6. HỌC VIÊN F (đàn bà, 45 tuổi)
Học viên: Khi đến trước thầy, tôi cảm thấy căng thẳng khắp cả người. Tôi ngờ có gì sai.
Lão sư: Đây là vấn đề của tâm. Đừng nghĩ, cũng đừng lấy làm phiền trong lúc tọa thiền. Chỉ thực hành với tâm bình tĩnh, tập trung sâu xa không cần gắng sức. Rồi sự căng thẳng sẽ biến mất và bà sẽ cảm thấy thư dãn.
Bà thực hành chỉ quán đả tọa có tốt không?
Học viên: Dạ không, không tốt chút nào hết.
Lão sư: Trong trường hợp ấy bà nên trở lại với bài tập theo dõi hơi thở cho đến khi nào bà có thể thực hiện tốt, sau đó bà có thể trở lại với chỉ quán đả tọa.
Học viên: Tôi đã cố gắng, nhưng đau quá. Tôi cảm thấy ngực tôi khá đau khi làm thế. Thầy biết tôi đã bị phiền về việc thở rồi.
Lão sư: Thế thì bắt đầu đếm hơi thở trở lại vậy. Bà có thể làm việc ấy dễ dàng không?
Học viên: Dạ được. Tôi nghĩ được.
Lão sư: Khi nào bà có thể tập trung luyện tập bài tập đó mà không đau hay khó chịu, hãy theo dõi hơi thở. Sau khi nắm vững được nó, bà hãy trở lại với chỉ quán đả tọa.
Học viên: Thầy có vui lòng nói lại giúp tôi đếm hơi thở như thế nào và theo dõi hơi thở như thế nào không?
Lão sư: Có nhiều cách đếm hơi thở khác nhau, như tôi đã giải thích trước, nhưng cách tốt nhất là: ở hơi thở ra thứ nhất, đếm “một,” ở hơi thở ra thứ hai, đếm “hai” và cứ như thế tiếp tục đến mười. Rồi trở lại với một và đếm cho đến mười. Bất cứ lúc nào bà bị mất đếm, hãy trở lại với một và bắt đầu lại.
Theo dõi hơi thở là làm như thế này: với con mắt tâm, bà cố hình dung hơi hít vào và rồi cố hình dung hơi thở ra. Chỉ thế thôi.
* * *
Học viên: Tối hôm qua, thầy bảo mọi người: “Những ai đang đếm hơi thở, cứ tiếp tục đếm hơi thở khi đi ngủ, như thế việc đếm sẽ tiếp tực trong tiềm thức.” Song tôi thấy rằng tôi quên đếm một cách khá tự nhiên khi hơi thở tôi nhịp nhàng, và khi nó không nhịp nhàng tôi phải đếm cho đến khi nó điều hòa trở lại. Tôi có nên đếm ngay cả khi hơi thở tự nhiên hơn để tôi ngừng đếm không?
Lão sư: Hãy tiếp tục đếm khi bà đi ngủ và bà sẽ ngủ một cách tự nhiên. Nhưng đếm hơi thở không phải là tâm thái tự nhiên. Nó chỉ là bước đầu đối với việc tập trung tâm bà. Bước kế tiếp là theo dõi hơi thở, nghĩa là cố gắng thấy rõ từng hơi hít vào và từng hơi thở ra. Cái này khó hơn vì bà không được chính sự đếm trở lại trợ giúp khi tâm bắt đầu lang thang. Ý niệm là hợp nhất tâm qua những bước tập trung kế tiếp nhau cho đến khi bà đạt đến điểm có thể thực hành chỉ quán đả tọa, mà như bà biết, nó không dính dáng gì đến đếm hơi thổ hay theo dõi hơi thở. Nó là hình thức tọa thiền thuần khiết nhất và hơi thở thì tự nhiên. Nhưng chỉ quán đả tọa cũng là hình thức tọa thiền khó nhất, vì bà không có vật gì phù trợ để nương tựa như trong các hình thức tọa thiền khác. Khi sự thực hành trưởng thành và sự tập trung khá mạnh, bà có thể thực hành chỉ quán đả tọa.
Nếu nhìn kỹ các bức tranh vẽ tư thế Phật nhập Niết bàn, bà sẽ thấy rằng: Phật nằm nghiêng bên phải, bàn tay phải kê dưới đầu, các chi thể của thân hợp với nhau. Đây là tư thế nằm ngủ tốt nhất. Điểm trọng yếu là khi đi ngủ, bà không nên nằm xuống với cái thở dài như trút bỏ gánh nặng: “Ôi, sung sướng làm sao vì ngày đã qua, bây giờ tôi có thể quên hết tọa thiền được rồi!” Đây là thái độ sai lầm.
Để trả lời trực tiếp câu hỏi của bà, nếu bà có thể tập trung được tâm mà không cần đếm thì không cần đếm.
Học viên: Tôi sợ tôi đã nói không rõ ràng. Những gì tôi muốn nói là như thế này: Khi hơi thở trở nên nhịp nhàng thì tôi quên đếm. Thế có được không?
Lão sư: Được. Tương tự bà chỉ theo dõi hơi thở cho đến khi nào bà thấy không cần nữa. Sau đó bà tọa thiền thuần túy. Cái này không dính dáng đến đếm hay theo dõi hơi thở mà chỉ thở tự nhiên.
7. HỌC VIÊN G (đàn ông, 25 tuổi)
Học viên: Mối liên hệ giữa tọa thiền và giới luật là gì? Tôi muốn hiểu rõ điều này.
Lão sư: Không kể tông phái, giáo lý và thực hành của Phật giáo có ba khía cạnh cơ bản. Đó là giới (kai) hay giới luật, định (jo) hay tọa thiền, và huệ (e) hay trí tuệ. Trong kinh Phạm Võng (Bommo-kyo) có giải thích mối liên hệ giữa ba cái này. Giới luật giống như nền nhà. Nếu một người sống không đúng đắn, do đó tạo ra bất an và phiền não cho chính mình và người khác, cái nền nỗ lực trong nhận thức tinh thần của người ấy bị phá hoại ngấm ngầm. Tọa thiền là khoảng trống để ở, tức là các phòng. Ấy là chỗ để nghỉ ngơi. Huệ có thể ví với các đồ vật trang bị và sử dụng trong nhà. Ba cái ấy có quan hệ với nhau. Trong tọa thiền, giới được giữ một cách tự nhiên, và qua tọa thiền người ta đi đến huệ. Như thế, các khía cạnh của Phật giáo bao gồm trong ba yếu tố này.
* * *
Học viên: Tôi đã thực hành chỉ quán đả tọa trước khi đến đây, ít nhất tôi cho là như thế. Thầy có vui lòng nói cho biết chỉ quán đả tọa là gì không?
Lão sư: Nếu anh đến dự khóa nhiếp tâm kế và nghe tất cả các bài nói chung, anh sẽ biết chi tiết về chỉ quán đả tọa. Trong khi chờ đợi, bây giờ tôi nói chút ít cho anh về nó.
Chỉ quán đả tọa là loại tọa thiền thuần khiết nhất, là phương pháp thực hành được phái Thiền Tào Động nhấn mạnh. Đếm hơi thở và theo dõi hơi thở là những phương pháp thích đáng. Một người chưa có thể bước đi vững vàng cần sự trợ giúp và tất cả các phương pháp là những trợ giúp như thế. Nhưng đương nhiên anh phải vứt bỏ chúng và bước đi một mình. Chỉ quán đả tọa là cách tọa thiền mà trong đó tâm anh, chỉ quan hệ kịch liệt với việc ngồi, không có gì để nương tựa, vì thế nó là phương pháp thực hành rất khó. Trong các phương pháp đếm hơi thở và theo dõi hơi thở bằng con mắt tâm, anh sẽ biết ngay nếu anh thực hành không đúng, Nhưng trong chỉ quán đả tọa, anh ngồi như thế nào dễ trở nên buông lơi vì không có khí cụ nào để tự kiểm soát mình. Trong chỉ quán đả tọa, anh ngồi như thế nào là có tầm quan trọng sinh tử. Lưng phải tuyệt đối thẳng, thân thẳng nhưng không căng. Trọng tâm phải ở vùng ngay dưới rốn. Nếu anh có thể ngồi xếp chân theo tư thế kiết già hay bán già, anh sẽ có được sự ổn định và quân bình tuyệt đối cũng như phong cách trang nghiêm và đại độ của Phật.
Học viên: Làm thế nào một người có thể nhận ra Tự tánh của mình? Tôi biết rất ít về vấn đề này.
Lão sư: Trước hết anh phải tin chắc rằng mình có thể làm được điều này. Tin chắc tạo ra quyết tâm và quyết tâm tạo ra nhiệt tình. Nhưng nếu anh thiếu sự tin chắc này để khởi đầu, nếu anh nghĩ: “Có lẽ tôi có thể làm được; có lẽ tôi không thể làm được;” hoặc tệ hơn nữa: “Điều ấy vượt quá khả năng tôi,” anh sẽ không bao giờ nhận ra Chân tánh mình dù cho anh năng đến nhiếp tâm hoặc thực hành tọa thiền lâu đến đâu.
* * *
Học viên: Sự khác nhau giữa tọa thiền công án và chỉ quán đả tọa là gì?
Lão sư: Tọa thiên công án có hai mục tiêu: giác ngộ (satori) và thể hiện sự giác ngộ trong cuộc sống hàng ngày. Công án giống như cục kẹo để dụ đứa bé còn lưỡng lự. Mặt khác, với chỉ quán đả tọa anh phải đơn độc thực hành trong năm năm hay mười năm hoặc hơn nữa, vì anh không nhận được sự khuyến khích nào như thế. Trong chỉ quán đả tọa, vì anh ngồi với lòng tin chắc rằng Bản tánh của mình không khác với Bản tánh của Phật, không có sự gắng sức có mục đích vì giác ngộ. Song anh phải tin rằng việc ngồi của mình một ngày nào đó sẽ đem đến kết quả giác ngộ.
Trong tọa thiền công án, với ngộ anh sẽ nhận ra rằng tọa thiền, khi được thực hành đúng, là thể hiện Phật tánh, và theo khía cạnh này, nó sẽ kết thúc nơi chỉ quán đả tọa chấm dứt, nghĩa là khi chỉ quán đả tọa lên đến tột đỉnh trong giác ngộ.
Đặc biệt trong chỉ quán đả tọa sự tập trung của anh phải tuyệt đối nhất tâm. Tâm anh, giống như tâm của một người bắn cung đang nhắm mục tiêu, phải tập trung cao độ, không có tạp niệm chen vào. Sự chệch hướng dù là nhỏ bé nhất cũng là vấn đề sinh tử.
Học viên: Trước đây thầy bảo rằng chỉ quán đả tọa quan hệ với sự tập trung đúng và tư thế ngồi đúng. Yoga cũng thế. Thế thì có gì khác nhau?
Lão sư: Tôi không biết nhiều về Yoga. Tôi hiểu rằng mục đích của Yoga như ngày nay nó thường được thực hành là tu dưỡng sức khỏe thể xác và tinh thần nhằm đạt sống lâu, và để thực hiện mục tiêu này nó có nhiều tư thế khác nhau. Các hình thức cao hơn của Yoga chắc chắn liên quan đến giác ngộ thuộc loại này hay loại khác. Nhưng sự giác ngộ ấy nhất thiết khác với sự giác ngộ của Phật giáo. Sự khác biệt chính là về mục đích. Trong chỉ quán đả tọa, anh không cần gắng sức vì ngộ một cách tự ý thức. Tốt hơn, anh hãy thực hành tọa thiền với lòng tin không lay chuyển rằng tọa thiền là thể hiện tâm thanh tịnh vốn có xưa nay, và một ngày nào đó anh sẽ nhận ra Bản tánh của Phật tâm này.
