Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

Sự chứng ngộ của đạo sư Liên Hoa Sanh xứ Uddiyana thì đồng đẳng với của chư Phật và thân ngài vượt khỏi sống chết. Chính với hóa thân này mà Tsogyal, Công chúa của Kharchen, đặt câu hỏi: Xin nói cho con, cái gì là đường phân chia giữa chư Phật và chúng sanh?

Đạo sư trả lời: Tsogyal, cái chúng ta gọi là Phật (sang-gye) ám chỉ sự hoàn thiện (gye) của trí huệ và lòng bi sau khi vô minh (không biết) được xóa tan (sang). Một chúng sanh bởi vì không chứng ngộ rằng vô minh là vô minh. Thế nên sự khác biệt nằm ở chỗ biết hay không biết. Khi áp dụng điều này vào dòng hiện sinh của con, hãy nhìn vào tâm suy nghĩ của con và thấy rằng tâm ấy là trống không và không có bất kỳ đặc tính tướng trạng nào. Thấy và chứng ngộ rằng tư tưởng là tự phô diễn và tự tiêu tan là điểm trọng yếu để tịnh hóa một cách tự nhiên một chúng sanh thành một vị Phật. Tsogyal, lời dạy quan trọng nhất này, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa: Cái gì là đường phân chia giữa sanh tử và niết bàn?

Đạo sư trả lời: Sanh tử, “xoay vòng”, là quay tròn từ một chỗ đến chỗ khác. Niết bàn là cắt đứt sự xoay vòng này. Khi áp dụng điều này vào dòng hiện sinh của con, hãy thấy rằng trạng thái căn bản của tâm con là một tự hiện hữu không bao giờ sanh khởi(1) và không bị ô nhiễm bởi những khuyết điểm của tính vật chất. Khi con thấy điều này, bấy giờ không có chỗ nào để xoay vòng. Sanh tử được xóa sạch, thanh tịnh từ ban đầu, được gọi là niết bàn. Đây là điểm trọng yếu của tịnh hóa tự nhiên sanh tử thành niết bàn. Tsogyal, lời dạy quan trọng này, ta ban cho con.

Đức Bà hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa không biết và biết?

Đạo sư trả lời: Không biết (marigpa) là không biết bản chất chính yếu của tâm. Biết (rigpa) là thấy bản chất căn bản này của tâm(2)  . Khi áp dụng điều này cho dòng hiện sinh của con, hãy nhìn vào trạng thái tự nhiên này, bản chất căn bản của tâm con là sáng tỏ, tĩnh lặng, và tỉnh thức sống động. Đơn giản chỉ nhìn thấy tâm trong cách này là điểm trọng yếu để xóa sạch không biết một cách tự nhiên. Tsogyal, lời dạy quan trọng này, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa tâm và tinh túy – tâm?

Đạo sư trả lời: Tâm (sem) là suy nghĩ định thành hình tướng. Tinh túy – tâm (semnyi) thì thoát khỏi suy nghĩ và việc làm của thức. Khi kinh nghiệm tinh túy này là dòng hiện sinh của con, hãy cắt đứt hoạt động tư tưởng của tâm con và để cho nó như vậy, không thiết kế giả tạo và như nó là một cách tự nhiên. Trạng thái thức tỉnh sống động và tịch lặng này, thoát khỏi mọi việc làm của thức, là điểm thiết yếu để xóa sạch chính cái tâm một cách tự nhiên. Tsogyal, lời dạy quan trọng nhất này, ta ban cho con.

Đức Bà hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa nền tảng tất cả và thức nền tảng tất cả?

