Tin Tức (680)


ÐẠI ẤN - Mahāmudrā

16,033

 

ÐẠI ẤN - Mahāmudrā

Nguyên Hảo dịch 

CHỈ VÀ QUÁN

 

Ðể thực hành chính thức thiền quán Ðại Ấn, chúng ta cần khai triển hai phương diện: Chỉ và Quán. Chỉ có mục đích làm cho tâm thức được tĩnh lặng, quán nhằm chứng thực được Tánh Không. Một cách tổng quát, có hai phương tiện để tu tập.

Thứ nhất, chúng ta bắt đầu bằng sự hiểu rõ bản chất của tính không; khi chúng ta thấu rõ về tánh không, chúng ta khai triển sự tĩnh lặng tâm thức; cuối cùng chúng ta tập trung tâm thức vào tánh không như là chúng ta đã thấy. Phương pháp này gọi là "chỉ lập trên quán."

Cách thứ hai là "quán lập trên chỉ." Trước tiên, chúng ta tập cho tâm thức tĩnh lặng, và chỉ khi nào chúng ta đạt được sự tĩnh lặng, chúng ta mới bắt đầu quán xét về tánh không.

Tùy theo điều kiện riêng, chúng ta có thể đi theo cách này hay cách kia. Có một số người có khuynh hướng bắt đầu bằng sự tìm hiểu và phân tích (Quán); một số người khác lại muốn khởi sự ngay việc thực hành tu Chỉ. Kết quả của hai phương pháp đều như nhau; chỉ khác nhau ở thứ tự trước sau. Trong cả hai trường hợp, điều quan trọng là nên tu tập những pháp môn tiên khởi đã được trình bày ở phần trước trước khi tu tập chỉ hoặc quán.

Phương pháp tu Chỉ trước có một ưu điểm. Ví như một bức tranh trên một bức tường được nhìn thấy nhờ ánh sáng một ngọn đèn cầy. Nếu cửa sổ mở, ngọn đèn sẽ bị gió làm chao đảo và chúng ta khó nhận ra những đường nét trên bức tranh, nhưng nếu cửa sổ được đóng kín, ngọn đèn sẽ yên tĩnh, và ta có thể nhìn thấy những chi tiết rất rõ ràng. Tương tự như vậy, nếu chúng ta cố gắng soi rọi trên tính không với một tâm thức không định tĩnh, chúng ta sẽ khó giữ sự tập trung trong một thời gian cần thiết vì tâm thức chúng ta sẽ bị chao đảo giống như ngọn đèn khi cửa sổ mở. Tuy nhiên, nếu chúng ta có được sự thanh tĩnh, tâm thức chúng ta sẽ hoàn toàn sẵn sàng để tập trung vào đối tượng quán chiếu không sợ bị lo ra. Trong trạng thái đó, sự quán chiếu sẽ dễ hơn nhiều và do đó chúng ta sẽ dễ dàng thể nghiệm bản chất của tánh không. Phương pháp được trình bày ở đây sẽ là phương pháp thứ hai: Quán lập trên Chỉ.

Có rất nhiều phương pháp để trưởng dưỡng sự thanh tĩnh nội tâm. Thông thường là quán tưởng một đối tượng như tượng Phật hoặc điểm sáng, và hoàn toàn tập trung vào đó. Ở đây, chúng tôi xin trình bày một phương tiện đặc biệt hơn: đạt được sự định tĩnh tâm thức (Chỉ) bằng sự tập trung vào bản chất trong sáng và rỗng không của chính tâm thức. Phương pháp này có ưu điểm là cho chúng ta một sự chuyển tiếp tương đối dễ dàng vào sự tu tập thiền quán về tính không: đối tượng thiền quán trong các trường hợp đều như nhau là giải trừ mọi hình trạng vật lý như hình dạng, màu sắc. Do đó, đầu tiên chúng ta tập tập trung vào tính chất trong sáng và rỗng không của tâm, sau đó chuyển hóa sự tập trung vào tánh không. Mặt khác, nếu chúng ta dùng hình tượng Phật để trụ tâm tu chỉ, chúng ta sẽ tạo ra thói quen có một hình tượng có hình dạng và màu sắc trong tâm thức làm cho chúng ta khó chuyển qua sự quán chiếu về một thực tại phi vật thể và trừu tượng như tánh không.

Mặc dù việc tu chỉ bằng quán chiếu tâm thức có ưu điểm lớn, phương pháp này cũng có những bất lợi và nguy hiểm. Bất lợi đầu tiên là sự khó khăn trong việc xác định đối tượng quán chiếu. Khi tập trung vào hình tượng đức Phật chẳng hạn, có những vấn đề như đối tượng quán tưởng giống cái gì và khởi lên từ đâu. Nhưng tâm thức tự nó không mang một màu sắc hay hình thù nào, khi chúng ta tìm xem nó giống cái gì và trụ ở chỗ nào, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi thực hành, rất khó thể nhận và xác định cái tâm để coi nó như là một đối tượng thiền quán.

Bất lợi thứ hai là sự căn thẳng tinh thần. Nếu chúng ta tập trung vào bên trong tâm thức, chúng ta gặp phải sự nguy hiểm là có thể làm đảo lộn những luồng khí lực trong cơ thể và làm xáo trộn thần kinh. Khi tâm thức tập trung ra bên ngoài vào một đối tượng có thể nhìn thấy, mối nguy hiểm này giảm đi rất nhiều. Vì vậy, chúng ta phải cẩn trọng khi dùng tự tâm làm đối tượng thiền quán. Nếu chúng ta thấy rằng phương pháp quán tâm gặp phải quá nhiều căng thẳng và gây nên tình trạng xáo trộn và bất an, chúng ta nên thử tập trung vào đối tượng bên ngoài.

Trước khi chúng ta tập trung vào việc quán chiếu tâm thức, chúng ta cần khảo sát một vài điểm về tính chất của tâm để có thể giúp chúng ta dễ dàng thể nhận ra nó. Cố gắng tập trung vào tâm mà không có một số khái niệm về tâm cũng giống như cỡi ngựa trong đêm tối.

Ai cũng đều biết rằng chúng ta có một tâm thức, nhưng ít người trong chúng ta có một khái niệm rõ ràng chính xác tâm thức là gì. Bản chất của tâm thức là gì? Chúng ta có thể trả lời ngay rằng đó là khả năng hiểu biết của một người: cái chủ thể nhận biết và suy tư. Nhưng một khái niệm như vậy không trả lời được câu hỏi một cách thích đáng. Khái niệm đó có vẻ rất rõ ràng nhưng thật sự không làm cho chúng ta hiểu được bản thể của nó một chút nào.

Tôi xin đi sâu hơn vào vấn đề. Một đặc tính để định nghĩa tâm thức là nó không có những tính chất vật lý: không màu sắc, không hình dạng và không thể sờ mó. Nhưng bản thể của nó không chỉ là vắng bóng một nội dung vật lý; không gian cũng trống rỗng nhưng không phải là tâm thức. Sự khác nhau giữa tâm thức và không gian là tâm thức có tính năng động, có tính thời gian, biến chuyển trong từng khắc, còn không gian thì phi thời và không biến dịch. Tâm thức luôn luôn khởi động theo những nguyên nhân và điều kiện xảy ra trước đó, những nguyên nhân và điều kiện này bao gồm cả những trạng thái khác của tâm và những hiện tượng vật lý. Thêm vào đó, tâm thức ở trong trạng thái biến dịch không ngừng. Ði xa hơn, tính chất năng động của tâm thức có tính chất nhận thức. Nhận thức là một tính chất để định nghĩa tâm thức, có nghĩa là mỗi trường hợp và trạng thái đặc biệt của tâm thức đều gắn liền với mốt đối tượng. Ðiều này chúng ta có thể quan sát thấy trong chính chúng ta; chúng ta có thể thấy rằng mỗi tư tưởng chúng ta khởi lên là tư tưởng về một cái gì và mỗi một sự thể nhận là thể nhận về một đối tượng nào đó.

