Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

PHẦN CHÁNH TÔN 

CHÁNH VĂN 

Ngài gọi ông Xá Lợi Tử dạy rằng: "Này Xá Lợi Tử ! năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) chẳng khác với "không" (Bát Nhã), "không" chẳng khác với năm uẩn tức là "không" (Bát Nhã), "không" tức là năm uẩn. 

LƯỢC GIẢI 

Đại ý đoạn này nói: Năm uẩn tức là: "không" (Bát Nhã), "không"tức là năm uẩn. 

Nói năm uẩn tức là nói tất cả các pháp. Tất cả các pháp có hai phần: Tánh và Tướng. Tánh của các pháp thì không có hình tướng. Kinh gopị là "không tướng" (thị chư phàp không tướng). Bởi "không tướng" nên không sai khác, không sanh diệt, không hư hoại v.v...cũng gọi là thật tướng, chơn tướng, chơn tánh, chơn không, chơn như hay chơn tâm v.v... 

Tướng của các pháp thì có hình tướng, như năm uẩn hay các pháp sai khác, có sanh diệt, hư dối không thật, rốt cuộc hoàn không. Kinh chép: "Ngũ uẩn giai không". 

Thí dụ như vòng, kiềng, xoa, xuyến là "tướng" của vàng; băng, tuyết, mù sương, nước đá là "tướng" của nước, đều có sanh diệt, hư giả không thật, rốt cuộc đều trở về không. Còn "tánh" của vàng hay "tánh" của nước thì không có các tướng:dài, ngắn, vuông, tròn v.v...(dụ cho không tướng). Vì "không tướng" nên không sanh diệt hư hoại; dụ như thật tướng, chơn tướng hay chơn không v.v...(Đây chỉ là thí dụ cho dễ hiểu, chứ không phải "vàng" hay "nước" là thật tướng hay chơn tướng v.v...). 

Đoạn kinh này có hai từng đạo lý, cạn và sâu khác nhau. Từng đạo lý thứ nhất, dùng hai chữ "chẳng khác": 

Năm uẩn "chẳng khác" với không 

Không "chẳng khác" với năm uẩn. 

Nghĩa là đem "năm uẩn" với "chơn không" để so sánh nhau: Lấy "năm uẩn" so sánh với "chơn không" không khác; và lấy "chơn không" để so sánh với:năm uẩn"cũng không khác. Tuy không khác, nhưng có người hiểu: vẫn còn một bên "năm uẩn" và một bên "chơn không". Cũng như nói "sóng và nước không khác", nhưng vẫn còn chấp; sóng và nước hai thứ riềng biệt. 

Đến từng đạo lý thứ hai, có phần sâu hơn, lại dùng hai chữ "tức là": 

Năm uẩn "tức là" không 

Không "tức là" năm uẩn. 

Nghĩa là: "năm uẩn" tức là "chơn không", "chơn không" tức là "năm uẩn". Năm uẩn với chơn không, không còn hai phần riêng biệt nữa. Cũng như nói: sóng tức là nước, nước tức là sóng, không có riêng khác. 

Từng đạo lý thứ nhứt nói: Năm uẩn "chẳng khác" với Không, Không "chẳng khác" với Năm uẩn, tức là nói: 

Tướng của các pháp "chẳng khác" với tánh của các pháp. Tánh của các pháp "chẳng khác" với Tướng của các pháp. Cũng như nói: Kẹo (tướng) "không khác" với đường (tánh); Đường "không khác" với kẹo. 

Từng đạo lý thứ hai nói: Năm uẩn "tức là" Không. Không "tức là" Năm uẩn; tức là nói: 

Tướng của các pháp "tức là" Tánh của các pháp. Tánh của các pháp "tức là" Tướng của các pháp. Cũng như nói: Kẹo (tướng) "tức là" Đường (tánh); Đường "tức là" kẹo. 

Muốn rõ thêm đoạn kinh này, chúng tôi xin thí dụ như sau: Như người mê ngủ chiêm bao (dụ chúng sanh mê muội) thấy các cảnh vật khô vui v.v...Vì mê mộng nên họ chấp các cảnh vật ấy là thật, rồi cũng vui buồn cười khóc v.v... 