* * *
Lão sư: Anh có thể đếm hơi thở tốt không?
Học viên: Tôi có thể đếm, nhưng tôi không biết thế nào là tốt. Thầy nói “tốt” có nghĩa là gì?
Lão sư: Đếm tốt có nghĩa là có ấn tượng rõ ràng và phân biệt từng số khi đếm. Tốt cũng có nghĩa là không mất đếm.
Học viên: Tôi có thể làm được không mất đếm nhưng không phải lúc nào cũng rõ ràng.
Lão sư: Lúc đầu thì khó vì thường có khuynh hướng làm một cách máy móc. Anh phải thấm nhập trọn vẹn vào việc đếm. Tôi biết một người dạy tính toán bằng bàn tính, như anh biết nó là một dụng cụ để tính toán. Ông ta là một chuyên gia nhưng ông ta thấy khó mà đếm hơi thở cho tốt. Nếu tự mình nỗ lực và thành khẩn luyện tập đếm, dần dần anh sẽ có thể làm được dễ dàng.
* * *
Học viên: Tôi đang đếm hơi thở.
Lão sư: Anh có thể đếm rõ ràng và chính xác không?
Học viên: Không, thưa không. Tôi muốn hỏi là tôi muốn vừa đếm hơi thở vừa thực hành chỉ quán đả tọa cùng một lúc có được không?
Lão sư: Không, không được. Anh chỉ có thể đếm hơi thở một nửa thời gian ngồi và thực hành chỉ quán đả tọa nửa thời gian kia, nhưng anh không thể làm cả hai cùng một lúc.
Học viên: Tôi đã cố gắng làm đúng như thế, nhưng không thành công. Tôi cũng đã cố gắng chỉ đếm hơi thở thôi, nhưng cũng không được.
Lão sư: Anh không nên đếm một cách lơ đãng như đang ở trong trạng thái ngơ ngác. Anh phải dốc toàn tâm vào đó. Anh phải thấy rõ và chính xác từng số một. Thỉnh thoảng anh có bị mất đếm không?
Học viên: Có, thưa thầy. Có lẽ cái phiền là tôi không thấy mối liên hệ giữa việc đếm hơi thở và Phật giáo.
Lão sư: Mục đích của đếm hơi thở là làm tĩnh lặng những cơn sóng tư niệm xao động không ngừng do thói quen suy nghĩ cố chấp trong một thời gian dài. Với sự tĩnh lặng đó, tâm trở nên qui nhất và rồi chúng ta có thể trực nhận ra Yếu tánh của chúng ta. Đếm hơi thở là bước đầu cần thiết. Một phương pháp khác là luôn luôn tự hỏi: Chân tánh của tôi là gì?” hay “Chân tánh của tôi ở đâu?” Nhưng trừ phi có lòng tin kiên cố rằng mình có thể khám phá ra Chân tánh bằng cách này, thì sự thực hành sẽ chỉ là sự lặp đi lặp lại một cách máy móc và nỗ lực trở thành lãng phí. Anh nói anh không thể thấy được mối liên hệ giữa hơi thở và Phật giáo. Phật dạy rằng chỉ bằng cách trực nhân ra Tự tánh, chúng ta mới thực sự biết chúng ta là ai và là cái gì. Sự thuần khiết và trong sáng của tâm bị những cơn sóng tư niệm không dứt làm tròng trành, lăn lộn trong tâm, kết quả chúng ta thấy lầm mình như là những hiện hữu cá thể phải dương đầu với vũ trụ tạp đa. Tọa thiền là một phương tiện làm tĩnh lặng những cơn sóng ấy để có thể đem lại cái thấy bên trong chúng ta đến tiêu điểm chính xác, và đếm hơi thở là một kiểu tọa thiền.
* * *
Học viên: Thầy bảo tôi nên để nhiều năng lực hơn vào việc ngồi. Tôi đã cố gắng nhưng không thể tập trung lâu hơn mười lăm phút trước khi tâm tôi bắt đầu lang thang. Đến cuối buổi nhiếp tâm vừa qua tôi mới có thể tập trung khá hơn. Nhưng khi ngồi một mình, tôi tách rời và không thể vì sự sống của mình mà tập trung.
Lão sư: Khó mà ngồi một mình, nhất là lúc mới bắt đầu, đó là lý do tại sao chúng ta có những khóa nhiếp tâm. Tọa thiền cộng đồng dễ hơn vì có sự tương trợ và tăng sức cho nhau. Khi anh thực hành tọa thiền khá hơn, hãy lắng nghe các bài nói về nó, lần đầu tiên anh thực sự nếm được mùi vị của Thiền và qua kinh nghiệm này anh sẽ đi đến Tự tri đích thực.Vì thế, hãy ngồi thành khẩn. Sự tập trung của anh sẽ trở nên mạnh hơn, tinh thần và thể xác anh sẽ cảm thấy khá hơn.
* * *
Học viên: Tôi muốn hỏi thầy một lần nữa về việc thở. Thầy đã giải thích cho tôi biết tôi nên đếm hơi thở như thế nào, nhưng thầy chưa giải thích cho tôi nên theo dõi hơi thở như thế nào. Thầy có vui lòng giải thích cho không?
Lão sư: Sau khi anh bỏ đếm hơi thở, bước kế tiếp là theo dõi hơi thở. Ở đây anh chỉ theo dõi hơi hít vào bằng con mắt tâm và không để cho tâm chệch hướng. Khi thở ra, cũng làm như thế. Tất cả chỉ có vậy thôi.
Học viên: Còn cái dạ dày thì thế nào? Nó có nên vào và ra không? Tôi nghe nói rằng thay vì cử động lên xuống, nó phải vào và ra.
Lão sư: Dĩ nhiên có những kỹ thuật thở khác nhau. Những gì anh mô tả, tôi nghĩ, là thở theo cách nào đó của Yoga. Nó có thể là thích thú đấy nhưng không phải là phương pháp thở được biện minh ở đây. Anh nên luôn luôn giữ tâm ở vùng dưới rốn. Tâm anh ở tại điểm mà anh chú ý. Nếu anh tập trung ở ngón tay thì tâm ở ngón tay, nếu tập trung ở chân thì tâm ở chân. Với tâm tập trung ở dưới rốn, thì sinh lực của anh sẽ dần dần ổn định ở vùng đó.
Hãy sờ vào đây [chỉ phần bụng dưới] – [Học viên đặt bàn tay lên chỗ lão sư chỉ].
Khi tôi đặt sức ép ở đó thì nó cứng, phải không?
Học viên: Đúng vậy.
Lão sư: Với tâm tập trung ở vùng ấy qua một thời gian lâu thì năng lực của mình sẽ dễ dàng và tự nhiên ổn định ở đó, vì trọng tâm không còn ở đầu và vai nữa, và anh có thể sử dụng sức ép ở vùng đó theo ý muốn. Vì nó được neo ở đó như thế, chúng ta không nổi giận và mất tự chủ, tư tưởng và tình cảm của chúng ta được kiểm soát một cách tự nhiên.
Học viên: Tôi có một câu hỏi khác. Có phải trong phái Tào Động, bước đi hài hòa với hơi thở không?
Lão sư: Phải. Với một hơi thở đầy đủ hít vào và thở ra, anh bước bàn chân trái tương ứng với nửa bề dài của bàn chân phải. Cách của phái Lâm Tế là bước rất nhanh.
Học viên: Nhưng ở khóa nhiếp tâm này, phương pháp dường như là nửa Lâm Tế nửa Tào Động?
Lão sư: Đúng đấy. Ở đây chúng tôi dùng hệ thống của thầy tôi, Lão sư Đại Vân, người đã được sự huấn luyện rộng rãi ở phái Lâm Tế và chính người lại thuộc phái Tào Động, kết hợp cả hai lại.
* * *
Lão sư: Anh có câu hỏi nào không?
Học viên: Tất cả có thể nói là tôi bối rối.
Lão sư: Anh bối rối điều gì?
Học viên: Tôi không thấy mối quan hệ giữa đếm hơi thở và chỉ quán đả tọa.
Lão sư: Đó là hai việc khác nhau. Tại sao phải tìm mối quan hệ? Có phải anh thấy đếm hơi thở quá máy móc và không thích thú?
Học viên: Vâng, tôi nghĩ thế.
Lão sư: Có nhiều người giống anh. Thay vì đếm hơi thở hay thực hành chỉ quán đả tọa, tốt hơn anh nên suy nghĩ về một câu hỏi như: “Tôi là gì?” hoặc “Tôi từ đâu đến?” hoặc như Phật giáo dạy rằng “Tất cả chúng ta vốn toàn hảo, thế thì tôi toàn hảo như thế nào?” Thuật ngữ Thiền gọi những câu hỏi như thế là Bản Lai Diện Mục hay “Bộ mặt trước khi cha mẹ sinh ra của tôi là gì?”
Học viên: Đó có phải là một công án?
Lão sư: Phải, từ nay anh hãy ngừng đếm hơi thở va hãy nhiệt tâm hiến mình cho công án này.
* * *
Lão sư: Anh có vấn đề gì không?
Học viên: Tôi không có câu hỏi nào cả, nhưng tôi muốn nói với thầy một điều. Tối hôm qua tôi tự bảo: “May quá, mình không phải gắng sức vì ngộ, vì mình vốn đã ngộ rồi.”
Lão sư: Trong khi quả thực anh vốn là Phật cho đến khi nào anh nhận ra Phật tánh của anh, còn thì anh chỉ nói những lời vay mượn của người khác khi anh nói về ngộ. Mục đích của thực hành là để đưa anh đến kinh nghiệm này.
Học viên: Tôi chỉ thích ngồi với cảm giác biết ơn chân thật và không phải nghĩ về công án nào cả.
Lão sư: Hay lắm, hãy cố gắng ngồi chỉ quán đả tọa vậy. Nếu ngồi thành khẩn anh sẽ kinh nghiệm cảm giác biết ơn này. Sự thực khi anh ngồi theo tư thế kiết già như Phật ngồi và nhất tâm tập trung thì sự khai mở Phật tâm sẽ xảy ra dần dần. Đây là biểu hiện của Phật giáo sinh động, từ đó phát sinh lòng biết ơn chân thật. Hơn nữa, dù cho anh không khao khát ngộ, qua sự ngồi hăng hái và nhiệt tình anh cũng sẽ phát triển được định lực, kiểm soát được tâm và tình cảm, sức khỏe tinh thần và thể xác sẽ được cải thiện khả quan.
* * *
Học viên: Trước khi đến chùa này, tôi thường nghĩ: “Nếu tôi đi nhiếp tâm và tọa thiền tôi sẽ tích lũy được nghiệp tốt.” Bây giờ ở đây tôi không thấy mình được công đức gì cả.
