[1]
Lời Mở Đầu
Kinh Niệm Xứ, Satipattthana Sutta, là một bài kinh vô cùng quan trọng vì kinh này đề cập đến những đề mục hành thiền nhằm phát triển cả hai, tâm Vắng Lặng (Samatha) và trí tuệ Minh Sát (Vipassana).
Danh từ Satipatthana gồm có hai phần: "sati" và "patthana", hoặc "sati" và "upatthana". Sati là sự chú niệm, sự hay biết hoặc sự chú tâm. Patthana là sự thiết lập, nền tảng, căn bản, đề tài hay sự chuyên chú. Như vậy, Satipatthana có nghĩa "Nền Tảng của sự Chú Niệm" hay "Những Đề Mục Chánh Yếu của sự Chú Niệm". Satipatthana cũng có thể được hiểu là sự kết hợp của hai phần: sati và upatthana. Upatthana là sự phát sanh, hay sự áp đặt, gắn vào. Như vậy, Satipatthana có nghĩa là "Áp Đặt tâm Chú Niệm Lên", hoặc sự "Phát Sanh của tâm Niệm". Một cách đơn giản, có thể hiểu Satipatthana là "Nền Tảng của tâm Niệm", hay "những Đề Mục Chánh Yếu để Áp Đặt tâm Niệm vào". Ta thường gọi Satipatthana Sutta là Kinh Tứ Niệm Xứ, tức là bài kinh đề cập đến bốn "xứ", hay bốn nơi chốn, bốn điểm, hoặc bốn đề mục để ta đặt sự chú niệm vào. Trong bài kinh này có bốn đề mục quán niệm (anupassana) để thích ứng với những tâm tánh và những cá nhân khác nhau. I. Đầu tiên là Kayanupassana, Thân Quán Niệm Xứ, hay Niệm Thân, nhằm gội bỏ ý niệm sai lầm về cái thường được xem là sắc đẹp hay tánh cách đáng được ưa thích của thân. Quán niệm về mục này giúp hành giả hiểu biết chân chánh rằng không có một "người" làm chuyện này hay chuyện kia, mà chỉ có "sự làm" chuyện này hay chuyện kia; không có "người" hành động mà chỉ có "hành động". Chừng đó hành giả nhận thức rằng không có cái gì gọi là "Ta". Pháp Niệm Thân biết bằng sự chú niệm vào hơi thở vào và thở ra (anapanasati) nhằm đạt đến trạng thái tâm nhất điểm (ekaggata, tâm gom vào một điểm). Tâm nhất điểm đưa đến các tầng Thiền (Jhana) và cuối cùng đến Đạo Quả A La Hán. Thật khó mà kiểm soát được cái tâm vô hình, thành phần tối quan trọng trong guồng máy phức tạp của con người. Nó luôn luôn di động, không ngừng phóng nhảy đó đây. Chuyên chú giữ tâm nhất điểm vào một đề mục riêng biệt, dầu trong khoảnh khắc, cũng khó như đặt một hột cải trên đầu mũi kim và giữ cho nó đừng rơi. Tuy là khó, nhưng đây là một việc có thể làm được bằng cách thường xuyên thực tập, bởi vì Tâm Nhất Điểm là một loại tâm sở luôn luôn ngủ ngầm bên trong mọi người. Khi tâm nhất điểm này nằm trong một loại tâm bất thiện (akusala citta) thì nó là bất thiện. Khi nó phát hiện trong một loại tâm thiện (kusala citta) thì nó là thiện. Tâm ở nhất điểm này có thể được phát triển để trở thành một chi Thiền. Cũng tâm nhất điểm này, nếu được trau giồi đúng mức, có thể được nâng cao đến mức độ có thể trở thành một, trong bảy yếu tố đưa đến giác ngộ (Bojjhanga, Thất Giác Chi, hay Thất Bồ Đề Phần, hay Bảy Pháp Trợ Đạo), một trong tám chi của Bát Chánh Đạo. Đó là lý do tại sao Phật Giáo dạy rằng bên trong mỗi người đều có tiềm tàng những mầm mống mà nếu vun quén đắp bồi đúng mức, có thể làm cho mình trở nên toàn thiện, một bậc vĩ nhân. Đã đắc được các tầng Thiền (Jhana) bằng cách vững chắc trụ tâm vào một điểm, hành giả gia công tiến đến Đạo Quả A La Hán. Hành giả xuất ra khỏi Thiền và chú tâm "định" vào ba đặc tướng của đời sống: vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Sau khi đã tận lực tinh tấn và thành đạt Quả A La Hán, hành giả đã hoàn toàn thoát ra khỏi mọi hình thức ái dục (tanha) và vô minh (avijja) và tuyệt nhiên không còn luyến ái hay bám níu vào bất luận gì trong thế gian. Phần đề cập đến những oai nghi - đi, đứng, nằm, ngồi - cũng đưa đến tâm định và tâm tự hay biết mình. Như thế, giữ tâm chú niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi cũng đưa đến tình trạng thái hiểu biết thấu đáo và tận tường rằng không có một "người" mà chỉ có "những cử động" sanh khởi do nhân duyên tạo điều kiện. Đoạn kinh đề cập đến tánh cách ô trược của ba mươi hai bộ phận trong cơ thể, bốn nguyên tố chánh yếu (Tứ Đại) hợp thành cái gọi là thân, và cuối cùng, mười hình thể của xác chết (Mười Đề Mục về Tử Thi) - tức là: 1. Tử thi sình (udhumataka), 2. Tử thi đã đổi màu