VÒNG CHỈ DẠY THẬM THÂM QUA HỎI VÀ ĐÁP
NAMO GURU
Đạo sư Padmakara sinh ra từ một bông sen, không nhiễm ô vì phải vào một thể xác. Ngài trải qua nhiều loại thực hành khổ hạnh và cuối cùng đạt được mức độ làm chủ đời sống của Vidyadhara và trụ ở đó, cắt đoạn dòng sông sanh và tử.
Ngài dạy 84.000 pháp môn. Ngài hiểu tiếng nói của sáu loại chúng sanh và tám loại trời, thần. Với giọng nói như Phạm Thiên, Ngài đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sanh.
Tâm thức Ngài chứng ngộ toàn giác. Ngài thấu hiểu bản tánh siêu vượt khỏi sanh diệt và trong bản tánh của mọi vật Ngài không phân biệt thiên vị.
Với mọi phẩm tánh thâu đạt được từ chính mình, Ngài là nền tảng và nguồn gốc của mọi điều tốt đẹp và cao cả. Ngài thiện xảo trong những phương tiện để hóa độ tất cả chúng sanh.
Hoạt động của Ngài cảm ứng tâm của các Bậc Thiện Thệ và Ngài kiểm soát sinh lực tâm ý của tám loại trời, thần.
Padmakara sinh ra trên một hòn đảo trong đại dương và trị vì vương quốc Uddiyana. Ngài tu hành ở tám nghĩa địa. Trải qua những thực hành khổ hạnh ở Ấn Độ, vì lòng bi Ngài đã đến Tây Tạng. Ngài đáp ứng mong mỏi của vua Tây Tạng và an lập các vương quốc Ấn Độ và Tây Tạng trong hòa bình.
Đạo sư từ ái này đã nhận tôi, Tsogyal,công chúa xứ Kharchen khi tôi mười ba tuổi, tôi chỉ là một cô gái có lòng tin, nhân ái và tâm hồn vị tha, tính kiên trì và trí thông minh nhạy bén.
Trong một trăm mười một năm,(1) Đạo sư đã ở lại Tây tạng. Tôi phụng sự Ngài và làm vui lòng Ngài. Không bỏ sót điều gì, Ngài đã ban cho tôi toàn bộ tinh chất những giáo huấn khẩu truyền của Ngài, tinh túy của tâm Ngài. Trong thời gian này, tôi sưu tập và ghi lại tất cả những lời dạy Ngài đã ban và cất giấu chúng như những kho tàng quý giá.
MƯỜI NỀN TẢNG CỦA SỰ TU HÀNH
Đạo sư nói: Khi thực hành Pháp, con phải tu hành hoàn hảo mười nền tảng của sự tu hành.
Công chúa Tsogyal hỏi: Cái gì là mười nền tảng của sự tu hành?
Đạo sư nói: Con phải tự quyết trạch[23] qua cái thấy, có được sự thấu hiểu tất cả giáo lý, như chim Garuda bay vút trên bầu trời.
Con phải tìm thấy sự xác tín qua hạnh, không ngại sợ bất cứ thứ gì, như một con voi băng vào nước.
Con phải thành tựu mục tiêu qua những giáo huấn, giải thoát tất cả các Pháp vào trong bản tánh của con, như tìm ra một viên ngọc như ý.
Con phải tiến bộ dần dần qua những truyền Pháp, thoát khỏi sự sợ hãi phải rơi lại vào sanh tử, như một hoàng tử bước lên ngôi vua.
Con phải giữ căn cứ nền tảng qua những thệ nguyện cam kết, không để cho bất cứ hành động nào của con bị phung phí, như đất màu mỡ.
Con phải giải thoát hiện thể của con qua sự học, trở thành người đệ tử trong mọi phương diện của Pháp như một con ngựa phá tung những xiềng xích.
Con phải so sánh tất cả các nguồn giáo lý, thấu hiểu mọi trường phái triết học của Pháp, như một con ong tìm một tổ ong để chứa mật.
Con phải cô đọng chúng thành một điểm duy nhất, thấu hiểu rằng tất cả mọi giáo lý vô số đều cùng một vị, như một người buôn bán cộng lại các tiền lời của mình.
Con phải đạt đến sự trổi vượt về trí tuệ, thấu hiểu rõ ràng và rạch ròi ý nghĩa của tất cả các giáo lý, như lên đến đỉnh của ngọn núi Tu Di.
Người Tây Tạng ham thích học mà không tu hành những điểm này đều không học được trong nghĩa thiết yếu, nên chỉ thành những hành giả đầy phe phái. Đó là vì lỗi lầm đã không trở thành đệ tử trong mười nền tảng thiết yếu.
MƯỜI LỖI LẦM
Đạo sư Padma nói: Con sẽ có mười lỗi lầm khiến không thể thành công trong việc thực hành Pháp khi con không trở thành đệ tử trong mười nền tảng của sự tu hành.
Công chúa Tsogyal hỏi: Những nền tảng đó là gì?
Đạo sư nói: Nếu con không quyết trạch được qua cái thấy, con sẽ có lỗi lầm là con sống nơi nào cũng không có được sự xác tín.
Nếu con không tìm thấy sự xác tín qua hạnh, con sẽ có lỗi lầm là không thể hợp nhất cái thấy và hạnh.
Nếu con không biết làm thế nào thực hành nhờ phương tiện chánh định, con sẽ không thấy biết được Pháp tánh.
Nếu con không thành tựu mục tiêu qua những giáo huấn khẩu truyền, con sẽ không biết làm thế nào thực hành.
Nếu con không tiến bộ dần dần qua những truyền Pháp, con sẽ thích hợp để thực hành Pháp.
Nếu con không giữ căn cứ nền tảng qua những thệ nguyện cam kết, con sẽ gieo trồng hạt giống cho những cõi địa ngục.
Nếu con không giải thoát hiện thể của con qua sự học, con sẽ không nếm được vị của Pháp.
Nếu con không so sánh tất cả các nguồn giáo lý, con sẽ không cắt đoạn được tính bè phái của những trường phái triết học.
Nếu con không cô đọng chúng thành một điểm duy nhất, con sẽ không thấu hiểu gốc của Pháp.
Nếu con không đạt đến sự trổi vượt về trí tuệ, con sẽ không thấy biết bản tánh của Pháp.
Những người thầy tâm linh trên danh nghĩa không tu hành theo Pháp sẽ không hiểu được rằng Pháp thoát khỏi những giới hạn phe phái. Họ tấn công lẫn nhau với những thành kiến sâu nặng. Bởi vì tất cả các thừa đều có giá trị tự thân, con chớ dấn thân vào sự tranh cãi. Hãy thong dong tự tại.
MƯỜI ĐIỂM THEN CHỐT
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp con phải có mười điểm then chốt.
Công chúa Tsogyal hỏi: Mười điểm then chốt là gì?
Đạo sư nói: Con phải có điểm then chốt là niềm tin là không dao động thất thường, như một dòng sông chảy mãi.
Con phải có điểm then chốt là lòng bi không thù địch, như mặt trời tỏa sáng khắp nơi.
Con phải có điểm then chốt là sự rộng lượng bố thí không thành kiến, như một suối nước vô tư.
Con phải có điểm then chốt là thệ nguyện cam kết không vết rạn nứt, như một trái cầu pha lê.
Con phải có điểm then chốt là thiền định không sáng hay tối, như bầu trời lúc rạng đông.
Con phải có điểm then chốt là hạnh không nhận hay bỏ, như những con chó và con heo.
Con phải có điểm then chốt là quả không được hay mất, như đến một hòn đảo toàn bằng vàng ròng.
Con phải thèm khát Pháp như một người sắp chết đói thèm thức ăn hay người sắp chết khát tìm nước uống.
Bất luận thế nào, có vẻ người ta không thực hành Pháp như là điểm chính yếu, thay vào đó chỉ xem của cải là đích nhắm của họ. Con không thể đem theo sự giàu có của con khi chết, thế nên hãy bảo đảm rằng con không đi vào các cõi thấp.
