Vào lúc chết, khi Ánh Sáng Con và Mẹ hòa tan vào nhau, mọi nhiễm ô vi tế của tư tưởng phân biệt sẽ lắng dứt. Vào thời điểm này một thiền giả cao cấp đã làm chủ cả hai giai đoạn Phát Sanh và Thành Tựu có thể đạt đến Phật quả trọn vẹn cùng với những công đức của nó. Người bậc kha khá nhưng có thể thực hành Đại Ấn huy hoàng suốt ngày và đêm, cũng có thể nắm giữ Ánh Sáng của Cái Chết ; và rồi những thị kiến của Trung ấm xuất hiện, có thể sử dụng chúng để chứng ngộ tăng thêm…
Một số người cho rằng dù ít công đức và ít chuẩn bị, vẫn có thể chứng ngộ Pháp thân vào lúc chết, và Báo thân, Hóa thân trong trạng thái Trung ấm. Điều này là không có căn cứ và trái với kinh điển. Những người chủ trương như vậy không hiểu rằng nắm giữ được Ánh Sáng (hay Tịnh Quang) dù chỉ thời gian ngắn là cực kỳ khó khăn và giữ được không rối bời trước những thị kiến khủng khiếp hoảng loạn của Trung ấm lại dùng chúng như một phương tiện để thâm nhập thêm là còn khó khăn hơn nữa. Điều này được minh chứng rõ ràng bằng sự kiện là dù chúng ta đang còn sống cũng rất khó khăn để nhận ra Ánh Sáng của Giấc Ngủ và Ánh Sáng của Giấc Mộng ngay đây và bây giờ. Thậm chí chúng ta có thể nhận ra Ánh Sáng và những giấc mộng, chúng ta không thể giữ vững chúng, cũng không thể làm chủ và chuyển hóa những giấc mộng như chúng ta muốn… Nhưng sự phê bình này không bao hàm ý bác bỏ rằng những người chuẩn bị và thực hành suốt đời sống của họ sẽ nhờ đó mà lợi lạc khi chết và trong Trung ấm.
Mọi biểu lộ của thế giới này thật ra là những biểu hiện của Trung ấm, và tất cả hiện hữu của sanh tử đều là những biểu hiện của Trung ấm. Thời gian giữa sanh và tử được gọi là “Trung ấm của Đời Sống và Cái Chết”. Từ khi rơi vào giấc ngủ đến khi thức dậy là “Trung ấm của Giấc Mộng”. Từ chết đến tái sanh là “Trung ấm sau khi chết”. Trong ba Trung ấm này, Yoga Tumo và Yoga Thân Huyễn áp dụng cho “Trung ấm của Đời Sống và Cái Chết” ; Yoga Ánh Sáng và Yoga Giấc Mộng áp dụng cho “Trung ấm của Giấc Ngủ” và Yoga của Trung ấm và Yoga của Chuyển Di áp dụng cho “Trung ấm sau khi chết”.
Trong cả trạng thái thức và trạng thái ngủ, người ta cần nghĩ rằng mọi cái nó thấy, nghe, xúc chạm đều ở trong trạng thái Trung ấm. Nó cần biết rằng sự thực hành liên tục và lập lại giáo huấn này là một chuẩn bị tuyệt hảo cho Trung ấm.
Nhiều bậc thầy đã nói, “Khi thực hành Yoga Trung ấm người ta chớ quên những giáo huấn dù chỉ một giây, dù nếu có bảy con chó dữ rượt đuổi. Khi thời chết đến gần, người ấy nên cúng dường tài sản, và những sở hữu của mình cho Tam Bảo, làm từ thiện bố thí không tiếc rẻ, cắt đứt mọi bám luyến, tuân thủ chặt chẽ những giới luật Samaya, và sám hối mọi vi phạm và những hành vi tội lỗi… Nó cũng cần vị thầy hay Phật quán đảnh lại để tái lập giới luật Samaya nếu nó đã làm hư hoại chúng. Nó cần thành tâm cầu nguyện Thầy và Phật Bổn Tôn hộ trì cho để giữ được Ánh Sáng của Cái Chết và Thân Huyễn trong Trung ấm, và nương dựa vào những bạn đạo để nhắc cho nó những giáo huấn ở nơi giường chết.”