sắc (vinilaka), 3. Tử thi đang lở loét, chảy nước (vipubbaka), 4. Tử thi bị đứt đoạn (vicchiddaka), 5. Tử thi bị đục khoét, rời ra từng mảnh (vikkhayika), 6. Từng mảnh nhỏ của tử thi văng tách rời ra (vikkhittaka), 7. Tử thi rã rời từng mảnh (hatavikkhittaka), 8. Tử thi bị đẩm máu (lohitaka), 9. Tử thi bị lằn, giòi loi nhoi đục khoét rã rời (pulavaka), 10. Tử thi chỉ còn bộ xương (atthika) - nhằm diệt trừ lòng tham ái ích kỷ, bám níu vào cái thân tạm bợ phù du này. II. Pháp thứ nhì, Thọ Quán Niệm Xứ, hay Niệm Thọ, Vedananupassana, liên quan đến bất cứ loại cảm giác (thọ) nào - vật chất hay tinh thần - có thể phát sanh đến ta. Pháp này nhằm giúp hành giả phá tan ý niệm lầm lạc (sukhavipallasa), xem hạnh phúc ảo huyền của thế gian là chính thực và vững bền. Trong cuộc sống, ta chứng nghiệm những cảm giác vui sướng, khổ đau và không vui không khổ. Tất cả những cảm giác ấy đều tạm bợ nhất thời. Do đó không thể có hạnh phúc thật sự vững bền trong những cảm giác ấy. Niết Bàn là hạnh phúc tối thượng. Đó là hạnh phúc giải thoát, hạnh phúc đã vượt thoát ra khỏi mọi khổ đau phiền lụy. III. Pháp thứ ba, Tâm Quán Niệm Xứ, hay Niệm Tâm, Cittanupassana, liên quan đến các trạng thái tâm khác nhau. Pháp này có khuynh hướng loại trừ ý niệm sai lạc, xem những gì tạm bợ vô thường là trường tồn vĩnh cửu (niccavipallasa). Tâm hay thức, phát sanh và hoại diệt trong từng khoảnh khắc, mau như chớp nhoáng, còn nhanh chóng hơn sự đổi thay của những đơn vị căn bản vật chất. Trong từng khoảnh khắc, chúng ta có những chập tư tưởng thiện hoặc bất thiện. Trong phần này của bài kinh, các loại tâm được kể ra theo từng cặp. IV. Pháp thứ tư là Pháp Quán Niệm Xứ, hay Niệm Pháp, Dhammanupassana. Phạn ngữ "dhamma", được phiên dịch ở đây là "pháp", là một danh từ rất khó chuyển ngữ một cách chính xác bởi vì theo từng đoạn văn, danh từ này hàm xúc ý nghĩa khác nhau. Ở đây, Dhamma (Pháp) bao gồm năm pháp Triền Cái (Nivarana, năm chướng ngại tinh thần), Thất Giác Chi (Bojjhanga, tức bảy yếu tố đưa hành giả đến giác ngộ), Ngũ Uẩn Thủ (Upadanakkhandha, năm nhóm làm đối tượng cho sự bám níu), Lục Căn (Salayatana), và Tứ Diệu Đế (Ariyasacca). Do đó, ta được khuyên nên giữ nguyên vẹn danh từ Pali. Pháp quán niệm này nhằm loại trừ ý niệm sai lạc (Attabhavavipallasa), khư khư chấp có một linh hồn vĩnh cửu, trường tồn bất biến. -oOo- Ta có thể chọn bất luận đề mục (xứ) nào trong bốn đề mục kể trên - tức thân, thọ, tâm hay pháp - và gia công trau dồi, phát triển tâm cho đến khi thành đạt Đạo Quả A La Hán; hoặc nữa, để thuận tiện thực hành, có thể thay đổi và hành xen kẻ nhau cũng được, thí dụ như lúc này niệm thân, lúc khác niệm thọ, lúc khác nữa niệm tâm v.v... không phải theo một thứ tự nào. Để thành đạt các tầng Thiền (Jhana), tốt hơn nên chọn một đề mục thích ứng với tâm tánh mình. Chẳng hạn như người có khuynh hướng tham dục sẽ chọn đề mục quán niệm về tánh cách ô trược của thân, hoặc quán niệm về bốn nguyên tố chánh yếu (Tứ Đại) cấu thành cơ thể này, hoặc những đề mục về tử thi. Tuy nhiên, không có định luật nhất định hoặc cứng rắn hay nhanh chóng nào để chọn một đề mục quán niệm thích hợp. Chính ta là người quán xét tâm tánh của ta dễ dàng nhất. Một nơi yên tịnh vắng vẻ sẽ thích nghi cho công trình hành thiền. Một cụm rừng xa xóm làng quả thật vô cùng thích hợp, nhưng không phải là một điều kiện tốt phải có. Ta có thể hành thiền trong căn phòng của mình nếu ở đó không bị ngoại cảnh phiền nhiễu. Cảnh vắng lặng ở ngay trong tâm mỗi ngày. Nếu tâm không an, dù ở giữa rừng sâu tịch mịch cũng không thích hợp. Nhưng nếu tâm không giao động thì ở ngay trung tâm thành phố rộn rịp cũng được. Khung cảnh chung quanh tác động một cách gián tiếp để giúp tâm an trụ. Điều kế đó mà hành giả phải quyết định là giờ giấc, lúc mà chính hành giả và khung cảnh chung quanh có nhiều điều kiện thuận tiện nhất để hành thiền. Sáng sớm, tâm trí còn tươi tỉnh hoặc tối, trước khi đi ngủ, nếu không quá mệt, thường là lúc thích hợp nhất để hành thiền. Tuy nhiên, dù thì giờ nào mà ta đã chọn, nên cố giữ đúng giờ ấy mỗi ngày để tập cho