1. Quán vô ngã và chân tâm, để diệt trừ bản ngã, trở về chân tâm thanh tịnh.
2. Ngăn ngừa việc ác: biết xấu hổ, ăn năn sám hối tội cũ, và ngăn ngừa việc ác phát sinh.
3. Nuôi lớn căn lành: siêng năng lễ bái, tụng kinh, niệm Phật, cúng dường Tam Bảo, tùy hỷ việc lành, tán thán công đức, giúp đỡ tha nhân, v.v...
Hạnh bố thí
Người Phật tử mới vào đạo, đức Phật dạy cho họ hạnh bố thí, cúng dường Tam Bảo. Đức Phật và chư tăng đi khất thực cũng là gieo duyên cho chúng sinh tập bố thí. Phật tử Nam tông rất quen thuộc với hạnh bố thí, cúng dường chư tăng, nhưng phần đông làm để cầu phước báo đời sau. Phật giáo Bắc tông dạy lục độ ba la mật, trong đó Bố thí ba la mật là hạnh đầu tiên của hàng Bồ tát. Hành giả Bồ tát muốn thành Phật thì trước tiên cũng phải tu hạnh bố thí. Bố thí là hạnh đầu tiên cho hàng Phật tử sơ cơ và hàng Bồ tát sơ phát tâm, nhưng cũng là mục đích cuối cùng của Phật Đạo.
Ý nghĩa thông thường của bố thí là ban ra, cho ra, làm ơn cho kẻ khác, nhưng ý nghĩa sâu xa của hạnh bố thí là xả, xả ngã và ngã sở. Xả tiền tài, của cải thân mạng là xả ngã sở. Xả tâm niệm xan tham, bỏn sẻn, ích kỷ, chỉ biết lợi mình là xả ngã.
Khi mới vào đạo thì Phật tử tu bố thí để cầu phước đức, nhưng khi hiểu sâu lẽ đạo, muốn giải thoát thì phải xả cái ngã và ngã sở. Để trở về chân tâm thì Phật tử lại càng phải tu bố thí nhiều hơn nữa, vừa tu bố thí vừa quán vô ngã, đó là bố thí ba la mật, tức là bố thí đi kèm với trí tuệ, nhờ đó sinh ra công đức.
Cùng một việc bố thí mà sinh ra phước đức hay công đức khác nhau. Nếu không hiểu vô ngã, chỉ do lòng tin hoặc từ bi mà bố thí thì sinh phước đức, đời sau giàu sang, phú quý. Nếu hiểu vô ngã, bố thí để xả ngã, ngã sở, tâm san tham, thì sinh ra công đức. Công đức khác với phước đức ở chỗ đưa hành giả đến giải thoát sinh tử, còn phước đức khiến cho hành giả được hưởng sung sướng trong kiếp vị lai.
Có nhiều người trí thức, hiểu biết giáo lý kinh điển, cho việc tự tu tự lực, kiến tánh, giác ngộ là quan trọng, còn việc bố thí, cúng dường, làm phước là việc tầm thường dành cho đàn bà con nít, tâm tính yếu đuối hay cầu cạnh tha lực. Nhưng đó là chưa hiểu ý nghĩa thâm sâu của hạnh bố thí.
Tâm chúng sinh quen chấp ngã, ngã sở nên không biết bố thí, mà ngược lại thích vơ vét ôm đồm mọi thứ cho nên rất cần phải tu bố thí. Ban đầu tu bố thí, bạn tập cúng dường vài đồng, rồi từ từ lên tới vài trăm, vài ngàn mà không thấy tiếc của. Kế tiếp, trong lúc bố thí bạn tập quán chiếu trên đời này không có cái gì thực sự là của Ta hết, tất cả chỉ là vay mượn, do nhân duyên đến rồi đi, cho ra được tức là xả bỏ ngã chấp. Càng cho ra nhiều thì ngã chấp càng nhẹ đi, càng mau giải thoát, cho nên hàng bồ tát tinh tấn thực hành bố thí. Tiến xa hơn nữa, hành giả thực hành bố thí thân mạng, xả bỏ đầu, mắt, tay, chân, như trong chuyện tiền thân của Phật Thích Ca lúc còn làm bồ tát. Trong sự chấp ngã, chấp thân là Ta là cái chấp nặng nhất, lớn nhất, rất khó trừ cho nên làm được tức là đã tiến rất xa trên Bồ tát đạo. Ở đây tôi không nói bạn phải tu bố thí tới mức đó, mà chỉ khuyên bạn nếu chưa phát tâm tu hạnh bố thí thì hãy bắt đầu. Nếu đã biết bố thí và bố thí một cách tự nhiên thì nên tiếp tục và quán chiếu thêm vô ngã để sinh ra công đức giải thoát.
Trong việc bố thí, người nữ thường bố thí dễ dàng hơn người nam. Trong xã hội, người nam thường có bổn phận đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, nên có thói quen đem tiền về nhiều hơn là đem tiền ra. Còn người nữ với chức năng người mẹ, thường cho ra, cho con bú, cho con ăn, con đòi gì cũng cho dễ hơn cha, nên dễ bố thí. Người nam không quen bố thí tiền của, nhưng lại dễ bố thí công sức, sẵn sàng ra công giúp chùa, xây cất, đào hồ, cắt cỏ, trồng cây, đúc tượng, v.v... Dù bố thí dưới hình thức nào đi nữa, bố thí là một hạnh tu đáng được khen ngợi và cần thiết trên con đường tu hành giải thoát.