MƯỜI LOẠI HỜI HỢT BỀ NGOÀI
Đạo sư Padma nói: Có nhiều người để cho sự thực hành Pháp của họ thành sự hời hợt bề ngoài.
Công chúa Tsogyal hỏi: Điều ấy thế nào?
Đạo sư nói: Là hời hợt bề ngoài khi tụng tán kinh kệ mà không có niềm tin.
Là hời hợt bề ngoài khi vị tha mà không cảm thấy lòng bi.
Là hời hợt bề ngoài khi rộng lượng bố thí mà không thoát khỏi keo kiệt.
Là hời hợt bề ngoài khi là một hành giả Mật thừa mà không giữ những thệ nguyện cam kết.
Là hời hợt bề ngoài khi là một nhà sư mà không giữ giới nguyện.
Là hời hợt bề ngoài khi tỏ ra cao cả mà không thiền định.
Là hời hợt bề ngoài khi có kiến thức mà không thực hành Pháp.
Là hời hợt bề ngoài khi dấn thân vào một Pháp môn mà không có tinh túy của thực hành.
Là hời hợt bề ngoài khi dạy cho những người khác mà tự mình lại không hành động phù hợp với Pháp.
Là hời hợt bề ngoài khi cho lời khuyên nhủ mà bản thân người ta không theo.
Bất luận là thế nào, ta đã chán nghe những người uyên bác mà sự thực hành Pháp của họ không thuần hoá được tâm thức của chính họ mà họ chỉ để cho nó thêm lên phiền não nhiễu loạn, bất cứ điều gì họ nói không là gì cả ngoài sự nói năng cạn cợt.
MƯỜI LOẠI THỔI PHỒNG HOANG ĐƯỜNG
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp có mười loại thổi phồng hoang đường.
Công chúa Tsogyal hỏi: Chúng là gì?
Đạo sư nói: Là hoang đường khi tuyên bố hiểu biểt Pháp mà chưa từng nghe những giáo lý.
Là hoang đường nếu con tuyên bố có những thần lực mà chưa từng thực hành sadhana.
Là hoang đường nếu con tuyên bố nhận được những ban phước gia bị mà chưa từng có lòng sùng mộ.
Là hoang đường nếu con tuyên bố đã đạt đến Pháp tánh mà chưa từng thiền định.
Là hoang đường nếu con tuyên bố đã tìm được một vị thầy mà chưa từng phụng sự Ngài.
Là hoang đường nếu con tuyên bố đã giải thoát nhờ một giáo lý mà không có dòng truyền thừa.
Là hoang đường nếu con tuyên bố có chứng ngộ mà không có những giáo huấn khẩu truyền.
Là hoang đường nếu con tuyên bố bản thân được giải thoát mà chưa từng làm một thực hành nào.
Là hoang đường nếu con tuyên bố có thực hành khi mà không có tinh tấn.
Là hoang đường nếu con tuyên bố có những hoàn cảnh thuận lợi tốt lành khi mà không giữ những thệ nguyện cam kết.
Bất luận thế nào, người muốn thực hành dễ dàng mà không phải chịu những khó nhọc đều chỉ là những kẻ khoác lác và không bao giờ thành công.
TRÁNH MƯỜI LỖI LẦM
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, con phải chắc chắn không rơi vào mười lỗi lầm.
Công chúa Tsogyal hỏi: mười lỗi lầm đó là gì?
Đạo sư nói: Dù con có thể thực hành thiền định, nếu điều đó không trở thành một món thuốc trị dứt những phiền não và loạn tưởng của con, thì con có lỗi lầm là những giáo huấn khẩu truyền không được làm cho hiệu quả.
Dù con có thể nhận biết tâm thức con, nếu điều đó không giải thoát con khỏi thức phân biệt thiên chấp, thì con có lỗi lầm là đã không gặp được giáo huấn đặc biệt.
Dù con có thể có sùng mộ mạnh mẽ, nếu con không nhận được những ban phước, thì con có lỗi lầm là đã không nối kết với một vị thầy thành tựu.
Dù con có thể rất nỗ lực, nếu sự thực hành của con không tiến bộ, thì con có lỗi lầm là tâm thức con chưa được tịnh hóa đầy đủ.
Nếu con cảm thấy mệt mỏi khi đi vào thực hành tâm linh, thì con có lỗi lầm là đã không nhận biết trạng thái bổn nhiên của tánh giác của con.
Dù con thực hành, nếu tâm thức con vẫn phân tán, thì con có lỗi lầm là đã không có được sự tự tin trong thiền định.
Nếu kinh nghiệm không sanh khởi trực tiếp từ trạng thái tâm thức con, thì con có lỗi lầm là đã lạc vào shamatha (thiền chỉ).
Nếu sức mạnh của tỉnh giác không sanh khởi trong hiện thể[24] của con, thì con có lỗi lầm là không biết làm thế nào dùng những hình tướng xuất hiện như những trợ giúp cho con đường.
Nếu con cảm thấy khó khăn cắt đứt sự bám níu của con vào phiền não, thì con có lỗi lầm là không biết làm thế nào để dùng năm độc như con đường.
Nếu con không thể đương đầu với khổ đau và những khó khăn, thì con có lỗi lầm là không biết làm thế nào để xoay tâm thức con khỏi sanh tử.
Bất luận thế nào, khi con cho rằng mình thực hành Pháp mà vẫn còn đầy đủ những lỗi lầm ở bên trong, làm sao có được cơ may nào gặp những hoàn cảnh tốt đẹp?
MƯỜI PHẨM TÍNH ĐỨC HẠNH
Đạo sư Padma nói: Con cần mười đức hạnh như dấu hiệu đã thực hành Pháp.
Công chúa Tsogyal hỏi: Mười đức hạnh ấy là gì?
Đạo sư nói: Nếu con có thể chiến thắng tư tưởng phân tán vọng động, đó là dấu hiệu đã nhận biết trạng thái tự nhiên của tánh giác.
Nếu trí tuệ của tinh túy tâm biểu lộ không thiên chấp, đó là dấu hiệu những giáo huấn khẩu truyền đã có hiệu quả.
Nếu con thấy biết thầy của con là một vị Phật chân thực, đó là dấu hiệu đã phát sanh lòng sùng mộ đối với thầy.
Nếu con nhận được những ban phước gia bị không trở ngại, đó là dấu hiệu dòng truyền thừa của các thành tựu giả (siddha) không bị đứt đoạn.
Khi nỗ lực áp dụng tỉnh giác, nếu con có thể chuyển đổi trạng thái của tâm thức con một cách không trở ngại, đó là đức hạnh đã tu hành năng lực trọn vẹn của tỉnh giác.
Nếu con cảm thấy không mệt mỏi dù con thực hành suốt ngày đêm, đó là đức hạnh đã đạt đến điểm then chốt của tâm-khí (khí: prana)
Nếu không có sự khác biệt nào về sự sáng tỏ dù con thực hành hay không thực hành, đó là dấu hiệu đã đạt được tự tin trong thiền định.
Nếu con có thể tự nhớ đến Pháp tánh bất kể tư tưởng hay hình tướng nào xảy ra với con, đó là dấu hiệu đã dùng những hình tướng xuất hiện như những trợ giúp trên con đường.
Nếu xác chết của những phiền não không khởi sanh hay dù có khởi sanh, nếu nó được làm bình lặng tức thời, đó là dấu hiệu đánh tan tự nhiên năm độc.
Nếu con bất bại đối với khổ đau và những khó khăn, đó là đức hạnh đã hiểu vô thường là tính chất của sanh tử.
Bất luận thế nào, những đức hạnh xuất hiện từ trong chính con khi Pháp mọc lên như mặt trời trong hiện thể con. Những người Tây Tạng không có đức tin, siêng năng hay trí thông minh sẽ khó có những đức hạnh khởi sanh từ bên trong họ.
MƯỜI DẤU HIỆU
Đạo sư Padma nói: Khi con chịu ảnh hưởng của Pháp, sẽ có mười dấu hiệu.
