Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục

Thực sự thì không có chúng sanh nào cả. Có một loại thực tại trong đó chúng ta nhìn nhận chúng sanh là một thực tế, đó là sammuti-sacca (thực tại quy ước, hay thực tại chế định). Đừng lẫn lộn hai thực tại này với nhau. Trong thực tại chế định có các chúng sanh, có đàn ông, đàn bà. Khi chúng ta đã đến với paramatha (thực tại chân đế), chúng ta hành thiền vượt qua được chỗ đó và chỉ nhìn vào các tính chất thôi

Xin chào mừng các bạn đã đến với lớp thiền, tôi rất vui khi gặp các bạn. Một số bạn đã đến đây khá sớm và ngồi thiền. Thật vui khi nhìn thấy mọi người đến đây và hành thiền như thế này.   Điều đó cho thấy các bạn thực sự mong muốn tập thiền, các bạn thực sự yêu mến việc mình đang làm.

Tôi đến đây để chỉ giúp các bạn, chứ không hẵn đến đây để dạy các bạn. Chỉ khi nào thực sự muốn học thì các bạn mới học được. Thực ra không ai có thể dạy các bạn được cả, đây là điều rất quan trọng và phải hiểu.

Vào bài giảng ngày hôm nay, tôi muốn bắt đầu bằng một câu hỏi, một câu hỏi rất đơn giản và câu trả lời cũng rất đơn giản. Nhưng hãy suy nghĩ một lúc đã. Gánh nặng lớn nhất mà chúng ta đang mang là gì? Hãy dành vài phút để suy nghĩ về câu hỏi đó. Hỏi đúng là điều quan trọng và sống với câu hỏi cũng là một điều rất quan trọng. Ý tưởng này: Sống với câu hỏi, là rất quan trọng. Chỉ khi nào chúng ta sống với câu hỏi chúng ta mới có câu trả lời sống động, và rồi chúng ta lại sống với câu trả lời đó. Chỉ khi đã sống với câu trả lời, chúng ta mời tìm ra được một câu hỏi khác sâu sắc và đầy ý nghĩa. Và rồi lại sống với câu hỏi đó.

Sống với câu hỏi là cách tốt nhất để tìm ra câu trả lời.

Các bạn có câu hỏi nào không? Các bạn có sống với nó không? Bất cứ câu hỏi nào cũng được, nhưng câu hỏi đó phải xuất phát từ cuộc sống của bạn, nó phải xuất phát từ trái tim bạn. Đó phải là một câu hỏi sống, không phải chỉ là một câu hỏi lý thuyết hay câu hỏi giả định; nó phải là một cái gì rất thực.

Người có câu hỏi thực và sống với câu hỏi đó sẽ sống một cuộc đời thật nghiêm túc, thật ý nghĩa và sâu sắc. Sau khi đã sống với nó một thời gian dài, cuộc sống của bạn sẽ cho bạn câu trả lời; bạn không thể tìm được câu trả lời thực từ sách vở hay bất cứ người nào.

Họ chỉ có thể cho bạn những lời gợi ý mà thôi, nhưng để thấy được sự thật của câu trả lời bạn phải nhìn lại vào cuộc đời mình.

Sự thật của câu trả lời không nằm ở ngôn từ, nó nằm trong chính cuộc sống của bạn.

Xin hỏi lại, gánh nặng lớn nhất mà các bạn đang mang là gì? Bạn đã bao giờ tự hỏi chính mình câu hỏi đó chưa? Nếu chưa, thì bây giờ hãy tự hỏi mình đi, cái gì là gánh nặng lớn nhất mà mình đang mang? Bạn có thể đoán ra được không?

Đúng vậy, gánh nặng lớn nhật chúng ta đang mang chính là “cái tôi”

Bạn có cảm thấy được điều đó không? Nếu buông bỏ được “cái tôi” đó, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm ngay. Đó là gánh nặng lớn nhất! Vì vậy, trong thiền, việc đầu tiên cần học là phải thấy rằng chỉ có các hiện tượng tự nhiên đang hiện hữu: Chỉ thuần tuý là những hiện tượng của thân, tâm mà thôi. Một hiện tượng thuộc về tâm rất khác biệt so với một hiện tượng của thân hay sắc.