Trái lại, người thức (dụ Bồ Tát tu Trí huệ Bát Nhã) thấy các cảnh chiêm bao kia đều không (ngũ uẩn giai không) nên không bị cãnh chiêm bao làm cho họ khổ sở (độ nhứt thế khổ ách). 

Người thức kia (dụ Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát) biết rằng: Vì tâm chiêm bao hiện ra các cảnh chiêm bao, nên nói: 

"Cảnh chiêm bao (sắc) "không khác" với tâm chiêm bao (không), Tâm chiêm bao "không khác" với cảnh chiêm bao; cảnh chiêm bao "tức là" Tâm chiêm bao, Tâm chiêm bao "tức là" cảnh chiêm bao. 

Lên một từng nữa, Phật day: 

Chúng sanh vì mê bản thể chơn tâm thanh tịnh của mình (chơn không) nân vọng hiện ra thế giới và chúng sanh, tức là cảnh giới của chúng ta sống đây (trong kinh cũng gọi là cảnh đại mộng). Rồi chúng sanh vọng chấp cho là cảnh thật, nên cũng mừng giận khổ vui v.v...cũng như người chiêm bao (tiểu mộng) không khác, nên gọi là "mộng tưởng diên đảo). 

Bồ Tát đã giác ngộ (như người thức tỉnh) dùng Trí huệ Bát Nhã (như trí của người thức) thấy cảnh giới của chúng ta đang sống đây là cảnh đại mộng, đều do tâm hiện ra, nên Bồ Tát dạy: "các pháp đều không" (ngũ uẩn giai không), do tâm hiện ra, nên các pháp chẳng khác với tâm (không), tâm chẳng khác với các pháp; các pháp tức là tâm, tâm tức là các pháp". 

Tóm lại, đồng một bản thể chơn tâm thanh tịnh không khác, nhưng chúng sanh vì vô minh vọng tưởng điên đảo, nên thấy có năm uẩn hay thế giới chúng sanh, rồi theo cảnh đại mộng này mà thọ khổ. 

Trái lại, Bồ Tát đã giác ngộ (người đã thức giấc đại mộng) dùng Trí huệ Bát Nhã thấy cảnh đại mộng này (5 uẩn hay các pháp) đều không, chỉ do tâm hiện ra, nên không còn bị các khổ của cảnh đại mộng nữa (độ nhứt thế khổ ách). 

Vì chúng sanh mê, từ "tánh không" hiện ra "có sắc", nên nói:"sắc, chẳng khác với không", nên nói: " không, chẳng khác sắc", hay không tức là "sắc"   
  

GIẢI DANH TỪ 

XÁ LỢI TỬ: Có nhà dịch "Xá Lợi Phất" hay "Xá Lợi Phất Đa La". Chữ "phất" đồng nghĩa với chữ "Tử"(con). Ông Xá Lợi Tử là bực đại đệ tử của Phật, Trí huệ thứ nhứt. 

Bà mẹ ông tên Xá Lợi, thông minh xuất chúng, biện luận nổi danh trong xứ, nhứt là trong khi có mang ông. 

Theo phong tục Ấn Độ, thường lấy tên mẹ đặt tên con, nên gọi ông là Xá Lợi Tử (hay Phất); nghĩa là con bà Xá Lợi. 

Theo bản dịch của Ngài Thi Hộ chép: "Trong khi Đức ThếTôn ở non Linh Thứu nhập định Thậm thâm quang minh, nói chánh pháp Tam ma đề, thì ông Xá Lợi Phất bạch với Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát rắng: "Nếu có người muốn tu pháp môn thậm thâm Bát Nhã, thì phải tu như thế nào? Nhơn đó ngài Quán Tự Tại gọi ông Xá Lợi Phất mà giảng nói kinh này". 

SẮC, tức là "sắc uẩn": Các vật chất chứa nhóm lại thành ra những hình tướng, như thân thể và cảnh vật, gọi là "sắc uẩn". 

Sắc uẩn gồm 11 món: Năm căn và sáu trần. 