tâm được quen, có ảnh hưởng tốt đẹp đến pháp hành. Cách ngồi cũng có thể giúp nhiều cho việc gom tâm. Người phương Đông thường ngồi tréo chân, chân mặt đặt trên vế trái và chân trái đặt trên vế mặt, thân mình ngay thẳng. Đó là lối ngồi Kiết Già, nếu không quen ắt thấy khó ngồi như thế. Nhiều người ngồi Bán Già dễ ngồi hơn, chỉ để chân mặt trên vế trái, còn chân trái thì để luôn phái dưới, khỏi phải tréo lên. Khi ngồi theo điệu tam giác ấy thì thân mình vững vàng. Tay mặt đặt lên tay trái, cổ ngay, giữ mũi nằm trên đường thẳng góc với rún, quần áo ngay ngắn và lưng quần không nên thắt chặt lắm. Vài người chịu nhắm kín mắt lại để không còn thấy gì nữa. Nhắm kín mắt cũng có lợi nhưng thường làm buồn ngủ. Đến lúc muốn ngủ rồi thì hành giả không còn kiểm soát tâm được nữa. Những tư tưởng định phát sanh, không còn ngồi ngay ngắn, vô tình mở miệng, chảy nước vãi và gục đầu. Chư Phật thường ngồi Kiết Già, hình đóa sen búp, mắt nhắm phân nửa, nhìn theo chót mũi đến chí đất, không xa hơn lối một thước hai. Người nào thấy lối ngồi ngồi kiết già khó khăn có thể thuận tiện ngồi trên ghế hay ngồi chỗ nào khác, vừa đủ cao để hai bàn chân gác trên mặt đất. Thế ngồi không quan trọng lắm. Hành giả tùy thích, ngồi thế nào miễn nghe thoải mái và dễ dàng. Hành giả phải kiên trì cố gắng trong pháp hành để chế ngự những khát vọng tham ái và sân hận, không nên trông đợi kết quả nhanh chóng. Ta có thể thâu hoạch thành quả trong nhiều tháng, nhiều năm, hay chỉ trong một ngày. Nhưng dù sao, chớ nên nản lòng. Điều thiết yếu là phải thực hành đều đặn. Tình trạng cố gắng phải được phối hợp với sự hiểu biết rõ ràng và thấu đáo thực tướng của vạn pháp. Trí tuệ, đỉnh cao cùng tột của Phật Giáo, quả thật tuyệt đối cần thiết để thanh lọc tâm. Học vấn cổ truyền trong thế gian là một điểm lợi nhưng để giải thoát, điều tối quan trọng là hiểu biết chân chánh thực tướng của chính mình, là thấu triệt tường tận chính mình, đúng như thật sự mình là vậy. Để đạt đến sự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau, van vái nguyện cầu không có một vai trò nào trong Phật Giáo. Chuyên cần chú niệm cũng thiết yếu như tinh tấn và trí tuệ. Đã có được ba yếu tố thiết yếu tối quan trọng ấy - chuyên cần chú niệm, nỗ lực tinh tấn và trí tuệ - hành giả phải gia công tạm thời chế ngự năm Pháp Triền Cái, vốn ngăn trở tiến bộ tinh thần của mình. Hành giả phải nỗ lực khắc phục mọi luyến ái bám víu vào dục vọng. Điều này không có nghĩa là phải hoàn toàn từ bỏ mọi thú vui vật chất. Nhưng không nên làm nô lệ cho các lạc thú trần tục ấy. Sân hận, hay oán ghét, cũng có năng lực phá hoại hùng mạnh, không kém gì tham ái. Cả hai, tham ái và sân hận, là hai ngọn lửa vô cùng nguy hại thiêu đốt chính ta và những người khác. Đúng thật rằng chí đến khi chứng đắc Đạo Quả A Na Hàm (Anagami, Bất Lai), tầng thứ ba trong bốn tầng Thánh, hành giả mới tận diệt được tham và sân. Nhưng ta phải luôn luôn tận lực gắng để khắc phục dần hai loại tâm bất thiện ấy. Luôn luôn cảnh giác, không lo âu sợ sệt vô ích, giữ tâm bình luận, và tin chắc vào mục tiêu mong mỏi, tất cả những yếu tố ấy đều cần thiết để thành công trong công trình quán niệm tối quan trọng này. Đối tượng tối hậu của những phương pháp quán niệm trên là hoàn toàn giải thoát ra khỏi vô minh (avijja) và ái dục (tanha) bằng cách đắc Quả A La Hán. Sau đó, hành giả không còn ham muốn hay đeo níu vào bất luận cái gì trên thế gian. Để kết luận bài Pháp cao siêu này, Đức Phật dạy rằng hành giả nhất định có thể thành công trong cố gắng cao quý của mình không phải trong bảy năm, mà chỉ trong bảy ngày.
-oOo-
[1]
Lúc ấy tôi có nghe như thế này:
Đức Phật tuyên ngôn như sau: Này chư Tỳ Khưu, có con đường duy nhất [2] để chúng sanh tự thanh lọc, để diệt trừ đau khổ [3], để thành đạt trí tuệ, và để chứng ngộ Niết Bàn - đó là Tứ Niệm Xứ. Bốn đó là gì? Nơi đây, người đệ tử [4] sống :
I. Quán niệm thân (Kayanupassana) trong thân [5], nhiệt tâm (atapi), hiểu biết rõ ràng (sampajano), giữ chánh niệm (satima), dứt bỏ [6] tham ái (abhijjha) và sầu khổ (domanassa) [7] trong thế gian (loke) này.