Tuệ giác đầu tiên là thấy chỉ có các hiện tượng hiện hữu, không có gì là thường hằng, vĩnh cửu, không có chúng sanh, không có thực thể nào, không có “cái tôi”, không bản ngã, không có người nào, chỉ có những hiện tượng thuần tuý mà thôi. Điều đó mang lại một sự nhẹ nhõm vô cùng, nó làm ta trút nhẹ tâm tư. “Cái tôi” này là sản phẩm của tâm trí, nó tự tạo ra gánh nặng cho chính nó. Tầng thánh đầu tiên là đoạn trừ hoàn toàn cái tôi này, hay còn gọi là tà kiến chấp ngã (thân kiến) – sakkaya – ditthi. Tầng thánh này chưa đoạn trừ được tham, đây là điều quan trọng cần ghi nhớ, và thậm chí sân cũng chưa được đoạn trừ, cả tật ganh đua, kiêu hãnh, ngã mạn nữa. Nó đoạn trừ tà kiến về “cái tôi”. Đôi khi mọi người nói, Mấy người này hành thiền kiểu gì mà vẫn sân thế!” Đúng, họ vẫn còn rất tham, nhưng cái tham đó không còn sự hổ trợ của “cái tôi”. Mặc dù tham, nhưng họ sẽ không đi ăn cắp hoặc lừa đảo người ta. Họ có được cái mình muốn một cách chính đáng, bằng phương thức chính đáng. Bây giờ tôi sẽ nói sơ lại những điều đã giảng tuần trước và đi tiếp từ đó.

Nanarupanam yathavadassanam, ditthivisuddhi nama ~Vsm 587

Nanarupanam là một từ ghép, nama và rupa (danh và sắc). Nama (danh) là một tiến trình, không phải là một thực thể hay một chúng sanh nào cả, nó không thường còn, vĩnh cửu. Nó luôn luôn có mặt ở đó. Nama (danh) là một cái gì đó luôn sanh khởi. Rupa (sắc) cũng phải là một vật. Thực chất rupa là một tính chất. Hãy ghi nhớ điều này. Mỗi khi dùng từ sắc, chúng ta không thể nói đến một vật nào mà đang nói về tính chất. Nóng là một tính chất, không phải là một vật thể, lạnh không phải là một vật thể, nó là một tính chất, một tiến trình. Nó là một thứ gì đó luôn luôn diễn tiến không ngừng. Nó có tính liên tục nhưng luôn sanh diệt, sanh và diệt. Vì thế nó được gọi là một tiến trình. Hai tiến trình này, danh và sắc (nama vàrupa) hoàn toàn khác nhau, không phải là một. Đôi khi tôi nghe có người nói về cái bất nhị (không hai), rằng không có cái gì gọi là danh hay sắc cả, cả hai đều là một. Điều đó không đúng. Chúng không phải là một. Chúng rất khác nhau. Danh(nama) là một loại tâm, hay biết. Sắc (rupa) chỉ là một đối tượng không có tính chất hay biết này, nó không biết gì cả. Danh là tính hay biết, sắc không hề hay biết gì cả, nó chỉ là tính chất thuần tuý của vật chất mà thôi. Chúng là hai thứ khác nhau, tâm và vật chất.

Trong quá trình hành thiền, tâm trở nên rất tĩnh lặng, mặc dù đôi lúc vẫn có một vài ý nghĩ thoảng đến và đi, song tâm vẫn an trụ trên đề mục trong một thời gian dài. Nó bắt đầu tập trung vào một việc; nó không tập hợp các sự việc lại với nhau nữa. Tính không tập hợp, ráp nối các sự việc lại với nhau này rất quan trọng.

Khi tập hợp, ráp nối các sự việc với nhau chúng ta có một khái niệm, một khái niệm tục đế pannatti. Khi không tập hợp, chắp nối nữa, chúng ta nhìn sự việc chỉ đơn thuần như chúng đang là. Khi đó chúng ta sẽ thực sự thấy được tính chất, hoặc là danh (nama) hoặc là sắc (rupa)

Khi tâm trở nên thật tĩnh lặng và thấy được tính chất thuần tuý của sự vật, chúng ta có thể thấy nó đơn thuần chỉ là các tính chất, không phải là một chúng sanh nào, không phải đàn ông, không phải đàn bà. Đây là tuệ giác đầu tiên, nó rất quan trọng. Trừ phi chúng ta đạt được tuệ giác thứ nhất này, bằng không không có hy vọng đạt được một tiến bộ nào. Chúng ta sẽ thấy: Có cái tâm này hay biết đối tượng này. Ví dụ: Tiếng động này chẳng hạn, khi tôi tạo ra tiếng động, tiếng động chỉ đơn thuần là tính chất vật lý, nó là một tiến trình. Bạn có thể nghe tiếng chuông ngân lên rồi tắt dần.