Công chúa Tsogyal hỏi: Mười dấu hiệu ấy là gì?
Đạo sư nói: Khi sự chấp thủ của con giảm đi, đó là dấu hiệu đã trục xuất được ác ma bám trụ vào hiện hữu cụ thể.
Khi sự bám luyến của con giảm bớt, đó là dấu hiệu thoát khỏi khao khát tham muốn.
Khi những phiền não của con giảm bớt, đó là dấu hiệu năm độc đã được lặng dứt bên trong.
Khi sự vị kỷ của con giảm đi, đó là dấu hiệu đã trục xuất được ác ma chấp ngã.
Khi con thoát khỏi mê mờ rối rắm và không bám giữ một điểm qui chiếu nào cả, đó là dấu hiệu tri giác mê lầm của con đã sụp đổ.
Khi con thoát khỏi những ý niệm về người thiền định và đối tượng thiền định, và không bao giờ mất cái thấy về bản tính bổn nguyên của mình, đó là dấu hiệu con đã gặp bà mẹ pháp tánh[25] .
Khi bất cứ tri giác nào khởi lên như một kinh nghiệm cá nhân không thiên chấp, đó là dấu hiệu đã đạt đến cốt lõi của cái thấy và thiền định.
Khi đã giải quyết sanh tử và niết bàn là không thể phân chia, đó là dấu hiệu sự chứng ngộ đầy đủ đã sanh khởi bên trong.
Tóm lại, khi con không bám vào thậm chí cả thân thể của mình, đó là dấu hiệu hoàn toàn thoát khỏi tham luyến.
Khi con vẫn không bị tác hại bởi khổ đau và những khó khăn, đó là dấu hiệu đã thấu hiểu những hình tướng là huyễn.
Khi con chỉ có một mức độ nhỏ tám mối quan tâm thế gian, đó là dấu hiệu đã nhận biết bản tánh của tâm.
Bất luận thế nào, khi những dấu hiệu bên trong của con biểu hiện ra bên ngoài, đó cũng giống như một cái cây trở lá. Khi những dấu hiệu bên ngoài được người khác ghi nhận đó cũng giống như quả của cây đó đã chín muồi và có thể ăn được.
Có nhiều người thực hành Pháp không có thậm chí cả một phẩm tánh đức hạnh nào. Người chứng ngộ thì cực kỳ hiếm hoi, thế nên thiết yếu là con hãy nỗ lực thực hành thiền định.
MƯỜI SỰ KIỆN
Đạo sư Padma nói: Đối với tất cả người nào có thể thực hành Pháp, có mười điều kiện.
Công chúa Tsogyal hỏi: Mười sự kiện đó là gì?
Đạo sư nói: Khi sự có mặt của những giáo lý của Đức Phật trùng hợp đồng thời với sự đạt được thân người của một ai, đó là sự kiện người đó đã có sự tích tập công đức và trí tuệ trong những đời trước.
Khi một người ưa thích Pháp và một vị thầy có giáo huấn khẩu truyền gặp gỡ, đó là sự kiện giống như một người mù tìm được một viên ngọc như ý.
Khi sự đạt được thân người toàn vẹn trùng hợp với có niềm tin và trí thông minh, đó là sự kiện dòng tương tục nghiệp quả của việc tu hành đời trước đã được đánh thức.
Khi con giàu có mà lúc ấy gặp những người ăn xin, đó là sự kiện đã tới thời của bố thí ba la mật.
Khi cái hồ của khốn khổ tràn đầy lúc con cố gắng dấn thân vào thực hành tâm linh, đó là sự kiện nghiệp xấu và những che chướng của con đang được tịnh hóa.
Nếu con gặp sự thù nghịch không có lý do khi đang cố gắng xoay tâm thức con về Pháp, đó là sự kiện đấy là một người hướng dẫn đưa con trên con đường nhẫn nhục.
Khi sự thấu hiểu của con về tính vô thường của các sự việc có điều kiện và niềm tin toàn hảo của con trùng hợp với sự nhận được những giáo huấn sâu sa, đó là sự kiện đã tới thời để xoay tâm thức con xa lìa đời sống của một người thế gian.
Khi nỗi sợ chết của con trùng hợp với cái chết của một người khác, đó là sự kiện đã tới thời cho lòng tin đặc biệt sanh khởi.
Bất luận thế nào, nếu trước tiên con cố gắng hoàn thành những theo đuổi thế gian và sau đó hoạch định việc thực hành Pháp, thì quả là lạ lùng nếu con sẽ tìm thấy cơ hội để làm được như vậy! Thế nên chỉ một số ít được giải thoát khỏi sanh tử.
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp có bảy loại hư thối.
Công chúa Tsogyal hỏi: Chúng là gì?
Đạo sư nói: Nếu lòng tin của con thì nhỏ trong khi trí thông minh của con lớn, con trở nên hư thối bằng cách tự xem mình là một vị Thầy.
Nếu con có nhiều người đến nghe Pháp trong khi sự tự cao của con là lớn, con trở nên hư thối bằng cách tự xem mình là một thiện tri thức.
Nếu con tỏ ra có những phẩm tánh cao cả trong khi không tự mình thực hành chúng, con trở nên hư thối bằng cách làm một nhà chuyên môn về Pháp không có thực chất.
Nếu con thích nói những lời lảm nhảm vô nghĩa trong khi không có Pháp trong lòng, con trở nên hư thối bằng cách làm một thiền giả bịp bợm tham lam.
Nếu con có chút việc học trong khi thiếu những giáo huấn khẩu truyền, con trở nên hư thối bằng cách làm một kẻ tầm thường dù lòng tin của con có thể lớn.
Một hành giả chân chính hành động phù hợp với những lời dạy chân thật cần giải thoát mình với trí thông minh, thuần hóa tâm thức mình với lòng tin, cắt đứt tà kiến bằng các giáo huấn khẩu truyền, vất bỏ những quan tâm xã hội, hoà trộn tâm thức mình với Pháp, hoàn thiện hiểu biết với nghe và suy nghĩ, giải quyết tâm thức mình với những giáo huấn khẩu truyền, và đạt được sự xác tín tối hậu qua cái thấy và thiền định. Tuy nhiên, điều ấy là khó khăn.
HIỂM NGUY CỦA NHỮNG LẦM LẪN
Đạo sư Padma nói: Có thể có nhiều loại lầm lẫn với những người đã đi vào cửa Pháp. Hãy cẩn thận!
Công chúa Tsogyal hỏi: Những lầm lẫn ấy là gì?
Đạo sư nói: Có thể lầm lẫn một người thầy đã nghiên cứu thông minh mà cho là một thiện tri thức đã giải thoát qua học hỏi và tư duy.
Có thể lầm lẫn một chuyên gia về Pháp không thực chất, không tự mình thực hành mà cho là người đã có kinh nghiệm qua thực hành cá nhân.
Có thể lầm lẫn một người đạo đức giả lừa dối mà cho là một người cao cả đã điều phục tâm thức mình qua thực hành Pháp.
Có thể lầm lẫn những lời trống rỗng của sự hùng biện rỗng tuếch mà cho là sự chứng ngộ của người có những giáo huấn khẩu truyền.
Có thể lầm lẫn một người khoác lác oang oang về Pháp mà cho là sùng mộ đối với thực hành Pháp của một người có lòng tin.
Bất luận thế nào, con phải hoà trộn tâm thức con với Pháp một cách chắc chắn. Người thực hành Pháp ngoài môi mép tự cho là những hành giả trong khi vẫn để Pháp ở xa bên ngoài họ, sẽ không có thành công nào trong việc thực hành Pháp.
BỐN PHÁP
Đạo sư Padma nói: Con phải chắc chắn sự thực hành Pháp của con trở thành Pháp đích thực. Con phải chắc chắn Pháp của con trở thành con đường đích thực. Con phải chắc chắn con đường của con có thể soi sáng mê lầm. Con phải chắc chắn mê lầm của con (hiện hành) sáng soi như trí tuệ.