Năm căn là: 

1. Nhãn căn: Con mắt 

2. Nhỉ căn: Lỗ tai 

3. Tỹ căn: Lỗ mũi 

4. Thiệt căn: Cái lưỡi 

5. Thân căn: thân thể 

Sáu trần là: 

1. Sắc trần: Cảng bị thấy của mắt 

2. Thanh trần: Tiếng bị nghe của tai 

3. Hương trần: Mùi bị ngửi của mũi 

4. Vị trần: Vị bị nếm của lưỡi 

5. Xúc trần: Cảnh bị xúc của thân 

6. Pháp trần: Cảnh bị biết của ý thức; tức là "vô biểu sắc". Sắc này không tiêu biểu ra ngoài, nhưng đối với nội tâm (ý thức) chúng ta có thể thấy rõ ràng. 

THỌ, tức là "thọ uẩn". Thọ là lãnh thọ. Sau khi tiếp xúc với cảnh rồi, sanh lãnh thọ. Sự lãnh thọ có năm: 1. Thọ khổ, 2. Thô vui, 3. Thọ buồn, 4. Thọ mừng, 5. Thọ không vui buồn. 

TƯỞNG, tức là "Tưởng uẩn". Tưởng là tưởng nhớ hình tượng của các cảnh. Do sau khi tiếp xúc và lãnh thọ các cảnh khô vui rồi, sanh ra tưởng nhớ. 

HÀNH, tức là "Hành uẩn". Hành là sự thay đổi biến chuyển của tâm niệm. Trong 51 món Tâm sở, trừ Thọ và Tưởng ra, còn 49 món Tâm sở và 24 món Tâm Bất tương ưng, đều thuộc về Hành uẩn. 

THỨC, thức là "Thức uẩn". Thức nghĩa là hiểu biết phân biệt; có khả năng biến hiện ra các cảnh và phân biệt các cảnh. Thức, chia ra làm tám loại: 

1. Nhãn thức: Cái biết của mắt, phân biệt các cảnh sắc. 

2. Nhĩ thức: Cái biết của tai, phân biệt các tiếng tăm. 

3. Tỹ thức: Cái biết của mũi, phân biệt các mùi. 

4. Thiệt thức: Cái biết của lưỡi, phân biệt các vị trần. 

5. Thân thức: Cái biết của thân, phân biệt xúc trần. 

6. Ý thức: Cái biết của ý, phân biệt các pháp trần (cảnh nội tâm). 

7. Mạt na thức: Cái biết thứ 7, chấp thức thứ 8 làm ngã. 

8. A lại da thức: Cái biết thứ 8, chứa chủng tử các pháp 

Vật chất Sắc Sắc pháp II 

Thọ Tâm sở 51 món 91 pháp 

5 UẨN Tưởng Tâm bất hữu vi 

Tinh thần Hành tương ưng 24 

Thức Tâm Vương 8 

KHÔNG, tức đoạn sau nói "Không tướng". Cái "không" đây, không phải hư không, ngoan không hay cái "không" đối với cái có; cũng không phải thủ tiêu hết các vật hữu hình mà nói là không; và cũng không phải cái"không" của Tiểu thừa (Thiên không). 

Cái "không" đây, tức là bản tánh thanh tịnh không có các hình tướng, nên gọi là "không tướng" (tướng không). Vì nó không sanh diệt, không hư dối, nên cũng gọi là "chơn không" hay thật tướng, chơn tướng, chơn tánh, chơn tâm, chơn như v.v... 

Tóm lại, kinh này nói "năm uẩn" tức là bên Duy thức nói "94 pháp hữu vi". Kinh này nói "không" hay "không tướng", tức là bên Duy thức nói "sáu pháp vô vi". 

Kinh này nói: "Sắc chẳng khác với không" hay nói: "Sắc tức là không", là nói"Pháp hữu vi tức là pháp vô vi". 

*** 

CHÁNH VĂN 

Này Xá Lơ Tử ! "Tướng không" (Bát Nhã) của các pháp đây, nó không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt. 

LƯỢC GIẢI 

Đoạn kinh này nói: Tánh (Bát Nhã) của các pháp, không sanh không diệt, không cấu tịnh v.v... 

Đoạn thứ nhứt nói:" Năm uẩn đều không", đoạn thứ hai nói:" Sắc chẳng khác với không", hay " sắc tức là không v.v...", đoạn này nói:? tướng không của các pháp"; chữ "Không" ở trong ba đoạn này đều chỉ cho "Trí huệ Bát Nhã", tức là "Tánh" của các pháp. 