Trước khi tôi đánh chuông thì chưa có sự hay biết về tiếng chuông này. Sự hay biết này xuất hiện bởi vì có tiếng chuông. Bạn có thể thấy hai cái này rất rõ, rất tách biệt với nhau. Và bây giờ thì sự hay biết mới xuất hiện. Nó không có sẵn ở đó để luôn hay biết tiếng chuông. Nó không đứng đó để chờ nghe tiếng chuông. Sự hay biết xuất hiện khi tiếng chuông xuất hiện. Trước khi có tâm biết tiếng chuông, có một tâm hay biết khác, nó cũng là nhân duyên để cho tâm hay biết tiếp theo xuất hiện. Nhưng chúng không phải là một. Chúng ta cứ nghĩ rằng luôn có một cái gì đó nguyên vẹn không đổi trong mọi lúc, luôn có một cái gì đó ở đó. Đây là cách chúng ta tạo ra ý niệm về tính liên tục ở trong tâm. Các suy nghĩ tạo nên tính liên tục và chúng tạo nên ý niệm về sự nguyên vẹn, không thay đổi này. Khi chúng ta dừng lại mọi suy nghĩ và chánh niệm, tập trung và chú ý vào bất cứ cái gì đó đang diễn ra trong hiện tại, ngay bây giờ chúng ta thấy có cái gì đó đang sanh khởi. Trước kia nó không có ở đó. Nó đang hiện hữu ngay trong hiện tại.

Nanarupanam yathavadassanam, ditthivisuddhi nama (thấy danh sắc một cách đúng đăng như chúng thực sự đang là được gọi là kiến tịnh). Yathava nghĩa là một cách đúng đắn, một cách chân chánh, thích hợp, như nó đang là. Dassnam là thấy. Thấy danh và sắc (Nama và rupa), các hiện tượng tâm lý và vật lý như chúng đang là, thấy một cách đúng đắn, thấy một cách thích hợp và chân chánh thì được gọi là ditthivisuddhi (kiến tịnh). Ditthi  nghĩa là kiến (chữ kiến trong chánh kiến). Visuddhi là thanh tịnh, thanh lọc . Và chử nama thứ hai ở đây có nghĩa “được gọi là”. 

Khi thấy từ Nama trong tiếng Pali chúng ta phải nhớ rằng chúng có rất nhiều nghĩa, trong mỗi ngữ cảnh lại mang một nghĩa khác nhau. Trong một số trường hợp, có người dịch nama-rupa là tên gọi và hình thể (name and form), dịch như vậy là sai. Tôi đã trao đổi vấn đề này với đại đức Nanavisuddhi và chúng tôi phải bàn mất hai ngày mới xong. Chúng tôi đã xem xét lại rất nhiều cách dịch khác nhau của từ này. Nama không có nghĩa là tên gọi. Tên gọi là một khái niệm. Nhưngnama cũng có một nghĩa là tên. Và trong trường hợp khác nó là “có nghĩa là”. Chữ nama ở đầu câu có nghĩa là tiến trình của tâm. Chữ nama thứ hai ở cuối câu nghĩa là “có nghĩa là”.

Vậy câu Pali này dịch ra như sau: ditthivisuddhi (kiến tịnh) là thấy danh sắc như chúng đang là, thấy một cách đúng đắn, thấy một cách chân chánh và thích hợp mọi hiện tượng của thân tâm. Như vậy nama-rupa không có nghĩa là tên gọi và hình thể. Tên gọi là một khái niệm. Hình thể, hình dáng cũng đều là những khái niệm. Chúng không phải là thực tại.

Khi chúng ta hành thiền và phát triển Tuệ Phân biệt Danh Sắc (nama –rupa pariccheda –nana), điều đó không có nghĩa chúng ta biết tên gọi và hình thể; mà là chúng ta thấy được tiến trình của thân và tâm. Cách dịch sai lầm đôi khi làm chúng ta hiểu sai rất nhiều, gây nhầm lẫn và rối tung. Chẳng hạn chúng ta đang ngồi thiền, hít vào, thở ra, lúc đầu thì chúng ta biết hình dáng cơ thể ra sao, hình dáng của cái mũi thế nào, thậm chí đôi khi chúng ta còn tưởng tượng ra hình dáng của luồng không khí dài như một sợi dây, đang ra vào ra vào. Cái “dài” này là cái bạn tưởng tượng ra. Ở đâu ra mà có luồng không khí dài ra vào? Không có luồng không khí dài nào cả. Nhưng đôi khi ta có cảm giác là như thế. Dần dần chúng ta sẽ vượt qua được tất cả những sự tưởng tượng về hình dáng và tên gọi này và sẽ đạt đến chánh niệm đơn thuần trên các cảm giác,về sự cọ xát, xúc chạm, đưa đẩy qua lại (của luồng không khí ra vào lỗ mũi) và sự xúc chạm này là một tiến trình rất đơn giản. Thế mà ngày trong cái tiến trình đơn giản này, chúng ta vẫn chấp giữ tà kiến trong đó.

Để thanh lọc tà kiến, chúng ta phải thấy rằng có một cái tâm hay biết cảm giác này. Cảm giác đó có thể là nóng hay lạnh. Khi chúng ta thở vào, hơi thở hơi mát, lạnh lạnh, thở ra hơi nóng nóng. Cái nóng, mát, lạnh, xúc chạm, đưa đẩy ra vào này… bạn chỉ chánh niệm hay biết nó, không suy nghĩ về nó. Chúng ta thấy rằng có hai tiến trình khác nhau đang diễn tiến, không có tiến trình nào trong đó là một chúng sanh, một thực thể cả, và không có tiến trình nào kéo dài. Chúng sanh lên bây giờ và cũng diệt mất bây giờ.