Thêm vào đó, năng lực của tâm thức rất mạnh; tâm thức là chủ thể của thân và miệng. Mọi hành vi và lời nói của chúng ta đều không thể tách rời khỏi tâm thức. Tâm thức cũng là nhân tố quyết định những sự thể nghiệm. Nếu chúng ta làm cho nó quen với những lề lối cư xử thiện, nó sẽ phát triển tánh thiện và sự hiểu biết, để cuối cùng có thể đạt đến Phật tính. Nhưng nếu nó rơi vào những lề lối nhận thức và cư xử sai lầm và bất thiện, nó sẽ phải hứng chịu những hoàn cảnh rũi ro và bất hạnh.

Trong thực tế, chúng ta có thể đề cập nhiều chi tiết hơn nữa về những trạng thái của tâm, những chức năng, những mối liên quan của chúng ..., nhưng trong mục đích hướng dẫn phương pháp làm cho tâm thức định tĩnh, chúng ta chỉ cần đề cập tính chất căn bản của tâm thức. Chúng ta cũng cần nhấn mạnh ở đây là trước khi chúng ta khởi sự thiền quán, chúng ta cần biết những tính chất căn bản của nó. Ðiều này đòi hỏi một tiến trình phân tích, trong đó, chúng ta lặp đi lặp lại việc quán xét và soi rọi vào tâm thức bằng sự quán chiếu để nhận thấy và nhận chắc nội dung sáng tỏ, rỗng không, và thể nhận ra nền tảng của tâm thức.

Con đường phát triển sự thanh tĩnh nội tâm không đòi hỏi gì cả, ngoại trừ việc thực hành liên tục và chú tâm đặt tâm vào đề mục thiền quán. Nhận ra tâm và tỉnh giác về tâm là một việc đơn giản. Một khi mọi sự mặc chiếu đều quy hướng vào tâm, chúng ta đừng bao giờ để tâm thoát ra ngoài sự soi chiếu của chúng ta. Chúng ta chú tâm vào bản tính trong sáng và rỗng không của tâm một cách liên tục, không rời.

Trong giai đoạn khởi đầu của buổi thiền quán, chúng ta thấy rằng sự mặc chiếu của chúng ta trên đối tượng thiền quán mạnh và tỉnh táo và chúng ta không cảm thấy khó khăn lắm trong việc thức tỉnh trước tâm thức. Tuy nhiên, khi tiếp tục thiền quán, sự mặc chiếu yếu dần và cường độ của sự tập trung cũng yếu đi. Sự suy yếu nầy thấy rõ khi nhận thấy những tư tưởng không kiểm soát khởi lên vơ vẩn trong tâm thức. Nhưng những tư tưởng vẩn vơ không nhất thiết chỉ chứng tỏ sự suy yếu của giác tâm; chúng cũng có thể chứng tỏ sự đánh mất đối tượng thiền quán. Khi sự mặc chiếu trên đối tượng tâm thức trong sáng và rỗng không suy thoái, sự thức giác của chúng ta có thể cũng suy thoái để biến thành sự thức giác về một trạng thái ngoan không. Chúng ta đánh mất sự mặc chiếu và thay vì vậy, chúng ta thấy mình đang tập trung vào một trạng thái trống rỗng không mang một nội dung nào. Khi chúng ta nhận ra điều này, chúng ta nên lập tức khởi sự lại như lúc đầu. Một lần nữa, chúng ta nên thể nhận bản tánh của tâm và cẩn thận giữ sự tỉnh thức trên đó. Một kỹ thuật hữu ích để trở về trạng thái thức giác là đợi khi một cảm thọ an vui hay đau đớn khởi lên trong tâm. Những cảm thọ đó lập tức có thể ghi nhận được và tương đối dễ dàng nhận ra bản tánh trong sáng và rỗng không của nó và chúng ta trở lại với sự quán chiếu.

Chúng ta thường nói đến hai tác động của tâm được coi như khí cụ để làm tăng trưởng sự thanh tĩnh tâm linh: mặc chiếu, như chúng ta đã đề cập, và thức giác. Tuy nhiên, trong những giai đoạn đầu, sự mặc chiếu đặc biệt cần thiết. Khi bắt đầu trấn định tâm thức, chúng ta sẽ thấy rằng sự mặc chiếu của chúng ta vào đối tượng, chúng ta không thể kéo dài trong một thời gian dài và thường bị ngắt đoạn do những tạp niệm. Nhưng với thời gian, sức mạnh và thời gian mặc chiếu sẽ dần dần tăng lên. Khi bắt đầu, có những lúc tâm thức dường như không ngừng bị vây phủ bởi những tưởng niệm không kiểm soát và sự thiền quán như là không thể nào thực hiện được. Sự kiên trì và thường xuyên thực tập là phương thuốc đối trị duy nhất, tuy nhiên điều này cũng có vẻ khó khăn. Nếu chúng ta nghiêm túc thiền quán và áp dụng những chỉ dẫn ở đây, những chướng ngại sẽ giảm bớt và tâm sẽ đạt được trạng thái ổn cố.

Có cả thảy chín mức độ trong sự ổn cố tâm thức mà chúng ta cần vượt qua trước khi đạt được sự thanh tĩnh nội tâm. Ở hai mức độ đàu, tâm thức đạt được một khả năng vững chắc trong việc chuyên nhất tập trung vào đối tượng quán chiếu nhưng vẫn còn thường bị những tạp niệm vẩn vơ xâm lấn và làm đánh mất đối tượng. Chỉ vào mức độ thứ ba, tâm thức mới đạt được sự ổn cố đầy đủ để trở lại ngay với sự mặc chiếu khi bị những tạp niệm làm tán loạn. Ở mức độ này chúng ta cũng có được sự ổn cố để phát hiện ra những tạp niệm lúc chúng khởi lên và nhờ vậy đoạn trừ được chúng trước khi chúng có thể quấy rầy sự tập trung của chúng ta.

Ðiều xảy ra trong tâm thức của một hành giả tu thiền ở mức độ này cũng tương tự như điều xảy ra trong một trận đấu võ đài giữa hai đối thủ ngang sức, ngang tài; ở đây sức mạnh của sự mặc chiếu và sức mạnh của tạp niệm ngang sức nhau. Có khi chúng ta ngăn chận được những tạp niệm không cho quấy rầy tâm thức và đôi khi những tạp niệm làm chúng ta lãng quên đối tượng quán chiếu. Tuy nhiên, chúng ta sẽ đạt đến mức độ thứ tư, nơi đây những tạp niệm tuy vẫn còn khởi lên, nhưng không còn khả năng lôi kéo tâm thức của chúng ta; dù cho những tư tưởng kia khởi dậy, chúng ta vẫn không bao giờ rời sự mặc chiếu về bản thể trong sáng và rỗng lặng của tâm. Giờ đây, tâm thức chúng ta có thể ví như một hồ nước tĩnh lặng, dù cho cá tôm bơi lội trong đó. Những tạp niệm có thể khởi lên rồi biến mất, nhưng chúng không có chút ảnh hưởng nào đến sự tĩnh lặng toàn thể của tâm thức.

Thông thường, khi chúng ta thấy một người ngồi bất động thiền tọa, chúng ta nghĩ rằng tâm người đó yên tĩnh và thanh bình. Trong thực tế, nếu người ấy nghiêm cẩn đối chọi với những yếu tố làm quấy rầy và vặn vẹo trong tâm thức, chắc chắn sẽ chứng kiến nhiều náo động và rối loạn xảy ra bên trong. Ðó là tiến trình phải xảy ra trên con đường tu tập thiền quán. Chúng ta hoàn toàn sai lầm nếu chúng ta có quan niệm rằng thiền quán chỉ là ngồi im bất động và không làm gì hết như một người lười biếng. Nếu như thế thì cũng như chúng ta đi ngủ. Những thực tập thiền quán thực sự cũng làm cho thần kinh chúng ta căng thẳng, nhưng chúng ta cũng nên hiểu rằng thần kinh của chúng ta đã có lần bị rồi loạn vì những chuyện thế gian.

