2. NHỮNG LỜI KHUYÊN CẦN THIẾT TRONG TỌA THIỀN
Đây là bài nói thứ nhì. Bây giờ tôi muốn quí vị thay đổi bài tập thở một chút. Hồi sáng tôi đã bảo quí vị đếm “một” khi hít vào và “hai” khi thở ra. Từ đây về sau tôi muốn quí vị chỉ đếm “một” lúc thở ra, như thế một hơi thở đầy đủ [hít vào và thở ra] sẽ là “một.” Đừng đếm hơi hít vào, chỉ đếm “một”, “hai”, “ba” và cứ như thế lúc thở ra.
Nên tọa thiền đối diện với một bức tường, một tấm màn hoặc một cái gì đại loại như thế. Đừng ngồi quá xa cũng đừng dí mũi vào tường. Khoảng cách lý tưởng là từ bảy tấc đến chín tấc. Vả lại cũng đừng ngồi chỗ nào mà quí vị có thể nhìn quanh quẩn vì nó làm ta dễ xao lãng, hoặc nhìn ra một phong cảnh đẹp hấp dẫn, vì nó sẽ quyến rũ quí vị bỏ tọa thiền để ngắm nhìn. Trong quan hệ này, điều quan trọng là phải nhớ rằng dù cho mắt mở quí vị cũng đừng thực sự cố nhìn. Vì tất cả những lý do ấy, khôn nhất là quay mặt vào tường. Tuy nhiên, nếu quí vị bất chợt phải tọa thiền theo nghi thức trong một ngôi chùa Lâm Tế, quí vị sẽ không có sự lựa chọn nào cả mà chỉ ngồi quay mặt vào nhau vì đây là thói quen đã thành nếp trong phái này.
Bắt đầu, nếu có thể, hãy chọn một căn phòng vừa yên tĩnh vừa sạch sẽ và ngăn nắp, một căn phòng mà người ta có thể xem là tôn nghiêm. Quí vị có thể hỏi: có thể tọa thiền trên một cái giường có chiều dài bằng căn phòng, sạch và không ồn ào có được không? Đối với những người có sức khỏe bình thường thì câu trả lời là: “không,” có một số lý do khó giữ tâm ở trạng thái khẩn trương đặc biệt trên một cái giường. Một người bị bệnh nằm liệt trên giường, dĩ nhiên, không có sự lựa chọn nào cả.
Có lẽ quí vị sẽ thấy rằng những âm thanh tự nhiên như tiếng côn trùng kêu, tiếng chim hót hay tiếng nước chảy không quấy rầy mình, cũng như tiếng gõ nhịp của cái đồng hồ hay tiếng nổ bình bịch của chiếc xe gắn máy. Song những tiếng động thình lình như tiếng máy bay phản lực gầm, làm chói tai. Nhưng quí vị có thể lợi dụng những âm thanh nhịp nhàng được. Thực tế, một môn sinh của tôi đã đạt ngộ bằng cách lợi dụng tiếng đập lúa đều đặn trong lúc tọa thiền. Những âm thanh đáng đề phòng nhất là tiếng người nói, hoặc nghe trực tiếp, hoặc nghe qua đài phát thanh hay vô tuyến truyền hình. Vì thế, khi bắt đầu tọa thiền, quí vị nên tìm một căn phòng cách xa những âm thanh như thế. Tuy nhiên, khi sự ngồi đã chín muồi thì không có một thứ tiếng ồn nào có thể quấy rầy quí vị được.
Ngoài việc giữ phòng sạch sẽ và ngăn nắp, quí vị nên trang trí và thắp nhang, vì những thứ này, bằng cách truyền một cảm giác về sự thanh tịnh và thánh thiện, khiến cho quí vị dễ kết hợp mình với tọa thiền và như thế tâm dễ bình tĩnh hợp nhất nhanh chóng hơn. Hãy mặc đơn giản, phục sức thích nghi cho quí vị một cảm giác trang nghiêm và thanh tịnh.