Công chúa Tsogyal hỏi: Điều ấy nghĩa là sao?
Đạo sư nói: Khi con có cái hiểu thoát ngoài chấp nhận và chối bỏ sau khi biết làm thế nào cô đọng tất cả mọi giáo pháp vào một thừa duy nhất, bấy giờ sự thực hành Pháp của con sẽ trở thành Pháp đích thực.
Khi ba trạng thái Vipashyana (quán chiếu) phúc lạc, sáng tỏ, và vô niệm hiện ra, chúng chính là Pháp thân.
Bất luận thế nào, có nhiều người trụ tâm vào một trạng thái shamatha (an định) trơ trơ. Qua đó họ sẽ tái sanh vào các cõi thiền của chư thiên hay dù họ không đầu thai, họ cũng sẽ không thể làm lợi lạc gì cho chúng sanh.
MƯỜI THỆ NGUYỆN
Đạo sư Padma nói: Quy y và giữ những thệ nguyện là gốc của sự thực hành Pháp.
Công chúa Tsogyal hỏi: Vào lúc nào lời thệ nguyện quy y và những thệ nguyện khác khởi sanh trong bản thân mình?
Đạo sư nói: Thệ nguyện quy y khởi sanh vào lúc con cảm thấy sợ những cõi thấp và có đức tin vào Tam Bảo.
Thệ nguyện của một cư sĩ khởi sanh vào lúc con tin vào luật nhân quả của những hành động.
Thệ nguyện của một sa di khởi sanh vào lúc tâm con muốn xa lìa khỏi sanh tử.
Thệ nguyện của một tỳ kheo khởi sanh vào lúc tâm con muốn xa lìa mọi tà hạnh.
Thệ nguyện Bồ đề tâm nguyện vọng khởi sanh vào lúc từ lòng bi, con thấy bản thân con bình đẳng với những người khác.
Thệ nguyện Bồ đề tâm áp dụng khởi sanh vào lúc con thấy người khác quan trọng hơn bản thân mình.
Khi trong bất cứ thực hành nào, con có quy y và Bồ đề tâm, và đã hợp nhất hai giai đoạn phát triển và thành tựu, phương tiện và trí tuệ, bấy giờ Pháp của con trở thành con đường đích thực.
Khi con phối hợp con đường với cái thấy, thiền định, hạnh và quả, bấy giờ con đường của con soi sáng mê lầm.
Khi con hiến mình vào thực hành mà đã xác quyết trọn vẹn cái thấy và thiền định, bấy giờ mê lầm của con có thể hiện hành sáng soi như trí tuệ.
Bất luận thế nào, bất kể Pháp nào con đang thực hành, nếu không hợp nhất được giai đoạn phát triển và thành tựu, cái thấy và hạnh, phương tiện và trí tuệ, thì cũng giống như cố gắng đi chỉ bằng một chân.
TRÁNH CÁC CÕI THIỀN
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, quan trọng là tránh để cho sự thực hành biến thành một thừa thấp.
Công chúa Tsogyal hỏi: Điều ấy nghĩa là sao?
Đạo sư nói: Cốt yếu là tránh bám chấp vào ba trạng thái shamatha phúc lạc, sáng tỏ và vô niệm. Nếu con bám chấp vào chúng, con không thể thoát khỏi trở thành một Thanh Văn hay Độc Giác Phật.
Người Tây Tạng nhìn sự thực hành quy y là giáo pháp thấp nhất. Những tu sĩ không có giới luật. Những người tự xưng là thực hành Đại thừa thì không có Bồ đề tâm. Những hành giả Mật thừa thì không giữ những thệ nguyện của họ. Những thiền giả thì không có sự thiền định chân thực.
Sẽ khó có những thành tựu giả ở Tây tạng.
NHỮNG THỆ NGUYỆN CỦA THÂN, NGỮ, TÂM
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp con phải giữ những thệ nguyện, nhưng điều đó kó khăn.
Công chúa Tsogyal hỏi: Người ta nên giữ gìn những thệ nguyện như thế nào?
Đạo sư nói: Khi tri giác Đạo sư của con là một vị Phật trong hình tướng con người, con có được thệ nguyện của thân giác ngộ.
Khi tri giác lời nói và giáo lý của Ngài là viên ngọc như ý, con có được thệ nguyện của ngữ giác ngộ.
Khi tri giác những giáo huấn bằng miệng của Ngài là cam lồ, con có được thệ nguyện của tâm giác ngộ.
Khi con thôi chấp nhận hay chối bỏ Bổn Tôn Yidam, con có được thệ nguyện của thân.
Khi con không có nghi ngờ về Mật chú, con có được thệ nguyện của ngữ.
Khi con hiểu nghĩa trạng thái tự nhiên của tâm thức, con có được thệ nguyện của tâm.
Bất luận thế nào, những thệ nguyện là thanh tịnh khi tâm con thanh tịnh.
MƯỜI LĂM HOÀN CẢNH CHỐNG TRÁI
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, có thể có mười lăm hoàn cảnh chống trái mà con phải từ bỏ.
Công chúa Tsogyal hỏi: Chúng là gì?
Đạo sư nói: Nói chuyện phiếm, đùa bỡn và khinh xuất là ba chướng ngại cho thiền định, thế nên hãy từ bỏ chúng.
Những bà con, bạn bè và đệ tử là những trệch hướng của thực hành Pháp, thế nên hãy từ bỏ chúng.
Vật chất, làm ăn và hưởng thụ là ba thứ xao lãng của việc thực hành Pháp, thế nên hãy từ bỏ chúng.
Lợi, danh và vinh dự là ba trụ cột trói buộc của việc thực hành Pháp, thế nên hãy từ bỏ chúng.
Những uể oải và lười biếng là ba kẻ thù tinh quái của thực hành Pháp, thế nên hãy từ bỏ chúng.
Bất luận thế nào, điều nguy hiểm nhất là bị thuyết phục lơ là với sự thực hành Pháp.
MƯỜI LĂM HOÀN CẢNH THUẬN LỢI
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, con nên có mười lăm hoàn cảnh thuận lợi.
Công chúa Tsogyal hỏi: Chúng là gì?
Đạo sư nói: Học, suy nghĩ và thiền định là ba khuôn khổ căn bản nhất của việc thực hành Pháp.
Siêng năng, niềm tin và tín nhiệm là ba trụ cột đời sống của thực hành Pháp.
Hiểu biết, kỷ luật và lòng tốt là ba đặc tính của thực hành Pháp.
Không tham luyến, không bám chấp và không trụ trước là ba yếu tố hài hòa cho sự thực hành Pháp.[26]
Bất luận thế nào, không có lấy một hành giả thực hành Pháp nào ở đây có dù chỉ ba trong những điều kiện ấy. Thật khó khăn tùy thuận với những nguyên lý chính của Pháp.
HAI MƯƠI MỐT LOẠI VÔ ÍCH
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, có hai mươi mốt loại vô ích, phù phiếm.
Công chúa Tsogyal hỏi: Chúng là những gì?
Đạo sư nói: Phát Bồ đề tâm là vô ích nếu con không từ bỏ làm hại chúng sanh.
Nhận những quán đảnh là vô ích nếu con không giữ những thệ nguyện.
Học nhiều giáo pháp là vô ích nếu chúng không làm lợi lạc cho tâm của chính con.
Hoàn thiện những thiện căn là vô ích nếu chúng bị trộn lẫn với những ác hạnh.
Theo một Đạo sư là vô ích nếu con luôn luôn dấn thân vào việc xấu.
Trở nên một vị thầy là vô ích nếu từ bỏ thực hành Pháp và phạm vào việc xấu.
Tiến hành một công việc là vô ích khi nó cũng xúc tiến tám mối quan tâm thế gian (được, mất; sướng, khổ; khen, chê; danh tiếng và tiếng xấu).
Theo một vị thầy là vô ích khi con luôn luôn chống đối với chúng sanh, họ là những cha mẹ của chính con.