Đạo sư trả lời: Trong nền tảng tất cả (kunzhi), tất cả ám chỉ những tư tưởng chuyển động và khái niệm hóa, trong khi nền tảng là cái biết căn bản hòa trộn với pháp thân và bởi thế là một cái chứa đựng những khuynh hướng thói quen tốt và xấu. Thức nền tảng tất cả (kunzhi namshey) là tâm khởi từ nền tảng tất cả và sanh ra như suy nghĩ. Khi áp dụng điều này vào kinh nghiệm của con, hãy để cho trạng thái tự nhiên không thiết kế, bản tánh căn bản và chân thật của con, không bị quấy nhiễu bởi suy nghĩ, mà ở yên lặng, tự do với tư tưởng và tỉnh thức sống động. Hãy nhận ra cái đấy là trạng thái tự nhiên trong nền tảng tất cả, thức, và bản tánh căn bản của những sự vật. Thế nên đây là điểm trọng yếu để tiêu tan tự nhiên vào pháp thân. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa tâm và thức tâm?

Đạo sư trả lời: Tâm (yid) là căn cứ cho suy nghĩ, trong khi thức tâm (yidkyi namshey) là mọi hoạt động tư tưởng có thể có, và khí đặt nó vào chuyển động. Khi áp dụng điều này vào dòng hiện sinh của con một cách thực nghiệm, chớ bị kích động bởi khí đốt cháy cảm xúc, mà hãy để tâm yên không suy nghĩ và không bị vướng mắc vào bất kỳ hình tướng gì, như ngọn lửa của một ngọn đèn sáp không lay động bởi gió. Hãy tỉnh giác mà không tạo ra những khái niệm. Đây là điểm trọng yếu để làm tiêu tan một cách tự nhiên tâm và thức tâm vào bản tánh sáng rỡ của pháp tánh. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa cái tối hậu và cái tương đối?

Đạo sư trả lời: Cái tối hậu thì siêu vượt lãnh vực của tâm khái niệm. Cái tương đối là cái kinh nghiệm một cách buông lung, và tính cách của nó là trạng thái mê lầm bất kỳ nào của tâm. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, khi con nhìn vào cái tương đối, con thấy rằng cái tương đối không dựa vào lãnh vực nào của tâm khái niệm, mà hơn nữa, là trống không khi đang kinh nghiệm và không được tạo thành bằng cái gì cả. Đây là điểm trọng yếu để tiêu tan tự nhiên cái tương đối vào cái tuyệt đối. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa bờ bên này và bờ bên kia?

Đạo sư trả lời: Chữ bờ bên này ám chỉ những hiện tượng sanh tử, bờ bên kia là cái vượt khỏi sanh tử. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, hãy nhìn vào tâm suy nghĩ bình thường thuộc về bờ bên này, và nơi đó thấy rằng nó hoàn toàn là không chất thể, một cái biết không thể nắm lấy. Đây được gọi là đến bờ bên kia (ba la mật) và là điểm trọng yếu để làm tiêu tan bờ này vào ‘đến bờ kia’. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa hôn trầm và tỉnh thức?

Đạo sư trả lời: Hôn trầm là không hiểu cái gì cả, bởi vì một tấm màn dày đặc của thức. Tỉnh thức là thấy một cách sống động trạng thái tự nhiên, bổn nguyên như nó là. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, hãy nhìn vào chính cái tâm không biết, không hiểu này – không hỏi tâm có hiểu hay không – và do đó thấy rằng nó không nhờ vào bất cứ hình tướng, đặc tính nào mà là sáng ngời không che tối. Đây là điểm trọng yếu để làm tiêu tan tự nhiên hôn trầm. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa thương và ghét?

Đạo sư trả lời: Ghét là không thích một vật gì; thương là thích một vật khác. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, hãy nhìn vào đối tượng gây ra ghét và thấy rằng nó trống không, không có đặc tính vào cả. Hãy nhìn vào đối tượng gây nên lòng bi và thấy rằng nó cũng trống không và không có đặc tính gì hết. Kẻ thù con ghét là tâm, và bạn yêu mến cũng là tâm. Hiểu biết rằng tâm thì trống không và không được tạo thành từ cái gì cả là điểm trọng yếu để tiêu tan tự nhiên thương và ghét. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là sự khác biệt giữa tham muốn và thích thú?