Tốt hơn, không nên mặc quần áo ngủ vào buổi chiều, trừ phi trời nóng, và một câu hỏi có thể đặt ra: hoặc tọa thiền trong bộ quần áo ngủ hoặc chẳng mặc gì cả có được không? Dầu sao cũng nên mặc quần áo ngủ. Nhưng quí vị phải tự giữ mình sạch sẽ và ngăn nắp.
Phòng không nên sáng quá hay tối quá. Nếu phòng sáng quá, quí vị có thể giăng một tấm màn thẫm, hoặc ban đêm, quí vị có thể dùng một bóng đèn nhỏ. Ảnh hưởng của một căn phòng tối cũng giống như quí vị nhắm mắt vậy, nó làm mọi vật trầm trệ. Điều kiện tốt nhất là ánh sáng hoàng hôn. Hãy nhớ rằng tọa thiền Phật giáo không nhằm mục đích làm tâm không hoạt động mà nhằm làm tâm yên tĩnh và hợp nhất trong hoạt động.
Một căn phòng lý tưởng là không quá nóng vào mùa hè và không quá lạnh vào mùa đông. Hành hạ thân xác không phải là mục đích của tọa thiền, vì thế không cần thiết phải chiến đấu với cái cực nóng hay cực lạnh. Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy rằng, người ta có thể tọa thiền khá hơn khi cảm thấy hơi mát, một căn phòng quá nóng khiến ta dễ buồn ngủ. Song khi nhiệt tâm tọa thiền trở nên sâu hơn, tự nhiên quí vị sẽ không quan tâm đến lạnh hay nóng nữa. Nhưng phải biết giữ gìn sức khỏe cho mình là khôn.
Kế tiếp chúng ta hãy bàn đến thời gian tốt nhất để tọa thiền. Đối với người hăng say và quyết tâm thì bất cứ lúc nào trong ngày và mọi mùa trong năm đều tốt như nhau. Nhưng đối với người bận việc hay vì nghề nghiệp, thì sáng hay chiều cũng đều là thời gian tốt nhất, hay cả hai thì còn tốt hơn nữa. Hãy cố gắng ngồi buổi sáng, tốt hơn là trước khi điểm tâm và buổi tối, ngay trước khi đi ngủ. Nhưng nếu chỉ ngồi được một lần thôi – ít nhất một lần một ngày – quí vị nên xét xem công đức tương đối của sáng và chiều. Mỗi buổi có lợi và cái bất lợi của nó. Nếu quí vị thấy buổi sáng và buổi chiều cũng tốt như nhau và hỏi tôi nên chọn buổi nào (vì chỉ có thể ngồi mỗi ngày một lần), tôi sẽ nói buổi sáng. Sáng sớm thường không có khách viếng, trong khi buổi chiều quí vị có thể bị làm cho gián đoạn. Như thế, buổi sáng - dù ở thành phố - vẫn yên tĩnh hơn buổi chiều rất nhiều, vì đường phố ít xe cộ hơn. Hơn nữa, vì buổi sáng quí vị đã được nghỉ ngơi và bụng hơi đói, đây là điều kiện tốt cho tọa thiền. Trong khi buổi chiều, quí vị đã mệt lại vừa ăn cơm chiều, quí vị có thể bị trầm trệ hơn. Vì khó mà tọa thiền với cái bao tử đầy, tốt hơn không nên ngồi ngay sau bữa ăn khi quí vị là người mới bắt đầu. Tuy nhiên, tọa thiền trước bữa ăn vẫn lợi hơn. Khi nhiệt tâm phát triển thì ngồi trước, sau, hay ngay trong lúc ăn cũng chẳng thành vấn đề.