II. Quán niệm thọ (vedananupassana);
III. Quán niệm tâm (cittanupassana);
IV. Quán niệm pháp (dhammanupassana).
I. Niệm Thân (Kayanupassana)
Người đệ tử quán niệm thân như thế nào? 1. Niệm Hơi Thở (anapana sati). Vị đệ tử rút ẩn dật vào rừng [8] hay dưới một cội cây, hoặc một nơi vắng vẻ, ngồi kiết già [9], thân người ngay thẳng, chuyên chú an trú trong chánh niệm. Chú tâm hay biết (sato), vị ấy thở vô; hay biết, vị ấy thở ra. Thở vô một hơi dài, vị ấy hay biết: "Tôi đang thở vô một hơi dài". Thở ra một hơi dài, vị ấy hay biết: "Tôi đang thở ra một hơi dài". Thở vô một hơi ngắn, vị ấy hay biết: "Tôi đang thở vô một hơi ngắn". Thở ra một hơi ngắn, vị ấy hay biết: "Tôi đang thở ra một hơi ngắn". Chứng nghiệm trọn vẹn tiến trình [10] (của hơi thở), (sabakayapatisamvedi): "Tôi sẽ thở vô", vị ấy luyện tập như vậy. Chứng nghiệm trọn vẹn tiến trình (của hơi thở): "Tôi sẽ thở ra", vị ấy luyện tập như vậy. Làm lắng dịu tiến trình của hơi thở (passambhayam kayasamkharam): "Tôi sẽ thở vô", vị ấy luyện tập như vậy. Làm lắng dịu tiến trình của hơi thở: "Tôi sẽ thở ra", vị ấy luyện tập như vậy. Cũng như người thợ tiện chuyên nghiệp, hay người đang học nghề làm thợ tiện, khi kéo sợi dây của bàn tiện một đoạn dài thì biết: "Tôi đang kéo một đoạn dài", khi kéo một đoạn ngắn, biết: "Tôi đang kéo một đoạn ngắn", cùng thế ấy, vị đệ tử thở vô dài thì biết: "Tôi đang thở vô một hơi dài", thở vô ngắn, biết: "Tôi đang thở vô một hơi ngắn". Chứng nghiệm trọn vẹn tiến trình... (lặp lại như trên)... vị ấy luyện tập như vậy. Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân, hay niệm thân ngoài thân, hoặc cả hai, niệm thân trong thân và niệm thân ngoài thân [11]. Vị ấy sống quán niệm bản chất sanh khởi [12] (samudayadhamma) của tiến trình hơi thở, bản chất hoại diệt [13] (vayadhamma), bản chất khởi sanh và hoại diệt của tiến trình hơi thở. Lúc bấy giờ phát sanh đến vị ấy sự hay biết, "chỉ có một cơ thể" [14], trong mức độ cần thiết để phát triển trí tuệ, để phát triển chánh niệm. Vị ấy sống độc lập [15], không bám níu vào bất luận gì trong thế gian [16] này. Như thế ấy, vị đệ tử sống niệm thân. 2. Quán Niệm Những Oai Nghi Của Thân (Iriyapatha). Trong khi đi [17], vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang đi"; khi đứng, hiểu biết: "Tôi đang đứng"; khi ngồi, hiểu biết: "Tôi đang ngồi"; khi nằm, hiểu biết: "Tôi đang nằm". Vị ấy hiểu biết mọi oai nghi (thế cử động) của thân mình. Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân, thân ngoài thân, hoặc quán niệm cả hai, trong thân và ngoài thân. Vị ấy quán niệm bản chất sanh khởi của thân, hay bản chất hoại diệt của thân. Lúc bấy phát sanh đến hành giả sự hay biết, "chỉ có một cơ thể", trong mức độ... (như trên)... vị ấy sống không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này. 3. Quán Niệm Sự Hay Biết (Catusampajanna). Vị đệ tử hoàn toàn hay biết khi đi tới, đi lui, khi nhìn về phía trước hay nhìn quanh, khi co tay, co chân vào hay duỗi ra, khi đắp y, mang bát, khi ăn, uống, nhai, nếm, khi đi đại tiện hay tiểu tiện, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi ngủ, khi thức, khi nói và khi giữ im lặng. Như thế ấy vị đệ tử quán niệm thân... (như trên)... vị ấy sống không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này. 4. Quán Tưởng Tánh Cách Ô Trược Của Thân (Patikkulamanasikara). [18] Vị đệ tử quán tưởng đến cơ thể của chính mình, từ bàn chân trở lên và từ đỉnh đầu trở xuống, bao bọc trong một lớp da và chứa đầy các loại uế trược khác nhau. Trong thân này có: tóc, lông, móng tay, móng chân, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, màng phổi, lá lách, phổi, bao tử, ruột, ruột non, phẩn, mật, đờm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, dầu, nước miếng, nước mũi, nước nhớt ở các khớp xương và nước tiểu. Cũng giống như có một cái bao trống hai đầu, chứa đựng đầy những loại mể cốc như gạo, lúa, đậu xanh, đậu váng, mè và trấu; người kia dở miệng bao lấy ra từng món và quán tưởng: đây là gạo, đây là lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu váng, đây là mè, đây là trấu, cùng thế ấy, vị đệ tử quán tưởng đến tánh chất ô trược khác nhau của từng bộ phận trong thân mình. Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy sống không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này. 5. Quán Tưởng Về Tứ Đại (Dhatumanasikara). [19] Vị đệ tử quán tưởng đến các nguyên tố cấu thành thân này của chính mình. Trong thân này có thành phần đất (địa đại, nguyên tố có đặc tánh cứng hay mềm, chiếm không gian, nới rộng, duỗi ra), thành phần nước (thủy đại, nguyên tố có đặc tánh lỏng, làm dính liền lại), thành phần lửa (hỏa đại, nguyên tố có đặc tánh nóng hay lạnh) và thành phần gió (phong đại, nguyên tố có đặc tánh di động). Cũng như người đồ tể thiện xão, hay người đang học nghề làm đồ tể, khi hạ một con bò và cắt ra thành từng phần rồi ngồi tại ngã ba đường, bày các phần thịt ấy ra (hiểu biết đây là đùi, đây là vai, đây là sườn v.v...), cùng thế ấy, vị đệ tử quán tưởng đến các thành phần cấu thành cơ thể mình. Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này. 6. Quán Tưởng Chín Loại Tử Thi (Navasivathikapabba) a. Vị đệ tử nhìn thấy một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma, của người chết được một ngày, hai ngày, hay đã chết ba ngày, sình lên, bầm tím và chảy nước hôi thúi. Lúc bấy giờ vị đệ tử liên tưởng đến thân của chính mình như thế này: "Thật vậy, thân này cũng cùng thế ấy, cũng cùng một bản chất như vậy, cũng trở thành như vậy và sẽ không thể tránh khỏi trạng thái ấy." Như thế ấy, vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này. b. Vị đệ tử nhìn thấy một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma bị quạ, diều, kên kên, chó nhà hoặc chó rừng cấu xé để ăn thịt, hay các loại giòi tửa hoặc côn trùng đục khoét. Vị ấy liên tưởng đến thân mình như thế này: "Thật vậy, thân này cũng cùng thế ấy, cũng cùng một bản chất như vậy và sẽ không thể tránh khỏi trạng thái ấy." Như thế ấy vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này. c. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn bộ xương dính liền nhau nhờ mấy sợi gân, còn chút ít thịt và máu... d. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn bộ xương dính liền nhau nhờ mấy sợi gân, còn lem luốc máu, mà thịt đã hết... e. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn bộ xương trơ trọi, dính liền nhau nhờ mấy sợi gân, thịt và máu đã hết ... f. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn là những khúc xương rời rạc nằm ngổn ngang: xương bàn tay, xương bàn chân, xương ống quyển, xương đùi, xương mông, xương sống, sọ... g. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn những khúc xương trắng phao như vỏ sò, vỏ ốc (bỏ lâu ngày ngoài mưa nắng)... h. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma của người đã chết hơn một năm, chỉ còn một đống xương... i. Vị đệ tử nhìn một tử thi bỏ ngoài bãi tha ma chỉ còn những lóng xương thâm đen, đang dần dần tan rã thành cát bụi. Vị đệ tử liên tưởng đến thân mình như thế này: "Thật vậy, thân này cũng cùng thế ấy, cũng cùng một bản chất như vậy, cũng trở thành như vậy, và sẽ không thể tránh khỏi trạng thái ấy."