Đạo sư trả lời: Tham muốn là bị dính mắc vào và khao khát vật gì. Thích thú là khi niềm vui được sanh ra trong tâm. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm với dòng hiện sinh của con, hãy nhìn vào tâm cảm thấy tham muốn và thấy rằng thích thú khi nhìn một đối tượng hấp dẫn hay một ít tài sản chỉ là một kinh nghiệm thích thú. Tham muốn và thích thú cả hai đều là tâm. Bởi vì tâm này không làm bằng cái gì cả, đó là điểm trọng yếu để tiêu tan tự nhiên tham muốn và thích thú. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa mình và người khác?

Đạo sư trả lời: Mình là một bám chấp hiển nhiên; người khác là một phân biệt thiên vị. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, hãy nhìn vào cái ta và thấy rằng nó không làm bằng một cái ta mà con có thể bám lấy. Hãy nhìn vào người khác và thấy rằng nó không làm bằng một phạm trù một phía mà con có thể bám nắm. Cả ta và người đều là tâm. Phẩm tính trống không này của tâm là điểm then chốt để tiêu tan tự nhiên ta và người mà không có phân chia. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa đau khổ và sung sướng?

Đạo sư trả lời: Đau khổ là sự không thoải mái của tâm, trong khi sung sướng là sự thoải mái của tâm. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, hãy nhìn vào trạng thái đau khổ không thoải mái và thấy rằng nó không làm bằng một chất cụ thể nào mà chỉ là tâm. Tâm là trống không, và phẩm tính trống không này là một trạng thái thoải mái – đây là điều trọng yếu của sự biến đổi đau khổ thành thoải mái. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa hành động tốt và tai hại?

Đạo sư trả lời: Tốt là hành động lành mạnh, trong khi xấu là hành động đem lại quả báo không lành mạnh. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, mọi hành động nghiệp và quả báo của chúng là một trong trạng thái giác ngộ của tâm, và tâm này, từ ban sơ, không bị nhiễm ô bởi những đức hạnh của hành động tốt hay những khuyết điểm của hành động xấu. Bởi vì tâm trống không này không tích tập nghiệp báo, đây là điểm trọng yếu để chuyển những hành động tai hại thành tốt đẹp. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa tâm của chư Phật và tâm của chúng sanh?

Đạo sư trả lời: Tâm Phật không bao giờ chuyển lìa khỏi bản tánh tinh túy, trong khi tâm chúng sanh thì chuyển động. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm, hãy để cho tâm chúng sanh này với những chuyển động tư tưởng của nó không thiết kế giả tạo, căn cứ của nó không tạo bằng bản sắc nào hết. Đó là tâm tự nhiên, bổn nguyên, trạng thái của tự hiện hữu vĩ đại, và được biết như là an trụ trong tâm Phật. Đây là điểm trọng yếu để tiêu tan tâm một chúng sanh vào tâm Phật. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa chư thiên và ma quỷ?

Đạo sư trả lời: Một vị trời là chúng sanh đã từ bỏ mọi ý xấu; một ma quỷ là chúng sanh còn giữ ý xấu. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, tri giác về chư thiên và ma quỷ là bản thân tâm suy nghĩ của con. Hãy nhìn thẳng vào chính sự suy nghĩ này và thấy rằng nó không có đặc tính cụ thể nào mà rỗng không. Vào khoảnh khắc ấy, ý tưởng về chư thiên và quỷ bị cắt đứt; do đó đây là điểm trọng yếu của sự tan biến tự nhiên chư thiên và ma quỷ. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa một kẻ thù và con của mình?