Mỗi lần tọa thiền nên ngồi bao lâu? Không có luật chung nào hết vì nó thay đổi tùy theo mức độ nhiệt tâm cũng như mức trưởng thành của tu tập. Đối với những người mới bắt đầu, thời gian càng ngắn càng tốt. Nếu quí vị ngồi một cách sùng mộ năm phút mỗi ngày trong một hay hai tháng, rồi tăng thời gian ngồi đến mười phút hoặc lâu hơn tùy theo mức phát triển nhiệt tâm của mình. Khi có thể ngồi với tâm khẩn trương, giả sử, trong ba mươi phút mà không thấy đau đớn hay khó chịu, quí vị sẽ có cảm giác an lạc do tọa thiền đem lại và sẽ muốn thực hành đều đặn. Vì các lý do đó, tôi khuyên những người mới bắt đầu hãy ngồi với những thời ngắn hơn. Mặt khác, nếu quí vị tự cưỡng bức mình ngồi những thời dài ngay từ lúc mới bắt đầu, thì sự đau đớn ở hai chân rất có thể không chịu đựng nổi trước khi đạt được tâm yên tĩnh. Như thế quí vị sẽ chóng chán tọa thiền, cảm thấy nó lãng phí thời giờ hoặc quí vị cứ nhìn đồng hồ luôn. Cuối cùng, quí vị sẽ không thích tọa thiền nữa và bỏ ngồi luôn, đây là điều thường xảy ra. Bây giờ dù cho quí vị chỉ ngồi hai mươi phút mỗi ngày thì cũng có thể bù lại sự ngắn ngủi ấy bằng cách tập trung kịch liệt vào việc đếm mỗi hơi thở, như thế sẽ gia tăng được hiệu quả. Quí vị không nên đếm một cách lơ đãng hoặc máy móc tựa như làm một bổn phận.
Dù cho khả năng quí vị có thể ngồi một tiếng đồng hồ hay lâu hơn với cảm giác cực kỳ yên tĩnh, hãy giới hạn thời gian mỗi lần ngồi chừng ba mươi hay bốn mươi phút là khôn. Thông thường không nên tọa thiền lâu hơn khoảng thời gian ấy cho mỗi lần ngồi, vì tâm không thể duy trì lâu năng lực và sự khẩn trương, do đó giá trị của cái ngồi giảm sút. Dù có nhận ra hay không, sự giảm sút dần dần trạng thái tập trung kịch liệt của tâm vẫn xảy ra. Vì lý do này, tốt hơn nên thay đổi một thời ngồi ba mươi hay bốn mươi phút với một vòng tọa thiền đi. Theo cách này, người ta có thể tọa thiền trọn ngày hay cả tuần lễ với kết quả tốt. Tuy nhiên, càng tiếp tục tọa thiền, thời gian để tọa thiền càng tăng. Thực tế, người ta có thể lợi dụng vào nếp sinh hoạt này bằng những thời kỳ lao động tay chân. Không cần nói quí vị cũng biết phải giữ tâm mình ở trạng thái ý thức rõ ràng trong lúc lao động tay chân như thế và không để tâm lơi lỏng hay trầm trệ.
Xin nói vài lời về thức ăn. Tốt hơn không nên ăn nhiều hơn tám mươi phần trăm khả năng của quí vị. Tục ngữ Nhật có câu: “Tám phần bao tử no nuôi sống con người, hai phần nữa no nuôi thầy thuốc.” Cuốn Tọa Thiền Dụng Tâm Ký (Zazen Yojinki) đã biên soạn khoảng 650 năm qua, cũng khuyên chúng ta nên ăn khoảng hai phần ba khả năng mình. Tác phẩm ấy còn bảo chúng ta nên chọn các thứ rau bổ dưỡng - dĩ nhiên ăn thịt không thuộc truyền thống Phật giáo và vào thời viết cuốn Dụng Tâm Ký, điều ấy bị cấm - như khoai tây, mì, mận chua, nấm và ngó sen. Sách ấy cũng khuyên dùng nhiều loại rong biển có độ dinh dưỡng cao và lưu lại cho cơ thể chất kiềm. Bây giờ tôi không có thẩm quyền nói về các sinh tố, khoáng chất và ca-lo-ri, nhưng thực tế đa số người ngày nay ăn những món ăn hằng ngày tạo ra quá nhiều chất acid trong máu và thủ phạm chính trong vụ này là thịt. Hãy ăn nhiều rau thuộc các loại kể trên vì chúng có chất kiềm. Ngày xưa có cách ăn kiêng âm dương (yin-yang). Dương là chất kiềm và âm là chất acid, các sách xưa bảo rằng các món trong bữa ăn hằng ngày không nên dương quá hay âm quá. Thực ra đây là điều tôi vừa nói.