Như thế ấy vị đệ tử niệm thân trong thân... (như trên)... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.
II. Niệm Thọ (Vedananupassana)
Khi chứng nghiệm thọ lạc, vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ lạc". Khi chứng nghiệm thọ khổ, vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ khổ". Khi chứng nghiệm thọ vô ký (không lạc, không khổ), vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ vô ký". Khi chứng nghiệm thọ trần tục (samisa, thuộc về thế gian), vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ lạc trần tục". Khi chứng nghiệm thọ lạc phi trần tục (niramisa, không thuộc về thế gian), vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ lạc phi trần tục". Khi chứng nghiệm thọ khổ phi trần tục, vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ khổ phi trần tục". Khi chứng nghiệm thọ vô ký phi trần tục, vị đệ tử hiểu biết: "Tôi đang chứng nghiệm thọ vô ký phi trần tục". Như thế ấy, vị đệ tử sống niệm thọ trong thọ, hay thọ ngoài thọ, hoặc cả hai, bên trong và bên ngoài. Vịấy sống quán niệm bản chất sanh khởi, bản chất hoại diệt, bản chất sanh khởi và hoại diệt của những thọ cảm.
Lúc bấy giờ phát sanh đến vị ấy sự hay biết: "chỉ có những thọ cảm" trong mức độ cần thiết... (như trên)... vị ấy sống không bám níu vào bất luận gì trong thế gian này.
III. Niệm Tâm (Cittanupassana)
Khi tâm có tham (raga), vị đệ tử hay biết rằng tâm có tham. Khi tâm không có tham, hay biết không có tham. Khi tâm có sân (dosa), vị ấy hay biết rằng tâm có tham. Khi tâm không có sân, hay biết rằng không có sân. Khi tâm có si (moha), vị ấy hay biết rằng tâm có si. Khi tâm không có si, hay biết rằng không có si. Khi tâm uể oải (samkhitta, tức liên hệ đến dã dượi hôn trầm), hay biết tâm uể oải. Khi tâm loạn động (vikkhitta, tức liên hệ đến uddhaca, danh từ gọi chung các loài tâm thuộc Sắc Giới hay Vô Sắc Giới), vị ấy hay biết rằng có tâm phát triển cao thượng. Khi có tâm không phát triển cao thượng (amahaggata, tức các loại tâm thuộc Dục Giới, kamavacara), hay biết có tâm không phát triển cao thượng. Khi có tâm hữu hạn [20] (sanuttara, còn có thể hơn được, tức là các loại tâm thuộc Dục Giới hay Sắc Giới, vì các loại tâm nầy còn có thể được phát triển cao hơn, đến tâm Vô Sắc Giới), vị ấy hay biết rằng có tâm hữu hạn. Khi có tâm vô thượng (anuttara, không thể hơn được nữa), vị ấy hay biết có tâm vô thượng. Khi có tâm tâm định (samahita, an trụ vững vàng), vị ấy hay biết có tâm định. Khi có tâm tâm không định (asamahita,), vị ấy hay biết có tâm không định. Khi có tâm giải thoát (vimutta, tự do), vị ấy hay biết có tâm (tạm thời) giải thoát. Khi có tâm tâm không giải thoát (avimutta), vị ấy hay biết có tâm không giải thoát. Như thế ấy, vị đệ tử sống quán niệm tâm trong tâm, hay quán niệm tâm ngoài tâm, hay quán niệm tâm trong và tâm ngoài.
Vị ấy sống quán niệm bản chất sanh khởi của các trạng thái tâm, bản chất hoại diệt của các trạng thái tâm, bản chất khởi sanh và hoại diệt của các trạng thái tâm. Lúc bấy giờ phát sanh đến vị ấy sự hiểu biết, "chỉ có những trạng thái tâm" trong mức độ cần thiết ... (như trên) ... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian nầy.
