Trước khi đi vào sự thực hành chính về Sáu Yoga, vài sơ bộ cần có. Đó là những thiền định căn bản về sự vô thường của cuộc đời, về những khổ đau của sanh tử, về sự khó khăn có được một tái sanh thuận lợi để thực hành Pháp, về sự cương quyết từ bỏ cuộc đời này, về lòng tốt và bi mẫn với tất cả chúng sanh, và Bồ đề tâm vô lượng – cái Thấy lớn và Nguyện lớn để đem mọi chúng sanh đến trạng thái Phật tánh. Chỉ qua những thực hành này mà nền tảng của Pháp mới được xây dựng. Rồi hành giả tiếp tục thực hành những sơ bộ Mật thừa như sau :
Để tịnh hóa những chấp thủ và đặt một nền móng vững chắc cho sự thực hành cao cấp Sáu Yoga, người đệ tử trước hết cần có bốn Quán Đảnh về Demchog,(4) và thực hành Yoga Phát Sanh cho đến khi đạt đến một mức độ thực sự vững chắc. Để chiến thắng sự trì trệ và lười biếng, người ấy phải tham thiền thêm nữa về cái chết ; để vượt qua những chướng ngại của mình, nó cần cầu nguyện chư Phật và phát Bồ đề tâm ; để chuẩn bị đủ lương thực cho Con Đường Pháp, nó phải bố thí và dâng cúng Mạn đà la ; để tự tịnh hóa khỏi tội lỗi và vi phạm, nó phải sám hối và trì tụng Thần Chú Vajrasattva ; để được những ân phước, nó phải thực hành Guru Yoga. Mỗi sự thực hành sơ bộ này có thể được tiến hành trong năm đến bảy ngày liên tiếp. Những lời chỉ dạy và những nghi thức về chúng có thể tìm được ở các nguồn khác.
Sự thực hành chính về Sáu Yoga được nêu ra như sau :
1. Chỉ dạy về Nội Nhiệt, hay Tumo Yoga – Nền Tảng của Con Đường.
2. Chỉ dạy về Yoga Thân Huyễn – sự Nương Dựa của Con Đường.
3. Chỉ dạy về Yoga Giấc Mộng – Tiêu Chuẩn So Sánh của Con Đường.
4. Chỉ dạy về Yoga Ánh Sáng* – Tinh Túy của Con Đường.
5. Chỉ dạy về Yoga Trung Ấm – cái được gặp trên Con Đường.
6. Chỉ dạy về Yoga Chuyển Di – Cốt Lõi của Con Đường.
(* Ánh Sáng trong sách này là chữ Tịnh Quang (Clear Light) được dịch trong các cuốn sách khác của NXB. Thiện Tri Thức.)