"Tánh" của các pháp không có hình tướng: không có tướng sanh, không có tướng diệt, không có tướng cấu nhiễm của phàm phu, không có tướng thanh tịnh của chư Phật. Khi ngộ nó không thêm, lúc mê nó cũng không bớt. Bởi thế nên cũng gọi là "không tướng" (tướng không), chơn tướng, thật tướng, chơn tánh, chơn tâm, chơn như, chơn không hay thật tướng Bát Nhã v.v... 

Tóm lại, "Tánh" của các pháp là "chơn tâm thanh tịnh sáng suốt", không có các hình tướng, nên gọi là "không tướng" hay "Bát Nhã chơn không". 

GIẢI DANH TỪ 

Pháp: Chỉ chung cho tất cả sự vật: tinh thần, vật chất, hữu hình vô hình, hữu vi vô vi, thánh phàm v.v...Chẳng những bàn ghế v.v...là "pháp", cho đến hư không cũng là "pháp". Bóng trong gương, trăng dưới nước là "pháp", mà lông rùa, sừng thỏ cũng là "pháp", cho đến tư tưởng tâm niệm cũng là "pháp". Phàm những cái gì, tự nó giữ được cái bản chất của nó làm cho người biết được nó là cái gì, thì đều gọi là "pháp". 

Tóm lại, nói rộng là "tất cả pháp", nói hẹp là "năm uẩn?. Nói "năm uẩn là chơn không" tức là nói "các pháp là chơn không". Chính ở nơi các pháp mà nhận tướng "chơn không", chẳng phải ngoài các pháp, riêng có một tướng chơn không". 

*** 

CHÁNH VĂN 

Bởi thế nên, trong "Tướng không" (Bát Nhã) không có 5 uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không có 6 căn là: nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; không có 6 trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; không có 6 thức là: nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. 

LƯỢC GIẢI 

Đoạn kinh này nói: Trong "Tướng không" (Bát Nhã) không có các pháp thế gian. 

Vì "Tướng không" của các pháp (Bát Nhã) không sanh diệt, không cấu tịnh, không tăng giảm v.v...nên trong "Tướng không" (Bát Nhã) không có 5 uẩn, mười hai xứ (6 căn, 6 trần), mười tám giới (6 căn, 6 trần, 6 thức) . cũng như trên màn bạc (dụ Tướng không) không có các hình ảnh. 

Thật ra, nói "năm uẩn" tức là gồm cả mười hai xứ và mười tám giới; trái lại, nói "mười hai xứ", cũng gồm cả năm uẩn và mười tám giới; hay nói "mười tám giới" cũng gồm cả mười hai xứ và năm uẩn. 

Sở dĩ phân chia riêng khác như vậy, là vì Phật phá sự chấp ngã của chúng sanh: Người chấp nặng về phần tinh thần (tâm) là Ngã, thì Phật nói "năm uẩn", chia chẻ tinh thần (tâm) ra làm bốn phần là: thọ, tưởng, hành và thức để phá chấp. Còn "Sắc" không cần chia chẻ. 

Người chấp nặng về phần vật chất (chấp thân) là Ngã, thì Phật nói "mười hai xứ", chia chẻ sắc ra làm 12 phần là 6 căn và 6 trần, để phá chấp. 

Người chấp cả tinh thần (tâm) và vật chất (sắc) làm Ngã, thì Phật nói "mười tám giới" chia chẻ cả tinh thần và vật chất ra làm 18 phần là 6 căn, 6 trần và 6 thức để phá chấp. 

Tóm lại, trong Bát Nhã (Tướng không) không có các pháp của thế gian là năm uẩn, sáu căn, sáu trần và sáu thức. 

GIẢI DANH TỪ 

NĂM UẨN: (xem phần "giải danh từ" của đoạn thứ nhứt, về câu "năm uẩn đều không"). 

SÁU CĂN: (xem phần "giải danh từ" của đoạn thứ hai, về câu "sắc tức là sắc uẩn"). 

SÁU TRẦN: (xem phần "giải danh từ" của đoạn thứ hai, về câu "sắc tức là sắc uẩn"). 

SÁU THỨC: (xem phần "giải danh từ" của đoạn thứ hai, về chữ "Thức tức là thức uẩn). 