Lão sư: Dù anh biết hay không, anh vẫn đang tạo nghiệp tốt trong suốt thời gian ở đây. Ngồi bao gồm cả ba yếu tố nền tảng của Phật giáo là giới, định, và huệ. Dĩ nhiên, rõ ràng là định càng mạnh, tâm càng phát triển vững vàng, và có lẽ ít hiển nhiên hơn, con mắt huệ dần dần mở ra khi bản tính thanh tịnh cố hữu được xóa sạch mê hoặc và ô nhiễm trong sự ngồi thành khẩn và toàn tâm. Về phần giới, rõ ràng người ta không thể sát sinh, trộm cướp hay nói dối trong lúc tọa thiền. Tuy nhiên, theo nghĩa sâu xa, giữ giới có nền tảng trong tọa thiền, vì qua tọa thiền, anh dần dần loại bỏ được cái mê hoặc cơ bản đưa con người đến tội ác tức là sự mê hoặc cho rằng thế giới và ta là ly cách tách rời. Vốn không có sự chia đôi như thế. Thế giới không đứng ngoài ta – nó là ta! Đây là nhận ra Phật tánh, chính từ đây sự giữ giới xuất hiện một cách tự nhiên và tức khắc. Chắc chắn khi anh nhận ra được Chân ngã, tất cả điều ấy mới có nghĩa, nhưng nếu không có kinh nghiệm ấy, những gì tôi vừa nói sẽ khó hiểu.
Học viên: Hay lắm, tôi không có ý gắng sức trở nên giác ngộ .
Lão sư: Cái ấy cũng được thôi. Ngồi vì mục đích tăng cường sức tập trung của mình cũng đáng quí vậy.
Học viên: Tôi nghĩ tốt hơn tôi không tìm ngộ.
Lão sư: Tọa thiền là biểu hiện của Phật giáo sinh động. Vì anh vốn là Phật nên việc ngồi của anh, nếu nồng nhiệt và quyết tâm, là thể thể hiện Phật tánh của mình. Đó là sự thật, chắc chắn vậy.
Học viên: Tôi ước chừng chúng ta không thể không đồng ý về bất cứ điều gì, phải không? [cười].
Lão sư: Bây giờ hãy về chỗ và thực hành nghiêm túc hơn nữa.
* * *
Học viên: Thầy có thể nói cho biết trong chỉ quán đả tọa cái gì là cốt yếu nhất?
Lão sư: Phẩm chất của sự ngồi là tối quan trọng. Lưng phải thẳng và tâm phải thẳng, bao giờ cũng phải canh chừng. Thân xiên lệch làm cho tâm xiên lệch, và ngược lại. Tâm phải hoàn toàn linh mẫn song không căng thẳng. Nếu nhìn bức tranh Bồ-đề Đạt-ma do Tuyết Châu (Nh. Sesshu) vẽ và nghiên cứu kỹ đôi mắt, anh sẽ thấy những gì tôi muốn nói. Bồ-đề Đạt-ma đang thực hành chỉ quán đả tọa. Đây là độ linh mẫn đòi hỏi: nếu anh ngồi thực hành chỉ quán đả tọa trong một góc phòng và một cánh cửa ở phía bên kia hé mở vài phân, anh sẽ tức khắc biết điều ấy.
* * *
Học viên: Đây là buổi nhiếp tâm cuối cùng của tôi vì tôi phải trở về Hoa kỳ vào tháng tới. Ở đó tôi có thể tu tập theo sự hướng dẫn của một tu sĩ Tào Động được không?
Lão sư: Được, nhưng tôi khuyên anh không nên để người ấy hướng dẫn về khía cạnh ngộ, trừ phi chắc chắn người ấy đã ngộ. Ngày nay rất ít tu sĩ Tào Động đã nhận ra Chân tánh và do đó, họ bô bô nói về kinh nghiệm ngộ, thực tế họ nói: “Vì vốn là Phật nên tất cả chúng ta đã ngộ rồi, tại sao phải cần ngộ nữa?” Nhung biện luận như thế là lừa dối, vì cho đến khi nào trực nhận ra được Phật tâm thì họ không thực sự biết được rằng họ có nó.
Học viên: Thế thì tôi có thể thực hành tu tập không có thầy được không?
Lão sư: Dù ở châu Mỹ không có thầy hay chỉ có một vị thầy tầm thường, anh cũng có thể tiếp tục thực hành Thiền bằng cách theo đúng những gì đã học được ở chùa này. Bất cứ một vị thầy nào, ngay cả một vị thầy chưa giác ngộ cũng có thể giám thị việc thực hành của anh được. Người ấy có thể kiểm tra tư thế ngồi và hơi thở, chẳng hạn, có thể hướng dẫn anh trong các khía cạnh khác nữa. Nhưng người ấy không nên cố truyền ngộ trừ phi người ấy đã ngộ và đã được thầy ấn chứng.
Học viên: Ồ vâng, điều này làm tôi nhớ đến một điều tôi muốn hỏi thầy. Sáng nay khi thuyết giảng, thầy có nói rằng sự giác ngộ của một người cần phải được thầy của người ấy xác nhận và chỉ bằng cách ấy, Thiền mới có thể gọi là chánh truyền. Tôi hoàn toàn không hiểu điều này. Tại sao phải cần ai xác nhận?
Lão sư: Khởi đầu từ Phật Thích-ca Mâu-ni, Phật giáo được chánh truyền từ thầy sang trò. Nơi nào sự giác ngộ của một vị thầy đã được thầy người ấy ấn chứng thì vị ấy có thể ấn chứng sự giác ngộ của các môn đệ bằng cách dùng kinh nghiệm giác ngộ của mình làm hướng đạo.
Anh hỏi tại sao cần phải như thế? Nó cần phải như thế, trước hết, để đảm bảo Phật giáo đích thực được truyền từ thầy sang trò. Nếu không làm như thế, ngày nay đã không có Thiền. Nhưng sự thực, anh không bao giờ tự mình chắc chắn rằng những gì mình cho là kiến tánh thực sự là kiến tánh. Với kinh nghiệm đầu tiên, hoàn toàn có thể phán quyết lầm về nó.
Học viên: Nhưng ngộ không là tự xác minh ư?
Lão sư: Không, nó không tự xác minh được. Thực tế, có nhiều thí dụ về những người mang danh là thầy mà không có giác ngộ gì hết. Giống như một người đơn độc đi tìm kim cương trong núi. Nếu y chưa bao giờ thấy kim cương thật, khi tìm được thủy tinh hay thạch anh hoặc một vài khoáng sản khác, y có thể nghĩ rằng mình đã tìm được kim cương thật. Nếu y có thể chứng minh vật tìm được qua một người đã có kinh nghiệm về kim cương, thì y có thể tin chắc được. Nếu không thế, y có thể bị lầm vì những viên đá sáng lấp lánh lắm.
Học viên: Việc truyền thừa từ Phật xuống hiện tại, có thật vậy không? Ấy là huyền thoại, phải không?
Lão sư: Không. Sự thật là như vậy. Nếu anh không tin thì tệ lắm.
8. HỌC VIÊN H (đàn bà, 37 tuổi)
Học viên: Tôi đang mang thai và có lẽ tôi sẽ không thể theo dự nhiếp tâm được nữa cho đến sau khi sanh cháu vài tháng. Làm cách nào tôi có thể tiếp tục tọa thiền ở nhà trong lúc còn mang thai?
Lão sư: Hãy tiếp tục tập trung vào công án hiện tại của bà. Khi có lời giải đáp nào đến, hãy cất nó lên kệ và cứ làm như thế khi tham các công án khác, và hãy trở lại với chỉ quán đả tọa cho đến khi nào bà đến trước tôi trở lại. Lúc ấy bà có thể chứng minh cái hiểu của bà về công án.
Bất cứ lúc nào bà cũng phải ngồi một cách dễ chịu, với tâm thấm nhập sâu xa song uyển chuyển và không có sự căng thẳng ở vùng dạ dày. Điều cuối cùng quan trọng. Ở Nhật người ta biết rõ rằng tọa thiền rất lợi ích cho tâm và tinh thần của thai nhi. Còn tốt hơn nữa nếu bà đặt trước bà một bức tranh Quan Âm khi bắt đầu tọa thiền. Như thế đạo hạnh của vị Bồ-tát này, như bà quán tưởng, sẽ ghi ấn tượng lên tâm của em bé chưa sinh.
* * *
Học viên: Công án của tôi là: “Hãy dừng lại ngay tại chỗ con thuyền xa xa đang vượt nước.”
Lão sư: Hãy chứng minh tinh thần công án như bà hiểu. [Học viên chứng minh]. Bà hiểu tinh thần đích thực của nó không?
Học viên: Dạ, thuyền và tôi không hai.
Lão sư: Đúng đấy. Khi bà trở thành một với thuyền thì nó không còn là vấn đề cho bà. Cuộc sống hằng ngày của bà cũng y như vậy. Nếu bà không tự tách rời mình với hoàn cảnh, bà sẽ không âu lo. Mùa hè bà tự thích nghi với cái nóng, mùa đông bà tự thích nghi với cái lạnh. Nếu bà giàu, bà sống cuộc sống của người giàu, nếu bà nghèo, bà sống với cái nghèo. Nếu lên thiên đường, bà thích thần; nếu rơi địa ngục, bà trở thành quỉ. Ở Nhật, bà sống như người Nhật; ở Ca-na-đa, bà sống như người Ca-na-đa. Sống như thế, cuộc sống không phải là vấn đề. Động vật có tính thích nghi này đến cao độ. Con người cũng vậy. Nhưng vì họ tưởng họ thế này hay thế khác, vì họ làm theo kiểu cách các quan niệm và ý tưởng bảo họ nên là cái gì hay nên sống như thế nào, lúc nào họ cũng sẵn sàng chiến tranh với chung quanh và với chính họ.
Như vậy, mục đích của công án này là dạy cho bà làm thế nào là một với mọi khía cạnh của cuộc sống.
9. HỌC VIÊN I (đàn ông, 30 tuổi)
Lão sư: Đây là khóa nhiếp tâm đầu tiên của anh, phải không?
Học viên: Vâng.
Lão sư: Hãy cho tôi biết tại sao anh muốn thực hành tọa thiền?
Học viên: Tôi muốn biết ý nghĩa của kiếp người, tại sao chúng ta sinh ra và tại sao chúng ta lại chết?
Lão sư: Đó là một lý do tuyệt diệu. Có nhiều cách giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, trước khi đi vào đó, hãy để tôi giải thích kiến tánh là gì? Ấy là nhìn thấy Chân tánh của mình và trực nhận ra rằng mình và vũ trụ một cách căn bản là Một. Một khi đã nhận ra điều này, anh sẽ biết đến tận đáy lòng ý nghĩa của kiếp người và do đó có được tâm bình an khởi xuất từ một nội kiến cách mạng như thế.
Con đường đi đến Tri thức như thế là qua tọa thiền. Như anh biết, có nhiều cách thực hành. Đếm hơi thở, theo dõi hơi thở, và chỉ quán đả tọa. Chỉ bằng những cách tu luyện này người ta mới đi đến ngộ được, nhưng cách nhanh nhất là qua công án.