Có hai trở ngại đặc biệt cho sự phát triển sự an định tinh thần: khích động và hôn trầm. Hai tính chất này không nên bị lẫn lộn với sự lo ra và mê mờ. Chúng ta cố gắng tập trung, thường chúng ta bị lo ra và loạn tưởng, nhưng sự lo ra này không nhất thiết phải là sự kích động. Kích động là một hình thức đặc biệt của lo ra dẫn dắt tâm thức đi ra ngoài đối tượng quán chiếu với những tư tưởng ham muốn và những sự việc hấp dẫn. Khi tâm thức bị những đối tượng khác hơn là những thứ vừa trình bày lôi kéo thì đó là những tạp niệm hoặc những sự lo ra thông thường, không phải là khích động. Ðể hóa giải sự khích động, một khi chúng ta đã nhận diện ra nó, chúng ta nên quán chiếu những tính chất tiêu cực và khổ đau của cuộc sống; ngược lại, khi tâm thức trì trệ, suy nhược, chúng ta nên quán chiếu vào những khía cạnh tích cực, vui tươi của cuộc sống. Quán chiếu như vậy, chúng ta lập sự quân bình nội tâm và có thể tiếp tục tu tập thiền định, vượt qua những chướng ngại này.

Chúng ta cũng cần biết sự khác nhau giữa hôn trầm và mê mờ. Hầu hết những loại hôn trầm và u ám chúng ta cảm nghiệm trong bước đầu tu tập thiền quán chỉ là sự tối dạ, đó là một tác động tinh thần làm lu mờ sự thức tỉnh và dẫn dắt chúng ta rơi vào trạng thái buồn ngủ và ngủ gục. Mê mờ là một hình thức tế vi hơn của u ám chỉ xảy ra khi chúng đã đạt được sự ổn cố của sự mặc chiếu vững chắc vào đói tượng bằng cảm thọ nhu nhuyến và an lạc; chúng ta cảm nghiệm hình thức tế vi nhất của nó chỉ khi nào chúng ta đạt đến mức độ thứ tư hay thứ năm của sự ổn cố. Mê mờ là một sự giảm sút cường lực của sự tập trung, nơi đó, sự mặc chiếu và sức cảm nhận về đối tượng thiền quán từ từ giảm sút. Tuy nhiên, bởi vì sự mặc chiếu và sự gắn bó giữa tâm thức vào đối tượng chỉ suy yếu, không phải mất hẳn, và tâm thức vẫn còn giữ niềm an lạc, chúng ta có thể hiểu lầm sự mê mờ với mức độ ổn cố cao hơn. Nhiều nhà tu tập thiền quán đã bị đánh lừa bởi trạng thái mê mờ vi tế, tưởng đó là sự định tĩnh nội tâm, và trụ trong đó trong thời gian dài mà không nhận ra rằng tâm thức của họ dần dần trở thành cùn nhụt thay vì bén nhạy hơn. Kết quả là sự yếu đi của của năng lực mặc chiếu, cho đến đối tượng quán chiếu cũng không còn. Tuy nhiên, mặc dù điều quan trọng là hiểu biết sự nguy hiểm của nó, chúng ta không cần phải lo lắng về chúng quá nhiều ngay bây giờ; chúng ta có đủ cách để chiến thắng.

Những nghi ngờ và thắc mắc cũng có thể là nguyên nhân làm cho chúng ta gặp nhiều khó khăn trong lúc bắt đầu tu tập. Nếu chúng ta không giải quyết và giải đáp ổn thỏa những nghi ngờ và thắc mắc trước khi bước vào tu tập thiền quán, có thể chúng sẽ làm cho chúng ta lo ra rất nhiều. Nếu việc thiền quán của chúng ta không tiến triển tốt đẽp, chúng ta có thể nghi ngờ giá trị của nó; nhiều vấn nạn chưa được giải đáp có thể khởi dậy. Và như đã được đề cập, trước khi khởi sự tu tập thiền quán một cánh nghiêm chỉnh, chúng ta cần hiểu rõ ràng cái gì là cần thiết, nó sẽ dẫn đến đâu và giá trị của nó là gì. Sự hiểu biết này chẳng những giúp chúng ta vượt khỏi những thắc mắc và nghi ngờ, mà còn cho chúng ta một nền tảng trí tuệ vững chắc và niềm tự tin cần thiết để theo đuổi những mục tiêu tu tập có hiệu quả.

Nếu chúng ta biết chút ít về việc nuôi gia súc, chúng ta sẽ biết rằng buộc một con bò tơ giữa một cánh đồng là một việc làm không khôn ngoan. Thay vì bình tĩnh gặm cỏ, con nghé bị cột sẽ bứt đứt sợi giây để thoát đi. Trái lại, một con nghé không bị cột sẽ không đi rông xa, nó sẽ yên lặng gặm cỏ quanh quẩn trong một vùng nhất đînh. Tương tự như vậy, một tâm thức bị bao vây bởi những thắc mắc và những nghi ngờ chưa được giải quyết sẽ bị căn thẳng và mâu thuẩn, và không ngừng vùng vẫy thoát ra. Một khi được giải phóng, tâm thức sẽ ngừng rông chạy và sẽ yên nghỉ trong một bầu trời mở rộng. Khi đó, việc tu tập thiền quán sẽ có kết quả. Trong những vấn đề thế tục, những kinh nghiệm của chúng ta dạy cho chúng ta rằng một một ý thức mạnh mẽ về mục đích và hướng đi sẽ giúp con người đạt được những mục tiêu của họ; điều này cũng là một chân lý trong việc tu tập thiền quán.

Thông thường chúng ta nghĩ rằng tham thiền là một công việc khó khăn đòi hỏi nhiều cố gắng và quyết tâm. Chúng ta ép thể xác chúng ta vào một tư thế không thỏai mái và bắt chúng ta cố gắng rất nhiều vào việc tập trung tinh thần. Một cảm nghĩ như vậy sẽ làm chúng ta trở nên căng thẳng và sẽ đưa đến kết quả trái nghịch với sự an bình của tâm thức mà chúng ta muốn đạt đến. Vì vậy, việc quan trọng là thân và tâm đều cần phải được thoải mái và thanh thản khi tham thiền. Nhưng sự thoải mái này cần phải không bị kéo xuống để trở thành yếu ớt và lười biếng; chúng ta nên đừng căng thẳng, nhưng đồng lúc cũng cần có sự tỉnh giác và chú tâm. Trong khi tu tập thiền quán, tâm thức cần ở trong trạng thái không quá căng thẳng, không quá thoải mái. Một trạng thái trung dung vững vàng mà nhẹ nhàng là trạng thái cần có.

Có một câu chuyện rất thú vị trong kinh diễn tả trạng thái thức giác khi tu tập thiền quán. Ðức Phật kể lại một cuộc chiến đấu giữa một kiếm khách và một xạ thủ. Trận đấu đòi hỏi người xạ thủ bắn ra bao nhiêu tên mà y có thể bắn và người kiếm khách sẽ phải gạt những mũi tên được bắn tới. Trong thời gian đầu, người kiếm khách gạt những mũi tên không lấy gì làm khó khăn; sự cảnh giác đã làm cho y đón được những mũi tên dù cho bắn nhanh cách mấy. Một khắc đầu trôi qua, sự chú tâm của người kiếm khách bị làm lo ra vì một thiếu nữ hấp dẫn trong đám người đứng xem. Một giây khắc không cảnh giác này đã trả giá bằng mạng sống của y, bởi vì y đã không nhận ra mũi tên đang vượt qua thanh kiếm của y và cắm vào tim y.