Trong giai đoạn dầu, chúng ta không chú trọng đến sự sanh và diệt, chúng ta chỉ chú trọng đến các tiến trình thuần tuý. Tiến trình vật lý này diễn ra không có tác ý, không do ý muốn của ai cả. Chẳng hạn, tóc không hề ý thức được rằng nó đang nằm ở trên đầu và tóc cũng chẳng muốn đi đâu cả; vậy thì ai muốn ở đây? Chính là Tâm. Cái phần vật chất này không có ý muốn, không có tác ý. Chỉ thấy rằng tâm đi đến đối tượng và với tới đối tượng. Chúng ta muốn nghe nên chú ý lắng nghe, và cái chú ý này chính là một đặc tính của danh (nama), nắm bắt đối tượng, hay biết đối tượng. Có một cái không hay biết được cái gì cả, đó là tiến trình vật lý của thân, ngoài tiến trình thân ra còn có một tiến trình khác để hay biết đối tượng. Hai tiến trình này hoàn toàn khác nhau. Danh (nama) sanh khởi bởi vì có đối tượng. Không có đối tượng thì không thể có bất cứ một tâm nào sanh khởi. Tâm không luôn sẵn sàng có mặt ở đó.

Chẳng hạn khi tôi gõ vào chuông thế này, tiếng chuông không đi ra từ chiếc dùi này, nó cũng chẳng đi ra từ cái chuông. Điều đó có nghĩa rằng, tiếng chuông không phải lúc nào cũng luôn có mặt ở đó. Tuỳ thuộc vào việc tôi gõ mạnh hay nhẹ mà tính chất của tiếng chuông sẽ khác; nó không luôn ngồi chờ ở đó mà chạy ra từng tiếng, từng tiếng một. Nếu nó luôn chờ sẵn ở đó để đi ra, thì dù tôi gõ mạnh thế nào đi chăng nữa, tiếng chuông chạy ra phải giống y như nhau. Nếu tôi thay đổi nhân duyên của nó thì quả cũng sẽ khác liền. Như vậy, tiếng chuông không ở cây dùi, không ở cái chuông,nó cũng không chờ sẵn ở đó. Nó xảy ra khi cây dùi đánh vào cái chuông, điều đó nghĩa là tất cả mọi việc đều là mới. Hiểu được rằng nó hoàn toàn mới mẻ là rất quan trọng. Cũng giống như vậy đối với cái nhìn, khi không có tâm chánh niệm, khi nhắm mắt, bạn không nhìn thấy cái gì trước mặt. Khoảnh khắc bạn mở mắt ra, có một cái gì đó đập vào mắt bạn và cái tâm hay biết- nhãn thức này sanh khởi. Nó sanh khởi vào đúng khoảnh khắc đó; bạn có thể thấy rõ hai sự việc khác nhau, đối tượng và tâm hay biết. Điều này được gọi là Tuệ Phân biệt Danh Sắc (namarupa-paricheda –nana).

Một ví dụ khác, khi bạn muốn cử động, trước hết tâm thức sanh khởi tác ý muốn cử động rồi sau đó tay hoặc chân mới đưa ra. Trong trường hợp tiếng động, thì tiếng động là tiền đề cho tâm sanh khởi, bởi vì có tiếng động nên mới có tâm biết sanh lên. Trong trường hợp cử động thì tác ý muốn cử động là tiền đề cho cử động diễn ra, tiến trình của thân tâm làm tiền đề của tâm và tiến trình của thân. Nó vận hành theo cả hai chiều. Khi đói bụng, chúng ta muốn ăn, chúng ta lấy đồ ăn và bỏ vào miệng. Nhưng thực sự thì có ai đang ăn? Chức năng ăn được thực hiện do thân, do tiến trình của thân. Tay cầm thức ăn và đưa lên miệng. Nếu bạn không đưa tay mà chỉ ngồi đó rồi bảo thức ăn đi vào miệng mình, nó sẽ chẳng chịu đi đâu.

Tâm trù định và đưa ra hướng làm, đưa ra chỉ dẫn cho thân; như vậy tâm dự định và thân ăn.

