngài, những giáo lý đã phải được dạy trên cơ sở của nguồn sống. Trên quan điểm mười pháp giới mà con người sống trong đó, họ kẻ một lằn ranh vững chắc giữa cảnh giới cao nhất, cõi Phật, và những cảnh giới thấp hơn như Bồ tát, Duyên giác và Thanh văn.

Chính Kinh Pháp Hoa lần đầu tiên xóa bỏ lằn ranh nầy, chỉ rõ Giáo Pháp nền tảng hiện hữu trong nguồn sống. Việc cảnh giới Phật Ðà đồng nhất với chín cảnh giới khác, và ngược lại, trở nên rõ ràng. Việc tất cả mọi người có khả năng ngang nhau trong việc chứng ngộ tri kiến Phật cũng trổ nên rõ ràng, và không còn cần thiết đặt vấn đề các vị đệ tử có hiểu những giáo lý mà đức Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy trong bốn mươi năm đầu như thế nào, hay đặt câu hỏi phỏng những người cư sĩ có tiến bộ đúng mức trong việc tu tập giáo pháp hay không? Ngay cả sự phân biệt giữa tu sĩ và cư sĩ cũng không còn quan trọng.

Không cần phải nói, khi nguyên lý bình đẳng nầy được chấp nhận, và cả giới tại gia và tu sĩ được coi như có khả năng ngang nhau trong việc chứng ngộ Phật Tánh, thì vấn đề đặt ra là tại sao một người cần trở thành tu sĩ. Thực tế chúng ta có những chứng cớ rõ ràng rằng những nghi ngờ liên quan đến vấn đề nầy đã khởi lên trong Giáo đoàn những năm sau khi đức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt và là đề tài tranh luận lâu dài. Trong Kinh Di Lan Ðà Hỏi Ðạo, chẳng hạn, có một cuộc thảo luận về vấn đề nầy. Vị đại đức Tỳ kheo Na Tiên (Nagasena), chúng ta có thể ghi nhận, kết thúc cuộc tranh luận bằng việc đưa ra ý kiến rằng người cư sĩ tại gia, vì đã thực hành những pháp môn tu tập trong những đời trước, có thể chứng được Phật Tánh không cần phải trở nên tu sĩ. Ðó là tin mừng an ủi chúng ta, những người cư sĩ, những người có thể coi như mình đã hoàn tất những hạnh khổ trong những kiếp trước.

Trở lại với sự nghiêm túc, trong thực tế có sự khác biệt lớn lao giữa đường lối người tu sĩ và người cư sĩ làm việc để giải thoát người khác hay không? Cả hai đều tìm cách thực hành Ðạo của đức Phật, và mặc dù mỗi người, vì cách sống khác nhau, có thể đi đến mục đích trong cách thế khác nhau, chỉ làm thế nào họ có thể hợp tác nhiều hơn một cách hữu hiệu. Chắc chắn không có lý do gì để họ hành động đối nghịch nhau. Và, buồn mà nói, cộng đồng Phật Giáo trong những năm sau khi đức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt dường như thật sự đã chia rẽ thành hai khối, Tiểu Thừa quy tụ xung quanh giáo đoàn tu sĩ, và Ðại Thừa quy tụ xung quanh những người lãnh đạo tại gia. Và sự đối nghịch bất hạnh nầy giữa tu sĩ và cư sĩ chắc chắn là một trong những nhân tố tạo nên sự suy tàn và biến mất của Phật Giáo Ấn Ðộ vào khoảng năm 1000 Sau Tây lịch.