Tương tự như vậy, một thiền giả nên tưởng tượng mình là một kiếm khách tài ba, biết rằng nếu để cho tâm thức rông chạy vẩn vơ dù trong một khoảnh khắc, cũng có thể làm cho sự tu tập của mình sụp đổ. Những mũi tên liên tục được bắn ra trong khi chúng ta tu tập thiền quán là những niệm tưởng lo ra và khích động. Một cách lý tưởng, chúng ta nên thức giác về chúng ngay khi chúng vừa hiện khởi và chặc đứt chúng trước khi chúng có cơ hội quấy phá chúng ta. Ngay khi một niệm tưởng bắt đầu thoát khỏi sự chú tâm của chúng ta, nó sẽ phá hoại sự tập trung của chúng ta cũng giống như một mũi tên không nhận ra kịp. Ðiểm chính yếu là khi sự mặc chiếu của chúng ta ổn cố và không còm lăn xăn, sẽ không còn mối nguy hiểm nào về việc bị làm giao động do những tạp niệm. Nếu chúng ta đánh mất sự mặc chiếu chỉ trong thoáng chốc, một tạp niệm sẽ có thể phá vỡ sự tập trung của chúng ta.

Tuy nhiên, nếu chúng ta không đạt đến sự ổn cố trong mặc chiếu, rất khó lòng cho chúng ta quán sát được những tạp niệm khởi lên để lọai trừ. Trong thực tế, cố gắng để làm việc đó ngay bây giờ có thể còn tạo thêm nhiều vấn đề hơn là giải quyết được vấn đề. Bằng cách cố gắng quá sức để kiểm soát sự khởi lên của các tạp niệm, chúng ta thấy rằng những tạp niệm lại khởi lên nhiều hơn. Dùng những kỹ thuật ngoài khả năng của chúng ta sẽ thường gây ra những sự não loạn và căng thẳng thần kinh.

Phần lớn chúng ta ngày nay có thể theo phương pháp đối trị tạp niệm sau đây. Thay vì cố gắng cắt đứt một niệm tưởng ngay khi nó khởi lên, chúng ta nên dừng lại và quan sát kỹ những gì đang xảy ra. Nhìn những niệm tưởng đang khởi dậy, theo dõi chúng khi chúng đang còn lảng vảng vả cuối cùng nhìn chúng biến mất. Trong mọi lúc cứ giữ một tư thế chú ý khách quan. Quan sát những niệm tưởng khởi lên theo cách đó, không phản ứng cũng không đồng hóa với chúng, chúng sẽ tự động tan biến và trở về với bầu trời tâm thức trong sáng và trống không từ đó chúng hiện ra. Thời xưa, khi những con tàu chuẩn bị những cuộc hành trình dài trên biển cả, những thủy thủ thường đem theo những con chim để biết họ đã sắp đến đất liền hay chưa. Họ thả con chim cho bay đi và nhìn theo hướng bay của nó. Nếu còn xa mới đến đất liền, con chim sẽ bay vòng quanh thuyền và cuối cùng quay trở lại về thuyền. Cũng như thế, chúng ta sẽ nhìn theo những tư tưởng lăn xăn khởi lên trong quá trình thiền quán. Giống như con chim được thả ra giữa đại dương, những tạp niệm sẽ trở về chỗ chúng đã khởi dậy.

Chúng ta cần chọn một phương pháp giảm trừ tạp niệm thích hợp nhất cho mỗi người. Chúng ta không nên cố gắng dùng tất cả mọi phương pháp cùng một lúc. Trước tiên chúng ta nên chọn một phương pháp và tập trung thực hành cho đến khi chúng ta thật thiện xảo trong phương pháp này. Sau đó, khi tâm thức chúng ta không còn tạp niệm, chúng ta sẽ nhìn thấy bản chất trong sáng và rỗng không của tâm, và quy hướng sự mặc chiếu vào đó. Dồn hết tâm lực vào việc tẩy trừ những vọng niệm để đạt được một trạng thái tâm linh thanh tĩnh là một việc làm không mấy sáng suốt. Khi chúng ta đi dạo chơi trên núi cao trong một ngày có mây, chúng ta nên lợi dụng mỗi khi một đám mây vừa trôi qua mà nhìn xuống cảnh trí tươi đẹp bên dưới. Thật là điên rồ nếu chúng ta đợi cho hoàn toàn hết mây để được nằm nghỉ ngơi trên triền núi. Tương tự như thế, quan trọng là chúng ta quán chiếu sự thanh tĩnh nội tâm ngay khi các tạp niệm vừa biến mất.

Phương tiện tập trung mặc chiếu vào đối tượng theo truyền thống được giải thích bằng sáu hình ảnh.

Như mặt trời chiếu sáng trong bầu trời không mây. Hình ảnh này để gợi lên trạng thái thiền định trong đó những tư tưởng lăng xăng, những sự lo ra, sự hôn trầm và nghi ngờ được loại trừ, và tính chất trong sáng và rỗng không của tâm hiển hiện một cách sống động trong mặc chiếu. Trong trạng thái đó, không có một cái gì ngăn ngại chúng ta nhận thấy một cách rõ ràng và duy trì sự tỉnh giác trên đối tượng. Tuy nhiên cũng cần nêu ra một điểm là trạng thái tỉnh gíac đó chỉ là tri giác về bản chất giả lập của tâm thức, có nghĩa là bản chất trong sáng và tỉnh giác của nó. Sự thể hiện tính chất tối hậu của tâm, không có sự hiện hữu nội tại, hoàn toàn khác. Mục đích duy nhất của thiền quán này là đạt đến sự nhất tâm trong bản chất giả lập này.

Như chim ưng bay lượn trong bầu trời. Khi chim ưng bay, nó không luôn luôn đập cánh mà chỉ lướt đi một cách thanh nhã, thỉnh thoảng mới vỗ nhẹ cánh. Một cách lý tưởng, việc tham thiềm của cũng nên với cách thế tương tự. Chúng ta để nhiều thời gian và tâm thức chú mục vào đối tượng thiền quán, giống như chim ưng bay lượn. Khi một tư tưởng tạp khởi lên, chúng ta chỉ cần đuổi nó với một vài cố gắng phân tích quán chiếu, giống như chim ưng đập mạnh cánh nhưng vẫn an nhiên, và rồi quay trở về với sự quán chiếu. Trong giai đoạn đầu tu tập, dĩ nhiên chúng ta cần nhiều cố gắng trong việc đào sâu khả năng phân tích để có thể nhận thấy đối tượng quán sát và dọn sạch những chướng ngại. Nhưng trong giai đoạn này, khả năng phân tích mạnh không mấy quan trọng. Ðể tâm quá nhiều vào việc tìm kiếm các niệm tưởng khởi lên khi sự tập trung đương có đà có thể làm trở ngại việc thiền quán. Một hành giả khéo léo là một người biết định lượng mức độ phân tích nên được áp dụng và khi nào nên áp dụng.

Như đại dương. Có thể trên mặt đại dương nhấp nhô đầy sóng, đại dương không lúc nào bị chao đảo hoặc xê dịch. Trong lúc thiền quán, tâm thức chúng ta nên giống như đại dương. Ngay cả khi các tạp niệm khởi lên trên bề mặt, trong chiều sâu của tâm luôn luôn giữ an tĩnh và không chao đảo. Bất cứ cái gì xảy ra trên bề mặt cũng không quấy phá tâm thức chúng ta ra khỏi sự mặc chiếu an tĩnh trên sự trong sáng và rỗng không.

Như đứa trẻ ngắm tranh. Khi một đứa trẻ đứng trước bức tranh nó không nhìn bức tranh trong tinh thần phê bình, vạch kẽ những chi tiết. Nó chỉ phán định bức tranh một cách toàn thể với tâm hồn mở rộng, không phân tích. Giống như vậy, khi soi chiếu vào đối tượng thiền quán, chúng ta không nên tìm hiểu đối tượng bằng tâm phê bình và phân tích, lúc nào cũng khảo sát bản chất, đặc tính, chức năng, và những thứ khác của nó. Thay vì thế, chúng ta chỉ tập trung vào tâm thức với sự hiện hữu trần trụi của đối tượng và để nó an trụ như vậy trong sự nhứt tâm.

