Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

36. Phép tạo linh ảnh

Tại một ngôi đền nọ có một đám đông người đang tụ tập để nghe lời khai vị của một vị lạt-ma. Tại Tây Tạng, những buổi lễ đó có khi được gọi là “điểm đạo” hay “chân truyền”. Trong buổi lễ đó, người tham dự thường để dưới chân vị đạo sư một tấm khăn trắng, biểu lộ lòng sẵn sàng đón nhậngiáo pháp. Các giới mộ đạo cũng hay mang theo thực phẩm hay các pháp khí nghệ thuật. Người ta tin rằng càng sẵn lòng cho bao nhiêu sẽ đuợc nhận bấy nhiêu. Giữa đám đông có một bà già, tay mang một kilo mỡ trâu. Bà dự định sẽ mang tặng phẩm này dâng cúng và nhận được phước lành của vị Lạt-ma ban phát.

Thông thường thì một buổi lễ chân truyền được chấm dứt bằng một nghi thức, trong đó các vị chủ lễ rờ đầu của mọi người bằng một bình nuớc thánh. Điều đó biểu tượng truyền tri kiến của thầy qua trò. Nhưng hôm nay, số lượng người đến quá đông, đến nỗi Lạt-ma chủ lễ phải đề nghị mọi người tự tạo hình ảnh trong đầu là Lạt-ma đã đặt bình nước trên đầu mình rồi và như vậy là nghi lễ xem như xong. Phép này đuợc gọi là phéo “tạo linh ảnh”và thường được Phật giáo Tây Tạng áp dụng trong lúc hành trì thiền định. Đối với các vị tu sĩ tinh tấn rồi thì thực hành phép này cũng như hành động đó đã thực tế xảy ra, như trong thế giới thật. Thậm chí một số vị tu sĩcó thể vận dụng linh ảnh cho người khác thấy được nghe thấy thực sự.Tất cả các người hiện diện đều nghe lời vị Lạt-ma và tìm cách vận dụng linh ảnh, xem như vị chủ lễ đã rờ đầu mình bằng bình nước thánh và tri kiến của ngài đã chảy qua mình. Bà già nọ cũng thế, nhờ tu tập lâu ngày đã tạo được linh ảnh, đã nhận được trí huệ vượt văn tự và hình thức vào tâm.Sau buổi lễ, các tín đồ lần lượt đi ngang trước vị Lạt-ma. Đến lượt bà già, bà cầm kilo mỡ trâu trước mặt và nói bằng một giọng rất trầm như giọng Lạt-ma: "Và đến phiên ngài, bạch Lạt-ma, ngài hãy tạo linh ảnh trong tâm để nhận kilo mỡ trâu này, mỡ trâu đang nằm trong tay tôi đây”.

Vị Lạt-ma mỉm cười, bà già tươi cười cho mỡ trâu vào túi và lên đường về nhà, lòng tràn đầy hỉ lạc.

37. Lạt-ma tái sinh

Khoảng một trăm năm sau khi Dodrup Chen thứ nhất thiết lập thư viện mang tên ngài tại Golok thì người ta khám phá ra một đứa trẻ lên bốn, có rất nhiếu dấu hiệu là Dodrup Chen tái sinh. Các Lạt-ma cao cấp cho mang đứa trẻ vào tu viện, đặt lên ngai, xem là vị đạo sư cao cấp nhất. Đồng thời các vị cũng chuẩn bị một buổi lễ ra mắt.

Trong buổi lễ, mới đầu cậu bé tròn mắt nhìn xung quanh, vì toàn bộ các vị chức sắc đều mang lễ phục sặc sỡ và tỏ vẻ hết sức cung kính với mình. Trước cặp mắt ngưỡng mộ của mọi người, bỗng nhiên cậu đứng lên ngai và niệm câu thần chú gọi Guru Rinpoche (đại đạo sư) với một giọng trẻ con. Sau đó cậu bắt đầu múa, vận  dụng mọi ấn quyết của Mật tông. Khi thấy các vị Lạt-ma đứng hàng đầu nhìn mình bằng cặp mắt hâm mộ, cậu bỗng sụp mi mắt xuống và ngồi xuống ngai một cách lúng túng. Các vị Lạt-ma vui mừng hết sức vì chưa bao giờ cậu bé đã tiết lộ cho ai nghe bảy câu kinh bí mật để gọi Guru Rinpoche, đồng thời không ai còn nghi ngờ gì nữa, đây là một vị tái sinh của một Lạt-ma đắc đạo. Theo thứ tự, các vị nghiêng mình ba lần sát đất trước mặt cậu bé, để dưới chân cậu nhang đèn, khăn trắng và tặng phẩm khác. Sau đó người ta đưa cậu bé đi suốt trong viện. Nhằm thử xem cậu nhớ lại đến đâu, người ta chỉ để Dodrup Chen là người đầu tiên thành lập ngôi tu viện, sau đó có hai vị viện trưởng khác, cũng là các vị đắc đạo, đến rồi đi. Người ta muốn thử xem, liệu cậu bé chính là Dodrup Chen chăng. Nửa chừng cả đoàn người đến một toà nhà nằm ngay giữa tu viện, một ngôi đền thâm nghiêm được che bởi các năng lực siêu nhiên. Giữa chính điện luôn luôn có một Tăng sĩ chuyên đọc tụng các kinh sách truyền lại và tay luôn luôn gõ trống. Đến điện cậu bé bốn tuổi đi thẳng vào đèn và thân mật ngồi bên cạnh vị Tăng đó. Mọi ngưòi đứng lại chen chúc nhìn xem từng hành động của cậu bé. Cậu bé chưa biết đọc, biết viết, tay cầm một cuốn sách tụng niệm, lật từ trang này qua trang khác, dường như kiếm một điều gì.