Thân và tâm ăn, không phải là “tôi” ăn, thân và tâm ăn nhưng chúng ta cứ nghĩ rằng tôi đang ăn. Sự thực chỉ có các tiến trình thân tâm đang ăn. Nếu bạn hiểu được đó chỉ là một tiến trình, bạn đã có được sự thanh tịnh về tri kiến (kiến tịnh)

Khi bạn muốn uống thì đó cũng là cùng một tiến trình như vậy. Khi bạn muốn đi cũng vậy. Bạn đứng đã khá lâu và cảm thấy mõi mệt, chân tê cứng và muốn đi, tác ý muốn đi sanh khởi “ đi, đi”, nó thúc đẩy thân bạn đi. Bạn quyết định bước, nhấc chân lên, đưa ra phía trước và đặt xuống… như vậy, thân và tâm đang đi, không phải là một chúng sanh nào đang đi cả. Thấy theo cách đó là Tuê Phân biệt Danh Sắc (namarupa-paricheda –nana).

Thực sự thì không có chúng sanh nào cả. Có một loại thực tại trong đó chúng ta nhìn nhận chúng sanh là một thực tế, đó làsammuti-sacca (thực tại quy ước, hay thực tại chế định). Đừng lẫn lộn hai thực tại này với nhau. Trong thực tại chế định có các chúng sanh, có đàn ông, đàn bà. Khi chúng ta đã đến với paramatha (thực tại chân đế), chúng ta hành thiền vượt qua được chỗ đó và chỉ nhìn vào các tính chất thôi. Nhưng khi hành thiền thì chúng ta không được suy nghĩ về điều đó nữa. Điểm quan trọng là bạn phải cố gắng và tư duy trước khi hành thiền, nhưng khi đã ngồi vào thiền thì không được nghĩ về danh sắc (nama-rupa) nữa. Khi bạn trở nên chánh niệm hơn, tâm an trụ nhiều hơn trong tiến trình, nó sẽ xuất hiện một cách tự nhiên, một cách tức thời, và tuệ giác sẽ có mặt một cách rất rõ ràng: Hai tiến trình đang diễn tiến.

Hiểu hoặc thấy được tiến trình danh- sắc (nama-rupa) một cách đúng đắn, một cách thích hợp nghĩa là thấy được rằng:“Đây là danh, đây là tiến trình tâm”, điều này có nghĩa đây không phải là một chúng sanh nào cả. Đây là tiến trình của tâm. Và danh (nama)nghĩa là chính tiến trình này. Nó không lẫn lộn với tiến trình của thân, không hoà trộn vào nhau, không thêm vào. Thông thường chúng ta hay trộn lẫn mọi thứ vào với nhau và chúng ta có một ý niệm mơ hồ về các sự việc. Nhưng ở đây chúng ta thấy một cách rất rõ ràng, minh bạch: Đây là danh, chỉ là danh và không lẫn lộn với sắc. Mặc dù chúng có liên quan với nhau, nhưng chúng không phải là một, chúng là hai tiến trình riêng biệt. Không có gì hơn thế. Danh chỉ là danh mà thôi. Không có gì hơn thế, và “Đây là sắc, thuộc thân vật lý” : nóng, lạnh, cử động, sức ép, nặng nhẹ, bất cứ cái gì, chúng chỉ là tiến trình của thân. Đến như thế này là thuộc về thân, không có gì hơn. Đến như thế này là thân vật lý. Thân không trộn lẫn với tâm, mặc dù nó có liên quan đến tiến trình của tâm. “Không có gì hơn thế.”

“Chỉ thấy rõ đặc tính vốn có của tự nhiên”, tự nhiên có rất nhiều đặc tính khác nhau; bạn chỉ cần thấy rõ các đặc tính khác biệt này. Hãy đoạn trừ phần lậu hoặc khi nhìn một tiến trình như một cái gì đó, như bản ngã hay “cái tôi”, hãy đoạn trừ nó. Đoạn trừ lậu hoặc hoặc tà kiến về một cái tôi “ngã kiến”, hay tà kiến về một linh hồn, một chúng sanh, một thực thể nào đó. Đoạn trừ tà kiến chấp rằng có một linh hồn cần được hiểu là quá trình thanh tịnh tri kiến (kiến tịnh). Khi hành giả đã đạt đến tuệ namarupa –paricheda –nana (Tuệ Phân biệt Danh Sắc), tầng tuệ giác này chính là kiến tịnh(ditthivisuddhi). Kiến tịnh xuất hiện cùng với tuệ giác đầu tiên.

Tuệ giác thứ hai là Tuệ Phân biện Nhân duyên (pacaya-pariggaha –nana). Paccaya có nghĩa là nhân duyên, pariggahanghĩa là nắm bắt. Nana nghĩa là tuệ. Từ nắm bắt trong tiếng Anh có nhiều nghĩa. Một trong những nghĩa đó là nắm cái gì trong tay, giữ chặt nó, nhưng nó cũng có nghĩa là hiểu biết. Như vậy, hiểu biết, nắm bắt được nguyên nhân của các hiện tượng, thấy rõ, hiểu rõ nhân duyên của chúng, thấy được mối liên quan giữa chúng với nhau với nhau. Đầu tiên chúng ta thấy đối tượng chỉ là đối tượng và tâm chỉ là tâm, rồi dần dần khi tuệ giác này chín muồi, không suy nghĩ về nó, hành giả bắt đầu nhận ra rằng: Do có đối tượng này nên mới có tâm này sanh khởi.