Như vết chim bay. Khi chúng ta nhìn một con chim bay, chúng ta có thể nhìn theo đường bay của nó, nhưng khi chim bay qua rồi, chúng ta không tìm thấy đâu ra vết tích của đường chim bay. Thông thường, kinh nghiệm an lạc khi tham thiền làm cho chúng ta bám víu và ham muốn; khi một kinh nghiệm đau khổ xảy đến, chúng ta muốn loại trừ; khi không vui không khổ, chúng ta cảm thấy bối rối mơ hồ. Chúng ta có thể nói rằng những cảm nghiệm này đã để lại những dấu vết trong tâm thức: đó là những phản ứng đối với những cảm nghiệm. Một cách lý tưởng, chúng ta nên quán sát sự khởi dậy và ra đi của những cảm thọ như là những vết chim bay qua trong bầu trời. Những cảm thọ này sẽ hiện đến trước chúng ta, lưu lại một thời gian ngắn và rồi biến đi không lưu lại một dấu vết nào.

Như hạt bồ công anh. Khi có gió thổi, những hạt bồ công anh bay tung lên vì những hạt này rất nhẹ. Trong thiền định, thân tâm cũng nên được cảm thấy nhẹ nhàng, bay bỗng. Thường thường thì chúng ta cảm thấy thân thể nặng nề, khó điều khiển, không thoải mái, và trong tâm thức thì trì độn và mê mờ. Trong trạng thái này khó mà tiến bộ được. Thiền định chỉ có thể tiến bộ khi không những tâm thức nhẹ nhàng, trong sáng và uyển chuyển, mà cơ thể cũng cần được nhẹ nhàng. Trong những lúc đó, chúng ta cảm thấy như có thể bay lên không trung.

Khi đã có sự thanh tĩnh nội tâm, hành giả có khả năng tập trung vào đề mục thiền quán mà không cần một cố gắng nào. Thêm vào sự nhất tâm, hành giả có thể đạt tới một mức độ trong trẻo cao tột của sự tỉnh thức, như khi nhìn vào một hòn đá hay một bức tường, những phần nhỏ nhẹm nhất cũng được thấy một cách rõ ràng. Thân thể cũng cảm thấy nhẹ nhàng, và sự trong sáng cũng phát triển. Ở giai đoạn này, hành giả không còn cần đến thực phẩm thô để tồn tại, nhưng nhận nhu cầu nuôi sống cơ thể từ trạng thái thanh tĩnh của tâm.

Với những diễn tả vừa rồi về nhiều phương tiện để đạt đến trạng thái thanh tĩnh nội tâm, có thể chúng ta cảm thấy việc tu tập thiền quán là một tiến trình khó khăn, phải vượt qua nhiều chướng ngại. Nhưng đối với người đã đạt được sự thanh tĩnh nội tâm, tuyệt đối không có gì khó khăn hay cố gắng trong việc tập trung vào đề mục thiền quán, bởi vì tâm thức người ấy đã hòa nhập bất phân ly với tánh trong sáng và rỗng lặng, và từ đó y thực hành mặc chiếu. Bấy giờ, rất dễ bị lầm lẫn sự hòa nhập đó với sự chứng ngộ tánh không. Cả hai đều có nhiều tính chất giống nhau, như là hòa nhập tâm thức vào đề mục thiền quán và một kinh nghiệm về "không". Nhưng trong thực tế trạng thái hòa nhập này chỉ là bước sơ khởi trên con đường chứng ngộ đại thủ ấn hay tánh không. Ðó không phải là sự chứng ngộ chân lý cứu cánh.

Khi từ trong nhất tâm, chúng ta ý thức về thế giới tâm linh của chúng ta, chúng ta có thể lại bị đánh lừa mà nghĩ rằng chúng ta đã đạt đến sự chứng ngộ về tánh không. Trước khi chúng ta đạt đến trạng thái thanh tĩnh nội tâm, sự vật quanh chúng ta hiện hữu như là những sự vật cố định, cụ thể và hiện tồn một cách khách quan, nhưng sau khi chúng ta nhập vào trong trạng thái trong sáng, rỗng lặng của tâm thức, sự vật hiện ra hoàn toàn không có bản thể. Những đối tượng vật chất hiện hữu như chỉ là những phản ảnh trong một chiếc gương sáng, và sự tựu thành của chúng cũng không thật hơn là sự tựu thành của một chiếc cầu vồng. Kinh nghiệm này có thể đưa chúng ta đến kết luận rằng chúng ta đã chứng được tánh như huyễn của sự vật, một sự chứng ngộ thường được nói đến như là hệ quả của sự chứng ngộ về tánh không. Một lần nữa, chúng ta lại lẫn lộn hai sự việc tương tự ở bề ngoài nhưng trong bản chất thì là hai thể nghiêm hoàn toàn khác. Lý do làm chúng ta nhìn thấy các hiện tượng đều không có bản thể vì chúng ta đã tập trung trong một thời gian dài vào tánh chất rỗng không và vô ngã của tâm. Tánh chất vô ngã đã ăn sâu vào thức chúng ta cho nên khi chúng ta nhìn ra thế giới bên ngoài, nó cũng hiện ra không có bản thể và giống như ảo ảnh. Kinh nghiệm này là âm hưởng của sự tập trung thiền quán của chúng ta. Nó tương tự như điều xảy ra khi chúng ta nhìn lâu vào một luồn sáng rồi sau đó nhìn ra cảnh vật bên ngoài. Cái thấy của chúng ta vẫn còn bị ảnh hưởng bởi luồn sáng và phải sau vài phút chúng ta mới lại có thể nhìn thấy sự vật một cách bình thường.

Mặc dù những kinh nghiệm như vậy có mối nguy như đã nói, nhưng cũng nhờ có những kinh nghiệm này mà phương pháp phát triển niềm an tĩnh nội tâm trên sự quán chiếu vào tính trong sáng và rỗng lặng của tâm được coi là nền tảng tuyệt hảo cho sự tu tập đại thủ ấn. Bằng cách tập trung vào tánh chất của tâm, chúng ta phát triển khả năng tập trung vào các hiện tượng được biểu thị một phần bằng sự phủ định: sự phủ định một nội tại vật chất. Ðiều này sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc đưa tâm thức tập trung vào tánh không, bởi vì tánh không cũng được biểu thị bằng phủ định: phủ định một sự hiện hữu nội tại. Nhờ vào sự tương tự giữa hai đói tượng, chúng ta có thể dễ dàng bước vào sự tu tập đại thủ ấn. Trong hai trường hợp, các hiện tượng hiển lộ ra không có bản thể và như huyễn ảo. Nhờ đó, chúng ta sẽ có điều kiện tốt trên con đường chứng thực tánh không.

Tóm lại, lợi ích của việc phát triển niềm an tĩnh nội tâm bằng sự quán chiếu tánh chất trong sáng và rỗng lặng của tâm thức có ba: có được một sự hiểu biết về bản chất của tâm; đạt được một năng lực tập trung mạnh mẽ để có thể tập trung vào đề mục nào tùy ý; và cuối cùng là có được một nền tảng tốt nhất để từ đó phát triển sự quán chiếu tánh không. Cũng có thể nói thêm là trên căn bản, sự tập trung tâm thức vào tánh không cũng giống như tập trung vào tánh chất của tâm, chỉ khác là ở đối tượng quán sát.  

 

ĐẠI ẤN (MAHAMUDRA)

 

Như chúng ta đã đề cập, trong truyền thống hiển giáo, "mahamudra" (đại ấn) có nghĩa là tánh không. Chỉ nhờ trí tuệ về tánh không mà chúng ta có thể thoát khỏi vòng sống chết. Bao lâu mà chúng ta còn mờ mịt về tánh không, sự sinh tử luân hồi, khổ đau và hoại diệt vẫn còn tiếp tục không ngừng. Vì vậy trí tuệ soi chiếu vào tánh không còn được gọi là "cánh cửa giải thoát." Con đường để đạt được tri kiến đó chính là sự trau giồi những đức tính của các vị La Hán và chư Phật; mê mờ về trí tuệ này là nguyên nhân của mọi sự ràng buộc và khổ đau.