Ngày xưa không có hệ thống công án, song nhiều người đã đạt Tự ngộ. Nhưng phải vất vả và mất nhiều thì giờ. Việc dùng công án đã bắt đầu khoảng một nghìn năm qua và tiếp tục cho đến hiện tại. Một trong những công án tốt nhất, vì đơn giản nhất, là công án Mu. Đây là vài nét cơ bản của nó: “Một ông tăng đến hỏi Triệu Châu, một Thiền sư Trung quốc nổi tiếng hàng trăm năm qua: ‘Con chó có Phật tánh không?’ Triệu Châu đáp: ‘Mu,’ nghĩa đen là ‘Không’ hay ‘Không có.’ Nhưng nghĩa thực lời đáp của Triệu Châu không nằm ở đấy. “Mu” là biểu hiện của Phật giáo sống, vận hành và động đích. Điều anh phải làm là khám phá ra cái tinh thần hay cốt tủy của Mu này, không phải bằng phân tích lý trí mà bằng cách tìm nó trong con người sâu kín nhất của mình. Rồi anh phải chứng minh nó trước tôi một cách cụ thể rằng anh hiểu Mu là chân lý sinh động, không theo chiều hướng suy nghĩ, lý thuyết hay giải thích trừu tượng. Hãy nhớ anh không thể hiểu Mu qua nhận thức thông thường mà phải trực tiếp nắm lấy nó bằng toàn bộ con người mình.
Đây là cách thực hành. Nếu có thể, hãy ngồi xếp chân theo tư thế kiết già hay bán già, hay ngồi xếp chân theo cách dễ chịu nhất. Ngay cả ngồi xếp chân cũng không được, hãy dùng một cái ghế. Lưng phải thẳng, đưa thân qua lại, trước bằng những vòng cung lớn rồi nhỏ đần, cho đến khi thân yên nghỉ ở chính giữa, rồi thở tự nhiên. Bấy giờ anh đã sẵn sàng bắt đầu tọa thiền.
Trước tiên, hãy thầm lặp đi lặp lại chữ Mu không phát ra tiếng, chỉ thầm trong tâm thôi. Hãy tập trung trở thành một với nó. Đừng nghĩ đến ý nghĩa của nó. Tôi lặp lại: Chỉ toàn tâm hợp nhất với Mu. Ban đầu, nỗ lực có tính cách máy móc, điều này không thể tránh được. Song dần dần toàn bộ con người mình sẽ nhập vào.
Vì tâm con người, ngay từ thuở ấu thơ, đã quen vận hành từ tâm điểm, giống như các tia sáng của bóng đèn tỏa ra ngoài. Mục đích ban đầu là đưa tâm đến một tiêu điểm. Sau đó có thể tập trung vào Mu, rồi tự hỏi: “Mu là cái gì?” – “Nó có thể là cái gì?” Anh phải hỏi câu này từ tận đáy lòng. Khi sự tra vấn đến độ kẹp chặt lấy anh như cái bàn kẹp để anh không thể nghĩ đến cái gì khác thì bỗng dưng anh sẽ nhận ra Chân tánh mình và kêu lên, “Ồ, bây giờ tôi biết rồi!” Với chân ngộ, vấn đề đau khổ và tử vong sẽ được giải quyết.
* * *
Lão sư: Anh có điều gì muốn nói?
Học viên: Vâng, khi chuông rung để mọi người đứng lên đi vòng quanh thì một bà lão bắt đầu khóc nức nở. Tôi không biết tại sao bà ấy khóc, nhưng người trưởng tràng bắt đầu đánh bà ấy bằng kích trượng. Ngay lúc ấy, tôi bỗng bắt đầu nghĩ đến ý nghĩa cuộc đời và tại sao con người đau khổ. Không nhận thức được, tôi cũng bắt đầu khóc và nước mắt tuôn trào. Tôi đã không khóc như thế từ khi còn là một đứa bé bảy tuổi. Điều này có nghĩa là gì?
Lão sư: Nhiều thay đổi sẽ xảy ra trong tâm khi anh tọa thiền nhiệt thành và sùng mộ. Cảm xúc của anh sẽ nhạy bén hơn, suy nghĩ của anh sẽ sắc sảo và rõ ràng hơn, ý chí của anh sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Trên hết, anh sẽ kinh nghiệm một cảm giác biết ơn. Vì cảm xúc của anh đã trở nên nhạy bén hơn và dễ đáp ứng hơn, nên khi anh nghe bà lão khóc, chính anh cũng khóc. Người ta đánh bà ta lúc ấy là để giúp bà ta, thúc giục bà ta dốc toàn lực.
Những gì xảy ra với anh cho tôi thấy anh đang tọa thiền nhiệt tâm và thành khẩn.
10. HỌC VIÊN J (đàn bà, 33 tuổi)
Học viên: Vị thầy cuối cùng của tôi đã chỉ định cho tôi tham công án Mu trong hai năm qua. Tôi đã tham nó, nhưng nói thẳng ra tôi không biết tôi đang làm gì. Dường như tôi đã lặp đi lặp lại một cách máy móc, tôi được bảo phải trở thành một với nó và bằng cách ấy tôi sẽ kiến tánh. Nhưng tôi không chắc mình biết ngay cả kiến tánh là gì. Trước khi đến chùa này, tôi thấy việc làm cho mình hiểu và hiểu những gì tôi đã được bảo cho đều khó cả, vì tôi chưa bao giờ có được một lời giải thích nào có giá trị tương xứng. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao tôi biết rất tệ.
Lão sư: Chỉ lặp đi lặp lại công án Mu một cách máy móc thì vô ích.
Kiến tánh là trực nhận ra rằng bà là cái gì còn hơn cả tấm thân mong manh và cái tâm giới hạn này. Nói một cách tiêu cực, ấy là sự nhận ra vũ trụ không ở bên ngoài bà. Và một cách tích cực, ấy là kinh nghiệm vũ trụ chính là bà. Bao lâu một cách ý thức hay vô ý thức bà nghĩ đến sự phân biệt giữa bà và người khác chừng ấy bà còn vướng trong sự chia hai ta và không phải ta. Cái này vốn không có trong Chân tánh mà chỉ là hư vọng do sáu thức sinh ra. Nhưng vì cái ta hư vọng này được đối xử như là một thực thể trong kiếp này và các kiếp trước, nó đã xâm chiếm đến lớp sâu nhất của tâm tiềm thức. Sự tập trung nhất tâm vào Mu sẽ đánh tan dần dần cái ý-niệm-ta này khỏi tiềm thức. Với sự xóa sạch hoàn toàn cái ta ấy, đột nhiên bà kinh nghiệm cái Một. Đây là kiến tánh.
Cách vận dụng công án này theo truyền thống Lâm Tế là để cho bà chiến đấu với nó dù muốn dù không. Bà lặp đi lặp lại “Mu là cái gì? Nó có thể là cái gì?” Câu trả lời đầu tiên đến với tâm bà, bà mang nó ra trước vị lão sư. Ông ấy lập tức gạt nó sang một bên, “Không, đó không phải Mu! Hãy tìm mữa đi!” Bà lại cố gắng nhiều lần nữa, nhưng mọi giải đáp mà bà có thể nghĩ hay tưởng tượng đều bị vị lão sư bác bỏ. Những cuộc gặp gỡ như thế thường chỉ kéo dài khoảng một vài phút. Đương nhiên sau những tháng năm kiệt quệ lý luận, tâm bà sẽ đạt đến điểm trống rỗng tất cả mọi hình thức tư niệm và bà sẽ đi đến hốt nhiên nhận ra Mu.
Với những môn sinh khao khát chân lý, phương pháp này có hiệu quả. Nhưng ngày nay, đa số môn sinh ít nhiệt tâm và ít dính vào đấy lắm. Còn tệ hơn nữa, những vị thầy bất tài thường thông qua cho những môn sinh chưa thực sự có kinh nghiệm tinh thần công án, để khuyến khích họ ở lại một thời gian nữa. Thầy tôi, Lão sư Đại Vân, người đã học và thực hành Thiền Lâm Tế nhiều năm, vì lòng từ bi vô lượng, đã tìm được cách loại bỏ những chiến đấu khốn khổ trong quá khứ đó bằng cách nói trước cho môn sinh biết rằng bất cứ ý nghĩ nào về Mu, dù tinh tế hay thô thiển đến đâu, cũng đều vô ích, và do đó họ phải dốc hết mọi nỗ lực để trở thành một với Mu. Nhưng cái nguy hiểm ở đây là hay lạc đường vào sự lặp đi lặp lại nó một cách máy móc. Tuy nhiên cũng có những người hoàn toàn không dính dự đến chuyện ấy. Đối với họ, công án Mu không có gì thú vị hết. Bất chấp khó nhọc đến đâu họ cũng cố gắng bám lấy nó mà nó thì không bao giờ bám lấy họ. Bà có thể là một trong những người như thế.
Học viên: Tôi thấy nó không thú vị gì chút nào.
Lão sư: Trong trường hợp đó, tốt hơn bà nên đổi công án. Tôi có thể chỉ định cho bà công án “Chích thủ” (Sekishu) hay “Tiếng vỗ của một bàn tay là gì?” hoặc công án “Bản lai diện mục” (Honrai no Memmoku) hay “Bộ mặt trước khi cha mẹ sinh ra là cái gì?” hay “Tôi là cái gì?” hay “Tôi là ai?” bất cứ công án nào bà thấy hấp dẫn nhất.
Học viên: Công án cuối cùng có nhiều ý nghĩa nhất.
Lão sư: Tốt lắm. Từ bây giờ nó là công án của bà.
Học viên: Tôi phải hành xử nó như công án Mu ư?
Lão sư: Phải, nhưng bà không nên hỏi câu hỏi một cách máy móc như cái máy rập tem. Khi ăn, bài phải tự hỏi: “Cái gì đang ăn?” với khát vọng kịch liệt muốn giải quyết vấn đề. Khi lắng nghe, bà hãy tự hỏi: “ Ai đang lắng nghe?” Khi thấy: “Ai đang thấy?” khi đi: “Ai đang đi?”
(Từ đây câu nói: Tôi tham công án “Tôi là ai?” của học viên này sẽ được lược bỏ.)
Lão sư: Bà có câu hỏi nào không?
Học viên: Dạ có, khi tôi tự hỏi: “Tôi là ai?” và tôi tự trả lời: “Tôi là xương, tôi là máu, là da; từ đây tôi đi đâu nữa?”
Lão sư: Rồi hãy tự hỏi: “Cái gì có máu này?”, “Cái gì có xương này?”, “Cái gì có da này?”
Học viên: Thế thì dường như tôi làm hai việc: trở thành một với ăn cũng như tự hỏi: “Ai đang ăn?” Có đúng thế không?
Lão sư: Không, chỉ hỏi ai đang ăn thôi. Tâm bà phải trở thành một khối nghi vấn sâu xa. Đây là con đường nhận ra Chân tánh nhanh nhất. Hỏi “Tôi là ai?” thực ra không có gì khác với hỏi: “Mu là gì?”
Học viên: Thành thực mà nói tôi không có khát vọng bừng lửa vì kiến tánh. Tôi lấy làm lạ tại sao điều này làm tôi phiền não.
Lão sư: Những người bị bắt buộc phải đối mặc với những cảnh sống đầy đau đớn, hoặc với cái chết của người mình yêu, chẳng hạn, thường lao mình vào những câu hỏi có tính cách tìm kiếm nhất về sống và chết. Sự nghi vấn này dựng dậy một niềm khát vọng cấp bách Tự chứng ngộ để họ có thể được vơi bớt nỗi đau khổ của chính họ cũng như của loài người. Với chân ngộ, bất an và lo âu sẽ được thay thế bằng niềm vui và sự yên tĩnh bên trong. Lắng nghe những lời Phật dạy trong các bài nói của tôi, bà sẽ phát triển trong bà niềm mong ước Tự ngộ mỗi lúc càng sâu hơn.