IV. Niệm Pháp (Dhammanupassana) [21]
1. Năm Pháp Triền Cái (Ninarana) Vị đệ tử quán niệm về các pháp có liên quan đến Năm Chướng Ngại Tinh Thần. Khi có tham dục (kamacchanda) hiện diện trong tâm, vị đệ tử nhận thức rõ ràng: "Tôi có tham dục", hoặc khi không có tham dục trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi không có tham dục". Vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có tham dục, nay khởi sanh như thế nào; vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự dứt bỏ tham dục đã phát sanh, vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự không khởi sanh trở lại, trong tương lai, của tâm tham dục đã dứt bỏ. Khi oán ghét (vyapada) hiện diện trong tâm, vị đệ tử nhận thức rõ ràng: "Tôi có oán ghét", hoặc khi không có oán ghét, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi không có oán ghét". Vị ấy hiểu biết rõ ràng cái tâm mà trước kia không có oán ghét nay khởi sanh như thế nào; vị ấy hay biết tận tường thế nào là sự dứt bỏ oán ghét đã phát sanh; vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự không khởi sanh trở lại trong tương lai, của tâm oán ghét đã dứt bỏ. Khi có hôn trầm dã dượi (thina-middha) hiện diện trong tâm, vị đệ tử nhận thức rõ ràng: "Tôi có hôn trầm dã dượi" hoặc khi không có hôn trầm dã dượi, vị ấy nhận thức rõ ràng "Tôi không có hôn trầm dã dượi". Vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có hôn trầm dã dượi nay khởi sanh như thế nào, vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự dứt bỏ hôn trầm dã dượi đã phát sanh; vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự không khởi sanh trở lại trong tương lai, của tâm hồn hôn trầm dã dượi đã dứt bỏ. Khi có phóng dật lo âu (uddhacca kukkucca) hiện diện trong tâm, vị đệ tử nhận thức rõ ràng: "Tôi có phóng dật lo âu", hoặc khi không có phóng dật lo âu, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi không có phóng dật lo âu". Vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có phóng dật lo âu nay khởi sanh như thế nào; vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự không khởi sanh trở lại trong tương lai, của tâm phóng dật lo âu đã dứt bỏ. Khi có hoài nghi (vicikiccha, tâm bất định, không nhất quyết) hiện diện trong tâm, vị đệ tử nhận thức rằng: "Tôi có hoài nghi", hoặc khi không có hoài nghi, vị ấy nhận thức rõ ràng:"Tôi không có hoài nghi". Vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có hoài nghi nay sanh khởi như thế nào; vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự dứt bỏ hoài nghi đã phát sanh; vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự không khởi sanh trở lại trong tương lai, của tâm hoài nghi đã dứt bỏ. Như thế ấy, vị đệ tử quán niệm các pháp liên quan đến Năm Chướng ngại Tinh thần. 2. Ngũ Uẩn Thủ (Upadanakkhandha) Vị đệ tử suy tư: "Như thế nầy là sắc (rupa, hình thể vật chất), như thế nầy là sự khởi sanh của sắc, như thế nầy là là sự hoại diệt của sắc. Như thế nầy là thọ (vedana, cảm giác), như thế nầy là sự khởi sanh của thọ, như thế nầy là sự hoại diệt của thọ. Như thế nầy là tưởng (sanna, tri giác), như thế nầy là sự khởi sanh của tưởng, như thế nầy là sự hoại diệt của tưởng. Như thế nầy là hành (sankhara, hoạt động của các tâm sở, trừ hai tâm sở thọ và tưởng), như thế nầy là sự khởi sanh của hành, như thế nầy là sự hoại diệt của hành. Như thế nầy là thức (vinnana), như thế nầy là sự khởi sanh của thức, như thế nầy là sự hoại diệt của thức. Như thế ấy, vị đệ tử sống quán niệm các pháp (dhamma) có liên quan đến Ngũ Uẩn Thủ (sự bám níu chặt chẽ vào năm uẩn). 3. Sáu Nội và Ngoại Xứ (Salayatana) Vị đệ tử nhận thức rõ ràng mắt (nhãn), hình thế vật chất (sắc), và dây trói buộc phát sanh do nhãn và sắc tạo duyên. Vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không bị thằng thúc trói buộc, nay khởi sanh như thế nào; vị ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự dứt bỏ những thằng thúc đã khởi sanh; vi ấy hiểu biết tận tường thế nào là sự không khởi sanh trở lại trong tương lai, của các thằng thúc đã dứt bỏ. Cùng một thế ấy, vị đệ tử nhận thức rõ ràng tai (nhĩ) và tiếng động (thinh), mũi (tỷ) và mùi (hương), lưỡi (thiệt) và vị, thân và sự xúc chạm (xúc), tâm (ý) và các đối tượng của tâm (pháp), và các thằng thúc phát sanh do các căn và các trần ấy tạo duyên. Vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không bị thằng thúc trói buộc nay khởi sanh như thế nào, và sự không khởi sanh trở lại trong tương lai, của các thằng thúc đã dứt bỏ như thế nào. Như thế ấy, vị đệ tử sống quán niệm các pháp có liên quan đến sáu căn và sáu trần (nội và ngoại xứ). 4. Thất Giác Chi (Bojjhanga) Khi có "niệm giác chi" (sati, chi niệm của sự giác ngộ) hiện diện trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi có niệm giác chi", hoặc khi không có, vị ấy hiểu biết rõ ràng rằng mình không có; vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có giác chi "niệm" nay khởi sanh như thế nào và, bằng cách viên mãn hành thiền, làm khởi sanh "niệm giác chi" như thế nào . Khi có "trạch pháp giác chi" (dhammavicaya, chi trạch pháp của sự giác ngộ) hiện diện trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi có trạch pháp giác chi", hoặc khi không có, vị ấy hiểu biết rõ ràng rằng mình không có; vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có giác tri "trạch pháp", nay khởi sanh như thế nào và, bằng cách viên mãn hành thiền, làm khởi sanh "trạch pháp giác