Có ý kiến cho rằng khi ngồi nên có một tập giấy và cây bút chì đặt trước mặt để ghi chép, bởi vì các nội kiến thay đổi sẽ lóe lên trong tâm và quí vị sẽ nghĩ: “Ta phải ghi lại cái này kẻo quên mất.” Những quan hệ trước kia không hiểu được, giờ đây bỗng nhiên được soi sáng và những vấn đề khó khăn được giải quyết tức thời. Nếu không ghi ngay chúng sẽ làm phiền quí vị, và như thế nó làm trở ngại sự tập trung của quí vị.
3. NHỮNG THỊ KIẾN VÀ CẢM GIÁC HƯ VỌNG
Đây là bài nói thứ ba. Trước khi bắt đầu, tôi sẽ chỉ cho quí vị một phương pháp tập trung mới. Thay vì đếm hơi thở ra như từ trước đến giờ, quí vị hãy đếm “một” vào hơi hít vào thứ nhất và “hai” vào hơi hít vào kế tiếp và cứ như thế cho đến mười. Cách này hơi khó hơn cách đếm hơi thở ra, vì tất cả hoạt động tinh thần và thể xác đều được thực hiện vào lúc thở ra. Chẳng hạn, ngay trước khi vồ mồi, các con thú đều thở ra một cái. Nguyên tắc này cũng được biết nhiều trong kiếm đạo (kendo) và nhu đạo (judo), ở đó người ta dạy rằng hãy quan sát thật kỹ hơi thở của đối thủ trước khi tấn công. Vì bài tập này khó, quí vị phải thực tập như một phương tiện nhiếp tâm nữa của mình. Cho đến khi quí vị lại đến trước tôi, hãy tập trung đếm hơi hít vào, không phải đếm lớn mà chỉ trong tâm thôi. Tuy nhiên, không nên theo bài thực tập lâu. Nếu quí vị thực hành một mình thì một tuần lễ cũng đủ.
Ma cảnh (makyo) là những hiện tượng - ảo kiến, ảo tưởng, mật khải, cảm giác hư huyễn – mà người tọa thiền hay trải qua ở một giai đoạn đặc biệt trong khi ngồi. Ma là “ác độc,” cảnh là “thế giới đối tượng.” Do đó ma cảnh là những hiện tượng quấy rầy “tác hại” đối với một người trong lúc tọa thiền. Chúng chỉ trở thành chướng ngại nghiêm trọng đối với sự tu tập khi người ta không biết rõ thực chất của chúng và bị mắc bẩy của chúng.
Từ ma cảnh được dùng theo cả hai nghĩa chung và riêng. Nói rộng, toàn bộ cuộc sống của một người thường không gì khác hơn là một ma cảnh. Ngay cả các Bồ-tát như Văn Thù và Quan Âm, dù đã phát triển cao độ, song vẫn còn dấu vết của ma cảnh. Vì thế, quí vị biết, ngay cả sau khi đã ngộ cũng vẫn còn ma cảnh, nhưng chúng ta không đi vào khía cạnh đó trong các bài nói này.