* * *
Học viên: Tối hôm qua trong lúc tọa thiền, tôi thường buồn phiền vì nghĩ rằng sự khao khát ngộ của tôi yếu quá. Tôi cứ tự hỏi tại sao tôi không thể nỗ lực kịch liệt hơn như những người chung quanh. Sáng nay, vào lúc một giờ, tôi đã sẵn sàng làm như vậy, dù chỉ sớm hơn thường lệ có bốn giờ, tôi đã quyết tâm ngồi tọa thiền suốt đêm. Ở nhà bếp, nơi tôi đến tìm nước uống, tôi thấy vị sư cô già nấu ăn đang giặt quần áo. Nhìn bà, tôi cảm thấy xấu hổ vì những nỗ lực yếu ớt của mình.
Ngày hôm kia thầy nói rằng những người khao khát ngộ mãnh liệt nhất là những người đã đau khổ nhiều trong cuộc sống. Thầy bảo rằng họ khao khát kiến tánh là để làm nhẹ bớt nỗi đau khổ của họ cũng như của những người khác. Sự thực vào lúc chưa được hai mươi tuổi, tôi đã trải qua nỗi đau khổ đáng kể. Đó có lẽ là lý do tại sao tôi cảm thấy rất thương những người khác và tại sao bạn bè và những người quen của tôi thường đến tôi tìm lời khuyên và sự giúp đỡ.
Vài năm sau đó, khi nghe nói về Thiền, tôi bắt đầu thực hành nó theo kiểu thời thượng ở Hoa kỳ. Rồi vài năm sau nữa, tôi đến Nhật bản, bỏ việc làm ở Mỹ, và bắt đầu thực hành Thiền theo truyền thống. Sự đồng cảm và lòng thương xót người khác mà tôi luôn luôn cảm thấy trước khi tôi thực hành tọa thiền đã khô cạn trong tôi. Tôi đã trải qua rất nhiều đau đớn trong Thiền đến nỗi không còn nghĩ đến cứu vớt ai trừ chính mình. Tôi ghét đau khổ! Thế là cuộc sống trong Thiền không làm cho tôi nhạy cảm với đau khổ của người khác và nhóm lên trong tôi mong ước cứu vớt họ, đã hủy diệt bất cứ tình cảm vị tha nào tôi đã có, bỏ lại tôi lạnh lùng và ích kỷ.
Lão sư: Khi quan sát nét mặt và phong cách của bà, tôi không trông thấy sự không nhạy cảm cũng như sự vị kỷ nào cả. Trái lại, tôi thấy bà có nhiều nét Quan Âm. Tôi chắc chắn rằng đa số những người tiếp xúc với bà đều cảm thấy vẻ ấm áp tự nhiên của bà và đều có thiện cảm với bà. Những gì bà thuật lại cho tôi nghe, không những không làm cho bà có trái tim lạnh lùng và vị kỷ mà còn tiết lộ sự phát triển sâu xa tính đồng cảm tự nhiên của bà, nhưng tất cả những cái đó nằm ngoài ý thức của bà. Một người nghĩ rằng mình có lòng tốt và tính đồng cảm, thực ra không có gì cả.(20) Nếu bà không còn ý thức về các tình cảm ấy, chỉ chứng tỏ rằng chúng đã rở nên thâm nhập sâu xa đến độ nào.
Có nhiều người đã dùng trọn thì giờ của họ để trợ giúp những kẻ thiếu thốn và gia nhập các phong trào cải cách xã hội. Chắc chắn đây là điều không nên không để ý đến. Những lo âu cội rễ của họ, phát xuất từ cái nhìn sai lầm về chính họ và vũ trụ, vẫn không được làm cho vơi bớt,
đang gặm nhấm trái tim họ và cướp mất của họ cuộc sống phong phú và vui vẻ. Những người đỡ đầu và dấn thân vào
--------------------------------------------------
(20) Hãy so sánh với Lão Tử: “Người có đức thật không có ý thức về đức của mình. Song người kém đức, lúc nào cũng nói về đức của mình, do đó, người ấy không có đức thật.” Đạo Đúc Kinh, do Lạt-ma Govinda dẫn trong “Foundations of Tibetan Mysticism” (Những Nền Tảng của Mật giáo Tây tạng), trang 235. Nguyên Hán văn: “Thượng đức bất đúc, thị dĩ hữu đức. Hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức.” (Đạo Đức Kinh, Chương 38).
các hoạt động cải thiện như thế, tự xem họ, một cách ý thức hoặc vô ý thức, là bậc thượng lưu đạo đức, và vì thế, không bao giờ buồn gột sạch tâm tham, sân, và tư tưởng mê hoặc của họ. Nhưng đến khi trở nên cùng kiệt vì tất cả những hoạt động bất an ấy, họ không còn có thể tự che dấu được những lo âu cơ bản của họ về sống và chết. Bấy giờ họ mới nghiêm chỉnh bắt đầu hỏi tại sao đời không còn ý nghĩa và nhiệt tình nữa. Bây giờ lần đầu tiên họ lấy làm lạ, thay vì cố gắng cứu vớt người khác, họ không nên tự cứu vớt mình trước ư?
Tôi chắc chắn rằng bà đã không lầm khi bước chân lên con đường này, và ngày nào đó bà sẽ rõ. Quên cứu người khác và chỉ tập trung phát triển sức mạnh tinh thần của mình không phải là vị kỷ, mặc dù nó có vẻ như vậy. Sự thực nghiêm trọng là bà không thể bắt đầu cứu vớt được ai cho đến khi nào chính bà trở thành toàn hảo qua kinh nghiệm Tự ngộ. Khi bà đã nhìn thấy Bản tánh của Chân ngã và vũ trụ thì những lời bà nói sẽ mang niềm tin chắc và người ta sẽ lắng nghe bà.
Học viên: Nhưng tôi trở nên mệt mỏi và thất vọng quá dễ dàng. Đường đi thì dài và khó nhọc kinh khủng.
Lão sư: Con đường của Phật kêu gọi lòng sùng mộ và sự kiên trì mãnh liệt. Song khi bà dừng lại quan sát, bà sẽ thấy các nhà triết học đã đấu tranh trong suốt hai ba nghìn năm để giải quyết vấn đề sự hiện hữu của con người, nhưng họ đã không thành công. Song bằng cách tự hỏi “Tôi là ai?” bà sẽ có thể thành công chỗ mà họ đã thất bại. Nguyên nhân nào khiến bà thất vọng? Hoạt động nào hay việc làm nào trong cuộc sống thôi thúc hơn việc này? So sánh với nó, mọi thứ khác sẽ trở thành vô nghĩa.
Học viên: Tôi cũng cảm thấy như thế, đó là lý do tại sao đến Nhật để tu luyện Thiền.
Lão sư: Bà khác đa số người ở đây. Họ đến nhiếp tâm vì họ nghe nói Thiền đáng để ý và họ muốn vồ lấy nó nhanh như họ đi tìm việc làm, vì thế họ cố gắng. Họ tấn công tọa thiền với sự cuồng nộ của cơn bão táp thình lình mà mưa tuôn thành suối và nhanh chóng cuốn đi. Nhưng bà đã có những hy sinh phi thường vì bước vào Con Đường của Phật, không phải tự dằn xé mình. Sự thực hành của bà nên giống như mưa nhẹ rơi tự trời cao và thấm vào lòng đất. Với tâm thái này, bà có thể kiên nhẫn ngồi trong bốn hay năm năm hoặc lâu hơn nữa, cho đến khi nào bà nhận ra Chân lý trọn vẹn.
Học viên: Có phải vì các nhà triết học hỏi Tại sao? và Thế nào? mà họ không thể giải quyết được vấn đề hiện hữu của con người?
Lão sư: Sự thăm dò của họ đã bức họ ra khỏi chính họ để đi vào lãnh vực sai biệt – đấy là cách làm việc của các nhà triết học và khoa học – trong khi hỏi “Tôi là ai?” đưa vào trực thức mối liên kết của bà với vũ trụ.
Học viên: Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì thầy bảo.
Lão sư: Tôi cảm thấy cho đến bây giờ phương pháp thực hành của bà chưa hoàn toàn phù hợp với khí chất của bà. Song bà không nên nghĩ rằng thời gian bà đã tiêu phí trong Thiền là lãng phí, nó có giá trị nhiều mặt hơn bà biết. Tôi cũng cảm thấy rằng, ít nhất hiện thời, bà không nên bị đánh bằng kích trượng.
Học viên: Tôi không thể nói được là nó làm tôi bực mình đến đâu. Tệ nhất là khi tọa thiền, tôi đã mất chín mươi lăm phần trăm thời gian để chiến đấu với phản ứng của tôi chống lại nó.
Lão sư: Nếu bà đã có thể thông báo với vị thầy vừa qua của bà về cách mà bà với tôi bây giờ có thể làm được, nhờ sự giải thích này, có lẽ bà cũng đã được chỉ định cho một phương pháp thực hành khác. Dù sao, từ đây bà cũng hãy tự hỏi: “Tôi là ai?” với sự thấm nhập sắc bén và bình tĩnh.
* * *
Lão sư: Bà có gì muốn nói?
Học viên: Vâng, vài ngày sau buổi nhiếp tâm sau cùng, tôi bỗng nhận ra một cách mới mẻ là tìm kiếm sự kích thích, khoái lạc, và cố tránh sự đau đớn mà nó đã trở thành câu chuyện đời tôi là vô nghĩa, vì luôn luôn có sự trống rỗng và nhức nhối theo sau. Bây giờ dù cho nội kiến này đã đến với tôi với sức mạnh to lớn, cùng với hơi thở ra liên tục sốt ngày, trong một tuần lễ, cảm giác phẳng lì và vô nghĩa của cuộc sống cũ, cùng với sự thèm muốn kích thích đã trở lại. Điều ấy tự nhiên hay không tự nhiên?
Lão sư: Muốn có một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc hơn cuộc sống hiện tại của bà là tự nhiên và cần thiết. Cái không cần thiết là khinh thường tình trạng hiện có của mình và ước mong một tình trạng cao vời hơn.
Có phải tôi đang trả lời câu hỏi của bà không?
Học viên: Tôi chưa đi đến trọng điểm của vấn đề. Khi tôi cảm thấy như thế, tôi chạy trốn, tôi muốn đi xem chiếu phim hay tọng cho đầy dạ dày những món ăn cao sang. Câu hỏi của tôi là tôi có nên chìm đắm trong các dục vọng hay đấu tranh dồn ép chúng và tiếp tục tọa thiền.
Lão sư: Đây là câu hỏi cực kỳ quan trọng. Dồn ép nghiêm trọng các cảm giác của mình hoặc điên cuồng đắm mình trong đó đều không khôn ngoan. Có nhiều người, khi họ cảm thấy như bà, hoặc họ uống rượu một cách phóng đãng hoặc ăn cho đến bị bịnh. Dĩ nhiên bà không thuộc loại người đó. Điểm quan trọng là thỉnh thoảng đi xem phim cũng được nếu bà đi xem để thưởng thức mà không phải vì phim. Vả lại, khi bà có sự bức bách không cưỡng nổi muốn ăn một bữa tiệc thì cứ ăn những món ăn không những chỉ để thưởng thức mà còn để nuôi sống nữa. Nhưng đừng ăn quá nhiều đến nỗi phải bịnh vào hôm sau. Nếu bà tập điều độ và phán đoán chính xác, bà sẽ không hối tiếc về sau, tự trách mình vì đã lãng phí thì giờ quí giá mà mình có thể dùng một cách hữu ích trong tọa thiền, bà sẽ mất đi những buồn phiền và được nhẹ nhàng, và bà có thể bắt đầu thực hành trở lại với nhiệt tình nhiều hơn. Nhưng nếu bà có những cảm giác khó chịu trong người, chúng sẽ phát sinh một số tư niệm cản trở sự thực hành của bà. Song khi sự thực hành trở nên sâu hơn, tất cả nhưng thứ ấy sẽ không còn là vấn đề nữa.