Đối tượng này chính là nhân sanh khởi tâm này. Tâm không tự nó sanh khởi, không ai tạo ra nó cả. Tâm không thể sanh khởi mà không có nguyên nhân; nó sanh khởi chỉ vì có một nguyên nhân khiến nó sanh khởi. Tuỳ thuộc vào trình độ nhận thức hay hiểu biết của hành giả mà mỗi người nhìn thấy được một khía cạnh khác nhau của nhân duyên, có người thấy được nhiều, có người thấy được ít, nhưng điều đó không quan trọng. Vấn đề thực sự là ở chỗ: Không cần biết cái gì sanh khởi, miễn là bạn biết nó sanh khởi do một nguyên nhân. Lấy ví dụ tiếng động, điều này rất rõ ràng. Nhưng chúng ta nghĩ rằng: Tất cả mọi người ai cũng biết điều đó, tại sao chúng ta phải đi hành thiền để làm gì? Không phải chúng ta hành thiền để phát hiện ra điều đó. Chúng ta chỉ biết điều đó trên bề mặt kiến thức thôi, nhưng thực tế thì khác xa.

Hiểu biết về kiến thức không loại bỏ được ngã kiến. Chúng ta nghĩ rằng chính mình nghe tiếng động, “Tôi nghe thấy tiếng động”. Nhưng trong thiền thì “cái tôi” này không còn nữa.

Bạn thấy rõ tâm biết này sanh khởi ngay trong hiện tại, bởi vì có tiếng động này, không có “tôi” nghe. Có lúc bạn hiểu được rằng: Bởi vì có tai nên có cái nghe; cái nghe là một tâm. Tiếng động và tai, màng nhĩ là một bộ phận cảm nhận của tai, là nhân tạo ra cái nghe. Khi đã hành thiền một thời gian, bạn sẽ hiểu rằng: “Chỉ khi nào chú ý, tôi mới nghe được tiếng động”, tôi sử dụng chữ “tôi” ở đây theo nghĩa quy ước thông thường. Xung quanh chúng ta có rất nhiều tiếng động, tiếng người nói v.v..; nhưng chúng ta không chú ý thì cũng không nghe thấy.

Chúng ta hiểu được rằng: Tâm hướng về đối tượng, tác ý hướng tâm (manasikara); không có sự chú ý chúng ta không thể nghe được.

Khi ngủ, mặc dù màng nhĩ vẫn hoạt động, xung quanh vẫn có tiếng động nhưng chúng ta không nghe được, bởi vì không chú ý. Đây là một ví dụ rất rõ. Ngay cả khi chúng ta ý thức và đang rất tập trung đọc sách, nếu có ai đó bên cạnh gọi tên, chúng ta vẫn không nghe thấy bời vì chúng ta không chú ý. Tiếng động, tai thâu nhận và sự chú ý tạo duyên cho cái nghe xảy ra.

Cũng tương tự đối với cái nhìn, chúng ta nghĩ rằng chính mình nhìn, nhưng khi đã phát triển được tuệ giác này, khi nhìn chúng ta biết rõ là có tâm hay biết, chúng ta biết là có đối tượng nên mới có tâm biết này. Sau một thời gian, không hề suy nghĩ, hiểu biết đó sẽ đến với bạn: Bởi vì đôi mắt có khả năng cảm nhận nên chúng ta thấy. Đôi khi có người đến nói với tôi: “Thật là kỳ lạ, chúng ta nhìn” Bỗng nhiên người đó phát hiện ra một điều đáng ngạc nhiên là chúng ta nhìn. Bạn đã bao giờ kinh nghiệm được điều đó chưa? Điều đó thật là tuyệt vời, thật là kỳ diệu; đột nhiên chúng ta cảm nhận sự việc theo một cách hoàn toàn mới.