Những Kinh Luận do đức Phật truyền dạy về tánh không được coi là những Kinh Luận chính yếu. Mặc dù đức Phật đã dạy về nhiều vấn đề, trong đó bao gồm những giáo lý về vô thường, từ bi, tỉnh thức v.v.., mục đích chính của Ngài vẫn là dẫn dắt chúng ta hiểu được tánh không.

Nhưng chúng ta có thể hỏi rằng như vậy bố thí và giữ giới v.v... có nghĩa lý gì đối với việc tìm cầu trí tuệ về tánh không? Làm sao những sự thực hành đó có thể đưa chúng ta đến giác ngộ? Bằng sự thực hành những đức hạnh như tỉnh thức, ba la mật, bốn diệu đế, chúng ta tích tập được những thiện nghiệp làm nền tảng cần thiết cho sự thể hiện của tánh không. Tánh không không thể đến với chúng ta khơi khơi. Sự quán chiếu vào tánh không chỉ có thể thực hiện trên một nền tảng tâm linh vững chắc. Vì vậy, đức Phật cũng chỉ truyền dạy cho những đệ tử đã tích chứa công đức đầy đủ để có thể tiếp nhận.

Một sự lợi ích đặc biệt của sự chiêm nghiệm luật nhân quả và nhân duyên trước khi tu tập thiền quán về tánh không là sẽ ngăn cản chúng ta rơi vào hư vô chủ nghĩa. Nếu chúng ta không hiểu cặn kẽ những điểm này và trực tiếp thực hành tu tập thiền quán về tánh không, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng vì tầt cả đều rỗng không cho nên chúng không hiện hữu. Và chúng ta có thể chơi đùa trên tư tưởng hư vô, gây nên những hậu quả hủy hoại tinh thần và luân lý. Mặc dù đối với hầu hết chúng ta có thể không bị mối nguy hại lớn lao bị sa vào chủ nghĩa hư vô, tuy nhiên cũng nên nêu ra những sự lầm lạc có thể xảy đến với chúng ta trên con đường tìm cầu tánh không. Nếu chúng ta không ý thức được những điều này, chúng ta có thể tự đánh lừa mà nghĩ rằng chúng ta đang thiền quán về tánh không, trong khi tâm thức của chúng ta trên thực tế chỉ tập trung một cách mơ hồ vào sự vắng bóng của một nội dung bên trong. Học hỏi về những việc này có thể giúp chúng ta bớt mất thì giờ và năng lực. Tôi xin được lặp lại rằng trước khi chúng ta có thể bước vảo con đường thiền quán có kết quả, chúng ta cần phải có một kiến thức chính xác về những đòi hỏi cần thiết cho việc tu tập thiền. Thỏa mãn được những đòi hỏi này là bước đầu tiên trên con đường trí tuệ. Chỉ khi chúng ta thấy rõ ràng những gì ở phía trước chúng ta thì chúng ta mới có thể bước vào con đường tu tập thiền quán có kết quả.

Nói về tánh không là chúng ta nói về tánh không của sự vật nào đó. Vì vậy, để hiểu tánh không trong mối tương quan với một đối tượng- ví dụ như cái ngã- chúng ta cần phải biết cái ngã rỗng không về cái gì. Do đó chứng ngộ được tánh không đòi hỏi một tiến trình phủ đînh từ đó chúng ta có được một sự quán chiếu sự vật mà từ trước chúng ta vẫn cho là hiện hữu mà trong thực tế không thực sự hiện hữu. Thật là hồ đồ nếu cố gắng tham quán tánh không mà trước không hiểu biết chính xác cái gì cần được chối bỏ. Giống như người xạ thủ cố bắn trúng hồng tâm mà không định vị trí của tấm bia; hoặc giống như người cảnh sát cố gắng bắt một tên cướp mà chẳng nhận diện được tên cướp.

Ngày nay có rất nhiều hiểu lầm về bản tánh của không. Một số người nghĩ rằng thiền quán về tánh không đồng nghĩa với làm cho tâm thức trống rỗng và an trú trong trạng thái rỗng không này. Nhưng đó chỉ là một trạng thái trống trơn của tâm thức; không có gì có thể gọi là tánh không. Một quan niệm sai lầm khác cho rằng tánh không là sự vắng bóng của ngã. Quan niệm này đưa đến tư tưởng cho rằng nếu có thể đạt đến một trạng thái tâm thức trong đó không còn một tư tưởng nào về mình khởi lên thì đó là ngộ nhập tánh không. Nhưng sự thật không phải chỉ đơn giản như vậy. Chúng ta cần phân biệt cái ngã được tưởng tượng và cần chối bỏ, và cái ngã hiện hữu.

Ðể minh bạch hơn, chúng ta có ba khái niệm khác nhau về ngã. Trước hết là cái ngã mà chúng ta biết rằng không có sự hiện hữu nội tại, chỉ hiện hữu một cách giả lập và trên quy ước; thứ hai là cái ngã mà chúng ta coi là có sự hiện hữu nội tại; thứ ba là ngã mà chúng ta cho là không có sự hiện hữu nội tại, cũng không phải là không hiện hữu. Cái ngã thứ ba này là cái ngã làm việc, ăn uống, đọc sách báo.... Trong ba cái ngã, cái ngã đàu tiên có thể nhận thấy rõ ràng khi thể nghiệm được tánh không; cái ngã thứ hai là cái ngã mà chúng ta gọi là "ngã chấp", và cái ngã thứ ba là cái ngã thường tục, không quán chiếu. Khái niệm thứ nhất và thứ ba về ngã là có giá trị; chúng không cần phải bị chối bỏ. Chỉ có quan niệm thứ hai về ngã là lầm lạc, và trong thiền quán, chúng ta sẽ chỉ lưu tâm đến cái ngã này.

Ðến đây, chúng ta trở lại với việc thực hành. Tôi giả sử rằng chúng ta đã đạt đến trạng thái an tĩnh nội tâm và đã giảm đi nhiều những tạp niệm, những kích động và hôn trầm, và đang an trú nhất tâm vào tánh trong sáng rỗng lặng của tâm. Ðiều duy nhất hiện hữu trong tâm chúng ta là một tri thức trong sáng, rỗng lặng; không có những hình tướng hoặc những sự triển khởi nào còn tồn tại. Bước kế tiếp là lấy một phần rất nhỏ trong trạng thái tâm thức này để dùng vào việc phân tích. Rãt khó mà không làm cho sự tập trung khỏi chao động khi làm sống dậy khả năng phân tích của tâm thức. Chúng ta có thể thấy rằng khi chúng ta tập trung, chúng ta không thể phân tích và khi chúng ta phân tích, chúng ta không thể tập trung. Hai tác năng dường như cản trở nhau. Phải đòi hỏi nhiều thực hành để có thể xử dụng hai chức năng này cùng một lúc. Nhưng mặc dù như vậy, khi chúng ta đạt đến một trạng thái tâm thức hoàn toàn thanh tĩnh, thì vừa phân tích vừa tập trung cùng một lúc không gì khó khăn.

Ðối tượng phân tích đầu tiên là chính hành giả. Khi chúng ta đã đạt đến trạng thái thanh tĩnh, chúng ta sẽ có thể phân tích mà không bị phá rối bởi những tư tưởng không kiểm soát. Những điều kiện này cho phép hành giả đi sâu vào sự phân tích. Khi một tên cướp thấy mình đã vào trong một ngân hàng không có đèn đuốc trong một đêm tối trời, y sẽ thực hiện việc đánh cướp một cách không lo sợ. Tương tự như vậy, trong trạng thái hoàn toàn thanh tĩnh, sự phân tích của tâm thức tự do chiêm nghiệm bất cứ điều gì nó muốn.