* * *
Học viên: Nếu tôi hiểu thầy đúng, có lúc thầy bảo giữ tâm ở lòng bàn tay, có lúc thầy bảo tập trung nó ở vùng dưới rốn, và rồi khi buồn ngủ tôi phải đặt nó ở giữa hai mắt. Tôi không biết tâm tôi là cái gì, vì thế tôi làm sao đặt vào chỗ nào trong mấy chỗ ấy.
Lão sư: Khi tôi bảo bà đặt tâm nơi lòng bàn tay là tôi muốn nói bà tập trung chú ý vào điểm đó. Bà không nên thay đổi liên tục tiêu điểm tập trung. Ngay cả Đạo Nguyên lẫn Bạch Ẩn đều khuyên tập trung ở lòng bàn tay. Nếu muốn gia tăng cường độ tọa thiền, bà có thể làm được như thế bằng cách hướng sự chú ý đến vùng đan điền. Cách tốt nhất để khắc phục sự buồn ngủ là tập trung sự chú ý ở giữa hai mắt.
Học viên: Nhưng tâm là cái gì? Nó ra sao? Tôi muốn nói về mặt lý thuyết tôi biết nó là gì vì tôi đọc nhiều kinh và sách của Phật giáo. Nhưng thực tôi có thể tìm ra tâm là cái gì bằng cách tự hỏi: “Tôi là ai?” không?
Lão sư: Hiểu tâm bằng lý thuyết không đủ để giải quyết câu hỏi “Tôi là ai?” và qua đó là vấn đề sanh tử. Hiểu như thế chỉ là bức chân dung về thực tại, không phải chính thực tại. Nếu bà khăng khăng tự hỏi: “Tôi là ai?” với lòng thành khẩn và nhiệt tâm – nghĩa là được khát vọng Tự Tri chân thật điều động – là bà sắp nhận ra bản tánh của Tâm.
Bây giờ Tâm còn hơn cả thân bà và còn hơn cả cái thường được gọi là tâm. Nhận ra Tâm này bên trong là nhận ra rằng bà và vũ trụ không phải là hai. Trực quan này phải đến với bà với sự chắc chắn trào tràn như thế đến độ bà sẽ vỗ đùi kêu lên: “Ồ, dĩ nhiên rồi!”
Học viên: Nhưng tôi không biết ai đang hỏi “Tôi là ai?” và cũng không biết điều này nữa - ai đang bị hỏi - làm sao tôi có thể tìm ra tôi là ai?
Lão sư: Người hỏi câu hỏi là bà và bà phải là người trả lời. Sự thực, đó không phải hai. Người trả lời chỉ có thể hiện ra khi khăng khăng hỏi với khát vọng kịch liệt muốn biết. Cho đến hiện tại bà đã lang thang vô mục đích, không có định hướng chắc chắn, nhưng bây giờ bà đã có bản đồ, đã có hành trang, đừng mê cảnh đẹp - hãy bước tới!
* * *
Học viên: Thầy bảo rằng tất cả chúng ta vốn hoàn hảo – không tỳ vết. Tôi có thể tin điều ấy khi chúng ta còn ở trong bụng mẹ, nhưng khi đã sinh ra rồi, chúng ta không còn hoàn hảo nữa. Kinh nói rằng tất cả chúng ta sinh ra là do tham, sân, si. Tôi tin điều này, vì nó chắc chắn đúng với tôi.
Lão sư: Một người mù, dẫu mù, cơ bản cũng là toàn thể và hoàn hảo. Đối với người câm điếc cũng thế, nếu một người câm điếc bỗng dưng nghe lại được, cái hoàn hảo của người ấy không còn là cái hoàn hảo của người câm điếc. Nếu cái đĩa trên bàn này vỡ, mỗi mảnh vỡ tự nó là một toàn thể. Cái gì mắt có thể thấy được chỉ là hình thức, luôn luôn thay đổi, không phải bản chất. Thật ra chữ hoàn hảo là thừa. Sự vật không phải hoàn hảo cũng không phải không hoàn hảo, chúng là cái gì chúng là. Mọi sự vật đều có giá trị tuyệt đối và vì thế không thể so sánh cái này với cái kia. Người cao thì cao, người thấp thì thấp, đó là những gì bà có thể nói được. Có một công án, để đáp câu hỏi: “Phật là gì?” Sư đáp: “Trúc cao thì cao, trúc thấp thì thấp.” Kiến tánh là nhận ra điều ấy trong chớp mắt.
* * *
Học viên: Tôi vẫn còn thấy phiền vì đặt tâm nơi lòng bàn tay.
Lão sư: Việc gì thế?
Học viên: Tôi rất khó tập trung ở đó, khi thở ra, sự tập trung của tôi trở nên phân tán.
Lão sư: Bà không nên làm mình căng thẳng vì cố gắng đặt tâm ở chỗ nào đó, chỉ cần tập trung vào câu hỏi “Tôi là ai?”
Học viên: Khi tôi quì lạy trước thầy hay trước tượng Phật, hoặc khi tôi tụng kinh hay bước đi, tôi không có xu hướng tự hỏi: “Tôi là ai?” Những lúc như thế có được không?
Lão sư: Lúc nào cũng phải hỏi câu ấy. Khi bước đi bà cũng phải hỏi: “Ai đang đi?” Khi đang lạy bà cũng phải hỏi: “Ai đang lạy?”
Học viên: Hoặc “Tôi là ai?”
Lão sư: Phải, chung qui là như vậy.
* * *
Học viên: Tối hôm qua thầy bảo mọi người rằng khi đi ngủ chúng tôi không nên tách rời với công án mà phải tiếp tục hỏi ngay cả trong giấc ngủ. Tôi thấy tôi quên mất công án của mình một cách nhanh chóng khi tôi ngủ vì tôi nằm mộng nhiều. Thế giới mộng dường như khác với thế giới “Tôi là ai?” Mộng như thế là một cách lãng phí thì giờ và năng lực. Làm sao tôi có thể tránh được?
Lão sư: Thông thường người hoạt động có ít thì giờ để ngủ thì chỉ thỉnh thoảng mới mộng. Trái lại, những người ngủ nhiều sẽ có nhiều mộng. Cũng như những người có nhiều thì giờ trong tay có khuynh hướng mộng nhiều và những người ngủ nằm ngửa cũng vậy. Một cách để mình thôi mộng, dĩ nhiên là ngủ ít. Nhưng nếu bà ngủ không đủ, bà có thể ngủ gật trong lúc tọa thiền. Bà để ý các tranh vẽ Phật nằm, bà sẽ thấy rằng Phật nằm nghiêng bên phải. Vì nhiều lý do, đây là tư thế tốt để ngủ.
Học viên: Khi làm việc, giặt quần áo hay làm vệ sinh, tôi thấy mình thường mộng ban ngày. Tôi có thể làm gì?
Lão sư: Khi làm vệ sinh, hãy tiếp tục hỏi “Tôi là ai?” sẽ không có tư niệm nào khác nhập vào tâm bà, nếu việc hỏi đủ khẩn trương. Chỉ vì bà tách rời công án nên xảy ra mộng ban ngày.
* * *
Lão sư: Bà có gì muốn nói hay hỏi không?
Học viên: Từ năm giờ sáng hôm nay cho đến bây giờ [3:00 giờ chiều] tôi vẫn tự hỏi đều đặn: “Tôi là ai?” Đôi khi câu hỏ đã thấm nhập vào tôi nhưng phần lớn thời gian tôi chỉ có buồn phiền. Tại sao tôi lại thế?
Lão sư: Có lẽ tại vì bà chưa tin chắc rằng qua hỏi như thế bà có thể nhận ra Chân tánh mình và có thể duy trì được sự bình an của tâm. Khi những người đã trải qua nhiều đau đớn trong đời nghe nói đến chân lý Phật giáo và bắt đầu thực hành tọa thiền, họ muốn được kiến tánh nhanh chóng để làm vơi bớt sự đau khổ của riêng họ cũng như những người khác.
Học viên: Một phần lý do tôi cảm thấy khó tập trung là vì người người trưởng tràng mới la hét với tất cả mọi người và đánh mạnh quá.
Lão sư: Bà chỉ cần tự hỏi: “Ai đang lắng nghe tất cả sự la hét ấy?” Đừng biến việc ấy thành vấn đề, nó không liên hệ gì đến việc của bà.
Học viên: Tôi không thể lạnh lùng đối với việc ấy. Hai bên tôi những người bị đánh mạnh quá. Mỗi lần nghe tiếng kích trượng, tôi rùng mình cố tự hỏi: “Ai đang lắng nghe tất cả sự la hét này?” nhưng tôi vẫn bị đảo lộn, không thể tiếp tục được.
Lão sư: Những người quanh bà sắp kiến tánh, vì thế họ được đánh rất mạnh – để thúc giục họ đến nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng. Nếu bà không muốn bị đánh vì nó cản trở việc tọa thiền của bà, tôi có thể cho đặt bảng hiệu “Đừng đánh” bên trên chỗ bà ngồi.
Học viên: Hôm qua khi ông K. đánh tôi rất hữu ích, vì ông biết đánh như thế nào và vào lúc nào. Nhưng người kia đánh không đúng lúc và đúng lý do. Sự hò hét của ông ta quá hãi hùng khiến tôi thấy đau ở dạ dày.
Lão sư: Dĩ nhiên có những người có khả năng sử dụng kích trượng hơn người khác. Ông K. đã có kinh nghiệm lâu, rất thiện nghệ. Bà muốn đặt bảng hiệu trên chỗ bà ngồi không?
Học viên: Điều buồn cười là một nửa tôi mốn được đánh vì tôi nghĩ tôi sẽ kiến tánh nhanh hơn, một nửa tôi sợ. Nếu ông K. trở lại, tôi thích thỉnh thoảng ông ấy đánh tôi.
Lão sư: Chúng tôi chỉ có thể cho đặt bảng hiệu trên chỗ bà ngồi và khi nào bà muốn được đánh, bà có thể ra dấu bằng cách chắp hai tay giơ lên khỏi đầu. Nhưng đừng quan tâm đến những gì xảy ra chung quanh, chỉ cần tập trung vào công án của bà.
Từ giờ trở đi, bà có thể rút gọn “Tôi là ai?” thành “Ai?” vì toàn thể câu hỏi đã chìm vào tiềm thức của bà. Tương tự, người người nào tham công án “Mu là cái gì?” sẽ đến lúc có thể rút gọn lại thành “Mu?” vì hình thức rút ngắn này cũng đủ cho toàn bộ câu hỏi âm vang trong tiềm thức.
* * *
Lão sư [gắt]: Bà là ai? [Không đáp]. Bà là ai?
Học viên [ngập ngừng]: Tôi không biết.
Lão sư: Bà là bà! Tôi là tôi! Bà chỉ là bà, thế thôi.
Học viên: Thầy muốn nói gì qua tiếng “Tốt” khi tôi trả lời “Tôi không biết” ?
Lão sư: Theo nghĩa sâu xa nhất, chúng ta có thể không biết gì hết.