chi" như thế nào. Khi có "tinh tấn giác chi" (viriya, chi tinh tấn của sự giác ngộ) hiện diện trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi có tinh tấn giác chi", hoặc khi không có, vị ấy hiểu biết tận tường rằng mình không có, vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có giác chi "tinh tấn", nay khởi sanh như thế nào và, bằng cách viên mãn hành thiền, làm khởi sanh "tinh tấn giác chi" như thế nào. Khi có "phỉ giác chi" (piti, chi phỉ của sự giác ngộ) hiện diện trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi có phỉ giác chi", hoặc khi không có, vị ấy hiểu biết rõ ràng rằng mình không có; vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có giác chi "phỉ" nay khởi sanh như thế nào và, bằng cách viên mãn hành thiền, làm khởi sanh "phỉ giác chi" như thế nào. Khi có "an giác chi" (passadhi, chi an của sự giác ngộ) hiện diện trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi có an giác chi", hoặc khi không có, vị ấy hiểu biết tận tường rằng mình không có; vị ấy hiểu biết tận tườnhg cái tâm mà trước kia không có giác chi "an" nay khởi sanh như thế nào và, bằng cách viên mãn hành thiền, làm khởi sanh "an giác chi" như thế nào. Khi có "định giác chi" (samadhi, chi định của sự giác ngộ) hiện diện trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng : "Tôi có định giác chi", hoặc khi không có, vị ấy hiểu biết rõ ràng rằng mình không có; vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có giác chi "định" nay khởi sanh như thế nào và, bằng cách viên mãn hành thiền, làm khởi sanh "định giác chi" như thế nào. Khi có "xả giác chi" (upekkha, chi xả của ,sự giác ngộ) hiện diện trong tâm, vị ấy nhận thức rõ ràng: "Tôi có xả giác chi", hoặc khi không có , vị ấy hiểu biết tận tường rằng mình không có; vị ấy hiểu biết tận tường cái tâm mà trước kia không có giác chi "xả" nay khởi sanh như thế nào và, bằng cách viên mãn hành thiền, làm khởi sanh "xả giác chi" như thế nào. Như thế ấy, vị đệ tử sống quán niệm pháp trong pháp ... (như trên) ... vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian nầy. Như thế ấy, vị đệ tử sống quán niệm pháp có liênn quan đến Thất Giác chi (bảy yếu tố của sự giác ngộ). 5. Tứ Diệu Đế (Ariyasacca) Vị đệ tử hay biết trọn vẹn, đúng như thật sự vậy, "đây là đau khổ", "đây là nguyên nhân của đau khổ", "đây là sự chấm dứt đau khổ", "đây là con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ". Như thế ấy, vị đệ tử sống quán niệm pháp trong pháp, quán niệm pháp ngoàipháp, hoặc cả hai, quán niệm pháp trong pháp và pháp ngoài pháp. Vị ấy quán niệm bản chất khởi sanh của các pháp, hoặc bản chất hoại diệt của các pháp, hoặc cả hai, bản chất khởi sanh và hoại diệt của các pháp. Lúc bấy giờ phát sanh đến vị ấy sự hay biết, "chỉ có các pháp", trong mức độ cần thiết để phát triển trí tuệ, để phát triển chánh niệm. Độc lập, vị ấy sống không bám níu vào bất luận gì trong thế gian nầy. Như thế ấy, vị đệ tử quán niệm các pháp có liên quan đến bốn Chân Lý Thâm Diệu. Đúng thật vậy, người trau giồi Tứ Niệm Xứ đúng theo đường lối nầy trong bảy năm sẽ thành Đạo Quả A La Hán tại đây, và trong kiếp sống hiện tiền, hoặc Đạo Quả A Na Hàm (Anagami, Bất Lai), nếu còn chút luyến ái nào. Cũng không phải vậy, người trau giồi đúng mực trong sáu năm ... năm năm ,,,bốn năm ... ba năm ... hai năm .. một năm ... bảy tháng ... sáu tháng ... năm tháng ... bốn tháng ... ba tháng ... hai tháng ... một tháng ... nữa tháng ... một tuần .. người ấy sẽ thành Đạo Quả A La Hán, hoặc Quả Bất Lai (Anagami), nếu còn chút luyến ái nào, chính trong kiếp sống hiện tiền. Vì lẽ ấy Như Lai tuyên ngôn: Có con đường duy nhất để chúng sanh tự thanh lọc, để diệt trừ đau khổ, để thành đạt trí tuệ, và để chứng ngộ Niết Bàn. Đức Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị đệ tử lấy làm hoan hỷ thỏa thích. -oOo- Chú Giải Kinh Niệm Xứ: [1] a. (Sati = niệm) + (patthana = sự thiết lập, nền tảng, căn bản, đối tượng, hay đề mục hành thiền, chuyên chú gom tâm vào). b. (Sati = niệm) + ( upatthana = sự phát sanh, chuyên chú gom tâm). Satipatthana sutta là bài kinh đề cập đến những đề mục chánh yếu để chuyên chú gom tâm vào. [2] Ekayana = con đường duy nhất, chỉ có một con đường v.v... [3] Đau khổ. Bản văn ghi: Sầu muộn, than thở, đau đớn và bất mãn. Đau khổ bao gồm tất cả bốn sắc tố ấy. [4] Người đệ tử. Bất luận ai - dầu là hàng xuất gia hay tại gia cư sĩ - có nguyện vọng thóat ra khỏi mọi khổ đau đều có thể thực hành các đề mục hành thiền nầy. [5] Kaye kayanupassana, theo sát nghĩa từng chữ, là "niệm thân trong thân", tức hạn chế chú niệm của mình chỉ trong thân mà thôi. Không quán niệm thọ, niệm tâm hay niệm pháp. Các niệm xứ kia cũng phải được hiểu cùng một thế ấy. [6] Tạm thời dứt bỏ tham ái và sầu muộn trong thời gian hành thiền. Một cách chính xác, hành giả tạm thời khắc phục tâm tham ái khi đắc thiền (Jhana) và hoàn toàn tận diệt khi đắc Quả A La Hán. [7] Sầu khổ (domanassa), bao hàm ý nghĩa bất toại nguyện, thuộc tâm sân. Tham ái và sầu khổ là hai trong năm chướng ngại tinh thần (triền cái). Nơi đây hai chướng ngại chánh nầy hàm xúc cả năm pháp Triền Cái (Nivarana). [8] Vào rừng, hàm ý bất cứ nơi nào vắng vẽ yên tĩnh, ở nhà cũng được. [9] Ngồi kiết già. Đây là thế ngồi lý tưởng để thực hành. Nếu thấy không thuận tiện, hành giả có thể ngồi lại cho thoải mái. Cũng có thể ngồi trên ghế. [10] Tiến trình hơi thở, sabbakayapatisamveda. Nơi đây danh từ "kaya" có