Đạo sư trả lời: Một kẻ thù là người được thấy là đối nghịch, trong khi một đứa con là người yêu quí. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, hãy nhìn bên phải của con và thấy kẻ thù; hãy nhìn bên trái và thấy đứa con của con; hãy nhìn vào tâm con và thấy chính cái tâm này thấy người nào đó như là kẻ thù và cũng chính cái tâm này thấy người nào đó như là con mình. Hãy nhìn vào tri giác nhị nguyên này và thấy rằng nó không có căn cứ nào hay chất thể cụ thể nào. Bản thân tính không có chất thể là điểm trọng yếu để làm tiêu tan tự nhiên ý niệm kẻ thù. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa giá trị và không giá trị?

Đạo sư trả lời: Giá trị là cái gì được xem với sự cần thiết và bám luyến; không giá trị là không đưa vào đó sự cần thiết và bám luyến. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, hãy nhìn bên phải và thấy vàng; nhìn bên trái và thấy phân bẩn. Sự bám luyến vào vàng và ác cảm với dơ bẩn cả hai đều ở trong tâm con. Vàng và phân đều bình đẳng bởi vì tâm này vốn trống không và không có chất thể cụ thể. Đây là điểm trọng yếu để thấu hiểu vàng và đồ dơ là không khác. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa người tri giác và cái được tri giác?

Đạo sư trả lời: Cái được tri giác là nhìn những đối tượng vật chất bên ngoài là thật; người tri giác là hiểu lầm tâm bên trong là thật. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, hãy nhìn vào những đối tượng được tri giác bên ngoài và thấu hiểu những hình tướng là trống không trong bản thân chúng. Hãy nhìn vào tâm bên trong đang tri giác và thấy rằng tâm là không sờ nắm được và trống không. Thấu hiểu điều này là điểm trọng yếu để chứng ngộ rằng người tri giác và cái được tri giác thì không thể tách biệt như một xuất hiện trống không. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa chấp nhận và chối bỏ?

Đạo sư trả lời: Chấp nhận là ôm lấy mà không chối bỏ; chối bỏ là xa lánh. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, hãy biết rằng khổ đau của sanh tử là tâm nhị nguyên. Hãy hiểu sự vô nghĩa của nó, và thoát khỏi những thúc dục chạy theo thế gian. Bằng cách xoay tâm con khỏi sanh tử, con được vào chỗ không cần cái gì cả. Như vậy, chứng ngộ sự vắng mặt của cái gì để chấp nhận hay chối bỏ là điểm trọng yếu làm tiêu tan tự nhiên sự chấp nhận hay chối bỏ. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa suy nghĩ và không tư tưởng?

Đạo sư trả lời: Suy nghĩ là ngẫm nghĩ và cân nhắc. Không tư tưởng là sự vắng mặt hoạt động của tâm thức, an trụ khiến những chuyển động tư tưởng tan biến. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, bất kể loại tư tưởng nào sanh khởi, không chối bỏ cũng không sửa chữa nó. Thay vào đó, hãy để nó trong sáng tự nhiên, không tạo tác. Vì nó không có bản sắc đặc tính nào cụ thể, không dấu vết nào để lại sau. Điều này được gọi là đem suy nghĩ đến điểm trọng yếu của không tư tưởng. Tsogyal, lời dạy này là rất quan trọng, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa tích tập công đức như là nguyên nhân và tích tập trí huệ như là hậu quả?

Đạo sư trả lời: Nguyên nhân – sự tích tập công đức – ám chỉ giai đoạn phát triển, tụng và xướng, lễ bái và cúng dường torma, bố thí, giữ giới, nhẫn, tinh tấn và vân vân. Hậu quả – sự tích tập trí huệ – ám chỉ những tu hành chỉ và quán trong bản tánh căn bản của tánh Không. Bất kể con tu cái gì, điểm trọng yếu của hoàn thiện công đức như là hậu quả trí huệ là đóng dấu nó với sự vắng mặt hoàn toàn của sự khái niệm hóa người làm và việc làm. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa shamatha và vipashyana (chỉ và quán)?