Học viên: Hôm qua thầy bảo sẽ hỏi tôi “Tôi là ai?” Tôi kết luận rằng tôi phải chuẩn bị sẵn vài câu trả lời. Vì thế tôi đã nghĩ ra mấy câu khác nhau. Nhưng bây giờ thầy chỉ hỏi “Bà là ai?” Tôi không thể nghĩ ra điều gì hết.
Lão sư: Tuyệt! Điều ấy chứng tỏ tâm bà trống rỗng, không một tư niệm nào cả. Bây giờ bà có thể trả lời với tất cả con người bà, không phải chỉ với cái đầu của bà. Khi tôi nói tôi sẽ hỏi “Bà là ai?” tôi không muốn bà suy luận ra câu trả lời, mà chỉ để bà tự thâm nhập vào chính bà càng lúc càng sâu hơn với câu hỏi “Tôi là ai?” đến khi bà hốt nhiên nhận ra Chân tánh bên trong, bà sẽ có thể đáp tức khắc không suy nghĩ.
Cái gì đây? [bỗng đập cây hốt lên nệm].
[Không đáp].
Hãy thăm dò sâu hơn nữa! Tâm bà hầu như sắp chín muồi rồi.
* * *
Học viên: Tôi đã hỏi đi hỏi lại: “Tôi là ai?” cho đến khi cảm thấy không còn câu trả lời nào cho câu hỏi.
Lão sư: Bà sẽ không tìm thấy thực thể nào gọi là “tôi” cả.
Học viên [nóng nảy]: Thế thì tại sao tôi cứ phải hỏi câu hỏi ấy?
Lão sư: Bởi vì trong tình trạng hiện tại, bà không thể tự giúp mình. Người thường thì cứ mãi hỏi “Tại sao?” “Cái gì?” hoặc “Ai?” Có nhiều công án trong đó có ông tăng hỏi; “Phật là gì?” hoặc “Tại sao Bồ-đề Đạt-ma từ Ấn độ sang Trung quốc?” Mục đích lời đáp của ông thầy là để phá vỡ tâm mê hoặc của ông tăng để ông tăng có thể nhận ra câu hỏi của mình là trừu tượng.
Học viên: Tôi đang đọc các bức thư(21) của Bạt Tụy [Bassui zenji] qua bản dịch tiếng Anh như thầy đã gợi ý trong lúc thuyết giảng buổi sáng. Ở một chỗ Bạt Tụy nói: “Ai là ông chủ vẫy tay?”
Lão sư: Thực ra, không có câu trả lời thực sự cho “Ai?”, “Cái gì?”, “Tại sao?” Tại sao đường ngọt? Đường là đường. Đường!
Học viên: Hôm trước thầy bảo tôi: “Bà là Bà.” Đúng, tôi là tôi. Tôi chấp nhận điều ấy. Thế đủ không? Tôi cần gì khác nữa. Tại sao tôi cứ phải đấu tranh với câu hỏi đó?
Lão sư: Vì đối với bà, cái hiểu ấy là bề ngoài, không thực biết là bà muốn nói gì qua câu “Tôi là tôi.” Bà
----------------------------------------------
(21) Xem phần “Các Bức Thư” của Thiền sư Bạt Tụy, trg. 272.
phải đương đầu với câu hỏi này bằng sức mạnh của trái bom, và phải diệt hết tất cả các ý niệm, suy nghĩ của bà. Cách duy nhất để giải quyết câu hỏi là phải đi đến nhận thức bùng nổ bên trong rằng mọi sự vật là [rốt ráo trở thành] Không [Nothing]. Nếu cái hiểu chỉ là lý thuyết, bà sẽ còn hỏi mãi Ai?, Cái gì? và Tại sao?
* * *
Học viên: Trong lúc hỏi: “Tôi là ai?” tôi đã đi đến kết luận rằng tôi là thân xác này, nghĩa là mắt này, chân này, và vân vân. Đồng thời tôi cũng nhận ra rằng các cơ quan này không hiện hữu độc lập. Nếu tôi lấy mắt tôi ra đặt trước tôi, chẳng hạn, nó không thể làm nhiệm vụ của mắt nữa. Và chân cũng không thể làm chức năng của chân nếu nó bị tách rời khỏi thân, vì khi đi chân không những chỉ cần đến thân mà còn cần đến đất nữa. Cũng thế, mắt tôi cũng cần đến đối tượng nhận thức để thực hiện hành động thấy. Hơn nữa, những gì mắt thấy và những gì chân dẫm lên là một phần của vũ trụ. Điều đó đúng không?
Lão sư: Bà là vũ trụ, đúng rồi. Nhưng những gì bà vừa cho tôi biết là trừu tượng, ấy chỉ là một sự tái lập về thực tại, không phải chính thực tại. Bà phải trực tiếp nắm lấy thực tại.
Học viên: Nhưng tôi phải nắm lấy bằng cách nào?
Lão sư: Chỉ bằng cách hỏi “Tôi là ai?” cho đến khi nào rụp một cái bà nhận ra Chân tánh của mình với rõ ràng, chắc chắn. Hãy nhớ, bà chẳng phải thân cũng chẳng phải tâm. Và cũng chẳng phải thân cộng với tâm. Thế thì bà là cái gì? Nếu bà muốn nắm được Bà chân thật và không chỉ là một mảnh nhỏ, bà phải luôn luôn tự hỏi “Tôi là ai?” với lòng thành khẩn tuyệt đối.
* * *
Học viên: Lần vừa rồi thầy bảo tôi chẳng phải thân cũng chẳng phải tâm. Tôi không hiểu. Nếu tôi không phải những cái ấy, không phải tổng hợp những cái ấy, vậy tôi là cái gì?
Lão sư: Nếu bà hỏi một người thường anh ta là cái gì? Người ấy sẽ nói: “Tâm tôi” hay “Thân tôi” hoặc “Thân và tâm tôi,” nhưng không cái nào đúng hết. Chúng ta còn nhiều hơn tâm, nhiều hơn thân, và cũng nhiều hơn cả hai.
Chân tánh của chúng ta ở bên kia mọi phạm trù. Bất cứ cái gì bà có thể nghĩ ra hay tưởng tượng chỉ là một mảnh nhỏ của chính bà. Vì thế cái Bà chân thật không thể tìm thấy qua diễn dịch lý luận hay phân tích lý trí hay tưởng tượng vô tận.
Nếu tôi bị cắt mất bàn tay hay cái chân, cái tôi chân thực cũng không bị sút giảm chút nào. Nói một cách nghiêm túc, thân và tâm này cũng là bà nhưng chỉ là một phần thôi. Yếu tính của Chân tánh bà không khác với thể tính của cây gậy này, điều ấy đáng tin chắn đến nỗi bà sẽ kêu lên: “Ôi, thực làm sao!” vì không những chỉ bằng trí óc mà còn bằng tất cả con người bà thâm nhập vào tri thức này.
Học viên [bỗng kêu lên]: Nhưng tôi sợ! Tôi sợ! Tôi không biết tại sao, nhưng tôi sợ.
Lão sư: Không có gì phải sợ. Chỉ cần thâm nhập hỏi sâu hơn, sâu hơn cho đế khi nào tất cả những ý niệm, dự tưởng về bà là ai và là cái gì biến mất, và tức khắc bà sẽ nhận ra rằng toàn thể vũ trụ không khác với chính bà. Bà đang ở giai đoạn sinh tử. Đùng thối lui - hãy bước tới!
* * *
Học viên: Hôm trước thầy bảo rằng tôi không phải thân cũng không phải tâm. Tôi luôn luôn suy nghĩ về mình như là thân và tâm. Nghĩ khác khiến tôi sợ.
Lão sư: Đúng là đa số người ta nghĩ về mình như là thân và tâm, nhưng điều ấy không làm cho họ ít sai lầm hơn chút nào. Sự thật trong yếu tánh, tất cả chúng sanh đều siêu việt thân và tâm, thân và tâm không phải hai mà chỉ là một. Sự thất bại của con người không nhận thức được chân lý nền tảng này là nguyên nhân của đau khổ.
Như tôi đã nói trong bài nói sáng nay, con người cứ mãi tìm kiếm và nắm bắt. Tại sao vậy? Vì, một cách trực giác, con người mãi nắm bắt thế giới mà nó đã bất hòa vì mê hoặc. Do hậu quả của sự bất hòa này mà chúng ta thấy người mạnh lấn áp kẻ yếu, kẻ yếu chấp nhận sự nô lệ như là một thay thế cho cái chết. Song khi không mê hoặc con người tự nhiên hướng về nhau. Những người với bản chất mạnh muốn che chở và bảo vệ người yếu, trong khi người yếu muốn được người mạnh che chở cho. Như chúng ta có Phật, người hùng mạnh về mặt tinh thần ấp ủ chúng ta là những kẻ yếu, và chúng ta cúi đầu trước Phật trong sự chấp nhận đầy biết ơn lòng từ bi vô lượng của Người. Giống như người mẹ vuốt ve đứa con thơ, ở đây không có ly cách mà chỉ có hài hòa và hợp nhất. Mọi sự vật trong bản chất đều tìm kiếm sự hợp nhất này. Nếu quan sát kỹ một đóa hoa sen, bà sẽ thấy rằng khi các giọt mưa hay các giọt sương tràn trên các cánh hoa rồi tan biến vào trong ấy.
Nhưng chúng ta tự lừa dối mình trong sự chấp nhận thực tế một cái ta vị kỷ mà sự bất hòa và xung đột theo sau không thể tránh được. Đức Phật với giác ngộ đã nhận thức cái ta ấy không thuộc về bản tánh nội tại của con người. Với giác ngộ đầy đủ chúng ta sẽ nhận ra mình sở hữu vũ trụ, thế thì tại sao phải nắm bắt cái mà nó vốn là của mình.
Bà chỉ cần kiên trì hỏi: “Tôi là ai?” nếu bà muốn kinh nghiệm chân lý của những gì tôi đang nói đây.
Học viên: Xin cảm ơn thầy đã giải thích đầy đủ.
* * *
Học viên: Mắt tôi lạ lắm. Dường như chúng không nhìn ra ngoài mà nhìn vào trong, và hỏi: “Tôi là ai?”
Lão sư: Tuyệt lắm!
[Bỗng nhiên] – Bà là ai?
[Không đáp]
Bà là bà – Tôi là tôi.
Trong Bích Nham Lục có một công án, một ông tăng gọi là Huệ Siêu (Etcho) hỏi: “Phật là gì?”
Sư đáp: “Ông là Huệ Siêu.” Bà hiểu không?
[Không đáp].
Bà phải trực nhận ra điều đó. Bà đang tiến gần hơn. Hãy tận lực tập trung.
* * *
Học viên: Tôi có nhiều vấn đề nhưng tôi cảm thấy tôi không muốn hỏi.
Lão sư: Tốt lắm. Trừ phi bà phiền hoặc lo vì chuyện gì đó, tốt hơn là không nên hỏi, vì hỏi thì vô cùng. Hỏi chỉ làm cho bà càng lúc càng xa Mình, trong khi câu hỏi: “Tôi là ai?” đưa bà đến tâm điểm sáng ngời của con người bà.
Học viên: Hiện tại tôi không có gì lo cả.
Lão sư: Đừng tự xa rời “Tôi là ai?” Tất cả mọi câu hỏi sẽ tự trả lời một khi bà nhận ra Tự tánh.
* * *
Lão sư: Bà có gì muốn hỏi?