Tại sao lại không nhìn? Một triết gia, Wittgenstein, bạn đã bao giờ nghe đến tên ông ta chưa? Ông cùng thời với Bertrand Russel và thay thế Russel giữ chức giáo sư. Wittgenstein Đã nói nên một điều thật sâu sắc và ý nghĩa, ông nói: “Tại sao không phải là vô thể, thay vì hữu thể?” Nếu bạn thực sự hiểu được điều này, có lúc bạn sẽ rất sốc; thật đáng ngạc nhiên làm sao, khi cứ luôn luôn phải có một cái gì đó! Thật đáng ngạc nhiên khi có những nụ hoa, có những hàng cây, có những con côn trùng và muông thú, có con người và có các hành tinh. Sao chẳng phải là không có gì nhỉ? Tại sao cứ phải có một cái gì đó hiện hữu? Chính cái gì đó ấy mới thực là điều đáng ngạc nhiên. Cũng tương tự như thế, hành giả bắt đầu phát hiện ra rằng: Cái nhìn đang diễn ra và điều đó thật đáng ngạc nhiên. Hành giả thấy rằng nhìn là một tiến trình mời mẻ, một kinh nghiệm mới mẻ. Hầu hết thời gian chúng ta chỉ loay hoay, bận rộn làm công việc này việc kia một cách rất vô thức, như trong một giấc mơ; rồi bỗng nhiên chúng ta tỉnh dậy và thấy rằng… có một cái thấy và điều này thật ngạc nhiên làm sao. Bạn cảm nghiệm cái nhìn như một điều hoàn toàn mới mẻ. Nó đập vào bạn, quất vào bạn. Tôi cảm thấy rất vui khi có người đến và nói rằng: “Ô, thật đáng ngạc nhiên, chúng ta nhìn, chúng ta nghe, chúng ta suy nghĩ.” Tại sao điều đó xảy ra?

Etass’eva pana namarupassa passayapariggahanena Tisu addhasu kankham vitaritva thitam nanam Kankhavitarana –visuddhi nama. 

Etass’eva pana namarupassa: Về cái danh sắc mà chúng ta vừa nói đến trong vài khoảng khắc trước đây.

Paccayapariggahanena: Thấy được nguyên nhân của nó

Tisu addhasu: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi hành thiền chúng ta chỉ chú tâm vào hiện tại mà thôi. Chúng ta không quan tâm đến quá khứ bởi vì nó đã đi qua mất rồi. Chúng ta không chú ý đến tương lai vì tương lai thì chưa đến. Nhưng khi hiểu được hiện tại một cách đúng đắn thì chúng ta hiểu được quá khứ và tương lai.

Kankham vitaritva: Khi thấy rõ danh sắc sanh khởi do nhân duyên, bởi vì có nguyên nhân khiến nó sanh khởi, thấy rõ điều này sẽ xoá sạch mọi hoài nghi; kankham nghĩa là hoài nghi. Vitatitva nghĩa là vượt qua. Chúng ta vượt qua hoài nghi. Chúng ta có những hoài nghi nào? Chúng ta nghĩ về “cái tôi” này, “Trong quá khứ có tôi không? Trong tương lai tôi sẽ sinh về đâu?” Nhưng khi đã thấy rõ danh- sắc, tiến trình và nguyên nhân làm cho danh sắc sanh khởi, chúng ta sẽ hiểu được rằng: Cái đang diễn ra trong hiện tại cũng đã diễn ra trong quá khứ và cũng sẽ diễn ra trong tương lai, nếu có đủ nhân duyên cho nó diễn ra, nếu không có nhân duyên nó sẽ không xảy ra.

Khi chúng ta nêu câu hỏi: “Trong quá khứ tôi ở đâu?”, đó là một câu hỏi vô nghĩa. “Liệu tôi sẽ còn quay lại nơi đó nữa không?” Một số người hỏi cái gì xảy ra đối với một vị A la hán sau khi chết?   Nếu chúng ta nêu câu hỏi này với ý niệm về một con người, câu hỏi này là một câu hỏi vô nghĩa. Trong thực tế không có cái gì là “tôi” cả, mà chỉ có những tiến trình. Nếu bạn hiểu cái tiến trình đang diễn ra bây giờ và nhân duyên khiến nó diễn ra như vậy, bạn sẽ biết rằng: Bất kể những gì xảy ra, dù chúng ta gọi một người là đàn ông, đàn bà, mẹ, cha, thế này hay thế nọ, nếu bỏ qua tất cả tên gọi và khái niệm mà chỉ nhìn nó như là những tiến trình, bạn sẽ thấy rằng: Trong quá khứ cũng có tiến trình danh và tiến trình sắc đang sanh diệt, cũng y hệt như cách chúng ta đang sanh diệt bây giờ. Hiểu biết cái hiện tại một cách hoàn toàn sẽ xoá bỏ được hoài nghi về quá khứ và tương lai. Nó cũng xoá bỏ sự hoài nghi: “ Ai là người sáng tạo ra những điều này?” Nó xảy đến không báo trước, không vì một lý do nào cả, không nguyên nhân, hay là có ai đó làm cho tất cả mọi thứ xảy ra? Đây là một vấn đề cũng được làm sáng tỏ, bởi vì chúng ta không biết ai tạo ra nó. Thực ra nó chỉ là nhân quả tự nhiên mà thôi.