nghĩa là "toàn thân", tức trọn vẹn tiến trình. Hành giả thở vào, thở ra, nhận thức rõ ràng hơi thở từ lúc khởi đầu, đoạn giữa và đến lúc chấm dứt toàn thể tiến trình hơi thở. [11] Thông thường, hành giả niệm thân trong thân. [12] Bản chất khởi sanh. Vì có thân, có mũi, và có thức nên có hơi thở khởi sanh. [13] Bản chất hoại diệt. Hơi thở hoại diệt (tức chấm dứt) khi thân, mũi và thức chấm dứt. [14] Chỉ có một cơ thể. Hàm ý không có một chúng sanh, một cá nhân hay một người nam hay người nữ, không có linh hồn, không có "Tôi" hay "Của Tôi". [15] Vị ấy sống độc lập. Anissito, độc lập, tức không có sự hỗ trợ của ái dục (tanha) và tà kiến (dittha). [16] Vị ấy không bám níu vào bất luận gì trong thế gian. Khi gia công quán niệm hơi-thở-vào-thở-ra, đến một giai đoạn nào hành giả có thể tạm thời khắc phục năm chướng ngại tinh thần (năm pháp Triền Cái) và đắc Sơ Thiền (Jhana), trọn vẹn hoàn tất các chi thiền: tầm (vitakka), sát (vicara), phỉ (piti), lạc (sukha) và nhất điểm tâm (ekaggata). Thiền, Jhana, theo đúng ngữ nguyên của danh từ Pali nầy, là quán niệm bám sát vào đề mục, hoặc có nghĩa là thiêu đốt các chướng ngại làm ngăn trở sự tiến bộ tinh thần. Đây không phải là trạng thái tâm mê sảng mà là tâm trạng trong sạch, một chứng nghiệm có tánh cách đạo đức. Hành giả xuất Thiền và chú tâm quán niệm ba đặc tướng - vô thường (anicca), khổ (dukkha), vô ngã (anatta) - và thành đạt các Thành Quả. Kể từ đó hành giả hoàn toàn "giải thoát" (anissito) vì đã thoát ra khỏi mọi hình thức ái dục và tà kiến, và không còn bám níu vào bất luận gì trong thế gian, vì không còn những tư tưởng lầm lạc liên quan đến cái "Ta" và "Của Ta". Đối tượng cùng tột của pháp niệm hơi thở, anapana sati, trước tiên là chứng đắc các tầng Thiền (Jhana) và từ đó, phát triển bốn Thánh Đạo và Thánh Quả. Đó là lý do tại sao bài kinh khởi đầu bằng đoạn " ...để chúng sanh tự thanh lọc, để diệt trừ đau khổ, để thành đạt trí tuệ và để chứng ngộ Niết Bàn." [17] Hiểu biết mọi oai nghi của mình. Loài thú cũng hay biết mọi oai nghi của nó. Nơi đây, đối tượng được hàm xúc không phải chỉ là sự hay biết suông. Trong khi đi, hành giả hiểu biết chân chánh rằng, "chỉ có sự đi" một cách chính xác, không có "một người" hay một "cá nhân chủ thể" đang đi. Nói cách khác, chỉ có hành động, không có "người" hành động, có "việc làm" mà không có "người" làm việc đó. Khi hiểu biết tận tường như vậy, không thể có quan niệm lầm lạc về một linh hồn trường cửu. [18] Quán tưởng tánh cách ô trược của thân. Hầu hết các vị tỳ khưu đều thực hành đề mục nầy, và đây là đề mục hành thiền được Ngài Ananda ưa thích nhất. Đề mục nầy thích hợp với người có tâm tham ái vì chính đề mục nầy giúp hành giả dứt bỏ, không luyến ái cái được gọi là tấm thân đẹp đẽ nầy. Vài người có thể thích quán tưởng các khả năng tiềm tàng ngủ ngầm của con người hơn. [19] Tứ Đại. Bốn nguyến tố chánh yếu cấu thành vật thể con người. Bốn nguyên tố ấy là: Pathavi, Apo, Tejo và Vaja, thường được gọi là Đất, Nước, Lửa, Gió. Không nên hiểu rằng đây là đất, nước, lửa và gió như ta thường hiểu. Đất, Pathavi, là thành phần vật chất có đặc tánh nở ra, duỗi ra, là thể chất của sắc. Không có thành phần nầy, vật chất không thể chiếm không gian. Tánh chất cứng hay mềm - thuần túy tương đối - là hai thể khác nhau của nguyên tố nầy. Nước, Apo, là nguyên tố có đặc tánh làm dính liền lại. Không giống như thành phần Đất mà ta có thể tiếp xúc bằng giác quan như sờ đụng, hửi mùi v.v... ta không thể tiếp xúc với thành phần nước bằng ngũ quan. Chính nguyên tố Nước (Apo) nầy làm cho các phần tử rời rạc của vật chất dính liền lại và cho ta một ý niệm về một cơ thể. Khi một cơ thể đặc - tức trong ấy thành phần Đất trội hơn - chảy ra, thành phần nước trở thành trội hơn trong thể lỏng. Hai nguyên tố Đất và Nước nầy tương quan với nhau mật thiết đến độ khi thành phần nầy chấm dứt, thành phần kia cũng tan biến. Lửa, Tejo, là nguyên tố có đặc tánh nóng. Lạnh cũng là một hình thức nóng. Cả hai, lạnh và nóng, đều được bao gồm trong Tejo, bởi vì cả hai đều có năng lực bảo tồn và tiêu diệt sự sống. Không giống như ba nguyên tố kia, thành phần Lửa (Tejo) có khả năng làm cho vật chất tự tạo trở lại. Luôn luôn dính liền với Tejo (Lửa) là Vajo (Gió), thành phần của vật chất có đặc tánh di động. Có cử động, hay di chuyển, là do nguyên tố nầy. Sự di động được xem là năng lực, hay động cơ, phát nhiệt. Di động và nhiệt, thành phần Gió và Lửa, trong phạm vi vật chất, cũng giống như Tâm và Nghiệp trong lãnh vực tinh thần đạo đức. Bốn nguyên tố Đất, Nước, Lửa và Gió, luôn luôn đi chung với nhau trong vật chất, nhưng trong một loại vật chất, thành phần nầy có thể trội hơn thành phần kia. Thí dụ như trong đất thì thành phần Đất (Pathavi) trội hơn, trong nước thì thành phần Nước (Apo) trội hơn, v.v... [20] Tâm vô thượng, anuttara =(an +uttara) là không có gì cao hơn nữa, cao hơn hết, không còn thua ai. Sanuttara là còn có thể trội hơn, hữu hạn. Các loại tâm thuộc Dục Giới và Vô Sắc Giới là anuttara, vô thượng, không thể trội hơn được nữa. Ở đây không đề cập đến các loại tâm siêu thế. [21] Niệm Pháp (Dhammanupassana). Ở đây, chữ Dhamma không có nghĩa là Giáo Pháp, tức những lời dạy của Đức Phật. Nơi đây, danh từ nầy được dùng trong ý nghĩa tổng quát, bao gồm tất cả những gì tại thế và siêu thế. Riêng trong bài kinh nầy Dhamma - Pháp bao gồm: năm Pháp Triền Cái, bảy Giác Chi, năm Uẩn Thủ, sáu Nội và Ngoại Xứ, và Tứ Diệu Đế