Người ta có thể tự hỏi có phải Ðức Thích Ca Mâu Ni đã thấy trước mối nguy cơ của một sự mâu thuẩn như vậy, và nếu thế, Ngài đã có những biện pháp gì để chặn đứng nó? Cảm tưởng của riêng tôi là, với những năng lực tâm thức lơn lao của ngài, ngài phải đã thấy trước mối nguy cơ và làm mọi cách có thể được để giảm bớt việc đó. Một vài biểu lộ về vấn đề nầy được thấy trong những kinh điển đầu tiên, trình bày đường lối khá nghiêm khắc trong đó Ngài hướng dẫn cách sống hàng ngày của những đệ tử xuát gia trực tiếp của Ngài, để ngăn ngừa họ khổng bị rơi vào chủ nghĩa bè phái nhỏ nhoi. Chắc chắn chứng cớ hiển nhiên nhất cho mối quan tâm của Ngài là Ngài đã triệu tập một cuộc nhóm họp chung các vị đại biểu chẳng những chỉ từ giới tu sĩ và cư sĩ Phật giáo, mà từ mọi tầng lớp xã hội của Ấn Ðộ và ở núi Linh Thứu giảng Kinh Pháp Hoa với giáo lý "nhứt thừa."

Tuy nhiên, dù cho những đề phòng mà ngài đã làm, không thể chối cãi sự thực lịch sử rằng giáo hội mà ngài thành lập đã rạn nứt làm hai sau khi ngài nhập diệt khoảng một trăm năm. Một nguyên nhân của sự việc đó, như tôi đã đề cập nhiều lần ở trước, là các giáo đoàn tu sĩ đã tự khép mình để trở thành một nhóm người tinh hoa cách biệt với xã hội. Phong trào Ðại Thừa, khi vừa khởi lên, tuyên bố rằng việc làm của họ là cần thiết vì các bộ phái Tiểu Thừa đã quay lưng lại với quần chúng và đã tử bỏ tinh thần giáo lý nguyên thủy của đức Thích Ca Mâu Ni.

Vì vậy, chúng ta có thể giả thiết rằng Kinh Pháp Hoa và những giáo pháp Ðại thừa khác do đức Thích Ca Mâu Ni dạy được lưu truyền chủ yếu là trong giới cư sĩ. Chúng không được gán danh hiệu Ðại Thừa cho đến khi phong trào lớn lao mang danh hiệu đó làm nổi bậc chúng, từ đó đem lại sự phục sinh thật sự cho Phật Giáo. Nhưng lý tưởng Bồ tát cứu độ tất cả chúng sanh của họ ngay từ đầu đã là một niềm tin ấp ủ trong giới cư sĩ của cộng đồng Phật Giáo.

Nếu đức Thích Ca Mâu Ni thấy trước một cách chính xác giáo pháp của ngài sẽ được truyền bá như thế nào sau khi ngài nhập diệt, tất Ngài đã nhận chân rằng không phải các đệ tử Thanh văn của Ngài hoặc những người kế thừa họ trong giáo đoàn tu viện sẽ truyền bá thông điệp Kinh Pháp Hoa, nhưng là những vị Bồ tát trong truyền thống Ðại Thừa. Trong bất kỳ trường hợp nào, chắc chắn rằng Ngài luôn luôn ấp ủ vấn đề ai sẽ thực hành và truyền bá Giáo Pháp sau khi Ngài nhập diệt.

Trong phẩm mười lăm của kinh Pháp Hoa, chúng ta nghe Ngài nói với đại chúng một cách trân trọng: "Thiện nam tử! Thôi đi, chẳng cầm các ông hộ trì Kinh nầy. Vì sao? Vì cõi ta bà của ta tự có chúng đại Bồ tát số đông bằng số cát của sáu muôn sông Hằng. Mỗi vị Bồ tát có sáu muôn Hằng hà sa quyến thuộc. Những người đó sau khi ta diệt độ có thể hộ trì đọc tụng rộng nói kinh nầy."