Điều này đôi lúc còn tuỳ thuộc vào mức độ hiểu biết của hành giả, nếu được học về Pháp Duyên khởi(paticcasamuppada- thập nhị nhân duyên), hành giả sẽ bắt đầu thấy ra sự thật. Nhưng nếu chưa được học thì cũng không thành vấn đề. Nguyên lý cơ bản của Pháp Duyên khởi là: Bởi vì có nhân này nên có quả này, nếu không có nhân ấy sẽ không có quả ấy. Nhân diệt thì quả diệt. Tóm lược ngắn gọn thì đây chính là 12 nhân duyên. Nếu là người có kiến thức uyên thâm, hành giả sẽ hiểu rằng: Vì có tiếng động, có tai và vì có sự gặp gỡ, hội tụ của âm thanh, tai và tâm thức (thanh trần, nhĩ căn và nhĩ thức) mà có xúc. Vì có xúc nên có thọ (vedana); một thọ lạc hoặc khổ nào đó sẽ xảy ra . Bởi vì có thọ lạc hoặc khổ, tham hoặc sân sẽ sanh khởi. Chúng ta có thể thấy sự thật một cách rất rõ ràng, có thể không nhìn thấy được toàn bộ tổng thể, nhưng chúng ta cũng thấy rõ được một phần của nó. Nếu trước đây chúng ta chưa bao giờ nhìn hoặc nghe thấy cái gì đó và cũng không mong đợi sẽ nhìn hoặc nghe thấy nó, thì tâm tham đối với nó có thể sanh khởi được không? Thậm chí nó là gì bạn còn không biết thì làm sao có tâm tham đối với nó được. Vậy tham sanh khởi như thế nào? Do trước kia bạn đã từng nghe hoặc nhìn thấy nó. Bời vì có sự tiếp xúc nên có thọ (vedana), bởi vì có thọ nên có tham ái (tanha).

Phụ thuộc vào mức độ hiểu biết của hành giả mà trong lúc hành thiền, bất ngờ một tia sáng trí tuệ chợt loé lên trong tâm, rất ngắn và rất nhanh, không hề suy nghĩ, thậm chí có khi đó chỉ là một từ Pali ngắn hoặc một từ tiếng Anh, nếu bạn nói tiếng Anh. Đừng suy nghĩ quá nhiều về những tư tưởng này, cho dù chúng rất sâu sắc và đầy ý nghĩa. Nếu bạn tiếp tục thả theo dòng suy nghĩ, nó sẽ làm gián đoạn chánh niệm và sự quan sát của bạn. Trong quá trình hành thiền, những tư tưởng này sẽ đến lại nhiều lần, hãy quan sát chúng, suy nghĩ… tư duy… tư duy… Tư tưởng nảy sinh trong những lúc này có thể rất mạnh, rất nhiều năng lực, rất sâu sắc, rất rõ ràng và cũng rất khích lệ, vì vậy mà đôi khi chúng ta cứ muốn nói mãi về chúng; không thể ngưng được. Nếu điều đó xảy đến với bạn, điều quan trọng là phải hiểu rằng: Nếu bạn buông mình theo chúng, bạn sẽ bị mất chánh niệm liền. Trong các khoá thiền tích cực hoặc ở nơi nào cũng vậy, nếu bạn thực sự muốn phát triển tuệ giác sâu sắc thì đừng suy nghĩ hoặc nói chuyện về nó, mặc dầu rất khó kiềm chế để không nói hay không nghĩ. Chúng ta đã phát triển những tuệ giác sáng suốt đến vậy và cảm thấy rất hạnh phúc và cảm thấy rất hạnh phúc đến điều đó, cảm thấy rất nhẹ nhõm và vì vậy muốn bạn bè, người thân của mình cũng được như vậy. bạn biết nếu người đó hiểu được, họ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm bời chính bạn đã tự mình cảm nghiệm được trạng thái nhẹ nhõm, buông xả đó.

Gánh nặng của “cái tôi”. Một khi đã thấy rõ danh –sắc, thấy nguyên nhân danh-sắc sanh và diệt, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ nhẹ nhõm. Rất nhiều niềm vui, hạnh phúc, hỷ lạc và đức tin. Bạn đặt lòng tin vào Đức Phật. 

Có người nói với tôi, lần đầu chứng nghiệm điều này, anh cảm thấy rất nhiều hỷ lạc trong mình và ngay lập tức nghĩ đến Đức Phật: “Quả thực, Đức Phật nói rất đúng.” Nhiều người, trong giây phút đó đã cúi xuống đảnh lễ Đức Phật, với lòng kính tín thực sự, một đức tin chân thành đã phát khởi trong tâm. Một người bạn khác cũng là thiền sinh giỏi, khi ngồi thiền và đạt được một tuệ giác sâu sắc đã nói, “ Con thành kính đảnh lễ Đức Phật, người đã thuyết giảng thuyết chánh niệm này.” Một phong cách đảnh lễ rất mới, rất đậm cá tính; không phải vì một lý do nào khác, mà chỉ vì Đức Phật đã thuyết dạy pháp hành chánh niệm này thôi.

Xem mục lục