Đạo sư trả lời: Shamatha là khi hoạt động tư tưởng lắng xuống hoàn toàn và sự chú ý của con ở yên bất động; vipashyana là khi con thấy một cách rõ ràng bản tánh của pháp tánh tất cả một lần. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, sau khi con đã an định vào bản tánh bình đẳng của pháp tánh, con kinh nghiệm rõ ràng tánh Không, bản tánh của những sự vật, trong bất kỳ cái gì con thấy và con nghĩ – đây gọi là điểm trọng yếu chứng ngộ shamatha và vipashyana không hai. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là sự khác biệt giữa phương tiện và trí huệ?

Đạo sư trả lời: Phương tiện thiện xảo là khéo léo và nhận thức rõ ràng, trong khi trí huệ là biết và thấy thực tại. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, bản tánh vô sanh của tâm con – tánh Không không có bất kỳ đặc tính nào – được nhận thức rõ bằng cách dùng những phương tiện thiện xảo, trong khi nó được biết và thấy bằng trí huệ. Đây là điểm trọng yếu để chứng ngộ tánh Không vô sanh và trí huệ biết pháp tánh là không thể phân chia. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa ngồi thiền và hậu thiền định?

Đạo sư trả lời: Ngồi thiền là an định thân, ngữ, và tâm con trong sự bình lặng, để làm yên tĩnh sự chú ý thường động của con và làm vững chắc sự yên tĩnh này. Hậu thiền định là, sau khi đứng dậy từ ngồi thiền, sử dụng nguyên lý trên và nâng cấp nó. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, trong khi ngồi thiền con tu hành mọi sự thoát khỏi những dựng lập tạo tác giống như không gian. Cho cái hiểu tiếp theo trong bốn loại hoạt động hàng ngày, con tu hành những hình tướng vượt khỏi những dựng lập tạo tác của tư tưởng. Điều này được biết là điểm trọng yếu để chứng ngộ sự không hai của ngồi thiền và hậu thiền định. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa không gian và tánh giác?

Đạo sư trả lời: Không gian là bản tánh của tâm, tinh túy thanh tịnh của pháp tánh được phát hiện trong chiều sâu của nó. Tánh giác là sự biết rằng không gian này ở trong con. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, bản tánh của tâm – pháp tánh không dựa vào thứ gì vật chất – thì thanh tịnh và không thể dò. Thấy pháp thân này nhờ tánh giác tự biết là pháp tánh phát hiện trong chiều sâu của nó. An trụ trong sự tương tục của nó thì được biết là đưa không gian và tánh giác đến điểm trọng yếu chứng ngộ tính không thể phân chia. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa các pháp và pháp tánh?

Đạo sư trả lời: Các pháp là tất cả những hiện tượng tốt, xấu, và trung tính – mọi sự có thể được diễn tả và chỉ ra theo cách này. Pháp tánh nghĩa là chúng đều trống không trong tinh túy, trống không trong bản tánh, và trống không các tính cách. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, pháp tánh là chứng ngộ rằng mọi hiện tượng sanh khởi từ tâm trống không này. Điều này là điểm trọng yếu để chứng ngộ sự không hai của các pháp và pháp tánh. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa cái thấy và người thấy?

Đạo sư trả lời: Cái thấy là tâm Phật không méo mó; người thấy là tâm của một chúng sanh. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, cái thấy thì không ở đâu khác. Cái thấy là rộng khắp bao la không thiên lệch, không có trung tâm và biên bờ, thế nên hãy để cho tinh túy tâm con không bị tạo lập. Khi tâm con nhìn vào đó, chớ nhìn nó như là khác, mà như vốn hiện diện trong con. Đó là chứng ngộ điểm trọng yếu của tính không hai của cái được thấy và người thấy. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa thiền định và người tham thiền?