Khi chúng ta phân tích chủ thể đang thiền quán, chúng ta sẽ đi đến kết luận rằng không có người thiền quán, không có cái tôi hay cái ngã khác hơn là cái tôi chỉ được nhận biết bằng tâm thức, có nghĩa là chỉ do tâm thức gán cho một khái niệm. Không có cái ngã có sự hiện hữu nội tại, căn nguyên và cụ thể độc lập vượt ngoài khái niệm. Không có một người thiền quán tên A có thể xuất hiện một bên y để tuyên bố về y. Khác hơn là A, người đã chỉ được gán cho một thể xác và một tâm thức, không có người A nào cả. Trong chiều hướng này, chúng ta có thể thấy vì sao chúng ta đạt được cái thấy trên căn bản thiền quán: trước tiên chúng ta phát triển sự thanh tĩnh nội tâm, và tiếp theo là phân tích bản tánh của chủ thể.

Ðối với một người đã thực hành thiền quán về tánh không với nhiều học hỏi và thực tập và đã phát triển một khuynh hướng mạnh mẽ về cái thấy này, sự chứng nghiệm thực tế rằng cái ngã không có một nội dung nội tại là một niềm vui lớn lao. Nhưng với những ai trong chúng ta chưa có một chuẩn bị tâm linh nào, sự việc rằng cái tôi chỉ là giả lập là một sự việc rất đáng sợ.

Khi thực hành sự quán sát này, dạng thức phân tích của tâm bắt đầu khảo sát từ trên đỉnh đầu rồi từ từ và cẩn trọng dời xuống thân thể rồi đến bàn chân. Thực hành như thế, chúng ta nhận thấy rằng cái ngã không không phải là một phần thuộc vật chất nào và không có bộ phận nào của cơ thể là cái ngã; chúng thảy đều là những phần của một cơ thể. Một sự phân tích tương tự cũng được thực hiện với tâm thức. Khởi sự với nhãn thức (cái biết của mắt), chúng ta khảo sát đến bốn cơ quan còn lại và rồi đến ý thức. Cũng thế, chúng ta thấy rằng không có một thức riêng biệt nào hay hình trạng riêng biệt nào của thức là cái ngã. Cuối cùng chúng ta sẽ đi đến vấn nận rằng có chăng một cái ngã hiện hữu độc lập ngòai cơ thể và tâm? Vấn đề sẽ rõ ràng: một khi cơ thể và tâm thức rút khỏi phạm vi của những vấn nạn, có thể sẽ không còn chỗ cho sự hiện hữu của một cái ngã. Với những phân tích này, chúng ta sẽ không khỏi đi đến kết luận rằng cái tôi là một cái chỉ được gán cho và tâm thức thì hoàn toàn trống rỗng.

*****

Ðến đây, một mối nghi sẽ đến với chúng ta: một cái ngã như vậy làm sao lại đến với chúng ta. Và chúng ta cố gắng tìm hiểu. Từ đó gây thêm chướng ngại cho chúng ta trong việc tìm hiểu về cái ngã giả lập thực. Trong lúc thiền quán, không dễ gì phân biệt được cái ngã giả lập do cá nhân chúng ta tưởng tượng ra với cái ngã giả lập thật. Một vấn nạn sẽ đến: "Cái ngã thật sự hiện hữu như thế hay chỉ là chúng ta tưởng tượng nó hiện hữu như thế?" Chỉ với sự quán sát nhiều lần và xuyên suốt chúng ta mới có thể giải quyết vấn đề này và có được một cái thấy có giá trị về sự thật rằng "cái tôi chỉ là cái được gán vào cho cơ thể và tâm thức."

Cũng có thể vấn đề sau đây phát sinh. Như chúng ta thường so sánh cái ngã được gán cho cơ thể và tâm thức với hình ảnh con rắn được gán cho một sợi dây. Chúng ta biết rằng trong thực tế con rắn mà chúng ta nhìn lầm không thực sự hiện hữu. Trái lại, mặc dù cái ngã chỉ là do chúng ta gán ghép cho cơ thể và tâm thức, có phải là nó hoàn toàn không là gì cả? Kết luận như vậy thật là mơ hồ bởi vì thật sự nó là người đang thực hành thiền quán. Chối bỏ hoàn toàn cái ngã cũng sẽ giống như chối bỏ có một người đang tu tập thiền quán. Tuy nhiên, cách thế cái tôi được gán cho cơ thể và tâm thức cũng cùng một với cách thế con rắn được gán cho sợi dây. Hơn nữa, cái tôi và con rắn đều không hiện hữu một cách nội tại. Ðiểm khác nhau là khi gán hình ảnh sợi dây là con rắn, chúng ta không thiết lập một sự hiện hữu của con rắn, còn khi gán cái ngã cho cơ thể và tâm thức, chúng ta thiết lập sự hiện hữu của một cái ngã. Sự khác biệt này giữa sự không hiện hữu của con rắn và sự có hiện hữu của cái ngã có thể có vì sợi dây không có nền tảng thích hợp để gán cho là con rắn, trong khi đó tổ hợp thân-tâm thích hợp cho sự gán ghép một cái ngã. Chúng ta có thể nói "tôi làm việc nọ", tôi đi nơi kia"... mà không thấy có gì là mâu thuẩn. Cái tôi luôn luôn suy tư và hành động thật đã có sự hiện hữu. Ngược lại, một khúc dây không bao giờ có một nền tảng có giá trị trong việc gán cho là một con rắn và vì vậy tư tưởng chủ thể của việc gán ghép này là một tâm thức sai lầm và không có giá trị. Một sợi dây, mặc dù bị lầm lẫn cho là một con rắn sẽ không bao giờ có tác động của một con rắn.

Một tiến trình đúng đắn về sự gán ghép sẽ xảy ra như sau. Tôi thấy một ngưởi bạn của tôi, B, đi về phía tôi. Nói một cách chính xác là tôi thấy cái hình thể vật lý của B và gán cho là B. Bởi vì hình thể của B là một nền tảng thích ứng thật sự với sự gán ghép cho B, sự gán ghép của tôi là đúng và tôi có thể kết luận có ý nghĩa rằng B đang đi đến. Cũng như vậy, chúng ta có thể nói về chúng ta rằng: "Hôm nay tôi cảm thấy bị kích động." Chúng ta lấy cái trạng thái của tâm thức đó làn cơ sở để gán vào chúng ta. Ở đây cũng thế, nó là nền tảng xứng hợp và từ đó chúng ta có thể gán ghép một cách đúng đắn cho cái ngã. Tuy nhiên, khi chết, cơ thể vật lý của chúng ta không còn tác động như là một chỗ tựa cho ý thức và bị hủy diệt. Thời gian này, nó không còn có thể được coi như nền tảng có giá trị cho việc gán ghép một người nào và cũng không có thể có một tư tưởng có giá trị làm chủ thể cho sự gán ghép một người nào trong mối liên hệ với nó.

Vì vậy, sự hiện hữu của một cái ngã được thiết lập trên mối liên quan tương giao giữa nền tảng có giá trị về sự gán ghép và ý thức gán ghép có giá trị. Trong chiều hướng này, chúng ta nói rằng con người hiện hữu, và cách thế hiện hữu này chúng ta gọi là "giả lập," "giả danh," "biểu hiện." Sự hiện hữu của ngã không khác hơn. Và đén đây, chúng ta hiểu rằng người tham thiền chỉ là cái được gán cho cơ thể, tâm thức của y. Rồi khi quán sát cái ngã mà ta tưởng là hiện hữu từ bản thể và nội tại, chúng ta sẽ nhận biết rằng cái ngã tưởng tượng sai lầm này là cái ngã cần được chối bõ. Ðể hiểu được tánh không, việc rất quan trọng là hiểu được cái tôi lầm lẫn này, bởi vì bằng sự thể nghiệm sự vắng bóng của một cái tôi như vậy chúng ta sẽ hiểu được đối tượng của ngã chấp mà sức mạnh của nó đã giam hãm chúng ta trong luân hồi. Tuy nhiên, đây là một điểm hết sức tế nhị và trước khi chúng ta có thể hiểu hoàn toàn ý nghĩa của nó, điều cần thiết là phải học hỏi, quán sát và phân tích thật nhiều và nhiều lần.