Tiếng ồn ào ngưng bặt và tiếng trống cũng dừng vì bỗng nhiên cậu bé cất tiếng đọc mật chú từ trong sách đó, mật chú chuyên gọi thần bảo hộ do Dodrup Chen soạn cách đó khoảng trăm năm. Đặc biệt cậu bé bỏ không đọc vài đoạn của mật chú phức tạp này.Tất cả mọi người đều vui mừng: như thế tu viện đã tìm lại được người sáng lập của mình rồi. Nhưng người vui mừng nhất là bậc trưởng lão trong giới Lạt-ma. Ngài nhớ lại rằng, trong một lần xét lại mật chú, Dodrup Chen đã cho rằng có một dòng là dư thừa và chính dòng đó đã bị cậu bé bỏ qua không đọc.

Không ai ngạc nhiên là về sau Dodrup Chen, đạo sư thứ tư của tu viện Golok rất sớm nổi danh vì cậu bé có khả năng lạ thường như đọc tâm ý người khác, tiên tri và mọi thứ thần thông khác. Các vị Lạt-ma cũng để cho cậu thực hành các thứ đó. Nhưng với số tuổi ngày càng lớn, con người đắc đạo đó không còn thích biểu diễn các phép thần thông và vì thế ngày càng giảm chuyện đó đi.

38. Drukpa Kunley ban phép cho một bức tranh

Tại Tây Tạng, khi hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật người ta thường nhờ một vị Lạt-ma dùng gạo ban phép lành và điểm đạo cho bức tranh.

Ngày nọ, có một bà già tay cầm một bức tranh thanka,lên đưòng đến một tu viện, xin gặp vị viện chủ để ngài ban pháp cho. Bức tranh trình bày thần bảo hộ Sri Heruka và được cuốn tròn cho dễ cầm tay.Tu viện nằm trên một ngọn đồi. Bà vừa đi vừa nghĩ, viện trưởng là một vị đạo cao chức trọng, còn em của ngài là Drukpa Kunley lại là một Tăng sĩ phiêu bạt, thì lại không được như thế. Vị này sống không nhà, nhưng không xa tu viện. Vừa nghĩ tới đó thì Drukpa Kunley xuất hiện như một bóng ma từ sau một tảng đá và đứng trước mặt bà.Drukpa Kunley nói giọng lễ phép, đó là điều bất ngờ đối với bà, hỏi bà muốn lên tu viện làm gì. “Trên đó ông anh tôi ngồi như một lãnh chúa với đám tùy tùng”, ông nói, “ngoài ra chẳng có gì đáng coi trọng cả”.

Ai cũng biết thái độ của Drukpa Kunley đối vói các định chế tôn giáo rồi, bà già cũng thế. Bà ngần ngừ, nhưng trước sức mạnh tự nhiên của Drukpa Kunley bà không cưỡng nổi, nói rõ mục đích của mình, mở bức tranh vẽ Sri Heruka cho xem.“Cái bức tranh này mà bà muốn ban phép à?”, Drukpa Kunlay hỏi giọng ngớ ngẩn.

“Tất nhiên rồi”. Bà định nói thêm thì không ngờ người tu sĩ nọ thình lình cởi quần ra tiểu tiện vào đó. “Đây, một người như ta thì ban phép cho mọi thứ tranh ảnh thế này đây”. Nói xong, Drukpa Kunley quay người đi mất. Bà già hoảng hồn cuốn bức tranh quý giá lại và chạy lên núi. Bà tìm gặp ngay viện trưởng và hổn hển kể lại hành đông kimh khủng của ông em. Viện trưởng cười lớn. Ngài không thể giúp gì được. Ngài biết cái tôi khác của ngài, thể hiện trong dạng của ông em khác đời. Ngài biết rõ đứa em phải làm thế, không thể làm khác.

“Hãy mở bức tranh ra”, ngài nói giọng êm dịu. Bà già nghe lời một cách miễn cưỡng. Và xem kìa, mặt bức tranh được tô bằng một lớp bụi vàng lóng lánh.“Sri Heruka đã tự mình ban phép cho bức tranh”, viện trưởng nói. “Bà không cần tôi nữa đâu”.

Bà già xuống núi, lòng còn chút phân vân. Cuối cùng bà treo bức tranh dát vàng lên trên bàn thờ trong nhà và về sau bức tranh được dân làng tôn thờ như một pháp khí.

Xem mục lục