Đạo sư trả lời: Thiền định là tự đặt mình vào trạng thái tự nhiên, không tạo lập của pháp tánh vô niệm; người thiền định là tâm thiền giả. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, hãy thư giãn thân tâm vào trạng thái không tạo lập của tinh túy tâm bình thường của con, và hãy ở yên trong trạng thái tự biết, tự hiện hữu không bị hư hỏng bởi những tư tưởng. Bởi vì không có người tu hành tách biệt với trạng thái này, nó được biết là điểm trọng yếu để chứng ngộ người thiền định và thiền định là không thể phân chia. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa hạnh và áp dụng?

Đạo sư trả lời: Hạnh là bất cứ cái gì con làm; áp dụng là dùng mọi hành động của con để thúc đẩy sự thực hành của con. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, hãy bao gồm bất cứ gì con làm – đi, chuyển động, nằm, ngồi và vân vân – với sự canh giữ của chánh niệm. Chớ để bị giam cầm trong thói quen. Hãy bao gồm hạnh của con và sự áp dụng của nó vào pháp tánh. Điều này được biết là điểm trọng yếu để chứng ngộ hạnh và áp dụng là không thể phân chia. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa quả đắc và người đắc?

Đạo sư trả lời: Quả đắc là ba thân; người đắc là tâm nhắm đến chứng ngộ chúng. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, ba thân không ở đâu khác. Bản tánh của tâm và bản tánh của những sự vật là trống không và không thể phân chia là pháp thân. Kinh nghiệm cái này như cái biết không giới hạn là báo thân. Trò chơi của tánh giác biểu lộ trong vô số cách là hóa thân. Hãy nhận biết rằng quả đắc đang hiện diện trong con hơn là cái gì được hoàn thành ở đâu khác. Điều ấy được biết là điểm trọng yếu để chứng ngộ quả như hiện diện trong con ngay giờ đây và không phải là một đối tượng để đắc. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Đức Bà Tsogyal hỏi đạo sư Liên Hoa Sanh: Cái gì là đường phân chia giữa những giới nguyện (samaya) cần tuân thủ và sự tuân thủ chúng?

Đạo sư trả lời: Những giới nguyện cần tuân thủ là gốc và những nhánh và vân vân. Sự tuân thủ chúng là giữ cho thân, ngữ, tâm con không hủy hoại chúng. Khi áp dụng điều này một cách thực nghiệm vào dòng hiện sinh của con, những giới nguyện cần tuân thủ và sự tuân thủ chúng – tất cả những gốc thân, ngữ, và tâm, cùng với bốn nhánh chính – không gì khác hơn bản tánh tương tục của tâm con. Nhận biết tâm không không khuyết điểm này thì được biết như là điểm trọng yếu để thành tựu những giới nguyện. Tsogyal, lời dạy này là quan trọng nhất, ta ban cho con.

Khi tôi, cô gái Tsogyal, với một tâm kém cỏi,

Cầu xin Liên Hoa Sanh, một đạo sư hóa thân,

Tôn kính với thân, ngữ, và tâm,

Tôi nhận lời dạy này, sự giải thích những điểm trọng yếu.

Cho những người trong tương lai, tôi viết ra thành bản.

Không thích hợp cho sự truyền rộng, tôi giấu chúng trong một kho tàng.

Nguyện chúng gặp người tiền định, có những nối kết nghiệp,

Và tịnh hóa những màn che để người ấy đạt được cấp độ người bảo trì trí huệ.

Đây là lời dạy tinh túy những điểm trọng yếu, vòng pháp được đóng ấn giao phó tôi viết ra trên Đỉnh Cây Tùng Xù của những Ngọc Trai Pha Lê trong năm Con Thỏ ngày hai mươi lăm tháng thứ ba mùa hè.

ẤN KHO TÀNG 

ẤN GIẤU KÍN 

ẤN GIAO PHÓ 

-------------------------

(1) trong bản văn gốc khác, Shri Singha định nghĩa Ati là “tự hiện hữu không sanh khởi”.

(2) Shri Singha nói: “Biết (rigpa) là cái biết sự tỉnh thức bổn nguyên vốn là kinh nghiệm thân chứng”.

Xem mục lục