Thiền giả cao cấp nhất vào lúc chết cần thực hành Yoga Tan Vào, và tập trung vào Tinh Túy Tự-Sáng Tỏ để hòa lẫn nó vào Ánh Sáng của Cái Chết ; rồi từ Ánh Sáng này nó cần cố gắng đề khởi Báo thân và Hóa thân toàn hảo làm bằng Tâm-Khí.
Những thiền giả rất cao cấp đã đạt đến giai đoạn thứ Tư của Đại Ấn chắc chắn có thể hòa lẫn Ánh Sáng Mẹ và Con vào lúc chết. Bấy giờ tất cả những trói buộc của thân nghiệp báo, của những biểu lộ và của tâm, sẽ bị cắt đứt và mọi công đức của Phật quả sẽ được trọn vẹn. Tâm của họ sẽ thành Pháp thân, thân của họ thành Thân của Trí Huệ và cõi nước của họ là Cõi Nước của Toàn Thiện và Thanh Tịnh.
Những thiền giả khá cao cấp cũng cần thực hành như thiền giả cao cấp nhất. Nếu họ có thể thành công, họ sẽ bỏ qua giai đoạn Trung ấm và đạt đến một Địa cao hơn trong con đường. Nếu không, họ cần nhiệt thành cầu nguyện được sanh vào cõi Tịnh Độ của Phật, và áp dụng giáo lý của Yoga Chuyển Di…
Những thiền giả kém, không thể nắm giữ Ánh Sáng của Cái Chết và Thân Huyễn, cần cố gắng cảnh tỉnh chánh niệm của mình và với cái hiểu xác định và sự tin tưởng không thể lay chuyển, cần áp dụng những giáo huấn để đối mặt với cái chết và Trung ấm. Người không thể dùng cơ hội của cái chết và Trung ấm để đạt giải thoát sẽ bị nghiệp bó buộc, tái sanh lần nữa trong sanh tử. Để ngăn ngừa điều này, những giáo huấn sau cần được áp dụng :
Khi người ở trong Trung ấm đến một nơi chốn hấp dẫn với nó, nó cần quán tưởng nơi chốn đó là Mạn đà la của Phật Bổn Tôn của mình. Khi ái dục và giận ghét sanh khởi vì thấy sự giao hợp của nam và nữ, nó cần tự cảnh giác và nghĩ rằng đây là quán đảnh thứ ba của các vị Phật Cha và Mẹ. Nó nên nhận biết kinh nghiệm Lạc-Không, và quan sát cả tham và sân đều như huyễn và trống không.
Bằng cách chú trọng cái thấy tánh Không như vậy, nó có thể tự giải thoát vĩnh viễn khỏi sanh tử. Nếu người trong Trung ấm có thể làm điều này thành công và trốn thoát tái sanh trong bảy ngày đầu, nó sẽ không khó khăn làm được việc đó trong những ngày sau. Nó sẽ sanh được vào Tịnh độ của Phật Bổn Tôn và hoàn thành con đường.
Nếu người trong Trung ấm muốn sanh về cõi Tịnh độ của Phật, nó cần khai triển một mong muốn mạnh mẽ được sanh về đó. Đây là điều quan trọng cốt tử. Bấy giờ nó áp dụng giáo huấn Yoga Chuyển Di, và trong một tích tắc sẽ sanh vào Tịnh độ…
Lợi lạc của Yoga Trung ấm có thể tóm tắt như vầy :
(1) Pháp thân có thể chứng ngộ vào lúc chết,
(2) Báo thân khi ở trong Trung ấm, và
(3) Hóa thân vào lúc tái sanh.
Đây cũng gọi là Con Đường dẫn đến sự thành tựu Ba Thân của Phật.