Học viên: Dạ không, nhưng thầy có thể cho tôi biết qua người thông dịch, thầy đã nói gì lúc bốn giờ rưỡi sáng nay khi thầy nói với tất cả những người ngồi không?
Lão sư: Những gì tôi đã nói cơ bản là như thế này: Con người tưởng mình là tổ chức tiến hóa cao nhất trong vũ trụ, nhưng theo cái nhìn của Phật giáo, con người đang đứng giữa loài trùng đơn bào và Phật. Và vì con người thấy lầm mình không gì khác hơn thân xác mong manh này,(22) chỉ là một đốm nhỏ trong vũ trụ, nó liên tục toan bành trướng mình qua những chiếm hữu và quyền lực. Nhưng khi nó nhận ra sự thật rằng mình bao gồm cả vũ trụ, nó sẽ ngừng nắm bắt vì không còn cảm thấy thiếu thốn bên trong nữa.
Trong kinh Liên Hoa, liên hệ với sự giác ngộ đức Phật nói rằng Ngài đã nhận ra rằng mình sở hữu vũ trụ, tất cả sự vật trong vũ trụ đều là con của Ngài và Ngài không cần gì hơn một cái bát khất thực. Quả thực, Ngài là người giàu nhất thế gian.
Chừng nào bà còn nghĩ mình là tấm thân nhỏ bé này thì chừng ấy bà còn cảm thấy bất an và không hài lòng. Nhưng khi giác ngộ rồi bà sẽ thực sự kinh nghiệm vũ trụ như đồng nhất với bà và bà sẽ đạt được bình an mãi mãi.
Học viên: Trước khi bước vào tu tập Thiền, tôi luôn luôn mua sắm, sở hữu, nhưng bây giờ tôi chỉ muốn được an tâm.
Lão sư: Cuối cùng, đó là cái duy nhất đáng được, sự an lạc chân thật chỉ có thể đạt được với giác ngộ, vì thế bà hãy làm việc hết sức mình.
* * *
----------------------------------------------
(22) Hãy so sánh lời Phật nói thường được trích dẫn: “Quả thực, tôi nói cùng các ông rằng trong chính thân này, dù nó sẽ tử vong và chỉ cao độ vài thước, nhưng có ý thức và tâm được ban cho, nó là thế giới, do đó có tròn và do đó có khuyết, do đó con đường ấy đưa đến khứ vong.” (Anguttara Nikaya II, Samyutta Nikaya I, do Lạt ma Govinda dẫn trong “Foundations of Tibetan Mysticism” trg. 66).
Học viên: Thầy bảo rằng khi một người đã giác ngộ và nhận ra rằng mình là vũ trụ, người ấy thôi không còn nắm bắt sự vật nữa. Tôi đã sống với những người đã có kinh nghiệm ngộ, song thay vì ít nắm bắt và vị kỷ hơn, lắm lúc họ lại ích kỷ hơn. Nếu đó là tác dụng của ngộ thì tôi không muốn ngộ.
Lão sư: Với kinh nghiệm ngộ đầu tiên, sự nhận ra cái Một thường nông cạn. Song một người có chân ngộ, dù cho còn lờ mờ, và tiếp tục thực hành sùng mộ trong năm mười năm hay hơn nữa, nội kiến phát triển sâu rộng thì cá tính của người ấy sẽ đạt được sự uyển chuyển và thanh tịnh.
Một người có những hành động vẫn còn bị cái ta chế ngự không thể nói là đã có sự giác ngộ có giá trị. Hơn nữa, một kinh nghiệm chân xác không những chỉ tiết lộ những cái bất toàn mà còn tạo ra quyết tâm loại bỏ chúng. Học viên: Nhưng đức Phật sau khi giác ngộ Ngài không còn thực hành nữa, phải không?
Lão sư: Sự thực hành của Ngài là giảng dạy không ngừng. Phật là có một không hai đã giác ngộ từ lâu trước khi Ngài sanh ra trong thế gian này. Ngài đến đây để dạy chúng ta – những kẻ mê mờ - làm cách nào để giác ngộ, làm cách nào để sống trí tuệ và chết bình an. Ngài đã trải qua nhiều khổ hạnh, không phải Ngài cần những thứ ấy, nhưng là để chứng minh một cách sống động cho chúng ta thấy rằng ép xác không phải là con đường giả thoát chân chính. Ngài đã sinh, đã sống, và đã chết như một tấm gương cho tất cả loài người.(23)
---------------------------------------------
(23) Hãy so sánh: “Trong Kinh Liên Hoa (Ch. XV và XVI) để trả lời câu hỏi của Bồ-tát Di Lặc, Phật nói: ‘…Thế gian nghĩ rằng Phật Thích-ca Mâu-ni sau khi từ giã nhà của dòng tộc Thích-ca đã đạt được giác ngộ viên mãn vô thượng. Nhưng thực ra ta đã giác ngộ viên mãn từ vô =>
Học viên: Nhưng chúng ta, những con người tầm thường không cần tự khép mình vào kỷ luật ư?
Lão sư: Dĩ nhiên chúng ta phải làm như thế. Tự khép mình vào kỷ luật bao gồm trong sự giữ giới, và đây là nền tảng của tọa thiền. Hơn nữa, sự đắm mình – nghĩa là ăn quá độ, ngủ quá độ và những cái tương tự như thế - cũng tệ hại như sự tự dày vò mình. Cả hai đều phát xuất từ cái ta và do đó làm tâm xao động, vì thế chúng cũng là chướng ngại đối với giác ngộ.
Học viên: Mặc dù tôi chưa có kinh nghiệm Chân tánh, tôi biết những cái bất toàn của mình và quyết tâm loại bỏ chúng. Việc này thế nào?
Lão sư: Hãy để tôi trở lại với những gì bà nói hôm trước về việc sống với những người đã nhận ra Tự tánh mình song vẫn tỏ ra vị kỷ và lừa dối. Những người như thế thường không thực hành sùng mộ sau khi kiến tánh, mặc dù họ có vẻ như thế. Họ đặt mình vào một số giờ tọa thiền nào đó nhưng chỉ là việc làm hình thức. Nếu tính theo phần trăm, thì sự thấm nhập của họ chỉ khoảng hai ba chục phần trăm, kết quả sự sáng láng của họ trở nên lu mờ dần, và theo thời gian kinh nghiệm của họ chỉ còn là kỷ niệm. Mặt khác, những người lao mình vào thực hành thiền một trăm phần trăm sẽ trở nên rất nhạy cảm đối với các sở đoản của họ và họ phát triển sức mạnh và quyết tâm ca khúc khải hoàn bất chấp sự kiện chưa ngộ.
* * *
---------------------------------------
=> số kiếp rồi…’ Như Lai đã giác ngộ viên mãn qua vo hạn kiếp và mãi mãi như vậy. Ngài không bao giờ tịch diệt, Ngài thể hiện tịch diệt là để độ chúng sanh.” (do Contes và Ishizuka dẫn trong “Honen the Buddhist Saint” [Pháp Nhiên Thượng Nhân], Chion in Tokyo, 1925, trg. 98)
Học viên: Sáng nay tôi hơi bực mình. Nghe tiếng kích trượng tôi cảm thấy không dễ chịu.
Lão sư: Bà tọa thiền suốt đêm?
Học viên: Tôi đã ngồi đến 2 giờ sáng, song không mệt.
Lão sư: Nhiều người nghĩ rằng họ mệt vì tọa thiền là không thể có. Nhưng đó là một ý nghĩ sai lầm. Khi bà mệt như thế là vì “kẻ thù” của bà – tức tâm vô minh – và khi bà khỏe cũng vì nó. Thực ra đó không phải hai.
Học viên: Qua người thông dịch thầy có vui lòng nói cho tôi biết thầy đã nói gì trong bài giảng sáng nay không?
Lão sư: Những gì tôi đã nói cốt yếu là như vầy: Bây giờ chỉ còn năm sáu tiếng đồng hồ nữa là hết kỳ nhiếp tâm này. Quí vị không cần lo không đủ thì giờ để đạt ngộ - trái lại, còn thừa nữa là khác. Kiến tánh chỉ cần một phút thôi – nói đúng hơn, chỉ một tích tắc thôi!
Giống như một trận chiến, tối hôm qua, quí vị đã dánh xáp lá cà với “kẻ thù,” quí vị có thể chiến đấu bằng bất cứ giá nào. Bây giờ, đây là cuộc tấn công cuối cùng, là chiến dịch tận diệt. Song, quí vị không nên nghĩ rằng gắng sức sấn tới vì ngộ là không cần thiết. Tất cả những gì quí vị cần là tâm trống rỗng vọng niệm về “ta” và “người”. Nhiều người đã đạt ngộ chỉ bằng cách lắng nghe tiếng chuông ngân nga hoặc một thứ âm thanh nào đó. Thường khi nghe chuông quí vị nghĩ, một cách có ý thức hay không, “Tôi đang nghe chuông.” Ba sự vật liên hệ: Tôi, chuông, và nghe. Nhưng khi tâm quí vị chín muồi, nghĩa là không còn ý niệm phân biệt, như một tờ giấy trắng tinh không tỳ vết, chỉ có tiếng chuông rung. Đây là kiến tánh.
Học viên: Khi lắng nghe âm thanh tôi tự hỏi: “Ai đang lắng nghe?” Thế có sai không?
Lão sư: Tôi hiểu vấn đề của bà. Khi hỏi: “Ai đang lắng nghe?”, ban đầu bà có ý thức về câu hỏi cũng như về âm thanh. Khi câu hỏi thâm nhập sâu hơn, bà không còn biết về nó nữa. Như thế khi chuông rung thì chỉ là cái chuông lắng nghe tiếng chuông. Hay nói cách khác, âm thanh của bà đang rung. Đây là phút giây giác ngộ.
Hãy xem các đóa hoa trong cái bình trên bàn này. Bà nhìn chúng và kêu lên: “Ồ, những cái hoa này đẹp làm sao!” Đây là một cách thấy. Nhưng khi bà thấy chúng không ly cách bà mà là chính bà, là bà giác ngộ.
Học viên: Cái ấy tôi thấy khó hiểu quá.
Lão sư: Theo cách thuần lý trí, nó không khó hiểu đâu. Khi nghe cách giải thích trước, người ta có thể thành thật nói: “Vâng, tôi hiểu.” Nhưng cái hiểu như thế chỉ là nhận thức lý trí và hoàn toàn khác hẳn với kinh nghiệm ngộ mà bà trực nghiệm hoa ấy chính là bà.
Tốt hơn tôi không nên nói nữa hoặc những giải thích này sẽ trở thành chướng ngại cho bà. Hãy về chỗ và tập trung kịch liệt vào công án.
* * *
Lão sư: Bà muốn nói gì không?
Học viên: Dạ có. Lần trước thầy dùng chữ “kẻ thù” và “trận chiến”. Tôi không hiểu “kẻ thù” là ai và “trận chiến” là gì?
Lão sư: Kẻ thù là sự suy nghĩ phân biệt của bà, nó đưa bà đến sự phân biệt chính bà ở một bên của biên giới tưởng tượng với những gì không phải là bà ở bên kia giới tuyến không có thực này. Hay nói một cách có ý nghĩa hơn, kẻ thù của bà là cái ta cá nhân của bà. Khi bà ngừng suy nghĩ về mình như là một cá thể tách rời và nhận ra cái “Một” của tất cả cuộc tồn sinh là bà đã cho cái ta của bà một cú đấm chí tử.
Sắp hết nhiếp tâm rồi, đừng buông lơi!
* * *