*** 

CHÁNH VĂN 

Không có mười hai nhơn duyên, nghĩa là không có "vô minh", và cũng không có "hết vô minh", cho đến không có "lão tử" và cũng không có "hết lão tử". 

LƯỢC GIẢI 

Đoạn kinh này nói:Trong "Tướng không (Bát Nhã) không có 12 nhơn duyên là pháp tu xuất thế gian của Thánh Duyên giác. 

Trong Bát Nhã chơn không, cũng không có 12 nhơn duyên: Về phần lưu chuyển là Vô minh duyên Hành, cho đến duyên Lão tử. Và về phần hoàn diệt là Vô minh diệt thì Hành diệt, cho đến Lão tử diệt. 

Bực Thánh Duyên giác, nhờ quán sự lưu chuyển của 12 nhơn duyên, mà thấu rõ được nguồn gốc của sanh tử luân hồi; và cũng nhờ quán sự hoàn diệt của 12 nhơn duyên mà được ngộ đạo. 

Quán sự "Lưu chuyển" của 12 nhơn duyên như thế nào, mà thấy rõ được nguồn gốc của sanh tử luân hồi? Hành giả quán 12 nhơn duyên xoay vần tiếp nối lẫn nhau, như sợi dây chuyền có 12 khoen: khoen này chuyền khoen kia, khoen kia chuyền khoen nọ, như cái vòng tròn không mối. 

Chúng sanh vì đời trước mê lầm (quá khứ căn bản vô minh) nên tạo ra các nghiệp (hành). Hai món này (vô minh và hành) làm nhơn quá khứ. 

Sau khi chết bị nghiệp lực dẫn dắt tinh thần (thức) đi thọ thân (danh, sắc). Khi thành thân, tất nhiên có 6 căn (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt v.v..) là chỗ của 6 trần phản ảnh vào (lục nhập). Khi có 6 căn tiếp xúc (xúc) với 6 trần, rồi sinh ra lãnh thọ (thọ) sự khổ và vui. Năm món này (thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ) là quả hiện tại. 

Khi thọ quả hiện tại, trở lại tạo nhơn nữa là ưa thích (ái), tìm cầu (thủ), làm sao cho có (hữu). Ba món này (ái, thủ, hữu) làm nhơn hiện tại (tức là chi mạt vô minh). 

Do ưa thích tìm cầu cho được, nên tạo nghiệp để thọ sanh thân sau (sanh). Khi đã có thân (tất nhiên phải có thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ) thì phải già và chết (lão, tử). Ba món này (sanh, lão, tử) là quả vị lai. 

Trong khi thọ quả vị lai, rồi trở lại tạo nhơn nữa (ái, thủ, hữu) để thọ quả vị lai lần nữa, cho đến vô cùng tận. 

(xem biểu đồ) 

Quả hiện tại

(thức, danh sắc, lục nhập, xúc,thọ)

Quả vị lai 

(sanh, lão,tử) 

Quán về sự "Hoàn diệt" của 12 nhơn duyên:Sau khi hành giả quán sát nguồn gốc của sanh tử luân hồi là do 12 nhơn duyên, nhưng trọng tâm là vô minh. Hành giả muốn dứt sanh tử luân hồi, tức nhiên phải diệt trừ vô minh. Nếu vô minh bị diệt trừ thì hành diệt, cho đến lão tử diệt. 

Vô minh có 2 loại: căn bản vô minh, tức là vô minh quá khứ (vô minh, hành), và chi mạt vô minh, tức là vô minh hiện tại (ái, thủ, hữu). Vô minh quá khứ rất khó diệt trừ. Hành giả chỉ có thể diệt trừ vô minh hiện tại là ái, thủ, hữu. Nếu ái, thủ, hữu diệt rồi, thì sanh và lão tử không còn. Không còn sanh và lão tử, thì làm gì có sanh tử luân hồi (xem Phật học Phổ thông khoá thứ tư, giải thích rất rõ). 

Tóm lại, trong Bát Nhã (Tướng không, hay chơn như, chơn tâm v.v...) không có pháp tu xuất thế gian của Thánh Duyên giác là 12 nhơn duyên, cả lưu chuyển và hoàn diệt.  

Xem mục lục