Một lầm lẫn chung là tạo một tư kiến về một hình ảnh nào đó rồi cho là cái ngã lầm lạc kia giống như vậy, ôm chấp quan niệm đó một cách cứng nhắc, và lấy đó làm nền tảng cho tiến trình phủ định. Trong trường hợp này, dù một người có áp dụng mọi lý lẽ một cách mãnh liệt, điều duy nhất người ấy thâu lượm được chỉ là phủ định cái ngã chỉ do chính y tưởng tượng ra. Kết quả là sẽ không khá gì hơn sau khi thực hành thiền quán so với lúc mới khởi đầu; sự chấp ngã tiềm tàng không bị ảnh hưởng một chúng xíu nào.

Nói một cách tổng quát, có hai con đường chính để đi đến tánh không: tìm hiểu cách thế mà trong đó sự vật chỉ hiện hữu giả lập bằng khái niệm và từ đó đi vào bản chất rỗng không của chúng, và cách thứ hai là thể nhận cách thế trong đó sự vật được cấu thành chỉ bằng những yếu tố hổ tương rồi từ đó đi vào bản chất không của chúng. Trong sự giải thích về đại ấn chúng ta đi theo cách thức trước. Chúng ta đã khảo sát về bản chất của ngã và thấy nó hiện hữu không có nội tại và chỉ là một sự giả lập, chúng ta cũng khảo sát mọi hiện tượng theo chiều hướng như vậy.

Hiện tại, mọi hiện tượng hiển lộ ra với chúng ta một cách sai lầm: hiển lộ và hiện hữu một cách tràn đầy, khách quan. Chúng ta có thể nói rằng mọi trạng thái tâm thức hiện tại của chúng ta đều là hư dối. Muốn giải thoát tâm thức ra khỏi sự hư dối này, chúng ta cần thể nhận ra rằng mọi hiện tượng hiển bày trước chúng ta thật sự không có tự ngã, chúng không phải là những thực thể cụ thể, mà chỉ là những giả lập trên khái niệm. Ðối với chúng ta giờ đây, cách thế những sự vật hiển lộ không tương ứng với cách thế chúng thật sự hiện hữu: hiện ra dưới mắt chúng ta như có sự hiện hữu nội tại, trong khi đó, thực tế chúng không có một chút xíu nào được gọi là hiện hữu nội tại. Chúng ta đồng lõa với sự xuất hiện giả dối và từ đó cho rằng những hiện tượng đã hiển lộ thực sự theo cách chúng hiển lộ. Ðứng trên nền tảng khái niệm này, chúng ta tham muốn và bám níu vào những đối tượng mà chúng ta thích và chối bỏ những gì không hợp với chúng ta. Từ đó, chúng ta bị lôi kéo vào mọi sự quay cuồng và không dừng nghỉ của tâm thức.

Có thể chúng ta cũng nói rằng mọi hiện tượng hiển bày trước chúng ta khác với cách thế mà chúng hiện hữu. Lấy ví dụ một trái táo. Chúng ta nhìn vào nó và trên căn bản của sự hiện hữu của nó, chúng ta có thể nhận ra chính xác nó là trái táo. Từ dự phóng của chúng ta, chúng ta có thể cầm trái táo lên, ăn và cảm thấy cơn đói dịu xuống. Trong mọi dự phóng và mục đích, trái táo dường như hiện hữu trong cách thế nó hiển lộ. Dĩ nhiên điều này là sự thật và không thể từ chối. Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta bị đánh lừa khi chúng ta nghĩ rắng chúng ta đã ăn một trái táo có sự hiện hữu nội tại. Phải biết rằng trái táo mà chúng ta nhận thấy, cầm lên và ăn chỉ là một trái táo hiện hữu một cách giả lập. Chính sự thỏa mãn cơn đói đã đến với chúng ta, không phải là cái có sự hiện hữu nội tại đã đến với chúng ta.

Ðiểm này cần được soi sáng hơn bằng so sánh sau đây. Khi một người bị bệnh sốt rét, không những da của người đó hóa vàng, nhưng sự ảnh hưởng của mật lên mắt, mọi sự y nhìn thấy cũng đều màu vàng. Khi người kia đi trượt tuyết, mặc dù tuyết hiện ra trong mắt y là màu vàng, nó không cản trở khả năng trượt tuyết của y và y cũng có thể đoán định chính xác những việc y làm. Cũng như vậy, những hiện tượng hiển lộ một cách sai lầm như là có một sự hiện hữu nội tại, nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta có những phát biểu có ý nghĩa về chúng hay có thể dự đoán những tác động dưới những điều kiện nào đó. Tuy nhiên, như đã được đề cập, bởi vì chúng ta toa rập với sự hiển lộ sai lầm của chúng, chúng ta bị dẫn đến mọi hình thái của bất mãn và khốn nạn. Ðể đạt đến sự an tịnh và giải thoát thật sự chúng ta cần nhận ra cách thế hiển lộ sai lầm nầy và thể nhận nó tất cánh là không. Từ đó, chúng ta sẽ có được cái thấy về sự rỗng không mọi hiện hữu nội tại của các hiện tượng và thể nghiệm được cứu cánh của mọi hiện hữu. Ðó là hiểu đại thủ ấn.

Chỉ khi nào sự quán chiếu này đạt được, chúng ta mới không bị đánh lừa bởi cách thế mà các hiện tượng hiển lộ; chúng ta sẽ giảm trừ cái nền tảng mà trên đó chúng ta chấp nhận một cách sai lạc về một sự hiện hữu nội tại để phải gánh chịu nỗi khổ của trói buộc, ganh ghét .... Khi nào chưa có sự quán chiếu, chúng ta không bao giờ thấy được là chúng ta đang bị đánh lừa. Khi chúng ta thể nhận rằng các hiện tượng không hiện hữu như là chúng đang hiển lộ, chúng ta sẽ được cứu thoát ra khỏi mọi hủy hoại và thất vọng.

Ðể kết luận, tôi xin kể ra đây một câu chuyện về ngài Milarepa. Khi ngài Milarepa đang nhập định, ngài thuờng thấy nhũng ma quỹ hiện ra để quấy phá. Một hôm, để duổi ma quỹ ra khỏi hang của ngài, ngài ra khỏi định và nói lớn: "Lũ quỹ hãy đi xa! Giờ đây ta đã biết rằng các ngươi không có sự hiện hữu thực sự." Sau một lúc quán chiếu, ngài nói thêm: "Và cả ngài cũng thế, Ðức Phật!"

16,033

"Câu chuyện của một người phụ nữ từng trải qua những biến cố đau thương trong cuộc đời".

Con đường trở thành doanh nhân triệu đô của cô gái 9xBởi Quỳnh Nguyễn | Webphunu.net –  Cô gái trẻ sinh năm 1993 với tên thật là Phan Thanh Bảo Ngọc năm 11

14,317
HỎI ĐÁP VỀ ĐỐI TƯỢNG CỦA CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC

_Thưa thầy, thầy định nghĩa về Chánh niệm tỉnh giác và đối tượng của chánh niệm tỉnh giác là đương niệm, hay niệm hiện tại. Làm sao chánh niệm tỉnh giác vào

666
CỘI NGUỒN CỦA MỌI HOẠT ĐỘNG SỐNG

(Tất cả hoạt động sống của chúng ta là sự ứng hiện từ nguồn tâm, nhưng chúng ta không thấy như vậy mà luôn gán cho mọi hoạt động này theo cái

614
Tp.HCM: Lễ nhập kim quan cố Hòa thượng Thích Phổ Chiếu

Tp.HCM: Lễ nhập kim quan cố Hòa thượng Thích Phổ Chiếu Cập nhật lúc 08:31 03/08/2013 (GMT+7)  Vào lúc 14h00, BTS GHPGVN TP.HCM, Q.3 và môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm

17,665
CHỈ SỐ HẠNH PHÚC

CHỈ SỐ HẠNH PHÚC💝 Hạnh phúc không có nghĩa là mọi sự đều hoàn hảo. Nó có nghĩa là bạn đã quyết định nhìn vượt khỏi những điều không hoàn hảo.💝 Bạn

1,088
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,379
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,799
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,705
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,490
Chùa Việt
Sách Đọc