Tuyên bố rằng con sợ hãi những địa ngục là vô ích nếu con thường xuyên dấn thân vào ác hạnh.
Thực hiện những việc bố thí là vô ích nếu con không bao trùm chúng với Bồ đề tâm và không có lòng tin.
Phát những lời nguyện là vô ích nếu con không có quyết tâm giữ gìn chúng.
Thực hành nhẫn nhục là vô ích nếu con không bao trùm sự nổi giận của con bằng phương thuốc đúng đắn.
Thực hành thiền định là vô ích nếu tâm con luôn luôn chìm trong hôn trầm hay trạo cử.
Nỗ lực tinh tấn là vô ích khi nó không nhắm đến con đường giác ngộ.
Phát triển kiến thức sai lầm làm tăng thêm đố kỵ và năm độc khác là vô ích
Thực hành một giáo pháp Đại thừa là vô ích khi thiếu con đường đại bi.
Thực hành thiền định là vô ích khi không hiểu bản tánh của tâm thức con.Nhận lãnh những giáo huấn khẩu truyền là vô ích nếu con không đưa chúng vào thực hành.
Hành động vì lợi lạc của chúng sanh là vô ích khi không bao trùm những hành động ấy với Bồ đề tâm.
Bất luận thế nào, dù những việc ấy là vô ích và dù không cần nhiều hoạt động như vậy, người ấu trĩ sẽ không chịu nghe.
BỐN LOẠI KHÔNG TRỞ LẠI
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, con phải sở hữu bốn loại không trở lại
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là những loại nào?
Đạo sư nói: Bằng việc nhớ cái chết, con sẽ không rơi trở lại vào những quan tâm cho cuộc đời này.
Bằng cách trau dồi những quả của mười thiện nghiệp con sẽ không rơi lại vào ba cõi thấp.
Bằng cách trau dồi lòng từ bi con sẽ không rơi trở lại những thừa thấp.
Bằng cách thiền định về tánh Không con sẽ không rơi trở lại vào sanh tử.
Bất luận thế nào, khi thực hành Pháp con cần xoay tâm con xa lìa khỏi những quan tâm của cuộc đời này.
BỐN VIỆC KHÔNG ĐƯỢC XẢY RA
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp có bốn việc không nên để cho xảy ra. Chúng cần phải được loại bỏ.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là bốn việc gì?
Đạo sư nói: Nếu con không nhớ đến cái chết, con sẽ không tìm thấy thời giờ để thực hành Pháp.
Nếu do thiếu niềm tin vào nhân quả con không từ bỏ những ác hạnh, con sẽ không tìm ra cơ may để đạt đến những cõi cao và sự giải thoát.
Nếu con không sợ hãi những khổ não của sanh tử và không phát tâm từ bỏ, con sẽ không có thành công trong những thực hành đưa đến giải thoát.
Nếu con mong muốn đạt giải thoát cho chỉ mình con mà không phát khởi ý định đạt giác ngộ vì tất cả chúng sanh, con sẽ không có cơ may đắc quả Phật trọn vẹn.
Nói chung, nếu con không xa lìa khỏi những mục tiêu hữu hạn của cuộc đời này, con sẽ không có thành công trong sự thực hành bất luận giáo pháp nào. Thậm chí ít có ai từ bỏ những quan tâm thế gian.
LỢI DỤNG
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, con phải lợi dụng bốn thứ vô ích.
Công chúa Tsoyal hỏi: Đó là bốn thứ gì?
Đạo sư nói: Để lợi dụng thân xác vô ích, hãy tuân thủ giới luật của con môt cách trong sạch.
Để lợi dụng của cải vô ích, hãy bố thí trong Bồ đề tâm.
Để lợi dụng những điều kiện tốt nhưng rốt ráo là vô ích, hãy tích tập công đức như là nhân và tích tập trí tuệ như là quả.
Để lợi dụng cái học vô ích, hãy nỗ lực với sự thực hành tiềm ẩn ý nghĩa.
Trừ phi con biết làm thế nào lợi dụng trong những cách này, bất cứ việc gì con làm đều là hoạt động thế tục.
NĂM ĐIỀU KHÔNG LỖI LẦM
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, con phải có năm điều không lỗi lầm.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là năm điều gì?
Đạo sư nói: Con phải tuân thủ nhưng giới luật và những lời nguyện của con một cách không lỗi lầm.
Con phải luôn luôn không lỗi lầm trong thực hành từ bi và Bồ đề tâm.
Khi soi rọi luật nhân quả của các hành động tạo nghiệp, con phải xa lánh dù hành động xấu nhỏ nhất một cách không lỗi lầm.
Khi thiền định về Đạo sư của con là một vị Phật, con phải luôn luôn quán tưởng Ngài trên đỉnh đầu con một cách không lỗi lầm.
Bất luận thế nào, con phải không lỗi lầm khi tham thiền rằng mọi hiện tượng đều là tánh Không.
THỰC HÀNH SÁU BA LA MẬT
Đạo sư nói: Khi thực hành Pháp, con phải thực hành nhờ sáu ba la mật.
Công chúa Tsogyal hỏi: Thực hành chúng như thế nào?
Đạo sư nói: Khi con không chứa chấp một chút keo kiệt hay thành kiến nào trong tâm, đó là Bố thí ba la mật.
Khi con có thể thanh toán những phiền não của con một cách thiện xảo, đó là Trì giới ba la mật.
Khi con hoàn toàn thoát khỏi giận dữ và ác cảm, đó là Nhẫn nhục ba la mật.
Khi con không lười biếng cũng không uể oải, đó là Tinh tấn ba la mật.
Khi con thoát khỏi xao lãng và bám luyến vào mùi vị của thiền định, đó là thiền định ba la mật.
Khi con rốt ráo thoát khỏi những ý niệm được tạo tác, đó là trí tuệ ba la mật.
BA LOẠI THEO ĐUỔI
Đạo sư nói: Khi thực hành Pháp, có ba loại theo đuổi.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là ba loại nào?
Đạo sư nói: Người bậc thấp chỉ theo đuổi những hoạt động vì những đời tương lai, không cố gắng trong các hoạt động khác. Như vậy thế nào nó cũng sẽ đạt đến những cõi cao.
Người bậc trung thấy mệt mỏi với toàn bộ sanh tử, chỉ theo đuổi những hoạt động thiện hạnh. Như vậy, thế nào nó cũng đạt được giải thoát.
Người bậc cao chỉ theo đuổi sự thực hành Bồ đề tâm vì tất cả chúng sanh. Như vậy, thế nào nó cũng đạt giác ngộ viên mãn.
Nói chung, mọi mục tiêu người ta theo đuổi từ sáng sớm đến tối mịt đều chỉ vì thú vui của đời này. Bị tán loạn bởi những phiền não tiêu cực trong đời này, không cách gì họ không đi đến những cõi thấp trong những đời tới.
SÁU CÁCH THƯƠNG TIẾC THẬT SỰ
Đạo sư padma nói: Người thực hành Pháp cảm thấy buồn thương lớn lao trước cái chết của của những người thân thuộc. Đó không phải là cách đúng đắn. Khi thực hành Pháp, có sáu điều để thương tiếc.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là sáu điều nào?
Đạo sư nói: Khi xa rời một Đạo sư lỗi lạc, con phải thương tiếc bằng cách cúng dường tang lễ.
Khi xa rời một bạn đạo tốt, con phải thương tiếc bằng cách gom góp những tích tập.
Khi con trái với thầy con, con phải thương tiếc bằng cách sám hối.
Khi con làm hư hại hay phá vỡ những lời nguyện, con phải thương tiếc bằng cách tái lập và tịnh hoá chúng.
Khi con đã không thể thực hành thời gian lâu dài, con phải thương tiếc bằng cách theo một đạo sư.
Khi tâm thức con lạc vào tám mối quan tâm thế gian, con phải thương tiếc bằng cách cảm thấy sự từ bỏ sâu sa.
Bất luận thế nào, ai không hiểu rằng những sự vật do huyễn là vô thường sẽ không bao giờ làm cạn kiệt hay xóa sạch sự đau buồn của nó.