Theo nghĩa riêng, số ma cảnh có thể xuất hiện thực là vô hạn, thay đổi tùy theo nhân cách, tính khí của người ngồi. Trong kinh Lăng Nghiêm [Nh. Ryogon-kyo] Phật cho biết năm mươi loại khác nhau, nhưng dĩ nhiên Ngài chỉ đề cập đến những ma cảnh thông thường nhất. Nếu quí vị theo dự một khóa nhiếp tâm dài từ năm đến bảy ngày và thực hành cần mẫn liên tục, vào ngày thứ ba là quí vị có thể sẽ kinh nghiệm ma cảnh ở nhiều mức độ khác nhau. Ngoài các ma cảnh liên quan đến thị giác, có nhiều ma cảnh liên quan đến xúc giác như sờ, mó, ngửi, nghe hoặc đôi lúc chúng làm cho thân thể bỗng nhiên di động qua lại, lui tới hoặc nghiêng qua một bên hoặc tựa như bị chìm xuống hay nhô lên. Cũng thường hay có trường hợp phát ra lời nói không thể kiểm soát được hoặc hiếm khi hơn, có người tưởng mình đang ngửi một mùi thơm đặc biệt. Cũng có khi hoàn toàn vô thức, người ta viết ra những điều mà về sau đúng sự thật như tiên tri.
Rất thường có là các ảo ảnh thị giác. Trong khi quí vị đang tọa thiền với đôi mắt mở thì bỗng nhiên các lằn gợn của chiếc nệm lót trước mặt nhô lên thụt xuống như những gợn sóng, hoặc bất ngờ mọi vật trước mắt hóa trắng hết hay đen hết. Một cái mắt gỗ trên cánh cửa bỗng nhiên hóa thành con dã thú, con quỉ hay một thiên thần. Một môn đệ của tôi thường thấy cảnh mặt nạ - mặt nạ quỉ hay mặt nạ hề. Tôi hỏi anh đã từng có kinh nghiệm đặc biệt nào về mặt nạ không và hóa ra lúc còn bé, anh ta đã xem mặt nạ trong một buổi lễ ở Cửu châu (Kyushu)(27). Tôi biết một người khác cực kỳ phiền muộn trong lúc thực hành vì các ảo ảnh Phật và các vị đệ tử của Ngài vừa đi vòng quanh vừa đọc kinh, và người ấy chỉ có thể đánh tan được ảo giác này bằng cách nhảy ùm vào một thùng lạnh như nước đá trong vài ba phút.
Nhiều ma cảnh liên quan đến thính giác. Một người có thể nghe tiếng đàn dương cầm hoặc tiếng ồn náo như tiếng nổ thật lớn (mà không ai khác nghe thấy) và đã nhảy dựng lên thực sự. Một môn đệ của tôi luôn luôn nghe tiếng sáo trúc vi vu trong lúc tọa thiền. Nhiều năm trước anh ta đã học chơi sáo, nhưng đã bỏ lâu rồi, song khi anh ta ngồi thiền tiếng sáo vẫn đến.
Trong Tọa Thiền Dụng Tâm Ký chúng ta thấy có nói đến ma cảnh trong những lời sau: “Thân có thể cảm thấy nóng hoặc lạnh, hoặc như gương, hoặc cứng hoặc nặng hoặc nhẹ. Sở dĩ có như thế là vì hơi thở không được điều hòa [với tâm] và cần phải được diều hòa thật kỹ.” Rồi tiếp: “Người ta có thể trải qua cảm giác chìm hay nổi hoặc có thể cảm giác thấy mơ hồ hay linh mẫn sắc bén. Người môn đệ có thể phát triển khả năng nhìn thấy xuyên qua các vật rắn tựa như chúng trong suốt, hoặc người ấy có thể thấy thân thể mình như một chất trong suốt. Y có thể thấy Phật và Bồ-tát. Các nội kiến thông suốt có thể đến với y, hoặc những đoạn kinh khó hiểu bỗng nhiên trở nên rõ ràng sáng sủa. Tất cả những thị kiến và cảm giác bất thường này chỉ
----------------------------------------------
(27) Đảo ở cực nam Nhật bản, một trong những đảo chính của Nhật bản.
là những dấu hiệu của sự bất toàn phát xuất từ sự điều chỉnh sai lệch của tâm với hơi thở.”