Theo đoạn Kinh trứ danh nầy, Ðức Thích Ca Mâu Ni biết rõ rằng những người sẽ truyền bá giáo pháp của ngài sau khi ngài diệt độ sẽ có thể gặp hoàn cảnh khó khăn và nhọc nhằn. Và thực tế việc truyền giảng Giáo Pháp chân thật đã gặp sự khó khăn lớn lao trong giai đoạn sau khi đức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt. Theo một quan điểm, chính sự đối nghịch chính trị và xã hội đối với Phật Giáo làm cho những thành viên Tiểu Thừa hạn chế cố gắng truyền bá giáo pháp vào trong xã hội. Trong thực tế, hoàn cảnh có thể làm cho họ không thể tranh thủ có hiệu quả với xã hội đương thời, cho dù họ muốn.

Ngay trong khi Ðức Thích Ca Mâu Ni còn ở thế gian, Phật Giáo cũng đã đối diện với một số chống đối và ngược đãi, như được trình bày trong "Chín Thử thách Lớn" mà đức Thích Ca Mâu Ni đã trải qua. Ðức Thích Ca Mâu Ni, biết rằng những khó khăn có thể lớn hơn sau khi Ngài nhập diệt, phải thường xuyên quan sát những đệ tử của Ngài với một cảm nghĩ lo ngại sâu xa, tự hỏi không biết có bao nhiêu ngừời trong số họ có khả năng gánh vác những khó khăn chờ sẵn họ và có can đảm đương đầu với xã hội. Có thể sự tiên đoán nầy làm cho Ngài mạnh mẽ lưu ý họ: "Thiện nam tử, Thôi đi!"

Ðể giới thiệu một hệ thống tư tưởng mới và chắc chắn nó sẽ được lưu truyền không chỉ năm mươi hay một trăm năm, nhưng năm trăm hay một ngàn năm, cho đến khi nó thổi được một ngọn lửa hưởng ứng trong tim của con người trên toàn thế giới - điều nầy, khi chúng ta không còn quan tâm đến, là một công việc vĩ đại. Xuyên qua suốt lịch sử nhân loại của cả Ðông và Tây, chưa bao giờ có một hệ thống tư tưởng được lưu truyền trong một thời gian lâu dài và không gian rộng lớn như Phất Giáo. Và để lưu truyền và xiển dương những giáo pháp của Kinh Pháp Hoa, một biểu lộ cao nhất của Phật Giáo, chắc chắn đã đòi hỏi những nỗ lực của một vị Bồ tát hay những vị Bồ tát có sự giác ngộ và tâm quyết định phi thường.

Nguyên Hảo dịch

12,112

The Lineage of Karmapas

Karmapa means “the one who carries out buddha-activity” or “the embodiment of all the activities of the buddhas.” The Karmapas have incarnated in this form of nirmanakaya, or manifestation body, for seventeen

329
LỜI KHUYÊN CỦA NGÀI LONG THỌ

LỜI KHUYÊN CỦA NGÀI LONG THỌ(Thư Gởi Cho Vua Gautamiputra)(I) TỔNG QUÁT VỀ ĐỨC HẠNHLời khuyên chung cho tăng sĩ và cư sĩ1/ Sáu Điều Ghi Nhớ: Sáu việc người Phật tử

18,581
TRAU DỒI BỒ ĐỀ TÂM - GAMPOPA

Hai mươi hai tương tự này xếp từ nguyện vọng thành tâm cho đến chứng ngộ Pháp thân. Hơn nữa, chúng sẽ được kể ra theo năm con đường.🍀 (1) Mong muốn

661
KIM CƯƠNG THỪA - KARMA THINLEY (Vị Karma Thinley thứ tư)

Kim Cương thừa hay là “thừa tantra” là mức độ cao nhất của con đường Phật. Trong các thừa thấp, hành giả theo một con đường dẫn đến giác ngộ ở tương

644
VƯỢT XA HƠN SỰ CẢM THỌ - SUNLUN SAYADAW (1878 – 1952)

Thiền sư Sunlun Sayadaw (1878 – 1952), Ngài có được tên gọi như vậy là vì Ngài đến từ hang động tu viện làng Sunlun ở gần Myingyan ở miền Trung Miến

1,691
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,232
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,669
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,569
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,339
Chùa Việt
Sách Đọc