BỐN VIỆC TRỒNG TRỌT
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, con phải có bốn việc trồng trọt.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là bốn việc gì?
Đạo sư nói: Con phải cày đất tâm gồ ghề khô cứng của con bằng đức tin kiên cố.
Con phải dùng phân mềm của sự thay đổi thái độ của con bằng sự thực hành thiền định.
Con phải gieo những hạt giống tốt của đức hạnh bằng cách tiến hành chúng với Bồ đề tâm.
Con phải phá hủy hoàn toàn năm độc và mọi tư tưởng lan man bằng cách để cho người cầy rấy siêng năng cột chặt lưỡi cày trí tuệ vào cặp bó cày, hợp nhất phương tiện và hiểu biết.
Nếu con làm như vậy không cách gì những mầm giác ngộ không lớn lên thành quả Phật.
Bất luận thế nào, có quá nhiều người không thể làm việc trồng trọt cho vụ mùa giải thoát, trong khi không hề mệt mỏi trồng trọt thế gian. Thật là những chúng sanh đáng thương.
TÁM LOẠI IM LẶNG
Đạo sư Padmanói: Khi thực hành Pháp, con cần giữ tám loại im lặng.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là tám loại gì?
Đạo sư nói: Để giữ sự im lặng của thân, hãy ở trong những chốn ẩn cư mà không rơi vào bất cứ cực đoan nào. Qua đó con sẽ xa lìa đam mê và xung động.
Để giữ sự im lặng của ngữ, hãy sống như một người câm. Qua đó con sẽ không bị xao lãng khỏi thực hành tâm linh do nói chuyện phiếm với người khác.
Để giữ sự im lặng của tâm, chớ để cho mình bị những tư tưởng lan man và những phóng dật ngự trụ. Điều này cho phép con trụ trong bản tánh vốn sẵn của Pháp thân vượt khỏi tư tưởng.
Để giữ sự im lặng của những lạc thú giác quan, hay buông bỏ những ý niệm về thức ăn thanh tịnh hay không thanh tịnh. Điều này sẽ làm cho sự sống đơn giản và sẽ khiến các Dakini tụ hội.
Để giữ sự im lặng của những giáo huấn truyền miệng, chớ đem chúng cho những người không thích hợp. Điều này sẽ làm cho con nhận được những ban phước của dòng.
Để giữ sự im lặng của hạnh, hãy hành động một cách tự nhiên và không chút đạo đức giả. Điều này sẽ giúp cho sự tiến bộ và ngăn ngừa tâm con không tích tập những che ám.
Để giữ sự im lặng của kinh nghiệm, hãy tự do với bám luyến hay hay bị hấp dẫn bởi những kinh nghiệm của con và không kể chúng cho những người khác. Điều này sẽ khiến con đạt được thành tựu Đại Ấn trong kiếp này.
Để giữ sự im lặng của chứng ngộ, hãy thoát khỏi tham vọng và nghỉ ngơi mà không rơi vào bất cứ cực đoan nào. Điều này sẽ làm cho con được giải thoát tức thời vào khoảnh khắc chứng ngộ.
Nói chung, người không thể thực hành dù chỉ trong thời gian một bữa ăn, người không thể ở im lặng cho đến khi thời trì tụng chấm dứt, và người không thể đóng cái mồm liếng thoắng của họ, sẽ không có chút thành công nào trong việc giữ im lặng.
NHỮNG DỤ DỖ CỦA MA
Đạo sư Padma nói: Những người thực hành Pháp không để ý khi nào họ bị ma lừa gạt.
Công chúa Tsogyal hỏi: Thế nghĩa là gì?
Đạo sư nói: Những người có quyền năng bị lừa gạt bởi Ma kiêu hãnh và tự phụ.
Những người có địa vị cao bị lừa gạt bởi Ma hùng biện và vọng tưởng.
Những người bình dân bị lừa gạt bởi Ma không sáng suốt và ngu dốt.
Những người giàu bị lừa gạt bởi Ma những mục tiêu bận rộn và thăng tiến của cải của họ.
Những người thực hành Pháp bị lừa gạt bởi Ma gia tăng những sở hữu vật chất của họ.
Họ bị lừa gạt bởi Ma lo nuôi nấng con cái, chúng là những chủ nợ nghiệp của họ.
Họ bị lừa gạt bởi Ma ẩn trong sự tôn kính của những đệ tử.
Họ bị lừa gạt bởi Ma ẩn trong sự thương yêu của những người phục vụ và phụ tá.
Họ bị lừa gạt bởi Ma ẩn trong sự thù ghét của những kẻ thù.
Họ bị lừa gạt bởi Ma ẩn trong những lời âu yếm của những thân thuộc.
Họ bị lừa gạt bởi Ma ẩn trong vẻ đẹp của đồ trang sức.
Họ bị lừa gạt bởi Ma ẩn trong những tiếng nói dịu dàng và lời ngọt ngào.
Họ bị lừa gạt bởi Ma tham luyến của chính họ.
Họ bị lừa gạt bởi Ma sắc đẹp và thèm khát yêu thương.
Tất cả nỗ lực của con trong những hành động mê vọng là sự dụ dỗ của Ma.
Năm độc trong bản thân con là Ma của tâm thức con.
Sáu đối tượng giác quan vẫn còn nguyên là những khuynh hướng thói quen là Ma của những sự vật bên ngoài.
Bám vào mùi vị của định là Ma của những hiện tượng bên trong.
Mong chờ quả trong Đại Toàn Thiện (Dzogchen) là Ma của kiến.
Mọi phẩm tánh cao cả cũng là Ma.
Mọi vô minh và mê lầm cũng là Ma.
Bởi vậy Ma lớn nhất là chấp ngã. Nó không hiện hữu ở đâu khác ngoài chính bản thân con. Con phải giết ma quỷ này từ bên trong. Nếu con làm như vậy, nó sẽ không còn đến từ bên ngoài.
Chỉ có điều là quá nhiều người không nhận biết Ma này.
BỐN PHẨM TÍNH CĂN BẢN
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, con phải có bốn phẩm tính căn bản.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là bốn phẩm tính nào?
Đạo sư nói: Người có đại bi sẽ có Bồ đề tâm.
Người thoát khỏi đạo đức giả có thể giữ giới.
Người không có lừa dối có những thệ nguyện thanh tịnh.
Người thoát khỏi sự giả bộ màu mè sẽ không có hổ thẹn với bạn bè xu thời dua nịnh.
Bất luận thế nào, nếu con có niềm tin lớn lao thì con cũng sẽ có thành công trong việc thực hành Pháp và nếu con quyết tâm con sẽ có thể giữ những lời nguyện. Để thực hành Pháp con phải thận trọng: hãy kiên cố như một cái xương ở lõi tim con.
ĐOẠN TẬN NĂM ĐỘC
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, con phải cắt đứt năm độc ở tận rễ.
Công chúa Tsogyal hỏi: Như vậy nghĩa là sao?
Đạo sư nói: Người giận dữ mạnh thì có khổ lớn nhất.
Người ngu si thì giống như một con thú và không thể hiểu Pháp.
Người kiêu mạn lớn thì không thể hấp thụ những đức hạnh và có nhiều kẻ thù.
Người tham muốn mạnh thì không thể giữ những lời nguyện và hay bị nói xấu.
Người ganh tị nhiều thì có nhiều tham vọng mạnh mẽ và thích thú trong những mưu mô.
Chớ có theo đuổi năm món độc này, con giết chúng từ bên trong bằng cách mở thả chúng ngay từ khoảnh khắc chúng sanh khởi.
Người dấn thân vào năm độc một cách không tự chế thì đang tạo sự khốn khổ cho chính họ.
THUẦN HÓA TÂM THỨC MÌNH
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, trước tiên con phải thuần hóa tâm thức của chính con.
Công chúa Tsogyal nói: Như vậy nghĩa là sao?
Đạo sư nói: Con phải làm tắt lửa giận thiêu đốt với nước của lòng từ.