Các tôn giáo và môn phái khác đều để lại cả kho tàng vĩ đại những kinh nghiệm liên quan với các thị kiến về Thượng đế hay tiếng nói từ trên trời, thực hiện các phép lạ và nhận những thông điệp thần linh, hoặc trở thành thanh tịnh qua nhiều nghi thức khác. Chẳng hạn trong phái Nhật Liên (Nichren), người tín đồ hô to nhiều lần tên kinh Liên Hoa kết hợp với các động tác mạnh mẽ của thân và cảm thấy rằng mình nhờ đó tẩy sạch được các ô nhiễm. Ở một bình diện khác, những cách làm như thế đem lại cảm giác sung mãn. Song theo quan điểm của Thiền, tất cả đều là trạng thái bệnh hoạn, hoàn toàn không có ý nghĩa tôn giáo đích thực và vì thế chỉ là những ma cảnh.
Thế thì thực chất của những hiện tượng quấy phá mà chúng ta gọi là ma cảnh ấy là gì? Chúng là những trạng thái tinh thần nhất thời xuất hiện trong lúc tọa thiền, khi khả năng tập trung của chúng ta phát triển đến mức độ nào đó và sự thực hành đang bắt đầu chín muồi. Khi các cơn sóng vọng niệm đầy vơi trên bề mặt lớp thức thứ sáu đã phần nào lắng xuống, các yếu tố tồn lưu của các kinh nghiệm quá khứ “chứa” trong các lớp thức thứ bảy và thứ tám nổi lên mặt một cách rời rạc, truyền cái cảm giác về một thực tại vĩ đại hay rộng lớn hơn. Tùy lúc, ma cảnh là một hỗn hợp của cái thực và cái không thực, không phải không giống các giấc mộng thông thường chỉ vì các giấc mộng không xuất hiện trong lúc ngủ say và chỉ xuất hiện trong lúc nửa ngủ nửa thức. Vì thế ma cảnh không đến với những người đang tập trung cao độ hay nhập đại định. Đừng bao giờ để bị chúng quyến rũ mà nghĩ rằng chúng là thật và có ý nghĩa nào đó. Thấy một cảnh đẹp về một vị Bồ-tát không có nghĩa là mình sắp thành Bồ-tát. Điều này
cũng tựa như nằm mộng thấy mình trở thành triệu phú không có nghĩa là khi tỉnh mộng mình sẽ giàu có. Do đó, không có lý do để phấn khởi vì các ma cảnh như thế. Cũng vậy, dù cho quỉ dữ xuất hiện cũng không có lý do gì để sợ. Trước hết, đừng để mình bị cám dỗ bởi những cảnh thấy Phật hay thần ban phúc, hoặc truyền cho thông điệp mật khải linh thiêng, hoặc bởi những ma cảnh có liên quan đến những tiên tri hóa thành sự thật. Theo đuổi một cách ngu ngốc những cái không đem lại kết quả gì chỉ là phung phí năng lực của mình.
Nhưng những ma cảnh như thế chắc chắn là dấu hiệu báo cho biết quí vị đang ở tại một điểm sinh tử trong sự ngồi của mình và nếu dốc hết sức bình sanh thì chắc chắn sẽ chứng kiến tánh.
Truyền thống nói rằng ngay cả Phật Thích-ca Mâu-ni cũng đã trải qua vô số ma cảnh mà Ngài gọi là “ma chướng.” Bất cứ lúc nào ma cảnh xuất hiện quí vị chỉ cần làm ngơ không thèm biết đến chúng và cứ tiếp tục ngồi với tất cả năng lực của mình.