Con phải vượt qua sông tham muốn trên chiếc cầu của những phương thức chữa lành mạnh mẽ.
Con phải thắp lên ngọn đuốc của hiểu biết phân biện trong bóng tối của ngu si.
Con phải đập tan núi kiêu mạn thành đất bằng với cái chày tinh tấn.
Con phải chiến thắng cơn bão ganh tị bằng cách mặc áo quần ấm áp của nhẫn nhục.
Bất luận thế nào, năm độc này là những đại kẻ thù truyền kiếp của con, chúng sẽ hủy hoại con trong ba cõi sanh tử nếu con buông lung thả lỏng chúng. Chớ để chúng chạy rộng khắp nẻo. Điều ấy rất nguy hiểm.
NĂM DẤU HIỆU CỦA SỰ THẤY
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, con phải có năm dấu hiệu của sự thấy.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là năm dấu hiệu gì?
Đạo sư nói: Con phải thấy bản tánh không bản chất của tâm, vượt ngoài ngôn ngữ của giáo pháp thiêng liêng.
Con phải thấy rằng những hình tướng hiện thời này vốn tự giải thoát không thể trụ bám.
Con phải thấy rằng bất cứ kinh nghiệm nào khởi lên đều là đại lạc phi vật chất.
Với tôn kính và sùng mộ, con phải thấy Đạo sư của con là một vị Phật bằng xương bằng thịt.
Bất luận thế nào, khi thực hành Pháp con phải thấy mọi sự không thể bám trước.
NĂM SỞ ĐẮC
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp con phải có năm loại sở đắc.
Công chúa Tsogyal hỏi: Năm loại đó là gì?
Đạo sư nói: Không bỏ rơi giáo huấn truyền miệng của Đạo sư vì lười biếng, con phải sở đắc sự áp dụng thực sự vào thực hành.
Con phải sở đắc lợi lạc cho chính mình bằng cách dấn thân vào thực hành.
Con phải sở đắc khả năng hướng dẫn những đệ tử vì lợi lạc cho người khác bằng cách có sự trao truyền những ban phước.
Con phải sở đắc sự chứng đắc cái tự nhiên không tạo tác bằng cách giải phóng những hình tướng vào trong Pháp tánh.
Con phải sở đắc sự chứng đắc tâm con là Pháp bằng cách nhận ra khuôn mặt tự nhiên của con (bản lai diện mục).
Những hành giả Tây tạng ngày nay nếu không sở đắc dù chỉ một trong những điều ấy sẽ không thành tựu một nguyện vọng nào cả của họ.
NĂM LOẠI VĨ ĐẠI
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, con phải có năm loại vĩ đại.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là năm loại vĩ đại gì?
Đạo sư nói: Con phải có một vị Thầy với sự vĩ đại của giáo huấn khẩu truyền.
Những giáo huấn này cũng phải tiềm ẩn sự vĩ đại của con đường sâu xa và phương tiện thiện xảo.
Tự con phải có sự vĩ đại của sức mạnh để chịu đựng khó nhọc.
Con phải có sự vĩ đại của nguyện vọng với việc thực hành Pháp.
Con phải có sự vĩ đại của quyết tâm trong thực hành.
Khi cố gắng thoát khỏi luân hồi, trừ phi con sở đắc năm điều này, nếu không con sẽ không thành công.
NĂM LOẠI THÀNH THẠO
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp con phải có năm loại thành thạo.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là năm loại gì?
Đạo sư nói: Do đạt được thành thạo tự nhiên đối với Pháp, con phải sở hữu sự biết một cái khiến giải thoát cho tất cả.
Do đạt được chứng ngộ Pháp tánh, con phải để cho cái vô sanh mọc lên ngời sáng trong bản thân con.
Do đạt được thành thạo tự nhiên với thệ nguyện, con phải sở đắc sự không kẽ nứt, không khuyết điểm của tâm.
Do đạt được thành thạo với khí qua nỗ lực thực hành, con phải có thể chịu đựng gian khổ.
Do đạt được thành thạo với những giáo huấn khẩu truyền, con phải có thể dạy người ta theo căn cơ của họ.
NĂM ĐIỀU VÔ ÍCH
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, có năm điều vô ích.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là những điều gì?
Đạo sư nói: Không từ bỏ sanh tử mà phát sanh sùng mộ là vô ích.
Không xa lìa bám níu vào vật chất mà tham Thiền tánh Không là vô ích.
Không xa lìa khao khát mà thực hành thiền định là vô ích.
Không xa lìa bám luyến và hung bạo mà trình bày một giáo huấn khẩu truyền là vô ích.
Cho lời khuyên nhủ rất siêu phàm mà không hợp với nghĩa khế cơ (chân lý tương đối)[27] là vô ích.
NĂM ĐIỀU CẦN THIẾT
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp có năm điều cần thiết.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là những điều nào?
Đạo sư nói: Được các bậc cao cả chấp nhận để con có thể nắm lấy tinh túy của các giáo huấn khẩu truyền là cần thiết.
Có lòng sùng mộ sâu sa và không dứt đối với vị Thầy của con để con có thể tự nhiên nhận lãnh những ban phước là cần thiết.
Gom góp một mức độ tích tập công đức và trí tuệ nào đó để tâm con có thể nhu nhuyễn là cần thiết.
Tâm con phải nhu nhuyễn để cho định có thể hiện khởi trong con là cần thiết.
Định ấy hiện khởi trong con để con nhanh chóng đạt đến trạng thái toàn giác của Phật quả là cần thiết.
NĂM LỜI NÓI DỐI
Đạo sư Padma nói: Khi tự nhận là một hành giả, có năm điều trở thành nói dối.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là những điều gì?
Đạo sư nói: Là một lời nói dối khi nói rằng con sợ tái sanh trong tương lai nhưng vẫn hoàn toàn mê đắm cuộc đời này.
Là một lời nói dối khi nói rằng con có quy y nhưng vẫn phạm vào những hành động mà không sợ ba cõi thấp.
Là một lời nói dối khi nói rằng con là một thiền giả nhưng tâm vẫn không xa lìa khao khát.
Là một lời nói dối khi nói rằng con đã hiểu cái kiến (cái thấy) nhưng không biết nhân quả.
Là một lời nói dối khi nói rằng con là Phật nhưng chưa vượt qua khỏi vực thẳm sanh tử.
Có nhiều người tự nhận là hành gải của Pháp và nói dối với người khác và với chính mình. Lúc qua đời, mọi lời nói dối sẽ đè lên chính họ.
NĂM LỜI NHẤT ĐỊNH
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp người ta cần có sự chỉ dạy năm lời nhất định.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là năm lời nào?
Đạo sư nói: Không có thiền định, chắc chắn kinh nghiệm và chứng ngộ sẽ không xảy ra.
Nếu phương tiện và trí tuệ bị tách lìa trong thực hành Đại thừa, chắc chắn con sẽ rơi vào mức độ Thanh Văn.
Nếu con không biết làm thế nào hợp nhất Kiến và Hạnh, chắc chắn con sẽ đi một con đường lạc lối.
Không có sự chứng ngộ thực sự tinh túy của tâm (bản tánh của tâm), nhất định vẫn hiện hữu thiện và ác, tốt và xấu.
Không chứng ngộ tự tâm con, chắc chắn con sẽ không thành Phật.
NĂM VIỆC VÔ ÍCH
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp có năm việc vô ích, phù phiếm, hãy tránh chúng!
Công chúa Tsogyal hỏi: đó là năm loại gì?
Đạo sư nói: Là vô ích khi theo một vị Thầy không sở hữu tinh túy của những giáo huấn.
Là vô ích khi ban những giáo pháp cho một đệ tử không giữ vững những cam kết của nó.
Là vô ích khi biết những giáo pháp mà con không sử dụng và đưa vào thực hành.
Là vô ích khi áp dụng những thiền định không làm tiến triển tâm thức của con.
Là vô ích khi dấn thân vào những giáo pháp nông cạn, bàn luận suông không giúp gì cho chính con.
Nói chung, có nhiều người thực hành việc vô ích. Bởi vì vô minh họ không biết sự khác biệt giữa cái gì lợi lạc và cái gì vô ích, phù phiếm.
SÁU PHẨM TÍNH CAO CẢ
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, con phải sở hữu sáu phẩm tính cao cả.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là sáu phẩm tính gì?
Đạo sư nói: Để thông thạo kiến, con phải hiểu rằng mọi sự đều là tâm.
Để thoát khỏi đạo đức giả trong việc hành trì, con phải xua tan những nhiễm ô cho tâm thức trong sáng.
Để thực hành sự bố thí rộng lượng, không thành kiến, con phải thoát khỏi hy vọng được biết ơn hay đền đáp.
Để có thể đối mặt với những khó khăn, bằng nhẫn nhục con phải thoát khỏi sự tức giận với kẻ thù.
Để tu hành tâm thức qua học hỏi và tư duy, con phải có thể dùng năm độc và những kinh nghiệm khổ đau như là con đường.
Để thiền định con phải tránh không bị Ma của hành động công đức lôi cuốn[28] .
Tuy nhiên những hành giả ở đây không hành động tương tứng với Pháp.
BỐN THIẾU SÓT
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp con phải bỏ bốn loại thiếu sót.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là bốn loại gì?
Đạo sư nói: Thực hành nhàn nhã thì không đủ, sự thực hành của con phải không ngừng như một dòng sông đang chảy.
Đạt kinh nghiệm trông thấy những tinh linh thì không đủ, con phải giải thoát tâm thức con nhờ thực hành Pháp.
Đạo đức giả trong hạnh kiểm thì không đủ, nó phải tự nhiên và tự phát.
Biểu lộ tôn kính và nguyện hứa thì không đủ, con phải thực sự phụng sự dưới chân một Đạo sư.
Bất luận thế nào, những hành giả ở đây không thoát khỏi bốn điều thiếu sót này, vào lúc chết họ sẽ chết như một người thường và gặt hái những hậu quả.
TỰ PHỤ KHOE KHOANG
Đạo sư Padma nói: Những hành giả ấy là những kẻ khoác lác tự đánh giá mình quá cao, họ còn tệ hơn những người thường.
Công chúa Tsogyal hỏi: Như thế nghĩa là sao?
Đạo sư nói: Họ tự nhận là thực hành Pháp và theo một Đạo sư. Họ tuyên bố họ cai quản một tu viện và làm những lể cúng rầm rộ. Họ nhận là họ nỗ lực thực hành tâm linh và có những thấy biết cao siêu. Họ tuyên bố là họ nhập thất chặt chẽ và sở hữu những giáo pháp cao nhất. Cố gắng lừa dối người khác bằng những hành vi giả đạo đức trong khi không thoát khỏi tự phụ thế gian sẽ chỉ là nguyên nhân của hối tiếc vào lúc chết!
MƯỜI BỐN ĐIỀU BỎ LẠI ĐẰNG SAU
Đạo sư Padma nói: Nếu con muốn thực hành pháp từ sâu thẳm của lòng mình, có mười bốn điều con phải bỏ lại đằng sau.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là những điều gì?
Đạo sư nói: Hãy là một đứa con của con nai hoang dã và sống trong những chốn núi non biệt lập.
Hãy ăn ít, hãy thực hành khổ hạnh hấp thu tinh túy.[29] Chớ rong chơi giữa đẳng cấp cao ở kinh đô , hãy giữ hạnh kín đáo ẩn mình.
Hãy hành động theo cách làm vui lòng những người thù địch và cắt đứt mọi ràng buộc với quê hương.
Hãy mặc quần áo bằng vải bô và hãy khiêm hạ.
Hãy bỏ sự bám luyến họ hành thân thuộc, bạn bè và cắt đứt mọi ràng buộc.
Hãy cố gắng bắt chước chư Phật và dấn thân vào thực hành.
Hãy giao phó lòng mình cho những giáo huấn khẩu truyền và áp dụng chúng vào thực hành.
Hãy xem Bổn Tôn của con là tinh túy trong sâu nhất và hãy trì tụng thần chú của Ngài.
Hãy coi những ác hạnh là xấu xa nhất và từ bỏ chúng.
Hãy rộng rãi với Đạo sư của con và cúng dường Ngài bất cứ thứ gì con có thể.
Hãy bỏ sanh tử lại đằng sau và khởi sanh sự chán ngán mệt mỏi đối với nó.
Hãy dâng hiến chiến thắng của con cho những người khác và không tranh đua.
Hãy nhận lấy thất bại về phần mình và phô bày những lỗi lầm của riêng mình.
Do làm theo cách này, sự thực hành Pháp của con sẽ tiến bộ như chánh pháp và con sẽ xa lìa sanh tử.
BA BỆNH PHẢI BỎ
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp có ba bệnh con phải bỏ.
Công chúa Tsogyal hỏi: Đó là ba bệnh nào?
Đạo sư nói: Trừ phi con bỏ quê nhà, căn bệnh xứ sở, con sẽ bị bắt nhốt trong ngục tù năm độc và rơi vào ba cõi thấp.
Trừ phi con từ bỏ sự bám víu vào sở hữu nhà cửa và tài sản, căn bệnh chỗ ở, con sẽ bị bắt nhốt trong ngục tối của bám níu, chấp ngã và không thể cắt đức Ma tham luyến.
Trừ phi con bỏ con cháu và gia đình, căn bệnh bà con, con sẽ bị bắt nhốt trong đầm lầy của sanh tử và không có cơ may giải thoát.
Thật vậy, cần có một sự chịu đựng lớn lao để sống trong căn nhà sanh tử mà không bỏ ba bệnh này và vẫn không lưu tâm đến việc bị hành hạ bởi căn bệnh của ba độc.
CÁCH GIẢI THOÁT KHỎI SANH TỬ
Đạo sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, có những cách giải thoát khỏi sanh tử.
Công chúa Tsogyal hỏi: Chúng ta phải làm gì?
Đạo sư nói: Nếu con muốn khởi lên lòng sùng mộ phi thường, hãy quan sát những đức hạnh bên ngoài và bên trong Đạo sư của con.
Nếu con muốn hành động hòa hợp với mọi người, chớ do dự lừng khừng trong nỗ lực làm lợi lạc cho những người khác.
Nếu con muốn chứng ngộ tâm của Đạo sư, hãy đưa những giáo huấn khẩu truyền của Ngài vào thực hành.
Nếu con muốn đạt được những thành tựu (siddhi) nhanh chóng, chớ bao giờ không giữ những thệ nguyện của con.
Nếu con muốn thoát khỏi bốn dòng nước dữ sanh, già, bệnh ,chết, hãy không ngừng giải quyết cái nền tảng của tất cả (Lun-gzhi, Alaya) vốn vô sanh.
Nếu con muốn không có những chướng ngại trong thực hành, hãy ném bỏ những xao lãng thế gian đằng sau con.
Nếu con muốn hoàn thành không cố gắng lợi lạc của những người khác, hãy tu hành tâm thức con trong Bồ đề tâm của từ bi vô lượng.
Nếu con sợ đi vào ba cõi thấp trong đời tới, hãy bỏ mười hành động không đức hạnh trong kiếp này.
Nếu con muốn có hạnh phúc trong cả đời này và những đời sau, hãy cố gắng làm mười thiện hạnh.
Nếu con muốn đưa tâm con thâm nhập vào Pháp, hãy kiên trì thực hành cả trong khó nhọc và khốn khổ.
Nếu con muốn xa lìa sanh tử, hãy tìm kiếm giác ngộ vô thượng ở trong tâm của chính con.
Nếu con muốn hoàn thành quả tức là ba thân, hãy cố gắng thu thập hai sự tích tập.
Nếu con thực hành như vậy, con sẽ tìm thấy hạnh phúc. Người không xoay tâm thức họ khỏi sanh tử thì không bao giờ có hạnh phúc.